Cảm ơn vì ngọn lửa – truyện ngắn của F. Scott Fitzgerald

Quang X Nguyen
Illustration by Owen Freeman for The New Yorker

Truyện ngắn “Thank You for the Light” được F. Scott Fitzgerald gửi tới tờ The New Yorker năm 1936 nhưng bị từ chối, và sau này được đăng lần đầu trên số 6 tháng 8, 2012 của tạp chí này.

Cảm ơn vì ngọn lửa


Cô Hanson là một người phụ nữ đẹp, phần nào xuống sắc ở tuổi bốn mươi, bán áo nịt bụng và đai lưng, đi lại ngoài Chicago. Trong nhiều năm thị trường của cô xoay quanh Toledo, Lima, Springfield, Columbus, Indianapolis, và Fort Wayne, và được chuyển đến vùng Iowa-Kansas-Missouri coi như là thăng tiến, vì công ty cô có mạng lưới vững chắc hơn ở miền Tây Ohio.

Ở miền Đông, cô đã quen với khách hàng một cách thân tình và thường xuyên được mời cốc rượu hay điếu thuốc trong văn phòng của khách khi giao dịch đã xong xuôi. Nhưng cô sớm nhận ra ở khu vực mới mọi chuyện lại khác. Không chỉ chưa bao giờ được hỏi cô có muốn hút thuốc không mà nhiều lần chính câu hỏi của cô rằng thế có phiền ai không còn được trả lời một cách nửa ái ngại rằng “Không phải là tôi để bụng, nhưng mà nó ảnh hưởng xấu đến nhân viên.”

“Ồ, tất nhiên rồi, tôi hiểu.”


Hút thuốc đối với cô đôi khi mang nhiều ý nghĩa. Cô làm việc vất vả và nó có khả năng giúp cô nghỉ ngơi và thư giãn về mặt tâm lý. Cô đã góa chồng và không có người thân thích để viết thư mỗi tối, và hơn một bộ phim một tuần làm mắt cô nhức mỏi, nên hút thuốc trở thành một dấu câu quan trọng trong câu văn dài của một ngày trên đường.

Tuần cuối trong chuyến đi đầu trên vùng đất mới cô ở Kansas City. Giữa tháng Tám và cô cảm thấy có phần cô đơn giữa tất cả các mối liên lạc mới, nên cô vui khi thấy ở bàn làm việc bên ngoài của một công ty một người phụ nữ mà cô quen ở Chicago. Cô ngồi xuống trước khi tự giới thiệu và trong lúc trò chuyện tìm hiểu được một chút về người đàn ông cô chuẩn bị gặp.

“Tớ mà hút thuốc hắn có để ý không?”

“Sao? Chúa ơi, có chứ!” bạn cô nói. “Hắn được trả tiền để ủng hộ luật chống thuốc lá đấy.”

“Ồ. Tớ rất biết ơn vì lời khuyên đấy—hơn cả biết ơn.”

“Tốt hơn là ở đây cậu nên coi chừng,” bạn cô nói. “Nhất là với đàn ông trên năm mươi. Những ai không đi lính. Có một gã bảo tớ là không ai đi lính mà lại phản đối người ta hút thuốc cả.”

Nhưng ở chính điểm đến tiếp theo cô Hanson lại gặp trường hợp ngoại lệ. Trông anh ta có vẻ là một chàng trai trẻ dễ tính nhưng đôi mắt lại dán chặt một cách đầy say mê lên điếu thuốc mà cô đang gõ lên móng tay cái đến mức cô phải bỏ nó đi. Cô được đền đáp khi anh ta mời cô đi ăn trưa và trong giờ ăn cô kiếm được một đơn hàng đáng kể.

Sau đó, anh ta nhất định đòi đưa cô đến cuộc hẹn kế tiếp, dù cô đã định lựa một khách sạn trong khu và hút vài hơi trong phòng vệ sinh.

Đó là một trong những ngày đầy chờ đợi—ai cũng bận, cũng muộn, và có vẻ như khi khách xuất hiện thì đấy là những gã đàn ông mặt cau có, không ưa sự nuông chiều bản thân của người khác, hoặc những người đàn bà tự nguyện hay không tự nguyện chiều theo tư tưởng của những gã này.

Cô chưa hút từ bữa sáng đến giờ và bỗng nhiên cô nhận ra chính vì thế mà cô có một cảm giác bất mãn mơ hồ cuối mỗi cuộc gọi, bất kể chuyện kinh doanh có thành công ra sao.

Cô sẽ nói, “Chúng ta nghĩ chúng ta phụ trách một lĩnh vực khác. Nó toàn là cao su với vải bố, tất nhiên, nhưng chúng ta có thể kết hợp theo một cách khác. Tăng ba mươi phần trăm trong quảng cáo toàn quốc một năm là thấy.”

Và với mình cô nghĩ, giá mà được ba hơi thì mình có thể bán cả whalebone kiểu cũ.

Bây giờ cô chỉ còn một cửa hàng cần đến nhưng nửa tiếng nữa mới đến giờ hẹn. Như thế là vừa đủ để về khách sạn nhưng, vì không thấy chiếc taxi nào, cô bước dọc con phố và nghĩ, Có lẽ mình nên bỏ thuốc. Mình sắp thành con nghiện.

Trước mặt, cô thấy nhà thờ chính tòa Công giáo. Trông nó rất cao, và bỗng nhiên cô nảy ra một ý: nếu bao nhiêu hương khói đã theo các ngọn tháp chóp lên nơi Chúa thì một chút khói thuốc trong tiền sảnh cũng không khác gì. Làm sao Đức Chúa có thể quan tâm chuyện một người đàn bà mệt mỏi hút vài hơi trong tiền sảnh?

Thế nhưng, dù không phải tín đồ Công giáo, ý nghĩ ấy vẫn làm cô thấy xúc phạm. Có được điếu thuốc có quá quan trọng không, nếu nó có thể xúc phạm đến nhiều người khác?

Nhưng mà. Người đâu quan tâm, cô vẫn nghĩ. Thời của Người, họ còn chưa tìm ra thuốc lá….

Cô vào nhà thờ; tiền sảnh tối, và cô lần tìm diêm trong cái túi cô mang nhưng không có que nào.

Mình sẽ đến lấy lửa trên cây nến, cô nghĩ.

Bóng tối của nhà thờ chỉ bị gián đoạn bởi một đốm lửa phập phùng trong góc. Cô bước dọc hành lang về phía bóng trắng mờ, và thấy nó không phải được thắp sáng bởi nến và, dù sao đi nữa, cũng sắp tắt—một ông già đang sắp sửa thổi ngọn đèn dầu cuối cùng.

“Đây là đồ dâng lễ,” ông nói. “Ban đêm chúng tôi tắt nó đi. Chúng tôi nghĩ để dành nó cho hôm sau thì ý nghĩa với những người đem đến hơn là cứ để nó cháy cả đêm.”

“Tôi hiểu.”

Ông thổi ngọn đèn cuối. Trong nhà thờ bây giờ không còn chút ánh sáng nào, trừ một ngọn đèn chùm chạy điện ở trên cao và ngọn đèn lúc nào cũng cháy trước Bí tích.

“Chúc chị ngủ ngon,” ông quản thờ nói.

“Chúc ông ngủ ngon.”

“Tôi đoán chị đến đây cầu nguyện.”

“Vâng, đúng vậy.”

Ông đi vào phòng để đồ. Cô Hanson quỳ xuống và cầu nguyện.

Đã lâu rồi cô chưa cầu nguyện. Gần như không biết cầu gì nên cô cầu cho ông chủ của mình, và cho các khách hàng ở Des Moines và Kansas City. Cầu xong, cô quỳ đứng trên gối. Một bức Madonna nhìn xuống cô chằm chằm từ một hốc tường, trên đầu cô hai mét.

Cô mơ hồ thấy nó. Rồi cô đứng dậy và hạ mình đầy mệt mỏi xuống góc băng ghế. Trong tưởng tượng của cô, Đức Mẹ đồng trinh bước xuống, như trong vở “Phép lạ,” thế chỗ cô và bán áo nịt bụng và đai lưng cho cô và cũng mệt mỏi, không khác gì cô. Rồi chắc hẳn trong ít phút cô Hanson đã ngủ.

Cô tỉnh dậy nhận ra có gì đó đã thay đổi, và dần dần cô ý thức được một mùi hương quen thuộc, không phải khói hương trong không khí, và ngón tay cô rát. Rồi cô nhận ra điếu thuốc mình đang cầm trong tay đã được châm—đang cháy.

Vẫn còn quá ngái ngủ để suy nghĩ, cô hít một hơi để giữ lửa. Rồi cô nhìn lên cái hốc tường mập mờ của Madonna trong nửa bóng tối.

“Cảm ơn vì ngọn lửa,” cô nói.

Thế có vẻ chưa đủ, nên cô quỳ xuống gối, khói cuộn lên từ điếu thuốc giữa các ngón tay cô.

“Cảm ơn thật nhiều vì ngọn lửa,” cô nói.

—1936


F. Scott Fitzgerald, “Thank You for the Light,” I’d Die for You and Other Lost Stories, ed. Anne Margaret Daniel (Scribner, 2017).

Copyright © 2017 by Trustees of the Fitzgerald Estate | Bản dịch © 2017 Nguyễn Huy Hoàng.