Chưa ngỏ -- truyện ngắn của Kim Loan

Quang X Nguyen

Nữ sinh Trưng Vương Sài Gòn trước 1975

Sau khi ký gửi hành lý tại phi trường Edmonton, Dũng quay qua con gái dặn dò:
- Bố đi nhé, con ở nhà chăm lo nhà cửa và học hành.

Cô sinh viên năm thứ nhất đại học ôm bố, hãnh diện:
- Bố cứ yên tâm đi chơi vui vẻ thoải mái, đừng lo cho con! Ngày mai anh Hai nghỉ hè về nhà với con mà!


Dũng ôm con lần nữa và đi vào trong khu kiểm tra hành lý xách tay, chuẩn bị vào phòng đợi cho chuyến bay Vancouver - Việt Nam. Nhìn theo đứa con gái đang cố vẫy tay ngoài kia, lòng Dũng rộn lên niềm vui và hạnh phúc. Cách đây ba năm, khi vợ Dũng đột ngột qua đời vì tai nạn khi đang chạy xe đi làm trên đường cao tốc, ba bố con đã bị hụt hẫng một thời gian dài, Dũng bắt đầu nếm mùi và quen dần cảnh gà trống nuôi con. Năm ngoái, đứa con trai lớn vào Đại Học tận Toronto, và năm nay đứa con gái chọn học tại University of Alberta để vẫn được ở nhà gần gũi và chăm sóc bố. Ở tuổi trung niên 52, nhưng với đời sống văn minh ngày nay thì vẫn còn “trẻ”, Dũng hàng ngày vẫn đi làm, cuối tuần đi chợ, đôi khi có con gái đi theo phụ giúp, hoặc những buổi chiều rảnh rỗi lại giúp bố làm cơm. Đời vẫn vui và êm đềm, Dũng thật sự hạnh phúc khi nhìn các con khôn lớn và trưởng thành.


Tháng trước, người bạn cũ ở trại tỵ nạn ngày xưa, nay đang ở Washington D.C, rủ Dũng về Việt Nam một chuyến cho khuây khỏa. Anh bạn còn nhấn mạnh, không phải về ăn chơi kiếm vợ trẻ đâu nhé (đừng có mừng vội!), mà đi ngược lên vùng cao nguyên Trung phần, thăm viếng các cộng đoàn công giáo dân tộc thiểu số mà một số Cha Dòng Chúa Cứu Thế đã kiên trì gầy dựng bao lâu nay. Dũng biết anh bạn này hai năm về một lần theo các Cha, mang theo tiền quyên góp về cho các nơi ấy, một phần do có người chú họ là linh mục trên Kontum, phần vì anh chàng này tính khí “anh hùng hảo hớn”, thấy việc khó khăn là xắn tay làm một khi, không chút ngại ngần. Chuyến vừa rồi người bạn có tặng Dũng cuốn sách “Hạt Giống Kitô Trong Đất Jrai” của linh mục Giuse Trần Sỹ Tín, một trong những người tiên phong, đã cùng ăn cùng ở cùng sinh hoạt với người Jrai cho tới ngày nay, Dũng đọc say sưa và quyết định đi theo một lần với sự ủng hộ hết mình của hai đứa con.

Vừa về tới Sài Gòn, Dũng nhận được tin anh bạn có chuyện đột xuất nên chuyến bay về trễ ba ngày so với dự định. Dũng quyết định đi thăm thú Sài Gòn và trở về xóm cũ sau 27 năm xa cách. Ngồi trên taxi Dũng đưa mắt ngắm nghía phố xá xung quanh mà đi từ thú vị này đến ngạc nhiên khác. Con đường Hai Bà Trưng quen thuộc thuở xưa Dũng như còn thuộc trong lòng bàn tay, nhưng những nơi chốn quen đã không còn nữa: nào tiệm bán văn hóa phẩm đối diện chợ Tân Định mà Dũng hay ghé vào mua cây viết máy Paker mỗi mùa khai giảng. Anh ngơ ngác tìm kiếm tiệm cà phê nhỏ thân quen của thời sinh viên. Dũng còn nhớ cách tiệm bán viết khoảng 6 -7 căn nhà là một tiệm bán mấy hàng quà thanh lịch của hai vợ chồng người Bắc di cư. Hình như họ bán hàng cho vui chứ không mong lời lãi nhiều. Bên trong tủ kính sáng bóng là những chén nho nhỏ bằng nhôm các món ăn chơi: mấy chén bánh flan, mấy chén sương sa, mấy chén xôi vò, cơm rượu, sữa chua, cốm dẹp, bánh xôi vị, chè kho .v.v. Ngoài ra trong nhà còn bày vài bàn ghế nhỏ cho khách uống cà phê đặc biệt do gia đình tự xay và pha chế. Tiệm không có bảng hiệu, không mở nhạc xập xình lôi cuốn khách hàng, không dập dìu nam thanh nữ tú, mà chỉ dành cho khách thân quen rỉ tai bạn bè đến thường xuyên rồi thành khách ruột của chủ nhà. Đôi khi Dũng cùng vài bạn sinh viên ghé vào uống cà phê, hay hôm nào trời nóng thì gọi hũ sữa chua và chén xôi vò dằn bụng! Xe chạy thêm chút nữa, Dũng chẳng thấy đâu tiệm bánh ngọt Hồng Khanh ngay góc Ngã Tư Phú Nhuận là nhà thằng bạn chung khóa ngày nào. “ Người muôn năm cũ” đã ở đâu rồi? Taxi chạy đến khu Gò Vấp hồi nào mà Dũng đâu có hay, bởi đường sá bây giờ chật như nêm, nhà cửa san sát, chứ có đâu sân golf cũ ngay Ngã Ba Chú Ía làm dấu cho anh mỗi khi đi học về, để biết sắp đến nhà sau khi vượt qua Quân Y Viện Cộng Hòa? Và chiếc taxi dừng lại ngay khu Hạnh Thông Tây càng làm cho Dũng như người vừa rớt từ trên trời xuống! Chúa ơi, ngày xưa Từ Thức lạc cõi Thiên Thai trở về quê cũ chắc cũng như anh hôm nay là cùng!


Trả tiền taxi xong, anh đi dạo một vòng trong xóm, chẳng ai nhận ra anh. Mấy đứa con nít đi theo anh vì tò mò, thỉnh thoảng vài người phụ nữ trẻ tặng anh ánh nhìn anh xa lạ. Cuối cùng cũng có mấy người lớn tuổi nhận ra anh, hỏi han anh và gia đình anh đủ điều. Dũng thấy vui lên một chút khi nhớ lại những ngày tuổi trẻ khi đứng trước căn nhà thuở ấu thơ, rồi tản bộ đến nhà thờ ngay cạnh cái chợ bé xíu trong xóm, thì thật bất ngờ gặp ngay “ông Trùm” xứ là Khôi, anh chàng học chung với Dũng suốt thời tiểu học và cấp hai. Khôi kéo Dũng vào quán cơm bình dân bên hông chợ để ăn cơm trưa và hàn huyên tâm sự. Khi biết Dũng có ba ngày rảnh rỗi, Khôi rủ ngay:

- Sáng mai mời ông theo tôi đến dự buổi khánh thành mấy lớp học mới xây của các Sơ Dòng Mến Thánh Giá của quận mình. Ông biết không, xứ mình là một trong các xứ quyên góp được nhiều tiền nhất, nên ngày mai nhiều người rủ nhau đi lắm, ông đi chơi cho vui!

Sáng hôm sau, Dũng và Khôi đến Dòng Mến Thánh Giá từ bảy giờ sáng, đã thấy quang cảnh tấp nập nhộn nhịp như ngày hội. Các em nhỏ chạy tung tăng giữa các dãy ghế đang nằm ngay ngắn giữa mảnh sân rộng, có nhiều giáo dân, phụ huynh, và các Sơ qua lại như mắc cửi để sắp xếp lẵng hoa, đón khách, trang hoàng thức ăn. Bận bịu nhưng ai cũng nở nụ cười tươi, hớn hở.


Khôi dẫn Dũng vào thẳng phòng khách nhà Dòng, trước khi gõ cửa, nói với anh:
- Vào đây! Ông sẽ thấy niềm hãnh diện của xóm mình đấy!

Cửa phòng hé mở, một khuôn mặt xinh đẹp rất quen nhìn hai người mỉm cười khi Khôi lên tiếng:
- Chào Sơ Hường, Sơ Bề Trên của Dòng! Còn đây là anh Dũng, việt kiều từ Canada về thăm xóm mình sau gần 30 năm biệt xứ!

Sơ Hường reo lên, khi Dũng cũng kịp nhận ra cô bạn hàng xóm ngày nào:
- Anh Dũng đây sao? Thời gian nhanh quá nhỉ, nhưng anh vẫn không thay đổi nhiều lắm, bằng cớ là Hường vẫn nhận ra anh!

Ba người vào phòng khách truyện trò. Sơ Hường và Khôi thay nhau hỏi thăm Dũng về những tháng ngày tha phương nơi xứ người, rồi lại nói những chuyện giáo xứ và Nhà Dòng cũng như chuyện nuôi các em nghèo của các Sơ. Khôi và Sơ Hường vô tư vui vẻ, riêng Dũng vẫn còn ngỡ ngàng, lặng ngắm cô bạn thuở xưa, vẫn nét đẹp đó với đôi mắt to buồn mơ màng, chiếc sóng mũi nhỏ xinh và nụ cười hiền hậu khiến người đối diện nao lòng! Dũng nhủ thầm, Sơ Hường vẫn còn rất đẹp dù đang ở lứa tuổi xấp xỉ năm mươi! Có lẽ cả Khôi và Sơ Hường chẳng ngờ được Dũng đang cố nén lòng rộn rã của mình, vì những cảm xúc ngày xưa của thời thanh niên vừa trỗi dậy như từng cơn sóng tràn, nhẹ nhàng, êm ái nhưng đủ làm con thuyền trái tim anh ngả nghiêng, chao đảo!

Dũng và Hường cùng ở trong con hẻm nhỏ của xóm. Nhà Hường nơi cuối hẻm, có hàng rào gỗ màu trắng và dàn dây leo màu tím lãng mạn, là nơi vào cuối tuần có các anh chàng “trồng cây si” đến nhà Hường mong được người đẹp chiếu cố. Hường xinh đẹp nết na, đang ở tuổi đôi mươi nên Dũng cũng nằm trong danh sách những cây si tình ngày ấy. Suốt bốn năm sinh viên, anh sinh hoạt trong ca đoàn nhà thờ với Hường, có nhiều dịp gần gũi nhau, nhưng bản tính nhút nhát nên chưa dám thổ lộ tâm tình, rồi đến ngày ra trường bị phân công về dạy ở trường Phan Thanh Giản nơi Cần Thơ xa xôi, nên mộng ước tỏ tình với Hường trở nên xa vời hơn!

Thực ra, cũng có một dịp thuận tiện cho Dũng ngỏ lòng mình. Đó là một buổi tối mùa hè, sau khi ca đoàn tập hát xong thì cả xóm bỗng bị cúp điện. Dũng và Hường phụ dọn dẹp sách hát trong nhà thờ rồi ra về sau hết vì nhà gần nhau. Hai người đi bộ trong những ngõ hẻm tối lập lòe ánh đèn dầu và ồn ào tiếng chơi đùa của lũ trẻ con và những người lớn ngồi trước sân nhà hóng mát. Khi ra đến đường cái, hai người đi đường vòng qua phía Ngã Tư để tránh cái nóng bực của đêm trời hiếm gió, vừa đi vừa râm ran chuyện của giáo xứ, chuyện ca đoàn, chuyện lối xóm…Trời đêm mờ ảo như khuyến khích Dũng hãy cởi mở cõi lòng, trái tim anh đập loạn xạ mà vẫn chưa tìm được lời nào! Khi hai người qua đến đường rày xe lửa gần Ngã Tư, Dũng quyết định lấy hết can đảm, hít một hơi dài, sẽ nắm tay Hường và mời đi ăn chè đá đậu ở Chợ Ngã Tư… Nhưng hỡi ôi, Dũng chưa kịp nắm lấy đôi bàn tay mềm mại ấy thì đèn đường cũng như đèn các nhà bỗng bật lên sáng rực, rồi tiếng la hét sung sướng của mọi người vang dậy: “Có điện! Có điện rồi!...” làm tiêu tan hết mọi cảm hứng của anh, và Hường cũng giật mình chợt nhớ đi về nhà xem phần cuối của vở cải lương “Bên Cầu Dệt Lụa” của Thanh Sang - Thanh Nga trên chương trình truyền hình! Hôm đó về nhà, Dũng không ngủ được, cứ nằm trằn trọc cả đêm, rồi lại tự giận mình sao mà chậm chạp, khờ khạo đến thế!


Mùa hè năm đầu tiên khi ra trường, anh quyết định phải ngỏ lời, nên phải năn nỉ ỉ ôi cô em gái có tâm hồn văn thơ trong nhà tìm cho anh một bài thơ tặng người đẹp thay lời tỏ tình. Ngày anh đáp chuyến xe từ Miền Tây về nhà, đã có ngay bài thơ “Chưa Ngỏ” thật hợp với tâm tư của anh mà Dũng vẫn còn nhớ đến hôm nay, mở đầu như sau:


“Em vào đời anh bằng đôi mắt đẹp
Anh về buồn sách vở cũng tương tư
Rồi ngại ngùng anh viết trộm tờ thư
Viết lại xé nên không bao giờ gửi!
Thơ không gửi nên em nào biết tới?
Lá vàng bay sao tình chẳng bay theo?
Để lòng anh buồn nhớ biết bao nhiêu
Vô tình quá làm sao em biết được?”…

Sáng hôm sau, anh hồi hộp mang bài thơ đến nhà Hường, là lúc một nhóm công an phường đang khóa cửa niêm phong ngôi nhà có dàn dây leo màu tím, vì gia đình chủ nhà đã bỏ đi vượt biên! Dũng buồn bã trở về, tiếc nuối ngẩn ngơ suốt mấy tháng liền. Khoảng gần một năm sau thì Dũng nghe người trong xóm nói gia đình Hường vượt biên thất bại, ở tù sáu tháng và bây giờ đang sống trên vùng kinh tế mới Long Thành. Dũng chưa kịp sắp xếp đi thăm Hường thì có chuyến vượt biên, anh lên tàu và tới Mã Lai, rồi định cư ở Canada cho đến hôm nay. Nhưng dù có trí tưởng tượng phong phú đến đâu, Dũng cũng không bao giờ ngờ được mình sẽ gặp lại “người xưa” trong hoàn cảnh này! Nhìn Sơ Hường nói năng duyên dáng hoạt bát, thân thiện và đầy tự tin, Dũng không thể nghĩ rằng đó là cô gái bé nhỏ, mỏng manh, yếu đuối của xóm nhỏ ngoại ô ngày nào. Thiên Chúa quyền năng quả là làm được mọi sự!


Tiếng Sơ Hường và Khôi cười rộn rã làm Dũng tỉnh cơn mộng, Sơ Hường đưa đôi mắt đẹp nhìn Dũng, dịu dàng hỏi: anh đang nghĩ gì mà trầm tư thế? Dũng mỉm cười, lắc đầu, nhưng trong đầu lại nghĩ đến đoạn cuối của bài thơ năm nào có lẽ vẫn còn phù hợp cho đến hôm nay:


“ Thôi em cứ vô tình như cây cỏ
Để những tờ thư nối tiếp tờ thư
Để anh viết hoài lòng vẫn say sưa
Để tình đẹp vì tình chưa dám ngỏ!”


Dĩ nhiên, bây giờ Dũng không viết thư nữa, bài thơ “Chưa Ngỏ” sẽ vẫn là của riêng anh cất giữ làm kỷ niệm, nhưng chắc chắn mối tình đơn phương, thánh thiện thuở hoa niên xa xôi sẽ mãi mãi là mối tình đẹp nhất đời anh, vì tình đó chưa bao giờ dám ngỏ!

Tập san Chân lý số 2.2011