Kinh truyền tin

Quang X Nguyen


------------------------------
Bách Khoa Toàn Thư mở Wikipedia ghi nhận:
Kinh Truyền Tin là một trong những kinh nguyện tôn kính Đức Mẹ Maria của Giáo Hội Công Giáo. Kinh này tường thuật việc thiên thần truyền tin cho Maria rằng cô sẽ mang thai Đấng Cứu Thế là Giêsu qua quyền năng của Chúa Thánh Thần.

Kinh này thường được đọc vào khoảng 6 giờ sáng, 12 giờ trưa và 6 giờ chiều. Trong Mùa Phục Sinh, kinh này được thay thế bằng kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng (Regina Coeli). Các Giáo Hoàng thường đọc Kinh Truyền Tin trọng thể với Giáo Dân hành hương Vatican vào trưa Chủ Nhật hàng tuần.
Bản Tiếng Việt:
Người xướng: Đức Chúa Trời sai thánh thiên thần truyền tin cho rất thánh Đức Bà Maria.
Người đáp: Và rất thánh Đức Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần.
Đọc chung: Kính mừng Maria... Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…
Người xướng: Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời
Người đáp: Tôi xin vâng như lời thánh thiên thần truyền.
Đọc chung: Kính mừng Maria... Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…
Người xướng: Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người.
Người đáp: Và ở cùng chúng con.
Đọc chung: Kính mừng Maria... Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…
Người xướng: Lạy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời xin cầu cho chúng con.
Người đáp: Đáng chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa
Đọc chung: Lạy Chúa, chúng con xin Chúa ban ơn xuống trong linh hồn chúng con, là kẻ đã nhờ lời thánh thiên thần truyền, mà biết thật Chúa Kitô là Con Chúa đã xuống thế làm người, thì xin vì công ơn Con Chúa chịu nạn chịu chết trên cây Thánh giá cho chúng con ngày sau khi sống lại, được đến nơi vinh hiển, cũng vì công nghiệp Chúa Kitô là Chúa chúng con. Amen.

-------------------

Như Wikipedia đã ghi lại, đây là kinh của Giáo Hội Công Giáo nhằm tôn kính Đức Mẹ và cũng nhằm giúp người tín hữu ôn tập và suy ngẫm mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa Giêsu. Kinh được đọc vào lúc 6g00, 12g00 và 18g00 mỗi ngày. Khi tiếng chuông vang lên, mọi người dù ở đâu, đang làm gì cũng tạm ngưng công việc của mình lại mà đứng lên với vẻ cung kính nghiêm trang cùng đọc kinh, mặt hướng về phía ngôi thánh đường của Giáo xứ mà cử hành kinh nguyện. 
Tiếng chuông theo tiếng kinh đi vào nếp sinh hoạt của xã hội, tiếng chuông đi vào lòng người trở thành tiếng gọi nhắc nhở lương tâm con người thức tỉnh trước mọi mưu chước cám dỗ của tội lỗi. Tiếng chuông báo hiệu những thời khắc cần thiết, sáng sớm tiếng chuông báo hiệu giờ lao động, buổi trưa nghỉ tay công việc đồng áng dùng cơm trưa, buổi chiều chấm dứt một ngày lao động trở về nhà.

Sau năm 1975, khi người CS chiếm toàn bộ miền Nam, nhà cầm quyền không cho Nhà Thờ giật chuông, họ cho rằng như thế sẽ làm mất giấc ngủ của mọi người. nét đẹp sinh hoạt tôn giáo này bị lấy mất. Ban đầu người ta nhớ và cảm thấy hụt hẫng khi không còn tiếng chuông báo thức, tiếng chuông quen thuộc, tiếng chuông truyền tải sứ điệp yêu thương, tiếng chuông nhắc điều trọn lành… Lâu dần, các thế hệ liên tiếp ra đời, họ không có ký ức về tiếng chuông, họ không có thói quen sống với tiếng chuông và cũng quen rồi cuộc sống không lời nhắc nhở!


Khi một vài nơi thực hiện lại giờ kinh nguyện, tiếng chuông Nhà Thờ vang lên, có bạn trẻ đã cho rằng không đúng, theo bạn ấy giờ kinh Truyền Tin này chỉ dành riêng cho đời sống tu, không phải là của đời sống người tín hữu, vì thế chỉ nên thực hiện trong phạm vi nhà tu! Thật đáng tiếc! Bạn ấy không có lỗi, lỗi là do người đi trước, khi một lệnh trái với đạo đức, trái với điều tốt lành đã không có ai dám phản đối, mọi người ngoan ngoãn thực hiện, hậu quả là sự tục hóa có cơ hội phát triển, khi con người đã ngụp lặn trong bầu khí ấy thì sự thánh thiêng hẳn nhiên sẽ mất.

Cần phải lên tiếng trước những điều sai trái, cần phải phục hồi lại bầu khí thánh thiêng, cần phải phân định phải trái, thiện ác trong đời sông cá nhân, cộng đoàn và xã hội. Sứ mạng người tín hữu quan trọng hơn lúc nào hết trong xã hội hôm nay.

Lm. Vinh Sơn PHẠM TRUNG THÀNH, DCCT