Chuỗi Mân Côi

Văn thơ Công giáo
Mã số VVYT 16-030
Têrêsa Nguyễn Phương Thảo, 
(Giải nhì VVYT 2016)
(Kính tặng Cha Xứ Phêrô Bùi Quang Tuấn, CSsR, và bạn Anna Phạm Thị Kiều Thu)

PHẦN 1
Gia đình nội ngoại của tôi đều gốc Phật Giáo. Riêng bản thân tôi, ngay từ nhỏ lại chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng vô thần từ mẹ tôi. Đặc biệt, tôi rất có ác cảm với Thiên Chúa Giáo (Công Giáo), vì qua sách báo, tôi được nghe biết về lắm vụ tai tiếng kinh thiên động địa của Giáo Hội, nhất là vào thời Trung Cổ. Có thể nói, tất cả bạn bè thân thiết của tôi đều hoặc theo Phật Giáo, hoặc theo Đạo “Thờ Ông Bà”. Còn những người quen sơ theo Công Giáo luôn phải chướng tai gai mắt với những luận điệu khích bác đến xóc hông của tôi …

Rốt cuộc thì… ghét của nào Trời trao cho của nấy… Vào đầu năm tôi học lớp 12, lớp A3 bên cạnh bị giải thể và một số bạn được chuyển qua lớp A1 của tôi. Sau thủ tục chào hỏi và giới thiệu các bạn mới, cô giáo chủ nhiệm đã chỉ định một bạn gái vào bàn tôi và ngồi ngay cạnh tôi. Nàng có tên gọi là K.T., một cái tên đáng yêu như vóc dáng xinh xắn của nàng. Thế là một định mệnh mới mẻ đã được an bài cho tôi… Không hiểu vì sao, ngay từ giây phút gặp gỡ đầu tiên, tôi đã thấy mình bị thu hút một cách mạnh mẽ, lạ lùng bởi cô bạn mới này. Rồi từ đó trở đi, tôi cứ ngày ngày lẽo đẽo bám sát theo nàng… từ lúc cổng trường chưa mở cho đến lúc tiếng trống vang vang báo hiệu tan học, siêng năng cần mẫn như một chàng trai mới lớn vác cuốc đi trồng… cây si. Đến nỗi, đám bạn thân từ trước phải phì cười và trêu tôi là kẻ thuộc hệ “thứ ba” vì trót “phải lòng” một người cùng phái.
Đúng vậy, tôi không chối cãi là tôi đã “mê mệt” K.T., “mê” đến độ khi biết K.T. là tín đồ Công Giáo, thứ “tôn giáo khó ưa” mà tôi từng thề độc là sẽ không bao giờ gia nhập, tôi vẫn bất chấp, thậm chí còn chăm chú lắng nghe nàng nói về Đức Kytô của nàng… Đây mới thật là chuyện lạ kỳ hy hữu, vì từ bấy lâu nay, đem bất cứ đạo gì ra bàn, tôi còn khả dĩ tiếp chuyện chứ hễ đề cập tới Thiên Chúa Giáo, tôi sẽ lập tức nhảy nhổm lên công kích cho tới cùng.
Bấy giờ trong lớp tôi có hai cô bạn khác, một cô tên là T.M., thuộc Hội Thánh Tin Lành, và cô kia tên là N.T. thuộc hệ phái Cơ Đốc Phục Lâm. Vô tình khám phá ra sự quan tâm “bất bình thường” của tôi đối với Chúa Giêsu, hai nàng ấy liền hăng hái xúm vô rủ rê tôi đi nhà thờ và lôi Kinh Thánh ra giảng giải đến chóng cả mặt. Không hiểu sao lúc ấy, tôi đâm ra dễ dãi ghê… Ừ, rủ đi nhà thờ Tin Lành, tôi cũng ưng thuận… Đem Kinh Thánh ra thuyết pháp, tôi cũng không khước từ…
Tài hùng biện và kiến thức uyên bác của hai cô bạn T.M. và N.T. dĩ nhiên là miễn bàn rồi. Hai nàng thay phiên nhau trích dẫn Kinh Thánh ào ào, kèm theo bao nhiêu luận chứng hùng hồn cho sự tồn tại của một Đức Chúa lạ lẫm nào đó ở tận trên… Trời. Thế đấy! Các nàng ấy nói quá nhiều, quá dư thừa về Chúa, nói đến độ khiến tôi phải tẩu hỏa nhập ma, mà tôi vẫn chẳng thấy… Chúa đâu! Lần nào gặp mặt, các nàng cũng đều lật Thánh Kinh vèo vèo, chỉ vào chỗ này… Chúa ở đây, rồi trỏ vào chỗ nọ… Chúa ở kia. Riêng tôi chỉ độc thấy những dòng chữ ngoằn nghèo chồng chéo lên nhau đến rối con mắt… chứ bản thân Chúa Trời thì vẫn mịt mù bóng chim tăm cá…
Hoàn toàn trái ngược, K.T. không bao giờ “dụ dỗ” tôi đi nhà thờ, không nỗ lực chứng minh có Chúa, và càng không hoài công thuyết phục tôi tin vào Ngài. Hiểu biết tôn giáo của nàng cũng khá hạn hẹp, gói gọn trong các lớp Giáo Lý căn bản là Xưng Tội Rước Lễ lần đầu, Thêm Sức và Bao Đồng. Và cũng như đại đa số tín hữu Công Giáo thời bấy giờ, nàng không thuộc Thánh Kinh, lại càng mù mịt về khoa chú giải. Tuy nhiên, nàng đã thực thi cho đến tận cùng từng Lời của Chúa bằng một lối sống mộc mạc nhưng thấm đượm tình yêu thương lân tuất của Ngài.
K.T. sống đời thường nhật của mình với một tâm tình đơn sơ hướng về Chúa, một tâm tình đã được hun đúc sâu đậm từ thưở ấu thơ bởi mẹ nàng, một góa phụ trung trinh, chuyên cần trong lời kinh tiếng kệ và tận tụy uốn nắn con thơ trong niềm tin và đức ái. Bà luôn chú tâm nhắc nhở các con cầu nguyện, đặc biệt là lần chuỗi Mân Côi. Bà nhẫn nại giáo dục con biết mến yêu, chia sẻ, nhường nhịn và vị tha với những người xung quanh như Đức Kytô đã truyền dạy. Bà ân cần hướng dẫn con phải làm thế nào để đẹp lòng Chúa, sáng Danh Chúa ngay trong mỗi tương quan xa gần với tha nhân và mỗi công việc lớn nhỏ của đời thường.
Như thế, cuộc đời rất đỗi bình dị và an lành của K.T. vốn đã được dệt thành từ những ngày tháng êm đềm trong dạ mẹ, bằng những chuỗi Mân Côi nhiệm mầu trong lời nguyện cầu và ru hời tha thiết. Lớn lên, nàng lại tiếp tục đan kết mảnh đời mình bằng những chuỗi Mân Côi của chính mình. Để rồi những lời kinh huyền nhiệm ấy lần hồi thấm sâu vào từng ý nghĩ suy tư, từng lời ăn tiếng nói, từng hành vi cử chỉ của nàng và biến thành bấy nhiêu hạt Mân Côi lấp lánh yêu thương, được kết nối chặt chẽ với nhau bằng sợi dây khoan dung vô bờ bến của Cha Trên Trời.
Tôi còn nhớ mãi, K.T. thường nói với tôi về Đức Kytô, về các giới răn yêu thương của Ngài và về tầm ảnh hưởng lớn lao của Ngài trên đời sống hằng ngày của nàng, đoạn thủ thỉ rót vào tai tôi:
- K.T sẽ cầu nguyện cho P.T. K.T. sẽ luôn nhớ tới P.T trong Đức Kytô.
Lúc ấy, dĩ nhiên tôi chưa hề biết Đức Kytô là ai, nhưng chỉ cần nghe được những tâm tình chân thành tha thiết ấy, tôi đã cảm thấy rất có cảm tình với Ngài rồi…
Mỗi lần trò chuyện với K.T., tôi lại có cảm giác như đang đối diện với Đức Kytô cùng ánh mắt mời gọi trìu mến không cưỡng được… Thế là bao nhiêu luận cứ vô thần từ bao năm nay tưởng chừng vững chắc như núi sắt tường đồng, đã sụp đổ và tan rã hoàn toàn trước một tang chứng quá ư hiển nhiên… Qua K.T., tôi đã được gặp gỡ Thiên Chúa một cách chân thật, không phải một Thiên Chúa xa lạ, vô hồn trong sách vở, có đó chỉ để lấp đầy những khoảng trống mà khoa học chưa thể giải thích được, nhưng một Thiên Chúa là Cha Yêu Thương Nhân Hậu luôn chờ đón đàn con cái tản mác trở về với Ngài.
Tôi đã đến xem và tôi đã tin (Gioan 1:39-42)… Niềm tin vào Thiên Chúa đã đến với tôi một cách bất ngờ và đơn giản như thế đó…
PHẦN 2
Sau khi tốt nghiệp Trung Học, bạn bè mỗi kẻ một nơi. Tôi đơn thân đến nhà thờ Đa Minh Ba Chuông (kế cạnh trường PTTH Phú Nhuận) xin học Giáo Lý Tân Tòng và chịu phép Thanh Tẩy vào Lễ Chúa Kytô Vua. Hôm ấy, tôi tình cờ liên lạc được với K.T. và nàng đã đến chung vui với tôi trong ngày trọng đại này.
Vào đạo rồi, tôi tiếp tục tham dự Thánh Lễ hàng tuần tại nhà thờ Đa Minh. Tương truyền rằng Đức Mẹ đã hiện ra với Thánh Đa Minh, ban cho Ngài chuỗi Mân Côi và dạy Ngài truyền bá cho khắp muôn dân. Vì vậy, các tu sĩ Dòng Đa Minh có lòng yêu mến Kinh Mân Côi một cách đặc biệt. Riêng tại nhà thờ Đa Minh Ba Chuông, trước mỗi Thánh Lễ, các Soeur đều hướng dẫn cộng đoàn lần một chuỗi. Lúc đầu, tôi cũng sốt sắng đi Lễ và đọc kinh. Nhưng sau một thời gian ngắn, tôi bắt đầu ngán ngẩm... Không lẽ theo Chúa thì chỉ có bấy nhiêu thôi? Đang uể oải lầm bầm trong bụng như thế, tôi tình cờ được giới thiệu đến với Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng. Thế là kể từ đó, tôi giã từ chuỗi Mân Côi nhàm chán để đến với các lớp Giáo Lý Nâng Cao của các linh mục danh tiếng trong Giáo Phận Sài Gòn.
Tôi dần dà trở nên “nổi tiếng”, không phải nhờ vào công việc từ thiện bác ái như nhiều người khác, mà chỉ vì khóa học nào tôi cũng… có mặt, kể cả những khóa đào tạo chuyên biệt mà hầu hết học viên là tu sĩ, tôi cũng không bỏ qua. Nhiều người cho rằng tôi là kẻ thích khoa trương kiến thức, nhưng thật ra, không phải vậy. Đối với một người đạo gốc, được dắt dìu từ những ngày thơ ấu, niềm tin có lẽ đến với họ dễ dàng hơn nhiều. Đằng này, tôi vốn quen thuộc với lối suy tư vô thần, mọi sự đều phải được mổ xẻ trắng đen rạch ròi dưới lăng kính của lý trí. Vì vậy, việc nhìn nhận một Thiên Chúa siêu nhiên vượt lên trên khoa học không phải là điều tôi có thể hoàn thành trong một sớm một chiều… Ấy là chưa kể đến những áng văn rất sốc trong Cựu Ước, chẳng hạn,
“Ta là Thiên Chúa ghen tuông phạt tội cha ông trên con cháu đến ba bốn đời, đối với những ai thù ghét Ta” (Xh 20:5).
Thú thật, lần đầu tiên nghe đoạn ấy, tôi choáng đến mức chỉ muốn… bỏ đạo ngay lập tức! Một Thiên Chúa được mệnh danh là Toàn Năng mà lại so đo, nhỏ nhen, và thù dai đến mức trù dập đến ba bốn đời những ai chống đối Ngài. Nếu không có chút ít hiểu biết về khoa chú giải Thánh Kinh và chỉ diễn giải câu ấy theo nghĩa đen, đó quả là một điều không thể chấp nhận được!
Ngày tháng thấm thoát trôi nhanh như thoi đưa, bốn đứa chúng tôi (tôi, K.T, T.M và N.T) đều đã lập gia đình và lưu lạc mỗi đứa một phương trời. T.M vẫn ở Sài Gòn, tôi đinh cư ở Canada, còn K.T và N.T lập nghiệp tại hai tiểu bang xa cách nhau ở Hoa Kỳ. Sau bao nhiêu vất vả tìm kiếm, cuối cùng tôi đã liên lạc được với K.T và N.T (còn T.M., tôi vẫn chưa có tin tức).
Tôi được biết, trong thời gian xa cách, cả ba chúng tôi (tôi, K.T và N.T.) đều phải vượt qua những đoạn đường thăng trầm vô cùng nghiệt ngã của đời người. Sự kiện ấy có lẽ không lạ lẫm gì đối với cuộc sống bể dâu này, nhưng điều bất ngờ ở đây chính là cái kết cuộc sau cùng. Cả tôi và N.T. đều đã khuỵu ngã, chỉ riêng K.T. vẫn đứng vững trong nghịch cảnh trái ngang. Tôi đã hờn trách và lạc mất niềm tin vào Thiên Chúa, giân dỗi và quay lưng với Hội Thánh trong khoảng thời gian khá dài, và chỉ mới trở lại rất gần đây thôi. Còn N.T. không những chối bỏ đức tin, rời xa nhà thờ, mà còn lẩn trốn khỏi tất cả bạn bè và người quen đồng đạo xưa kia. Nàng oán hận Chúa không che chở cho mình, và không muốn nghe bất cứ ai nhắc nhở đến Danh Thánh Ngài. Nhưng K.T. hoàn toàn khác. Nàng khiêm nhượng chấp nhận mọi mất mát đau thương với lòng tín thác tuyệt đối:
- Mình chỉ xem đó như một tai nạn mà thôi...
Thế đấy, tuy là Tân Tòng, nhưng sau bao tháng ngày miệt mài theo đuổi các khóa học nâng cao, tôi dám cam đoan rằng “trình độ” tôn giáo của tôi ngày nay đã trổi vượt K.T. xa lắm rồi. Riêng N.T. thì khỏi nói, nàng ấy còn hơn tôi cả vài bậc là thuộc lòng cả quyển Thánh Kinh. Vậy mà cuối cùng tôi ngỡ ngàng khám phá ra, những kiến thức tưởng chừng cao siêu ấy thật ra chỉ là một chiếc nền bằng cát mỏng manh, không đủ sức giữ vững lòng tin vốn dĩ rất yếu ớt của chúng tôi. Riêng nàng K.T., với khả năng tri thức giới hạn hơn, đã khôn ngoan xây dựng nền móng một cách vững vàng trên những chuỗi Mân Côi nhiệm mầu, nhờ vậy, ngôi nhà đức tin của nàng, ngỡ là sơ sài lụp xụp với những hiểu biết giáo lý rất căn bản, vẫn có thể sừng sững giữa mọi bão táp phong ba.