Người vẽ hi vọng

Văn thơ Công giáo

(Mã số 18-147)
Những ngày nghỉ sau lễ thụ phong, không ai biết anh đi đâu? Trong Dòng anh vẫn có biệt danh là “họa sĩ bí hiểm”. Anh ít nói nhưng khi cần pha trò thì nói rất nhiều, nói một cách dí dỏm khiến cho người nghe muốn nghe hoài và nhiều lúc phải bật cười. Chẳng ai có thể đoán được những sáng kiến của anh. Anh “tỉnh” đến nỗi dám chế lại cả cái tật “rằng... thì... là...” của cha giáo. Ngày tiến lên bàn Thánh, anh là người duy nhất không có ông bà cố đi bên cạnh, chỉ có mấy người bạn thân và nhóm sinh viên anh giúp.
“Các con hãy nhận lấy Phúc Âm Đức Kitô mà các con sẽ trở thành người rao giảng, con hãy biết là con phải tin điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy”. Lời của Đức Giám mục vang lên chầm chậm như ba giọt nước nhỏ vào tai, nó man mác len lỏi vào mọi ngõ ngách từng thớ thịt trong anh. Bên ngoài, vẻ mặt an nhiên vẫn toát ra trên đôi mắt và vầng trán rộng. Bỗng hình ảnh “người họa sĩ” vẽ chiếc lá thu vàng cho người phụ nữ bất hạnh trong “chiếc lá cuối cùng” của O’Henry hiện ra trong tâm trí anh. Vẽ là đam mê của anh từ thủa nhỏ, nhưng anh còn một khát vọng lớn hơn là có thể vẽ được niềm “Hy Vọng” trong tâm hồn những người nghèo của Chúa. Họ có thể nghèo đức tin, nghèo ân sủng, tình thương, sức khỏe, tự do, tri thức hay vật chất... Nhiệm vụ ấy cao cả mà cũng đầy thách đố cho anh trên lối đường đã chọn. 
Kinh tạ ơn kết thúc, Đức Giám mục ban phép lành cuối lễ, người người ùa ra chúc mừng các tân chức. Họ đi mà chẳng khác gì chạy. Mai thúc khuỷu tay Lan Anh và nháy nhìn cả nhóm.
- Chúc mừng Thầy... À, mà... con quên...- Tuấn chỉnh lại- Chúc mừng cha. 

Mai thì diễn tả sự ngượng nghịu của mình: 
- Eo ôi, gọi thầy quen rồi, giờ kêu cha cứ như gà mắc tóc trong cổ họng ấy, hay thầy miễn chuẩn cho con được không? Để về nhà con tập lại đã. 
Anh cười dí dỏm. Lan Anh hý hửng cầm bó hoa chạy lại, nghiêng bên phải rồi ngó bên trái chiếc áo lễ vẫn còn thơm mùi vải mới. Mọi người cười ngả nghiêng trước điệu bộ của Lan Anh. Lan Anh vẫn có khiếu làm mọi người cười như thế mỗi khi nhóm tụ tập. Bỗng cả nhóm cất lên bài hát: “Chúc mừng chúc mừng ngày vui...”, giữa hội trường, ai cũng phải ghé nhìn đám bạn trẻ bên “ông cha trẻ”. Thấy vậy, Hùng lấy tay suỵt:
- Đây là nhà tu, đâu phải chốn tự do của tụi mình mà mà hát với hò. Nay là ngày vui của cha, đông người cực độ, lát nữa ra ngoài sở thú thao hồ mà hát với ca.
- Hôm nay, “kế hoạch B” được không cha?- Tuấn vừa hỏi vừa nháy mắt cả đám.
- Cám ơn các bạn rất nhiều vì đã đồng hành và cầu nguyện cho thầy trong suốt thời gian qua… Hôm nay bỏ đi thì thì không được rồi. Thầy sợ anh em trong Dòng sẽ viết thông báo “tìm cha lạc” mất. 
Cả lũ cười vang và không năn nỉ nữa.
- Mà ngày mai cũng là sinh nhật nhóm, có chỗ này hay lắm, không biết mấy đứa có hứng thú không?
Cả nhóm háo hức như đàn cá lóc gặp cơn mưa rào. Từ ngày anh nhận đồng hành với nhóm sinh viên này dường như cái “chủ nghĩa xê dịch” đã ngấm vào huyết quản từng thành viên. 
* * *
Vậy là anh về làng nhưng không phải một mình như những lần hiếm hoi trước. Làng đón anh như đón đứa con cưng. Anh thấy mình chẳng khác gì đứa trẻ của ba mươi ba năm về trước. Ba mươi ba năm là thời gian đủ cho một thế hệ già đi và một thế hệ khác ra đời. Những đứa trẻ trong làng chỉ còn được nghe ba mẹ chúng kể về gia đình ông K’Thích như một mẫu gương, ông tốt bụng nên “Yàng” thương cho có người cháu ruột đi tu làm cha. Anh nhận ra bức tượng Đức Mẹ đầu làng. Nay một cái trạm phát thuốc được xây lên bên cạnh trông bớt hoang sơ hơn. Bức tượng không còn nguyên vẹn như xưa. Có lẽ mưa nắng, thời gian đã làm cho bức tượng loang lổ, khuôn mặt Đức Mẹ ngang dọc những vệt chằng chịt như những nếp nhăn của một bà mẹ quê già nua. Đôi tay Mẹ cụt luôn nhưng ai đó đã khoác lên hai cái mỏ mấy cỗ tràng hạt bạc phếch màu thời gian...
Chiều...
Sau khi nhóm văn nghệ “tự phát”của thôn 13 ra về, tiếng trẻ khuất dần sau con dốc, trên chiếc võng tự chế bằng bao bố cột chặt vào thân hai cây dầu già bên ngôi nhà nguyện nhỏ, có cô bé ngồi gọn lỏn, đôi chân đen nhẻm đu đưa như chờ đợi ai đó:
- Ai đưa con đến đây? 
- Con tự đi ạ.
- Nhà con ở đâu?
- Kia kìa chú!- Ngón tay nhỏ xíu chỉ về phía đồi cafe.
- Con tên gì?
- Dạ, Hải. Mẹ con nói Hải là biển, phải không chú?
- Ừ, đúng rồi đó, biển xinh như con vậy! 
Nó cười hì hì hồi lâu như thể lâu lắm rồi mới có người khen.
- Sao con không về cùng các bạn?
- Mẹ con đi làm mướn xa, về muộn lắm, chú cho con ở lại đón Trung Thu được không?
Anh vừa gật đầu vừa mỉm cười với nó. Nụ cười hiền như người cha trong trí tưởng tượng của con bé. Chiều Đamb’ri se lạnh, ngó thấy đôi chân trần, anh quay đầu nhìn nó hỏi trìu mến:
- Dép con đâu?
- Dạ rách rồi, chờ mẹ mót được nhiều cà, bán có tiền, mẹ sẽ mua dép mới cho con. 
Anh lặng im không nói. Bên ngoài, một đám mây vật vờ, xám xịt đang trôi về phía làng.
Tối...
Mưa, cơn mưa thu vội vã đến rồi đi như chiều lòng người. Bên ngoài ngôi nhà nguyện nhỏ nhộn nhịp tiếng nói cười của trẻ nhỏ. Lâu nay, lũ trẻ trong làng này chỉ biết đến trung thu qua chiếc tivi bé xíu của nhà ông Năm. Chúng thèm thuồng được một lần thấy ông địa, đầu lân, đèn lồng... đứa nào cũng đếm từng ngày, mong cho mau đến rằm trung thu vì nghe người lớn nói, sẽ có người tổ chức Trung Thu hoành tráng cho chúng ngay tại làng. Và cuối cùng, giây phút chờ đợi đã đến...
Mấy nhóc đến sau thở hổn hển, rồi xếch dép ra gốc câu dầu đập đất, cơn mưa làm đất đỏ dính chặt vào dép chúng. Đêm Trung Thu không trăng, những bóng điện mà anh và mấy bạn sinh viên chuẩn bị ban chiều đủ sáng rực cả một khoảng không mù mịt giữa núi rừng. Lũ trẻ ngoan ngoãn ngồi xệp xuống nền sân đổ sỏi, cổ đứa nào cũng nghển lên, mắt long lanh như thể chuẩn bị xem chiếu bóng. Hai anh em nhà cuội lần lượt xuất hiện với màn chào hỏi, rồi trống, lân, đèn lồng và bong bóng được trao cho các em. Một chùm sáng nối đuôi nhau kèm theo âm thanh vang dội phá tan cái tĩnh mịch của làng.“Ông Địa” phe phẩy cái quạt tiến sát bắt tay từng đứa trẻ. Anh soi thấy mình trong ánh mắt của chúng, rồi như đo thấy một khoảng cách vô hình nhưng dài vô tận giữa lũ nhóc nơi đây với đám “cục cưng” con nhà giàu nơi thành phố. Những ánh mắt, rụt rè ngây thơ như thế luôn cuốn hút rồi cứ theo anh vào những bức vẽ từ thủa còn đi tông đồ Miền Tây.
Sau một vòng nhảy lân và rước đèn quanh làng, dép đứa nào đứa nấy nặng một ụ đất, nhưng không bận tâm vì còn háo hức xem văn nghệ. Lan Anh và Hùng đã nhanh trí óm được mấy em dạn dĩ hơn tập tành được vài tiết mục bỏ túi từ chiều qua. Mấy phụ huynh đưa con đến đứng xa xa như ngạc nhiên vì giọng hát cao vót và ngang phè của thằng K’Long. Còn hai chị em nhà Nick, Sương và Hạnh thì múa cũng dẻo lắm, ai cũng phải trầm trồ. Mấy người già còn nhận ra anh thì cứ gật đầu, đầy vẻ tự hào bởi anh cũng là đứa con của làng này. Mấy cô cậu sinh viên ngạc nhiên khi thấy anh trò chuyện bằng tiếng dân tộc. Khuôn mặt họ mừng xiết như thể đã quá lâu không gặp lại một người thân quý. Có những ông già, bà già vẫn cố lết hai chiếc nạng tiến lại, tay bắt mặt mừng, miệng thì không ngớt “ơ bèp, ơ bèp!” (lạy cha, lạy cha ạ!), lũ trẻ thì truyền tai nhau: “Bèp sơnđàc bol hi ngăn!” (ông cha thương tụi mình lắm!) 
Khuya...
Cao nguyên sương xuống lạnh, anh chợt nhớ Chúa nói: “Nước Trời dành cho những ai có tâm hồn trẻ thơ”. Anh biết chắc một đêm Trung Thu hay một vài chuyến từ thiện trong cuộc đời chưa thể đủ giúp các em và những người nghèo của Chúa định nghĩa được thế nào là Nước Trời, nhưng anh tin tưởng những gì mình và những bạn trẻ kia đang làm vẫn có thể như những hạt giống đang gieo vào lòng đất. Trên mỗi mảnh đất anh đến, hay trong tâm hồn những người anh gặp, anh không cần biết tấm lòng của mình sẽ trôi về đâu, nhưng chắc chắn ở một nơi nào đó, tấm lòng ấy sẽ trổ sinh hoa trái. Anh ôm cây ghita ra ngồi với nhóm sinh viên bên đống lửa gần tàn. Ngước nhìn trời đêm, trăng ẩn khuất đâu đó, nhưng mấy ngôi sao nhỏ vẫn ánh lên đầy hy vọng cho một ngày mai tươi sáng.
***
Từ trạm phát thuốc chạy vào làng khoảng 3 km, hoa cafe phủ trắng xóa một vùng đồi núi. Thung lũng nhỏ ôm làng lọt thỏm. Từ đỉnh dốc nhìn xuống, làng nhỏ dần như một dấu chấm chơi vơi giữa khoảng không, làng tách biệt với thế giới bên ngoài bởi những con dốc dựng đứng lởm chởm đá bôxít. Hai bên đường là những gốc cafe vối lâu năm bị bỏ hoang đứng trơ trơ như thách thức với mùa khô đang tới. Phía cuối làng là hơn một trăm ngôi mộ đắp bằng đất, qua mỗi mùa mưa là những nấm mộ tròn tròn biến dạng như những bắp tay, bắp chân của những người dân trong làng. Cây Thánh Giá làm bằng thân cây cafe sần sùi nghiêng ngả giữa những bụi lau phất phơ trong gió chiều hanh hanh.
Anh sinh ra ở làng nhưng không lớn lên ở đó, anh là con người cùi nhưng con vi rút hansen không có trong anh. Anh đã quên đi nhiều thứ về làng chỉ có kí ức về Bức Tượng Mẹ Cùi thì vẫn vẹn nguyên. Đó là dấu ấn đi liền với cuộc đời anh. 
Ba mươi năm trước, vào một ngày tháng mười một, hai vợ chồng kia từ thành phố xuất hiện ở làng, họ đi thăm nhiều người bệnh, quan tâm từng gia đình không kể người Kinh hay Châu Mạ, ai cũng được chia sẻ chút gạo, chút muối. Cuối năm ấy, họ về làng với nhiều người hơn, rồi tổ chức cùng bà con làm con đường rộng từ mặt lộ Gia Lộc vô làng. Con đường hoàn thành vào ngày áp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm 08/12. Đó là món quà tặng mà Bà Mẹ Trên Trời gửi cho những đứa con đang bị cách biệt và trói buộc bởi muôn vàn nỗi oan khiên do căn bệnh quái ác kia. Họ đặt một bức tượng ở đầu làng, rồi họ cũng chính là người mang anh rời khỏi làng... Với trí vẽ của một đứa trẻ thì nó hiểu rằng họ mang bức tượng người Phụ Nữ kia đến để đổi lấy cậu. Cậu bé năm tuổi ấy đã khóc thét lên trước khi lên xe cùng hai người lạ mặt. Cậu biết mình không thể làm gì và cũng không hiểu những người lớn đang nghĩ gì. Cậu ngoái nhìn Bức tượng Người Phụ Nữ đầy hờn giận, nhưng bà vẫn mỉm cười. Cậu muốn hét vào tai Bà, để bà biến đi, để cậu được về với ba và nội.
Suốt một thời gian dài cậu mới làm quen được với hai người lạ mặt mà không lâu sau đó cậu gọi họ là ba mẹ. Chẳng có gì có thể cảm hóa tâm hồn một đứa trẻ nhanh hơn tình thương. Cậu có một gia đình mới và nơi đó cậu gặp lại bức tượng Người Phụ Nữ kia. Dù vẫn còn giận, nhưng cậu không gào lên được vì lúc nào Bà cũng mỉm cười với cậu. Một nụ cười hiền như mẹ cậu lúc sống. Nụ cười ấy ngọt ngào hơn cả những chiếc kẹo mút mà mấy đứa trẻ con thành phố hay nhâm nhi.
Thời gian róc rách chảy trôi như con suối, tâm hồn trẻ thơ cũng trong như dòng nước ấy, những vẩn đục, nhớ thương, giận hờn mau quên trong chớp mắt nhờ tình thương của ba mẹ nuôi bù đắp. Cậu bé được đi học và bắt đầu có những người bạn. Ngày nào cậu cũng đến nhà thờ cùng ba mẹ. Và một thế giới linh thiêng bắt đầu được nuôi dưỡng trong tâm hồn cậu. 
Suốt những năm học cấp I, hè nào cậu cũng được đưa về thăm làng. Cậu được gặp lại ba và nội. Những ngày ở lại làng, kết quả là cái đầu trọc lóc. Trấu cafe bụi bặm và cái mùi thơm nồng của hương cà quện vào cậu. Cậu nhìn những người cùi cắt tóc cho nhau mà tự hỏi: “Bao nhiêu lần cắt tóc mới đủ vun thành đống chấu cà phê trước cửa nhà họ?”. Cậu theo những đứa trẻ trong làng chăn trâu bên sườn rẫy. Chúng chơi ở nghĩa địa, mặc lũ trâu bò gặm cỏ thoải mái trên những “chiếc giường” của người chết. Cậu đang rợn rợn thì mấy chú bò chợt giương mắt nhìn cậu, nó phì vào mặt cậu như muốn nói: “Cậu quá may mắn so với cậu chủ của tôi rồi...”. Cặp sừng của con trâu nhà bạn Dỉn như hai dấu hỏi úp vào nhau. Bao nhiêu thắc mắc về làng trong cậu như khựng lại. Và cậu biết cậu cũng sinh ra từ chốn này.
Chẳng có người ông nào lại nỡ rời xa đứa cháu của mình, nhưng khi đó vì tương lai của anh, nội và ba đành trao anh cho hai vợ chồng lạ tốt bụng. Họ không có con, chính họ đã cho dân làng biết đến “Yàng”, Đấng không bao giờ bỏ quên những con người nghèo khổ, bệnh tật... Ngày anh vào lớp bảy, nội mất, ba không còn đi lại được. Anh không về kịp để nghe giọng nội lần cuối, nơi cánh tay còn sót lại trên thi thể nội, anh vẫn thấy một cỗ tràng chuỗi gỗ với hình Mẹ Ban Ơn. Anh thầm cám ơn ba mẹ đã không bao giờ cấm cản mỗi khi anh muốn về làng, và họ cũng chẳng bao giờ muốn giấu anh bất cứ điều gì về nguồn gốc của mình. Bởi họ là Kitô hữu, trái tim và tấm lòng họ có Chúa, để anh được có Chúa và thuộc về Chúa như ngày hôm nay.
Có nhiều kỷ niệm xuyên suốt cuộc đời anh về ba mẹ nuôi, nhưng anh vẫn thích nhất khi ai đó nói anh rất giống mẹ, giống từ một phần ngoại hình với khuôn mặt bầu bầu, rồi cái nốt ruồi ở tay ăn vay cả đời... đến tâm tính (chỉ ngoại trừ cái máu lang bạt kỳ hồ là do anh xin được của ông Trời), ba anh thường đùa thế. Chẳng lạ gì khi anh cũng có cảm quan màu sắc giống hệt như mẹ. Anh thích những màu tôi tối và ẩn khuất. Khi sửa lại căn nhà ven thành phố, ba cho hai mẹ con chọn màu sơn, màu gạch và cả hai cùng hài lòng với màu mộc giản dị. Vậy là ngôi nhà chỉ có một màu nổi bất duy nhất đó là cụm hoa violet tím mà cậu Phú, em út của mẹ trồng tặng, mừng ngày chuyển về nhà mới.
Những lần ba mẹ tổ chức những chuyến từ thiện nơi vùng xa, anh cũng lục đục ba lô đi theo. Ngôi nhà nhỏ lại lặng lẽ khép đó. Ba mẹ anh đã vắt cạn ước mơ của mình để chia sẻ với những con người bất hạnh mà chưa một lần biết mặt đặt tên. Họ cũng đã ươm trồng rồi vun vén cho ước mơ của anh thành hiện thực. Nhưng ngày anh tiến lên bàn Thánh, tất cả những người thân yêu của anh chỉ có thể nhìn anh từ Trời Cao. Đêm ấy, chiếc xe cẩu điên dại cắt dọc làm đôi chiếc xe con chở mười hai hành khách trên đường Sài Gòn - Bảo Lộc, đã mang ba mẹ anh đi. Anh thưa với Chúa: Tại sao Chúa lại gọi ba mẹ con đi lúc này? Anh bật khóc. Chúa vẫn thinh lặng. Mẹ cũng lặng thinh. Những năm tháng trong Dòng, anh đã được tiếp cận nhiều giáo huấn về Thánh giá, nhưng biến cố ấy anh mới thực sự đụng chạm tới thực tế của đau khổ, mới cảm nhận được chính trong bản thân mình sự nhói buốt của nó. Anh biết niềm tin trong anh vẫn là niềm tin của con người trần thế bé bỏng, chịu tác động của hoàn cảnh và chập chờn trước sóng gió. Thì hơn ai hết con người ấy cần được Thiên Chúa nâng đỡ, “mà sự nâng đỡ của Thiên Chúa thường đến qua con người”. Chính ba mẹ anh đã tâm niệm và dạy anh điều đó. Anh em trong Dòng trở thành gia đình, người thân cho anh. Và nhất là tình nghĩa của những người dân làng cùi. Nỗi đau trong anh dịu lại vì biết mình được chia sẻ nỗi đau với Mẹ dưới chân thập giá. Ba mẹ anh đã và sẽ mãi là những thợ gặt, sẵn sàng gieo, mục nát, để anh được nảy mầm, sinh trưởng rồi trổ bông. Họ dạy anh nhận ra đường lối khôn ngoan của Chúa trong chính kinh nghiệm cuộc đời mình.
***
Cơn gió nhẹ mang theo làn sương mỏng làm cây nến nhỏ bập bùng trong căn nhà nguyện nhỏ. Anh giật mình về với hiện tại, trang quá khứ đã quá dài nhưng anh không thấy chán ngán vì đâu đâu anh cũng thấy dấu vết của Chúa. Anh sực nhớ đến Thánh lễ ngày mai, Thánh lễ đầu tay ở nơi anh đã được sinh ra. Anh quỳ xuống trước bức tượng Đức Mẹ và xướng lên lời kinh Magnificat. Trên hành trình xa tắp mà hôm nay mới là khởi điểm, anh mới thấy được quyền năng thực sự của lời ca ngợi. Lần nữa anh phó mình vào bàn tay ân cần nâng đỡ của Mẹ. Sau Thánh lễ sớm mai anh sẽ trở về để nhận nghi thức sai đi.
Hai người bạn cùng lớp với anh có bài sai sang Lào, còn anh ở lại, mong âm thầm như nắm men trong bột, hy vọng có ngày bột dậy men trên dẻo đất tận cùng Tổ Quốc.
***
Nhiều năm sau...
Ước nguyện năm xưa đã thấp thoáng ánh nắng của mùa xuân, sau những năm tháng miệt mài cho đi... Trong Thánh Lễ tạ ơn hai mươi lăm năm Linh mục, vị chủ tế đang nhắc lại lời dặn dò những tân Linh mục năm xưa: “Các con hãy nhận lấy...”
Bên dưới gian cung Thánh, trong đám đông tín hữu, có người nữ tu trẻ rưng rưng tự sánh ví: “Linh mục, sao giống người họa sĩ vẽ chiếc lá hy vọng trong câu chuyện của O’Henry đến thế!”. Chưa bao giờ chị quên hình ảnh người cha có ánh mắt hiền hậu và đôi dép màu hồng cùng cuốn truyện tranh nhỏ xinh có hình người họa sĩ đang vẽ chiếc lá phong dưới đêm trời mưa tuyết. Chị đã nhận được món quà ý nghĩa ấy trong đêm Trung Thu xưa. Chị nghiệm ra rằng: Trong cuộc đời mỗi người, chẳng có biến cố, hay cuộc gặp gỡ nào là vô thưởng vô phạt. Trong con mắt đức tin thì tất cả đều là những nâng đỡ âm thầm nhỏ bé nhưng thật cần thiết biết bao.