Mối tình hàng xóm - truyện ngắn vui về tình yêu

Quang X Nguyen

Mối Tình Hàng Xóm

Truyện ngắn vui về Tình yêu


Tôi ngồi yên lặng ngắm hàng cây trơ trụi trước nhà. Dãy nhà bé nhỏ dưới lớp tuyết phủ mờ trông thật nên thơ. Mùa đông Toronto lạnh quá, nhưng có lẽ niềm trống vắng trong tôi cộng với nỗi buồn ở nhà một mình còn giá buốt hơn không khí bên ngoài. Bất chợt tôi nhìn sang sân nhà bên cạnh. Nhà hàng xóm của tôi đó, bây giờ chỉ còn một cụ già cô độc ra vô. Thỉnh thoảng tôi cũng chạy sang thăm hỏi, giúp bà đọc vài lá thơ bằng tiếng Anh, hay trả dùm bà một ít hóa đơn điện, nước, gas.... Còn hắn! Hắn đã đi xa từ mấy tháng nay. Tôi vẫn tự nhủ mình không coi hắn ra ký lô gram nào, thì hắn ở đây hay đi Âu, đi Mỹ có gì là quan trọng. Nhưng tôi không thể dối lòng. Càng ngày tôi càng nghĩ đến hắn nhiều. Những khi hắn còn ở đây, còn là tên hàng xóm dễ ghét, tôi đã rất bực mình khi đối diện với hắn. Nhưng từ khi không còn ai để đấu khẩu, để ...ghét, tôi bỗng cảm thấy hình như hắn dễ thương hơn.....


Ngày mới dọn về căn townhouse này, tôi rất sung sướng yêu đời. Không vui sao được vì sau mấy năm ở mướn chật chội trong căn building một phòng ngủ, chị em tôi đã có đủ tiền down mua được căn nhà này. Tuy dính vách với nhà khác nhưng còn tương đối mới mẻ, khang trang hơn ở nhà thuê rất nhiều. Tôi viết thư về Việt Nam khoe với mẹ, kể lể đủ thứ. Nào là mua được nhà giá rẻ. Nào là nhờ tôi may mắn kiếm được việc làm ngay trong Thư viện của trường, vừa tiện vừa lợi.... Nào là chị Hoàng đã có việc làm đàng hoàng, không còn làm tạm như trước nữa. Viết xong thư, tôi hớn hở bắt đầu vào công việc dọn dẹp, chưng bày nhà cửa. Trong nhà coi như tạm xong - chỉ có hai chị em nên không cần bày biện gì nhiều, tôi ra sân bắt đầu dọn dẹp mảnh sân bé nhỏ, chuẩn bị cho mùa hè sắp tới. Đang hăng hái tạt nước, quét dọn, tôi không biết mình đã lỡ tay đổ tràn xô nước bẩn sang nhà bên cạnh, lên cả chân tên hàng xóm đáng ghét đang đứng đó. Dĩ nhiên là tôi rất quê sau một hồi xin lỗi, điệu bộ hắn ta lúc ấy có vẻ diễu cợt và dễ ghét vô cùng. Tôi lại không sure hắn có phải là Việt Nam hay không, nên cứ ấp a ấp úng mãi. Tôi không ưa những bộ mặt kênh kiệu vì tưởng mình con nhà giàu, học giỏi, đẹp trai như vậy. (Chỉ tưởng thôi !!) Thế nhưng sau đó hắn lại làm quen và tỏ vẻ thân thiện với chị em tôi. Hắn tên Thu - Cái tên rất con gái, và hay hoạt động xã hội cho nhà thờ và các hội đoàn tại đây. Từ khi quen, hắn bắt đầu lân la dụ dỗ tôi và chị Hoàng đi sinh hoạt chung với hắn nhưng sức mấy tôi chịu. Tôi còn khối việc phải làm. Nào là đi học, đi làm. Nào là viết thư về Việt Nam cho mẹ, cho bạn bè. Nào là dọn dẹp nấu ăn. Nào là tôi ngại đám đông, không thích bon chen vân vân và vân vân.


Không dụ tôi đi công tác xã hội chung được, Thu bắt đầu offer kèm thêm tôi toán và anh văn miễn phí. Thú thật cái mục này cũng hơi hấp dẫn, nhưng tôi ngại mang ơn nên bướng bỉnh từ chối. Toán thì vô lớp hỏi thầy, hỏi bạn cũng được. Anh văn thì đã có tự điển, chịu khó thức khuya tra trước là xong chứ gì. Tôi không thích Thu vì một lẽ duy nhất, là hắn nói hơi nhiều - mà con trai lắm mồm thì chẳng hay ho gì. Hơn nữa, hắn lại luôn xuất hiện không đúng chỗ không đúng lúc nên tôi hết sức bực mình. Chẳng hạn có hôm tôi chưa tắm rửa, tóc cột đuôi gà sau gáy, quần xà lỏn áo sát nách - Chị Hoàng bảo trông tôi giống y hệt con Mán - định ra sân hái mấy trái cà chua nấu canh rồi đi tắm, thì gặp hắn đứng sẵn ở sân bên cạnh kéo tôi lại hỏi chuyện lung tung. Cũng có lần ở tiệm Thuốc Tây gần nhà, trong khi chờ lấy thuốc, tôi tò mò đọc lá thư kêu gọi hiến tủy sống cho một em bé Việt Nam trong cộng đồng. Nếu có loại tủy hợp với em, nhà thương cần mình nghỉ việc khoảng 3 ngày để làm phẫu thuật. Tôi đấu tranh tư tưởng thật mạnh. Lòng yêu người cũng khiến tôi cũng muốn đi thử xem sao, nhưng lại sợ nếu lỡ được chọn, rồi nhà thương làm giải phẫu trục trặc khiến bị bán thân bất toại thì ... tàn đời, nên tôi cứ băn khoăn cầm lá thư lên, rồi lại bỏ xuống. Bỗng nghe giọng hắn ồm ồm bên tai:
- Cô không phải lo, đã có người hiến tủy cho em bé này rồi!


Tôi quê lắm vì bị hắn đọc được những ý nghĩ của mình. Không biết con người vô duyên này từ xó nào đến mà lại xuất hiện không đúng lúc như vậy!

Ỷ hơn tôi vài tuổi, Thu bắt tôi gọi hắn bằng anh và xưng em đàng hoàng. Tôi cãi liền:
- Thu nên nhớ, con gái bao giờ cũng khôn ngoan già dặn hơn con trai cùng lứa tuổi, tâm sinh lý cái gì cũng phát triễn nhanh hơn, có sách vở chứng minh đàng hoàng. Do đó nếu con gái bằng tuổi con trai đương nhiên được làm chị, còn có thua cũng đáng làm bạn mà hơn tuổi thì phải là .... má !!

Chữ má tôi lên cao giọng làm Thu le lưỡi:
- Thế An ưng làm má anh lắm hả?

Tôi hơi quê nhưng vẫn không muốn thua:
- Không dám, nhưng làm chị hay bạn được rồi. Đàn ông mấy anh chỉ dài lưng tốn vải, được thiên nhiên ưu đãi có chút sức khỏe thôi, chứ hữu dũng vô mưu, làm sao lo được trăm việc lớn nhỏ chu đáo như đàn bà được.

Thu cười nửa miệng:
- Thế thì đàn ông có chuyện gì mà không làm được? Tính tình thì rộng rãi, kín miệng nè! Sự nghiệp lớn nắm trong tay, còn chợ búa cơm nước cũng khéo không ai bằng.

Tôi trề môi :
- Anh lầm to rồi Thu ạ, anh thử dẫn chứng xem đàn ông ai khéo léo cơm nước may vá đâu, không thấy không tin!

Thu cười đắc thắng:
- Cô lầm thì có, An vào các nhà hàng lớn xem coi đầu bếp chính là đàn ông hay đàn bà. Các tiệm may nổi tiếng cũng do các ông đứng cắt. Nhưng kể làm chi mấy chuyện tạp nhạp đó, đàn ông bao giờ cũng là thành phần chủ lực trong xã hội. Họ chỉ mắc phải một khuyết điểm thôi, An biết là gì không?

Tôi đáp không do dự:
- Đểu và lười!
- Cái gì ? Coi chừng đụng chạm nhé, đàn ông chỉ có mỗi một tội là tin đàn bà thôi. Nếu không chắc chắn xã hội chẳng có gì phiền phức xảy ra.

Tôi xì một cái dài thậm thượt:
- Còn lâu, nhưng giả thử điều đó đúng thì các ông chính là người ngu rồi. Ai biểu biết vậy mà vẫn đâm đầu vào tin.

Những cuộc đấu khẩu nho nhỏ như thế thường xuyên xảy ra, ít phân thắng bại nhưng làm tôi hiểu Thu hơn vì tìm được nơi anh những nét rộng rãi, nhiệt thành, nhất là lòng yêu nước và ý hướng xây dựng của anh. Tuy vậy, bọn tôi rất khắc khẩu, có lẽ vì ai cũng tự ái cao nên khó trở thành bạn thân ý hợp tâm đầu được.

Đã có lần chúng tôi đấu chưởng ... nhạc với nhau. Số là hắn cần phải lựa nhạc cho buổi khiêu vũ của nhà thờ chi đó, nên đã mở nhạc rock, nhạc rap rầm rầm để nghe thử và thâu. Tuy lúc ấy là ban ngày, nhưng nhằm lúc tôi đang học thi, nên tiếng nhạc vọng qua vách nhà ầm ầm làm tôi bực mình hết sức. Chỉ một lúc sau là tim tôi đập mạnh và khó thở theo điệu nhạc (tôi ghét loại nhạc giựt này nhất) và đầu nhức như búa bổ. Tôi muốn sang gõ cửa nhà hắn mắng vốn hết sức nhưng cũng hơi ngại. Gọi cảnh sát thì chắc họ sẽ không can thiệp vì chưa phải sau 10 giờ tối, tôi bèn nghĩ ra được một phương kế trả thù hữu hiệu hết sức. Tôi lục quính quáng trong đống tape của chị Hoàng, cuối cùng tìm ra được một băng cải lương cũ rích. Hà hà, phen nầy coi cô nương ra chiêu trả đũa nhé. Tôi vặn hết ga máy hát, tiếng cải lương rên rỉ ai oán nghe khiếp gấp mấy lần tiếng nhạc Tây, cái máy hát của chị em tôi lại rè rè nên cuối cùng tôi là người chịu tẩu hỏa nhập ma trước. Tôi xây xẩm mặt mày tắt máy, thì phía bên địch cũng đã im lặng từ lâu. Chị Hoàng cứ tủm tỉm cười làm tôi càng phát điên lên được.

Rồi có lần xe hư tôi phải nhờ Thu chở đến thư viện trường vì sợ trễ, Thu phóng hết ga làm tôi xanh mặt nhưng tự ái tôi chẳng thèm năn nỉ anh giảm bớt ga. Nếu cảnh sát có phạt, thì hồ sơ của anh bị rắc rối chứ người ngồi bên cạnh đâu có sao! Chiều về Thu đón tôi ở cổng và ngược lại chạy chậm rì. Tôi nghĩ anh định thử tính kiên nhẫn của mình nên ráng kiên trì ngồi nhìn các xe khác vun vút qua mặt. Nhưng Thu chịu thua trước, anh cho xe chạy nhanh hơn trước và gợi chuyện:
- Anh đi chậm để bù cho hồi sáng đấy An ạ, An bướng ghê sao không cản anh. Bây giờ nghĩ lại mới thấy mình dại dột. Đi như vậy vừa nguy hiểm, vừa bất lịch sự và nhất là ...

Thu nhỏ giọng:
- ... nhất là không kéo dài được giây phút có An.

Tôi giả lơ bắt sang chuyện khác nhưng Thu vẫn không tha:
- An có hiểu nỗi khổ sở của người không nói lên được điều mình muốn nói không?

Tôi ngạc nhiên nhìn Thu:
- Nhưng Thu sẽ chằng bao giờ ở trong trường hợp đó, Thu nói được đủ chuyện trên trời dưới đất hết mà!

Thu lẩm bẩm:
- Tôi không có miệng để nói nổi một lời.

Tôi buột miệng đáp liền:
- Vậy mà An nghĩ anh có đến hai cái miệng !
Thu nói như nói một mình:
- Tôi có đến hai cái miệng nhưng không thể nói một lời.
Nhưng đột ngột Thu lại chuyển câu chuyện sang hướng khác, tôi không hiểu anh đã nghĩ gì.


Lần khác, Thu cũng cùng một thái độ như thế. Sáng hôm ấy tôi làm siêng lấy chổi quét sân. Cây mận nhà tôi đang thay lá nên rụng đầy, tôi vừa quét vừa hứng chí hát nho nhỏ:
- Chiều buông trên dòng sông Cửu Long, như một cơn ước mong, ơi chiều ... Về đây, ơi hàng cây gỗ rong ...

Nhưng bỗng nghe có tiếng đàn đệm theo nên tôi im bặt quay lên nhìn. Thì ra Thu đang ngồi trên ban-công nhà anh ôm đàn guitar nhìn tôi. Thu khai chiến trước:
- Sao không hát nữa cho anh nghe, An hát hay lắm.
Tôi quạu quọ:
- Tưởng không có ai mới hát chơi, ai dè ...

Thu chắt lưỡi:
- Chà, vậy ra nãy giờ mình nghe lén. Thế giờ anh yêu cầu, An tiếp tục hát chứ?
- Rất tiếc, anh đã làm An cụt hứng rồi, hình như lúc nào Thu cũng xuất hiện để phá đám An thì phải.

Thu cười:
- Sao lại nghĩ thế ? Anh lại cho rằng chính An là kẻ phá đám anh đây!
Tôi ngạc nhiên:
- Tui đã làm cái gì?
Thu hất mặt :
- Đó, lá vàng rơi đầy sân thơ mộng thế kia mà An nỡ quét đi bỏ vào thùng rác, thì còn đâu thi hứng của nhà thơ.

Tôi nhìn quanh quất. Từ khi dọn tới đây, tôi biết sát vách bên trái tôi là nhà mẹ con Thu, bên phải là bố con ông Ý đại lợi rất ít khi có ở nhà. Tôi thắc mắc:
- Nhưng ở đây đâu có ai là thi sĩ?
- Sao lại không?
-Chung quanh đây không có ai, như vậy một trong hai ta phải là thi sĩ, người đó chắc chắn không phải là An, vậy ra anh đang ngồi làm thơ ?
- Ừ !

Tôi phá ra cười, anh chàng này mà làm thơ thì tức cười lắm, mấy con cóc trong hang chắc cũng phải kinh hãi mà nhảy ra.
- Thu làm xong chưa ? Đọc thử nghe với !
- Sắp xong.

Tôi vào nhà cất chổi nói với ra:
- Chừng nào làm xong anh nhớ đọc cho An nghe nhé.
Thu gọi tôi lại:
- Nhưng An đi rồi, lấy đâu ra thi hứng cho anh làm thơ? 
Tôi chỉ đống lá dưới sân:
- Đây nè, anh vừa bảo nguồn cảm hứng của anh là đống rác này mà.
Thu nhìn tôi đăm đăm:
- Không, chính là An đó.

Tôi cảm thấy lúng túng nhưng như bị xấu hổ, Thu đổi thái độ và chuyển sang đề tài khác ngay. Tôi thật sự không hiểu anh nghĩ gì về mình và chính tôi cũng không hiểu tình cảm của tôi dành cho Thu là như thế nào nữa. Ngày anh chào giã biệt tôi lên đường đi Mỹ làm việc, tôi thấy buồn nao nao, tuy vẫn cố gắng vui vẻ tiễn đưa anh, và thật sự cầu chúc anh thành công trên đường sự nghiệp. Tôi nghĩ cũng hơi chán cho ông chính phủ Canada, đào tạo nhân tài nhưng không giữ nổi họ làm mất hết chất xám của Quốc gia. Những người học xong, không kiếm được việc làm như ý ở Canada, đều chạy sang Mỹ kiếm việc. Thu cũng đã vất vả nhiều tháng không tìm ra việc gần nhà, cuối cùng phải bỏ lại mẹ già đi sang bên Mỹ. Hắn cười cười bảo phải hy sinh đi làm xa kiếm chút vốn lấy vợ. Bạn gái hắn chắc phải là một trong mấy cô xinh tươi trong ca đoàn nhà thờ, tôi cũng tò mò nhưng ngại không dám hỏi.

Không hiểu vì sao, dạo này tôi lại thích đi nhà thờ Việt Nam, tham gia ca đoàn cũng như sinh hoạt văn nghệ trong trường với các bạn. Nhờ tiếp xúc với nhiều người, tôi thấy vui hơn, tự tin hơn và cảm thấy mình hữu dụng hơn. Trước đây tôi đã ích kỷ đóng cửa trong nhà lo cho mình, như vậy thật là thiếu trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Tuổi trẻ tha hương ngoài việc học cho giỏi xây dựng tương lai, cũng cần đoàn kết, sinh hoạt chung để nâng đỡ tinh thần, học hỏi lẫn nhau cũng như làm những việc ích lợi cho cộng đồng, góp phần làm vẻ vang dân Việt. Nhưng tôi bực Thu lắm vì không biết nghe ai report, hắn đã viết thư về bày đặt khen tôi đã biết tham gia công tác xã hội, sinh hoạt với nhà thờ! Tôi có đi quyên tiền, làm văn nghệ gây quỹ giúp bão lụt miền Trung là vì tôi thấy thương người bị nạn, chứ đừng tưởng là tôi bị hắn lôi cuốn hay ...bắt chước hắn ! Con người gì đâu lúc nào cũng tự phụ đến phát ghét. Đang miên man suy nghĩ lung tung, bỗng tiếng điện thoại reo vang. Thì ra phone của Thu. Tôi bỗng thấy hơi giận vì đã lâu lắm rồi từ khi đi San Jose, hắn chẳng gọi về cho tôi lần nào ngoại trừ lá thư mấy tháng trước. Trong phone, hắn kể lể đủ thứ về chỗ làm, về sự bon chen của người Việt trên xứ Mỹ:
- Anh chỉ thích ở Canada thôi, ở Mỹ không quen thấy chán lắm. Lại nhớ má, nhớ ... nhà hàng xóm, An nói một tiếng đi, anh sẽ bỏ hợp đồng về lại Canada ngay.

Tôi cũng hơi xiêu lòng, chao đảo, nhưng về hay ở là quyền của hắn, tôi không nên can thiệp.
Hắn nỉ non:
- Sao An im lặng lâu vậy, có muốn anh về không? Làm ơn say yes đi mà !
Tôi mềm lòng, giọng bỗng nhiên nhão nhẹt:
- Thì anh cứ về đi, kỳ này Canada cũng dễ kiếm việc hơn rồi, nếu không thì lại ... đi nữa.

Hắn kỳ kèo:
- Có nghĩa là An muốn anh về phải không?
Trước khi suy nghĩ hơn thiệt, tôi buột miệng say yes ngọt ngào. Giọng hắn hớn hở ở đầu giây bên kia:
- Thế thì An ra mở cửa đi.
Tôi ngạc nhiên không hiểu hắn nói gì nhưng cũng đi mở cửa. Thì ra hắn đã về và đang ở sát vách với tôi. Hắn ló đầu vào tươi cười với bó hồng vàng to tướng - nếu không phải 100 đóa hồng thì cũng phải 99 bông.
- Tặng An nè !
Tôi ôm bó hoa vào lòng, thấy hạnh phúc chất ngất, trên tấm thiệp vàng, hắn đề to hàng chữ: Khang An, I love you more than I can say.
Nếu hắn nói thật, thì quả hắn yêu tôi nhiều lắm, nhiều hơn cái miệng nói nhiều của hắn cơ mà !!

Sau này, khi tôi đã chịu gã cho hắn và sinh được hai thằng con trai mập mạp xinh xắn, nói nhiều y hệt bố, bọn tôi cũng tham gia chương trình Thăng Tiến hôn nhân Gia Đình, họp hành hăng say, có lúc tôi đã thắc mắc:
- Anh này, nếu ngày đó em khuyên anh đừng về, cứ ở Mỹ lo làm việc thì anh sẽ làm gì với bó hồng to tướng đó?
Thu tỉnh bơ trả lời:
- Thì anh sẽ đem tặng con gái ông Ý đại lợi kế nhà rồi đưa má sang Mỹ ở luôn, có gì đâu mà phải thắc mắc !!