Những tiếng chuông trầm -- truyện ngắn Lê Quang Trạng

Quang X Nguyen

NHỮNG TIẾNG CHUÔNG TRẦM


Tác phẩm Truyện ngắn đoạt giải Nhất – Cuộc thi Sáng tác Văn Hóa – Nghệ Thuật Đất Mới 2017 của Tác giả Lê Quang Trạng


Bên hông thánh đường là ngôi nhà sàn, đơn sơ và thoáng mát, nơi dành cho Cha sở ở. Phía sau nhà sàn là khoảng vườn rộng, ở giữa vườn có một cây cồng cao to, vươn tán lên trời rộng, che mát một khoảng vườn. Pho tượng Đức Mẹ được đặt trang nghiêm ở gốc cây cồng già. Xung quanh được trồng mấy khóm hoa đủ loại. Bốn mùa đều có hoa nở như một vườn bách thảo. Hàng ngày sau thánh lễ, người ta hay đến đây nguyện với Đức Mẹ; nhìn hoa nở rộ, ai cũng thấy một sự thanh khiết, an lành.

Khoảng ấy cũng là lúc nhà thờ đón Sơ Nhân về giúp xứ. Sơ còn trẻ, ít nói, lúc nào cũng trầm ngâm. Sơ ở trong một ngôi nhà nhỏ, cùng gian bếp phía sau nhà thờ. Hàng ngày những đứa trẻ hay đến nhà Sơ chơi. Sơ hay kể cho chúng nghe những câu chuyện trong sách Thánh, dạy chúng hát… Đám trẻ đến với Sơ ngày một đông, trong đó có cả những đứa trẻ ngoài xóm đạo. Sơ vui vẻ đón tất cả các em như một người mẹ hiền.


Xứ đạo nằm trên ngọn đồi. Những đứa trẻ nghèo không được đi học mẫu giáo, có đứa lên tám tuổi mới bắt đầu xuống đồi lội bộ mấy cây số để đến trường. Thương đám trẻ, Sơ Nhân dạy đám trẻ học chữ. Khi bắt đầu ghép những con chữ đầu đời đọc Kinh Thánh; đám trẻ mừng khôn xiết. Đức độ và tình yêu thương của Sơ làm cho các con chiên ở xứ vô cùng cảm kích và quý mến.

Nhưng rồi đến một ngày…

Người ta phát hiện rằng: “Sơ Nhân có điều gì đó kỳ kỳ, sắc mặt không được tươi tỉnh như mọi khi, rất đáng nghi”. Người nói câu đó là một chị bán rau nhà ở trên ngọn đồi. Hàng ngày mỗi buổi sáng sớm hay gánh rau từ trên nhà xuống chợ. Chị nói rằng, vài đêm gần đây khoảng một hai giờ đêm, chính mắt chị thấy Sơ Nhân thập thò ở phía sau nhà Cha sở. Ban đầu người ta không tin, Sơ Nhân không thể là người như vậy được. Nhưng niềm tin ấy không còn chỗ bám lấy khi nhiều người khác cũng thấy đêm đêm Sơ từ nhà bếp thập thò đi lên phía sau nhà Cha Tâm rồi biến mất sau gốc cây cồng già. Những dấu hỏi như những cái móc, móc đầy trong mắt những con chiên: “Sơ Nhân làm gì mà thập thò hàng đêm sau nhà Cha sở?”

Người ta lại xầm xì, dạo này thấy Cha Tâm hay lui đến chỗ Sơ Nhân dạy mấy đứa nhỏ học (tức là nơi Sơ ở). Và hàng đêm bóng dáng Sơ lại xuất hiện phía sau nhà Cha. Người ta mỗi lúc đi lễ, nhìn mắt Sơ thâm quần, gầy đi thấy rõ với vẻ mệt mỏi, như đêm qua sơ thức. Ý nghĩ ấy làm cho người ta nhìn Sơ và Cha bằng cái nhìn bén ngót và sắc lạnh. Tuy nhiên hàng đêm, bóng dáng Sơ vẫn cứ thập thò sau nhà Cha sở, trên tay còn mang theo bộ quần áo và một gói gì đó lên nhà của Cha.

Những người đi lễ sớm, đến tượng Đức Mẹ đọc kinh, phàn nàn. Cứ mỗi đêm mưa là thấy dấu vết đôi dép của Sơ Nhân in đầy trên con đường từ nhà Sơ lên đến nhà Cha Tâm. Câu chuyện được lan truyền âm ỉ trong một thời gian dài. Những đứa trẻ bị người nhà cấm không cho đến chơi với Sơ nữa. Có đứa trẻ nói nhỏ với bạn mình rằng: “Tao để ý thấy lần nào có người đem đồ ăn ngon cho Cha, Sơ Nhân đều lấy lại chút ít để trong tủ, chắc Sơ để dành tối tối ăn riêng”… Những đứa trẻ bắt đầu không đến chỗ Sơ chơi nữa. Ngôi nhà nép sau thánh đường, vắng lặng, chỉ có bóng dáng mình ên Sơ.

Một ngày, Cha sở nghe được những lời đồn. Cha mời Sơ lên hỏi nhỏ, ấp a ấp úng hồi lâu Sơ mới kể đầu đuôi: “Đó là một người đàn ông già nua, đau ốm và đói rét. Chắc ông bị bệnh về thần kinh. Ông đến nhà thờ lúc một - hai giờ đêm, co ro run rẩy vì đói, lạnh; nằm trên băng ghế đá dưới chân Đức Mẹ, ngủ đến ba giờ sáng là biến mất. Rồi đúng một giờ đêm hôm sau lại trở về đúng y chỗ cũ”.

Cha sở hiểu ra câu chuyện, nên nói với Sơ Nhân, tối nay Sơ đến gõ cửa Cha, Cha gọi ông ấy vào trong nhà mà ngủ. Sơ vui mừng ra mặt. Đêm đó Sơ đến chỗ khu vườn sau nhà Cha, nhưng không sao tìm ra người đàn ông hay đến co ro ngủ dưới chân Đức Mẹ. Lúc ấy lòng Sơ chợt cảm thấy bất an; hôm qua ông ấy sốt, lúc ăn cứ nghèn nghẹn. Sơ gõ cửa nhà Cha, Cha bước ra nhưng chỉ thấy mình Sơ, không thấy người đàn ông nào cả. Chưa kịp hỏi câu nào thì đột nhiên ánh sáng đèn pin rọi thẳng vào Cha và Sơ. Có tiếng mấy người nói cười xôn xao:

- Dạ, tụi con chào Cha, chào Sơ. Đêm hôm khuya khoắt, Cha và Sơ ở đây làm gì?

Cha và Sơ tuy cố gắng nhưng khó mà bình tỉnh được. Cha nhẹ nhàng lên tiếng:

- À, chuyện là vầy…

Lời giải thích của Cha bị cắt ngang bởi một câu nói sắc lạnh và đầy gai góc:
- Dạ, tụi con hiểu rồi Cha, tụi con vô tình thấy chứ không có ý rình cha. Khuya rồi tụi con về. Chào Cha và Sơ.

Đêm ấy Sơ Nhân về nhà, lòng chợt nghe vọng lời của Đức Bênêđictô XVI: “Theo Chúa Kitô luôn đòi hỏi phải can đảm lội ngược dòng”. Sơ kính cẩn nhìn lên ảnh Chúa thầm nguyện: “Xin Chúa giúp con vượt qua những nghịch cảnh này”. Nhưng nghịch cảnh của Sơ đâu dừng lại đó...

Sau cái đêm khó xử ấy, Cha Tâm nói: “Hay là sau lễ chiều, Sơ hãy mang cơm nước và quần áo lên đây để cho Cha. Nếu ông ấy trở lại, Cha sẽ đem ra cho ông ấy”. Sơ vui mừng, thấy lòng mình nhẹ nhõm. Nhưng suốt ba đêm người đàn ông ấy không đến. Thức ăn chừa cho ông đến sáng vẫn còn nguyên. Rồi một đêm mưa to, người đàn ông xuất hiện trước nhà Sơ; toàn thân ướt mưa, hai tay khoanh lại, hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập. Sơ vừa mừng vừa lo:

- Ông ơi, ông… Ông hãy vào đây kẻo lạnh. Để cháu lấy cơm cho ông ăn. Để cháu lấy đồ dày cho ông thay.

Người đàn ông gật gù ngồi bó gối co ro trước ngạch cửa. Sơ nhanh tay đưa cho ông một bộ đồ cũ và cái khăn dày. Ông vừa cầm bộ quần áo, vừa bước về phía toilet thì một ánh đèn pin đúng lúc ấy rọi vào ông. Và người ta lại vỡ lẽ thêm một lần nữa… Một câu hỏi đánh thẳng vào Sơ: “Vì sao Sơ đưa quần áo cho ông ấy thay vào đêm mưa vắng như vầy…??? Thì ra…” Rồi người ta bỏ đi, quăng lại một cái cười độc địa.

Hôm sau, câu chuyện được thêu dệt lan đi khắp xứ và lan rộng ra những vùng lân cận. Bề trên hay chuyện, mời Sơ Nhân lên hỏi chuyện, rồi cho Sơ tĩnh tâm mấy hôm. Sơ vẫn không sao giải thích chứng minh rằng mình trong sáng. Sơ thưa với Bề trên rằng, con không làm gì sai quấy với đức tin và lời răn. Cha sở được Bề trên mời lên, Cha kể hết đầu đuôi cho Bề trên nghe. Bề trên ngồi trầm ngâm hồi lâu, sau đó quyết định sẽ đến thị sát tình hình tại nhà thờ.

Hai tuần trôi qua kể từ ngày Bề trên đến xứ. Bề trên không thấy một bóng dáng người đàn ông khắc khổ, đáng thương, cần được giúp đỡ nào tìm đến nhà thờ này cả. Hàng ngày, những lời dèm pha, những câu chuyện “… con mất niềm tin từ đó…” gây cho Bề trên áp lực và sự suy giảm niềm tin vào Cha Tâm và Sơ Nhân. Bề trên lặng lẽ ra về.

Một quyết định được gửi đến xứ đạo không lâu sau đó. Cha Tâm và Sơ Nhân được Bề trên gọi đi xứ khác. Với lời khuyên Phúc Âm: “Sống khó nghèo, khiết tịnh và vân phục”, Sơ Nhân lặng lẽ ra đi trong một buổi sáng ngày mưa tỉ tê, ngoài sân vườn, dưới chân Đức Mẹ, những chiếc lá tả tơi rơi về cội lặng thầm…

Cha Sở một ngôi nhà thờ bên dốc đồi kể tôi nghe câu chuyện trên. Cha trầm ngâm:

Sau đó, Cha về tiếp nhận nhiệm vụ ở xứ đạo này. Cha không biết thực hư ra sao về những lời đồn. Nhưng đến một ngày, có người đàn ông rách nát, ốm yếu đến nhà thờ xin cha một bữa cơm. Cha hỏi, ông có phải là người đàn ông từng ngủ dưới chân Đức Mẹ, sau đó lặng lẽ bỏ đi hay không? Ông ấy thưa rằng: “Dạ đúng.” “Vậy ông có biết câu chuyện về Cha Tâm và Sơ Nhân hay không?” Tất nhiên là ông ấy không biết, và Cha đã kể cho ông ấy nghe. Con biết không, ông ấy đã khóc, phân trần với Cha. Cha tin ông ấy, Cha Tâm và Sơ Nhân đều là những người tử tế. Tình thương có lúc quanh co, ngặt nghèo để thử thách lòng người, con à.

Rồi ông ấy trở lại với Cha khi ông ấy lâm bệnh nặng, nằm thở dốc ngoài ngạch cửa. Cha đã đưa ông ấy đi bệnh viện, điều trị suốt hai tháng ròng thì ông ấy khỏe mạnh trở lại, trí óc có phần tỉnh táo hơn. Ông xin Cha cho ông ở lại nhà thờ, vì ông không nhớ nhà ông ở đâu cả. Cha đã đồng ý để ông ấy ở lại với Cha trong thời gian Cha đăng tin trên báo tìm thân nhân cho ông ấy.

Hàng ngày, ông trầm ngâm ngồi ở băng ghế dưới chân Đức Mẹ. Ông cũng xin Cha cho ông được nhận nhiệm vụ giật chuông. Ông làm việc rất đúng giờ và thành kính. Bất kể nắng mưa, bất kể đêm khuya đang yên giấc. Có người gọi báo tử là ông lật đật ra giật chuông. Lạ lắm con à. Tiếng chuông ông ấy giật thật buồn làm sao. Tiếng chuông thiêng liêng mà buồn bã như chính nỗi lòng ông.

Rồi ông ấy đột ngột đổ bệnh, chỉ hai hôm là qua đời. Lúc hấp hối, nhiều anh em tín hữu đến kề bên cùng với Cha cầu nguyện cho ông. Ông ấy nói: “Bây giờ tôi đã tin, Chúa không bao giờ bỏ rơi những đứa con của Người…” Ông ấy xin hai điều, rằng: “Hãy rửa tội cho ông ấy, cho ông làm người con chiên của Chúa; và xin mọi người hãy hiểu cho nỗi lòng Cha Tâm cùng với Sơ Nhân”.

Hôm đó, một chị bán rau vừa khóc vừa giật chuông báo tử cho ông. Chị kể với cha, tiếng chuông ấy trầm buồn rơi vào thinh không, nhưng những dư âm của tiếng chuông thì trong trẻo và thanh khiết đến vô ngần.

Cha biết, Chúa đã an ủi và cứu rỗi những đứa con của Người… ./.


An Giang, 18. 07. 2017


Lê Quang Trạng