Thầy giúp xứ -- truyện ngắn của Laurenso

Quang X Nguyen

Thầy Giúp Xứ


Sau hai năm vào chủng viện, hè này thầy T. được đi thực tập mục vụ. Người ta vẫn quen gọi là đi giúp xứ. Khi được cha phó Giám Đốc chủng viện phân về Giáo Hạt Vĩnh Thạnh, thầy vừa mừng vừa lo. Mừng vì đây là lần đầu tiên thầy đi về giúp xứ với vai trò là một “ông thầy”. Lo là vì không biết mình có hoàn thành nhiệm vụ hay không. Các cha giáo khuyên những thầy đi thực tập mục vụ ngoài 3 chữ T: ‘tình”, “tiền”, “tửu” ra còn cần phải lưu ý đến các mối tương quan sau đây:

Cha sở nói gì phải nghe
Cô bếp nấu dở đừng chê bao giờ.
Hội đoàn đừng có thờ ơ.
Bao nhiêu hoạt động chớ vơ vào mình.
Làm việc hết sức hết tình,
Cậy nhờ Thiên Chúa thương tình giúp cho.​


Nghe những lời ấy, thầy cố gắng ghi nhớ và thực hiện đầy đủ. Rồi ngày thầy về giáo xứ cũng đã đến. Cha quản hạt gởi thầy về một giáo xứ gần Núi Sập. Thầy thì vừa phấn khởi trong lòng vừa ngại ngùng hơi ngượng ngùng. Có không ít con mắt nhìn trộm thầy từ đầu đến chân. Thầy vốn cao ráo, khuôn mặt hình chữ điền. Tuy không “râu hùm hàm én mày ngài” nhưng người cũng được “vai năm tấc rộng, thân 1,7 mét cao”. Người chuẩn không cần chỉnh.


Sau một tuần làm quen với môi trường của giáo xứ, thầy bắt tay vào nhiều công việc. Việc chính yếu của thầy là dạy mấy lớp giáo lý. Lớp thầy đảm trách giảng dạy là mấy em rước lễ trọng thể. Lớp này có rất nhiều khó khăn. Bởi tuổi của học trò cũng không còn nhỏ. Mấy thằng con trai thì quậy, nhiều khi rất lém lỉnh. Còn bọn con gái thì đến tuổi phát triển cơ thể. Nói theo kiểu nào đó thì bọn này đã bắt đầu “có linh hồn”. Trong lớp có thằng Tính, nó rất tinh nghịch và ít chịu lắng nghe thầy dạy. Nó chỉ tìm cách phá thầy. Một ngày kia nó nói với thầy:
- Thưa thầy, con nghe thầy rất giỏi đối đáp. Nếu thầy đối được bài thơ này của con. Thầy nói gì con cũng nghe hết.

Thầy ngập ngừng trả lời:
- Thầy thì cũng bình thường thôi! Tính cứ đọc thử xem, nếu thầy không đối được thì các bạn khác đối lại nghen!

Thằng Tính cao giọng đọc:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư.
Nhỏ mà đã nhậu lớn khó hư.
Lẽ ra từ nhỏ ta nên nhậu.
Lớn lên có người đến bái sư.​

Thằng Tính lộ vẻ tâm đắc về bài thơ lấy trên mạng của mình. Nó nhìn thầy rồi nhìn các bạn với bộ mặt thật cao ngạo. Trong khi ấy, thầy trầm ngâm và đi đi lại lại. Cuối cùng thầy hỏi:
- Có bạn nào đối được bài thơ này không?

Cả lớp im lặng, mọi con mắt đổ về phía thầy. Thầy lim dim đôi mắt rồi bất chợt nói với Tính:
- Bài thơ của em cũng độc đáo và có cá tính mạnh lắm đó! Nhưng nó cần phải thay đổi một chút. Thầy đối lại thế này xem có được không nhé Tính:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư.
Nhỏ mà đã nhậu lớn sẽ hư.
Tim, gan, phèo phổi đều thối hết.
Rồi ai người đến bái sư.​

Thầy vừa đọc xong thì cả lớp vỗ tay như pháo tết. Bọn con gái nhìn thầy với ánh mắt ngưỡng mộ. Thầy trở thành “Ai-đồ” (Idol) của bọn nó. Còn thằng Tính thì tiu nghỉu như con mèo vừa bị rớt xuống nước. Từ đó trở đi, sau mỗi giờ giáo lý thầy cố gắng tiếp xúc với nhóm của thằng Tính. Thầy hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình của nó. Lúc đầu nó còn lẩn tránh thầy. Nhưng đứng trước sự chân thành và kiên nhẫn của thầy. Nó bị chinh phục. Nó nói chuyện với thầy thường xuyên hơn. Nó mời thầy đến nói chuyện với nhóm của nó. “Băng đảng” của thằng Tính có thói quen ngồi ở cầu nhà thờ vào các buổi tối. Nhiều khi chúng tìm cách chọc mấy đứa con gái khi đi qua cầu. Có lúc thì sinh sự đánh nhau với nhóm khác. Bọn chúng nổi tiếng là bất trị và phá làng phá xóm. Thầy biết vậy nhưng thầy không ngại. Sau mỗi giờ cơm tối với cha sở. Thầy ra ngoài cầu để làm quen với nhóm của thằng Tính. Mấy thằng này lúc đầu còn ngại thầy. Nhưng sau đó chúng bắt đầu quen dần và bắt đầu thể hiện bản lĩnh. Có đứa thì đố thầy những câu đố tục giảng thanh, có đứa thì đố thầy về kiến thức. Và thầy cứ thế trả lời và nói chuyện với chúng.


Những tưởng mọi chuyện được êm đẹp. Ai ngờ một ông trong ban hành giáo nói với cha là thầy hay nói chuyện với mấy thằng du côn. Cha sở gặp thầy và tìm hiểu. Thầy nói hết tất cả. Thầy trình bày với cha là thầy muốn tiếp xúc với bọn nó để từ từ lôi kéo đám thanh niên này đến nhà thờ. Thầy xin cha sở cho thầy được mở một sân bóng đá cho thanh niên chơi. Cha sở đồng ý với điều kiện là thầy phải nhắc nhở mấy đứa không được chửi tục. Tin vui mừng đến với bọn thằng Tính. Chúng mừng như trúng số độc đắc. Bởi trước giờ chúng ao ước có được một sân bóng đá mà không được. Bây giờ cha sở cho phép thì còn gì bằng. Ngày đầu khai mạc “mùa giải” thầy đưa ra điều kiện.
Thứ nhất không được chửi thề.
Thứ hai thành thật chớ hề ăn gian.
Nhà thờ là chốn nghiêm trang.
Tới giờ có lễ phải tan hàng liền.


Kế hoạch và luật lệ là vậy. Nhưng thầy vẫn cứ lo. Thầy cầu xin Chúa cho mọi sự tốt đẹp. Lúc đầu có vài thằng còn quen miệng thốt ra lời văng tục khi bị chơi xấu. Nhưng nhìn thấy ánh mắt thầy chúng nhìn nhớ ra và đưa tay bịt miệng. Chúng tự quy định với nhau là thằng nào chửi thề bị phạt thẻ vàng. Chửi nhiều lần thì bị phạt tiền. Treo giò 2 ngày. Sau một tuần thì mọi sự thật êm xuôi. Lạ lùng hơn nữa là một số thằng còn đi lễ sáng. Điều mà trước đây chưa thấy. Ba mẹ chúng còn phải ngạc nhiên. Công sức của thầy bỏ ra đã không uổng phí. Đối với con trai thì như vậy, còn tương quan với “bầy con gái” thì thầy ứng xử ra sao?

***

Việc làm quen và chinh phục bọn con trai có tính “giang hồ” tưởng chừng khó hóa ra lại dễ. Còn bọn con gái tóc dài tưởng chừng như dễ dàng nhưng lại rất gian nan. Thầy T. từ khi giải được câu đối khó nuốt của thằng Tính đã làm cho nhiều đứa con gái ngưỡng mộ. Thầy trở thành hình tượng được bọn chúng quan tâm rất đặc biệt. Chúng tìm cách tiếp cận và trò chuyện với thầy.


Sau một buổi học giáo lý ngày thứ bảy, bọn con Cúc, Mai, Lan rủ thêm thằng Tính vào phòng thầy để nói chuyện. Thấy thầy đi phía trước trở về phòng, chúng hùa nhau chạy theo sau thầy vào phòng. Thầy mời chúng ngồi chơi. Lần đầu được vào phòng của thầy nên có đứa thì khép nép, có đứa ngượng ngùng. Nhưng chúng vẫn có vẻ tự tin vì có thằng Tính làm hậu thuẫn. Thằng Tính bắt đầu câu chuyện:
- Thầy ơi, đi tu có vui không thầy?
- Vui! Rất vui, cứ nhìn thầy xem, thầy có vui không?
- Con thấy thầy vui tính như Hoài Linh đấy!
- Thế trong chủng viện có được chơi thể thao không thầy?

- Có chứ! Có rất nhiều môn cho mọi người lựa chọn. Ai thích mạnh mẽ đông vui thì có: Bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn. Ai thích các loại cầu thì có từ cầu lông cho đến cầu đá, có cả cầu mây nữa. Người nào muốn có thân hình đẹp từng centimet như người mẫu thì tập tạ. Thầy nào muốn phát triển tính toán về hình học thì chơi bi-da…Giờ chơi trong chủng viện náo nhiệt lắm!

- Ô! Thích quá thầy nhỉ? Con đoán chắc rằng thầy là người tập tạ thường xuyên. Thầy ơi! Chắc con đi tu quá! Mà thầy thấy con đi tu được không thầy?
- Mầy tu dòng đông các cô thì có.
- Ừ! Mà dòng đó có mày trong ấy.
- Hai đứa mày đi tu dòng Thánh Gia thì hợp hơn đấy!
- Chỉ có người điên mới thèm tu chung với nó.

- Thầy thấy câu chuyện bắt đầu xa rời quỹ đạo. Nhường bạn đi Tính, con trai ai lại ăn thua đủ với con gái.
- Đúng rồi! Đồ nhỏ mọn hơn đàn bà.
- Đó thầy xem, con im là nó làm tới hà!
- Tính ơi, con không biết triết lý này sao?
- Triết lý gì vậy thầy?

- Triết lý đó là: Trong một cuộc cãi nhau giữa đàn ông và đàn bà thì đàn bà luôn là người nói câu cuối cùng.
- Thế còn đàn ông thì sao thầy?
- Thì là người phải im miệng đầu tiên chứ sao nữa?
- Không phải, mà là người đầu tiên tặng cho đối phương cú đấm.

Con Mai đứng ra làm vai trò của Liên Hiệp Quốc:
- Thôi! Hai đứa mày im đi coi nào! Phòng thầy là phòng cầu nguyện, chúng mày đã biến thành cái chợ Núi Sập.
- Mấy bạn đừng lớn tiếng nữa. Vào phòng của thầy mà ồn áo quá thì kỳ quá!

Quay sang thầy Lan hỏi:
- Thầy ơi! Thầy có cần chúng con dọn dẹp hay lau phòng cho thầy không ạ?
- Chắc không cần đâu. Nhà xứ đã có cô bếp rồi. Phòng thầy để thầy tự lau cũng được.
- Vậy thầy có việc gì cho chúng con làm không ạ?

- À! Hay là thế này nhé! Lan kêu một số bạn nữ trong lớp giáo lý đến tiếp các bà quét, lau nhà thờ mỗi thứ bảy đi. Thầy thấy nhiều khi các bà đi quét nhà thờ được ít người quá. Ngày mai Lan nói với các bạn đi làm cỏ, nhặt rác xung quanh nhà thờ đi ha!

- Thầy nói vậy hay quá! Để con kêu gọi các bạn. A! Con thấy xung quanh nhà thờ có nhiều khoảng đất cỏ mọc nhiều quá. Làm hoài cũng mệt. Hay là mình trồng hoa đi thầy. Vừa đẹp lại đỡ cỏ mọc.
- Ý kiến của Lan tốt đó. Nhưng phải để thầy hỏi ý kiến của cha xứ xem sao đã! Nếu cha đồng ý thầy sẽ báo cho mấy đứa. À, trồng thì được rồi đấy, nhưng ai tưới đây? Nhiều như vậy thì tưới mệt lắm đó!


Thằng Tính hào hứng phát biểu như người mới phát hiện ra một phương pháp khống chế virút HIV:
- Con sẽ quy định cho mấy đứa chơi đá bóng, đội nào thua thì phải tưới hoa, thế là vừa khỏe vừa không tốn nhiều công sức.


Cả bọn vui vẻ bàn bạc kế hoạch. Bỗng có bóng người đi ngang. Cả nhóm nhìn ra và chợt giật mình. Chúng chợt im lặng. Cả bọn nháy mắt nhau và xin phép rút lui như những tên trộm sợ bị chủ nhà phát hiện. Chúng vừa ra khỏi được ít phút. Cô bếp vào gặp thầy và nói chuyện.
- Có chuyện gì không thế cô?
- Thầy ạ! Tôi nói với thầy điều này nhé! Thầy đừng buồn tôi nghen!
- Ôi! Có gì đâu cô! Cô cứ nói đi, người nhà mình với nhau không mà cô!
- Vâng! Thầy nói vậy thì tôi cũng nói thẳng luôn: Thầy đừng cho mấy con nhỏ kia vào phòng thầy nghen! Bọn nó cứ tíu ta tíu tít thế thì không hay lắm đâu. Mấy đứa nó là con gái đang lớn, chẳng ý từ gì đâu. Thầy thì phong độ thế này. Ma quỷ nó mưu mô lắm. Phải cẩn thận, lửa gần rơm lâu ngày nó cũng cháy thầy ạ!

- Con cảm ơn cô rất nhiều. Con sẽ cẩn thận nhiều hơn.
- Vâng! Thầy phải đề phòng, bọn con gái giờ ghê lắm! Mà thầy yên tâm. Đứa nào mà léng phéng đến phá rối thầy hay “cám dỗ” là phải bước qua xác của tôi.
- Thế thì con xin Chúa cho cô sống lâu vào, để bảo vệ ơn gọi của con.


Kể từ đó mọi bước chân của mấy đứa con gái đến gần thầy không thể qua mắt được cô bếp. Thầy thầm cảm ơn cô. Thầy không tiếp bọn con gái trong phòng nữa. Có chuyện gì thầy đều tiếp bọn nó ngoài nhà khách của giáo xứ. Nhiều khi thầy cũng giật mình với bọn con gái. Có đứa dám nhắn tin với thầy thế này:
- Thầy ơi! Thầy cho em gọi thầy là anh được không ạ?
- Xin lỗi, hận hạnh được biết ai đây?
- Em tên là Thủy này thầy!
- Mà vì sao gọi thầy là anh nhỉ?
- Thưa thầy có hai lý do: Thứ nhất, thầy hơn em có mấy tuổi hà! Thứ hai là thầy dễ thương quá, gọi anh cho nó trẻ.
- Thủy này! Lý do thứ nhất thì đúng rồi! Lý do thứ hai thì chưa đúng lắm! Đừng gọi thầy là anh. Hãy gọi anh là thầy.


Quả thật đời tu luôn có những tình huống khó xử và cần sự tỉnh táo. Có những việc cần uyển chuyển, nhẹ nhàng và khôn ngoan. Và cũng không thiếu những chuyện cần phải cứng rắn và cương quyết. Đời tu trì rất cần những trợ lực từ mọi người không chỉ bằng lời cầu nguyện nhưng còn bằng sự góp ý chân thành. Thầy T. đã học được rất nhiều điều qua những tiếp xúc với giới trẻ. Thầy có những cảm nghiệm và bài học cho riêng mình. Tháng đi giúp của thầy cũng dần dần trôi qua. Gần tới ngày thầy “hết hạn sử dụng” ở giáo xứ này. Liệu thầy có “ đi bình an” được hay không?

***


Thời gian thoát vụt như bóng câu qua cửa. Nó đem theo biết bao nhiêu biến cố của đời người. Trong dòng chảy thời gian, những kỷ niệm vui buồn trở thành những con thuyền không lái. Có khi nó đem người ta đến những bến bờ lạ lùng để trùng phùng với những cảm xúc khó phai. Lúc khác nó đem người ta đến bến bờ của muôn vàn khắc khoải ưu tư. Thầy T. ngồi một mình nhớ lại ngày thầy rời giáo xứ trở về nhà. Từng hình ảnh từ từ hiện lên rõ nét.


Từ người lớn cũng như trẻ nhỏ đến chia tay thầy. Những bữa tiệc tiễn chân từ mặn cho đến ngọt, từ có bia bọt cho đến nước ngọt lần lượt diễn ra. Thầy được mọi người quý mến là vậy. Những tình cảm của bà con giáo dân làm thầy cảm thấy ấm áp cõi lòng. Đêm trước ngày thầy về nhà. Có biết bao tin nhắn của người này người nọ. Họ nhắn tin vì không có thời gian để gặp thầy cũng có mà vì ngại ngùng hay thẹn thùng cũng có. Nhỏ Thủy nhắn với thầy thế này:

“Nếu biết ngày mai thầy về dòng.
Em đi lấy chồng thế là xong.
Sớm tối chồng con vui đầm ấm.
Chỉ xót cho thầy… tối phòng không.”

​ Thầy hồi âm thế này:

Nếu biết rồi đây em lấy chồng,
Thầy về chủng viện thế là xong.
Sớm tối cầu nguyện cùng Thiên Chúa.
Xin Ngài xót thương kẻ… “đeo gông”.​


Thầy lưu giữ tất cả vào tâm trí để làm thành tập kỷ yếu của tâm hồn. Thầy chào mọi người trong sự ngậm ngùi tiếc nuối. Khi mới đến, thời gian sao trôi lâu như lính gác trực đêm. Thế mà nay lại thấy nó chạy nhanh như tên bay xé gió. Có không ít con mắt chẳng bụi mà đỏ, không gió mà cay. Nhất là bọn con gái trái tim dễ rung động như tơ đàn, chúng làm như phải chia tay thầy mãi mãi nên làm ngập lụt dòng kênh mùa cạn bằng thứ nước mắt trời cho. Bọn thằng Tính thì chẳng muốn đá banh. Bọn chúng buồn như các cầu thủ phải chia tay huấn luyện viên đã gắn bó bao năm. Chúng tặng thầy những món quà thật ý nghĩa. Mở từng hộp quà, thầy nâng niu trên tay mà cảm nhận được sức ấm của con tim gói trong đó. Có những món rất có giá trị về tiền bạc và cũng có những món thật đơn sơ nghĩa tình. Trong gói quà có những lời tâm sự, lời cảm ơn và lời hứa hẹn. Một bức thư làm thầy phải suy nghĩ và cầu nguyện:​

“Thầy kính mến! Khi phải chia tay thầy, con thực sự rất buồn. Tuy thời gian chỉ có một tháng, nhưng thầy đã để lại trong con những tình cảm hết sức đặc biệt. Cách thầy nói chuyện và đối xử với đám con trai cũng như với bọn con gái chúng con đã làm con thực sự ngưỡng mộ. Không biết sao con thấy thầy đẹp hơn mấy người con trai khác. Có khi con tự hỏi là người đi tu như thầy có bị cám dỗ không. Con nghe ba con nói ma quỷ nó cám dỗ người đi tu ghê lắm! Vì thế nên con thích nói chuyện với thầy nhưng chỉ đứng từ xa thôi. Con sợ mình thành cớ làm cho thầy bị cám dỗ. Thầy ạ! Sau nhiều ngày suy nghĩ, con muốn đi tu. Nhưng con nghe nói, người đi tu không được yêu ai hết, chỉ yêu mình Chúa thôi. Điều đó có đúng không thầy. Người đi tu được phép yêu người khác phái không? Nếu muốn đi tu, con phải làm gì và chuẩn bị như thế nào? Thầy có thể nói cho con biết những khó khăn người đi tu hay gặp phải không ạ? Xin thầy cầu nguyện cho con với nhé! Con cảm ơn thầy”.​

Thầy T. ghi nhớ tất cả những kỉ niệm và những dòng tâm thư vào lòng. Thầy đem nó vào trong lời kinh của thầy. Sau một vài ngày sống bên gia đình, thầy hồi âm cho những thắc mắc và những tâm tình của cô bé kia. Sau một thời gian suy nghĩ, thầy T. viết thư trả lời thư cho nhỏ Lan thế này:​

“Lan mến! Thầy cảm ơn và rất trân trọng những tình cảm và lý tưởng của em. Thầy cảm ơn Lan đã ý thức để thầy khỏi bị cám dỗ. Đó là điều rất tốt. Thầy rất vui khi nghe em nói em muốn đi tu. Đời tu có nhiều niềm vui nhưng cũng không thiếu những phút giây nặng lòng. Lan thân mến! Có phải em là người muốn bước theo Thầy Giêsu. Em muốn đi tu phải không? Thầy có một vài điều chia sẻ với em. Đây là những cảm nghiệm thiêng liêng và kinh nghiệm cuộc sống. Hy vọng giúp em được phần nào trên con đường em vừa chập chững bước lên.​

Em ơi! Đời tu là một đời có nhiều cám dỗ và thách đố. Cám dỗ của những đòi hỏi mang tính loài người và thách đố của những khả năng thắng vượt. Thân xác con người luôn có những đòi hỏi của nó. Trái tim của chúng ta bằng thịt chứ không bằng đá. Chúng ta muốn yêu và được yêu những người chúng ta thấy dễ thương, dễ gần và dễ mến. Mỗi người chúng ta đều cảm nhận được sự thôi thúc và khao khát trở thành chỗ dựa cho một người nào đó. Đồng thời ta cũng muốn tìm đến một bờ vai để tựa đầu những khi âu sầu phiền muộn. Đó là những đòi hỏi hoàn toàn “chính đáng” và “phải đạo”. Đi tu không phải là hành trình giết chết con tim. Nhưng là làm cho nó đập nhịp đập yêu thương cách hoàn hảo.​

Yêu thương là điều không thể thiếu. Điều quan trọng là ta chọn đối tượng nào và cách ta yêu đối tượng ấy. Nếu em yêu một người, em muốn chiếm họ làm của riêng mình. Vậy thì em hãy chọn đời sống hôn nhân. Nếu em chọn Giêsu, hãy đi tu. Đi tu em không chỉ yêu riêng một người, em còn có thể yêu nhiều người khác. Miễn là cách em yêu và thể hiện tình yêu của em hoàn toàn trong sáng và rõ ràng. Nếu em yêu người nào đó, em đừng dùng thân xác để bày tỏ tình yêu. Tình yêu như thế không chiếm đoạt và không xé toạc nhân cách. Yêu như vậy là thăng hoa tình yêu lên một mức hoàn hảo. Để có tình yêu như vậy, em cần có sự thanh thoát và nhìn thấy vẻ đẹp rạng ngời nơi tâm hồn của người em yêu. Vượt trên tất cả tình yêu hữu hạn và lãng mạn loài người, ta yêu Thiên Chúa. Chỉ khi nào em yêu Thiên Chúa thực sự và không lưỡng lự, em mới có thể yêu người cách chân tình và hết sức bình sinh. Khi đã thăng hoa những đòi hỏi của con tim khao khát và sợ mất mát, em có cơ hội chiến thắng cám dỗ để vượt qua những thách đố.​

Rất nhiều khi chúng ta lầm lẫn giữa thách đố và cám dỗ. Thách đố có khi mang dáng vẻ của cám dỗ. Nó có những đặc điểm riêng để nhận diện. Nếu cám dỗ thường khoác áo êm dịu và ngọt ngào thì thách đố lại mặc cho mình sự cay đắng và đau khổ. Cám dỗ thường quy hướng về hưởng thụ cho bản thân còn thách đố hướng về tha nhân. Tất cả các cám dỗ đều làm cho ta vong thân. Còn thách đố thì làm cho ta nhận ra bộ mặt thật của tâm hồn mình. Thách đố lớn nhất của người đi tu em biết là gì không? Đó là từ bỏ. Từ bỏ phải là bước đầu tiên trong hành trình theo Chúa. Từ bỏ là gì? Thưa là quay lưng lại với những gì là phụ tùy để tập trung vào Thiên Chúa. Từ bỏ là để mọi thứ khác sang một bên để đi đến và ở trong Thiên Chúa. Ta phải từ bỏ gì? Chính mình. Bỏ mình bao gồm: đam mê, nhu cầu, các đòi hỏi xác thịt, ngay cả cha mẹ và anh em thân thuộc. Cuối cùng của từ bỏ và là sự trọn hảo nhất: bỏ mạng.

Lan ơi! Trên đây là vài dòng suy nghĩ của Thầy. Chúc em tìm được cho mình con đường mang lại hạnh phúc. Hãy luôn cầu nguyện với Chúa và xin Ngài chỉ cho em biết đường lối mà Ngài muốn em đi nhé! Hãy để Chúa Thánh Thần soi sáng và chỉ đường cho em. Chúng ta cùng cầu nguyện nhiều cho nhau.”