Tiếng chuông -- truyện ngắn của Lê Đức Quang

Quang X Nguyen

TIẾNG CHUÔNG


Tác phẩm Truyện ngắn đoạt giải Nhì – Cuộc thi Sáng tác Văn Hóa – Nghệ Thuật Đất Mới 2017 của Tác giả Lê Đức Quang



Trong căn phòng chật chội 4m vuông. Chị nằm trên giường gần cửa sổ, mặc áo màu xanh lá nhợt nhạt, cũ kỉ và nhàu nát. Chẳng hiểu vì sao, bác sĩ chọn cho bệnh nhân mặc áo màu này. Trên người chị ngổn ngang dây nhợ, tay thì chuyền nước, mặt thì chụp cái mask thở oxy. Chị lúc nhắm mắt, lúc mở mắt nhìn trên tường nhà. Chị lúc tỉnh lúc mơ, song bạn bè dòng họ ai đến thăm chị đều biết, bằng cách chảy nước mắt ra hai bên khóe. Anh ngồi kế bên, đắng lòng nhìn chị nuớc mắt cũng đã cạn.


Cách đây mấy năm, ban đầu ở ngực chị có khối u nhỏ. Chị sờ thử thấy nhột nhột xốn xốn, không gây đau nhức gì cả. Chị lo lắng không đi hỏi bác sĩ mà đi hỏi bạn bè. Bạn bè nắn thử và nói: “ Lo nhảm! Ung thư vú là bệnh của mấy bà đẻ nhiều, đàn bà trên bốn mươi tuổi mới sinh bệnh. Còn cái khối u đó, đàn bà ai mà không có!”. Chị thấy sức khỏe bình thường, hơn nữa công việc bận rộn nên chị quên nó đi.

Sau, chị thấy hay ngứa ở ngực, đau lưng và đau ở vai gáy. Đã vậy ở nách hay nổi hạch. Một lần, nhân tiện vào TP. Hồ Chí Minh đi ăn đám cưới, sẳn tiện chị đi khám bệnh, bác sĩ bảo đã bệnh ung thư vú giai đoạn cuối. Chị phải điều trị bằng phương pháp hóa trị. Lần một rồi đến lần hai, chị vẫn không bớt bệnh. Giờ đây bệnh viện đã cho chở chị về nhà, tuy bác sĩ không nói thẳng ra, nhưng anh cũng hiểu thời gian chị góp mặt ở cuộc đời này chỉ tính bằng ngày. Nhìn chị da vàng, mắt vàng, đầu không còn tóc bởi vô hóa chất, anh đau lòng bi quan nghĩ về con người, tiền tài danh vọng, mọi thứ ở cuộc đời này đều không thường xuyên, vô thường.

*******

Hôm ấy buổi sáng, trời trong xanh nắng đẹp. Chị bỗng dưng khỏe hẳn ra, nói chuyện được rõ ràng. Chị ban đầu bảo anh lấy cái mask thở oxy ra, giúp chị kê gối đỡ chị ngồi trên đầu giường. Từ đây chị ngồi nhìn xuyên ra ngoài cửa sổ, ngắm bầu trời xanh, ngắm hàng cây, khu xóm, những con đường quen thuộc. Chị như người khỏe mạnh, bảo: “Anh mở nhạc Giáng sinh cho em nghe đi”. 

Anh ngạc nhiên: “ Sao tự nhiên em lại muốn nghe nhạc đó?”. Chị nói:“ Em bỗng dưng nhớ về dĩ vãng, nhớ về kỉ niệm tuổi thơ, bạn bè, dòng họ và những người thân quen. Em nhớ tụi mình quen nhau vào mùa Noel…”. Anh đến mở nhạc, chị nghe, mắt nhắm nghiền. Lâu rồi chắc cũng đã nhiều năm, cuộc sống bận rộn cơm áo, anh chị hầu như không có thời gian thảnh thơi nghe trọn đĩa nhạc. Giờ đây anh kế bên, cũng chăm chú, thưởng thức nhạc cùng chị.


Anh nhớ lại thời con gái, có thể nói chị xinh đẹp nhất xóm Đạo. Thời ấy, anh và bọn thanh niên ở xóm, cứ cuối tuần đến quán cà phê gần nhà thờ uống để ngắm các người đẹp mặc áo dài thướt tha đi lễ. Trong số các người đẹp ấy, anh để ý đến chị và lân la làm quen một thời gian rất lâu. Lúc yêu nhau rồi, dù bận rộn thế nào, chị cũng hay bắt anh đi lễ cùng.

Anh vốn đạo Phật, chỉ yêu đạo mình và không tin đạo Thiên Chúa. Song vì yêu chị anh cũng đi nhà thờ. Có lần anh chị đi trễ giờ, phải ở ngoài đường xa nhà thờ. Chị vén áo dài, bước xuống xe, vòng tay trước ngực, cung kính nghe giảng đạo và cầu nguyện. Anh ngồi yên trên xe, hút thuốc chờ đợi. Chị gắt: “Anh phải ném thuốc, bước xuống xe ngay! Đã đi lễ anh phải nghiêm chỉnh, cung kính.”. 

Anh nói:“ Ở đây ngoài đường, xa nhà thờ, có ai thấy đâu?”. Chị nghiêm giọng bảo: “Chúa thấy đó!…”.  Anh miễn cưỡng làm theo và thầm nghĩ: “ Trời đất, cô gái này sao tôn sùng đạo quá!”.


Lúc hai người chuẩn bị cưới nhau, cũng là một vấn đề nan giải. Gia đình chị bắt anh, muốn cưới chị thì phải học giáo lý, đi nhà thờ, theo Đạo. Gia đình anh theo đạo Phật, mẹ ăn chay trường, anh lại con trai một, mọi chuyện cúng kính trong nhà anh lo. Giờ tính làm sao đây? 

Anh đến mấy cụ lớn tuổi quen biết trong làng, gia đình hạnh phúc, có kinh nghiệm trong hôn nhân nhờ tư vấn. Họ bàn: “ Vợ chồng ngoài yêu nhau, phải cùng quan điểm, tín ngưỡng mới được. Bên đạo Phật hay cúng kính, nào là hàng đêm thắp nhang cho ông bà, rồi ngày rằm mùng một cúng hoa trái, rồi giỗ quải, ma chay…Còn bên đạo thì không cúng. Những chuyện vụn vặt tín ngưỡng cuộc sống hàng ngày, dễ gây mâu thuẫn, vợ chồng khó mà vẹn toàn!...”. Có người trẻ khác lại nói: “ Miễn là yêu nhau, có tình yêu lớn, mỗi người hy sinh bản thân mình một ít, là được!...”. Mỗi người nói một kiểu, song nghiêng ngã về phía không nên cưới nhau phần hơn.

Anh thì lòng dạ nước đôi, chia tay thì không muốn, cưới nhau thì khó khăn, chẳng biết tính làm sao. Và rồi cuối cùng, anh chị bàn với nhau nói với gia đình, đạo ai nấy giử, nghĩa là chị đi nhà thờ là việc của chị, anh ngày rằm mùng một ăn chay là việc của anh. Anh đồng ý với chị theo cách này. Lâu nay anh cũng như mội số người nghĩ rằng, hễ cưới vợ đạo là phải học giáo lý, theo đạo. Thực ra, đây chỉ là nhà có đạo ép người ngoại đạo theo mình mà thôi, chứ thực chất trong đạo Thiên Chúa không ép. Gia đình cả hai bên đều không muốn, nhưng thương con, cũng miễn cưỡng đồng ý cho cưới nhau.

Trước ngày cưới mấy hôm, chị vẫn không yên tâm, lo lắng hỏi thêm anh thêm lần nữa: “ Anh hứa với em, về sau cưới nhau rồi, anh không đuợc cấm em đi lễ nhà thờ nhé?”. Anh mạnh miệng bảo: “ Đương nhiên! Chúng ta thống nhất với nhau rồi mà. Em đừng lo!...”.

Thời gian đầu vợ chồng son còn mới, thảnh thơi, anh cũng hay chở chị đi nhà thờ. Một lần, bà con dòng họ thấy thế kêu anh ra nói riêng: “ Cháu là cháu đích tôn, mọi thờ cúng trong dòng tộc cháu phải lo. Cháu cứ chở vợ đi nhà thờ, rồi dần dần thành quen, theo đạo, thờ cúng ông bà nhà mình cháu tính làm sao?”. Anh dạ dạ và từ đó trở đi ngại chở vợ đi nhà thờ. Hơn nữa, khi đứa con ra đời nhiều vất vả lo toan, anh hầu như không đi và bắt đầu có ý định không muốn chị đi nhà thờ nữa. 

Anh tìm cách cứ đến giờ đi lễ, sắp xếp việc này việc kia để chị bận rộn. Mấy lần, chị tranh thủ đi nhà thờ, anh nhăn nhó trách chị bỏ bê con cái, không có trách nhiệm với gia đình. Dần dần lâu ngày, chị ngại cãi nhau nên hầu như không đi nhà thờ nữa.


*******

Đĩa nhạc hết. Anh đến thay đĩa. Chị bảo mệt, thôi. Chị hỏi:
- Bây giờ em thấy trong người khỏe hẳn ra. Em nghe nói con người ta trước khi chết, họ hồi dương, khỏe mạnh và tỉnh táo, có phải không anh?

Điều này anh có biết, nhiều lần anh gặp trường hợp dòng họ của anh cũng như thế. Cũng như ông nội anh, bệnh nặng, không ăn uống nói năng gì được, song bỗng dưng khỏe mạnh hẳn ra, ăn cả tô cơm, kêu con cháu lại hỏi thăm rôm rã, người nhà vui mừng tưởng bớt bệnh. Song ngay đêm đó lại ra đi…Hay chuyện lạ bà ngoại anh, lúc mất, bỗng dưng báo mộng cho con cháu ở xa biết. Con cháu điện thoại về gia đình hỏi thăm, mới biết bà chết trước đó một ngày. Chuyện là thế, song anh không thể nói thật với chị:
- Anh không biết! Còn em giờ đây, anh rất mừng bác sĩ trị đúng cách, đúng thuốc. Ít bữa thôi em sẽ khỏe mạnh, đi chơi, đi uống cà phê cùng bạn bè…
- Nhưug tóc em rụng hết rồi, sao đi chơi được?
- Mai mốt tóc em sẽ mọc ra. Cơ thể em thấm thuốc, tóc sẽ ra rất nhanh, dài và mượt hơn thưở ban đầu.
- Thật thế hả anh?
-.Thật. Đương nhiên… 

Chị vui mừng:
- Em mong sao mau chóng bớt bệnh. Việc đầu tiên là em đi chợ, nấu cơm cho anh và con ăn. Đã mấy tháng nay, em không nấu cơm cho chồng con ăn rồi, anh một mình lo toan vất vả, tội nghiệp quá!...

Bình thường, vợ chồng ăn ở với nhau bao năm, nói với nhau không biết bao nhiêu chuyện trên đời. Song anh không quan tâm để trong lòng mình nhiều. Giờ đây, giây phút này hễ chị nói câu nào, trong lòng anh đau nhói và thấy thương chị vô cùng. Anh nghĩ, giá mà quay ngược lại thời gian, anh sẽ quan tâm và lo lắng cho chị nhiều hơn. Mặc dù từ ngày lấy nhau đến giờ, ngoài chuyện tín ngưỡng Đạo, Phật ra anh chưa làm gì cho chị buồn lòng cả. Im lặng giây lát sau, chị hỏi:
- Anh phải trả lời em thật lòng, nếu em mất, anh có bước thêm bước nữa không?

Thực tình, anh chưa hề nghĩ điều này. Từ khi chị bệnh đến giờ, anh cố gắng lo chạy chữa mong sao chị bớt bệnh, gia đình trở lại yên ấm như ban đầu. Ngay cả việc bệnh viện đã hết cách chữa trị cho chị về nhà, nhưng anh cũng hy vọng, một niềm hy vọng mong manh giống như ngọn đèn dầu trước cơn bão lớn. Giờ đây chị hỏi, làm anh phải suy nghĩ. Anh năm nay bốn mươi tuổi, còn chị ba tám, có đứa con trai mười tuổi. Nếu chị mất, anh ở một mình đến cuối đời nuôi con sao? Có thể anh bước thêm bước nữa và cũng có thể không, không chắc chắn. Anh sợ chị buồn lòng nên nói:
- Có thể anh ở vậy, nuôi con.
- Không. Anh nên bước thêm bước nữa, vì một mình anh lo cho con không chu toàn đâu. Anh thấy dì Út thế nào?
- Đẹp, ngoan và hiền.
- Anh có đồng ý lấy dì Út không?
- Anh chưa hề nghĩ, nhưng anh đã lớn tuổi, dì Út không chịu anh đâu!

- Nhưng mà anh có đồng ý không?
- Nếu dì Út chịu, anh sẽ đồng ý.
- Cách đây mấy tháng trước, em có nói với dì Út rồi. Nếu em mất, dì đến thay em lo cơm nước…

Anh ngạc nhiên:
- Sao em lại làm thế? 
Chị bảo:
- Em muốn anh và con được trọn vẹn!

Nghe chị nói, anh nghẹn lòng, lại muốn rơi nước mắt. Lúc đó đã một giờ chiều, ngoài trời vẫn còn nắng gắt. Trong phòng, có hai cây quạt chạy vù vù song vẫn thấy hanh hao, khó chịu.

Sau khi nói chuyện, chị bắt đầu xuống sức. Mấy ngày đêm liền, anh ngồi kế bên không ngủ, giờ đây trong người sức khỏe cũng thấy rã rời. Chị im lặng để lấy sức, lấy hơi, rồi thiết tha khẩn cầu một việc cuối đời:
- Em có việc này nhờ anh…
- Việc gì anh cũng làm, em nói đi?
- Em biết, anh không muốn em đi nhà thờ! Nhưng chiều hôm nay, em thích vợ chồng con cái mình cùng đi lễ được không anh?
- Được chứ! Anh sẽ gọi dì Út chiều nay chở con về sớm, mình cùng nhau đi. Em đợi nhé…

Anh điện thoại. Chị nhắm mắt, chờ đợi. Khoảng hơn nửa tiếng sau, chị không chờ được nữa bắt đầu hối thúc:
- Con về chưa anh? Em chờ đợi quá lâu rồi, sắp đến giờ đi lễ rồi, sao chưa thấy con về?
Anh điện thoại cho dì Út thêm một lần nữa và bảo, dù thế nào cũng xin phép trường học chở con về sớm. Dì Út hối hả đến trường chở con trai về. Lúc con trai đứng gần bên, chị mừng rỡ vuốt đầu con từ trên xuống, nắn nắn, bóp bóp tay con rồi nói như không kịp: “ Thôi, gia đình mình nhanh nhanh thay đồ đi lễ, đi anh!”. 

Lúc này mới hai giờ chiều, ngoài trời vẫn còn nắng, nhà thờ thì chưa mở cửa. Anh phân vân, chẳng biết làm sao. Tuy không nói ra, nhưng anh và dì Út đứng kế bên đều hiểu rằng, nếu đúng giờ đi chăng nữa chị không còn sức đến nhà thờ. Anh đến ngồi gần chị, cầm tay và bảo: “ Em ráng đợi thêm, một chút nữa thôi, sắp đến giờ đi lễ rồi!”. 

Lúc này, sức lực chị đã tàn kiệt, làn da vàng rộm đã bắt đầu chuyển sang tím tái, tinh thần bấn loạn rồi. Chị nhìn anh chằm chằm như trách móc, ai oán:
- Rõ ràng, em mới nghe tiếng chuông nhà thờ đổ mà. Em rất thích đi lễ, cầu nguyện. Tiếng chuông này em nghe mấy chục năm, làm sao sai được. Tiếng chuông trong trẻo, thánh thót, mới ngân vang bên tai em mà!... Anh ác lắm, nói dối em, không muốn cho em đi lễ!….

Nói rồi, chị nhìn anh uất nghẹn cho đến khi nhắm mắt.

*******


Nhiều năm sau, mặc dù dì Út có chồng rồi, song thỉnh thoảng hay đến thăm cháu và nấu cho anh bữa cơm. Có lần dì thành thật xin lỗi và bảo, sở dĩ dì nói dối đồng ý lấy anh là để cho chị yên lòng, thanh thản khi ra đi. Anh bảo anh cũng đồng ý cho chị vui thôi, chứ không hề suy nghĩ gì. Có điều, đến giờ này, mỗi khi nghe tiếng chuông nhà thờ đổ là anh nhớ ánh mắt nhìn chị anh chằm chằm uất nghẹn, ai oán. Ánh mắt ấy cứ ám ảnh mãi trong lòng anh. Đêm về, anh thường trăn trở tự trách mình, đến lúc mất, chị dàn xếp lo cho anh chu toàn, nhưng nguyện vọng cuối cùng của đời chị anh lại không thực hiện được! Anh thấy lạ bình thường chuông nhà thờ đổ lúc bốn rưởi, hôm ấy mới hai giờ, làm sao chị nghe được tiếng chuông ngân vang? Để rồi kẻ ở, người đi không được trọn vẹn! Anh nghĩ, có phải bấy lâu chị khát khao được đi nhà thờ, nên lúc mất mới như thế chăng? Giá mà quay ngược lại thời gian, anh hy sinh mình yêu chị thêm một chút, để cho chị đi nhà thờ, có thể giờ đây anh không trăn trở như thế này/..

Lê Đức Quang


Nguồn: http://vanhoadatmoi.net/tac-pham/tieng-chuong.html