Tiếng chuông nhựt một -- truyện ngắn của Trần Hữu Thuần

Quang X Nguyen

TIẾNG CHUÔNG NHỰT MỘT

Nhà thờ Phát Diệm


Chuông nhà thờ dóng ba tiếng một coong, coong, coong.

“Ngưng lại chút. Đọc kinh đi tụi bay.”
Không đợi ai trả lời, người vừa nói xướng luôn “Nhân danh Cha…. Lạy Nữ Vương Thiên đàng, hãy ….”
Có tiếng xuỵt xuỵt, “Đức Chúa Trời sai thánh Thiên thần ….”

Người đàn ông ban đầu xướng lại, “Đức Chúa Trời sai thánh Thiên thần truyền tin cho Đức Bà Maria.”
Cả bọn thưa lại, “Và rất thánh Đức Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần.”

Cứ thế xướng qua đáp lại, bài kinh trôi chảy cho đến khi hết lời nguyện. Chẳng biết có ai để tâm xem họ đang đọc lên ý nghĩa gì và liên quan đến cuộc sống của họ và của con người như thế nào không. Có một cặp đang yêu nhau thỉnh thoảng tìm khóe mắt nhau để mỉm cười cũng trong khóe mắt. Có bạn trẻ đang dùng lạt mây buộc chữ X ghép hai đoạn cây lại với nhau cứ lom lem nhìn xuống sợ mối lạt bung ra, phải mất công làm lại từ đầu. Một người trung niên tay lăm le điếu thuốc chính danh là thuốc lá, vì lá thuốc xẻ nhỏ bỏ trên nguyên nửa lá thuốc vấn lại thành một điếu thuốc như một điếu xì gà. Không phải tại ông ta ghiền thuốc đến thế, nhưng tại nhà hết thuốc, mùa chưa đến. Từ sáng đến giờ mới có người thương tình cho một điếu thì lại phải bỏ dỡ để đọc Kinh.

Kinh đó được gọi là Kinh Nhựt một hay Nhật một như được ghi trong sách kinh Nhựt khóa. Chưa hề nghe thấy một ai thắc mắc tại sao kinh được gọi tên như vậy. Đạo Phật có chuông Triêu Mộ. Triêu là buổi sáng sớm (Triêu dương) nên ngân nga vào lúc sáng tinh mơ. Mộ là buổi hoàng hôn nên dóng lên vào buổi nhá nhem tối. Vì không mấy người làng tôi hiểu nghĩa của tên Kinh nên nhiều người đã nói chệch thành Kinh Nhịp một.


Kinh Nhựt một, mỗi ngày chuông nhà thờ dóng lên ba lần, nghĩa là giáo dân cũng đọc ba lần. Chuông dóng theo nhịp thế này: Coong, coong, coong. Ngừng, chuông ngân. Coong, coong, coong. Ngừng, ngân. Coong, coong, coong. Ngừng, ngân. Rồi đổ dồn một hồi dài không kết thúc thêm ba tiếng. Hồi chuông dài này cũng định tài khéo léo của người kéo chuông. Người vụng chỉ kéo được hai tiếng coong coong, ngưng chút, rồi coong coong. Người khéo kéo thành ba tiếng một coong coong coong, ngưng chút, rồi coong coong coong cho đến hết.


Kinh được đọc bất cứ nơi đâu, tại nhà thờ lúc ngoài giờ phụng vụ chính (dĩ nhiên chỉ có trường hợp đặc biệt mới trùng hợp do không thể sắp xếp cách nào khác), tại gia đình dù phải ngưng tiếp khách hay ăn cơm bình thường, ngay cả ở ngoài đồng khi có một số người tụ họp, hoặc thậm chí một mình khi … thuộc kinh. Có hai bài kinh khác nhau, một bài cho Mùa Phục sinh, khởi đầu bằng “Lạy Nữ Vương Thiên đàng, hãy vui mừng, Alleluia,” dịch từ câu tiếng Latin Regina coeli, laetare, Alleluia, do đó gọi là Kinh Regina coeli. Mùa quanh năm, kinh khởi đầu bằng câu “Đức Chúa Trời sai thánh Thiên thần …” như đã nói trên, cũng dịch từ câu tiếng Latin Angelus Domini nuntiavit Mariae, do đó được gọi là Kinh Angelus. Nếu dịch sát, câu này có nghĩa Sứ thần của Chúa báo tin cho Maria.

Cho rằng không mấy người làng An du Tây của tôi lúc đó hiểu thấu đáo ý nghĩa lời kinh, nhưng một chức năng khác của Kinh Nhựt một thì chẳng một ai không biết, không phân biệt già trẻ gái trai, bệnh hoạn hay lành mạnh. Đó là chức năng báo giờ. 

An du Tây là một làng toàn tòng, nghĩa là toàn người Công giáo, nằm trên một vùng Đất đỏ bazan lọt giữa bốn chung quanh là đất thịt. Do đó, làng còn có biệt danh là làng Đất đỏ. Có lẽ ngày xưa chỉ có một làng An du (do) được chia làm bốn, nên lúc đó có An du Đông, Tây, Nam, Bắc. Làng Đông cũng là toàn tòng; làng Bắc thì người Công giáo thuộc về họ Tây. Làng Nam trái lại toàn lương và là gốc tổ của nhiều gia đình làng tôi, kể cả bên ngoại tôi. Lúc đó làng An du thuộc Tổng Hiền lương, Phủ Vĩnh linh, Tỉnh Quảng trị. Từ làng, nếu theo hướng đông đi đến bờ biển sẽ gặp Cửa Tùng, nơi có nhà nghỉ mát của vua Bảo Đại. Tên làng Tây ngày nay không còn trong sổ sách vì hầu hết dân làng đã di cư năm 1954 và những gì còn lại kể cả nhà thờ và nghĩa trang đã bị bom đạn đánh bình địa.
Vì sống quanh năm với đất đỏ, vào thời buổi xà bông chưa thông dụng (xà bông Cô Ba là một xa xỉ phẩm chỉ dành cho các cô gái rửa mặt, còn quí hơn các cô dùng Dove bây giờ!) nên áo quần nếu nguyên là màu trắng thì bây giờ đã thành màu hồng! Tẩy sao nổi đất đỏ bám vào với xà bông làm bằng bọt trái bồ hòn và nước tro lắng xuống. Mà đất đỏ dẻo và trơn, bám vào đâu thì chết cứng ở đó. Con nít đàn bà ông già bà lão yếu sức, sơ sẩy một chút là ngâm ngay bài thơ của Hồ Xuân Hương dù chẳng có anh chàng ông chàng cậu chàng nào ở đó để cười khúc khích. Hai câu này nhiều người biết đến:
 Giơ tay với thử trời cao thấp, 
Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài.

Tất cả dân làng ai cũng biết giờ giấc trong ngày nhờ vào chuông Nhựt một.
“Dậy, dậy! Chuông nhất rồi đó!”

Người nào tỉnh giấc lúc nghe chuông vội đánh thức cả nhà dậy. Chỉ lũ trẻ là khổ nhất vào mùa đông. Cái xứ cơ cực này lạnh khủng khiếp vào mùa đông, mà chăn mền thì không mấy gia đình có. Người ta chống lạnh nhờ đắp chiếu. Khổ nổi, đắp chiếu “giấu đầu thì hở đuôi,” kéo lên che kín đầu thì lạnh chân, mà kéo xuống thì lạnh đầu! Chuyện nan giải này chỉ lũ con nít giải quyết được nhờ co rút người lại. Người lớn dù có co cũng không thể vo tròn lại thành một cục như trái banh lớn được! Già lão hơn thì phải dùng lồng ấp, một loại giỏ tre nhỏ đan thưa, bên trong có để một trách (nồi đất) nhỏ đựng than hồng có phủ lớp tro trên mặt. Lũ con nít chúng tôi thích cái “máy heat” này lắm, vì ấm vô cùng.

Nghe chuông nhựt một nghĩa là đến giờ thức giấc. Mấy giờ nhỉ? Chẳng ai thắc mắc làm gì. Cả làng tôi chỉ có mấy người làm chủ được một vài chiếc đồng hồ. Trước hết là Cha Sở. Cha có một chiếc đồng hồ đứng cao lắm, cao hơn chiều cao người lớn. Đồng hồ có hai sợi dây xích mắc song song vào hai cái bánh xe nào đó khuất ở bên trong mà khi kéo dây, ta nghe được tiếng lạch cạch. Chú giúp nhà Cha thỉnh thoảng thấy dây bên ngoài bị kéo lên cao gần chạm phía trên thì nắm đầu dây kéo xuống. Làm thế để lên dây cót, một dây giờ, một dây chuông. Đến mười lăm phút, nửa giờ, và bốn mươi lăm phút, cửa sổ mở ra, một con cu gáy từ trong thò đầu ra cúc cù mấy tiếng nhiều ít. Đến đúng giờ, cu gáy ra cúc cù và chuông điểm đúng số giờ. Đồng hồ có mấy chữ số viết bằng chữ in nên tôi không đọc được. Ba tôi—lúc đó tôi còn gọi là cha, chỉ gọi bằng ba khi vào thành phố cho theo kịp chúng bạn—giải thích đó là chữ số La mã. Tôi hỏi dấn thêm; ba tôi nói La mã là nơi có Vatican, thủ đô của Giáo hội. Tôi không dám hỏi nữa, vì có nghe trả lời cũng chẳng biết ba tôi nói gì.
Cha còn có một chiếc đồng hồ quả quít, móc vào một sợi xích bằng vàng—thật hay mạ thì tôi không biết—bỏ trong một túi áo nào đó mặc bên trong chiếc áo dòng đen. Khi cần, hoặc cha nhìn lên đồng hồ lớn, hoặc móc túi lấy đồng hồ quả quít ra, mở nắp, xem giờ, đóng nắp nghe cái cách, rồi bỏ lại vào túi. Giây xích một đầu có một cái kẹp để cha kẹp vào chỗ hở của áo dòng phía gần vai bên phải nơi có nút để cài.

Người thứ hai có đồng hồ đứng cao ngang ngữa đồng hồ đứng của Cha Sở là ông Xạ. Vùng này của chúng tôi không gọi ông đứng đầu làng là ông lí trưởng mà gọi là ông xạ. Có lẽ đây là cách nói sai dấu của từ xã trưởng chăng? Tôi cũng không nghe gọi là ông xạ trưởng mà chỉ gọi là ông xạ trống không, hoặc đi trước tên tục, ví dụ ông xạ Toán.
Người thứ ba nữa có đồng hồ cũng cao là ông Bộ Sáng. Ông tên Sáng, giữ chức hương bộ trong làng, nhà nhiều ruộng đất. Hương bộ là thư kí hộ tịch, không dính dáng gì đến chức hương cả ở trong Nam. Tôi chưa đến nhà ông này lần nào nên chưa tận mắt thấy chiếc đồng hồ. Ba tôi, về sau, khi ra “làm việc” ở phủ mới mua đồng hồ quả quít. Nhưng lúc đó ba tôi không quay về làng nữa nên chẳng mấy người làng có dịp thấy ba tôi móc đồng hồ ra xem giờ. Tôi lúc này cũng may mắn hơn vì được tận tay mân mê chiếc đồng hồ của ba tôi, và còn đọc được các con số quái đản trên đó làm lác mắt mấy người lính bảo vệ an ninh cho cơ quan ba tôi.

Thế là dân làng tôi cứ theo chuông nhựt một mà sinh hoạt. Chuông sáng, thức dậy, “Nhân danh Cha…. Đức Chúa Trời sai thánh…. Amen,” rồi chuẩn bị đi Lễ hoặc ra đồng lên nương. Chuông trưa, “Nhân danh Cha…. Đức Chúa Trời sai…. Amen.” “Dọn cơm ăn đi bây ơi, đói bụng rồi.” Chuông tối, “Nhân danh Cha…. Đức Chúa Trời…. Amen.” “Dọn cơm ăn đi bây rồi chuẩn bị ngủ ngáy. Mai tau phải đi bừa cho xong đám ruộng trên. Thằng Hoàng lo ngủ đi mai đem trâu theo tau, đừng chạy qua nhà con Hoa nữa. Nghỉ một bữa đi.”

Thằng Hoàng là cậu ruột tôi, lớn hơn tôi mười tuổi; tôi lên bảy, cậu mười bảy. Cậu và cô Hoa thương nhau đã mấy năm, hai nhà tuy chưa chính thức giao nhận một của lễ một lời hứa hẹn nào nhưng cả làng ai cũng biết là “hai đứa rồi sẽ thành vợ thành chồng.” Bên nhà Hoa có công chuyện gì mà nếu ông ngoại tôi thu xếp được đều để cậu thong thả “đi ở rể.” Nhà Hoa cũng sẵn sàng cho Hoa qua giúp nhà tôi khi có đám có tiệc. Giỗ Tết khách thương, hai nhà đều mời qua mời lại. Với lại, hai nhà cũng gần nhau, không chỉ “cách nhau một dậu mồng tơi” mà chừng bốn năm dậu gì đó! Cậu Hoàng tôi đẹp trai, nhặm lẹ, mạnh khỏe, và có chút ít học vấn tương đối vào thời đó. Cô Hoa đẹp gái, có thể cho là một trong những người xinh đẹp nhất vùng. Nhiều anh chàng không chỉ trong làng mà còn các làng lân cận chết mê chết mệt. Có lần tôi nghe một anh tán láo, “Tau mà nhìn thấy được con Hoa cười với tau là chạy về nhà, bao nhiêu … cơm ăn cũng không đủ no!” Anh này thần kinh bộ não chắc có liên hệ giữa người đẹp và bao tử nên mới sinh ra hiện tượng này. Nhưng so với đồng trang lứa, cậu Hoàng tôi có nhiều điều kiện hơn. Cậu là con trai một. Nhà ông ngoại tôi tuy không thuộc loại giàu có, nhưng trên mức trung bình của dân làng. Cứ nhìn mẹ tôi lúc còn ở quê. Mẹ tôi không phải gánh vác chuyện gì nặng nhọc mà đàn bà con gái trong làng phần lớn phải làm như cấy lúa, tát nước, gánh lúa, giã gạo. Nặng nhọc lắm là mẹ tôi phải sàng sảy khi người ta xay gạo ra. Thường nhật, công việc của mẹ tôi là đi chợ về giao cho người khác nấu ăn. Cậu tôi có khi phải dắt trâu ra đồng cho ông ngoại tôi cày bừa nếu neo người, nhưng chính cậu thì chỉ phụ việc vặt ngoài đồng.

Cuộc sống dân làng tôi cứ đều đặn trôi qua theo nhịp chuông Nhựt một. Một năm ba trăm sáu mươi lăm hay sáu mươi sáu ngày, không hề có một ngày im tiếng chuông. Thế mà cho đến các năm 1946-1947, sau Cách mạng tháng tám…. Trước đó, Thế Chiến thứ hai bùng nổ tại châu Âu. Đức Quốc xã thắng các nước lân cận và Pháp, kéo theo Ý và Nhật làm đồng minh. Mĩ ở ngoài cuộc. Pháp thua Đức, phải buông Đông Nam Á cho Nhật thay thế, trong đó có Việt Nam. Nhật góp phần tạo nên nạn đói Ất Dậu 1944-1945 ở Miền Bắc, làm người ta chết không kịp chôn. Câu ca dao điển hình ra đời, 

Được mùa chớ phụ ngô khoai, 
Đến năm Ất Dậu lấy ai bạn cùng. 

Làng tôi phải tiếp đón đoàn người lũ lượt kéo đến. Dây khoai lang già non bất kể, thân cây chuối, thân cây đu đủ, bằm ra nấu lỏng bỏng một ít gạo thành cháo cứu đói. Người ta ăn bất cứ có thể nhai được, lá cây, vỏ cây, lá cỏ. Người ta chết chôn không kịp, lúc đầu còn tìm ván đóng hòm, sau chỉ bó chiếu, rồi chiếu cũng chẳng còn mà bó. Lúc đó ba tôi chưa xuất chính, chưa đi “làm việc.” Mẹ tôi đang sinh đứa em thứ hai của tôi, và cả ba đứa chúng tôi đều bệnh, nhưng ba tôi ít khi có mặt ở nhà. Me trách ba, ba nói Có Chúa lo liệu. Ông bà ngoại tôi chỉ biết cười, vì biết tính ba tôi, rồi lúi húi lo cho các cháu. Ba tôi có cờ bạc rượu chè trai gái gì đâu, chỉ đi tìm các người đói đang hấp hối xem giúp đỡ họ được điều gì, rửa tội khi có thể, hoặc cùng anh em khác đưa xác đi chôn. Chỉ có một luật bà ngoại bắt ba phải tuân hành:
“Mi về giờ mô thì về, nhưng phải tắm rửa thật sạch sẽ, thay quần áo khác, rồi mới được vào với vợ con mi.”

Nạn đói dẫn đến Cách mạng tháng tám. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Cuộc không tập bất ngờ của Không quân tự sát Nhật vào Pearl Harbor—ta quen gọi là Trân châu Cảng—lúc tinh mơ đánh căn cứ tàu chiến của Mĩ. Mĩ nhảy vào cuộc, kết thúc Thế Chiến bằng việc quân Mĩ và đồng minh đổ bộ, ngoài dự liệu chiến lược nhất của Hitler, lên bờ biển Normandie châu Âu vào những ngày băng giá và đầy nguy hiểm, đánh bại quân của Hitler và Mussolini. Hai quả bom nguyên tử thả xuống Nagasaki và Hiroshima tại Nhật. Vua Nhật đầu hàng. Hitler và Mussolini chết. Pháp lại trở vào Việt Nam. Hoàng đế Bảo Đại cũng trở về với chức vụ có tên mới: Quốc trưởng.

Quân Pháp, lính đánh thuê lê dương người châu Phi rạch mặt do sĩ quan da trắng chỉ huy, thực hiện các cuộc hành quân tái chiếm, bắt giết Việt Minh, đốt nhà cướp của, hãm hiếp đàn bà con gái và cả đàn ông con trai. Chúng kéo đến làng Nam bất ngờ vào một ngày khi một phái trong làng đang giỗ tổ. Cô Hoa đang ở tại nhà một người họ hàng để phụ giúp và có mặt vào ngày giỗ. Cậu Hoàng đáng lẽ cũng ở đó với cô, nhưng vì ông ngoại tôi cần cậu tôi đến góp mặt với các cậu của cậu—tức em bà ngoại tôi—vào một dịp quan trọng nào đó ở làng Đông. Lính Pháp ập vào, nổ súng đùng đùng. Mọi người chạy tán loạn, mạnh ai người đó tìm hầm ẩn nấp. Cha mẹ kêu con ơi ới; vợ chồng kêu nhau ơi ới; anh em kêu nhau ơi ới; xóm giềng kêu nhau ơi ới. Chẳng ai nghe được ai, chẳng ai biết được tin gì để nói cho nhau, trong cảnh hỗn loạn cùng cực này. Một vài căn nhà bốc cháy, lính Tây đốt. Chúng vào nhà thờ họ bày rượu thịt có sẵn ra vừa ăn nhậu vừa phá đổ. Có lẽ chúng cũng còn sợ linh thiêng nên không dám động đến bên trong nhà thờ. Rồi chúng sồng sộc chia nhau lấy những thứ gì đáng giá lục tìm được từ các nhà khá giả: vòng vàng, đá quí, cẩm thạch, còn không thì bắt gà bắt heo. Số khác lùng sục tìm đối tượng hãm hiếp. Một sự yên lặng nặng nề bao trùm khắp ngôi làng, chỉ thỉnh thoảng rú lên tiếng gào thét của một nạn nhân không may nào đó bị chúng bắt gặp, hoặc tiếng tức tưởi của người được chúng thả ra sau khi chúng đã thỏa mãn tính súc vật của chúng.

Chiều đến, lính Tây rút lui. Chúng đã hoàn toàn chiến thắng một cuộc chiến không cân phân. Vợ chồng con cái, cha mẹ họ hàng, anh em chị em, hàng xóm láng giềng, tìm gặp lại nhau, băng bó chữa lành cho nhau, vừa vết thương thể xác vừa vết thương tâm hồn. Người nhà cô Hoa đổ xô đi tìm cô. Phải lâu lắm, mới có người bắt gặp cô ngất xỉu trong một chòi canh bên vệ đường. Ngay khi có động, cô đã theo con hẽm định chạy thoát về lại làng Tây. Không may, con hẻm này cũng là lối lính Tây tấn công vào. Chúng bắt gặp cô, và điều đau thương đã xẩy ra, không phải chỉ một lần mà nhiều lần.
Cô Hoa không bao giờ hé môi cho biết là bao nhiêu người đã hành hạ cô cho đến khi cô không còn biết gì nữa. Cậu Hoàng nghe tin, phóng về gặp cô để nhìn thấy một cô Hoa thẫn thờ, không còn thần phách. Cậu muốn đến ngồi cạnh cô, vuốt ve nói lời an ủi, nhưng cô xua tay hất cậu ra. Ánh mắt cô hằn lên một nỗi hằn học nhọc nhằn, đau thương chua xót. Cậu ứa nước mặt ngồi xa xa nhìn cô, chẳng biết phải làm gì, chẳng biết phải nói gì. Ngày nào cậu cũng có mặt cạnh cô Hoa từ sáng sớm, lúc chuông nhất vừa dóng lên, và ở cho đến tối mịt mới về. Cậu xanh và gầy hẵn đi.
Ông bà ngoại, mẹ và các dì tôi chẳng nói một lời, cũng chẳng khuyên can cậu. Ai cũng biết, khuyên làm sao được một chuyện đau lòng như vậy. Chỉ mong thời gian sẽ may ra xóa nhòa được phần nào. Vài ngày sau đó, cậu qua nhà cô lúc tinh mơ như mọi ngày, rồi hộc tốc chạy về nhà bưng mặt khóc. Cô Hoa không còn ở nhà. Người nhà nói cô trốn đi đêm hôm trước, ngay khi cậu vừa đi về nhà cậu. Không thấy bóng dáng cha cô Hoa; còn người nhà thì chỉ một mực trả lời không biết Hoa trốn đi đâu.

Trước đó không lâu, ba tôi đã đi “làm việc” trên phủ, rồi đổi về một phủ khác. Mẹ tôi và chúng tôi cũng rục rịch đi theo. Thấy tình trạng trầm trọng, ông ngoại buộc cậu đi theo chúng tôi, nói là để giúp chị một tay lúc mới đến chỗ lạ. Làng tôi xáo trộn. Thanh bình đã hết. Chỉ tiếng chuông nhựt một là vẫn giữ nguyên, nhưng trong số người đọc kinh thiếu tiếng cầu kinh của cậu tôi và cô Hoa, không tính đến gia đình tôi. Ba tôi tìm cách hạ tuổi cậu, làm khai sinh khác, cho cậu vào học lớp ba với tôi. Cậu thành ra chỉ còn hơn tôi năm tuổi. Chúng tôi cùng lên lớp nhì, lớp nhất. Cậu cháu tôi là hai trong số bốn người của hơn sáu mươi người học lớp nhất duy nhất toàn phủ đậu bằng Tiểu học ngay kì thi thứ nhất năm đó!
Ba mẹ tôi hãnh diện ra mặt. Ba tôi còn muốn cho cậu theo tôi ra tỉnh học tiếp trung học, nhưng tin nhắn vào cậu phải về vì ông ngoại bệnh nặng. Ông không qua khỏi; cậu không vào nữa vì phải thay ông lo chuyện nhà, hiện chỉ còn bà ngoại ở nhà với một bà dì tôi không lập gia đình. Có chút học vấn, cậu làm trưởng đồn hương vệ—một lực lượng dân quân tự bảo vệ thôn làng. Bà ngoại ngắm nghía một cô khác ở làng Đông, quê của bà trước khi theo về với ông tôi. Cô này cũng xinh đẹp, và xem ra cậu cũng không từ chối. Tuy vậy, bà ngoại nói cậu vẫn hàng ngày đi qua ngõ nhà cô Hoa, đứng lặng bên ngoài một chút rồi bỏ đi, ngày mưa như ngày nắng. Cậu tránh mọi dịp có thể làm cho cậu phải bước vào bên trong.

Mãn tang ông ngoại, bà ngoại tôi rục rịch chuẩn bị cưới xin cho cậu. Đùng một cái, các cha Dòng Chúa Cứu Thế về giảng đại phúc. Cậu ra vào trò chuyện với các cha, rồi đột nhiên về xin bà ngoại cho cậu được vô dòng. Bà khóc lóc xin cậu nghĩ lại “một mẹ một con,” nhưng đạo gốc đạo dòng đã dạy bà tôi biết quí trọng ơn gọi. Cậu vào dòng, làm thầy dòng. Từ đó, cậu lại càng không có dịp đọc Kinh Nhựt một theo tiếng chuông nhà thờ làng tôi nữa.

* * *

Mười mấy năm sau, tôi tốt nghiệp đại học. Trong thời gian tại trường Đại học, tôi đã gặp một “cô bé” học sau tôi mấy năm, có một nét đẹp buồn buồn nhưng nhiều phần quen thuộc. Tôi lân la làm quen với Hoàng Hoa, rồi chúng tôi yêu nhau. Ba Hoàng Hoa đã mất nhiều năm về trước. Mẹ của Hoàng Hoa quen gọi theo tên chồng là bà Sơn. Gia đình của Hoàng Hoa ở Huế, còn gia đình tôi lúc đó ở Hội an. Khi đến gặp gia đình của Hoàng Hoa, ba mẹ tôi mới biết được bà Sơn chính là cô Hoa ngày trước. Thảo nào, Hoàng Hoa có nhiều nét thực quen thuộc với tôi, chỉ tại thảng thốt tôi đã không nghĩ ra được. Tôi kể lại chuyện tình của cậu tôi và mẹ Hoàng Hoa cho Hoàng Hoa nghe, lúc đó cô mới hiểu tại sao cô có một người anh ruột lại da đen tóc quắn.

Chúng tôi thành hôn. Đám cưới chúng tôi, cậu tôi đến dự, mặc nguyên áo dòng chùng thâm với tràng chuỗi long cong bên thắt lưng màu đen to bản. Cậu cũng đến chào “nhà gái,” chào mẹ của Hoàng Hoa, “Sao? Chị khỏe không? Thực hết sức lâu ngày mới gặp lại.” Rồi cậu bước đi ngay. Tôi không biết, nếu nấn ná, liệu cậu có khóc không?

Tôi lựa dịp nói với cậu, “Con đã hoàn thành tâm nguyện của cậu rồi đó. Chúa đã định, đố ai phân li được.” Cậu chỉ nhìn tôi, không nói gì. Nhưng từ đó, mỗi khi cậu có dịp ghé thăm vợ chồng tôi, tiếng “con” mà cậu gọi Hoàng Hoa nghe như có một nét êm đềm khác trước.

Trần Hữu Thuần