"Linh hồn tôi tung hô Chúa..."

Văn thơ Công giáo

(Mã số 18-122)
Chuông nhà thờ đổ dài từng hồi rộn rã. Mười hai giờ trưa. 
- Chuông gì thế anh?- Hồng Yến đang rửa chén ngoài sân chợt ngoảnh lại hỏi chồng vẻ ngạc nhiên lắm, nhưng Minh chưa trả lời vợ.
Chưa kịp nhận được câu trả lời cô chợt thấy ngoài ngõ già trẻ lớn bé lục tục kéo nhau đi. Trong nhà, Minh đang phụ má đỡ cha ngồi dậy hướng ra cửa ngó lên nhà thờ. Dáng vẻ yếu ớt nhưng rất nghiêm trang của cha chồng làm Yến cũng nghiêm trang theo. 
- Chuông đọc kinh Truyền tin chung trong xứ đó con.- Giọng bà Sáu ấm áp vang lên.
- Hồi cha còn khỏe, cha với má giờ này cũng hay lên nhà thờ lắm đó mình. - Minh tiếp lời má như để bồi đắp thêm cho sự ngạc nhiên của vợ. 
* * *
Về làm dâu mới ba bốn tháng mà Yến ốm bớt vài kí lô, lại còn chịu nhiều điều tiếng thua thiệt nữa chứ. Tình cảnh hiện thời của cô ai không biết cũng bảo “chó chui gầm chạn rồi”. Như mới hôm qua lên xóm trên mua đồ ăn sáng cho cha má chồng, cô nghe người ta xì xầm bàn tán. Nào là con nhỏ đó bị khùng... đang yên đang lành, con gái thành phố có học hành sao lại chịu về làm dâu cái xứ khỉ ho cò gáy này... Hay là nó có chửa trước... hay là... Yến nghe hết, biết hết, nhìn ánh mắt dòm ngó soi mói của họ làm máu nóng trong cô dồn dập, nhưng cô cũng kịp thời trấn an mình.
Hôm qua cha cô đánh điện xuống nói cô về gấp vì má cô bị bịnh nặng. Thiệt tình cô biết cha cô chỉ lấy cớ kêu cô về lại Sài Gòn chớ má cô chẳng bịnh đau gì. Ngày cô xách giỏ theo Minh về dưới miệt dưới thì cha má cô cũng từ mặt, nhưng cô biết cha má còn thương cô lung lắm. Dù gì với gia cảnh bề thế của tiệm buôn kim hoàn Mi Hồng trên phố Bùi Hữu Nghĩa Sài Gòn thì cha má cô cũng ưng cho cô mấy mối môn đăng hộ đối, nhưng cô kiên quyết từ chối chỉ để yêu Minh và hơn thế nữa. Nhưng nguyên do cha má cô từ mặt không nằm ở chuyện cô cãi cha má để yêu Minh... 

- Ông nè, tui nghe con Yến với thằng Minh thợ làm công nhà mình thương nhau.
- Tui biết, nhưng... 
- Nhưng sao ông, tui là tui không đồng ý… Thằng Minh nó sẽ đào mỏ nhà mình, trong khi mình chỉ có một mình con Yến.
- Tui biết, nhưng con Yến nó thương ai giờ mình đâu cấm nó được đâu bà. Sắp nhỏ bây giờ đâu như tụi mình hồi trước cha má gả đâu ưng đó bà ơi!
- Tui biết, nhưng cho dù thằng Minh nó thương con mình thiệt thì vẫn còn một lý do tày trời khác ông à!
- Lý do gì vậy mình?
- Thằng Minh là người bên đạo Công giáo mà như thế thì quá lắm ông à!
- Ờ, tui cũng biết, nhưng...- Ông Huỳnh Hồng chưa nói hết câu đã bị vợ chen ngang.
- Không nhưng nhị gì hết, nhà mình bên Tin lành còn thằng Minh bên Công giáo, tụi nó cưới nhau coi sao được. Tui quyết rồi, nếu con Yến một hai khăng khăng quyết theo thằng Minh thì tui từ mặt… À, ngày mai thằng Minh cũng nghỉ làm luôn đi!- Giọng bà Huyền Mi đanh thép chắc nịch vì bà biết tánh con, một khi đã quyết thì có chết nó cũng khó đổi.
- Nhưng mà… thằng Minh là một thợ giỏi, nhà mình cần nó. Bà không nhớ nhiều lần đơn hàng giáp Tết tấp nập, mấy đứa khác nó làm mình làm mẩy không chịu làm hàng mà thằng Minh vẫn cần mẫn suốt đêm cho kịp sáng mình giao hàng đó sao?
- Chuyện đó tui biết, chẳng qua nó muốn lấy lòng ông với tui để danh chính ngôn thuận bước vô nhà này. Đừng hòng!
Có biết đâu Yến ngoài cửa đã nghe hết chuyện của cha má. Cô buồn rầu, chán nản và thất vọng. Cô sợ Minh biết chuyện buồn thêm nên cô giấu anh. 
* * *
Nơi Yến về làm dâu mà người ta vẫn cho là xứ “khỉ ho cò gáy” thì đó vẫn là một họ đạo lớn lâu đời mang tên Vinh Kim - Trà Vinh thuộc địa phận Vĩnh Long. Vì mới về làm dâu nên mọi thứ trong cô đều bỡ ngỡ lạ lùng, nhất là chuyện tham dự thánh lễ và kinh kệ dưới quê, nó chẳng giống tí nào với buổi chia sẻ Lời Chúa và bẻ bánh mỗi Chủ nhật mà nhiều lần cha má từng dẫn cô đi. Rồi chuyện làm ăn của hai vợ chồng, cô vốn là kĩ sư nông nghiệp tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Sài Gòn nên về quê chồng, Yến và Minh được anh chị Hai sang cho mấy vuông tôm nuôi giống càng xanh chẳng xá gì khó nhọc với hai vợ chồng cô. Lại nhắc chuyện cô làm kĩ sư nông học, ông bà Mi Hồng thêm bực tức. Ai đời con gái không học cái món gì dịu dàng, nhẹ nhõm, không thì học thư kí hay quản lí hay kế toán cho mình đỡ nhờ, đằng này, nó mê kĩ sư nông học mới ác. Lời của má hơi nặng như sức nặng những lần má “lên dây cót” với cha, nhưng cha cô vốn luôn ngấm ngầm ủng hộ con gái nên cô kiên quyết tới cùng.
* * *
- Đánh cho chết mẹ nó hết thói giựt bồ tao đi!
- Yến, em chạy đi!- Tiếng Minh la lớn.
Một đám thanh niên loai choai bảy tám đứa cầm gậy gộc xông vào vụt Minh tới tấp. Chúng có ngờ đâu Minh biết Vovinam- Việt võ đạo nên Minh né được khá nhiều cú đánh. Tuy vậy anh cũng bị một cú đánh hiểm vào lưng khi giang mình che chở cho Yến. Cuối cùng cả hai cũng thoát được. Đêm đó cô lén ba má đi học giáo lý như mọi lần thường, còn Minh thì hộ tống cô sau giờ anh tan làm, nếu bữa nào làm thêm thì đành thôi, nào ngờ hôm nay xảy ra cớ sự.
- Em có nghe bọn nó nói gì không?
- Nghe… Sao anh không đánh lại mà chỉ đỡ, rồi đỡ cho em để anh bị đòn?
- Hồi nhỏ đi nhà thờ ông cố dặn tụi anh không được đánh nhau. Em biết không, hồi đó sân nhà thờ Vinh Kim nhiều nhãn lắm. Mùa nhãn luôn khêu khích bọn con trai tụi anh tìm hái quả chia cho bọn con gái, nhiều lúc vì sĩ diện nên đánh nhau hoài.
- Anh bênh ai?
- Nhỏ Hồng sún răng mà tuần rồi về dưới em gặp ngay đầu lộ quẹo vô nhà thờ Vinh Kim đó… Nay nó có chồng cũng mới theo đạo luôn rồi.
- Anh mê nhỏ Hồng sún nên bênh nó mà đánh nhau chớ gì?- Cô đấm thùm thụp vào lưng anh.
- Oái!- Minh đau nên la lên, vì khi nãy anh lãnh nguyên khúc cây khi đỡ cho cô.
- Em xin lỗi, hihi!
- À… vậy ra bọn anh không đánh nhau vì vâng lời ông cố sở, nhưng anh cũng phải tự vệ...- Chưa kịp dứt câu cả hai người cùng ồ lên ngạc nhiên rồi đồng thanh: “Em/ Anh có nghe câu nói ban nãy quen không? GIỰT BỒ”... 
- Em nghi thằng Danh con chủ tiệm vàng Danh Tường trên đường Hồ Thanh Xuân nó chủ mưu vụ này.
Đã nhiều lần Yến nói với cha má từ chối sự gặp gỡ thân mật với nhà ông bà Tường Xuân. Dạo gần đây họ thường xuyên ghé nhà cô, những bữa cơm thân mật giữa hai nhà không làm cô vui. Cái gọi là môn đăng hộ đối không hấp dẫn cô nhưng Yến còn một lí do khác. Danh chỉ yêu con trai, trong khi anh ta nghe lời cha mẹ chấp nhận quen để cưới cô vì như thế sẽ giúp gia sản của cha má anh thêm to lớn mà anh là người sẽ thừa kế sau này, đồng thời, cưới Yến là cách tốt nhất để anh che đậy thân phận thật của mình. Yến biết mình sẽ chỉ là tấm bình phong cho anh ta, chứ nếu quen và cưới anh ta coi như cô cầm chắc một đời tủi hổ, nhưng cô đã chọn cách im lặng và giải quyết êm thấm. Đang theo đuổi với những suy nghĩ vẩn vơ chợt giọng Minh kéo cô về thực tại.
- Em sao vậy?
- Em không sao. Anh có bị sao không?
- Ta về thôi!
* * *
Những giờ giáo lý ban đầu với Yến sao khô khan khó nuốt. Nào là mầu nhiệm, cái gì cũng mầu nhiệm. Gì mà Một Chúa Ba Ngôi. Nào là tín lý, tín điều, nào là Đức Trinh Nữ thụ thai sinh con vẫn đồng trinh... Những điều này xem ra hoàn toàn ngược với đức tin hiện tại của cô và còn hàng ngàn thắc mắc như mớ tơ lòng rối bùng nhùng chưa ai gỡ. Cái gì biết Minh kiên nhẫn giải thích cho cô, còn điều gì chưa chắc anh dặn cô hỏi cha sau buổi học. Cha Khanh dạy lớp giáo lý dự tòng của Yến là một cha già về hưu, yêu văn hóa và thích làm thơ. Nụ cười hiền luôn nở trên môi và sự kiên nhẫn với những câu hỏi hóc búa nơi học viên của cha đã để lại ấn tượng mạnh trong cô. Hôm đó sau giờ học cô nán lại lí nhí hỏi thăm như sợ mọi người nghe thấy.
- Cha ơi, Thiên Chúa có biết trước Đức Trinh Nữ Maria sẽ đồng ý khi sứ thần nói lời truyền tin không? Nếu Người biết trước thì còn gì là Mầu Nhiệm Nhập Thể hả cha?
- Con có biết, lúc sứ thần truyền tin, cả triều thần thiên quốc nín lặng, trông chờ lời đáp “Xin vâng” của Mẹ không?
- Vậy thì Đức Mẹ đâu có chọn lựa nào khác thưa cha, vì Mẹ cũng chỉ là một tạo vật của Chúa mà thôi.
- Mẹ có sự tự do hoàn toàn và Mẹ cũng có thể từ chối sứ thần và không nói lời xin vâng con ạ. Đúng là Mẹ chỉ là tạo vật của Chúa nhưng trong tâm thức của dân Israen bấy giờ, hơn bao giờ hết mọi người luôn mong ngóng Thiên Chúa thực hiện lời hứa cho Đấng Thiên Sai xuống cứu độ nhân trần. Do đó theo tâm lý và ý thức sứ mạng cao cả, Mẹ đã không ngần ngại nói lời xin vâng khi sứ thần truyền tin. Dù biết rằng nó quá sức với Mẹ, nhưng Yến thấy không, Mẹ luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự quan phòng kì diệu của Thiên Chúa.
Những giờ cùng Minh Tham dự thánh lễ, những mẩu chuyện với cha Khanh đã giải tỏa trong cô nhiều thắc mắc, nó dẫn cô đến một quyết định lớn lao cho cuộc đời. Vì cô cảm nghiệm được sự lan tỏa trong lòng, một tình yêu mãnh liệt xâm chiếm tâm hồn cô. Yến thực sự bị gây ấn tượng mạnh với cú ngã ngựa của Thánh Phaolô trên đường Đamas xưa trong bài giảng của cha già Khanh nên cô chưa bao giờ hối tiếc về quyết định của mình, vì cô biết rằng, sau lưng cô còn có Thiên Chúa qua sự trợ giúp âm thầm của cha cô và sự tin yêu của Minh, bấy nhiêu đó với Yến đã là hạnh phúc.