Giáng Sinh đặc biệt của người thợ già

Quang X Nguyen


GIÁNG SINH ĐẶC BIỆT CỦA NGƯỜI THỢ GIÀ



Đôi nét về tác giả, tác phẩm


Đại văn hào Nga Lev Tolstoy (1828-1910) là một trong những tiểu thuyết gia vĩ đại nhất trong lịch sử văn học thế giới. Ông còn là nhà triết học, một nhà cải cách xã hội, người theo đuổi chủ nghĩa hòa bình với những tư tưởng về luân lý và tôn giáo đã gây ảnh hưởng sâu đậm trong lý tưởng của thế kỷ XX. Cuộc đời ông trải qua nhiều thăng trầm, biến cố và có một sự nghiệp văn chương vĩ đại với hàng chục bộ tiểu thuyết đồ sộ, nhiều bút ký, truyện ngắn, dịch thuật, tác phẩm chính luận… Đặc biệt trong đó hai kiệt tác Chiến tranh và hoà bình và Anna Karenina được xem là đỉnh cao của tiểu thuyết hiện thực.



Truyện ngắn Giáng Sinh của người thợ già đã tái hiện chân thực và sinh động về ông lão thợ giày với một mơ ước giản dị đêm Giáng Sinh. Truyện cũng là một lát cắt đầy cảm động về những người nông dân nghèo khó song luôn có một đức tin tha thiết với Thiên Chúa và những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Và rồi điều kỳ diệu đã đến bởi chính trái tim thiện lương và những điều tốt đẹp mà ông đã cho đi.






Đó là đêm trước Giáng Sinh. Và dù trời hãy còn trưa song những ngọn nến đã bắt đầu nhấp nháy trong các cửa hàng, ngôi nhà của làng quê nhỏ bé nước Nga này, báo hiệu cho một ngày đông ngắn ngủi sắp kết thúc. Lũ trẻ con háo hức lon ton chạy giỡn vang nhà. Khắp nơi giờ chỉ còn nghe thấy thanh âm rầm rì không rõ hòa quyện của tiếng nói, cười thoát ra từ những cánh cửa chớp đã đóng kín.

Bác thợ già Panov, người thợ đóng giày của làng mà mọi người vẫn thường gọi là Già Panov, bước ra ngoài cửa tiệm và nhìn xung quanh lần chót. Những âm thanh của hạnh phúc, nhiều ánh đèn sáng bừng và biết bao mùi thơm nức ngon lành của các món ăn nấu nướng dịp Giáng Sinh bỗng gợi lên trong ông bao kỷ niệm về những thời khắc Giáng Sinh quá khứ, khi vợ ông vẫn còn sống và mấy đứa trẻ hãy còn bé. Giờ thì họ chẳng còn bên cạnh ông nữa. Khuôn mặt thường ngày vui vẻ, luôn nở nụ cười hiền hòa nhăn nheo đằng sau đôi mục kỉnh vuông bằng thép, bỗng chốc buồn thiu. Nhưng ông lão đã quay trở vào nhà bằng những bước vững chãi, sập cửa chớp lại đoạn lấy một ấm cà phê đun nóng lên trên bếp than củi. Sau đó, ông thở dài, ngồi vào chiếc ghế bành lớn của mình.

Già Panov đã không còn đọc sách thường xuyên, nhưng đêm nay ông bê một quyển Kính Thánh lớn, cũ kỹ của gia đình xuống, chậm chầm dùng ngón tay trỏ lần từng dòng một. Ông đọc lại những câu chuyện kể về lễ Giáng Sinh. Ông đọc câu chuyện kể về chuyến hành trình đầy mệt mỏi đến Bethlehem của Đức Mẹ Mary và Thánh Joseph. Họ đã chẳng tìm được một quán trọ nào để nghỉ chân và rồi Mẹ Mary phải hạ sinh hài nhi trong một máng cỏ nơi chuồng bò.

“Ôi Chúa ơi!”, Già Panov thốt lên: “Giá mà họ đã đến đây! Ta sẽ dành cho họ chiếc giường của ta và sẽ bao bọc, sưởi ấm cho hài nhi trong chiếc mền bông ấm áp!”

Ông lại đọc về những mục tử, những nhà thông thái, đã đến ngắm nhìn Chúa Hài Đồng và mang dâng tặng Ngài những món quà quý báu. Khuôn mặt người thợ già lại trở nên trầm ngâm. “Ta chẳng có món quà nào để dâng lên Ngài cả”, ông buồn bã nghĩ.

Những bỗng nhiên một ý nghĩ bất chợt thoáng quá khiến khuôn mặt ông bừng sáng trở lại. Ông đặt quyển Kinh Thánh xuống, đứng lên và với đôi tay dài của mình lên chiếc kệ cao trong căn phòng nhỏ. Ông lấy xuống một chiếc hộp con con, bụi bặm và mở nó ra. Bên trong là một đôi giày da nhỏ nhắn tuyệt đẹp. Già Panov mỉm cười hài lòng. Đây là đôi giày tốt nhất mà ông nhớ – một đôi giày hoàn hảo nhất mà ông từng đóng. “Ta phải dâng Người tặng vật này,” ông cả quyết rồi đặt chúng một cách nâng niu về chỗ cũ đoạn lại ngồi xuống ghế.

Bấy giờ ông đã cảm thấy mệt và càng cố đọc thì cơn buồn ngủ lại càng ập tới. Những con chữ in trong quyển kinh bắt đầu nhảy múa trước mắt, thế nên ông nhắm mắt lại một chút. Nhưng trong khoảnh khắc, Già Panov đã hoàn toàn chìm vào giấc ngủ.

Và khi ngủ ông mơ. Ông mơ rằng ai đó vào phòng mình và ngay lập tức ông biết ngay ai đang xuất hiện trong giấc mơ của mình. Đó là Chúa Jesus. “ Hỡi Già Panov, ông luôn ước ao sẽ được gặp Ta phải không?”, Người từ tốn nói. “Thế thì hãy tìm gặp Ta ngày mai. Mai sẽ là ngày Giáng Sinh và Ta sẽ đến thăm ông. Nhưng hãy xem xét cẩn thận nhé vì Ta sẽ không cho ông biết Ta là ai đâu.”

Khi Già Panov bừng tỉnh dậy sau giấc ngủ ngon lành, những tiếng chuông đang reo vang và một luồng ánh sáng mỏng manh xuyên qua những cánh cứa chớp. “Chao ôi!” Giọng ông lão tràn đầy phấn chấn. “Giáng Sinh đến rồi!”

Ông đúng dậy và duỗi tay chân hơi tê cứng sau giấc ngủ dài. Khuôn mặt ông ngập tràn hạnh phúc khi nhớ lại giấc mơ đêm qua. Sau tất cả, đây sẽ là một Giáng sinh rất đặc biệt bởi Chúa Jesus sẽ đến thăm ông. Ngài trông thế nào nhỉ? Ngài sẽ đến trong hình dáng của một hài nhi như Giáng sinh đầu tiên? Hay Ngài sẽ trong hình hài của một người trưởng thành- một người thợ mộc hay một vị Vua vĩ đại như ngôi vị của ngài – con trai của Thiên Chúa? Ông chắc hẳn phải xem xét cẩn thận cả ngày để có thể nhận ra dù Ngài đến bằng cách nào chăng nữa.

Già Panov pha một ấm cà phê đặc biệt cho bữa sáng Giáng Sinh, kéo những cánh cửa chớp lên và nhìn ra ngoài cửa sổ. Con đường vắng tanh, chưa có ai qua lại ngoài người phu quét tuyết. Ông ta trông khốn khổ và bẩn thỉu như tự bao giờ! Ai lại muốn làm việc vào ngày Giáng Sinh, nhất là trong sương mù giá buốt và cái lạnh tê tái của một buổi sớm như thế này?

Già Panov mở cánh cửa tiệm, khiến một luồng gió lạnh ùa vào. “Hãy vào đây!” ông kêu lớn vẳng qua phía bên kia đường bằng một giọng vui vẻ. “Vào nhà và dùng chút cà phê nóng chống lại cái lạnh nào!”

Người thợ quét tuyết ngửng lên, không thể tin vào tai mình. Ông ta vui sướng đặt cây chổi xuống đất và bước vào căn nhà ấm áp. Bộ đồ cũ mèm cùa ông tỏa ra những làn hơi nước nhè nhẹ khi ngồi kế bên bếp lò sưởi ấm áp và ông cứ siết chặt đôi tay đỏ quạch quanh chiếc cốc nóng hổi khi đang nhấp từng ngụm cà phê.

Già Panov nhìn ông một cách hài lòng, nhưng cứ chốc chốc ông lão lại đảo mắt ra ngoài cửa sổ. Ông chẳng bao giờ muốn bỏ lỡ cơ hội gặp gỡ vị khách đặc biệt của mình.

“Già chờ ai đó à?” cuối cùng người phu quét tuyết hỏi. Thế là Già Panov kể cho ông ta nghe về giấc mơ của mình.

“Vâng, tôi hi vọng Ngài sẽ đến.” người phu quét tuyết thốt lên. “Già đã cho tôi Giáng sinh thật vui mà tôi chẳng hề mong đợi. Và Già xứng đáng có để có giấc mơ thành sự thật.” Ông mỉm cười một cách thực thà.

Sau khi ông ta đã đi khỏi, Già Panov lại nấu một nồi súp bắp cải cho bữa tối, sau đó lại đi ra cửa, rảo mắt nhìn ra đường. Ông lão chẳng thấy ai. Nhưng ông đã lầm. Có ai đó đang tới.

Một cô gái đi bộ chậm chạp và lặng lẽ, cô đi men theo những bức tường cửa các cửa hiệu và ngôi nhà bên vệ đường. Phải mất một lúc Già Panov mới trông thấy cô. Cô gái đang mang theo thứ gì đó và trông rất mệt mỏi. Khi cô tiến đến gần hơn, ông lão mới nhận ra đó là một đứa bé quấn trong chiếc khăn choàng mỏng manh. Một nỗi buồn hiển hiện trên khuôn mặt cô và gương mặt bé bỏng tê buốt của đứa bé, khiến trái tim ông se thắt lại.

“Sao cả hai không vào nhà!” ông gọi đoạn bước ra ngoài “Cô và đứa bé cần một chỗ nghỉ ngơi ấm áp cạnh lò sưởi đấy.”

Người mẹ trẻ theo ông trong nhà và ngồi thoải mái trong chiếc ghế bành. Cô thở dài sườn sượt như để tìm niềm khuây khỏa.

“Ta sẽ hâm một ít sữa cho đứa bé.” Ông Panov nói, “ Ta cũng từng nuôi con mọn nên có thể cho đứa bé ăn giúp cô.” Nói đoạn, ông lấy sữa ra khỏi bếp lò và cẩn thận dùng thìa bón cho đứa bé cùng lúc hơ ấm đôi chân tí hon bên cạnh chiếc bếp lò.

“Cô bé cần một đôi giày”, người thợ già nói.

Nhưng cô gái đáp lại rằng: “Cháu không có tiền mua giày. Cháu cũng chẳng có chồng để nương tựa. Cháu đang trên đường đi qua làng bên để tìm kế sinh nhai Già ạ.”

Một suy nghĩ bất chợt lóe lên trong tâm trí Già Panov. Ông lão nhớ lại đôi giày nhỏ ông đã mang xuống đêm qua. Nhưng ông luôn nghĩ mình sẽ giữ chúng để làm tặng vật cho Chúa Jesus. Ông lại nhìn đôi chân bé xíu đang giá buốt và nhanh chóng quyết định.

“Cho cô bé thử đôi giày này xem!” ông nói, trao đứa bé và đôi giày của mình cho người mẹ. Đôi giày nhỏ xíu xinh đẹp và hoàn toàn vừa vặn với đứa bé. Cô gái mỉm cười hạnh phúc và bé gái líu ríu đầy vui thích.

“Già quá tốt với chúng cháu,” cô gái nói, khi cô đứng dậy đỡ lấy đứa con để tiếp tục lên đường. “Cầu cho mọi điều ước đêm Giáng Sinh của Già thành sự thật!”

Nhưng Già Panov bắt đầu tự hỏi liệu Giáng sinh rất đặc biệt của ông còn có thể thành sự thật hay không. Có lẽ nào ông đã bỏ lỡ vị khách của mình? Ông lão lo lắng nhìn xuống đường. Có rất nhiều người đang qua lại song tất cả đều là những khuôn mặt ông nhận ra. Họ là những người hàng xóm sắp sửa về nhà. Họ gật đầu chào và mỉm cười chúc ông một Giáng Sinh vui vẻ. Thỉnh thoảng, đó lại là những người ăn xin và Già Panov luôn tất bật chạy vào nhà để lấy cho họ súp nóng và một khoanh bánh mì thật to, đoạn lại vội vã đi ra ngoài vì ông sợ lỡ mất người khách lạ quan trọng của mình.

Khi Già Panov một lần nữa trở ra cánh cửa chính và cố căng mắt nhìn, ông chẳng còn thấy bóng dáng một khách qua đường nào nữa. Hầu như giờ này, mọi người đều đã ở trong nhà cả rồi.

Cuối cùng, ông lão chậm chạp quay vào trong nhà, đóng mấy cánh cửa chớp lại rồi mệt lử ngồi xuống chiếc ghế bành. Cuối cùng thì nó cũng chỉ là một giấc mơ. Chúa Jesus đã không đến.

Nhưng bất thình lình, ông nhận ra rằng mình không còn ở trong phòng một mình.

Đây không phải là mơ vì ông hoàn toàn tỉnh táo. Thoạt đầu, ông dường như trông thấy một dòng người dài nối nhau gồm những người đã đến với ông trong suốt ngày hôm nay. Ông đã thấy người quét tuyết già nua, người mẹ trẻ và đứa con của cô, cả những người ăn mày đã được ông bố thí thức ăn. Khi đi ngang qua ông, mỗi người đều thì thầm thốt lên: “Ông có nhận ra tôi không, Già Panov?”

“Thế quý vị là ai?” Ông thốt lên đầy hoang mang.

Sau đó, bỗng nhiên một giọng nói khác đáp lời ông. Đó là tiếng nói trong giấc mơ của ông đêm trước – tiếng nói của Chúa Jesus.

“Ta đã đói và ông cho Ta ăn,” Ngài nói. “Ta đã trần truồng và ông mặc cho Ta. Ta đã lạnh và ông làm cho Ta ấm. Ta đến với ông hôm nay trong tất cả những người ông đã giúp đỡ và chào đón.”

Sau đó tất cả bỗng yên lặng và tĩnh mịch trở lại. Chỉ còn lại thanh âm của chiếc đồng hồ lớn đang tích tắc đếm giờ. Một đêm yên bình và hạnh phúc vô biên dường như lan tỏa khắp căn phòng, tràn ngập trái tim của Già Panov đến nỗi ông chỉ muốn cất tiếng hát ca, bật cười và nhảy múa trong niềm sướng.

“Cuối cùng thì Ngài cũng đã đến!” ông lão chỉ thốt lên có thế.

Ngọc Vân
(Dịch theo bản tiếng Anh “Papa Panov’s Special Christmas”)