Thắp lên một ngọn nến - Tưởng nhớ cố Linh mục Phêrô Đặng Xuân Thành

Quang X Nguyen


Tôi đang đọc dở dang cuốn Killing Kennedy của Bill O’Reilly thì nghe tin cha Phêrô Đặng xuân Thành phải vào bệnh viện cấp cứu. Chương 25 diễn tả lại cảnh Lee Harvey Oswald đứng trên tầng lầu 6, nơi bảo quản sách vở và dụng cụ của học sinh bang Texas, và dùng súng bắn tỉa có ống nhắm để ám sát TT John Kennedy (JFK). Viên thứ nhất Oswald bắn trật. Phát thứ hai phóng đi với tốc độ 518m/s (gần gấp đôi tốc độ âm thanh) đã phá nát não bộ của JFK. Viên đạn thứ ba không thành vấn đề nữa. Với ba phát súng trong vòng 8,4 giây, Oswald đã giết chết vị tổng thống thứ 35 của Hợp chủng quốc Hoa kỳ. Vừa đọc xong chương 25, và còn đủ thời gian để ngẫm nghĩ về cái chết đau thương của JFK thì tôi nghe tin cha Phêrô Đặng xuân Thành cũng vừa từ giã cõi đời về với Chúa.

TT Kennedy bị ám sát chết vào lúc 12:30 trưa ngày 22/11/1963. Cùng một năm, cũng tháng 11, trước đó 20 ngày (2/11), cũng vào giấc trưa, anh em TT Diệm bị thảm sát. Cha Thành ra đi vào ngày 27/11/2013, lúc 7 giờ tối. Hai cái chết của hai vị tổng thống mang tính chất dữ dội và ảnh hưởng ít nhiều đến vận mệnh của 2 đất nước. Cái chết của cha Thành an lành hơn, bình thản hơn và chỉ ảnh hưởng đến việc đào luyện linh mục của ĐCV Hà nội, và gây sự thương tiếc của bạn bè niên khóa 65-72. Tuy cách chết khác nhau, nhưng cả ba đều tin vào Đức Giêsu phục sinh, và cả ba đều chết vào tháng 11. Tháng nhớ đến các đẳng linh hồn.

Tôi không có nhiều kỷ niệm với Tiểu chủng viện Qui nhơn, vì học cùng với cha Thành chỉ một năm đệ Thất duy nhất. Nhưng tôi lại có 2 năm thân thiết ở tiểu học La san cùng với Thành. Nhà tôi ở đường Hai bà Trưng, nhà Thành ở đường Nguyễn Du. Mỗi ngày đi học 2 buổi, anh em tôi đều ghé ngang nhà Thành để cùng nhau đi đến trường. Thành có em trai tên Trung, tôi cũng có một em trai tên Minh học cùng lớp với Trung. Bốn anh em cùng nhau một tay ôm cặp, một tay cầm lọ mực đến trường trong suốt năm lớp Nhì và Nhất. Mỗi trưa và chiều từ trường về nhà chúng tôi cũng đi với nhau. Mùa hè anh em tôi thường ghé đến nhà Thành, rủ nhau bắt ve ở cây phượng trồng dọc theo hàng rào của đồn cảnh sát Hoàng Diệu, hoặc tìm vỏ những con ốc chết ở gốc cây rồi kịn nhau xem vỏ ốc nào cứng hơn. Ngày Chủ nhật, chúng tôi rủ nhau đi lễ Thiếu nhi ở nhà thờ Chính tòa. Không hiểu sao, hễ bước vào nhà thờ Thành đều lần hạt, cả trong suốt Thánh lễ. Có lẽ vì linh mục dâng lễ bằng tiếng La-tinh nên trẻ nhỏ như chúng tôi chẳng hiểu gì nhưng cũng có thể Thành đã có lòng sốt mến Đức Mẹ từ lúc nào. Tôi bắt chước Thành lần hạt như thế suốt mấy năm, mãi đến sau này mới biết thói quen đó thực hành không đúng chỗ. Tuy thế, điều này chứng tỏ Thành đã có những thói quen đạo đức ngay từ khi còn nhỏ.

Lúc học lớp Nhì, dáng Thành ẻo lả như con gái. Bạn bè cùng lớp cứ chọc bằng cách gọi là Thành con gái. Chọc thì chọc, Thành chỉ cười hiền lành. Có năm các sư huynh bắt Thành đóng vai Đức Mẹ, và một người bạn nữa tên Thanh đóng vai thánh Giuse trong dịp lễ Noel. Hoạt cảnh Giáng sinh năm 1964 tổ chức ngay tại sân trường, dân chúng đứng xem chật sân và những thằng nhóc tì chúng tôi rộn ràng với hoạt cảnh Chúa sinh ra đời. Năm đó hình như năm lớp Nhất thì phải. Cái thế đứng của Thành mới kỳ lạ. Cả hai chân cong vòng như hình bán nguyệt, cong đến nỗi cứ tưởng một nghệ sĩ uốn dẻo trên sân khấu cũng chỉ bẻ cong chân đến thế là cùng. 

Những năm ở tiểu học, Thành học xuất sắc. Nào tập đọc, nào luận văn, nào toán, rồi chánh tả, kể cả những bài học thuộc lòng mà cả đêm hôm trước tôi cố đọc đi đọc lại cho thuộc… tất cả Thành đều thuần thục. Lớp Pháp văn vỡ lòng sư huynh Hiệu trưởng (frère Hubert) dạy từ cuốn tập đọc Pháp văn tôi quên mất tên. Bọn trẻ nhỏ chúng tôi ê a đọc từng chữ, từng câu Pháp văn nghe thật ngô nghê. Thế mà frère Hubert cứ khen Thành hoài. Khiếu ngoại ngữ của Thành đã lộ ra từ lúc đó. Sau này vào chủng viện, tôi vẫn nghe đến năng khiếu học hành của Thành. Cả lớp hình như chỉ có Thành và Dũng được chọn lên Giáo hoàng học viện. Năm đó là năm 1972. Thánh Gandhi khuyên:“Anh hãy sống như sẽ chết ngay vào ngày mai, và hãy học hỏi như anh sống mãi mãi”. Thành không nghĩ sẽ sống mãi nhưng mỗi ngày đều đam mê học hỏi để đem kiến thức uyên bác phục vụ Giáo hội.




Thế rồi, thời thế biến chuyển, tôi và Thành không gặp nhau mãi cho đến gần đây, qua bạn bè mới biết được ngài đã chuyển về giáo phận Hà nội. Tôi gửi vi-thư đến địa chỉ của ngài với hy vọng hú họa ngài còn nhớ đến thằng bạn từ thời tiểu học. Thư trả lời đến sau vài tuần, ngài xin lỗi vì quá bận việc nên không đọc mail. Hóa ra Thành vẫn nhớ tôi. Chúng tôi nhắc nhở đến vài chuyện cũ, ngài vui vẻ gợi nhớ rồi lan man hỏi chuyện gia đình. Tôi nhắc đến Tấn ở Sacto, Hòa vẫn ở San Jose, Trí ở Hayward cách SJ không xa, Ngân ở Houston cùng với Phụng, Thâm ở Dallas, Kiển đang bị hôn mê vì tai biến não… ngài nhớ đến tất cả. Dịp may lại đến nhân dịp tháp tùng Đức cha Chu văn Minh đến Los để gây quỹ cho ĐCV Hà nội, Thành bay lên San Jose thăm bà con và gặp tôi. Đón ngài ở phi trường, tôi nhận ra ngay một Thành thời tiểu học, bây giờ đã đứng tuổi, tuy mập hơn nhưng vẫn nụ cười hiền lành đó.


Thời gian ngụ tại nhà tôi chỉ có mấy ngày nhưng tôi và ngài có quá nhiều chuyện để nói. Xem thế mà đã gần nửa thế kỷ rồi còn gì, kể từ năm 1965 đến giờ. Ngài tâm sự lần phải giả làm nông dân, vào Giang Xá để được Đức cha Thuận phong chức chui. Tuy đã là một linh mục đúng theo luật Giáo hội nhưng không có tên trong sổ bộ nhà nước nên ngài vẫn hành xử như một giáo dân. Cho đến ngày ông cố nằm xuống, ngài vẫn không “được phép” bước lên bàn thánh dâng lễ cầu nguyện cho thân phụ mình. Niềm đau của một đứa con làm linh mục mà không thể sử dụng khả năng cao quý nhất để trả công sinh thành dưỡng dục. Phải là người trong cuộc rồi mới thấm được nỗi đau như thế. 
Tôi không cảm nhận được vì tôi chưa lâm vào một hoàn cảnh như thế nhưng nhìn nét mặt của ngài diễn tả tâm trạng ấm ức khi quỳ dưới bàn thờ nhìn lên bàn thánh tôi thông cảm được nỗi đau đó. 

Năm 2005, ĐC Kiệt về phụ trách Tổng giáo phận Hà nội, ngài chính thức mời cha Thành ra Bắc để phụ trách công việc giảng dạy cho các thầy. Dĩ nhiên, trước hết phải hợp thức hóa thiên chức linh mục với nhà nước. Cơ may đưa đến khi nhà nước triệu tập các linh mục đi học khóa bồi dưỡng chính trị, Đức cha Kiệt đã trân trọng giới thiệu ngài với cơ quan công quyền. Rồi hình như có một sự dàn xếp nào đó, ngài chính thức ở lại Hà nội và phụ trách Giám học tại ĐCV luôn. Kể từ đó, cha Thành thuộc sổ bộ của tòa Giám mục Hà nội và phụ trách chức vụ giám học cho đến ngày 27/11/2013.

Ngày 27/11/2013, cha Thành vĩnh viễn trở về nhà Cha. Đọc tiểu sử đơn giản của ngài đăng trên trang nhà của Tổng giáo phận Hà nội, tôi nhận ra ngài sinh sau tôi đúng 1 tháng. Tôi sinh 23/8, ngài sinh 23/9. Nơi sinh cũng giống tôi, Hải phòng. Quê tôi ở Nghệ an, mẹ tôi dẫn chị tôi ra Hải phòng để lên tàu há mồm vào Nam. Trong thời gian chờ đợi chuyến tàu, tôi sinh ra trong hoàn cảnh đứng ngồi phập phồng thấp thỏm. Thời đó phương tiện di chuyển thô sơ, mẹ tôi bụng mang dạ chửa, tay dẫn thêm đứa con gái, gồng gánh đồ tế nhuyễn của riêng tây tất tả kiếm đường ra Hải phòng. Khi đi bộ, khi xe bò, lúc xe lửa. Thế mới thấy gian truân, vậy mới hiểu được sự khổ cực của người mẹ. Tôi không biết quê cha Thành ở Hải Phòng hay Bắc Ninh. Nếu ở Bắc Ninh thì mẹ ngài cũng khổ cực như mẹ tôi. Cho dù thế nào đi nữa, ngài đã sinh ra, lớn lên, làm linh mục, phục vụ Giáo hội cho đến hơi thở cuối cùng. Trong suốt 32 năm kể từ lúc chịu chức chui, cha Phêrô phục vụ chui một thời gian dài, sau này phục vụ công khai, lúc nào ngài cũng tỏ lộ gương sáng của một mục tử nhân lành, băn khoăn và thao thức làm thế nào để giáo hội luôn kiên vững trong đức tin.

Albert Camus nói: “Chẳng thà tôi sống một cuộc sống như có Thiên Chúa và sau khi chết khám phá ra chẳng có Thiên Chúa nào cả, hơn là sống một cuộc sống như không có Ngài để rồi sau khi chết lại khám phá ra Ngài hiện hữu.” Chúng ta, cũng giống như cha Phêrô Đặng xuân Thành nhưng khác với Camus, sống và chết đều tin có một Đấng Toàn Năng, và chính lòng thương xót của Đấng Toàn Năng này sẽ sớm đưa linh hồn Phêrô về nước Thiên đàng.

Hãy thắp lên một ngọn nến với niềm tin như thế.