Làm chứng thầm lặng

Văn thơ Công giáo

Giuse Phạm Đình Duy, Nhạn Đình, 1982, Gx Hòa Nghĩa, Gp Nhatrang

(Giải triển vọng VVĐT 2015)

- Trích tập “Người Gieo Hạt”-

Cứ mỗi năm vào ngày mùng Bốn tết âm lịch, chúng tôi lại họp lớp phổ thông trung học. Sự thống nhất đó không biết có từ lúc nào. Không ai nhắc ai, tự nhiên tới ngày ấy là mọi người í ới gọi nhau. Những năm mới ra trường, tinh thần còn phấn chấn, ai cũng háo hức đi đông đủ, hoặc ít ra gần đủ. Nhưng từ năm thứ năm trở đi, cái nhiệt huyết lúc đầu không còn nữa. Với lại, mỗi người mỗi việc mỗi nhà mỗi cảnh, chuyện họp lớp cứ thưa người dần, thưa dần. Mấy năm gần đây chỉ độ hơn chục người, chủ yếu tới ăn uống nói dóc rồi về làm cho nhiều người không thích liền từ chối khéo. Năm nay nhân dịp kỷ niệm 15 năm ra trường, mọi người muốn quy tụ đông đủ để ôn lại chuyện xưa.

Vợ chồng Hương và Đạt vốn học chung lớp nên không năm nào vắng mặt. Với lại Hương là lớp phó học tập và Đạt là lớp trưởng thì không lý do gì họ vắng mặt cả. Dạo này, mỗi lần họp lớp hay khi ra ngoài chung cả gia đình, họ phải đi hai xe gắn máy vì hai đứa con đã lớn lắm, không thể đèo chung một xe được nữa. Dắt hai chiếc xe máy ra cổng chờ Hương khép cửa lại, Đạt chép miệng:

- Thời gian mới đó mà mau ghê em nhỉ, bao nhiêu chuyện đổi thay. Năm nay nghe nói đông đủ lắm em à, tụi con Trân, con Hằng bên Mỹ cũng về đó em, chắc năm nay sẽ đông vui và đầy ý nghĩa.

Sau khi khép cánh cửa, sọt đôi giày vào, Hương ngoái cổ lại nói với ông bà ngoại dưới nhà bếp:

- Tụi con đi đây ba má. Có thể chiều tối nhà con mới về, ba má đừng chờ cơm tụi con nhen!

Đúng như suy đoán của họ, năm nay mọi người đi rất đông. Nhiều người 15 năm nay mất tích, giờ xuất hiện. Hầu hết mọi người mang theo cả chồng, vợ, con cái nên số lượng tăng lên. Lớp 12A3 năm xưa chỉ 39 người, giờ bầy đàn trên dưới cả trăm. Dù Đạt và Hương là cán bộ lớp nhưng chuyện họp lớp được mọi người đồng ý giao cho Thy làm trưởng ban tổ chức, vì nhà Thy rộng rãi, thoải mái, với lại chỉ mình Thy sau khi ra trường đã bám lại quê nhà lập nghiệp. Thấy vợ chồng Đạt-Hương tới, Thy và mọi người vồn vã:

- Chào cặp đôi hoàn hảo! Lớp mình chỉ có đôi này hạnh phúc nhất thôi!

Bước vào nhà, Hương bảo hai con Huy và Huệ:

- Chào các cô, các chú đi con.

Hai đứa nhỏ khoanh tay lễ phép chào từng người. Chỉ vài người tụi nó không biết, còn hầu hết Huy và Huệ quen mặt vì năm nào ba mẹ cũng dắt theo nên không còn lạ lẫm nữa. Huy dắt em gặp từng người chào:

- Con chào cô Trang, chào chú Toàn…

Còn hơn nửa tiếng nữa mới tới giờ hẹn như trong thiệp mời nhưng mọi người đến gần như đông đủ, tụm năm tụm bảy nói chuyện xôm tụ, bắt đầu moi móc tật xấu từng đứa ra kể, rồi cười hả hê. Cái lớp 12A3 này tất cả đều thân thiện và chơi với nhau từ thủa nhỏ. 39 con người ấy chỉ ở vỏn vẹn trong xã Cam Đức này thôi, cái xã khoảng 80% người Công giáo và hơn 30 đứa trong lớp là con chiên thuộc hai giáo xứ Hòa Nghĩa và Hòa Yên rồi. Thời thập nhiên 90, đâu có nhiều trò giải trí như bây giờ. Người lớn ai ai cũng khích lệ con cái mình tham gia vô các hội đoàn giáo xứ hầu có nơi sinh hoạt lành mạnh. Tụi nhỏ khi đó thích lắm, theo phong trào. Ai không tham gia hội đoàn là tự cô lập mình vì không biết chơi với ai. Do đó, lớp 12A3 khi ấy, phần lớn con trai vô ban giúp lễ, con gái vô dự tu, số còn lại vô ca đoàn, con Đức Mẹ, huynh trưởng… Có nhiều đứa ham vui tham dự đủ hết mọi hội đoàn.

Hồi ấy, Hương tham gia ca đoàn giáo xứ, cộng thêm khuôn mặt khả ái nên dịp lễ Giáng Sinh cô được chọn đóng vai Đức Mẹ trong các hoạt cảnh. Năm nào cũng đóng vai ấy dần dần trở thành thói quen bất thành văn, hễ nói tới vai Đức Mẹ là lập tức mọi người nhắc tới Hương. Ngược lại, Đạt ở trong số ít ỏi không có đạo. Tuy nhiên, những dịp lễ lớn của người Công giáo, Đạt thường ham vui mon men theo bạn bè tham dự. Với lại Đạt thích Hương nên không ngần ngại đi coi bạn mình diễn. Thế rồi, tuổi  trẻ cũng qua, phong trào cũng có giai đoạn. Tốt nghiệp  phổ  thông trung học xong, mỗi người một hướng. Hương và Đạt đậu đại học và vô Sài Gòn tiếp tục cho con đường tương lai, rồi họ yêu nhau lúc nào không biết.

Lần họp lớp đầu tiên, cách đây đúng 15 năm rồi chứ ít ỏi gì, vậy mà mọi người cứ tưởng mới xảy ra hôm qua. Lần ấy mọi người rất hăm hở vì mới ra trường, ai cũng muốn gặp lại nhau để ngồi tám chuyện xứ người. Hôm ấy, Đạt lên nhà đón Hương đi họp lớp từ sáng sớm. Ai cũng ngạc nhiên vì sắc mặt tái nhợt và uể oải của Hương. Bạn bè có đứa đoán mò, thân thiết quá nhiều khi nói rất thật, không giữ kẽ nữa:

- Mày làm gì mới mấy tháng mà nhìn ghê thế, học quá hay yêu quá sao thê thảm vậy? Thằng Đạt hành lắm hay sao mà giống như một con ma. Gớm quá!

Hôm ấy chỉ ngồi chơi tới trưa tự nhiên Hương ngất xỉu, bạn bè lấy dầu xoa bóp một hồi mới tỉnh dậy. Pha cho Hương ly sữa uống xong, Đạt chở Hương về nhà. Hương vô phòng nằm mê man tới chiều tối thì bà Lan, má cô vô gọi ra ăn cơm:

- Làm gì nằm cả ngày vậy con. Đi học mấy tháng mà xanh xao quá, tranh thủ thời gian về tết vài hôm ăn uống nghỉ ngơi cho lại sức đi.

Hương chậm rãi ra sau bếp rửa mặt rồi vô dọn bàn chuẩn bị cơm tối. Giữa bữa, Hương đặt chén cơm xuống bàn, thút thít nói với ông bà Thương:

- Ba má, con có… thai rồi!

Nghe xong, ông Thương run tay đánh rơi chén cơm xuống sàn nhà nghe cái chảng. Ông há hốc miệng ngồi im một hồi, xong đứng dậy bỏ đũa xuống bàn ra ngoài hiên hút thuốc. Bà Lan ngồi thờ thẫn hỏi lại con, nghẹn lời:

- Con, con nói sao? Con có con…

Hương gật đầu nhè nhẹ như xác nhận lại thông tin đó là chính xác. Hương không dám nhìn thẳng mặt má. Nàng cúi đầu, nước mắt giàn dụa. Bà Lan kéo sát ghế lại ôm con, rồi khóc theo. Lúc này ông Thương hút xong điếu thuốc, đi vào nói cách mỉa mai, kèm theo vẻ tức tối:

- Mới đầu năm đầu tháng đã nghe tin này rồi, công nhận mày thương ba má thật đấy.

Nói rồi ông dắt xe nổ máy chạy ra ngoài. Không biết ông đi đâu, chắc tìm người uống rượu. Ông đi rồi, bà Lan dìu con lên phòng, gặng hỏi:

- Nhưng ba đứa bé là ai, phải thằng Đạt không? Hương lại gật đầu lần nữa và lí nhí trong miệng:

- Giờ con phải làm sao đây má?

Bà Lan điếng lòng, không biết giải quyết sao nhưng cố làm ra vẻ bình tĩnh để con khỏi nghĩ quẫn, bà an ủi:

- Để má tính rồi nói với ba con. Mà thằng Đạt và nhà nó biết chưa?

Hương vẫn còn thút thít, lấy tay áo quẹt ngang lau mấy giọt nước mắt:

- Dạ biết rồi, nhưng, nhưng… ba má ảnh nói không cho ảnh theo đạo của mình. Nếu ba má đồng ý cho đạo ai nấy giữ thì ông bà mới qua hỏi cưới!

Ba má Đạt là thầy cô giáo dạy ở trường cấp hai trong xã. Gia đình Đạt chỉ thờ kính ông bà tổ tiên chứ không theo tôn giáo cụ thể nào. Có điều, ông bà ác cảm với người Công giáo lắm. Nghe nói, gia đình ông bà di cư từ Huế vào khoảng năm 70. Thời ấy gia đình nghèo lắm. Người Công giáo trong vùng biết ông bà là người lương nên hay lui tới nói chuyện và giúp đỡ. Nhưng cái thời buổi ấy, nếu nhận sự giúp đỡ của nhà thờ thì phải theo đạo. Lúc đó, nhiều hàng xóm ông bà nhận gạo, rồi theo đạo. Ông bà thuộc tầng lớp người trí thức, sau khi suy nghĩ và cân nhắc đã quyết định không nhận gạo và cũng không theo đạo. Từ đó, ông bà ghét đạo luôn. Hễ nhắc tới là ông bà gán cho một từ cứng ngắc: đạo dụ! Có thể ông bà chấp nhận Hương về làm dâu, nhưng đừng bắt con ông bà phải theo đạo.

Trước đó mấy năm, khi Hương còn học cấp hai thì cô Khuê, mẹ Đạt, chủ nhiệm lớp Hương. Bà rất có cảm tình với cô bé dễ thương, lanh lợi và lễ phép này. Bà còn nhớ, đợt ấy sau lễ Chúa Giáng Sinh, bà cho lớp làm bài kiểm tra một tiết mà không báo trước. Các học sinh trong lớp đều là người Công giáo. Bà không  ác ý cho bằng muốn thử sự trung thực của các em. Sau khi ra đề, bà đi ra ngoài và dặn lớp trưởng hết giờ thu bài. Bà đi rồi cả lớp bắt đầu xôn xao và từng đứa một dỡ tài liệu sao chép. Kết quả đứa nào cũng làm bài được, chỉ có cô lớp trưởng Hương bỏ giấy trắng. Sau đợt ấy, bà càng ấn tượng cô bé này hơn. Thực ra bà thích cô con dâu như thế, chỉ tiếc là nó có đạo!

Về phần bà Lan, má Hương, bà biết gia đình thầy cô Khuê rất tốt, chỉ có tội không có đạo. Thằng Đạt vừa tốt tính lại chăm chỉ. Nghĩ tới nghĩ lui, bà muốn xiêu lòng, có điều ông Thương chồng bà, ông ấy nguyên tắc nhiều khi cổ hủ lắm, cộng thêm cái tính sĩ diện nữa. Bà thở ra có vẻ hụt hẫng:

- Vậy làm sao ba mày chịu được. Ổng là thành viên trong hội đồng giáo xứ, lại đạo nòi đạo gốc nữa, cớ gì lại chịu gã con gái cho người bên lương chứ, lại mang bầu trước nữa. Con dại quá…

Vừa dứt lời, nghe tiếng xe nổ ngoài sân, bà Lan nói vội với con:

- Chắc ba mày về đó. Thôi nằm ngủ đi, để má nói với ba thử.

Ông Thương dắt xe vào nhà, rồi ra ngồi trên bậc tam cấp trước hiên. Bà Lan tới bên cạnh và nói:

- Giờ ông tính sao, con Hương với thằng Đạt cũng lỡ rồi. Nghe nó nói nếu đạo ai nấy giữ thì họ sẽ đồng ý cưới đó.

Ông Thương đoán thoang thoáng tác giả bào thai là thằng Đạt, giờ nghe vợ khẳng định liền quay phắt lại, cáu gắt:

- Cưới hỏi gì, cưới gì với đám dân ngoại ấy. Bà Lan nhẹ nhàng rỉ tai:

- Thôi ông à, con mình là con gái, lỗ lãi gì thì nó chịu hết. Nếu làm căng quá, con mình khổ thôi. Với lại đâu phải chỉ tụi nhỏ có lỗi đâu, tui với ông có phần trong đó nữa, ông không nghe câu “con hư tại mẹ” à! Có đứa con nào gây lỗi mà không có phần ít nhiều của cha mẹ trong đó đâu ông. Với lại nhà bên ấy chỉ thờ kính ông bà tổ tiên, chứ có mê tín cúng kiến gì đâu mà ông lo. Mình căng quá tụi nhỏ nghĩ quẫn làm bậy thì hối không kịp ông   à!

Nghe tới đó, ông Thương chợt nhớ tới trường hợp mấy năm trước ở xã Cam Thành kế bên, cũng vì yêu nhau bị cha mẹ cấm đoán nên tụi nhỏ uống thuốc tự tử. Ông giật mình, rồi xuống nước:

- Bà nói đúng, mai tôi lên nhà xứ trình cha sở và xin lỗi cộng đoàn, đồng thời bàn hỏi ý kiến cha xứ xem giải quyết sao cho ổn thỏa. Dù sao, tôi với bà cũng có lỗi trong đó. Thôi bà vô ngủ trước đi, khuya rồi, tôi hút xong điếu thuốc rồi vô sau.

Hương nãy giờ nép sát cánh cửa nghe lõm cuộc nói chuyện của ba má. Cô thầm cảm ơn Chúa và đấm ngực thấy mình có lỗi quá. Thật ra, nếu không có ơn Chúa soi sáng thì cô đã làm chuyện thất đức rồi. Khi mới phát hiện mình mang thai vài tuần đầu, cô toan phá mấy lần. Nhớ lần đầu tiên tới bệnh viện, Hương thẹn thùng không dám nhìn ai, hất tóc xõa xuống phủ khuôn mặt để người ta không thấy rõ, dù cô biết đất Sài Gòn này gặp người quen không dễ. Bất ngờ, giọng một người phụ nữ làm cô giật thót người:

- Chào cô Maria, cô đi đâu đây? Lâu nay cô khỏe không? Lễ Giáng Sinh vừa rồi không thấy cô đóng vai Đức Mẹ nữa, hóa ra cô vô Sài Gòn học đại học.

Hương nhìn lên gượng cười nhưng hơi nhạt, nói  dối:

- Dạ, con đưa bà chị họ đi khám thai định kỳ. Bác cũng đưa ai đi khám à? Mà bác ở giáo họ nào biết con hay vậy?

Bà đồng hương hớn hở:

- Bác ở giáo họ Phêrô. Con không biết bác đúng rồi, vì bác ở sát ranh giới xã Cam Hải lận. Bác biết con, năm nào con cũng đóng vai Đức Mẹ mà, ai trong xứ chả biết con chứ. Gặp con ở đây vui quá! Thôi con ngồi chờ người thân con nhen, bác đi mua cơm đã, con gái bác mới sanh, con trai con à.

Nói rồi, bà ấy đi một mạch ra cổng. Hương cố mường tượng vẫn không biết bà là ai. Khi bà đi rồi, cái tên Maria cứ lặp đi lặp lại trong đầu cô, Hương suy nghĩ một lúc rồi đứng lên đi về. Tuần sau, Hương quay lại bệnh viện này lần nữa với quyết tâm phá thai cho được. Nghĩ về tương lai phía trước, chuyện học hành, gia đình, tai tiếng… đủ thứ làm cô rối trí. Càng nghĩ, Hương càng quyết phải từ bỏ bào thai này. Đến bệnh viện và vào lấy số thứ tự xong, cô ra ngồi ghế chờ như lần trước. Mệt quá, Hương thiếp đi lúc nào không hay. Trong giấc ngủ chập chờn ấy, Hương mơ thấy những hình ảnh lúc còn nhỏ, thấy mình hát đáp ca, diễn hoạt cảnh và phát biểu giữa lớp giáo lý. Các bài giáo lý hôn nhân quan trọng mà cha phó dạy kèm theo chương trình giáo lý vào đời 3 làm Hương giật mình chợt tỉnh. Phá thai là tội trọng và bị vạ tuyệt thông tiền kết! Câu đó hồi ấy cha phó cứ nhắc đi nhắc lại, giờ hiện lên trong đầu Hương cách rành mạch. Hương toát mồ hôi trán, lấy tay áo khoác chùi vội rồi đứng lên ra dắt xe về, trong lòng lo sợ. Về tới phòng trọ ngồi suy nghĩ, Hương thật sự bế tắc. Từ 47kg giờ chỉ còn 41kg trong mấy tuần, Hương suy sụp hoàn toàn.

“Nếu mình không phá thai chắc sẽ chết thôi, chứ thế này không thể sống được”. Vậy là Hương lại quyết định đến bệnh viện phá thai lần thứ ba. Lần này, Hương quyết tâm phải mạnh mẽ, dứt khoát. Cô không dám nói cho Đạt ý định này, vì sợ Đạt lèng èng rồi lỡ chuyện mất. Lương tâm vẫn còn ray rứt vì tội, nhưng Hương tự nhủ đi xưng tội sẽ xong thôi. Lần này cô quyết định đi thật sớm lấy số đầu tiên. Tờ mờ sáng, Hương tới bàn lấy số thứ tự và ngồi chờ như những lần trước. Chiếc ghế lạnh tanh vì tối giờ chưa có ai ngồi. Vừa đặt mông xuống và ngã lưng ra sau thì có gì cấn cấn, Hương kéo ra coi, mảnh giấy ai đó vô tình nhét lại kẽ ghế. Trên mảnh giáy nhăn nheo đó có bài thơ với mấy câu làm Hương suy nghĩ:

Mẹ ơi,

Con là người đâu bằng giấy khai sinh Cũng đâu cần phải đủ ngày đủ tháng Dù thân thể, tứ chi con thiếu hụt Nhưng con là người thật sự, mẹ ơi!

Mẹ đặt tay sẽ thấy con cử động Nhắm mắt lại, mẹ thấy rõ con hơn Bịt đôi tai, mẹ nghe tiếng con cười

Cùng với tiếng năn nỉ nài xin được sống!

Dòng máu mẹ đang chảy ấm trong con Con tim con cùng chung rung với mẹ Xin thương con, một chồi mầm nhỏ bé Cho con quyền được sống với, mẹ ơi!!!

Những câu thơ ấy vô tình làm Hương chợt tỉnh. Hương đưa tay sờ lên bụng mình, suy nghĩ:“Sao ba lần mình tới đây đều gặp chướng ngại? Chắc ý Chúa không muốn vậy”.  Hương đứng dậy   lủi thủi ra về, bỏ mặc tiếng cửa phòng khám mở ra phía sau với tiếng gọi: mời người số đầu tiên vào. Cô đi một mạch thẳng về phòng trọ và từ đó không bao giờ đến nơi này nữa.

Mọi chuyện cứ trôi qua nhẹ nhàng như giấc mơ. Rồi Hương và Đạt lấy nhau, đạo ai nấy giữ. Khi mới sinh cu Huy, nhà chồng không cho đi rửa tội. Hương đành chịu vì làm hết cách rồi. Khi đó, người thân và bạn bè chê trách, Hương chỉ im lặng cầu nguyện, cố gắng làm dâu, làm vợ và làm mẹ cho thật tốt. Hương tới trường đại học xin bảo lưu điểm để sau này học lại. Rồi cuối cùng sau mấy năm, cô cũng lấy được bằng đại học và đi làm. Ngoài việc chăm sóc gia đình, Hương dành chút thời gian ít ỏi tham gia ca đoàn như một lời cầu nguyện liên lỉ. Không ngờ năm năm sau đó, khi sinh bé Huệ được ba tháng, anh Đạt tới giường nói nhỏ:

- Em à, anh suy nghĩ kỹ rồi. Lần này tụi mình sẽ cho bé Huệ đi rửa tội.

Mắt Hương sáng rực:

- Thiệt hả anh?

Đạt xoa vai vợ mà nói tiếp:

- Không chỉ có bé Huệ, anh với cu Huy cũng sẽ rửa tội dịp này luôn. Có điều, em phải giữ bí mật đừng để ba mẹ anh biết. Sợ ông bà không ưng ý rồi sinh chuyện không hay.

Hương mừng quýnh ôm Đạt thật chặt, dòng nước mắt hạnh phúc chảy ướt cả vai chồng:

- Uhm, em biết rồi. Khi nào cơ hội tới mình sẽ nói cho ba mẹ biết, anh nhen!

Cái cơ hội mà Hương nói đó gần mười năm sau mới đến. Hôm trước tết này về nhà, thấy trên bàn có chiếc thiệp mời dự lễ tạ ơn của một tân linh mục từng là học trò cũ của ba má, Đạt cầm lên đọc đọc, xong hỏi:

- Hôm bữa ba má có đi dự lễ tạ ơn của cha Sơn không?

Bà Khuê nhìn chồng đang ngồi đọc báo ở phòng khách, cầm ly nước tới bàn ngồi cạnh rồi nói:

- Hôm đó ba má đi, nhiều người tham dự lắm. Hình như đạo Công giáo bây giờ khác với những năm hồi xưa.

Đạt cười cười:

- Chắc cũng vậy thôi má à. Hồi đó có lẽ thời thế hoàn cảnh làm cho người ta ra vậy, chứ bản chất đạo Công giáo đâu có thay đổi gì đâu. Mà đâu xa, nhà vợ con đấy, bao nhiêu năm nay làm sui gia, ba má thấy rồi, mọi người sống tốt mà.

Bà Khuê nhìn Đạt, chậm rãi:

- Thì biết vậy! Mà má hỏi thật, con ăn ở với con Hương lâu nay không bị lây nhiễm đạo nó hả?

Đạt lấy can đảm, cầm ly nước tới đặt trên bàn, rồi ngồi đối diện với ba má, nói:

- Thật ra con và hai đứa nhỏ đã theo đạo Công giáo được 10 năm rồi, từ khi sinh bé Huệ, nhưng giấu ba má. Con xin lỗi.

Nói xong, Đạt ngồi chờ phản ứng ông bà ra sao thì ba Đạt bỏ tờ báo xuống bàn, sửa cái kính lão trên mắt cho chỉnh lại, nhìn:

- Ba má đoán ra lâu rồi, thấy tụi nhỏ ăn cơm làm dấu thánh giá là biết mà. Có điều thấy tụi con hạnh phúc nên ba má nghĩ lại. Giờ thì con an tâm đưa vợ con đi lễ những ngày Chúa nhật. Ba má không phản đối nữa.

Đạt liền gọi điện thông báo tin này cho Hương khi nàng đang đi chợ sắm những thứ cần thiết cho ngày tết. Hương hớn hở trong điện thoại:

- Tạ ơn Chúa. Để em mua thêm hoa, chiều nhà mình đi lễ tạ ơn và dâng Đức Mẹ.

Giấc mơ của vợ chồng Hương - Đạt lần nữa được hiện thực hóa từng bước. Hôm nay, cả gia đình đi họp lớp sau 15 năm, vừa bước vào nghe mọi người nói: Cặp đôi hoàn hảo! Hương vui thầm trong bụng và ngước lên bàn thờ trong nhà Thy, thầm thĩ lời tạ ơn.

Nhìn ra sân vườn, thấy Huy và Huệ đang chơi đùa với tụi nhỏ con cái chúng bạn. Hương suy tư, lắc lắc đầu, cười cười cảm nghiệm:

- Nếu ngày ấy, mình đã… thì bây giờ…