Hai Cào

Quang X Nguyen

(Tác Phẩm Đạt Giải Nhì Truyện Ngắn – Cuộc Thi Sáng Tác Văn Hoá Nghệ Thuật Đất Mới 2016)

HAI CÀO



* Truyện tâm lý võ nghệ có thật ở các HỌ ĐẠO sông nước miền tây thời Pháp thuộc…

*Truyện này được viết cho hai cháu Dương Thiên Phúc và Dương Anh Trí, để lớn lên, khi đọc, chúng biết thêm và hãnh diện về dòng tộc, và để cho thế hệ của chúng biết thời cha ông mình có những người rất cương trực, dũng mãnh, ngoan cường như Bà Trưng, Bà Triệu, như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo và như… Hai Cào, võ nghệ cao cường, mà biết âm thầm sống đạo…

Hình minh họa


Chú Hai Cào lớn hơn Ba tôi vài tuổi, không vợ con, không nhà cửa, quê ở tuốt trên núi Ba Thê, miệt Óc Eo, vào đây làm thuê làm mướn… Ông nội tôi thấy thương, nuôi Chú trong nhà mấy năm nay… Chú Hai không biết cày cấy, không biết gặt đập… không có nghề gì hết. Chú chỉ làm có mỗi một việc cho Ông Nội là…cào cỏ! Trong nhà, ai cũng kêu chú là Hai Cào. Mấy thanh niên kêu chú là “Mông-xừ Hai Cào”( Monsieur Hai Cào), cho nó Tây một chút. Chẳng ai biết tên thật của Chú…

Chú Hai Cào hiền lành chất phác, ít nói, làm việc gọn gàng sạch sẽ. Chú nhỏ con, cân nặng chưa được năm chục ký. Sáng nào Chú cũng đi lễ nhà thờ. Tan lễ, Chú ghé núi Đức Mẹ Lộ Đức, lần hột thật yên lặng, thật lâu. Xâu chuỗi của Chú bóng lưỡng đen mun thật đẹp…


Đêm nào Chú cũng ngồi chầu rìa ở các sân tập võ, ngồi kiểu số bốn, hai tay ôm hai đầu gối, ngóng coi người ta tập các thế võ, vô tư, bâng quơ với gió đồng ruộng, lơ đãng với rặng tre xì xào kẽo kẹt xa xa. Chú còn không thèm múa theo một động tác võ nào, không thèm nói chuyện với ai… Rồi khuya khuya, Chú lặng lẽ về nhà ngủ… trong thanh bình, yên giấc đến sáng …

Thế rồi, ngày nọ nghe thằng mõ trên huyện loa loa “Có võ sư người Miên về thủ đài, thách đấu”, cuộc sống đồng ruộng bắt đầu xôn xao sôi động, bớt phẳng lặng đơn điệu…

Võ sư Miên này cao to lắm, nặng gần tạ. Ông ta thách đấu với mọi người, bất kể ai, bất kể tuổi tác, cao thấp, mập ốm…, bất kể môn phái nào.

Hồi đó, có hai luật khi đấu trên võ đài thôi: chảy máu, thua; té, thua; chết, bỏ! Khi thượng đài, ai cũng ở trần, mặc quần đùi, chân không, tay không (không đeo găng, không cầm vũ khí)… Người ta lập võ đài ở sân Nhà Việc của ông huyện. Bên dưới võ đài, có để sẵn hai cái quan tài! Thời pháp thuộc, người Pháp chủ trương “vui chơi để quên nước” mà!… Ai thi đấu phải có người bảo lãnh trước mặt ông huyện, và ký giấy cam kết…


Chú Hai Cào thích quá, rủ Ba tôi và Dượng Năm, đêm nào cũng đi coi. Dượng Năm là người có học, biết tiếng Tây. Ba tôi cũng biết chút đỉnh, làm cai cho ông Huyện Sỹ, ở vùng Năm Căn, Cạnh Đền, Chắc Băng, miệt nhà thờ Ông Huyện Sỹ…

Thời đó, ai cũng thích võ nghệ… Thanh niên mà không tập võ, không xem đấu võ thì dở ẹt và quê lắm! Ba tôi và mấy ổng mới có hai mấy tuổi hà! Ba tôi học Thiếu Lâm Chánh Tông Bắc Phái với ông Thầy người Tàu, gồm bốn huynh đệ, mà ba tôi là đại sư huynh, là truyền nhân. Ba tôi khổ luyện được ngón chân cái (bẻ gãy ba lần rồi đăng thuốc võ) và thiết bán chỉ (ngón trỏ co lại như cùi chõ, cứng như sắt). Hai ngón này công phá tấm ván một phân bể nát… Ba tôi có biệt danh là “nhất tứ” (đánh một đòn bốn cú).

Chú Hai Cào thì ốm yếu mà mê coi võ dữ lắm…

Võ sư người Miên cũng trạc tuổi vậy, nhưng trông dềnh dàng đen ngòm, tóc tai bồm xồm thấy ghê như ông kẹ, không biết thuộc môn phái nào, nghe đồn là có bùa “dô cà tha”, chặt không đứt, bứt không rời, bắn không lủng, trúng không đau!...

Để coi có ai dám đấu với chả không!...

Hôm trước ngày mở màn, khi chuông nhà thờ rung kinh chiều, người ta đã đổ về sân Nhà Việc của ông huyện đông đen, coi võ đài, coi mặt “Ông Kẹ” võ sư Miên ra sao, chớ chưa phải là ngày mở màn. Ai cũng nôn kéo đến xem trước!

Ông Cố Núi là Cha sở họ Trà Lồng, rất thích văn nghệ và võ nghệ. Thấy Chú Hai Cào đi ngang, Cha kêu Chú lại hỏi chuyện và nói gì đó… Chú Hai gãi đầu gãi tai, cười quá trời :

- Dạ, con mà thượng đài thì bỏ Ông Cố lại, ai nuôi!

Cha Núi cũng cười:

- Khỏi lo!... Chú mày cứ thử coi có “cào” được chả không!…

Hình như Cha Núi biết Chú Hai có nghề mà giấu hay sao á!… Nhưng Chú Hai cứ cười, lật đật về nhà rủ ba tôi, chạy nhanh tới sân Nhà Việc… Dọc đường, còn hú thêm Dượng Năm:
- Anh Năm ơi, đi!

Dượng Năm hỏi lại:
- Ai vậy!… Đi đâu?
- Hai Cào!… Coi đấu võ!

Dượng Năm náo nức:
- Hai Cào hả…, đi liền! Chờ lấy mấy cái bánh ú ăn chơi!
- Ừ! Nhanh lên, có anh Bảy nữa!

Dượng Năm xách một chùm bánh ú chạy ra…

Ba người rảo bước nhấp nhô trên bờ ruộng. Ếch nhái giật mình, nhảy chủm chủm xuống nước. Đòng đòng thơm quá. Gió thổi mát dưới chân. Trăng tròn chiếu vằng vặc trên hàng cau thăm thẳm…

Chưa tới nơi mà đã thấy người ta treo mấy cái đèn măng-sông bốn góc võ đài sáng trưng. Ông huyện, mặc bộ đồ bà ba trắng láng bóng, hai tay để chéo sau lưng, thảnh thơi đi qua đi lại ngoài hàng ba Nhà Việc, ngó tới ngó lui… Thiên hạ nhốn nháo quanh quanh, dáo dác, cười cười nói nói om sòm, cố xem ông võ sư người Miên ở đâu… Xôn xao nhộn nhịp dữ! Ai cũng chen nhau đứng quanh sát võ đài…

Hai Cào khều Dượng Năm chỉ :
- Có thằng Út Ngọng quơ tay quơ chân lăng xăng ở góc kia kìa!

Dượng Năm nhìn thằng Ngọng mà trả lời Hai Cào:
- Thằng Ngọng đám nào chẳng có nó!... Nó khoái Hai Cào lắm, hồi nữa, nó mò tới “âm ự”(tâm sự với Hai Cào cho coi!

Ba tôi cười:
- Cái thằng lưỡi ngắn, nói chuyện bằng nguyên âm không hà, chỉ nói rõ được hai âm d và h… Anh Hai Cào cũng khoái “âm ự” với nó lắm! Chỉ mình anh Hai mới hiểu nó, mới biết thêm phụ âm gì, mới thông dịch được…

Chưa nói xong, Út Ngọng đã tới đứng bên. Nó ngọng mà ham nói lắm. Nó hí ha hí hởn:
- “Dạ, ào Ú Ăm, ào Ú Hai, ào Ú Ảy!”(dạ, chào Chú Năm, chào Chú Hai, chào Chú Bảy)

Chú Hai Cào bẻ miệng nhái nó:
- “Dạ, ào… ào… ào Út Ọng, ạ!!!”(dạ, chào, chào, chào Út Ngọng, ạ…)

Cả bốn người cùng cười rung rinh võ đài!…
Đêm khuya dần… Chưa ai thấy mặt ông kẹ Miên đâu cả… Người ta tắt bớt đèn măng-sông… Mọi người từ từ ra về, chờ đêm mai coi trận mở màn…

Chiều hôm sau, chưa chi Chú Hai Cào đã đi ngang nhà thờ khi chuông vừa rung kinh chiều. Lại gặp Ông Cố Núi… Biết Chú Hai lật đât đi xem võ, Ông Cố Núi lại ngoắc tới nói gì đó… Và Chú Hai lại gãi đầu gãi tai, lại cười thật đơn sơ:
- Dạ, con chết liền á!...

Cha Núi cũng cười vui vẻ:
- Chết hả, Cha làm phép xác cho!!!

Chú Hai lại cười cười, chạy ù tới nhà, kéo ba tôi đi. Dượng Năm cũng cầm sẵn xâu bánh ú, chờ ở bờ sông. Bữa nay có thêm Út Ngọng đi chung nữa. Vui ơi là vui! Út Ngọng đi trước, tung tăng như con chuồn chuồn tát nước bằng đuôi! Đèn nhà ai leo lét lốm đốm giữa đêm tối mênh mông…

Út Ngọng quay lại phá tan bóng tối với Dượng Năm:
- Vui á à vui! Dạ, Ú Ăm ăn ánh ú, hả! (vui quá là vui! Dạ, Chú Năm ăn bánh ú, nả!)

Chú Hai chọc nó:
- Út Ngọng, mày nói chữ “ ú” nghe rõ dữ, mậy!... Chắc Anh Năm cho nó ăn đúp-lê quá!

Dượng Năm trả lời gọn lỏn:
- Hỏng có đâu! Một cái là bể bụng rồi!

Dì Năm nấu bánh với nếp nhà, đậu xanh nhà và mấy cục mỡ, nên bánh nó to như cái đèn bánh ú trung thu vậy! Nhưn mỡ trong vắt, ăn vào mỡ nó chảy mát cái lưỡi luôn! Đậu xanh thì vàng như tơ, thơm phức mùi hành hương!

Thằng Ngọng nó vừa chảy nước miếng là bốn người đã đến võ đài…

Trăng sáng trưng. Đèn sáng trưng. Hai con mắt thằng Ngọng cũng sáng trưng. Nó rảo mắt tìm võ sư Miên. Bà con bu quanh võ đài đông đen, làm sao biết ông nào là Miên, ông nào là Việt! Nhiều người từ xa đến, thấy cũng ngâm đen như Miên! …

Chặp sau, ba tôi chợt thấy một người leo lên võ đài, liền kéo xoay đầu thằng Ngọng:
- Ổng kìa, dữ dằn hông!

Út Ngọng mở to mắt, la lớn:
- Ời ơi! Ự dữ! Ai dám ánh! “Vai ăm ấc ộng, ân ười ước ao!”(Trời ơi! Bự dữ! Ai dám đánh! “Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao!”)

Nghe thằng Ngọng đọc thơ, Chú Hai cười thật vui:
- Trời, Út Ngọng, mày đọc thơ Từ Hải nữa hả!
- Dạ, âu iết! Ông Ố dạy á! (Dạ, đâu biết! Ông Cố dạy á!)

Ông Cố Núi có dạy chữ chút đỉnh cho mấy thiếu nhi ở nhà thờ. Ngài hay đọc kinh thánh hoặc đọc thơ Kiều làm ví dụ… Út Ngọng cũng thuộc ít ít… Lâu lâu nó còn chế thơ Lục Vân Tiên ngọng nghịu làm hề:
- “Vân iên ồi dựa ốc dừa,
Dừa ô dớt uống, ể ầu Vân iên!”

(Vân Tiên ngồi dựa gốc dừa, Dừa khô rớt xuống, bể đầu Vân Tiên)

Nghe Út Ngọng tả võ sư Miên, tuy ai cũng cười, mà ớn ớn… Liền sau đó, lại thêm một người mặc đồ tây trắng nhảy lên võ đài. Út Ngọng nghĩ, đấu võ, sao mặc đồ bảnh dữ! Dám lên đấu với ông kẹ sao!

Chú Hai và Ba tôi thấy vậy mới nói nhỏ với Út Ngọng:
- Trọng tài đó, ông!

Hèn chi ổng còn đeo bao tay trắng và chải đầu láng o… Ổng xức bri-dăng-tin bóng hơn dầu dừa má tôi chải tóc nữa!

Kẻng đánh ba hồi chín tiếng. Ông huyện đội nón tây, mặc bà bà sa-ten trắng, một tay chống gậy đứng dậy, một tay giơ nghiêng nghiêng về phía trước như mái nhà, ra lệnh bắt đầu võ đài!... Trọng tài đứng nghiêm, quơ hai tay một vòng, rồi rút về thủ ngang hông, cúi chào khán giả… Bà con vỗ tay rồi la ó rân trời…

Võ sư Miên ngông nghênh bước thình thình ra đứng giữa. Ông ta nhảy lên, để cho rớt cái thân bao tạ xuống rung rinh võ đài, đứng trung bình tấn, hai tay thục hai quả đấm thôi sơn vào không khí nghe vù vù, miệng phun phèo phèo như thổi bùa, hai con mắt liếc ngược liếc xuôi như cọp rình mồi… Bà con la ó vỗ tay vang rền đồng ruộng… Dữ thiệt! Chắc đánh coi đã lắm…

Chú Hai chỉ mỉa mai:
- Trời! Ổng đánh lủng không khí mấy lổ luôn á, Ngọng!

Người ta tưởng Chú Hai pha trò với thằng Ngọng cho vui … trong khi võ sư Miên tiếp tục hì hục tung tam cước vào phía mấy cây dừa thị uy.... Ghê thiệt! Ai bị đá trúng chắc văng xuống đất hộc máu chết tại chỗ!...

Hai Cào lại mỉa mai:
- Trúng mới chết! Chứ chỉ trúng không khí thì…!

Chú Hai nói bỏ lửng… Bà con đang coi giò coi cẳng võ sư Miên… Bà con đang chờ coi một bài quyền để đoán ổng thuộc môn phái nào… Bà con đang chờ coi ai đó dám thượng đài hạ ông kẹ này không…, người ta nhốn nháo bàn tán xôn xao!...

Kẻng lại đánh hồi thứ hai. Bà con hướng mắt về ông Huyện, rồi quay lên võ đài, nhìn tả nhìn hữu… chẳng thấy gì lạ! Tưởng có ai lên đấu! Nhưng vẫn chỉ có trọng tài và ông kẹ đang nghênh nghênh cái mặt thách thức! Ông kẹ lại tung một đá thẳng ra trước mặt, nghe vèo một cái như voi phun nước…

Cứ hết đấm rồi đá khiêu khích, võ sư Miên không thấy ai lên đấu, ngạo mạn văng tục một câu:
- “… mẹ…, thằng nào ngon lên coi!...”

Chẳng ai tức, chẳng ai thèm để ý tiếng chửi thề… Bà con chỉ chờ coi quyền cước cho đã mắt! Chỉ có mình Hai Cào tức!!!

Nãy giờ lâu quá, bà con toàn nghe bàn tán, toàn nghe chửi thề, toàn thấy nhốn nháo đứng ngồi qua lại lộn xộn… Chán quá! Thôi về cho rồi!

Thằng Ngọng nản lòng… Ba tôi thúc cùi chõ xúi bậy Hai Cào:
- Anh Hai lên chơi đại đi!
- Dập mật chết tại chỗ á, cha! – Hai Cào lơ đãng trả lời.

Dượng Năm cũng từ từ mất hứng:
- Về, Dượng Bảy ơi…
- Ừ, về… khuya rồi… mai coi! Về Ngọng ơi…

Chú Hai Cào quay lại ném cái nhìn khinh thường vào mặt võ sư Miên, rồi níu tay thằng Ngọng dùng dằng theo Ba tôi và Dượng Năm ấm ức bỏ về ngủ… mà trong bụng cứ mong có người tỉ thí với ổng, nói thầm “Tức quá! Hỏng lẽ…mình ra tay!…”

Qua chiều ngày thứ hai... Chuông nhà thờ chưa kịp rung, Chú Hai Cà đã lật đật “lên đường”… Vậy mà cũng đụng đầu Ông Cố Núi… Không đợi Ông Cố ngoắc, Chú Hai chạy qua mặt, nói nhanh:
- Chưa tới giờ con đâu!...

Ông Cố Núi mỉm cười đắc ý, ngoái nhìn theo, nhưng nghĩ thầm: - “Cũng sắp rồi!… Mà… cái thằng, sao nó nói giống Thầy Giêsu ở tiệc cưới Cana dữ! Nó tưởng tôi là Đức Mẹ cầu cứu thêm rượu chắc! Mình chỉ muốn nó thử sức chút thôi!”

Chú Hai Cào chạy một mạch tới võ đài, không rủ ai hết… Ba tôi, Dượng Năm và thằng Ngọng đi sau, đi tắt dọc bờ ruộng cho nhanh… Trăng lên cao. Sao mờ dần. Thiên hạ kêu réo, kẻ đi, kẻ chạy, người bơi xuồng, người chèo ghe, nhộn nhịp, nhộn nhịp… Đêm nay, sân Nhà Việc chật ních… thêm nhiều phụ nữ và trẻ con… Võ đài đốt đèn măng-sông tưng bừng hơn hôm qua. Sau tiếng kẻng hiệu lệnh, Ông Huyện nghiêm chỉnh, ngoe ngoảy cái ba-ton, bước lên võ đài nói với bà con mấy lời động viên, treo giải thưởng lớn…


Nghe vậy, Chú Hai Cào liền châm chọc:
- Dụ dỗ bà con à!...

Dượng Năm kê Chú Hai:
- Ừ, cũng nên dụ dỗ cho có người thi đấu, không thì mất mặt quá!

Ba tôi coi đấu nhiều trận rồi, biết khi Ông Huyện lên tiếng như vậy là khó kiếm người ra đấu lắm, nhiều khi tịt ngòi luôn, phải chờ lần khác!...

Ba tôi mới nói:
- Căng à nghe! Ông Huyện nhắm không xong rồi!

Thằng Ngọng bữa nay chưa nói tiếng nào… Nó biết Ông Cố Núi rù rì với Chú Hai Cào chuyện ra đấu… Nó cứ liếc sang Chú Hai thăm dò… nhưng lại thấy võ sư Miên nhảy lên võ đài, hùm hổ quơ tay quơ chân, sàng qua sàng lại, tung võ mồm bằng một dây tiếng Khờ-me:

- “Dớ, chây me thằng Yun! Sà ke khâm… sà ke khâm, quay! Dớ, tâu na…, dớ tâu, quay!...”(…mẹ thằng Việt Nam! Chó cắn đi… chó cắn đi! Cút đi đâu thì đi!)

Ông Huyện mới lên tiếng có mấy phút mà chả đã nổi nóng, cao ngạo phách lối, dám lớn giọng, dám chửi rủa nữa! Ông Miên này muốn toi mạng sao ta!

Bà con im bặt! Khích cỡ đó thì chắc có người sắp nhào lên rồi! Ai cũng căng mắt dòm lên võ đài… hồi hộp…

Bỗng nghe “Úi da! Úi da! Ẹ… ó!!!” (Úi da, úi da! Mẹ nó!)…Mọi người quay dồn về phía Ba tôi… Hai Cào, đứng kế Ba tôi, đang giơ tay trấn thằng Ngọng ngồi xuống… Nó dám hỗn ra lệnh cho Chú: “Dơ, Ú Hai, Ú Hai, dọng ó… i, dọng ó… i, dớ!!!” (Chú Hai, Chú Hai, dọng nó đi, dọng nó đi!). Chú Hai sợ người ta nghe, bụm miệng nó, ém nó ngồi thấp xuống…, nó khó chịu, mới la to như vậy …

Không biết chuyện gì, bà con lại nhìn trở lên võ đài, vẫn chỉ thấy cái xấc xược láo cá của ông kẹ Miên mà thôi… Ai dám khớp mỏ chả đây!... Lại ráng chờ coi, chờ coi… Võ sư Miên lại tru tréo cay độc hơn, chồng chéo đủ thứ tiếng:

- Dớ, Yun sà ke, Yun sà ke, Yun chết nhát, đồ chó chết… dớ, cẩu xực Yun, dớ!!! (Việt chó, Việt chó, Việt chết nhát, đồ chó chết, chó cắn Việt đi!)

Võ sư Miên nói ngắn mà sốc quá!… Chú Hai Cào bị chạm mạch dân tộc, chịu hết nỗi!... Chú đột ngột nhéo thằng Ngọng một cái, rồi buông tay, thúc Ba tôi một cái, rồi gằn giọng:
- Anh Bảy, tui lên đánh thằng chả nghe!...

Ba tôi cản lại kịp khi Chú Hai vừa nhích người bước tới. Ba tôi nói:
- Bậy nè! Nó sỉ anh môt phát là lọt đài liền!
- Giỡn, anh! Tui sỉ nó thì có!

- Thôi đi, anh! Hết chuyện chơi rồi sao!...
- Tui nói thiệt mà!

- Ừ, thì anh nói thiệt! Tui cũng nói thiệt!... Huề vốn nghe!

Chú Hai cứ lải nhải đòi lên đấu. Ba tôi cứ cản lại… Vùng vằng hoài không xong, Ba tôi bèn bán cái cho Dượng Năm:
- Anh Năm, Hai Cào nhờ anh gì nè!


Dượng Năm hăm hở:
- Sao, Hai Cào?

Hai Cào mừng quá, tưởng Dượng Năm đồng ý can thiệp giùm, mới nói to:
- Anh Năm, tui lên đấu, hạ chả nghe!?

Dượng Năm hết hồn:
- Trời, chú nói sao, bộ hổng có vợ con mà liều cái mạng cùi được à! Về hỏi Ông Cố Núi đi! Còn phải bảo lãnh, còn phải cam kết chết bỏ gì nữa, mệt lắm! Dẹp đi, Hai Cào ơi!

Dưới này dằng co, trên kia ông Miên ăn nói bậy bạ… Bà con tức quá rồi, chạm mạch tùm lum rồi! Sao giờ ta? Sắp có hỗn chiến chăng! Sợ quá! Còn mấy thằng đệ tử của chả, mặt ngầu ngầu, bao quanh bảo vệ chả gần võ đài… phát ớn! Không ai dám đấu lại, không ai dám nói lại… Sợ bùa “dô cà thay” bay vô miệng, bay vô bụng…, bụng bự riết mà chết! Bị ếm xì bùa, bị thư đó!

Nản quá, chán quá… bà con đành bỏ về từ từ… chờ tối mai xem sao! Ba tôi và Dượng Năm ghìm chặt Hai Cào, nan nỉ Chú về nhà thờ, nói gặp Ông Cố Núi là cớ để hoãn binh thôi. Chú Hai lại tưởng thiệt, trên đường về, quyết đòi lên Ông Cố Núi cho bằng được!... Thua Chú luôn!

Tới nhà thờ, không cản Chú Hai được, Ba tôi và Dượng Năm đành phó mặc… Thằng ngọng cũng chạy vô theo. Ông Cố Núi đang đọc kinh tối, nghe tiếng cãi vã, nhanh nhẹn bước ra cửa, gặp ngay bốn người:
- Sao, Hai Cào, bị “nốc ao”rồi, phải không!
- Dạ, đâu có, Ông Cố. Con dợm chân rồi, mà hai anh này cản không cho, cứ biểu về gặp Ông Cố đó!

Ông Cố Núi hiểu chuyện, mau mắn nháy nháy Dượng Năm, cùng một lúc bảo Ba tôi:
- Mấy chú cứ đứng ra bảo lãnh cho Hai Cào đi! Cha còn một lỗ đẹp ngoài Đất Thánh... Chú Năm Châu ký tờ giấy bằng tiếng Tây được mà!

Dượng Năm ngạc nhiên:
- Ông Cố nói thiệt hả?
- Ừ, mà vừa chơi, vừa thiệt… Chú Bảy Sển học thiếu lâm biết “Ngọa hổ tàng long” mà!...

Ba tôi nghi ngờ:
- Vậy Ông Cố nói Hai Cào là “long ẩn” hả?

Ông Cố Núi cười cười, không trả lời, lại nhắc Dượng Năm thêm một lần nữa, rồi khoan thai bỏ vào nhà trong đọc kinh tiếp:
- Chú Năm, ngày mai nhớ dẫn Hai Cào lên huyện ký giấy bảo lãnh và cam kết đi!

Không ai hiểu nỗi… Út Ngọng trố mắt ra… Dượng Năm chào thua, nhưng không biết tại sao… Ba tôi đoán đoán được sơ sơ rồi…

Thế là sáng hôm sau, còn sớm lắm, Chú Hai Cào đã tới cửa chào Dượng Năm, nắm tay Dượng Năm kéo đi. Dượng Năm lúc này thấy Hai Cào có sức mạnh lạ lắm…, đi te te theo sau. Ba tôi cũng bỏ ruộng, tháp tùng lên Ông Huyện. Út Ngọng cũng chạy theo… Không ai nói tiếng nào! Liệu khi hiểu chuyện, Ông Huyện có chửi không! Mắc cỡ lắm!...

Thiệt tình, mới thấy bốn người bước vô sân, Ông Huyện đã tằng hắng lên tiếng:
- Đi đâu đó, anh Năm Châu..., bộ bảo lãnh đấu võ hả?... Mấy cái ông nông dân này, hết muốn sống rồi sao? Thấy hổm nay có ai dám hông!!!

Hai Cào tức tối từ đêm qua, nhanh nhảu thưa:
- Dạ thưa, chính tôi xin đấu đây… chớ thấy nhục quốc thể quá, Ông Huyện ơi!

Ông Huyện chưng hửng, nhìn Hai Cào trân trân, phang cho mấy câu:
- Giỡn chơi hả, Hai Cào! Bảy Sển xin đấu còn nghe được, người ta con nhà võ! Hai Cào chỉ có cào cỏ thôi thì cào ai! Ông là hậu duệ của Trư Bát Giới chắc!

Hai Cào cướp lời:
- Dạ thưa, cào ông kẹ Miên chớ ai! Tôi dư sức cào nó mà!

Ông Huyện can ngăn:
- Dư sức cho nó hạ thì có!
- Dạ thưa, Ông Huyện tin tôi đi!

- Làm sao tin được! Nó to như con voi, còn chú mày to như châu chấu!
- Dạ thưa Ông Huyện, châu chấu Lý Thường Kiệt ngày xưa đã đá bay quân Tống voi… Dạ thưa, “cân tài chứ không cân thịt!...”

Vừa nghe câu đó, Ông Huyện đứng bật lên, quay lại Hai Cào, dõng dạc nói:
- Hay! Nói hay lắm, Hai Cào! Cân tài chứ không cân thịt! Phải vậy chứ! … Cậu mà nói thêm được một câu danh ngôn nữa là Huyện ta cho cậu đấu liền đêm nay…

Hai Cào khoái quá, mà đang đay nghiến trong lòng bởi lời chửi bới ngạo mạng “chó chết, chó cắn…” của tên Miên khốn kiếp, nên Hai Cào sổ luôn cho ông Huyện nghe một tràng danh ngôn:
- “Tôi phải cỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém con cá kình”! Đứa nào nhục mạ dân Việt, đứa đó phải bị hạ gục dưới tay con cháu Bà Triệu!!!

Ông Huyện giật mình ngưỡng mộ, tâm đắc và hãnh diện, khảng khái nói như tuyên ngôn:
- Giỏi cho con cháu Bà Triệu, giỏi cho người dân của huyện ta!... Chú Năm Châu, vô ký liền bây giờ đi…. Hay lắm, Hai Cào! Phải vậy chớ, cho nó biết tay! Có gì, Huyện ta lo!…“Nam quốc sơn hà Nam đế cư!”… Thằng mõ đâu, mau loa loa trận đấu võ tối nay liền… :“Hai Cào đấu võ sư Khầm-Ong, người Miên!”


Thằng mõ nó chạy đi đánh kẻng liên hồi, rồi phóng đi loa loa cùng làng cùng xóm. Thằng Ngọng nhìn Chú Hai mà cứng họng. Nó cứ la trời la đất… Không thể tưởng tượng là rồi đây sẽ đưa xác Chú về đâu. Tối nay hả! Trời! “Ú Hai ơi, à Ú Hai ơi!”.

Ba tôi không tin nỗi, Chú Hai ở chung nhà mà! Có bao giờ thấy Chú có một dấu hiệu nghề võ gì đâu, ốm yếu quá, cào cỏ còn không đủ sức!
Dượng Năm hồi nảy miễn cưỡng ký kết…. giờ ân hận quá… Thôi tiêu rồi, sắp xa Hai Cào vĩnh viễn rồi!...

Còn Hai Cào thì khi ra khỏi nhà Ông Huyện, chạy bay đi đâu biệt dạng… trưa cũng không về ăn cơm. Có người thấy Hai Cào chạy vô miệt Xẻo Xu, dừa nước bạt ngàn, vịt nuôi đầy đàn, giờ bỏ vắng mấy cái chòi hoang…

Chiều đến, chuông nhà thờ ngân vang. Chú Hai Cào vừa ăn cơm với Ông Cố Núi đi ra… Sáng giờ, Chú Hai đi luyện công ngoài chòi vịt. Chỉ mình Cố Núi biết chuyện…

Chú Hai Cào tiếp tục thưa Ông Cố trước khi đến võ đài, rất tự tin:
- Dạ thưa Ông Cố, con biết phải làm gì, con sẽ sửa phạt ông kẹ Miên này, mức độ tùy theo cái phách lối của ổng…
- Nhớ sửa dạy đàng hoàng,“chỗ lồi lõm phải san cho bằng”, coi chừng nó đánh ăn gian… Phần mình, phải trung thực, vì một lạng chân thật bằng một tấn thông minh, còn phải “tha đến bảy mươi bảy lần…” Nhịn được thì nhịn, né được thì né, dĩ hòa vi quí, đừng hạ độc chiêu chết người ta!...

Chú Hai Cào thương Ông Cố Núi lắm. Nhờ Ông Cố Núi thông thái, thường sâu sắc giảng giải, mà Chú Hai theo đạo Công giáo, bỏ đạo gì đó ở Thất Sơn, rèn được lòng ngay thẳng, ghét điều gian dối ngông nghênh phách lối. Hai Cào nghe lời Ông Cố Núi lắm!...

Thằng Ngọng khi thấy dáng Chú Hai Cào, nó giơ tay chỉa chỉa hướng bờ Kênh Xáng, la ơi ới… Ba tôi ngó theo, lật đật chạy tới lôi Chú Hai vô nhà. Chú Hai lôi ngược Ba tôi và Út Ngọng, rồi gọi Dượng Năm, đi một mạch tới võ đài, không cho ai nói tiếng nào cả!... Lạ thiệt!…

Chú Hai Cào đi thẳng tới trước mặt Ông Huyện, đang ngồi chéo ngoảy trên ghế chạm trổ rồng phụng, trịnh trọng, ung dung phe phảy cái quạt hương thơm phức. Ông Huyện nghiêm sắc mặt chất vấn Chú Hai lần cuối:

- Sao Hai Cào, kham nổi không! Huyện Ta thấy ngại quá, nó to như…

Chú Hai biết Ông Huyện sắp nói “nó to như con voi…”, nên cắt lời:
- Dạ thưa Ông Huyện, xin yên tâm! “Cân tài chứ không cân thịt”!!!

Ông Huyện khoái câu nói đó, yên tâm cho đánh kẻng bắt đầu… rồi hăm hở căn dặn Hai Cào:
- Nhớ “Cỡi cơn gió mạnh… chém con cá kình”!!! Hai Cào, triệt hạ!...

Chú Hai Cào sướng quá, khi nghe Ông Huyện nhắc lại câu nói đó…, cũng như đã nhắc khéo “triệt hạ” trong chiến thuật giao đấu…
Chú Hai liền hích cùi chõ trái phải bên hông Ba tôi và Dượng Năm:
- “Hãy đợi đấy! Cho Ông kẹ nhát ma con nít này biết tay!”

Ba tôi, chưa hết bàng hoàng, dò hỏi Dượng Năm:
- Anh Năm, là sao, anh Năm?!

Dượng Năm lại hỏi Út Ngọng:

- Là sao, Ngọng?!

Hôm qua tới giờ, Ngọng chờ có người gạ chuyện, chõ mỏ bẻ miệng liền:
- Dạ, Ú Hai giỏi à… Ú Hai hay à… Ú Hai hạ ổng à… Ú Hai iệt hạ à!...

Mọi người cố cười to cho bớt lo… Hai Cào này ký cục quá… Hỏng hiểu nổi… Ông Cố Núi nói “còn một lỗ đẹp ngoài Đất Thánh” mới độc chớ!... Thôi hết nước rồi, ra sao thì ra…

Tiếng kẻng nổi lên vang dội… Không ai còn nhớ đã đánh mấy hồi rồi... Bà con nôn nao, xôn xao, hồi hộp, ngóng lên võ đài mỏi cổ luôn…

Trên kia, võ sư Miên vẫn hống hách “u như kỹ”! Thấy ghét!

Dưới này, Hai Cào cởi đồ ra, chỉ còn mặc cái quần “s’lỏn” đen! Thằng Ngọng tới gần coi có rách lổ nào không… Dượng Năm kéo nó ra, dẹp chỗ cho Hai Cào thượng đài, nhưng còn nghi ngờ lần chót:
- Hai Cào, còn đổi ý kịp đó!...

Hai Cào không trả lời nữa, nhanh nhẹn nắm chặt tay Ba tôi và Dượng Năm, xoa đầu Út Ngọng… rồi đột ngột, từ dưới đất phi thân lên võ đài, hạ xuống nhẹ nhàng, đứng trung bình tấn, bái tổ, rồi lập tức chuyển sang bộ xà tấn, rút chân lên bỏ bộ kim kê, hai tay dang rộng như cánh đại bàng oai phong, hai bàn tay chụm mười ngón chỉa xuống, ngước mặt nhìn như thọc vào mắt võ sư Miên khiêu khích.

Ai cũng ngạc nhiên chưng hửng trố mắt ra, vỗ tay ngưỡng mộ như xem xi-nê. Hứa hẹn… hứa hẹn!!!

Ông kẹ Miên tức nóng máu, đỏ lên như gà nòi bị phun rượu, sàng ra một bộ chân để tung vào mặt Hai Cào….Nhưng trọng tài thò tay chặn lại… Ông kẹ Miên liền mím môi sỉ vả:
- Mẹ bà nó… mày chết rồi, thằng chó Việt! Một ngón trỏ thôi, nhóc chó con Việt! Mày muốn chui vô cái hòm nào, bỏ vợ con cho tao hả! Châu chấu đòi đá voi hả, con! - Ổng vừa xỉa xói vừa chỉ vào hai cái hòm để dưới võ đài…

Hai Cào giận run, chạm mạch dân tộc dữ, mà phải ráng nhịn theo lời Ông Cố Núi dặn. Chú nhìn thẳng mặt ổng, nói thật to, đánh đòn tâm lý để nghênh chiến:
- Cân tài chứ không cân thịt!...Cân não chứ không cân mỡ! Chấp mày hiệp đầu: Tao không đánh, không đỡ, chỉ né thôi!!!

Bà con khoái chí thán phục, la lên rân trời:
- Ngon ta, nói hay quá, câu nói hay nhất lịch sử đó, Hai Cào! Câu nói hay nhất lịch sử, Hai Cào ơi, Hai Cào ơi! “Cân tài chứ không cân thịt!...Cân tài chứ không cân thịt!”…

Rồi họ vỗ tay rào rào như mưa đá rớt trên mái tôn, miệng không ngớt la to “Cân tài chứ không cân thịt, cân tài…!!!”

Còn võ sư Miên tức muốn hộc máu, mặt mày đỏ kè như kỳ nhông lửa, cứ rướng tới như trâu kéo cày vướng rễ cây vì bị trọng tài níu lại, chưa có hiệu lệnh…

Ba tôi và Dượng Năm mất hồn… Hai Cào là “Long Ẩn” thật sao!

Thằng Ngọng ngơ ngác soi chân cẳng, soi bộ vó Chú Hai coi có lông giống Tề Thiên giáng thế không mà gan lì vậy!...

Tiếng kẻng lanh lảnh chát chúa!… Trọng tài dang hai tay đẩy hai người ra hai bên, rồi một tay gặt xuống, giật lên, cho bắt đầu hiệp một!... Bà con la thật to cho thỏa thích… Út Ngọng nhảy lên hứng chí:

- Ú Hai, dứt hạ, dứt hạ!…
- Dứt mà còn hạ nữa sao, Ngọng!- Người ta la thằng Ngọng chơi, chứ ai cũng muốn y như nó nói vậy.


Võ sư Miên đã nhào tới, hai tay quào song ngũ trảo như cọp vồ mồi... Rồi ngã người ra sau đá thẳng gót và sóng bàn chân vào bọng đái Hai Cào như cái dao phay mổ bò, quyết ra một đòn chí mạng!...

Hai Cào lập tức nhảy lui rồi cúi rạp sát đất như con cá đuối, lòn qua háng chả, không thèm đánh… (Thế võ đó mà đánh vào hạ bộ là xong!). Hai Cào hứa hiệp một không đánh mà!

Hai Cào đứng dậy sát mép đài, thủ bộ kim kê, dang tay, một chân trụ, một chân treo, phơi trống toàn bộ ngực bụng…

Nhưng võ sư Miên, già đời, không để bị lừa… Thế võ đó hở mà kín, ai dám tấn sẽ dính đòn của cái chân treo kia vào đầu, ngực, bụng hoặc bị lộn nhào xuống đất…Ông ta hạ thấp người thành hầu quyền, hai tay hai chân cào cào mặt võ đài, nhảy nhảy như khỉ, giơ cái bản mặt quá ngon…

Hai Cào lập tức búng cái chân treo vèo một phát qua đầu chả chơi, xoay luôn một vòng, chân trụ vẫn yên một chỗ, hai tay rút vào ôm ngực, cũng thấp xuống ngồi như khỉ… Ông Miên liền nhún người nhảy thật cao, hai chân đá liên hoàn vù vù… Hai Cào lại mọp sát đất, soạc chân như uốn dẻo, thấp như cá đuối, lại lạng qua háng chả nhanh như sóc, và… lại không thèm đánh!…

Thiên hạ vỗ tay quá trời, la ó ủng hộ Hai Cào rung rinh cỏ cây… Hai Cào sàng hai bước chuyển tới góc võ đài, lại thủ bộ kim kê… Võ sư Miên đá hụt, rớt xuống mặt sàn, nhún thêm hai cú nhảy, xuống trung bình tấn, đấm một lần hai tay vào mặt, ngực, bụng Hai Cào, rồi trởi lại bụng, ngực, mặt, xen kẻ cú hư cú thực, thần tốc liên hồi, theo bài quyền “tùa sí mứng” của thiếu lâm (bài đại tứ môn, tức đại tứ trụ).

Hai Cào nhẹ nhàng ngữa người, thả chân treo ra sau, bỏ hai tay chống đất, đá quẹt ngang hạ bộ, bắt chả phải né lùi… Hai Cào chỉ cần chơi đòn hư của bài “dì pế”(nhị bế, tức hai cửa)… để thăm dò kẻ hở!... Chả né lùi thật, nhưng đạp âm ngược lại vào đùi Hai Cào.

Bà con la lên “hồi mã thương!” Nhưng Hai Cào đã né nhanh và lại thủ bộ kim kê bên góc kia võ đài… ẩn hiện như bóng ma…

Thiên hạ lại la lên :
- Hay, Hai Cào, cứ chơi bộ kim kê đi! Kim kê, kim kê!… Cái thằng nhanh dữ! Sóc, sóc, sóc… Hai Cào ngon a!!!


Võ sư Miên lại hùng hục sấn tới định… Nhưng Hai Cào né không cho chả ra đòn nữa, hạ chân treo vòng ra phải, lạng sang trái, đổi chân trụ, đổi chân treo, vòng ra trái, lạng sang phải, đổi chân trụ, đổi chân treo… liền liền, liền liền… Ôi chóng mặt quá!...

Thằng cha Miên ngó qua ngó lại, quơ tay phải, quơ tay trái, chuyển tấn này, chuyển tấn kia như con lật đật…theo nhịp của Hai Cào… Nản rồi, không còn biết đánh vào đâu, chả mới phun phèo phèo vào mặt Hai Cào, xuất chiêu lần cuối chăng, đánh bùa chăng?...

Nhưng Hai Cào đã ở bên kia mép võ đài, lại thủ bộ kim kê!... Thằng cha Miên tức ói, chống hai tay nhào lộn rầm rầm ba lần trên không khí, lăn xả vào Hai Cào… Nhưng tiếng kẻng vang lên hết hiệp một… Không đánh được cú nào…

Bà con xôn xao bàn tán.

Út Ngọng chạy tới chăm sóc chú Hai. Ba tôi cũng tới bên, mách nước:
- Phải triệt hạ nghe, anh Hai!...

Dượng Năm cũng ghé tai Hai Cào:
- Triệt hạ nghe, Hai Cào… Xong, tao làm mai cho!…

Út Ngọng không có cửa nói chen vô, cũng ráng ậm ự:
- Dứt, hạ, Ú Hai! Ủng hộ Ú! Ú giỏi, giỏi dữ a!...

Nói “triệt hạ” không phải là hạ triệt để đâu, mà tiếng lóng là đánh bên dưới, vì vóc dáng chú Hai nhỏ con thấp lùn!...

Chú Hai Cào cảm động, bậm môi, gật đầu, ngồi vận công hít thở, trong khi bà con khoái quá, hãnh diện quá mà không biết làm sao, đua nhau nói tùm lum:
- M. Hai Cào, M. Hai Cào, hiệp hai dứt nó đi!… Hai Cào, tao cho mày chục gà mái dầu… Cho con gởi Chú kí cá lóc nướng trui… Anh tặng mày chiếc xe trâu… Chú biếu mày cặp trâu cui kéo cày… Tao gả con gái cho, Hai Cào, hạ nó đi..., cho mày của hồi môn… thừa kế luôn… mày nói, mày né coi được dữ à!…

Ai cũng hét to thật tình cho Hai Cào nghe!

Ông Huyện cũng đứng dậy bảo thằng hầu chạy ra nói gì đó với Hai Cào và Dượng Năm. Ba tôi nghe được liền gật đầu mấy cái… Ông Huyện, Ổng bảo, nếu hạ nó ở hiệp hai, ổng cất nhà cho ở, mở lò cho dạy võ…, và gả con gái út cho…!

Ba tôi nói với Dượng Năm về kinh nghiệm võ đài:
- Đánh người chưa xuất chiêu mà không trúng là coi như thua rồi! Anh Hai Cào nắm chắc con gái ông Huyện rồi nghe, anh Năm!...

Tiếng kẻng hiệp hai!... Út Ngọng quạt thêm mấy cái, xoa bóp vai Chú Hai thêm mấy cái, cho nhấp một ngụm nước mưa…

Võ sư Miên, mặt đã biến sắc, cũng nốc một ngụm nước sông, dậm chân rầm rầm bước ra giữa, hai tay nắm chặt, thoi ra phía trước. Trọng tài chặn lại… Hai Cào chậm rãi bước nhẹ nhàng ung dung, gặt đầu và cùi chõ sang phải mấy cái như đang ôn bài…

Bà con nhốn nháo quơ tay phất nón phất áo như sóng dậy quanh võ đài. Chưa từng có cảnh này ở vùng quê sông nước!

Hai Cào bái tổ, bái bà con tứ phía… rồi lại thủ bộ kim kê, dang hai tay lẫm liệt oai phong. Bà con reo hò vang dội vì đúng ý họ rồi,… kim kê, kim kê!... Trọng tài dang tay đẩy hai người ra, rồi gặt tay cho bắt đầu…

Võ sư Miên “hùm hổ” đánh võ mồm trước:
- Mẹ bà mày, cái thằng nhái Việt, tổ tiên mày không còn ai to lớn hơn sao… Lãnh án tử nè con, đồ Việt thúi!...

Ông ta định nhảy bổ vào, Hai Cào bình tĩnh xòe tay chặn lại, chưởng ngay cho một đòn tâm lý:
- Ê, đống thịt kia, tao nhường mày thêm ba chiêu. Chiêu thứ tư, tao sẽ hạ mày ngay dưới cái bụng bầu của mày! Liệu mà đỡ!...

Nói xong, Hai Cào tiếp tục chuyển chân trụ bỏ bộ kim kê, dang rộng tay, nghênh mặt chọc tức. Thấp quá, võ sư Miên không sao đấm móc thôi sơn vào mặt được, buộc phải xuất chiêu phi cước dũng mãnh, còn hai tay phòng thủ phần đầu phần ngực...

Ổng đá cú thứ nhất, Hai Cào choàng chân treo ra sau lưng chả, soạc chân trụ dài ra, không đánh trả! Tấn lại, thủ y bộ kim kê!

Ổng bồi tiếp cú đá thứ hai. Hai Cào lại lòn ra sau lưng chả, cú đá trớt quớt… Ổng nổi khùng, đá vòng cầu cú thứ ba nghe cái vù… Nhưng nhấp nháy đã thấy Hai Cào ở sau lưng, không đánh, bước lui xa thêm hai bước, lại thủ bộ kim kê, nghênh mặt, dang tay chếch lên như đại bàng tung cánh, để hở ngực rộng hơn, dụ chả lần cuối… chờ đúng chiêu thứ tư!… Đá càng mạnh càng chết sớm…dùng hai lực ngược chiều!

Y như rằng, thấy Hai Cào hớ hênh quá, ổng quyết định dứt điểm với cú đá “quỷ kiến sầu” chục thành công lực!... Ổng vừa rút chân phải ra sau để đá tới, Hai Cào bỏ chân treo gài sau chân trụ của chả, cùng lúc cong chân trái ngựa ngang, lấy đà, cong chân phải ngược lại, duỗi chân trái, húc đầu và cùi chõ vào ngực và bọng đái… Cú đánh ba trong một với uy lực thâm hậu “thần sầu quỷ khốc”, và quá nhanh như súng cành-nông thục!... 
Nghe cái “bung!”... Ông Miên bật ngữa cái rầm xuống sàn… xuống sàn… bất động!…

Im phăng phắc như mặt trời đứng bóng… Bà con há miệng chết trân, nhìn chằm chằm vào “đống thịt voi”!...

Trọng tài bay tới đập tay trên sàn, đếm đến mười: không tỉnh dậy!… Trọng tài đứng lên, nắm tay “châu chấu” Hai Cào giơ lên trời: CHIẾN THẮNG!!!

Ba bốn đệ tử của võ sư Miên lập tức nhảy tuốt lên võ đài, bế thốc ổng xuống ghe máy, chạy hỏa tốc ra Cà Mau cấp cứu… Bà con bu quanh bờ sông như tiễn đưa “ông voi vô rừng”… Nghe đâu ổng tắt thở dọc đường!...

Người ta quay lại võ đài tìm Hai Cào ăn mừng.
Không thấy đâu cả!...
Chú Hai Cào đã lặng lẽ rời đấu trường khi hỗn loạn…
Chú Hai Cào về nhà, bỏ ít quần áo vào túi đệm, xách ra, quỳ trước mặt ông nội tôi, bái ba bái…

Ông nội tôi tên Dương Đạo, trong vùng kêu “ông Chệt Chín”, là điền chủ người Tàu, võ sư thiếu lâm. Năm nào bạn bè nghề võ của ông nội cũng họp mặt đồng hương, nhâm nhi nói chuyện đời… Khi cao hứng, mỗi ông đi một bài thảo biểu diễn cho giãn gân giãn cốt. Ông thì xà quyền, ông hầu quyền, ông túy quyền, ông “dì pế” (hai cửa), ông xí mứng (tứ môn=tứ trụ), ông tùa xí mứng (đại tứ môn=đại tứ trụ)…

Ông nội thì không đi quyền, mà bước tới đứng trước đầu bộ ván ngựa gõ mun dày cả tấc, xuống trung bình tấn, vận công, hai tay đấm vào đầu ván, làm bật lên rớt xuống rầm rầm ba cái, rồi bái chào, về lại chỗ… Mấy ông kia vỗ tay quá trời!... Ông nội chỉ dạy võ cho hai tá điền để giữ ruộng… Ông nội sống trung trực, chan hòa, đạo đức…

Biết Hai Cào bái ba cái là bái biệt, Ông nội lấy làm lạ, chưa hiểu sao… thì Chú Hai đã ứa nước mắt quỳ xuống tạ từ, không cho ông nội nói lời nào:
- Con xin bái biệt… Cám ơn Ông Chín đã nuôi dạy con…

Nói rồi, đứng phắt dậy, quay lưng xách túi đệm chạy mất… Ông nội chưa kịp…, lật đật sai chú Tư tá điền đuổi theo, đưa cho chú Hai chút tiền lộ phí…

Chú Hai quẹo vào nhà thờ, quỳ gối trước mặt Ông Cố Núi:
- Thưa Ông Cố, con sai rồi! Tại nó lăng nhục tổ tiên mình, con nhịn không nỗi nữa!… Con xin về Thất Sơn sám hối… Con xa Ông Cố, chứ không xa Chúa đâu!… Con luôn ghi nhớ “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn, nào được ích gì!”

Con nhớ luôn bài thơ nữa:

Ai cũng trầm trồ tán dương nhau,
Quên điều truyền dạy thuở ban đầu:
“Lời lãi thế gian dù tất cả,
Mà mất linh hồn, ích gì đâu!...”



Hai Cào ra đi biền biệt…

Chú có nhắn Ông Cố Núi nói giùm vài lời từ giã Năm Châu, Bảy Sển và Út Ngọng, là những “anh em ruột thịt” của Chú… Và Chú cũng nhắn với ông Huyện là chừng nào hết Tây, thì Chú về đây mở võ đường…

Từ đó, M. HAI CÀO mất tăm mất tích trên vùng núi Thất Sơn xa xôi…

Nhớ Hai Cào, nhớ “CÂN TÀI CHỨ KHÔNG CÂN THỊT”!

Câu nói còn vang vọng các Họ Đạo miệt sông nước miền tây!...