Điểm hẹn Giêsu

Văn thơ Công giáo
MS: 16-123
Têrêxa Nguyễn Thị Trông, 1992, gp Vinh.
(Giải triển vọng VVĐT 2016)

Điểm hẹn quen thuộc của nó là ngôi nhà thờ nhỏ của giáo họ. Nó ghé vào đó tìm kiếm sự an ủi của Anh Hai, người luôn lắng nghe những tâm sự thầm kín của nó. Từ khi được Rước Lễ lần đầu, nó luôn luôn giữ thói quen này. Anh Hai đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho nó.
Tuổi thơ nó là chuỗi dài những ngày trốn chạy khỏi những trận đòn của cha. Cha nó thường say khướt. Mỗi lần như thế, mẹ lại cùng anh em nó lánh qua nhà hàng xóm. Đi đâu cũng được, miễn là mẹ con nó khuất khỏi tầm mắt của gã say xỉn ấy! Nó nhớ mỗi lần bị cha đánh, tấm thân gầy guộc của mẹ luôn là nơi an toàn để nó trú ẩn. Mỗi lần nồng hơi men, ông lại quát gọi mẹ nó rồi giáng trên người bà những làn mưa roi… Hình ảnh người phụ nữ tàn tạ nằm sõng soài giữa nhà trong tiếng khóc đã dần trở nên quen thuộc đối với nó. Đó là những khi ông còn có sức đánh, có sức chửi.
Thực ra, cha nó không hẳn lúc nào cũng say. Khi ông tỉnh táo, hình ảnh người cha cần mẫn, yêu thương vợ con lại hiện ra nơi ông. Trời mùa hè ở vùng quê nó mau sáng lắm. Cha nó đi làm từ sớm, lúc những chú gà còn say giấc ngủ, chưa kịp tỉnh dậy để gáy những tiếng chào ngày mới. Tầm 7 giờ là cha nó đã xong mọi việc ngoài đồng. Cha nó là người của đồng ruộng. Thế nên, ông cày bừa đâu ra đó; lúa nhà nó lúc nào cũng mơn mởn. Có thể nói rằng ngoài lúc chìm ngập trong sơn đê mê của men rượu, cha nó luôn cho mẹ con nó cảm giác an toàn, bình yên… Nhưng gia đình nó vẫn còn nghèo lắm.
Thời gian trôi qua, cha nó vẫn thường say xỉn nhưng không còn đủ sức để đánh đập mẹ con nó nữa. Rượu đã bào mòn sức lực của ông. Ở nhà, nó thường tránh khuôn mặt đáng sợ của cha khi say. Ông đay nghiến mẹ con nó bằng những câu nói tục tằn, những lời chửi rủa thậm tệ, chúng còn đáng sợ hơn cả đòn roi.
Nó từng có định bỏ đi để thoát khỏi cảnh này nhưng nghĩ đến mẹ và em, nó lại không đành lòng. Ý nghĩ mong cho ông chết sớm để kết thúc cái cảnh này thường xuất hiện nhưng có một tiếng nói khác cứ thôi thúc nó quên đi mong muốn ấy. Nó cầu xin Anh Hai giúp cha bỏ được rượu. Nó tin vào lời hứa của Anh Hai: “Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho.”
Lên trường, nó vùi đầu vào bài vở để quên đi ánh mắt và tiếng nói quen thuộc của ông. Nó ao ước được nhìn thấy cha tỉnh táo. Bởi lúc đó, ông đem lại cho gia đình những hạnh phúc bình dị, giản đơn. Có lẽ, với nhiều người được ngồi ăn cơm chung đông đủ cả nhà và rộn lên tiếng cười trong trẻo là điều bình thường nhưng với nó đó là cả một ước mơ. Cái cảnh ấy với gia đình nó chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nó cảm nhận có một khoảng cách vô hình giữa cha và nó.
Người ta thường nói, rượu là thứ đồ uống thơm lừng mùi của men, của lúa, của tinh hoa ngũ cốc từ đồng ruộng nhưng với nó, rượu chính là kẻ thù phá hoại hạnh phúc gia đình. Một lần tình cờ phát hiện cha giấu chai rượu sau cái chum, nó lén lút mang chai rượu ấy ra sau vườn đổ bằng sạch. Nó ghét cái của nợ đã làm cha nó “hư hỏng”. Nhưng hôm ấy, ông vẫn đạp xe đi uống rượu.
Những lần say, ông lết về rồi ngã ngay bên bờ ruộng, nằm ngay trên đường. Mặt đường cũng là cái giường quen thuộc. “Tâm ơi! Ra đưa cha mày về kìa! Ông ngã ngoài đường ở Lò Vôi đó”. Nó thường nghe những tiếng gọi í ới ấy, có lúc kèm theo một tiếng cười khinh bỉ, có lúc là một ánh mắt thương hại. Nó rất xấu hổ và nhục nhã nhưng đành phải ra cõng ông về. Ông nằm khó nhọc trên lưng nó, vỗ vào vai nó và cười hề hà: “Con trai cha giỏi quá! Cõng được cả cha kia đấy.” Nó chỉ lặng im.
Lần ấy cõng cha về nhà, nó để ông nằm trên giường. Hà, em gái nó chạy vào nhà lấy áo quần ra để thay cho cha. Người ông toàn mùi hôi của nước tiểu, hơi nồng của rượu phả ra khiến nó chực trào thức ăn ra khỏi miệng. Nó chạy vội xuống nhà để lao đầu vào bài vở, chỉ có Hà ở lại dọn chiến trường. Tiếng cha lại ê a trên nhà. Ông đọc kinh này nối kinh kia, kinh Lạy Cha lại nối khúc đuôi của kinh Kính mừng. Thế rồi suốt buổi tối, ông nằm trên giường đọc kinh, rên rỉ: “Lạy Chúa! Chúa ơi!”
Nó không thể học bài tiếp được khi tiếng rên rỉ vẫn làm phiền. Ném cái bút lên tường, nó hét lên:
- Anh ghét cha!
- Anh nói gì lạ thế! - Hà rời mắt khỏi trang sách tròn mắt nhìn nó ngạc nhiên.
- Anh ghét ông ấy!
- Anh nhỏ nhỏ cái miệng thôi. Mẹ đang ốm!
- Em không nghe người ta gọi cha là ‘thằng say rượu’ sao? Ra đường, anh em mình có dám ngửng mặt lên đâu.
- Em biết, nhưng… anh ghét cha thì không được.
- Em nói gì! Em đang dạy khôn anh hả, dám lên lớp hả!
- Không phải! Anh có biết em cũng buồn và xấu hổ lắm không?- Hà cúi mặt xuống để che đi giọt nước mắt đang chực rơi.
- Anh chỉ ước ông biến thành không khí. Anh sẽ không còn trông thấy con người đáng ghét ấy.
- Anh à! Dù sao… cha vẫn là cha.
- Anh không cần!
- Không có không khí anh thở bằng cái gì?
Nó thật sự bối rối. Hà liền dịu giọng:
- Không có không khí làm sao anh sống được. Không có cha, làm sao anh có mặt trên đời. Em chỉ nói vậy thôi, anh cứ ngồi đó mà nghĩ.
- …
Nói rồi, Hà đi vào bếp để xem lại nồi thuốc bắc cho mẹ. Nó ngồi một cục, mặt đỏ bừng. Trên nhà, tiếng mẹ vẫn ho khục khặc làm nó thêm quặn đau. Tiếng cha vẫn rên rỉ. Nó nhìn ra cửa sổ, chỉ một khoảng không tối mịt đang bao trùm. Nó nghẹn ngào: “Không còn cách nào khác sao, Anh Hai?!”. Có một dòng nước mắt lấp lánh chảy xuống gò má.
Nó tự hỏi: “Tại sao cha lại ra nông nỗi này? Nếu cha tỉnh táo, đôi vai mẹ cũng không oằn xuống, gánh nặng gia đình cũng sẽ vơi bớt khi có cha đỡ đần cho mẹ. Thế nhưng, sự thật là gì chứ?”. Sự thật, nó là một phần máu thịt của cha. Chính ông đã cho nó sự sống đáng quý này. Ông cũng đã từng yêu thương nó rất nhiều. Chỉ có điều, ngay tại thời điểm này, tình thương ấy bị lớp bụi thời gian phủ mờ, bị nỗi oán hờn và ích kỷ của chính nó che khuất. Nó không biết rằng chính ông cũng đang quằn quại trong miền cô đơn.
***
Sáng thứ bảy, nó ở nhà. Cái Hà cùng mẹ đi cắt cỏ từ sáng. Tiếng ai đó gọi ở đầu đường:
- Tâm ơi, cha mày ngã xuống ruộng rồi kìa. Ra mà đưa ông ấy về! Tội nghiệp!
- Tội gì! Mày thích thì ra mà đưa!
Nó chỉ hậm hực trả lời và tiếp tục thái cây chuối cho trâu. Tiếng dao đều đều, vô tâm vô tình.
Huy vốn là bạn thân với nó, không thấy nó ra đành phải đưa ông về. Khó khăn lắm, Huy mới dìu ông về được tới nhà. Nó cứ giả làm ngơ, tiếp tục thái cây chuối. Nếu như không phải Huy gọi, nó cũng sẽ ra cõng ông về, sự xấu hổ đã kìm chân nó lại.
- Tâm, mi ra giếng tắm cho chú đi!
- Ai đưa về thì người đó tự đi mà tắm. Đây không rảnh!
Huy vừa mệt vừa tức nhưng thấy chú Sự đang bê bết những bùn thì không thể chịu được liền ra giếng kì cọ cho chú. Hai chú cháu cười hề hà. Bây giờ, chú Sự cũng đã tỉnh rượu phần nào. Một tay vừa dội nước một tay xoa tấm lưng cho chú, Huy ân cần: “Chú ơi, lần sau đừng uống nhiều nữa nhé!”
Nhìn thấy Huy tắm rửa cho cha mà nó cứ ngỡ đó là cha của Huy chứ không phải là cha mình. Nó lắc đầu ngao ngán, vừa bực mình vừa thấy xấu hổ. Tiếng thằng Huy lại í ới đằng giếng:
- Tâm, áo quần chú ở đâu?
- Tự vô nhà mà kiếm! Trong tủ đồ.
Huy tìm mãi mà vẫn không thấy đồ chú Sự đâu. Ở ngoài sân, nó vẫn lúi húi chuẩn bị thức ăn cho trâu. Chưa thấy Huy mang đồ ra, nó mới bỏ dở việc và đi vào nhà.
Thấy nó, Huy cau có:
- Mi lại mà tìm! Có thấy đồ của chú đâu.
- Kia kìa!- Vừa nói nó vừa chỉ vào cái kệ tủ phía dưới.
- Đó, đồ để trong đó. Để riêng ra mà.- Rồi nó bỏ ra sân.
Huy nhìn theo lắc đầu. Kéo ngăn tủ ra, Huy thấy những bộ đồ của chú để riêng, được xếp lại cẩn thận. Có lẽ, Hà đã xếp lại đây mà. Huy tự nhủ và lấy một bộ mang ra cho chú.
Nó đang dắt trâu đi tắm, thấy Huy chạy theo liền đi chậm lại.
- Cám ơn mi!
- Tau không nhận đâu.
- Tau… chán lắm rồi Huy ơi!
Cổ họng nó như có cái gì đó chẹn lại. Thấy nó ra chiều suy nghĩ, Huy cũng thông cảm.
- Tau nghĩ là chú cũng có cái khó riêng mi ạ.
- Tau chỉ mong cha tau bỏ rượu. Tau chán ghét cái cảnh này rồi. Say, suốt ngày say và cứ say. Ông ấy làm khổ mẹ con tau!
- Mi đừng buồn. Ít ra mi vẫn còn một người cha. Mi coi tau này, cha tau mất sớm, tau muốn nghe ông ấy chửi một câu hay quát mắng, đánh đập một lần mà...
- Tau nhường cho mi đó!
- Không phải... Ý tau là…
-…
Cả hai đều rơi vào sự im lặng. Hai con người, hai mong muốn khác nhau. Một người mong muốn có một người cha, khao khát được cha ở bên nhưng chẳng được. Người kia có cha nhưng người cha ấy lại chẳng phải là người cha đáng để tự hào. Ngược lại, sự hiện hữu của ông còn gây ra nhiều đau khổ và tủi nhục.
Huy về rồi mà nó cứ đứng kì cọ cho trâu mãi. Đó chỉ là thao tác quen thuộc, tâm trí nó đang nghĩ về lời thằng Huy nói: “Ít ra mày vẫn có một người cha.” Nó rất ghét cha uống rượu nhưng lại chẳng bao giờ để ý đến lý do khiến ông nghiện rượu. Nó trò chuyện cùng Anh Hai, nói đúng ơn là nó đang chất vấn Anh Hai và chất vấn chính mình: “Tại sao chứ? Tại sao Anh Hai ban cho em có cha nhưng lại để ông ra nông nỗi này? Em thà không có ông còn hơn. Em đã làm gì nên tội để phải sống trong cảnh này?”.
“Em đã làm gì nên tội?”. Phải, nó không có quyền lựa chọn cho mình một người cha. Những gì ông gây ra cho gia đình cũng chỉ bởi sự yếu đuối của riêng ông. Nhưng có lẽ chẳng bao giờ nó nghĩ, chính sự thờ ở và thái độ hắt hủi của nó đã tiếp tay cho tên ma men đang hiện hữu trong ông. Có bao lần, nó đi qua, giả vờ điếc trước lời gọi của cha. Mắt nó như bị mù, chẳng thèm nhìn cũng xem như không trông thấy người cha đang ngồi đấy cô đơn. Nó xem cha như không khí.
***
Đầu chiều, nắng nóng như muốn thiêu đốt tất cả. Nó và Huy đi lễ, mới đi được nửa chặng đường đã phải rẽ vào lề đường nghỉ mát. Những cây bạch đàn tỏa bóng râm. Gió rất hiếm và không khí thật oi bức. Cả hai chiếc áo đều ướt đẫm mồ hôi. Hai người nói đủ thứ chuyện: từ chuyện học, chuyện đá banh, chuyện con trâu… Huy chăm chú nhìn nó rồi hạ giọng:
- Tâm, tau nói này.
Thấy Huy hạ giọng, nó cũng nói như thì thầm sợ ai nghe thấy:
- Chuyện gì mà quan trọng thế?
- Mi có thương cha không?
- Tự nhiên … hỏi chi mà như con gái.
- Mi cứ trả lời đi!
- Tau chỉ ước cha tau được một góc của chú Thắng.
- Gì! Mi có thương cha không?
- Lãng xoẹt. Tau đi trước đây, sắp đến giờ lễ rồi.
- Ê! Mi trả lời đi chứ! Tâm! Tâm, đợi đã!
Nó rất bối rối, không biết mình có thương cha hay không nên phải đánh bài chuồn. Nó nghĩ đến chú Thắng. Chú ấy thật đạo đức. Nó chỉ mong cha hết uống rượu thôi.
Hai chiếc xe khuất dần. Gió vẫn biệt tăm. Không khí oi bức hơn. Chú Sơn chạy xe máy đuổi theo:
- Tâm, cháu xuống viện ngay! Cha cháu có chuyện rồi.
- Chú nói gì ạ? Cha cháu, cha cháu làm sao?
- Nhanh lên kẻo không kịp. – Huy hối thúc.
- Tau sợ quá Huy ơi. Có khi nào…
- Đừng nói bậy. Nhanh lên! Tau cùng mi xuống đó!
Hu…hu… Nó khóc như trẻ con ăn vạ. Những giọt nước mắt rơi xuống, lăn dài trên má. Nó từng mong cho ông chết nhưng bây giờ lòng lại đầy sợ hãi. Nó lấy hết hơi sức đạp xe xuống viện. Nó nói trong tiếng nấc: “Không… cha… cha sẽ không sao cả. Anh Hai! Cứu… cha em! Em không muốn mất cha đâu! Cha ơi! Con… con… không ghét cha. Anh Hai, hãy cho em một cơ hội!”
***
Cha nó bị mất máu nhiều cần tiếp máu gấp. Rất may, nó xuống kịp và đã tiếp máu cho ông. Ở hành lang bệnh viện, Huy cứ đi đi lại lại, trông sốt hết cả ruột. Hai tiếng đồng hồ trôi qua, vị bác sĩ có cặp kính dày bước ra từ phòng phầu thuật. Nó đón hỏi:
- Thưa bác sĩ, cha cháu …?
- Tạm thời đã qua cơn nguy kịch, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi.
- Vâng,… cám ơn bác sĩ!
- Tạ ơn Chúa! Cám ơn Anh Hai!
Nó khụy gối xuống, giọt nước mắt hạnh phúc trào ra. Huy đứng bên vỗ vào vai động viên.
- Bây giờ tau đã có câu trả lời cho mi rồi, Huy ạ.
- Không phải, là câu trả lời cho cha mi mới đúng.
- Không chỉ thế, tau sẽ yêu thương, quan tâm và ở bên chăm sóc cha.
- Phải vậy chứ!
Nó thì thầm: “Anh Hai! Em sẽ nắm lấy cơ hội này. Em không để tuột mất nữa đâu. Cám ơn Anh Hai nhiều lắm!”
Gió trêu đùa những tán lá đu đưa trước hành lang. Một ngọn gió mới cũng đang thổi trong tâm hồn của một người…
***
- Anh Tâm, ngày mai hai anh em mình đi tông đồ ở đâu?
- Đến bệnh viện tâm thần nhé!
Bây giờ, nó đã là một ứng sinh. Nó vẫn thường tâm sự với Anh Hai. Những lần đi tông đồ như thế đã cho nó nhiều cảm nghiệm và phần nào hiểu được những bệnh tật tâm hồn và thể xác của phận người. Nó thầm cám ơn Anh Hai đã cho nó nhận ra rằng khi một người ấp ngã rất cần đến sự giúp đỡ của người thân. Họ cần có một người hướng dẫn để có thể vượt qua khó khăn và cần có một người bạn đồng hành đáng tin cậy để không còn cô đơn. Nhưng thực tế có ít người nhận được sự hướng dẫn và được cảm thông. Nó thường suy niệm câu nói của Thánh Phêrô: "Anh em hãy hết tình yêu thương nhau, vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi", và câu trong sách Châm ngôn : "Ghen ghét sinh cãi vã, tình yêu khỏa lấp mọi lỗi lầm".
Nó dần hiểu ra rằng, Chúa không chỉ cho nó một cơ hội nhưng có nhiều cơ hội Chúa gửi đến. Điều quan trọng là nó cần mở lòng mình để nhận ra và nắm bắt cơ hội để yêu thương và tha thứ. Chính tình yêu thương của nó đã giúp cha có thêm nghị lực và bỏ được rượu.
Nó thầm nguyện trước khi lên đường: “Lạy Chúa! Xin cho con trở nên người tông đồ thánh thiện của Chúa. Amen.” Chiếc xe hòa vào dòng người hối hả để đến nơi đang cần sẻ chia… Đó là điểm hẹn Giêsu.