Động lực

Văn thơ Công giáo
Mã số: 16-135
Maria Nguyễn Thị Tâm, 1992, gp Vinh.
(Giải triển vọng, VVĐT 2016)
- Mày tên gì?
- Dạ, cháu tên Ngà, Nguyễn Thị Ngà ạ.
- Gớm! Thời nào rồi mà còn Ngà với Thị, bộ cha mẹ mày không còn cái tên nào nữa hả? Mà ở trong nhà tao gọi cô chú, xưng con, không cháu cháu gì hết. Và không dạ thưa lôi thôi. Tao ghét dài dòng.
- Dạ. Con hiểu rồi. Thưa cô.
- Lại nữa... Mà thôi. Nhà tao hơi phức tạp, mày coi ở được thì ở. Tao thì tao đi Chùa, Phật dạy tao thương người…
Thực ra chính Ngà cũng đã từng băn khoăn về cái tên của mình. Sao lại có dấu huyền? Mỗi Nga thôi có phải hơn rồi không? Lại còn thêm chữ Thị. Chao ôi! Chữ Thị này nó mới vô duyên làm sao. Bạn bè em bói không ra đứa nào chữ Thị ngay trước tên, chỉ có mỗi Thị Ngà. Còn nữa, sáu anh em trong nhà: Nhật Nguyên, Đức Hạnh, Duy Nhân, Thị Ngà, Thiên Phúc, Thiện Thảo. Lại cũng chỉ mình Ngà là Thị Ngà. Nếu Ngà là con đầu, em sẽ biện minh được ngay là vì ba mẹ chưa có kinh nghiệm đặt tên, nhưng em là con thứ tư kia mà. Không cách nào hiểu được, Ngà buồn.
Cho đến ngày em mười tám tuổi, Ngà nhận được một món quà từ tay ba mẹ em. Mẹ nói món quà đó đã được dành riêng cho em từ cái ngày em chào đời, ba mẹ đã giữ nó suốt ngần ấy năm. Đó là một cuốn Tân Ước màu nâu xỉn, cái màu loang lổ của thời gian năm tháng. Nó đã có từ ngày đó ư? Nó chứng kiến cuộc đời mình ư? Ngà run run mở cuốn sách ra, và kìa, một tờ giấy được kẹp ngay ngắn ở trang thứ sáu. Một bức thư với nét chữ quen thuộc của ba, bức thư hôm nay cũng tròn mười tám tuổi, bức thư trả lời cho tất cả mọi thắc mắc của em.
***
Lúc này Ngà mười chín tuổi, Ngà đi làm, khi ước mơ em vẫn còn dang dở. Con sẽ viết tiếp nó, còn bây giờ con dâng nó cho Cha - Ngà thầm thĩ nguyện cầu cùng Chúa.
Ngà làm cho nhà cô chú. Công việc của em, xã hội gọi là Ôsin, con út của cô, nhóc Ban, gọi là người ở. Ngà nghe thấy vậy hôm có đứa bạn đến chơi, nó chỉ vào Ngà lúc đó còn đang cặm cụi lau nhà, hỏi:
- Ai vậy?
- Người ở…- Ban đáp gọn.
Nói rồi hai đứa chạy lên lầu.
- Con ngạc nhiên…và hơi buồn.- Ngà nói chuyện điện thoại tối đó với ba.
- Con à, lời nói gió bay, tình yêu thương sẽ còn lại mãi… Nhớ hôm con đi ba nói gì với con?
- Dạ, ba dặn con: Hãy đến với Chúa những lúc con gặp khó khăn…
- Ừ - Người ba nghỉ mấy giây, như để câu nói đó, một lần nữa, ngấm vào cả hai - Con lần chuỗi Thương hôm nay, dừng lại ở Thứ ba thì ngắm nha! - Ông lại nghỉ mấy giây - Dâng con cho Mẹ Maria.
- Dạ, ba mẹ ngủ ngon.
Đã thành thông lệ, mỗi lần nghe ba nói “Dâng con cho Mẹ Maria” là Ngà biết ba đã nói với em xong và cũng như những lần khác, Ngà thấy lòng mình vơi nhẹ hẳn đi.
Ngà thắp lên một ngọn nến bên cạnh tượng Khổ Nạn, có Mẹ Maria và cuốn Tân Ước với bức thư viết cho riêng em nữa. Em nhìn đồng hồ, đã quá nửa đêm, gia đình cô chú chắc đã ngủ rồi. Trong ánh nến thân quen, Ngà làm dấu, thầm thì những lời kinh. Nâng chuỗi hạt lên, em lần Chuỗi Thương. Vào mỗi tối thứ ba và thứ sáu cả nhà em sẽ lần chuỗi Thương, nhưng sao hôm nay ba lại dặn em vậy nhỉ? Hôm nay là thứ hai mà. Ba còn dặn ngưng ở chuỗi thứ ba? Tay Ngà bắt đầu di chuyển trên chuỗi hạt… đến chuỗi thứ ba: Thứ ba thì ngắm… Đức… Chúa… Giê-su… chịu… đội… mão… gai… ta… hãy… xin… cho… được... chịu… mọi… sự… sỉ… nhục… bằng… lòng. Chịu sỉ nhục… bằng lòng…Thật chậm rãi…
Ngà nấc nghẹn. Nước mắt em tràn ra, an yên, lặng lẽ.
***
Reng! Tiếng chuông cửa reo lên khi Ngà vừa làm xong món rau cuối cùng cho bữa tối.
- Dạ, con chào chú!
- Ừ, nấu cơm chưa con?
Chú, chồng cô, là một người đàn ông trung niên thành đạt, ánh nhìn của ông nói cho Ngà biết đó là một con người không khoan nhượng, không thỏa hiệp, kiên quyết đến cùng. Ngà không sợ ánh mắt đó nhưng em biết trong ánh mắt ấy có gì đó muộn phiền.
Ngà dọn cơm. Em đi mời chú và mọi người trong nhà. Người con đầu tên Nam, hơn Ngà ba tuổi còn nhóc Ban đang học lớp 10. Ở phòng kế bên phòng ăn, cô đang bán hàng. Bữa cơm diễn ra với bốn con người, thiếu cô. Ngà xin phép chú và hai anh em rồi em làm dấu, thầm nguyện một kinh Lạy Cha, không quên xin Cha cho ba con người đang ngồi trước mặt mình ăn được bữa cơm trên bàn. Mở mắt ra, Ngà bắt gặp hai con mắt tròn xoe của nhóc Ban. Ngà mỉm cười: Sao vậy em?- Nó thấy lạ đó! - Nam nói. Ngà nhìn anh Nam rồi nhìn sang nhóc “Thật hả?”. Ban cười lớn - Thật! Thế rồi tất cả bọn họ cười vang. À không, có một người vẫn lặng lẽ ngồi ăn, Ngà không thấy chú cười, mà giả như chú có cười thật thì chú cũng không để lộ ra cho em thấy.
Ngà dọn dẹp xong thì cô cũng vừa bán xong hàng. Em đun lại chén canh nóng và bưng khay cơm ra. Cô cảm ơn em và ngồi xuống ăn mấy muỗng canh. Ngà phụ cô xếp lại đống hàng, vừa làm cô vừa kể cho Ngà nghe chuyện hai cô chú ly dị rồi nhưng vì căn nhà chung này chưa bán được nên cô vẫn còn ở đây. Trong nhà mọi chi phí sẽ được chia đều, cô chịu một phần, chú chịu bốn phần, gồm của chú, Nam, Bờm, Ngà nữa. Sao chú lại phải chịu nhiều vậy ạ? Ổng giàu lắm, ông là phi cơ trưởng - captain đấy. Mày thấy cái xe Mercedes ngoài kia không? Của ông đấy!
Rồi cô kể ngày cô về làm dâu, cô không cắt được tiết con gà, bà mẹ của chú than: “Tội nghiệp thằng con tôi, lấy phải con vợ mà cắt có cái cổ gà cũng không được thì làm gì nên?”- Cô nhìn thẳng mặt bà, nói: “Con xin lỗi mẹ, chứ đầu hẻm nhà mẹ con có gánh cháo gà, một ngày bà đó bà làm không biết bao nhiêu con gà mà chồng bà bao năm vẫn cứ gánh nồi cháo đi bán, làm chi nên?”. Ngà cười lăn ra - Cô! Nói theo kiểu ở quê con thì cô thuộc dạng ghê gớm, kiểu đàn bà mổ mèo lấy cá đó. Cô cười giòn: Mày nói giống ông rồi đấy. Nhưng ổng sẽ thêm một câu: Em ra hỏi cả cái sân bay xem có ai là không biết tiếng em nữa không? - Vậy là chú còn thương cô? - Không biết nữa. Ly dị rồi. Mà thôi đi. À, mày có sợ không khi trong nhà này có đến ba người đàn ông? Dạ không - Ngà cười - Con là người tin Chúa, trong niềm tin của con thì chính Chúa đã cho con gặp cô chú. Chúa dẫn con đi và luôn ở bên con. Con chỉ việc sống thật tốt thôi. Vậy đó cô. - Ừ, tao nghĩ là mày đúng. Chúa của mày cũng đúng…
Nhìn cô một mình mỏi mệt lê bước trên cầu thang dẫn lên phòng, Ngà thấy thương chi lạ. Bên trong cánh cửa kia chắc chú cũng đang mệt mỏi cô đơn. Sao lại phải vậy nhỉ?
Ngà nhớ lại câu hỏi lúc nãy của cô. Em không sợ. Đúng vậy, có một niềm tin sắt đá trong em về Chúa, về mọi việc Chúa làm. Em tin Chúa luôn đúng. Thú thật, chưa bao giờ em mặc cả với chính mình hay để bản thân có giây phút hoài nghi về điều đó. Chúa luôn ở đó, em biết, giống như cây cột số chỉ đường.
Một buổi chiều, khi đã xong xuôi mọi việc, Ngà lên sân thượng thì thấy nhóc Ban đang ngồi trên ghế, hai tay chống cằm, nó đang phồng má giả làm một con cá. Trên bàn là một lô một lốc những sách vở, tài liệu, giáo trình ôn thi. Chán lắm hả? - Ngà hất mặt về phía nhóc, cười hỏi. Ừ, chán! Sao thế? Nếu là bài tập thì chị có thể giúp được em đó. Ha ha! Để xem chị thông minh sao nhé! Sẵn sàng! Gói mì tôm ngon nhất là…? Bao xúp! Ok, hai con mèo đi trước hai con mèo, hai con mèo đi giữa hai con mèo, hai con mèo đi sau hai con mèo, có tất cả bao nhiêu…? Bốn con mèo. Ok, vậy sao con mèo kêu meo meo thì gọi là con mèo, con chó sủa gâu gâu lại gọi là con chó? Ừ, thế sao lúc em vừa sinh ra, em khóc oe oe mà bố mẹ không đặt tên em là Oe Oe? Hay như giờ em là Ban, sao em không suốt ngày kêu ban ban đi? Tuyệt, hay quá chị!…
Và sau đó là đủ mọi chuyện trên đời. Có chuyện ông thầy cứng nhắc, quan liêu ở trường: Chị biết không, em ngồi học ông mà ức chế… rồi không chỉ em mà còn nhiều thế hệ học trò tiếp nữa. Thật đáng thương! - Ừm, không biết lịch sử đi đến đâu rồi mà người ta vẫn còn dạy học y như cái thuở vua Hùng dựng nước vậy ha. Cơ mà khi đã chọn nghề giáo thì chị tin là họ yêu nghề, có chăng chỉ là do cái nhiệt huyết thời trai trẻ đã dần lùi vào một cái thời quá vãng xa xăm nào đó và đang-cần-ai-đó-giúp-họ-kéo-về? Ngà nhìn Ban, nó nghiêng nghiêng cái đầu, lại phồng má: Biết đâu?
Hai chị em đứng trên ban công, Ban chỉ về phía nơi gia đình nó trước kia đã từng sống một thời hạnh phúc, những tháng ngày mà nó nói - hạnh phúc nhất của cuộc đời nó... Ngà kể nó nghe về tuổi thơ và gia đình em, về căn bệnh của mẹ, đôi tay lở loét, ứa máu, đau đớn của ba vì xi măng ăn vào sau những ngày công thợ nề mệt nhọc, về giấc mơ chưa thành của em - Qua Tết này chị sẽ xin phép bố mẹ em để đi học buổi tối. Chị sẽ đi học tiếp và viết tiếp giấc mơ của mình. Em và chị, chúng ta cùng thắp lên ngọn lửa hy vọng nào! Nói rồi Ngà chạy xuống phòng, cầm lên một cây nến - Cầu nguyện cùng chị nha. Hai chị em ngồi xuống, Ngà làm dấu, Ban vụng về làm theo. Ngà cười: Em nói với Chúa… những ý nghĩ, nỗi buồn, ước mơ… mọi thứ nhé. Có một Đấng… là Chúa của chị… của cả em nữa… đang nghe. Như chị nè. Rồi Ngà cầu nguyện, tiếng nói em ngắt quãng với những nặng lo, nỗi trống trải, bao xáo động, nghĩ suy…
Còn chú nhóc kia, sau một hồi loay hoay cũng bập bẹ được thành lời: Chúa ơi, con…
- Chúa không đáp lại chị nhỉ? - Ban mỉm cười nhìn Ngà.
- Ừ, Ngài im lặng. Nhưng em thấy gì nào?
- Tuyệt, chị ạ. Chúa im lặng, nhưng em vẫn cảm nhận được một sự hiện diện.
- Cảm giác của hai tâm hồn gặp nhau?
- Đúng! Tâm hồn em gặp Ngài. Em thấy lòng bình an lắm.
- Ơ chị ơi! Sao mình không làm vậy cùng với bố mẹ và anh Nam nữa nhỉ?
- Ơ, được không? Mà tại sao không chứ? - một ý tưởng lóe lên trong đầu hai đứa - Chúng ta phải chuẩn bị thế này…
Đêm ấy về phòng, Ngà lại thắp lên ngọn nến. Em nghe thấy tiếng thở đều đều từ sau những cánh cửa kia. Ngà nhìn lên Thánh Giá, nhìn vào bức thư… em nghe như giọng nói của ba mẹ nhẹ nhàng chảy qua tai “ước mong đời con là một tiếng yêu thương sống động dành cho Chúa, cho mọi người”. Em chọn là tiếng yêu thương cho gia đình này, vào lúc này, theo sự quan phòng của Thiên Chúa Tình Yêu. Em dâng cô chú cho gia đình Thánh Gia và cầu xin Chúa chúc lành cho những ngày tiếp theo, những ngày mà nhóc Ban gọi là triển khai kế hoạch.
- Tán thành! Anh đồng ý! - Nam nhìn hai chị em với đôi mắt rưng rưng. Vậy là đã có đồng minh, một sự bảo trợ chắc chắn! - Ban reo lên, Nam xoa đầu em - Ngốc ạ.
Những ngày đó, trong ngôi nhà đó, có rất nhiều tiếng cười vang lên. Và ngọn nến vẫn được thắp lên mỗi tối, với hai đứa trẻ, rồi thì ba đứa.
Ba con người trẻ, dùng mọi cơ hội để khiến cho hai người tuổi đã tứ tuần phải bật ra những nụ cười vốn dĩ còn đang bị trói. Và Nam đã thay Ngà làm cái công việc gọi chú xuống ăn cơm bằng cách bí mật lắp một cái loa nhỏ trong phòng bố với bộ điều khiển ở dưới phòng ăn. Trước giờ cơm, ba anh em tập trung, Nam tằng hắng giọng rồi nói vào bộ đàm: Bố! Bố! Tổng đài gọi bố! - Tổng đài gọi bố! - Ban lặp lại. Sau đó là giọng Ngà nghiêm trang: Dạ, con mời chú xuống dùng cơm.
Người đàn ông đi xuống, nhịn cười nhìn ba đứa trẻ với vẻ mặt gần như là sát nhân. Nam lại tằng hắng - Bố! Tổng đài muốn bố đi mời một người! - Xin chào! Tôi được lệnh hộ tống đồng chí – Ban nhanh tay kéo bố sang phòng bên, không quên liếc nhìn anh Nam lúc này đang chắp tay lại trước ngực. Vừa lúc nãy, Ban đã cầu nguyện rồi, em tin tưởng dẫn bố đi. Ở bên kia, Ngà đang thương lượng với cô về những gì sẽ xảy ra vào mấy giây tiếp đó.
- Lúc đó con chỉ sợ mẹ hét lên và đuổi cổ tất cả ra khỏi phòng - Nam cười nói.
- Con thì cầu nguyện Chúa cho bố im lặng và mẹ mỉm cười. Và đã xảy ra như vậy. Quá tuyệt vời bố mẹ ạ! - Ban reo lên.
- Được rồi. Mẹ xin lỗi ba bố con, vì giả như, mẹ có hay la hét như vậy.
- Và cô chú cảm ơn con, Ngà ạ. Cảm ơn con - Chú khẽ vỗ vào vai Ngà, chú cười, nụ cười hạnh phúc.
Đó là câu chuyện sau đó, của một đêm nào đó không có trong kế hoạch, trong phòng Ngà, dưới ánh nến và Thánh Giá, họ cám ơn Chúa, họ cám ơn nhau. Họ nói về gương mặt của Chúa trong cuộc đời của họ.
Ngà lặng lẽ mỉm cười. Khi con người ta có một niềm hạnh phúc quá lớn lao, lúc đối diện với chính mình, người ta chỉ biết cười lặng lẽ như vậy.
Ngà nhìn lên Thánh Giá rồi đọc lại bức thư… Ngà khóc… Tình Yêu ấy, ước nguyện ấy… mãi cháy sáng trong em động lực để đi và đến.

21. 12. 1992
Con ạ,
vào lúc chào đời:
mắt con nhắm chặt
miệng con khóc lớn.
Nguyện cho từng ngày sống trong cuộc đời
đầu con ngẩng cao
mắt luôn trong sáng
và miệng tươi cười
với mọi người mọi lúc.
Để khi mắt miệng nhắm và tay xuôi
thì cả đời con
toàn thân con
là một tiếng yêu thương sống động
dành cho Chúa
cho mọi người.
27.12.1992
Con ạ,
hôm nay con nhận lãnh Bí tích Thánh Tẩy
ba mẹ đặt tên cho con.
Mẹ con đặt tên con là Kim Nga
ba đồng ý
ba xin Mẹ Maria làm Bổn Mạng con
mẹ con nói: để con tự chọn ngày
ba bế con lên
nhìn con
và kể con nghe các danh hiệu Đức Mẹ:
Mẹ Thiên Chúa?
Mẹ Dâng Chúa trong Đền Thờ ?
Mẹ Thăm Viếng ?
Mẹ Lên Trời?
Mẹ Mân Côi?
Mẹ Vô Nhiễm?
Mẹ Maria Nữ Vương?
Mẹ Dâng Mình?
Con vẫn nằm yên, hai mắt con cứ nhìn vào ba thôi.
Ba đưa mắt nhìn quanh nhà
rồi dừng ở tượng Khổ Nạn
ba nhìn xuống con:
Mẹ Sầu Bi?
Con liền mở miệng cười tươi
hai mắt con long lanh ánh lên tia hạnh phúc
nụ cười tươi thắm đầu tiên trên môi con
là dâng cho Mẹ Sầu Bi
dưới chân Thánh Giá.
Mẹ con bế con từ tay ba
mẹ nhìn con
và miệng mẹ nói với ba:
Vậy tên con không còn là Nga nữa
nhưng là Ngà
thêm một dấu huyền
một nét mác
một nét bình
an yên
gom về
lặng thầm
sâu sắc.
Không còn là Kim Nga
con là Ngà, Thị Ngà
con nhé!