Chọn Chúa

Văn thơ Công giáo
Gioakim Nguyễn Quốc Nam, Con Chiên Nhỏ, 1991, Gx Đá Hàn, Gp Nha Trang
(Giải triển vọng VVĐT 2015)
- Trích tập “Người Gieo Hạt”-



- Có ai ở nhà không? Có ai không? Ra nhận thư này! Tôi hối hả chạy nhanh ra. A! Thì ra là bác đưa thư.
- Con chào bác! Có thư hả bác?
- Ừ! Hình như là giấy báo kết quả thi đại học của mày hay sao đó.
Vừa mừng vừa lo, cầm tờ giấy báo tôi chạy ngay vào nhà mà quên cả việc cảm ơn bác Chín, người đưa thư của xóm  tôi.
Cầm giấy báo mà lòng tôi hồi hộp quá đỗi: Sẽ tiếp tục cầm viết để đến giảng đường hay phải về nhà cầm cuốc? Sẽ làm hãnh diện cho gia đình hay lại chỉ mang tiếng học cho lắm rồi cũng  cầm cày? Bao nhiêu suy nghĩ làm tôi thấy sợ, tôi sợ chính điều mình đang mong đợi. Tôi thu hết can đảm, sao mà tấm giấy này nặng quá, tôi hồi hộp mở ra: Toán: 8,5; Lý: 9; Hóa: 8,5. Tôi sung sướng nhảy cẫng lên và chạy ngay đi tìm ba tôi. Ông đang cuốc cỏ ngoài vườn… Ông mừng quá cũng chạy ngay đi tìm mẹ tôi. Tối đó cả gia đình được mẹ đãi một bữa thịnh soạn hết sức.
Nhưng rồi nỗi lo lại đến với nhà tôi: Tiền! Sau mới hai đêm mà tôi thấy mắt mẹ thâm quầng. Bà vẫn cố tỏ ra vui vẻ và bình thản trước mặt anh em tôi, nhưng tôi biết rằng cứ mỗi đêm khi anh em tôi đã yên giấc thì ba mẹ tôi thì thầm với nhau cả đêm để nghĩ cách kiếm tiền lo cho tôi. Tôi lưỡng lự. Có nên tiếp tục học hay không? Ba tôi cương quyết không cho tôi nghỉ học, ông nói dù có bán đi miếng đất cuối cùng ông cũng phải lo cho tôi. Tôi thương ba mẹ quá.

Cũng xin nói thêm, gia đình tôi là người lương nhưng sống giữa một xóm đa phần là người Công giáo, nên ba tôi có quen mấy người làm trong nhà thờ vì cùng có chung niềm đam mê: cờ tướng. Nghe hoàn cảnh gia đình tôi như vậy nên họ khuyên ba  tôi nên tìm đến ông cha sở của họ xem có giúp được gì không, nghe nói ông cha tốt bụng lắm. Thôi thì có bệnh vái tứ phương, hai cha con tôi đánh liều đi gặp ông cha. Trong ý nghĩ tôi lúc đó ông cha phải ghê gớm lắm, chắc phải như Kim Mao sư vương Tạ Tốn trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, hay ít ra cũng “vai năm tấc rộng thân mười thước cao” như Từ Hải của cụ Nguyễn Du, vậy nên tôi sợ lắm.
Bước vào cổng nhà thờ, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là một ông cụ người dong dỏng cao đang cố gắng vác một khúc gỗ thật to tướng. Lúc đó không biết lấy can đảm ở đâu, tôi vội chạy tới khiêng giúp cụ. Khiêng xong khúc gỗ, ông cụ mới hỏi là hai cha con tôi đi đâu và cần gặp ai.
- Dạ thưa bác, chúng tôi muốn gặp ông cha. - Ba tôi khẽ đáp.
- À, thế ra con và chú bé này cần gặp ông cha hả? Nhưng gặp có việc gì không con?- Ông cụ vừa cười vừa hỏi.
- Dạ…dạ…thưa bác… chúng cháu…
- Thôi đi vào nhà rồi có gì nói tiếp, bác sẽ dẫn đi gặp ông cha…
Đứng trước ông cụ, cha con tôi có cảm giác vừa gần gũi vừa nể sợ. Bước vào phòng khách, ngước mắt nhìn lên, tôi thấy hai bức hình. Ở trên cao hơn là một ông cụ người nước ngoài nhìn hiền lành lắm, sau này tôi mới biết đó là Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II. Dưới bức hình đó là hình ông cụ với chiếc áo chùng thâm (lúc đó tôi cứ nghĩ ông cụ bận áo bà ba). Với sự nhanh trí của tuổi trẻ, tôi lập tức hiểu ra, thì ra ông cụ là ông cha mà chúng tôi đang tìm.
Thấy hai cha con tôi còn ngập ngừng ngoài cửa, ông cụ bèn bảo:
- Kìa Bình, dẫn thằng Nam vào đi chứ, sao hai cha con lại đứng đó.
Ồ, ông cụ biết cả tên hai cha con tôi. Điều đó làm tôi cảm thấy ngỡ ngàng nhưng vui và an tâm hơn. Ông cụ tiếp tục mở lời mà không đợi ba tôi lên tiếng:
- Sao rồi? Gia đình chuẩn bị đến đâu rồi? Nghe nói thằng Nam mới đậu đại học Y Dược Sài Gòn phải không? Đó là niềm hãnh diện của gia đình mình và của cả cái xóm nghèo này đó con.
Tôi ngỡ ngàng, chuyện này ông cụ cũng biết sao? Trước giờ gia đình tôi đâu có qua lại gì với nhà thờ đâu. Tôi thắc mắc định hỏi. Ông cụ tiếp:
- Hai cha con vào đây vì chuyện tiền nong ăn học của thằng Nam phải không? Thôi vạn sự khởi đầu nan, gia đình cứ cố gắng rồi mọi chuyện Chúa sẽ ban cho. Mình biết gia đình ta là người lương, không tin vào Chúa, nhưng chúng ta đều cùng một Cha trên trời, Chúa yêu thương tất cả chúng ta không trừ một ai hết. Mình thì không có nhiều tiền, nhưng giúp được gì mình sẽ giúp.
Nói rồi ông cụ móc trong túi ra một bì thư đưa cho ba tôi. Ba tôi quá sức ngỡ ngàng vì ông không nghĩ là mọi chuyện lại dễ dàng như vậy. Ông từng nói với tôi là cứ lên gặp ông cha vì nể lời khuyên của mấy người bạn chứ chẳng trông mong gì hết… Ấy vậy mà… Thật bất ngờ, xúc động… Tay chân ông lúc đó như thừa thải, ông đứng như trời trồng, đến nỗi ông cụ phải giục hai ba lần ông mới đưa tay ra nhận như một cái máy. Còn tôi lúc đó bị đánh động bởi hành vi và nhân cách của ông cụ.
Sau đó chúng tôi còn ngồi nói chuyện với ông cụ thật lâu. Kinh nghiệm và kiến thức uyên bác của cụ làm tôi thật sự nể phục. Ngoài ra, những chuyện làng xóm, những gia đình nào gặp khó khăn, những gia đình nào thiếu thốn, cụ đều nắm rõ. Tôi lấy làm lạ lắm. Dường như đoán được suy nghĩ của tôi, ông cụ tươi cười đi lấy một cuốn sách, rồi cụ lật ra một trang trong đó và chỉ cho tôi cái câu: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng chúng theo Ta”. Rồi ông cụ nói thêm:
- Làm ông cha là bước theo chân Chúa Giê-su. Ngài là ông cha nhân lành, hiền hòa, độ lượng, khoan dung… Ngài biết và hiểu rõ từng đứa con của Ngài, nên làm ông cha cũng phải biết rõ từng hoàn cảnh cụ thể của người mình có trách nhiệm.
Tôi lấy làm ngạc nhiên. Giê-su là ông nào? Tại sao phải hiểu rõ từng người làm chi? Nhưng tôi không dám hỏi.
Với số tiền cha cho, gia đình tôi yên tâm hơn và phần nào đỡ được nỗi lo buổi ban đầu lên Sài Gòn. Một tháng sau, tôi khăn gói quả mướp lên Sài Gòn tiếp tục dùi mài kinh sử. Lên tới nơi, tôi cầm lá thư giới thiệu đến xin ở trọ nhà một người quen của cha. Thật may mắn, gia đình ấy đón tiếp tôi hết sức nồng hậu và vui vẻ cho tôi ở trọ… Vui hơn nữa là còn được ở miễn phí. Tôi thầm cảm ơn cha.
Trong những năm học ở Sài Gòn, không ít lần cha ghé thăm tôi. Tôi thấy quý mến và thân thiện với cha lắm, tôi chia sẻ với cha những khó khăn của mình. Tôi nhận ra có cái gì đó nơi cha thật sự thu hút tôi. Gần gũi. Thân thương. Quý mến. Cảm phục. Tôi muốn tìm hiểu nguyên nhân do đâu mà cha lại tốt, lại tuyệt vời như thế. Tôi hỏi cô chủ nhà về cha, hỏi lý do tại sao cha lại tốt lành như vậy. Cô nói với tôi chỉ vỏn vẹn một câu: “Vì Cha theo Chúa Giê-su”.
Lại là Giê-su! Ông ấy là ai vậy? Tôi ngạc nhiên và khó hiểu. Từ đó tôi bắt đầu tìm hiểu Giê-su là ai mà khiến một người như cha dành cả cuộc đời để đi theo, để phục vụ. Tôi bắt đầu tiếp xúc với Kinh Thánh, những chỗ nào không hiểu, tôi hỏi cô Nghi chủ nhà, đồng thời cũng là một giáo lý viên. Tôi say mê với những ý tưởng trong Kinh Thánh. Đọc Kinh Thánh, tôi thấy cuộc sống trong xã hội này sao mà thực dụng quá, những gì tôi đang học, những gì xã hội dạy cho tôi chỉ nhằm một mục đích duy nhất: Kiếm tiền, kiếm tiền bằng mọi giá! Tôi thấy cuộc đời thật vô nghĩa.
Sau hơn 3 năm đọc, tìm hiểu Thánh Kinh dưới sự hướng dẫn của cô Nghi và sự chỉ dạy nhiệt tình của cha trong những lần cha ghé thăm, tôi bắt đầu rung động vì đạo thánh Chúa. Thế rồi một biến cố xảy đến với tôi…
Sáng hôm đó, sáng 15-8, cha lên Sài Gòn và vào nhà cô Nghi.
- Sáng nay con rảnh không? Đi với cha một chút.- Cha hỏi tôi.
- Dạ rảnh, nhưng đi đâu vậy cha? Chiều nay con có tiết học.
- Không sao, trưa nay là mình về rồi, không trễ học đâu con. Tôi đi theo cha. Cha đưa tôi tới ngôi nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở Kỳ Đồng. Nơi này tôi đã ghé nhiều lần để mua sách hạnh các thánh nhưng chưa lần nào ghé vào bên trong nhà thờ. Ra khỏi xe, tôi bỡ ngỡ vì số lượng người quá đông. Tôi nhìn thấy nét mặt vui tươi hiện rõ trên mỗi người, ai cũng nở một nụ cười thân thiện chào nhau. Tôi đoán là họ không quen biết nhau, nhưng chào nhau rất chân tình. Thấy tôi ngạc nhiên và đứng như trời trồng, cha bèn hỏi:
- Con thấy sao? Vui không?
- Dạ con… con thấy run run cha ơi!- Tôi cảm thấy hơi sợ nhưng không biết mình sợ gì.
- Không sao đâu con! Hôm nay là ngày lễ thụ phong linh mục nên có nhiều người như vậy đó. Nhớ lại 45 năm trước, cha cũng trải qua giây phút thánh hiến này. Thật là hồng ân Chúa bao la.
Ồ! Thật hạnh phúc cho tôi vì đây là lần đầu tiên tôi tham dự thánh lễ mà lại là lễ truyền chức nữa chứ. Lòng tôi lâng lâng khó tả.
- Con kiếm chỗ nào mà ngồi nghen, cha đi vào dâng lễ.
Khoảng 8h30 thì thánh lễ bắt đầu. Tôi thấy có hai hàng linh mục (lúc này tôi đã làm quen với các thuật ngữ Công giáo) đông ơi là đông từ ngoài đi vào nhà thờ rất trang nghiêm, thánh thiện, trong đó có cha. Tôi đang mãi nhìn thì chợt tiếng hát vang lên: “Từ ngàn xưa Cha đã yêu con, Cha gọi con giữa muôn người… Giờ đây con hân hoan bước lên bàn thánh, dâng tiến Cha xác hồn trắng tinh, như ánh quang rạng ngời, đưa bước tung gieo lời chân lý, hầu cứu thoát muôn dân muôn đời…”. Lúc đó người tôi xao xuyến lạ, tôi thấy lòng mình bị đánh động mãnh liệt. Tôi nghe như có tiếng thúc giục bên trong tôi… Tôi mơ hồ không nhận ra là tiếng gì, nhưng tôi biết rằng mình bị đánh động bởi thiên chức linh mục, tôi rung động mãnh liệt.
Thánh lễ xong, tôi theo cha ra về, tôi không nói với cha về những gì tôi cảm nhận. Từ đó tôi bắt đầu tìm hiểu ơn gọi linh mục tu triều, dĩ nhiên là cách âm thầm. Năm đó là năm thứ 3 đại học.
Sau hơn 7 năm miệt mài học tập trên Sài Gòn, tôi trở về Ninh Thuận quê tôi với tấm bằng loại giỏi và lời đề nghị ở lại trường làm trợ giảng, nhưng tôi từ chối. Trở về ngôi nhà nơi tôi sinh ra và lớn lên, tôi cảm nhận được tình thương mà ba mẹ dành cho tôi. Tôi  ấm áp và hạnh phúc khi về bên gia đình mình. Ở nhà được 4 tháng, thì có đứa bạn học cùng đại học đến kiếm tôi và nói rằng bệnh viện tỉnh đang tuyển người, nó đã lo cho tôi vào đó  rồi, lương khởi điểm cũng khá. Ba mẹ tôi mừng lắm, vì ông bà sợ không đủ tiền để xin việc cho tôi, bởi xã hội ngày nay là vậy.
- Ừm, cảm ơn bà nha, để tui nghĩ kĩ đã.
Ba mẹ tôi hơi ngạc nhiên, nhưng ông bà tin vào tôi nên không nói gì. Đêm đó, tôi ngồi uống trà với ba. Tôi thu hết can đảm để nói với ba một chuyện mà tôi ấp ủ bấy lâu:
- Ba! Ba thấy ông cha sao hả ba?
- Trần đời ba chưa thấy ai tốt bụng, hiền hòa như cha.- Ba tôi hớn hở đáp.
- Vậy hả ba! Ba… Con muốn… con muốn đi tu giống như ông cha vậy đó ba.
- Ý con là sao? Ba chưa hiểu.
Rồi sực bừng tỉnh, ba tôi nhìn tôi cách nóng giận, thế rồi ông bỏ vào nhà. Đêm đó tôi nghe ba mẹ tranh luận về chuyện của tôi. Ông bà sợ tôi đi tu thì không còn lo lắng gì cho gia đình nữa, sợ tôi bỏ luôn ông bà tổ tiên, ông bà sợ mất tôi. Tôi thương ba mẹ quá, nhưng tiếng gọi bên trong cứ thúc bách tôi.
Suốt tuần đó, bầu không khí căng thẳng, u ám bao trùm cả gia đình tôi. Không biết nghe ai bày mà mẹ tôi bắt tôi lấy vợ, xem chừng bà cương quyết lắm:
- Một là mày lấy vợ, hai là mày đeo tang mẹ. Mày chọn đi.
Mẹ ơi làm sao con có thể chọn được? Con yêu mẹ lắm! Lòng tôi thổn thức mà không nói nên lời. Thời gian đó tôi như người lạc vào mê cung không có lối thoát, tôi lần mò trong đêm tối nhưng không tìm đâu lối ra. Tôi chợt nghĩ đến cha. Tôi cần cha trong chuyện này.
Sáng đó tôi chạy vào nhà xứ và trình bày với cha về chuyện của mình. Nghe xong cha nói sẽ cố giúp tôi. Tôi an tâm hơn. Chiều đó cha ra nhà tôi. Ba mẹ vui mừng đón tiếp cha. Vào nhà, cha tới trước bàn thờ gia tiên thắp một nén nhang cho ông bà tôi. Sau  đó cha còn ở lại ăn cơm với gia đình tôi. Suốt 3 tháng như vậy, cha thường xuyên ghé thăm và nói chuyện với ba mẹ. Tôi nhận thấy ba mẹ dần dần thay đổi rõ, ông bà thường xuyên nói chuyện với nhau, tôi nghĩ ba mẹ đang nói về chuyện của   tôi.
Một hôm…
- Sao con muốn đi tu hả Nam?- Mẹ tôi hỏi cách trịnh trọng.
Tôi biết đây là giờ phút quyết định cuộc đời mình, nên tôi chú tâm lắm.
- Dạ con muốn làm linh mục để phục vụ nhiều người mẹ à.
- Nhưng đi tu là con bỏ ông, bỏ bà, bỏ cái gia đình này con biết không?
Lúc này tôi biết mẹ đã lung lay, bà cần một lời khẳng định từ chính tôi.
- Không đâu mẹ, con đi tu là yêu gia đình, yêu ba mẹ, yêu các em nhiều hơn nữa đó.
Mẹ tôi trầm ngâm không nói gì. Tôi yên lặng chờ một quyết định nơi mẹ…
Ba tháng sau, sau khi đã tìm hiểu và học hỏi giáo lý cách nghiêm chỉnh, tôi được lãnh nhận ba bí tích khai tâm Ki-tô giáo. Sau đó tôi xin phép ba mẹ dọn luôn vô ở trong nhà xứ với cha. Thời gian đó dường như được ơn Chúa đánh động, ba mẹ tôi cũng tìm hiểu đạo Chúa, các em tôi cũng vậy. Một năm sau đó, cả nhà tôi được lãnh nhận các bí tích khai tâm Ki-tô giáo. Thật là một hồng ân to lớn và đặc biệt với tôi.
Tháng 9 năm 2011 tôi gia nhập Tiền Chủng Viện với độ tuổi 28. Có lẽ là quá lớn tuổi, nhưng tôi không cảm thầy buồn, vì hồng ân Chúa nhiệm mầu, chắc chắn Ngài luôn ở bên tôi. Tôi thầm tạ ơn Chúa vì hồng ân Chúa ban, đồng thời cũng cảm ơn Chúa vì đã gửi đến cho tôi một tấm gương mục tử hết lòng vì giáo hữu.
Tạ ơn Chúa vì hồng ân ơn gọi.