Con muỗi - truyện ngắn của Nguyễn Tầm Thường

Quang X Nguyen

CON MUỖI

Thân tặng quý Anh Chị trong Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình.
Ghi nhớ mười năm thành lập phong trào 1987-1997


Lần này tôi sẽ viết một bức thư lâm ly để lại cho vợ, rồi đi! Tôi đang giận vợ tôi ghê lắm, vừa bắt đầu thảo lá thư thì con muỗi vo ve bay đến. Cái tật ấy của nàng đã bao lần “chích’’ tôi cũng giống như con muỗi đang vo ve rình mồi kia. Không được đâu, tôi sẽ đập một cái cho nó chết !

Hà! Hà! Con muỗi kia, mày đến vo ve phá rối vào lúc tao đang viết “tuyệt mệnh thư’’ hả. Tao sẽ thanh toán mày ! Tôi chuẩn bị tiêu diệt kẻ thù thì nghe tiếng nó than thở. “Hôm nay đói quá, đói thế này thì chết mất”. A! Thì ra con muỗi biết nói! Thú vị quá, tôi cúi nhìn se sẽ. Cái bụng nó xẹp lép, trong như giấy bóng kiếng. Nó đứng run run. Tội nghiệp hết sức vậy đó. “ Hôm nay bị xua đuổi quá, hu... hu... Chúa ơi... hu... hu...” A! Thì ra con muỗi đang khóc, nó lại biết kêu cả Chúa ơi nữa. Ai mà không trắc ẩn trước tiếng khóc thê lương như thế, nhất là những người có tâm hồn nghệ sĩ như tôi! 

Tôi liền nhẹ nhàng đưa cánh tay ra. Nó sáng mắt lên khi ngửi thấy da thịt tôi. Như tôi thèm một tô phở thơm hơi vào lúc đói. Rung đôi cánh, nhẹ một đường bay êm như thiên thần, con muỗi đáp xuống bãi đậu. “Xin Chúa cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày.’’ À, thì ra con muỗi đọc kinh trước bữa ăn. Con muỗi này lạ quá. Một tí xíu nữa là tôi gọi nàng đến mà xem rồi. Nhưng chợt nhớ ra là tôi đang viết tuyệt thư để lại cho vợ. Tôi lại thôi, hừ, đây cũng là cách tôi trả thù nàng, không cho nàng biết con muỗi kỳ lạ thế này trên cõi đời. Một mình tôi với con muỗi thôi!


Đậu trên cánh tay tôi, con muỗi thầm thì : “Tạ ơn Chúa, đã thương cho con bữa ăn hôm nay.’’ A! Thì ra nó còn tạ ơn Chúa trước bữa ăn. Tạ ơn Chúa xong, nó cong chiếc kim rồi chích vào cánh tay tôi. Chà! Cũng đau ghê. Nhưng tôi đã quyết định tặng cho nó bữa ăn chiều, cho lời nguyện kia của nó thành sự thật. Cứ cho là Chúa nhận lời cầu của nó mà gởi tôi đến cứu đói nó trong giây phút không vay nợ đâu được như thế này. Chiếc bụng nó bắt đầu hồng hào, bé tí à. So với tôi, nó chẳng khác gì một chấm nhỏ trong biển nước Thái Bình Dương mênh mông. Cho nó một tí máu thế kia có ăn thua gì.

Bất chợt, tôi nghĩ tới nàng, nàng cũng như con muỗi kia thôi, nàng cũng cần tôi để sống, vợ chồng với nhau ý mà. Một cái đau tí ti mà nuôi được con muỗi. Nàng cũng vậy thôi, chịu đựng khuyết điểm của nàng cũng giống như để cho nàng là loài muỗi “chích” một cái... Hay là mình chiều nàng một tí đi? Ái chà, thế thì hỏng mất lá thư đang viết dở mất rồi. Tôi bắt đầu nghĩ về nàng. Ừ, không ngờ cái con muỗi tí ti kia mà rắc rối. Có thể mày phá vỡ chương trình của tao, muỗi ơi. Đang lúc suy nghĩ như thế thì nó cất cánh bay lên. Cứ y như là nó đọc được hết ý nghĩ trong đầu tôi. Nó cất tiếng: “Một bài ca mới, hát lên một bài ca mới.” A! Thì ra con muỗi biết hát, nó hát tạ ơn Chúa đã cho nó bữa ăn.Cái bài hát giống y như của vợ tôi. Lắm lúc đang nhặt rau nàng hát thế. Có lần tôi đã phải quở nàng rằng , em không còn bài hát nào khác nữa hay sao. Nàng bảo, trong tình yêu thì lúc nào cũng là một bài ca mới! Hay là... con muỗi này là hồn của vợ tôi? Bỗng dưng tôi nghe tiếng nàng cười khanh khách ở nhà bếp. Chết, nàng đọc hết tư tưởng trong đầu tôi sao!

Con muỗi đã bay đi từ lúc nào. Ngồi một mình nghĩ lại câu chuyện vừa xẩy ra, thấy cũng thú vị thật. Cả chiều hôm ấy, tôi cứ miên man so sánh nàng với con muỗi. Nàng bé bỏng, tôi nghiệp, bỗng dưng tôi thấy thương nàng làm sao. Càng suy nghĩ, tôi càng muốn bỏ dỡ “tuyệt mệnh’’ thư kia. Nhưng tôi không nói ra, tôi cứ tỉnh bơ làm như còn giận nàng lắm. Chiều hôm ấy, tôi ăn cơm ít. Nàng đâu biết tâm trí tôi vẫn còn miên man nghĩ đến con muỗi. Cái cố tật ấy của nàng không bỏ được đâu. Tôi hướng ngoại, nàng hướng nội, tôi ôm đồm đủ chuyện, nàng dè dặt, tôi thích bạn bè, nàng chỉ thích quanh quẩn với gia đình. Cứ như nước với lửa, thế mà không biết sao chúng tôi lại thành vợ chồng. Tôi phải ráng mà chấp nhận. Để cho con muỗi chích hay là đập cho nó một cái? Ái chà! Khó xử ghê.

Thấy tôi không ăn hết chén cơm, nàng băn khoăn: “Mình vẫn giận em đấy à, thôi, mình cho em xin lỗi, lâu lâu em mới “chích’’ mình một cái mờ.’’ Chết chửa! Tôi giật mình, nàng nói cứ y như là hồn con muỗi đang ở trong đầu tôi,thì nàng cũng lại so sánh y như thế. Trời ơi! Điên cái đầu, chuyện gì đang xảy ra cho tôi đây. Đêm ấy, tôi thao thức không ngũ được. Tôi không dứt được hình ảnh con muỗi, tôi miên man suy nghĩ về cú chích hồi chiều tôi đã tặng nó. Thấy tôi trằn trọc, nàng tưởng tôi vẫn giận nàng lắm, nàng chúi đầu vào ngực tôi âu yếm. Á, à muốn làm hoà đấy hả. Tôi giả vờ quay mặt qua một bên. Tôi lại thấy vợ tôi giống y như con muỗi, đang lúc tôi suy tư một đề tài lớn như thế mà nàng cứ vo ve phá đám. Nhưng nàng đâu biết tôi thương nàng ghê gớm rồi.

Hôm sau, cũng đến giờ cơm chiều, con muỗi lại vo ve bay tới. Tôi im lặng theo dõi xem nó làm gì. Nó đậu xuống góc bàn, chỗ hôm qua, không thấy tô phở là mùi thơm trên cánh tay tôi nữa, nó dáo dác nhìn chung quanh. Tội nghiệp không kìa, cô đơn, lẽ bóng giống y như vợ tôi lúc đi chợ một mình. Chắc bạn đọc bảo đi chợ một mình thì có gì đâu. À, không đơn giản đâu nhé. Nàng đẩy chiếc xe đi hết vòng này qua vòng khác mua cho bằng được món nấu súp măng cua. Về đến nhà, có khi lại một mình bê đồ từ garage lên đầu. Bạn đọc ạ, chỉ tại một chiều hứng chí, tôi phán một câu bâng quơ: "Lâu ghê rồi nhỉ, mình không ăn súp măng cua.’’ Tôi nói chơi vậy thôi rồi quên bẵng, ấy thế mà nàng nhớ, nhất định nấu súp măng cua cho tôi. 
Tôi đâu biết rằng đằng sau chén súp là cả một khung trời yêu thương nàng dành cho tôi. Làm sao nàng kể hết cho tôi nghe nàng đi chợ như thế nào được. À, mà tôi quên chưa kể cho bạn lúc vợ tôi chất đồ vào chiếc xe đẩy. Nàng lấy cái receipt dài lê thê như chiều mưa không biên giới, lấy cái bút chì gạch hết một lượt xem cô cashier có tính tiền lộn không. Trời ơi, phải tôi, thì tôi đã vất ngay đi rồi. Nàng cẩn thận từng đồng một, ấy thế mà có gì sơ suất một tí là tôi cho nàng một bài học ngay. Nghĩ lại thì tôi cũng “chích’’ nàng không thua gì con muỗi kia đâu. Nghĩ tới đay, tôi thương nàng, quá đỗi.

Thế còn tờ “tuyệt mệnh’’ thư tôi đang viết dở thi sao? Chả nhẽ tôi lại bỏ dở à? Chà, rắc rối, chỉ vì cái con muỗi này làm xáo trộn nền suy tư triết học của tôi. Tôi nhìn con muỗi đang dáo dác tìm bữa ăn chiều. “Lạy Chúa, xin cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày.’’ À, thì ra nó lại cầu nguyện. Cứ cái điệu này thì tôi phải nuôi nó suốt đời quá! Nhưng mà suy cho cùng, thì từ qua đến hôm nay nó đã cho tôi bao nhiêu suy tư thú vị, mà tôi mới cho nó một tí máu, chả nhằm nhò gì. Tính ra thì tôi vẫn có lời. Nghĩ vậy, tôi sẻ sàng đưa cánh tay cho nó đậu xuống. Bất chợt, tôi lo, nếu nó truyền bệnh sốt rét cho tôi thì sao đây. Chết chửa, tôi sợ lạnh toát cả người. "Thưa ông chủ, không sao đâu.’’ Aí chà, nó nói với tôi như đọc hết ý nghĩ trong đầu tôi bạn ạ. “Mày nói gì hả muỗi.’’ “Thưa ông chủ, tôi không có bệnh sốt rét đâu, những con muỗi ngoài vườn nó ăn uống lung tung với trâu bò, gà vịt nên mới có bệnh, còn tôi, ông chủ nuôi chính bằng máu của ông chủ mà, ông chủ lại sợ chính máu của mình sao, ngày nào ông chủ đuổi tôi ra vườn bấy giờ tôi mới giống những con muỗi khác, cũng như ngày nào ông chủ đuổi bà chủ vậy.’’ Ái chà chà, con muỗi này ghê thật. Nó dám đem chuyện vợ chồng tôi ra mà ví von. Nhưng, xem chiều nó cũng có lý đấy. Bất chợt, tôi nghe tiếng nàng cười khanh khách ở ngoài nhà bếp. Chết chữa, hôm qua nàng cũng cười đúng lúc mà tôi lý luận với con muỗi. Thế này nghĩa là sao. Nếu hồn nàng trong con muỗi này thì tôi mắc cỡ chết đi được, nàng đùa giỡn với suy tư triết học của tôi!

Câu chuyện giữa tôi và con muỗi cứ tiếp tục, mỗi ngày nó cho tôi một đề tài, tôi thấy nhờ thế mà liên hệ giữa tôi và nàng khác xưa. Tôi thương vợ tôi nhiều, càng thương nàng tôi thấy như tôi thương chính tôi, cũng giống như con muỗi lý luận vậy, máu thịt tôi đó mà, có điều nó cũng quá quắt lắm, tôi phải nuôi nó hàng ngày. Một lần nọ, nó lý luận với tôi như thế này, thì hỏi rằng có ghê gớm không. Đó là sau một thời kỳ nuôi nó, tôi đâm nhàm chán. Tôi hỏi nó:
- “Muỗi này, mỗi lần mày chích đau quá, con người chúng tao ghét mày là vì thế”.

Nó trả lời:
- Thưa ông chủ, trong địa đàng cũng vậy thôi, chúng tôi cũng chích người như thế. Ngày xưa trong địa đàng chúng tôi cũng chích hai ông bà nguyên tổ. Ở đâu mà chả có những cái đau khổ nho nhỏ, đó là cuộc đời mà!

Tôi sửng sốt kêu lên:
- Ở địa đàng cũng có muỗi chích hay sao!

Nó thản nhiên trả lời:
- Thưa ông chủ, Thiên Chúa dựng nên chúng tôi trước khi dựng nên con người. Ông chủ không đọc Kinh thánh sao. Sau khi dựng nên vũ trụ, dựng nên tất cả chúng tôi, rồi bấy giờ Thiên Chúa mới dựng nên chúng tôi là phải chích người. Nếu ông chủ không muốn bị muỗi đốt thì đừng về địa đàng nữa, chúng tôi vẫn còn ở đấy. Cũng như ông chủ với bà chủ ấy, thỉnh thoảng tôi thấy hai ông bà cằn nhằn nhau mà tôi thấy tội nghiệp. Ông chủ với bà chủ cũng như muỗi chích nhau. Thưa ông chủ, cái chịu đựng của người này là sự sống của người kia đấy. Những đau khổ nho nhỏ như cú muỗi chích ấy làm sao mà tránh được, ngoại trừ đừng có nhau. Thưa ông chủ, vâng, địa đàng cũng có muỗi chích, tuỳ ông đáy, muốn vào thì vào, ông không thay đỗi được địa đàng đâu, hay là ông thay đổi chính ông đi để mà vào được địa đàng?

Thú thật với bạn đọc, tôi thấy đúng y như vậy. Làm sao tránh hết những cú “muỗi chích’’ trong đời sống hôn nhân. Nhưng, tôi là người chỉ muốn mình lý sự với người chứ không muốn ai lý sự với mình. Cho dù con muỗi nói đúng, nhưng sự thật khó nghe. Tôi phục nó đó, nhưng tôi không thương hại nó như ban đàu nữa. Tôi phải là người ban phát, chỉ bảo chứ không muốn kẻ khác lý sự với mình. Có khi kẻ khác nói đúng, nhưng tôi vẫn không muốn nghe, nó chạm tự ái tôi làm sao ấy, cũng như tôi đang ghét con muỗi kia. Nếu con muỗi năn nỉ tôi như vợ tôi thường năn nỉ tôi thì có lẽ dễ thuyết phục tôi hơn, chứ còn lý luận kiểu đó là hỏng với tôi rồi. Bây giờ tôi lại cứ phải để nó “chích’’ hàng ngày. Cho dù tôi biết, mất một tí máu chẳng nhằm nhò gì, đau một tí không thấm vào đâu, như tôi đã nói với bạn lúc nẫy, so sánh thì vẫn lợi nhiều vì nó như nhà hiền triết mỗi ngày cho tôi một suy tư, tôi thấy mình thâm trầm nhiều từ ngày nói chuyện với nó. Nhưng tôi khó chịu với ai dạy đời, nó chỉ là con muỗi bé nhắt, vậy mà lại đòi dạy tôi mới chết chứ. Thế là tôi âm mưu giết nó.

Một ngày kia, nó cũng đến như mọi ngày. Khốn cho nó, nó đâu biết hôm nay là ngày cuối đời của nó. Tôi không cần cái triết lý sống của nó nữa. Nó dạy đời tôi nhiều quá rồi. Hôm ấy, nó cũng lại đậu trên cánh tay tôi như thường lệ. Trước khi châm ngòi xuống tay tôi, nó nói:
- Thưa ông chủ, tôi biết , khi tôi “chích’’, ông chủ có hơi đau, ông chủ có mất một chút máu, nhưng tôi đã cho ông chủ bao nhiêu suy tư về cuộc đời.So sánh thì tôi cho ông chủ nhiều hơn ông chủ cho tôi đấy. Ông cho tôi chút vật chất, còn tôi, tôi cho ông những giá trị tinh thần!

Ái chà! Không ngờ nó dám lý sự vậy. Chẳng khác nào vợ tôi bảo, này anh, nhiều lúc em có làm cho anh tức mình, nhưng mà những gì em đem đến cho anh còn nhiều hơn thế bao nhiêu. Trời ơi! Giả sử vợ tôi mà nói thế thì... Vậy mà giờ đây con muỗi nhách này dám ăn nói vậy! Chưa hết, nó nhìn tôi tiếp tục nói thêm:
- Thưa ông chủ, nghĩ cho cùng, cái mà ông chủ khó chịu với tôi không phải là tiếc chút máu, cũng không phải là đau. Hồi sáng nay, ông chủ vấp chân vào cái bàn, đem so sánh thì một ngàn cái chích của tôi cộng lại cũng chưa đau bằng cái vấp ấy. Ông khó chịu không phải vì đau mà chỉ vì nhàm chán là cứ phải lập đi lập lại hàng ngày. Cũng như hồi đầu mới cưới nhau về, người ta đâu có kêu ca gì, ông hạnh phúc, bà hạnh phúc, ấy vậy mà những năm sau này, hơi chút là ông cằn nhằn, hơi chút là ông cạu cọ. Chẳng qua là vì nhàm chán nhau đó mà thôi. Tất cả hệ tại là thái độ suy tư trong tâm thức của mình.

Chết rồi nó lại dạy đời tôi nữa! Mà đúng quá, những gì nó nói cũng y như những gì tôi nghĩ thôi. Nhưng tôi nghĩ thì được chứ để nó dạy tôi thế này thì hỏng. Nhớ lại, có lần vợ tôi nói: “Những gì em nói thì cũng giống như anh thôi, có điều anh nói ra thì đúng, còn em nói là sai, tại sao vậy.’’ Hôm ấy tôi giận quá là giận, bỏ không ăn cơm chiều. Chà, con muỗi này sao giống vợ tôi thế. Không được, nếu cứ thế để thế này rồi đời tôi sẽ đi về đâu. Nó bắt đầu lèo lái cuộc đời tôi bằng lý luận của nó rồi. Không khéo thì một lúc nào đó, “tôi sống mà không phải tôi sống, nhưng là con muỗi sống trong tôi.’’

Không! Tôi không chấp nhận được. Không suy nghĩ gì nữa, tôi phải giết con muỗi này. Thế là cuộc âm mưu giết con muỗi bắt đầu. Tôi từ từ đưa bàn tay kia lên, rất sẻ sàng, con muỗi không hề biết gì, nó thản nhiên chích cái vòi vào cánh tay tôi. Từ trên cao tôi nhắm đúng hướng mà chụp bàn tay xuống. Trong tích tắc con muỗi không kịp nói một lời ăn năn. Bàn tay tôi phát đánh đét một cái, con muỗi chết tức tưởi.

Một chấm màu đỏ toé trên tay, đó, máu của tôi đó. Giữa lúc ấy, chiếc cầu thang sắt ngoài garage đổ ầm một cái, đồ đạc rơi loãng xoãng. Tôi chạy ra thì vợ tôi đang run lên đau đớn quằn quại. Chúa ơi, nàng sửa cái bóng đèn, bị điện giật ngã bất tỉnh nhân sự. Sao em không để đấy cho anh sửa, em sửa làm gì cho khổ vào thân. Tôi cuống quýt, thì chính nàng đã chẳng bảo tôi thay cái công tắc ấy mấy lần rồi đó hay sao. Cái tối nàng xuống garage giặt đồ, đã đánh bể cái bình thuỷ tinh nuôi cá vì không có đèn. “Anh thay cho em cái công tắc đèn đi, bảo anh mấy lần rồi.’’ Tối ấy tôi đã định thay, nhưng khốn nỗi lại và ngay tối có football. Tính ra có đến cả tháng nay rồi lúc nào tôi cũng bảo, để đấy anh sẽ làm. Trơi ơi, bây giờ cớ sự đã xảy ra. Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi. Bây giờ biết làm sao đây.

Xe cấp cứu vội đưa vợ tôi vào nhà thương, nhưng người ta không cứu được vợ tôi nữa, dến nhà thương thì vợ tôi chết!

Ngay chiều ấy, lúc tôi giết con muỗi cũng là lúc vợ tôi bỏ tôi mà đi. Thế là tôi mất luôn con muỗi lớn lẫn con muỗi nhỏ.

Từ ngày vợ tôi chết, căn nhà vắng làm sao. Tôi bắt đầu thao thức những khi đêm tối đổ về. Không còn con muỗi vo ve, cũng thấy trống trãi. Bây giờ tôi cô đơn. Chiếc giường rộng mênh mông, ngày xưa những lúc giận nhau tôi thường nằm quay mặt thế này, nàng hay năn nỉ tôi bằng đôi tay mềm mại xoa trên vai tôi. Bây giờ tôi muốn giận ai thì giận, chả còn ai năn nỉ tôi nữa. Nghĩ tới vợ, tôi thương nàng quá chừng. Nhưng nàng không còn nữa.

Mới có mấy tuần lễ không có nàng mà đời tôi xáo trộn nhiều quá, đến độ tôi không thể tưởng tượng nỗi. Ai có sống cảnh gà trống nuôi con, mới thông cảm được cho tôi. Chỉ nguyên chuyện hỏi thằng con xem nó muốn ăn gì mà tôi cũng đã điên lên. Bố lấy mì gói cho con nhé. Nó lắc đàu. Bố lấy hot dog nhé. Nó cũng lắc đầu. Thế có chết tôi không. Ngày xưa vợ tôi có phép màu gì mà bữa nào nó cũng ăn tì tì, thằng bé lớn như thổi. Mới có mấy tuần lễ không mẹ mà nó ốm hẳn đi. Nguyên tuần thứ nhất, đi chợ, tôi bỏ quên ví tiền ở cashier. Đoảng quá sức. Phải ngày xưa mà vợ tôi thế thì tôi đã cho bài học rồi.

Đến lúc cô thư ký làm chung hãng nhắc, tôi mới biết là áo mình rớt cái cúc từ bao giờ. Về nhà, tôi cặm cụi kim chỉ. Khâu xong xuôi, mặc vào, mới thấy cái cúc lệch cái khuy đến cả đốt ngón tay. Tôi lại cặm cụi tháo ra. Ôi! Cái cảnh gà trống nuôi con.

Những lúc như thế, tôi thương nàng da diết. Nhưng làm sao mà bù lại được nữa. Tôi mất nàng rồi. Còn lại hai bố con tôi thôi, thui thủi nói chuyện với nhau. Nhà vắng vẻ quá sức. Giá có nàng lúc này căn nhà ấm cúng biết bao. Chỗ này đây nàng vẫn đứng nhặt rau.Nàng hay nhắc tôi cái ống tăm thì để chỗ này. Mấy bao giấy thì cất chỗ kia. Không biết ngày xưa nàng làm thế nào mà hay thế. Bây giờ, tôi mới biết công lao của nàng. Tôi tưởng cứ mỗi hai tuần lễ đem cho nàng cái pay check là xong. Y như con muỗi nó nói, tôi cho nó ít mà nó cho tôi nhiều. Xét lại thì vợ tôi cũng thế. “Em ơi, bây giờ vắng em anh mới hiểu đời chúng ta cần nhau như thế nào.’’ Tôi khóc một mình trong chiều vắng.” Chúa ơi, có cách nào Chúa cho vợ con sống lại được không.’’

 Tôi đang thổn thức, chợt có con muỗi vo ve. À, vẫn có tiếng vo ve của con muỗi sao? Tôi chìa tay cho nó đậu, nhưng nó lượn qua rồi bay vào góc tối. Thế là hết, ngày xưa tôi đã giết con muỗi, bây giờ không con muỗi nào cần tôi nữa. Hình ảnh ấy làm tôi tủi thêm, như Chúa nói rằng, tình yêu cũng thế, ai không biết gìn giữ tình yêu, sẽ mất tình yêu. “Không! Chúa ơi, xin cho nàng sống lại, một lần thôi trong đòi, con sẽ bù trừ lại tất cả ngày xưa tháng cũ cho nàng.’’ Tôi vừa nói xong như thế, thì, trời ơi, bạn có biết chuyện gì xảy ra không. Chúa nói với tôi thế này: “Ta cho con được lại người vợ năm xưa.’’ Chúa nói với tôi: “Nhưng con ạ, trong địa đàng cũng có muỗi, rồi vợ con cũng sẽ “chích’’ con như ngày xưa thì sao.’’ Tôi sợ Chúa đổi ý, vội thưa ngay: “Lạy Chúa, vâng, con biết rồi, trong địa đàng cũng có muỗi chích, Chúa cứ cho nàng về đây với con. Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ.’’ Chúa nhìn tôi nói: “Nhớ nhé, ngày xưa trong hôn lễ ngươi cũng nói y như thế, con nhớ không? Hôm nay lại hứa một lần nữa, Ta chứng giám lời hứa, thương tình, Ta sẽ đem nàng về. Nhớ nha, trong địa đàng cũng có muỗi đốt đấy.’’

Con muỗi lúc này lại vo ve bay đến. Nó bay sát gần tôi, dùng đoi cánh đập vào nhau thành âm thanh nói với tôi: “Thấy Chúa nói chưa?’’ Lạ quá, sao tiếng nói giống y như tiếng vợ tôi ngày xưa. Chúa vẫn đứng đấy nhìn cả con muỗi và tôi. Tôi đưa cánh tay cho con muỗi, lần này, nó từ từ hạ cánh, Chúa ban phép lành và con muỗi biến mất. Có hương thơm người đàn bà dựa đầu trên cánh tay tôi. Trời ơi! Chúa đã đem vợ tôi trở về! Tôi kêu lên sung sướng. Nàng ôm lấy tôi rồi tát yêu vào má tôi rồi nói: “Chúa nào thèm nhận lời của anh, Chúa nhận lời của em đó! Em cầu xin Chúa cho em biến thành con muỗi để tìm cách yêu anh hơn.’’

Có Chúa biết! Tôi ôm nàng hạnh phúc. Nàng cắn yêu vào bàn tay tôi. Tôi lại sực nhớ, à thì ra con muỗi này sẽ tiếp tục chích tôi đây. Nhưng lần này tôi không đuổi nữa, đời tôi hoàn toàn thay đổi. Tôi giữ nàng trong tay ôm. Hương hạnh phúc lan toả ngập nhà. Hạnh phúc quá đổi. Tôi nghẹn ngào nghe giọng nàng cất lên se sẻ như ngày xưa: “Một bài ca mới, hát lên một bài ca mới...’’ Bất giác, tôi cũng hát theo. Nàng vẫn trong tay của tôi, và lần này thì cả hai người cùng hát chứ không còn một mình nàng hát như xưa.

Nàng rưng rưng lệ, nước mắt hạnh phúc của nàng rơi trên tay tôi. Tôi cũng thấy mắt mình cay từ bao giờ. Chúng tôi hạnh phúc quá, vì từ đây, cuộc đời chúng tôi lại có nhau như một bài ca mới của tình yêu. Và, từ đây, chúng tôi sẽ cùng nhau hát bài ca tình yêu mới ấy cho đến mãi mãi nghìn sau.


Như Hội Thánh phục tùng Chúa Ki tô thế nào thì vợ cũng phải phục tùng chồng như vậy.
Người làm chồng phải yêu thương vợ như chính Đức Ki tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh.
Chồng phải yêu vợ như chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình.
Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ, trái lại người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình như Chúa Ki tô nuôi nấng và săn sóc Hội Thánh.
Tôi muốn nói về Đức Ki tô và Hội Thánh.
Mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình.

(Êphêsô 5: 21-33).

Nguyễn Tầm Thường
Nguồn: http://hyvong.info/index.php?option=com_content&view=article&id=391:conmuoi&catid=98:ting-gi-phia-ben-trong-&Itemid=132