Khi cha là ca trưởng con sẽ là đàn sĩ

Văn thơ Công giáo
(Hình minh họa: Ca đoàn giáo họ Hào Thầu)
(Mã số 18-081)
Tôi đã từng đi rất nhiều nơi, từng thăm những ngôi làng xa xôi, cách nhà tôi hơn chục cây số. Nhiều lúc cha mẹ tôi cấm cản tôi vì sợ tôi ốm yếu không ai săn sóc, nhưng tôi vẫn một mực đi theo con tim mình chỉ lối.
Có một nơi tôi luôn muốn đến, muốn đồng hành và làm việc ở đó luôn vì nơi ấy bình yên lắm; tâm hồn tôi cũng thấy thanh thản hơn. Tôi thích cái “khoảng lặng” ở một góc riêng tư trên ngọn đồi cao thẳm, thích tiếng chim hót và sự hòa đồng của mọi người. Điều đặc biệt là ở đó có một vị linh mục trẻ. Ngài thích ca hát, đam mê âm nhạc. Không những đàn giỏi hát hay ngài còn rất vui tính.
Hồi trước, ngài ở xứ tôi, nhưng giờ ngài đã được chuyển nhiệm nơi khác. Chắc có lẽ ở đó còn khó khăn hơn nhiều; công việc của ngài sẽ vất vả hơn vì phải làm quen với môi trường mới. Lên chỗ ngài đang phục vụ, tôi mới nhận ra rằng xứ tôi còn may mắn hơn mấy xứ ở vùng sâu, vùng xa… Nơi ngài đang phục vụ, đến một cái nhà nguyện cũng chẳng có, vì ở đây bị cấm cản dữ lắm. Nghe ngài kể rằng ở đây dân làng có xây một nhà nguyện nhưng đám người ấy lại kéo đến đập phá. Chúa Nhật nào dâng thánh lễ họ cũng đuổi về hết. Các em đang học giáo lý thì phải đình chỉ lại. Ngày nào cũng vậy, nhưng ngài vẫn không nản và cùng giáo dân của mình vượt qua những khó khăn này…
Năm này qua năm khác, sau một hồi họ cũng im chẳng thấy đến nữa, nhưng chỉ tiếc là cha chỉ có thể làm thánh lễ ở nhà giáo dân thôi. Lần đầu tiên tôi được ngài dẫn vào làng. Bỗng ngài nói:
- Đây là nơi cha đang phục vụ đấy!
Khi đó, tôi mới thẩn người lại. Dường như tôi không tin vào mắt mình đang nhìn thấy. Tôi đáp lại cha:
- Đây… là… nhà thờ sao cha?
- Không con ạ! Đây chỉ là nơi để Chúa ngự thôi con.
Tôi vẫn đang hoang mang, không nói nên lời, nhưng vẫn thưa:
- Dạ… vâng!
Trong khi tôi vẫn còn đang bỡ ngỡ với hoàn cảnh nơi đây, một điều bất ngờ lại diễn ra trước mắt… Người tập hát không ai khác, đó là chính cha. Ngồi đó vừa nhìn cha vừa đàn, vừa tập hát cho các anh chị, tôi càng hăng say với công việc hiện tại của mình. Vì tôi hiểu được phần nào công việc của một người ca trưởng.
Tập hát xong, trên đường về, tôi hỏi cha:
- Cha ơi, cho con hỏi chuyện này được không?
- Con cứ hỏi đi!
- Vậy mọi công việc cha phải lo hết sao? Như tập hát này… Ở đây không có ai tập hát cho họ ạ?
- Ừ! Đúng rồi con… Ở đây còn khó khăn nhiều vì họ chỉ mới vô đạo thôi con…
- Vậy ngày nào cha cũng phải vô làng hết ạ?
- Phải chịu khó vậy thôi con ạ! Vì cha phải dạy lớp dự tòng nữa mà.
- Chắc có lẽ cha mệt lắm, đúng không cha? Vừa dạy học, vừa phải tập hát và còn hay về muộn nữa chứ!
- Có nhiều lúc cha cũng thấy mệt lắm con, chỉ muốn bỏ ca đoàn dâng thánh lễ không tiếng hát cũng được.
- Không cha ơi, cha đừng nghĩ vậy mà. Hãy cùng ca đoàn mà cha thành lập vượt qua khó khăn. Con tin một ngày nào đó nơi cha đang phục vụ sẽ vững mạnh lắm đấy!
- Ngày đó còn lâu lắm con ơi, nhưng mọi chuyện vẫn phải phó thác trong Chúa thôi con à!
- Vâng… ạ! Cha cũng có thể mở lớp dạy đàn mà, vì cha biết về nhạc. Có thể mai này các em thiếu nhi ở đây sẽ giúp cha được nhiều việc lắm đấy.
- Nhưng cha không có nhiều thời gian con ạ!
- À cha ơi, hay thời gian con ở đây, cha mở lớp học đàn đi… Con sẽ tập múa bộ lễ cho các em, dạy chiêng và cả đàn nữa. Được không cha?
- Nếu vậy thì tốt quá, chỉ sợ ở xứ con, mọi người cũng đang cần sự góp sức của con thì sao?
- Con có thể sắp xếp công việc ở đó mà. Với lại lâu lắm rồi con không làm được gì cho cha. Đây cứ coi như là chuyện thực tập của con đi. Hồi đó, cha cũng dạy con tập đàn mà. Giờ con truyền lại nghề cho các em.
- Vậy trong thời gian này con ở lại giúp các em học nhé! Nhưng ở đây không được buồn đâu đó!
- Vâng ạ! Cha không biết đâu, con thì lại thích cái “khoảng lặng” ở nơi đây… Không gian cũng đủ để cho con ngâm thơ đấy! Giúp cha được cái gì là con vui rồi.
- Ừ! Cảm ơn con vì đã không ngại đường sá xa xôi đến với dân làng. Chắc có tiếng đàn của con, họ sẽ tham dự thánh lễ sốt sắng hơn đấy!

- Không có gì đâu cha, vì con vẫn thích sống và phục vụ mọi người mà.
Sau cuộc trò chuyện ấy, tôi càng thích thú với nơi đây hơn. Sáng hôm sau, cha nhờ một chú trong làng theo cha đi mua đàn, mua chiêng về, để chuẩn bị lớp học cho các em.
Sang tuần sau, các em đã có mặt đông đủ. Một buổi chào hỏi và làm quen thật đáng nhớ…
Ngày vẫn cứ thế trôi đi. Không biết đã được học từ khi nào mà các em lại tiếp thu nhanh vậy. Dường như tiếng đàn tiếng chiêng vang dội cả núi rừng. Thấy nụ cười niềm nở trên gương mặt và đam mê của các em, tôi càng có thêm động lực. Những mệt mỏi đều tan biến hết.
Sau hai tháng hè và lớp học cũng đã kết thúc, cha đã làm một bữa tiệc nho nhỏ để các em nói lời tri ân. Khi đó, nhìn các em mà tôi cứ nghẹn ngào, không nói nên lời, chỉ dành cho các em mỗi đứa một cái ôm. Tôi bước gần tới cha và nói:
- Con đã hoàn thành công việc làm “đàn sĩ” cho cha rồi đấy!
Cha nhìn tôi và nở một nụ cười rất thánh thiện:
- Cảm ơn con, suốt hai tháng qua đã đồng hành cùng các em… Chúc con luôn vui và đầy nhiệt huyết như vậy. Khi nào có thời gian thì ghé thăm cha và các em nhé!
- Vâng, cảm ơn cha, con sẽ cố gắng ạ!
Cuộc gặp gỡ nào cũng phải đến lúc nói lời chia tay. Ngày hôm đó đối với tôi thật là một kỷ niệm đẹp mà tôi không bao giờ quên. Dù đã nói lời tạm biệt với các em, nhưng tôi vẫn muốn đến với nơi đấy. Nếu có cơ hội, tôi sẽ làm nhiều việc hơn. Được một lần trong đời là “đàn sĩ”, thật ý nghĩa khi là một cô giáo hiền lành của các em. Như vậy, cha sẽ đỡ mệt hơn khi có ai đó cùng cộng tác với cha. Hy vọng mọi công việc của cha sẽ luôn tốt đẹp, và cùng giáo dân vượt qua mọi khó khăn trong tình yêu của Thiên Chúa.