Hàn Mạc Tử: Thơ và Kinh

Quang X Nguyen

Đối với Hàn Mạc Tử, Thơ là Kinh, và Kinh là Thơ. Thơ đã đạt tới Kinh, và Kinh đã nhập vào Thơ
Đối với Hàn Mạc Tử, Thơ là Kinh, và Kinh là Thơ. Thơ đã đạt tới Kinh, và Kinh đã nhập vào Thơ

Một khối tình nức nở giữa âm u,
Một hồn đau rã lần theo hương khói,

Một bài thơ cháy tan trong nắng dọi,
Một lời ru hoi hóp giữa không trung,
Cả niềm yêu ý nhớ, cả một vùng
Hóa thành vũng máu đào trong ác lặn.
(Trường Tương Tư)
Ngày 11, tháng 11, năm 1940, Hàn Mạc Tử trút hơi thở cuối cùng, tại bệnh viện Qui Hòa, sau 4 năm đau đớn vì phong hủi, và 28 tuổi đời giữa độ anh hoa.
Thân thế Hàn Mạc Tử? Chính tác giả vừa phác họa, qua những vần thơ trên, sáng tác trong giờ phút đau thương nhất của cuộc đời: nghèo khổ, bệnh tật, thất tình, cô đơn.... Bao nhiêu đổ vỡ thê thảm, từ tấm “thân tàn ma dại”, đến tương lai sự nghiệp, qua “tình duyên dở dang... uyên ương không đoàn tụ”. Thân phận bi đát ấy, chính người đã hình dung như một “vũng cô liêu”, như “một chiều vàng úa”, lênh láng máu đào của con tim tan vỡ.
Nhưng ý thức tiêu tán đây không dẫn đến hư vô, tận tuyệt. Thân thế Hàn Mạc Tử không phải thấp thoáng bóng quạ kêu, mà có dáng bồ câu siêu thoát. Đôi cánh cứu độ đã giúp người vượt qua vực thẳm tuyệt vọng, vươn lên cõi trường sinh bất diệt, tìm được “phong vị thái hòa của năm muôn năm, trời muôn trời”, là THƠ và KINH.

Trước tàn nhẫn của cuộc đời, Thơ là nguồn an ủi dịu hiền:
“Anh ngâm nga để mở rộng cửa lòng
Cho Trăng Xuân tràn trề say chới với
Cho Nắng hường vấn vương muôn ngàn sợi”
(Trường Tương Tư)
Trước cái mong manh của thế thái nhân tình, Thơ là niềm lưu luyến bất diệt:
Cùng trăng sao bàng bạc xứ Say Mơ
Cùng tình em tha thiết như Văn Thơ
Ràng rịt mãi cho đến ngày tận thế.
(Trường Tương Tư)

Thơ Hàn Mạc Tử không còn là một món tiêu khiển – dù thanh tao – bên chén rượu hay cuộc đời, mà là chính sự sống của người.
“Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn... những thứ ấy là âm điệu của thơ tôi, âm điệu thiêng liêng, tạo ra đang khi máu cuồng rên vang dưới ngòi bút”.
(Tựa Đau Thương)

Với Hàn Mạc Tử, Thơ đã trở thành KINH:
“Lạy Chúa Trời tôi! Hãy ban cho tôi hằng hà sa số là ơn lành, ơn cả... Thơ tôi sẽ rất no, rất ớn, rất nư, trọng vọng như tài hoa, cao sang như nhân đức, chói chan muôn vàn phước lộc”.
Thi nhân trở thành vị tư tế nối liền vạn vật với Tạo Hóa:
Hãy cầu nguyện bằng trăm kinh mây gió
Hãy dâng cho một tràng chuỗi trăng sao.
(Tựa Xuân Như Ý)

Từ “áng gió băn khoăn”, nước mây “hổn hển”, qua “những lời năn nỉ của hư vô” đến “lời câm” của “muôn vì sao áy náy” và cảnh tịch mịch của đêm khuya: cả vũ trụ đượm một màu huyền diệu như một buổi kinh lễ, trầm hương nghi ngút:
Khói nhạt nhạt xen vô màu xanh biếc...
(Đừng cho lòng bay xa)
Bỗng đêm nay trước cửa bóng trăng quì
Sấp mặt xuống uốn mình theo dáng liễu
Lời nguyện gẫm xanh như màu huyền diệu
Não nề lòng viễn khách giữa cơn mơ...
(Hãy Nhập hồn em)

Vì theo Hàn Mạc Tử, “Thơ là sự ham muốn vô biên những nguồn khoái lạc trong trắng của một cõi trời cách biệt”, nên trên đường lữ thứ tìm về Tuyệt đối, Thơ đã bắt gặp Kinh và kết duyên tao phùng:
Đây rồi, đây rồi, chuỗi ngọc vàng kinh
 Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý...
(Ave Maria)

Trong thư viết cho Hoàng Trọng Miên, năm 1939, Hàn Mạc Tử đã nhận định sứ mệnh của thi sĩ:
“Thi sĩ không phải là một người thường. Với một sứ mệnh của Trời, thi sĩ phải biết đem tài năng ra ca ngợi Đấng Chí Tôn, và làm cho người đời thấy rõ vẻ đẹp của Thơ, để đua nhau nhìn nhận và tận hưởng”. (“Quan niệm thơ” trong tập Chơi giữa mùa Trăng)

Hàn Mạc Tử cũng đã tâm sự với Bùi Tuân:
“Tôi dự định viết ra nhiều tập thơ về tôn giáo... bao giờ tôi cảm thấy mình đau đớn trong xác thịt và trong tâm hồn, và nhất là tôi thấy mình bình tĩnh trong sạch, thì mới làm ra được những bài thơ đạo hạnh”.
Có lẽ vì thế mà chuỗi ngày cuối cùng của Hàn Mạc Tử trong bệnh viện Qui Hòa đã đan kết bằng Thơ và Kinh:
“Lại đọc kinh, lại ngâm thơ, lại làm thơ, lại nhớ, lại nằm. Buổi tối, khi ăn xong, cũng vừa đi bách bộ, vừa ngâm thơ một cách sung sướng nhất đời. Cả ngày chỉ ngâm thơ và đọc kinh là nhiều hơn cả...".

Đối với Hàn Mạc Tử, Thơ là Kinh, và Kinh là Thơ. Thơ đã đạt tới Kinh, và Kinh đã nhập vào Thơ, hoặc như Hoài Thanh đã nhận xét chí lý: “Thơ chẳng những để ca tụng Thượng Đế, mà cũng để nối liền người ta với Thượng Đế”.

Như Hàn Mạc Tử đã khắc khoải và tìm gặp được Niềm Tin, ta có thể theo dõi ba chặng đường của thi sĩ:
I. Thơ và Kinh thao thức thuở Đợi Chờ
II. Thơ và Kinh rên siết trong Đau thương
III. Thơ và Kinh chan hòa niềm Hy Vọng.
Trước hết là Thế Giới Đợi Chờ trong Thơ Hàn Mạc Tử, qua buổi phỏng vấn nhà văn Đặng Tiến.


1. Thưa Anh Đặng Tiến, Anh đã viết trong số Văn đặc biệt (số 179/1972) một thiên khảo sát rất tế nhị và đặc sắc về “Đức Tin trong hồn thơ Hàn Mạc Tử”, và lần đầu tiên đưa ra một cái nhìn nhất quán trên toàn thể thi phẩm, vì theo anh, kiến trúc toàn bộ của thơ Hàn Mạc Tử đều vang dội lời truyền giảng Tin Mừng cứu độ. Vậy xin anh cho biết, thơ Hàn Mạc Tử phản ánh lịch sử Cứu độ như thế nào?
– Nếu lịch sử Cứu độ chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn hạnh phúc sơ khởi đổ vỡ vì nguyên tội, giai đoạn Cựu ước mong đợi Đấng Cứu Tinh, và giai đoạn Tân ước, từ Chúa ra đời đến ngày Khánh tận, Chúa tỏ hiện trong vinh quang, – thì 3 giai đoạn đó cũng là cơ cấu Thơ Hàn Mạc Tử: Vũ trụ Gái quê đã sụp đổ trong Đau thương, mà nhà thơ đã chịu đựng, để đợi sống lại một mùa Xuân như ý. Gái quê, Đau thương, Xuân như ý, ba tập thơ chính, ba đoạn đường trong hành trình của nhà thơ, họa lại hành trình của Đức Tin Thiên Chúa giáo.

2. Khái niệm tổng quát anh vừa đưa ra, làm liên tưởng tới chuyên khảo của Võ Long Tê bằng tiếng Pháp: “Kinh nghiệm thi ca và Hành trình tinh thần của Hàn Mạc Tử”, hành trình theo châm ngôn của nhạc sĩ Beethoven: “Từ Đau Khổ đến Hoan Lạc”, hay như câu thơ của Phạm Đình Tân trong Tiếng Thầm: “Đau khổ là Đường lên Ánh Sáng”. Trước khi bước vào con đường đó, hành trang nhà thơ gồm những gì? Quan niệm của thi sĩ về Thơ ra sao?
– Quan niệm Thơ của Hàn Mạc Tử đã diễn tả rõ ràng trong bài tựa: “Ai nói vườn trăng là nói vườn mơ. Ai nói bến mộng là nói bến tình. Người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo. Trên đầu người là cao cả, vô biên và vô lượng, chung quanh người là mơn trớn với yêu đương”. Thi sĩ là lữ khách trên đường Tuyệt đối, là kẻ hành hương tìm về Vườn Mơ, Bến Mộng: “Người đang say sưa đi trong Mơ ước, trong Huyền diệu, trong sáng láng và vượt hẳn ra ngoài Hư linh”. Thơ Hàn Mạc Tử là niềm nhớ nhung đằng đẵng về một hạnh phúc nguyên thủy, một “tráng lệ” đã phôi pha:
 “Còn đâu tráng lệ những thời xanh
Mùi vị thơm tho một ái tình
Đố kiếm cho ra trong lớp bụi
Ít nhiều hơi hám của kiên trinh”.
(Thời gian)
Vì kiêu căng và bất tuân, con người đã vĩnh viễn đánh mất tất cả “tráng lệ của thời xanh”. Niềm nhớ nhung một cõi Trời cách biệt, một Địa đàng đã khuất nẻo, chuyển tiếp sang mơ ước khôi phục lại Mùa Xuân trinh nguyên của ngày sáng thế đầy thinh sắc, tinh hoa và châu báu!. Trong Gái quê và những bài đầu tập Đau thương, Thơ là niềm mong đợi, như Cựu ước là sự chờ đón Đấng Cứu Thế.
“Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý bóng xuân sang”.
(Mùa Xuân Chín)
Ngày xuân mong đợi còn thuần lương, còn là một mùa xuân ngoại đạo, hồn nhiên và vô tư như tất cả những hội hè của mùa Xuân Việt Nam, nhưng đã chín thẫm một u minh đợi chờ để nở lên một mùa Xuân sáng thế, “hồi trời đất mới dựng nên” hay một mùa Xuân tái tạo, một mùa Xuân ơn phúc, “ra đời một lần với Chúa Giêsu”.

3. Anh đã hướng tất cả hồn thơ Hàn Mạc Tử về Đức Tin, vậy anh nghĩ thế nào về nhận xét của Quách Tấn: “Tôi nhận thấy vang bóng của Đạo Phật có phần đậm hơn Đạo Thiên Chúa”?
Vết tích Phật giáo và ngay cả Lão giáo, Khổng giáo trong thơ Hàn Mạc Tử đậm đà, từ trong rung cảm đến ngôn ngữ, điều đó không có gì nghịch lý cả: Hạt mầm Thiên Chúa giáo khi nảy nở trên đất Việt Nam, thì tự nhiên thích ứng với khí hậu, phong thổ. Vũ Ngọc Phan nhận xét về Hàn Mạc Tử: “Ông ca tụng đạo Gia-tô với một giọng rất chân thành.... Lần này cũng là lần đầu, thi ca Việt Nam thấy được một nguồn hứng mới”.
Hoài Thanh nới rộng vấn đề tới tương quan giữa Tôn giáo và Dân tộc: “Thơ Hàn Mạc Tử ra đời, điều ấy chứng tỏ rằng Đạo Thiên Chúa ở xứ này đã tạo ra một cái không khí có thể kết tinh lại thành thơ. Tôi tin rằng chỉ những tình cảm có thể diễn ra thơ mới thiệt là những tình cảm đã thấm tận đáy hồn đoàn thể”.
Thơ Hàn Mạc Tử đã chứng thực điều đó: niềm tin Thiên Chúa đã trở thành một niềm tin thuần túy Việt Nam. Diễn đạt bằng một ngôn ngữ Việt Nam, phản ánh nền văn hóa dân tộc.
Thơ Hàn Mạc Tử ra đời, điều ấy chứng tỏ rằng Đạo Thiên Chúa ở xứ này đã tạo ra một cái không khí có thể kết tinh lại thành thơ
Thơ Hàn Mạc Tử ra đời, điều ấy chứng tỏ rằng Đạo Thiên Chúa ở xứ này đã tạo ra một cái không khí có thể kết tinh lại thành thơ

4. Thơ Hàn Mạc Tử không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên, nhưng là điểm gặp gỡ giữa Đức Tin và Truyền thống Dân tộc, như anh vừa nói. Thế còn giáo dục gia đình Hàn Mạc Tử, có thể coi như mảnh đất thuận lợi vun bồi niềm tin và truyền thống đó không?
– Một sự kiện cho phép xác nhận tư tưởng đạo đức của gia đình Hàn Mạc Tử: Thân sinh Hàn Mạc Tử là Nguyễn Văn Toản đã học Đại chủng viện Huế đến chức tư; sau ra lập gia đình, ông đã lấy những đức tin căn bản trong đạo lý cổ truyền để đặt tên cho sáu người con: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí (tức là Hàn Mạc Tử), Tín và Hiếu.
Hàn Mạc Tử nhìn nhận:
“Tôi làm trăng cổ độ
Lượng trời rộng bao la
(Cao hứng)
Lòng chàng là bến đợi. Trong những kích thước mông mênh. Có thể là một “Trời thu man mác”, có thể là một “hàng cau nắng mới lên”, thường thường là một đêm:
“Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ”
(Đà Lạt trăng mờ)
Thơ Hàn Mạc Tử trước tiên là một thế giới đợi chờ, trong im lặng linh thiêng, trong tịch mịch vô cùng:
“Không một tiếng gì nghe động chạm
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng”
(Đà Lạt trăng mờ)
Hàn Mạc Tử mô tả thế giới đợi chờ đó bằng di sản hồn nhiên của một nền văn hóa niềm nở và hướng thượng, đồng thời bằng Đức Tin nuôi dưỡng trong Phúc âm.
Bài Đà Lạt trăng mờ có lẽ tiêu biểu được cho thế giới đợi chờ đó: ngoài sự hòa điệu thanh thoát giữa nội tâm và thiên nhiên, còn mang thêm ý thức vời vợi trước cõi vô cùng.

Thân sinh Hàn Mạc Tử là Nguyễn Văn Toản đã học Đại chủng viện Huế đến chức tư; sau ra lập gia đình, ông đã lấy những đức tin căn bản trong đạo lý cổ truyền để đặt tên cho sáu người con: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí (tức là Hàn Mạc Tử), Tín và Hiếu
Thân sinh Hàn Mạc Tử là Nguyễn Văn Toản đã học Đại chủng viện Huế đến chức tư; sau ra lập gia đình, ông đã lấy những đức tin căn bản trong đạo lý cổ truyền để đặt tên cho sáu người con: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí (tức là Hàn Mạc Tử), Tín và Hiếu

Đợi chờ trước cuộc đời đầy hứa hẹn giữa 24 xuân xanh, Hàn Mạc Tử có ngờ đâu niềm mong đợi ấy bỗng tàn úa ngay trong nụ, không bao giờ sinh hoa đậu trái: Triệu chứng bệnh phong cuối năm 1936, như hồi chuông báo tử, gieo vào lòng người bao đen tối hãi hùng. Trong lá thư gửi ông bạn Trường Xuyên ở Nha Trang, Hàn Mạc Tử viết.
“Anh ơi, gần một năm nay, muốn giấu anh nên không viết thư cho anh, lòng tôi hết sức đau khổ. Song thà chịu đau khổ còn hơn cho anh biết, khiến anh phải đau khổ vì tôi”.
Đau thương, trước khi thành tập thơ, đã là kinh nghiệm thân phận thảm khốc của con người Hàn Mạc Tử.
Nhưng phải chăng rên siết khóc than là hèn nhát? Im lặng can trường chịu đựng, có phải cao quí hơn không? Hàn Mạc Tử trả lời trong bài tựa Đau thương:
“Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật ra tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú... tôi phản lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi, đều hết sức giữ bí mật”.
Thơ là tâm sự bi đát của người:
“Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút...
Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh”
(Rướm máu)

Nhưng tâm sự ấy, nhiều người không biết, trước khi Hàn Mạc Tử qua đời. Thêm một thất vọng cho nhà thơ. Đang lúc Hàn Mạc Tử viết giới thiệu Xác thu của Hoàng Diệp năm 1937, ca tụng Điêu tàn của Chế Lan Viên năm 1938, đề tựa Tinh huyết của Bích Khê năm 1939, đề bạt Một tấm lòng của Quách Tấn cũng năm 1939, thì chính tập Thơ điên của mình lại chẳng ra đời được!
Thân thế, sự nghiệp đã phũ phàng, lại còn thêm cảnh nghèo túng, không tiền uống thuốc, không nơi trọ hẳn hoi. Hàn Mạc Tử viết cho Trần Thanh Địch:
“Trí yếu quá, từ hôm tết đến nay, Trí không uống đến thuốc ... Bây giờ chỉ xin ơn trên đưa sức mạnh thiêng liêng đến cho Trí thôi, chứ làm gì có thuốc mà uống... Hiện nay Trí đã về tạm ở nhà: cái nguyên nhân là không tiền uống thuốc!”
(Trần Thanh Mại, tr.73)

Còn về nhà trọ trong khi chữa bệnh thì “có một mái nắng dọi nhiều quá! Từ trưa đến chiều, in cả lên mặt giường không sao nằm được. Tôi đã lấy nào là bì thư, nào là giấy nhật trình nhét khắp cả, thế mà chạy trời không khỏi nắng” (Trần Thanh Mại, tr. 82)
Nói gì đến tình duyên dang dở với Mộng Cầm?
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ....
(Những giọt lệ)

Để chỉ còn sống trong “buổi chập chờn”, nghe “thu héo nấc thành những tiếng khô”, thấy “những mảnh nhạc vàng rơi lả tả” theo “trăng choáng váng với hoa tàn cùng ngã”, và ngậm ngùi vì “một làn hương mới nửa lừng sa ngã”.
“... Uyên ương khi trăng sao bàng bạc
Biến mất rồi, anh thấy khói hương tan”
        (Khói hương tan)
Có lẽ văn học Việt Nam không có những vần thơ chua xót nào bằng:
“Ôi trời ôi! là Phan Thiết! Phan Thiết!
Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi!”
(Phan Thiết, Phan Thiết)

Kinh nghiệm Đau thương dồn dập trong thân xác và tâm hồn tuy đã làm nhà thơ kêu rên thảm thiết, nhưng vẫn không đẩy người vào vực thẳm tuyệt vọng. Trái lại, người nói:
“Tuy cực khổ thế mà tôi vẫn an vui. Ngày nào cũng có cười cả. Nếu không cười với ai, thì cười một mình, xem ra thú vị không biết mấy!” (Trần Thanh Mại, tr. 121)

Thái độ ấy đã làm những nhà phê bình kinh ngạc. Trần Thanh Mại cho là “Đau thương giam cầm không kỹ, thoát lọt ra trong một biến thể mới, dị kỳ, quái gở”. Vũ Ngọc Phan cũng đặt vấn đề: “Một người mang bệnh rất đau đớn mà có một tâm thần thư thái, bình tĩnh như thế, thật cũng lạ” (Vũ Ngọc Phan III, 33). Còn Hoài Thanh thì không dám phê phán: “Thiếu lòng tin, tôi chỉ là du khách bỡ ngỡ” (Hoài Thanh và Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, tr.212).
Chỉ có Lòng Tin mới cắt nghĩa được thái độ can đảm chịu dựng ấy. Đức Tin là nguồn an ủi trong đau thương, như Quách Tấn xác nhận: “Tử tìm được niềm an ủi lớn nhất trong nguồn Đạo. Khi đã sống cùng Đạo thì tâm hồn Tử hết bị ray rứt dày vò”.
(Quách Tấn, Văn số 73-74/ 7-1-67, tr. 116)

“Tử tìm được niềm an ủi lớn nhất trong nguồn Đạo. Khi đã sống cùng Đạo thì tâm hồn Tử hết bị ray rứt dày vò”.
“Tử tìm được niềm an ủi lớn nhất trong nguồn Đạo. Khi đã sống cùng Đạo thì tâm hồn Tử hết bị ray rứt dày vò”.

Quả thế, trong khi sưu tầm tài liệu về thi sĩ, Trần Thanh Mại “có tìm thấy trong một nhà trọ của chàng, một mẩu báo “Vì Chúa”... nói về nguồn an ủi trong bệnh tật” (Trần Thanh Mại, tr. 120).

Hàn Mạc Tử đã chấp nhận bệnh tật, nghèo túng, cô đơn, vì Đức Tin đã dạy rằng: “Những đau khổ hiện tại không có nghĩa lý gì, so với những vinh hiển rồi đây sẽ được thể hiện nơi mỗi chúng ta”, theo lời thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma. “Vạn vật ngưỡng vọng về ngày thể hiện vinh quang với ước mơ được giải thoát ra khỏi hư nát, để đạt tới tự do và vinh quang của con cái Thiên Chúa. Vì chúng ta biết rằng vạn vật đang còn rên siết trong kỳ mãn nguyệt khai hoa, và quằn quại trong mùa sinh nở” (Rm 8, 18-22).
Đau thương hiện tại là thai nghén cho Vinh phúc ngày mai.
Niềm Tin ấy mang lại sức mạnh và an hòa trong đau thương, vì được thông dự vào Mầu nhiệm Đau khổ của Chúa Giêsu, được tham gia công đức tế độ, dùng đau thương làm phương tiện cứu thế, chuẩn bị cho Vinh hiển mai sau.

Niềm Tin tạo nên diệu cảm về sứ mệnh Thi Ca. Hàn Mạc Tử viết:
“Bởi muốn cho loài thi sĩ làm tròn nhiệm vụ ở thế gian này – nghĩa là tạo ra những tác phẩm tuyệt diệu, lưu danh lại muôn đời – Đức Chúa Trời bắt chúng phải mua bằng giá máu, luôn luôn có một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình.
Không rên siết là thơ vô nghĩa lý.
hay:
Ta hiểu chi trong áng gió nhiệm mầu
Những hạt lệ của trích tiên đày đọa.
Cho nên thơ là một tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ, ước ao trở lại Trời...”
(Quan niệm thơ gởi Hoàng Trọng Miên, Chơi giữa mùa trăng)

Ước mơ làm gió, làm trăng, làm thanh khí để “hòa hợp với tinh anh” qua những bài “sáng láng”, “hồn lìa khỏi xác”, “siêu thoát”, Ngoài vũ trụ, chính là ước mơ trở lại Trời. Và những tập thơ Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cẩm châu duyên, cũng như hai vở kịch thơ Duyên kỳ ngộQuần tiên hội, đã được sáng tác theo chiều hướng gió.
Tại sao Hàn Mạc Tử lại ước mơ “tìm tới chốn chiêm bao ngoài sự thật” như thế? Có lẽ vì chiêm bao ấy lại thực hơn sự thực, và thế giới thực ta đang sống, chỉ là chiêm bao, vì sẽ hư nát toàn diện:
Cả không gian, cả thời gian
Đều trộn trạo, điều hòa và xí xóa...
Cả vũ trụ tan theo ngày phán xét
Là khủng khiếp cả trời đất tiêu diệt.
(Ngoài vũ trụ)

Vì bên kia thế giới hư nát và đau thương này, đôi mắt thần diệu của nhà thơ Minh Duệ Thị hay Phong Trần – những bút hiệu đầu, trước bút hiệu Hàn Mạc Tử – cũng như đôi mắt Đức Tin của François Nguyễn Trọng Trí đã khám phá ra một thế giới mới, toàn vẹn, toàn bích, toàn thiện, vĩnh viễn trường tồn, không còn đau đớn chết chóc, không còn khóc lóc tang thương: “Vì thế giới cũ đã qua đi”, như lời sách Khải huyền, chỉ còn:
Ánh hào quang chan chói ngất lưu lý... (Ra đời)
... Vì có Đấng Hằng Sống Hằng Ngự Trị
(Ngoài vũ trụ)
Ánh sáng muôn đời chiếu dọi lại quá khứ và hiện tại, giúp nhà thơ lượng giá cuộc đời và thi phẩm, để dâng lên lời kinh sám hối:
Tôi van lơn thầm nguyện Chúa Giêsu
Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối
Xin thứ tha những câu thơ tội lỗi
Của bàn tay Thi sĩ kẻ lên Trăng
Trong bao đêm xao xuyến vũng sông Hằng.
(Đêm Xuân Cầu nguyện)
Nhất là trước nguồn “ơn võ lộ hòa chan”, nguồn sức mạnh nâng đỡ trong những “cơn lâm lụy vừa phải trải qua dưới thế”, Thi sĩ đã cảm động “rưng rưng hai hàng lệ” và tha thiết dâng lên lời cảm tạ phò nguy trong bài Ave Maria.
Ánh sáng muôn đời chiếu dọi lại quá khứ và hiện tại, giúp nhà thơ lượng giá cuộc đời và thi phẩm, để dâng lên lời kinh sám hối
Ánh sáng muôn đời chiếu dọi lại quá khứ và hiện tại, giúp nhà thơ lượng giá cuộc đời và thi phẩm, để dâng lên lời kinh sám hối


Không phải vô tình mà Hàn Mạc Tử ca tụng Thánh Nữ Đồng Trinh Maria dưới danh hiệu “Mẹ Sầu Bi”. Người đã tìm được nguồn an ủi và tấm gương anh linh nơi “Đấng tinh tuyền thánh vẹn” mà đã sống trọn Đau thương hiện thế, dâng đời mình và mạng sống con mình để cứu chuộc thiên hạ, trước khi “tiến lên như rạng đông, đẹp như mặt trăng rực rỡ như mặt trời” bước vào vinh quang vô tận, hay nói như Hàn Mạc Tử, thành “người trăng ăn vận toàn trăng cả” và trở nên “Bắc đầu rạng bình minh, chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới”.

Từ đây, Đấng “đầy ơn phước và rất nhiều phép lạ” sẽ biến đổi “Mật Đắng” thành Nguồn thơm, “Máu cuồng và Hồn điên” thành “lòng thấm nhuần ơn trìu mến”, để Thơ và Kinh chan hòa niềm Hy vọng.
Nếu xưa kia, “có một nửa trăng thôi, một nửa trăng ai cắn vỡ rồi”, thì bây giờ lại nguyện xin:
Cho tình tôi nguyên vẹn tỏ trăng rằm
Thơ trong trắng như một khối băng tâm.
Nếu xưa kia, “sóng gió nổi đùng đùng như địa chấn”, thì... “Trời hôm nay... bình an... như nguyệt bạch”.
Tử đã tìm được nguồn an ủi và tấm gương anh linh nơi “Đấng tinh tuyền thánh vẹn” mà đã sống trọn Đau thương hiện thế, dâng đời mình và mạng sống con mình để cứu chuộc thiên hạ
Tử đã tìm được nguồn an ủi và tấm gương anh linh nơi “Đấng tinh tuyền thánh vẹn” mà đã sống trọn Đau thương hiện thế, dâng đời mình và mạng sống con mình để cứu chuộc thiên hạ

Nếu xưa kia, “mê man như tới chốn phụng trì, ở mãi đấy không về Thiên cung nữa”, thì bây giờ lại chắp cánh, phập phồng theo nhịp tim, bay lên cõi “ngàn năm ơn phước”:
Phượng trì! Phượng trì! Phượng trì! Phượng trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu
Hồn tôi bay biết bao giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang.
Hàn Mạc Tử đã vượt qua đêm tối, về “tắm gội trong nguồn ánh sáng”. Từ mùa đông khô héo tàn tạ của Đau thương đã nảy mầm một mùa Xuân như ý, tượng trưng cho niềm Hy vọng vào Đời Sống Mới, hạnh phúc trường cửu, vinh quang bất diệt.

Như Thành thánh Giêrusalem mới trong sách Khải huyền từ trời xuống, kiều diễm như Nàng Dâu, trang điểm đón Tân Lang và huy hoàng rực rỡ, giữa bảo ngọc, trân châu, vũ trụ Xuân như ý của Hàn Mạc Tử cũng tràn đầy vinh quang diễm lệ:
Trái cây bằng ngọc, vỏ bằng gấm
Còn mặt trời kia tợ khối vàng.
(Xuân đầu kiên)
Niềm chua xót khi xưa đã trót để cái “tráng lệ những thời xanh” vùi dập dưới cát bụi của thế giới đau thương, bây giờ đã biến thành hân hoan tìm lại được trong thế giới hy vọng, “sáng trưng như thất bảo”:
Bốn mùa thơ xanh xanh như cẩm thạch...
(Say thơ)
... Trên nước cả có vô vàn châu báu...
(Ra đời)
Xuân như ý là mùa xuân tái tạo, phục hồi mọi vẻ tươi sáng, tốt đẹp, lúc “thiên địa mới tinh khôi”, chưa vẩn bụi trần, chưa hoen máu lệ, chưa nhuốm tang thương:
Liên hồ đây bốn mùa xuân cả bốn
Ngát hương đưa trong gió sớm chơi vơi
Làn nước mát và chưa bao giờ gợn
Vết phong trần đưa lại ở xa khơi.
(Quần Tiên Hội)
Xuân thời gian, dù có triền miên vô tận với “nhạc thơm, hương gấm, mộng ngọc” và muôn vẻ tinh anh, cũng vẫn chưa thỏa được lòng ao ước, “chưa nguôi được chí muôn sao”: vì còn thuộc giới tự nhiên và chỉ là công trình của Thiên Chúa, chứ chưa phải chính Thiên Chúa. Do đó, Thi nhân phải “mời cho được Xuân thiêng ra đời”, cho Xuân như ý thành mùa xuân ơn phước, hiện hình nơi bản thân Chúa Giêsu và nước vinh phúc, thái hòa, Ngài mang lại:
Thiên hạ bình và Trời tuôn ơn phước.
(Nguồn thơm)

“Vì chưng muôn xuân là lương thực ngon ngọt, mĩ vì: ánh xuân là nguồn tơ tưởng thơm tho, tinh khiết; khí xuân là mạch trường sinh bất tử; tình xuân là cung cầm nguyệt mê ly: tuổi xuân là Ngọc như ý; tên xuân là Dạ lan hương.
“Và xuân là phong vị thái hòa của năm muôn năm, trời muôn trời, châu lưu trên thượng tầng không khí, bàng bạc cả dải hà sa, chen lấn vô tận hồn tạo vật...
“Loài người hãy tận hưởng một hơi cho đã ngán và cao rao Danh Cha cả sáng...”
(Tựa “Xuân Như Ý”)
Xuân thổn thức rạo rực trong Gái quê, khắc khoải đến điên cuồng trong Đau thương, đã được tinh luyện trong Xuân như ý và trở nên thanh thoát dịu hiền:
... Đây là xuân trước đợi chờ
Hơi ấm áp như một nguồn an ủi
Trời mở rộng và không ai hờn tủi
Lượng bao dong tha thiết cánh tay êm.
(Say thơ)
Mùa xuân dịu hiền hàn gắn mọi vết thương thân xác và tâm hồn. Như hình ảnh các nữ tu săn sóc bệnh nhân trại cùi Qui Hòa, mà Hàn Mạc Tử đã ca tụng trong bài “Hồn Trinh Bạch” nguyên bằng tiếng Pháp, tìm được trong túi áo, sau khi ly trần:
“Hỡi các Thiên Thần của Chúa, Thiên Thần hòa bình và hoan lạc, có thấy chăng bóng dáng trắng trong, tinh tuyết, xuất hiện giữa cõi đời? thoạt trông, tưởng là thần phách Thánh Hiền, hay cốt cách của Thơ, hay bài Kinh thuần túy: thay vì bốc thành áng hương hay thanh khí, đã hiện thân làm kiếp người!... Đó là các Nữ Tu Phanxicô, vào đời để thoa dịu đau khổ của những người tàn phế, phong hủi như chúng tôi. ... tôi muốn chiêm ngưỡng vẻ trong trắng tinh tuyền, nguồn thơ tươi sáng, biểu dương Hồn Trinh Bạch...” (Theo Trần Thanh Mại tr. 195).
Diễm lệ, tinh khôi, êm ấm, Mùa Xuân ơn phước nối lại mối Thần Duyên, hòa hợp Trời Đất và Lòng người:
Trời trong đấy, trời rất mực quỳnh dao
Duyên thanh tịnh trăng tứ bề vây kín.
(Trần Thanh Mại, tr. 64)

Trăng đã ngàn ngập trong thơ Hàn Mạc Tử, hòa đồng với tâm hồn người, qua đêm tối thử thách của Lòng Tin. Giờ đây Trăng sáng láng đưa người vào cõi huyền diệu, diễn tả trong bài “Chơi giữa Mùa Trăng”:
“... Thuyền đi êm ái, chúng tôi cứ ngỡ là đi trong vũng chiêm bao, và say sưa, và ngây ngất vì ánh sáng, hai chị em như đê mê, không còn biết là có mình và nhận mình là ai nữa. Huyền ảo khởi sự. Mỗi phút trăng lên mỗi cao, khí hậu cũng tăng sức ôn hòa lên mấy độ, và trí tuệ, và mộng, và thơ, và nước, và thuyền, dâng lên, đồng dâng lên như khói... cả không gian đều chập chờn những màu sắc phiếu diễu... ở chỗ nào cũng có trăng, có ánh sáng cả, tưởng chừng như bầu thế giới chở chúng tôi đây, cũng đang ngập lụt trong trăng và đang trôi nổi bềnh bồng đến một địa cầu nào khác...”.
Hàn Mạc Tử đã tìm về Nguồn Ánh Sáng muôn đời, và nói như Hoàng Diệp, tiến về Ánh sáng tức là tiến về với con người, với cuộc đời, với thực tại vậy.
Được gặp Xuân Thiêng, người mong sao
Để sớt cho cả xuân xuân thiên hạ
Hương mến yêu là lộc của lời thơ.
(Nguồn Thơm)
Được hưởng ân tình, người muốn:
Đem ân tình rải khắp cả trời duyên,
(Quần Tiên Hội)
Được sinh ra trong nguồn Ánh sáng, người mong loan báo Tin Mừng Cứu Độ:
Chàng ơi! Chàng ơi! Sự Lạ đêm qua
Mùa Xuân tới mà không ai biết cả!
(Ra đời)
Cảm hứng thần bí như bắt nguồn từ Phúc Âm theo Thánh Gioan:
“Ánh Sáng đã chiếu dọi trong đêm thâu, mà đêm thâu không nhận biết!... còn ai đón nhận thì sẽ được sinh lại trong nguồn sáng ơn phước và chân thật”.
Nếu đoạn nhập đề Phúc Âm Thánh Gioan là một bài thơ ca tụng Lời Nhập Thể như Ánh Sáng Cứu Độ, thì bài Ra đời của Hàn Mạc Tử là một bản kinh đón mừng Mùa Xuân Ơn Phước hiện thân nơi Chúa Giáng Trần.
Thơ và Kinh Hàn Mạc Tử thắp sáng một Niềm Tin giữa lòng người cũng là đợi chờ, rên siết và hy vọng trước Xuân như ý phúc lộc Triều miên vô tận.

Phạm Đán Bình
Bài này đã được phát hành qua băng nhựa “Văn Hóa và Tinh Thần”, số 3, Paris Giáng sinh 1985.


Bài viết này được trích từ bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo, linh mục Trăng Thập Tự chủ biên, tập I, trang 322-336.