Truyện cổ tích mới: Đi tìm Xan-ta

Quang X Nguyen

Ngày xưa, có một em bé nhà rất nghèo khổ. Em sống với mẹ trong một túp lều chỉ vừa bằng chiếc chiếu. Không thể gọi chỗ đó là cái nhà hoặc túp lều, vì chỉ là bốn tấm thùng các-tông sờn rách quây lại thành bốn vách, gác qua mấy cây đà cong queo mà người mẹ nhặt được nơi này nơi khác, lợp bằng một tấm ni-lông cũ thủng lỗ chỗ. Tối lại, hai mẹ con co quắp ngủ trên mấy tấm ván nhỏ ghép lại với nhau kê trên mấy khúc cây, bên trên trải một chiếc chiếu cũ đã rách.


Em chẳng biết cha em là ai, và hình như em cũng không có tên. Mọi người gọi em là “Thằng Cu” nhưng em nghĩ đó không phải là tên em, vì “thằng” nào trong đám đồng cảnh ngộ với em cũng đều được gọi là “thằng cu” cả. Chẳng lẽ bấy nhiêu “thằng,” thằng nào cũng tên Cu? Từ khi mở mắt biết nhìn chung quanh, em chỉ thấy khuôn mặt mẹ, bốn tấm vách thùng, và những khuôn mặt người lạ. Hàng ngày, khi còn bé thì mẹ bế, khi biết đi vững vàng thì mẹ nắm tay, khi biết chạy thì lóc cóc chạy theo, em theo mẹ đi một quãng ngắn đến khu chợ gần đó. Mẹ ngồi xuống quây quần với các bà khác cũng nghèo như mẹ. Em chơi với mấy đứa trẻ cùng cảnh ngộ như em. Có ai trong làng cần người làm, đến thuê mướn nhóm đàn bà này. Người đi mướn chỉ bà nào, bà đó đi làm, không ai khiếu nại ai. Con cái dắt theo. Nếu chủ thuê người không muốn có trẻ em, người mẹ gửi con cho các bà khác trông giúp. Nếu cuối cùng chỉ còn lại một bà và lũ trẻ, không thể nhận lời đi làm được, cuối ngày các bà kia chia một số tiền công lại cho bà này. Điều đó đã thành thông lệ chia chác bao nhiêu, ít khi chèo kéo vì “làng sao xã nang vậy,” ai cũng có khi đến lượt mình không người mướn sót lại phải trông coi lũ trẻ. 
Các người đàn bà này có lương tâm đạo đức riêng của họ, vì họ chưa bao giờ học biết cái gọi là qui luật đạo đức của người khác. Họ làm theo điều mà họ qui định với nhau, cho là theo lẽ phải, có quấy cũng thành phải theo lập luận của riêng họ. “Nhặt được của rơi, phải trả lại,” là luật lương tâm học được. “Người ta làm rớt mình thấy thì lượm, vì đó là của trời cho,” là qui luật họ tự đặt ra và tuân giữ. Người lượm được nếu có người trông thấy thì phải chia, chia chừng nào cũng đã thành thông lệ. Nếu có ai hỏi thì người trông thấy phải nói là “không ai lượm được cả,” vì nếu nói ra người lượm tức là phạm “qui luật,” sẽ bị nguýt háy hoặc đến chỗ “bị loại ra khỏi cộng đồng.”

Em bé cứ thế sống và lớn lên như một gốc cây mọc hoang không ai chăm bón. Thuận thời thuận tiết thì lớn lên, không thì chết khô héo. Đến tuổi bắt đầu biết nhận xét, em thấy nhóm người của mẹ em và em không giống như nhóm các người khác. Em và nhóm người của em chẳng thấy ai ăn mặc đẹp đẽ vào các dịp lễ hội mà mọi người trong làng vui mừng. Đến mùa mưa lạnh, điều này càng nổi rõ hơn trong dịp lễ mà người khác gọi là Giáng sinh. Em cũng chẳng biết giáng sinh là cái gì. Sinh thì em biết, vì mẹ em và các bà kia thỉnh thoảng nói đến chuyện sinh ra em, hoặc các em khác như em. Còn “giáng” thì em hoàn toàn không hiểu. Em chỉ nghe nói “giáng một bạt tai,” nhưng chắc “giáng” này không phải là “giáng sinh,” vì chẳng lẽ em bé nào đó sinh ra mà phải chịu “giáng cho một bạt tai.” Nếu mà “giáng” như thế thì em bé mới sinh nào mà chịu nỗi. Chính em đã kinh nghiệm cái đau của cái “giáng” này. Số là, một hôm, đói quá vì mẹ em bệnh không còn thức gì để ăn, lúc em chỉ mới chừng ba bốn tuổi. Lẩn quẩn quanh mấy bà bán khoai sắn luộc, em thừa dịp một bà sơ ý, chộp ngay một khúc khoai mì định cho vào miệng. Bà bán hàng chận tay em lại, và tiện tay kia “giáng cho em một bạt tai.” Em loạng quạng ngã chúi, mắt đổ đom đóm, khóc thét lên, và bỏ chạy.

Lớn lên tí nữa, em thỉnh thoảng có dịp lân la gần các trẻ trong làng, giàu có hơn em. Em chẳng dám đến quá gần; chúng nó chê em hôi hám, lấy gậy lấy đá đứa đánh đứa chọi đuổi em đi. Mỗi khi có dịp gần chúng nó, em phải núp đâu đó để nghe chúng nói. Em học được nhiều điều mới từ bọn chúng mà lũ trẻ như em không bao giờ nói đến. Em biết là chúng nó đi học ở trường. Học là cái gì thì em không biết, nhưng định bụng sẽ có dịp núp gần trường để xem ra sao. Chúng nó khoe nhau ba chúng nó làm chức này chức nọ, lãnh bao nhiêu tiền lương mỗi tháng. Điều này em cũng không biết vì em không có ba. Mẹ em thì chẳng thấy làm chức gì cả ngoài việc làm mướn và ăn xin. Làm mướn thì có lãnh tiền công, còn ăn xin thì ai cho gì lấy nấy. Đến gần mùa Giáng sinh, các trẻ này nói với nhau về chuyện Ông già No-en hoặc Xan-ta gì đó hàng năm đem đồ chơi cho các em vào dịp Giáng sinh. Điều này lại càng lạ hơn nữa, vì nếu có ông già tốt bụng như vậy sao chẳng thấy cho gì em và các trẻ như em?


Gần đến Giáng sinh năm đó, lên bảy tuổi, em nhất định hỏi mẹ cho biết thực hư chuyện Xan-ta:

“Mẹ này, có ông già Xan-ta hả mẹ?”

Bà mẹ nhìn con ngạc nhiên vì bà chưa bao giờ nói với con về chuyện này:

“Ủa, sao con biết?”

“Con nghe mấy đứa trong làng nói.”

Bà mẹ giật mình:

“Con chớ lân la, tụi nó đánh con đấy.”

Em bé cười hì hì:

“Con biết mà mẹ. Con có dại cho tụi nó thấy con đâu!”

“Ừa, mẹ biết con khôn.”

Mẹ nào cũng thích con mình khôn hơn con người khác. Chẳng phải người mình thường nói “C.. ai nấy thơm; con ai nấy thương” sao?

Đứa bé quay mình gối lên tay mẹ nó:

“Mà mẹ biết có Xan-ta không?”

Bà mẹ ngần ngừ một chút:

“Mẹ … biết.”

Bé đấm vào đùi mẹ nó cái “bụp”:

“Biết sao lâu nay mẹ không nói?”

“Tại mẹ không muốn nói thôi.”

“Sao vậy? Mà sao mẹ biết?”

Bà mẹ thở dài nhìn ra màn đêm. Đêm tháng chạp mưa lạnh, trời không một vì sao. Mưa quất vào mái ni-lông bồm bộp. Gió lay chuyển các vách các-tông.

“Chà, mưa quá, không biết ‘nhà’ mình chịu nỗi không?”

Đứa bé chẳng quan tâm gì đến lo lắng của mẹ nó. Mối quan tâm lớn nhất của nó bây giờ là có ông già Xan-ta tốt bụng hay không, và nếu có, tại sao ông không cho nó đồ chơi như cho các trẻ giàu có khác. Nó giục:

“Sao mẹ biết?”

Bà mẹ lại thở dài:

“Ngày xưa, lúc mẹ còn nhỏ, gia đình ông ngoại con cũng không đến nổi nào. Ông bà ngoại con chẳng giàu có gì nhưng cũng có túp lều với vườn tược đủ sống cơm mắm cơm muối.”

“Thế túp lều vườn tược đó bây giờ ở đâu?”

“Mẹ cũng không biết. Lúc chuyện xẩy ra, mẹ còn nhỏ hơn con.”

“Thế mẹ nhớ chuyện gì?”

“Mẹ chỉ nhớ là lúc đó, mỗi năm ông già Xan-ta vẫn đem đồ chơi đến cho mẹ. Cho đến khi….”

“Khi nào vậy mẹ?”

“Khi ông bà ngoại con dắt mẹ bỏ nhà chạy trốn, rồi mẹ lạc mất ông bà.”

“Rồi ai nuôi mẹ?”

“Một ông ăn mày thấy mẹ khóc nên ngồi xuống với mẹ cho đến trời tối. Ông bà ngoại con không đến; ông lão đem mẹ về nuôi.”

“Rồi sao?”

“Rồi ông lão bồng bế mẹ đến đây, tiếp tục xin ăn, rồi ông chết. Lúc đó mẹ mới chừng bảy tám tuổi.”

“Rồi ai nuôi mẹ?”

“Có ai nuôi đâu. Mẹ xin ăn hoặc làm công việc vặt kiếm cơm.”

“Thế cha con là ai?”

Bà mẹ nghe con hỏi tới, lặng im không nói gì. Đứa con cảm thấy hình như mẹ em đang khóc thút thít. Em dúi mặt vào ngực mẹ, an ủi mẹ, và không dám hỏi gì thêm nữa. Em cảm nhận được hơi ấm từ thân thể mẹ vỗ về em vào giấc ngủ. Em nghĩ dù sao mẹ cũng đã cho em biết ông già Xan-ta là có thực. Còn lại thắc mắc tại sao ông không đem quà đến cho em theo em vào giấc ngủ. Trong giấc mơ, em đang kêu réo ông già Xan-ta đừng bỏ quên em thêm nữa, và cả mấy đứa bạn cùng cảnh ngộ như em.


Sáng hôm sau, em hỏi và được mẹ cho biết mẹ nghe người ta nói ông già Xan-ta ở đâu xa lắm, tận “cái gì cực” rất lạnh. Em băn khoăn tại sao ông già tốt bụng lại ở một nơi như vậy. Cực như em ở đây là đã cực lắm rồi, ông già mà ở chỗ “cực” nào đã xa lắm mà còn rất lạnh nữa thì “cực” đến chừng nào. Mà “cực” đến như vậy thì tiền đâu mà ông mua đồ chơi nhiều đến thế cho tất cả các trẻ em? Chắc tại “ổng” cực quá nên hết tiền, không mua được đồ chơi cho nó và mấy đứa như nó. Nhưng nó lại thấy điều đó không có lí. Tại sao ông có tiền mua cho lũ trẻ nhà giàu mà không có tiền mua cho đám nó nhà nghèo? Nó thắc mắc và định bụng nhất quyết phải tìm cho ra ông già tốt bụng để hỏi cho ra lẽ. Suy đi nghĩ lại, nó nhất quyết đi tìm, và đi tìm một mình. Một là vì nó chẳng có đứa bạn nào thân đủ để cùng đi. Hai là, nó tiết lộ điều này ra, thế nào cũng có đứa mách lại cho mẹ nó, và dứt khoát mẹ nó không bao giờ cho nó đi.

“Muốn đi, mình phải chuẩn bị chút ít thôi,” nó tự nhủ.

Nó nghe người lớn nói đâu đó như vậy nên nó nghĩ đó là điều phải làm. Nhặt chỗ này củ khoai, chỗ kia củ sắn, nó phơi khô cất lại. Mẹ nó có lần thấy, hỏi nó, nó trả lời “Thấy dư nên con phơi khô để dành.” Mẹ nó còn khen nó là nhỏ mà biết lo xa. Để dành mấy tuần lễ như vậy, nó dồn được một bao nhỏ, nhưng với nó thì đã quá nhiều quá đủ. Thế là nó quyết định lên đường tìm Xan-ta.


* * *


Nó ăn thực nhiều bữa cơm tối hôm đó khiến mẹ nó ngạc nhiên hỏi:

“Sao bữa nay con ăn nhiều thế?”

Nó im lặng, không trả lời vì không muốn mẹ nó đoán ra sự thực qua giọng nói của nó. Mẹ nó nghĩ có lẽ vì nó đang sức lớn chăng? Ăn xong, nó nằm ôm mẹ, âu yếm hơn mọi ngày vì biết quyết định của nó sẽ làm sáng hôm sau. Mẹ nó vẫn không cảm thấy gì khác lạ nên nằm nói chuyện vẩn vơ một lúc với nó, rồi ngủ bình yên. Nó giả vờ ngủ, giả vờ ngáy cho mẹ yên lòng. Đêm đã khuya, mẹ nó đã ngủ say. Gà đâu đó đã gáy lần đầu. Nó biết trời sắp sáng. Nó thử cựa mình thoát khỏi tay mẹ xem mẹ nó có phản ứng gì không. Không thấy gì khác lạ; mẹ nó xoay người nằm ngữa, rồi quay qua phía kia ngủ tiếp. Nó rón rén đến nồi cơm, vét sạch chỗ cơm còn lại gói vào lá chuối nó đã chuẩn bị sẵn. Với tay mang bị thức ăn dự trữ, nó nhẹ nhàng bò ra ngoài, định bụng nếu mẹ hỏi sẽ trả lời là đi vệ sinh. Nó không phải nói dối, vì mẹ nó vẫn ngủ say. Trời mùa đông lạnh làm nó run lập cập, nhưng không cảm thấy khó chịu lắm vì đã quen với mưa với gió từ lúc lọt lòng mẹ đến giờ rồi. Xỏ chân vào đôi dép đã mòn nhặt được chiếc nọ chiếc kia, nó đứng dậy khoác “hành trang” lên vai và cương quyết ra đi.

Nó lầm lủi bước đi. Thấp thoáng đàng xa, có bóng người quang gánh đi chợ sớm. Sợ bị bắt gặp mách lại với mẹ nó, nó lẫn vào các lối mòn ít người đi lại mà nó đã quen thuộc. Nó chẳng biết phải đi đến đâu để tìm thấy ông già tốt bụng Xan-ta. Mẹ nó chỉ nói là tận “cái gì cực” xa lắm, mà không nói rõ là chỗ nào. Xa mấy thì nó cũng không ngán miễn là nó đi đến nơi gặp được ông già. Đi một thôi một đỗi, nó cảm thấy mệt. Trời đang lành lạnh mà nó cảm thấy mồ hôi đang tháo ra. Nó dừng lại một chút, nép mình bên bụi cây sợ có người trông thấy. Mặt trời đang ửng hồng ở phương đông. Nó chép miệng:

“May quá, trời không mưa.”

Mặt trời lên làm tan đi lạnh lẽo. Nó cảm thấy phấn chấn để tiếp tục ra đi.

“Nhất định, nhất định mình phải tìm cho ra ông già. Ông không thể bỏ rơi mình và đám bạn mãi được.”

Nó vừa đi vừa lẩm nhẩm như đọc thần chú. Lẩm nhẩm như vậy làm cho nó quên đi sợ hãi và thêm lòng tự tin; nó cảm thấy bước chân nó cương quyết hơn.

“Chẳng biết thức dậy, mẹ không thấy mình thì sao nhỉ?”

Quả thực, mẹ nó đã thức dậy. Thấy vắng nó, bà hốt hoảng tìm trước hết nơi nó thường tiêu tiểu. Thôn quê ngày xưa đâu có biết nhà xí nhà tiêu là cái gì; đụng chuyện thì chỗ nào khuất khuất là có thể sử dụng để giải quyết. Mẹ con nó ở bờ ở bụi nên lùm bụi nào kín đáo là nơi họ dùng, thay đổi luôn luôn để khỏi dẫm chân lên thứ đã bỏ ra từ trước. Bà ban đầu im lặng dò tìm, không thấy bóng chim tăm cá nên bắt đầu gọi “Cu ơi, Cu ơi!” Chẳng có tiếng trả lời. Cuối cùng, bà hoảng loạn kêu réo om sòm. Nhưng chỗ mẹ con bà ở ở ngoài đồng trống, xa hẵn chòm xóm nên chẳng có chòm xóm nào nghe được đến tiếp cứu bà. Bà vất vưởng chạy ra chợ, nơi các bà như bà thường tụ họp. Lác đác đã có người đi đến, nghe bà tru tréo, cũng đổ xô đi tìm. Tìm ở đâu, chẳng ai quan tâm đến. Cứ việc chạy tung chạy tóe đi tìm cái đã! Thêm một người tới là một người được truyền miệng tin bà mất Thằng Cu, và thêm một người đổ xô đi tìm náo loạn. Người họp chợ thì không mấy ai quan tâm. Có hay không có mẹ con nó cũng chẳng thêm gì bớt gì cho làng xóm. Nghe chuyện mẹ nó mất con, người nào cũng than hai tiếng “tội chưa,” nhưng rồi ai làm việc nấy, hàng quán lại tiếp tục bày bán cho kịp buổi chợ. Đám cùng khổ bạn bè mẹ nó tìm một thôi một hồi cũng quay về chỗ tụ tập. Biết đâu mà tìm. Chẳng ai muốn mất cơ hội kiếm được đồng tiền thuê mướn để chi dùng cho ngày hôm nay. Mất một ngày là đói một ngày, hoặc ít nữa cũng ăn mất tiền dành dụm được cho một ngày. Chỉ có bà mẹ mất con là thực sự thiểu não. Bà ngồi thừ, nước mắt đầm đìa, vừa gọi con vừa tru tréo than khóc như thể con bà đã chết.

Tuần canh báo cáo việc xẩy ra cho làng xã, nhưng chẳng ai đoái hoài. Mẹ con bà và đám cùng đinh đó đâu phải là dân canh chính thức của làng xã nào. Họ chẳng thuộc làng này cũng chẳng thuộc làng kia. Người cùng cực thường chọn phần đất giáp ranh giữa các làng để trú ngụ, vì đất không thuộc hẵn làng này cũng không thuộc hẵn làng kia để làng nào có thể đuổi họ đi. Mà thực sự cũng chẳng ai nhẫn tâm đuổi họ, cho dẫu họ có thể trở nên gánh nặng cho các làng. Nếu lỡ họ chết, chẳng lẽ để vậy cho sình thối. Cũng không thể chôn cất họ vào nghĩa trang của làng này hoặc làng kia. Do đó, đã thành thông lệ, nơi giáp ranh nào người ăn mày cư ngụ, khi chết đi, hai hoặc các làng giáp ranh chung nhau chôn cất, bỏ trong chiếc hòm thô, hoặc không có hòm thì bó chiếu. Mồ mã chính là nơi giáp ranh họ đã chọn để ở, dù đó là bụi tre hay lùm dứa cũng đào lên chôn ngay nơi đó. Lấp vội đống đất thành nấm mồ, thế là xong. Thời gian trôi qua, bờ bụi lại mọc lên, nấm mồ thấp dần xuống rồi biến mất. Chẳng ai còn nhớ ở đó đã có một người sống và được chôn cất khi chết.


Trời nắng tốt. Thằng Cu cứ lầm lủi bước đi. Ban ngày ban mặt, nó phải tránh hẵn vào các con hẽm khuất hoặc bờ ruộng vắng. Nó không muốn ai nhìn thấy bắt nó lại hoặc mách cho mẹ nó biết ngăn cản khao khát của nó. Nó chỉ muốn một điều duy nhất là tìm cho được ông già tốt bụng Xan-ta để hỏi tại sao ông bỏ quên nó và đám bạn nghèo khổ của nó. Chân nó thì nhỏ, bước chân nó thì ngắn, sức nó thì yếu, thế mà nó tưởng nó sẽ làm được điều nó muốn và nhất định làm cho được điều nó muốn. Đến trưa đứng bóng, nó cảm thấy khát nước và đói bụng. Rẽ xuống ruộng, nó vục mấy ngụm nước lên uống. Nó cố uống cho căng bụng để đi thêm được chừng nào hay chừng nấy cho đến khi thực sự cần phải ăn. Nó biết cần phải dè xẻn vì không biết lúc nào mới đến được chỗ Xan-ta. Với lòng cương quyết, nó nhịn bụng đi mãi cho đến xế chiều. Một ngày đường, nó tưởng nó đã đi xa lắm, chắc đã gần đến “cái gì cực” lạnh lẽo mà mẹ nó nói. Nhưng nhìn lại đàng sau, nó vẫn thấy lũy tre làng thấp thoáng. Bờ ruộng bát ngát trước mặt nó cũng chỉ là vùng ruộng mà nó đã nhiều lần mò cua bắt ốc bắt nhái với đám bạn. Nó khập khiểng bước thẳng về trước mặt, vì nó biết ở đó có một chòi vịt bỏ hoang đã từ lâu. Ban ngày, có lúc bọn nó nướng khoai nướng sắn đào trộm được trong chòi. Nó chưa hề thấy một ai bén mảng đến chòi vịt. Ban đêm thì nó không biết, vì chưa hề đến đó ban đêm.

Bước vào chòi vịt, trời đã xẩm tối. Nó thở phào đặt xuống đất bao lương thực dự trữ sau một ngày dài đang đè nặng cứa vào vai nó, cảm thấy như lưng được cất đi tảng đá. Ngồi phệt xuống đất, nó dùng hai tay bóp hai bàn chân nhỏ của nó như thường thấy mẹ nó làm sau một ngày vất vả. Nó thấy nhớ mẹ nó. Nó chưa từng xa mẹ nó ban đêm. Ban ngày thì khi mẹ nó đi làm, hoặc đi xin ăn, nó rong chơi với đám bạn mò cua bắt ốc bắt nhái, hoặc đào trộm khoai sắn, hoặc đánh bẫy bắt chuột bắt chim, bất cứ con gì có thể bắt được. Được thứ gì là mẹ con nó no thêm thứ đó, có thêm được chút thịt mỡ màng. Nó bước ra ruộng vục uống thêm mấy vốc nước, rồi trở vào mở bọc cơm nguội ra ăn. Cơm không, chẳng có tí muối. Nhưng nó đói nên thấy ngon vô cùng.

Trời đã tối. Chòi tối om om, nó nhìn không thấy bàn chân nó. Trong chòi, muỗi vo ve bay lượn. May mà chòi trống nên gió thổi đi phần nào đám muỗi cho dẫu muỗi thì nó cũng chẳng lạ lùng gì. Mệt mỏi, nó thiếp dần vào giấc ngủ co ro.


Có một lóe ánh sáng và tiếng động làm nó mở mắt. Ánh sáng đột ngột làm mắt nó nheo lại. Ánh sáng lại quá heo hắt không giúp nó nhìn rõ được chung quanh, cho đến khi nó thấy ánh lửa bập bùng. Không kềm được sợ hãi, nó la lên một tiếng, đứng phắt dậy. Lum khum bên đống lửa vừa cháy lên là một thân hình không biết người hay thú to đùng, trên hai vai có các thứ gì lủng lẳng. Thân hình đó cũng đứng lên:

“Ủa, mày làm gì ở đây?”

Nó hết sợ khi biết đó là một người. Lửa không đủ sáng nên nó không biết già trẻ thế nào, nhưng tiếng nói là tiếng đàn ông.

“Dạ, con….”

“Mà mày con nít đến đây một mình?”

“Dạ, một mình.”

Người mới đến gọi nó:

“Lại đây.”

Nó rụt rè bước lại. Mấy cành khô vừa được người đó cho vào làm ngọn lửa bừng sáng. Mắt đã quen, nó nhìn thấy trước mặt là một ông lão râu dài, vai mang lủng củng bao này bao nọ. Ánh lửa cho thấy nét mặt nhăn nheo của ông lão, với đôi mắt hấp háy lóe sáng lên khi phản chiếu ánh lửa như ánh mắt con thú say đèn. Thực tình nó cũng chẳng biết con thú say đèn thì ánh mắt như thế nào. Nó nghĩ thế vì đã nhiều lần nghe người lớn nói thế.

“Sao mày đến đây?”

Nó ngập ngừng. Liệu có nên nói lí do cho ông lão này biết không? Lỡ ông ta ngăn cản nó thì sao? Mà không nói thì giải thích thế nào cho xuôi. Không thể nói là đi chơi vào đêm hôm khuya khoắc này. Nó chưa hề nghĩ tới trường hợp gặp người lạ như thế này để chuẩn bị câu trả lời cho xuôi chảy. Mà cho dẫu có nghĩ tới, chưa chắc nó đã chuẩn bị được câu trả lời. Sức nó chưa nghĩ được xa xôi đến thế.

“Dạ….”

“Dạ mẹ gì lắm thế. Bỏ nhà đi hoang phải không?”

“Dạ….”

“Lại dạ. Có gì nói mẹ nó ra. Tao chẳng thèm quan tâm đâu. Tao lo cho tao chưa hết, sức đâu mà lo cho tụi bay.”

“Dạ con đi….”

“Thôi, mày không muốn nói thì thôi. Ngồi xuống đây.”

Ông lão móc trong bị ra một lá chuối gói cơm, một lá chuối gói bánh gì đó, rồi mấy lá chuối gói miếng cá miệng thịt. Lão bày cả lên đất trước bếp lửa:

“Ngồi xuống ăn với tao.”

“Dạ….”

“Dạ con mẹ mày. Ăn đi, tao còn nữa, đừng lo hết.”

Bữa cơm của ông lão thịt cá cơm bánh lăng nhăng, ai cho gì có nấy, nhưng nó thấy thịnh soạn. Mẹ con nó có cơm no bụng là may. Bữa nào nó câu hoặc bẫy được thì có chút thức ăn. Nếu không, mẹ nó quơ quào rau cải bỏ ngoài chợ về nhặt lại lấy phần còn tốt luộc lên chấm nước muối, hoặc nấu thành canh. Miếng thịt miếng cá với mẹ con nó không phải là chuyện bình thường mà là ân huệ to lớn trời ban cho.Hôm nào không có tiền mua gạo, mẹ con nó ăn khoai ăn sắn xin được, hoặc nó đào trộm được. Cứ thế qua ngày tháng. Ông lão giờ đây lại bày ra đủ cá đủ thịt, dù cách này kiểu khác, nhưng mỗi thứ một miếng góp lại thành nhiều. Bụng nó sôi lên ùng ục và nước miếng tứa ra.

Ông lão cho tay vào bốc cơm bốc thức ăn. Nó cũng chẳng e dè gì, thọc tay vào bốc. Đúng như lão nói, ăn hết gói này, lão thọc tay vào bọc lấy gói khác ra, tưởng như cái bọc đen sì của lão là cái bọc thần móc không bao giờ hết thức ăn. Ông lão còn lấy ra một chai nhỏ đựng rượu.

“Uống không mày?” ông lão cười hỏi nó.

Nó nhìn ông lão ngữa cổ tu rượu, không trả lời vì biết ông chỉ hỏi đùa. Nó tận tình ăn uống, chẳng e dè khách sáo gì nữa. Nếu nhìn thấy được, chắc nó thấy cái bụng của nó đã no tròn lên.

“Mày no chưa?”

“Dạ con no lắm rồi.”

Nó đứng dậy, mò ra bờ ruộng vục nuớc lên uống. Ông lão chẳng lấy đó làm điều vì không phải là chuyện lạ đối với ông. Ai khác cho việc uống nước ao nước ruộng là bệnh hoạn nguy hiểm, nhưng với lão, với nó, và với đám người như họ thì đó là chuyện bình thường. Vi trùng vi triếc là chuyện trong trường học, còn với họ lũ vi trùng chẳng dám làm gì!

“Giờ mày nói tao nghe, mày sao lại đến đây?”

Thằng bé không trả lời ông lão mà hỏi ngược lại:

“Còn ông, sao lại đến đây?”

Ông lão cười ha hả:

“Thằng này giỏi, không trả lời tao mà hỏi ngược lại. Tao đâu có đến đây, tao ở đây mà. Đây là nhà tao.”

Thằng bé trố mắt nhìn ông:

“Ban ngày con đâu thấy ông?”

“Cái thằng, ban ngày tao đâu ở đây.”

“À, ra thế.”

“Tao biết ban ngày tụi bay đến đây nướng khoai nướng sắn.”

“Sao ông biết?”

Ông lão hiền từ vuốt râu cười:

“Cái thằng ngu như bò. Tụi bây vứt vỏ khoai vỏ săn tùm lum, có mù mới không biết.”

Thằng bé cũng nhăn răng ra cười. Nó nhớ lại những lần tụi nó túm tụm lại đây. Có lúc tụi nó bắn bẫy được chim chuột, hoặc bắt trộm được gà vịt cũng đem về nướng ở đây. Lông chim thì không sao nhưng lông gà lông vịt thì tụi nó biết khôn, đào lỗ chôn kín.

Ông lão tu thêm ngụm rượu rồi nói:

“Giờ mày nói tại sao mày đến đây?”

Nó nhìn ông lão, suy nghĩ một thoáng. Thấy vẻ hiền từ của ông, nó mạnh dạn hơn:

“Con nói nhưng ông không được kể lại với ai.”

“Ừa.”

“Ông thề đi.”

“Cái gì? Thì tao thề.”

Ông lão thề cái gì nó không quan tâm đến, nhưng ông đã thề làm nó yên tâm. Nó kể lại cho ông chuyện ông già tốt bụng Xan-ta, chuyện tại sao nó và đám nó không được quà Giáng sinh, và quyết tâm của nó đi tìm cho ra lẽ. Ông già vừa nghe, vừa nhấp rượu, vừa gật gù như thể thông cảm lắm. Nói xong, nó nhìn thẳng vào mặt ông, thấy đã trót dại kể chuyện vì sợ ông già ngăn cản. Ông lão gật gù:

“Ừa, cái lão Xan-ta nào đó tốt bụng thật…. Thế nhưng tao nói mầy nghe, tao cũng đâu có được lão cho quà cáp gì đâu. Lúc còn nhỏ, tao có nhận được đồ chơi gì của lão cho đâu.”

“Ra thế, ông cũng không được. Chắc tại ông cũng nghèo như con.”

Ông già không kềm được cười phá lên:

“Cha cái thằng, bộ mày tưởng lúc nhỏ tao giàu sao? Nhỏ mà giàu thì già như bây giờ, chắc mày cũng cho là tao giàu lắm!”

“Dạ, con biết ông nghèo.”

Ông lão không nói gì, chỉ “hừ” một tiếng rồi ngồi im lặng như suy nghĩ lung lắm. Cả hai im lặng, mỗi người đuổi theo dòng suy nghĩ của riêng mình. Bên ngoài, tiếng cóc nhái ễnh ương côn trùng họa nhau uồm uộp ỉ ôi rỉ rả. Cuối cùng, ông già lên tiếng:

“Đi ngủ đi. Mai mày đi tiếp, gặp được lão Xan-ta gì đó nhớ hỏi luôn cả tao sao cũng chẳng bao giờ được quà của lão.”

Ông ngáp dài, khều ngọn lửa cho bùng lên rồi nằm lăn ra bên cạnh bếp lửa nhắm mắt lại, phút chốc đã ngáy pho pho. Thằng bé cũng bắt chước nắm xuống bên bếp lửa cho ấm, trằn trọc một chút rồi cũng thiếp đi. Khi mặt trời xói vào chỗ nó nằm, nó bừng mặt tỉnh dậy thì ông lão không còn bên cạnh nữa. Nó dụi mắt tưởng thấy chiêm bao, nhưng chỗ ông lão nằm ngủ còn hằn vết lại trên nền đất. Và ông lão còn để lại cho nó cả một bọc cơm và gói muối. Nó nhớ lại lời ông lão dặn nó hỏi Xan-ta cho cả ông nữa.

“Lạ thực, cả ông lão cũng không có quà. Sao lại thế?”

Nó cứ tưởng chỉ nó và đám bạn nó bị ông già tốt bụng Xan-ta bỏ quên, giờ mới biết còn cả ông lão nó mới gặp. Và nó tự hỏi, “Không biết còn ai bị bỏ quên nữa không?”


Nó tiếp tục băng qua cánh đồng và đến một lũy tre cho thấy đã hết ranh giới làng nó, đi qua làng khác. Bây giờ thì nó không sợ bắt gặp người ta nữa vì làng này xa lạ, chẳng ai biết nó là ai. Nó đi hẵn lên đường cái, không còn phải lẩn tránh. Đi trên đường cái được lợi là đường rộng, không gập ghềnh khó bước, nhưng lại không có sẵn nước ruộng cho nó uống. Khi khát nó phải ghé qua giếng xin nước, hoặc phải đợi đến khi gặp được ao hồ. Đường cái tuy rộng, nhưng nó bước lại không nhanh vì thân thể bắt đầu mệt mỏi rã rời. Hai bàn chân nó đau như không còn sức lê nổi đôi dép. Hai bắp chân nó nặng nề hẵn lại. Tuy vậy, nó vẫn cương quyết bước đi. Nó nhất định tìm cho được ông già tốt bụng Xan-ta để hỏi cho ra lẽ, cho dẫu chẳng biết đích thực ông ở chỗ nào.

Nó áp dụng như hôm trước, bữa trưa không ăn cho đến khi thực sự đói để tiết kiệm thức ăn. Lúc nó cảm thấy bụng đói cồn cào cũng là lúc nó đi vào trong một thị trấn. Mùi thức ăn từ các tiệm ăn gần đó xông lên ngào ngạt làm nó thèm thuồng. Nó tự nghĩ, “Biết đâu mình đến chỗ tiệm ăn, có người cho mình ăn.” Nó nghĩ ai cũng có thể như ông lão ăn xin hôm qua, sẵn sàng cho nó ăn uống nghỉ ngơi. Nó sấn bước đến xớ rớ trước một tiệm ăn gần nó nhất. Bên trong vọng lại tiếng chén đũa lách cách, tiếng người ta ăn uống sột soạt. Nó lấp ló ở cửa, chưa tính được nên vào hay nên ở ngoài thì nghe tiếng quát:

“Ê, thằng kia!”

Nó nhìn lại. Một anh chàng chống nạng khập khiểng, chân tay băng bó cộm lên đang gầm gừ nhìn nó:

“Mày định dành chỗ ông hả?”

Thằng bé hoàn toàn chẳng hiểu ất giáp gì cả. Nó có dành chỗ ai đâu. Đây là tiệm ăn của người chủ tiệm, nó có xin ăn thì xin chủ tiệm chứ đâu có xin gì anh này. Thấy nó đứng yên không bỏ chạy như đám ăn xin khác thường làm, anh chàng này gầm lên:

“Cút ngay, cút ngay. Ông lại giáng cho một bạt tai bây giờ.”

Gì chứ “giáng một bạt tai” thì nó đã kinh nghiệm rồi. Vì thế nó co giò chạy biến thực lẹ như nó đã quen chạy khi gặp nạn. Chạy thì chạy, nó không hiểu tại sao lại bị đuổi đi mà không do chủ tiệm đuổi. Ở làng quê nó, không có chuyện người cùng đi xin ăn đuổi nhau đi như vậy. Lỡ hai ba người cùng xin, người cho đưa cho ai thì nấy nhận, chẳng người nào khiếu nại người nào. Tại sao ở đây chỗ thị trấn, anh chàng xin ăn này lại đuổi nó đi? Nó buồn bực đi tìm một tiệm ăn khác thử thời vận. Chỗ khác cũng có một đám người bị gậy băng bó chống nạng đang chực sẵn trước cửa. Thấy nó khố rách áo ôm dợm bước vào, đám người này đã trừng mặt trừng mũi hăm dọa nó. Giờ thì nó đã hiểu. Ở thị trấn, ăn xin ăn mày cũng có quyền uy của họ, không người nào khác xâm phạm đến phạm vi kiếm ăn của họ.

Nó lủi thủi đi tiếp ra khỏi thị trấn, tìm chỗ tạm trú qua đêm. Vùng này nó chưa hề đặt chân đến nên chẳng biết đâu lại đâu. Đi đến mỏi chân rã rời, nó không tìm được chỗ nào có thể ở lại được. Ra khỏi thị trấn một quãng, trông thấy một chòi lá bên bờ ruộng gần đường cái, nó bươn bả đi đến tưởng đã gặp may. Không ngờ, bên trong cũng đã có một nhóm người bị gậy trú ngụ rồi. Biết không thể vào theo kinh nghiệm vừa học được tại các tiệm ăn, nó vội tháo lui tiếp tục rảo bước. Trời đang tối dần và nó đang lo sợ đêm nay phải ngủ giữa trời. Trời gió, đêm sương, thân thể nhỏ bé của nó chắc không chống chọi được.

Thằng Cu đang lầm lủi đi trong đêm tối thì đột nhiên nghe tiếng gọi:

“Ê, mày.”

Kiểu gọi này thì nó đã quen nghe, vì người ta chỉ gọi nó và đám bạn bè nó như thế. Ngay đám nó cũng chỉ biết gọi nhau là “Ê mày” hoặc “Ê thằng kia” chứ không biết cách gọi nào khác lịch sự hơn là gì. Nó đứng khựng lại, ngạc nhiên: Đứng chận nó là một người cũng bị gậy khố rách như nó.

“Ê, mày không nhận ra tao?”

“Dạ không, em không….”

“Tao thấy mầy đi tới tiệm ăn trong thị trấn, tiệm có đông tụi tao đứng, rồi mày bỏ chạy.”

“Dạ….”

Nó “dạ” như máy để tránh bị “giáng bạt tai” nếu không may thôi, chứ thực sự nó không nhận ra người này là ai. Đám ở tiệm ăn thứ hai nó dừng lại có đến bốn năm người, bề ngoài trông ai cũng như ai, thêm nữa lúc này trời đã tối, làm sao nó nhận ra được.

“Mày mới đến xin ăn hả?”

“Dạ….”

Nó ngập ngừng chưa biết phải giải thích sự hiện diện của nó ở thị trấn này cách nào cho suông sẻ. Nhưng người lạ đó không đợi nó trả lời:

“Thấy mầy nhỏ nhoi, tao tội nghiệp. Nếu mày nhập bọn xin ăn, theo tao. Tao nhận mày làm em. Có mày nhỏ nhít chắc dễ xin ăn hơn.”

Thằng bé ngẫm nghĩ, “À, thì ra anh chàng này muốn lợi dụng nó con nít con nôi để dễ kiếm ăn,” nhưng không dám nói thành lời.

“Dạ, em….”

“Còn dạ gì nữa. Theo tao đi, tao che chở mày…. Hay mày muốn đi nơi khác?”

“Dạ, em muốn đi nơi khác.”

“Mẹ mày, yên thân không muốn. Mầy định đi đâu?”

“Dạ em định đi xa.”

“Thằng này, đi đâu mà xa, bộ đến Bắc cực chỗ Xan-ta ở?”

Thằng bé giật mình. Tại sao anh này nói được “cái gì cực” mà mẹ nó không biết, nơi ở của Xan-ta. Nó buột miệng:

“Dạ, đúng đó. Đến Bắc cực.”

Bây giờ thì nó nhất định nhớ lấy địa điểm này, vì đỡ mất công tìm kiếm. Nó nghĩ đã biết chỗ ở của Xan-ta là Bắc cực thì dù xa mấy nó cũng nhất định đi tới. Điều nó không biết là Bắc cực xa đến chừng nào, nhất là so với đôi chân của nó.

“Hả? Mày đến đó làm gì? Bộ tìm Xan-ta?”

Đến đây thì nó thực sự nể phục người mới đến này. Anh ta biết cả Xan-ta cả nơi Xan-ta ở.

“Ủa, anh cũng biết Xan-ta?”

“Biết chi mô. Tao đi ăn xin nghe đám trẻ con nhà giàu ngồi ăn trong tiệm nói với nhau. Tụi nó nói Xan-ta cho tụi nó quà vào dịp lễ gì đó.”

“Lễ Giáng sinh…. Bộ anh cũng nhận được quà của ông già tốt bụng sao?”

Người mới đến cười rũ rượi:

“Con ơi là con ơi. Nghèo như tụi mình ông già Xan-ta Xan-tung nào mà nhớ đến. Tao mà nhận được tao chết liền.”

Thằng bé nghĩ ngợi, “Lại thêm một người nữa như mình, bị Xan-ta quên.” Và nó nghĩ, như thế chắc cả đám đứng xin ăn trong thị trấn, và toàn thể đám con nhà nghèo nàn xin ăn như họ và nó đều bị ông già tốt bụng bỏ quên. Nhưng mà tại sao? Tại sao ông chỉ tốt bụng với đám con nhà giàu mà bỏ quên đám con nhà nghèo?

“Nhất định, mình phải tìm hỏi cho ra lẽ.”

Người mới đến bảo nó:

“Ừa, tao thấy mày có lí, đi tìm lão hỏi cho ra lẽ. Mà nhớ hỏi lão tại sao tao và tụi tao cũng không có quà nghe.”

Anh chàng lấy từ trong bị ra một gói gì đó, đưa cho thằng bé:

“Mày cầm lấy mà ăn. Gặp lão nhớ hỏi giùm tao.”

Không đợi thằng bé trả lời, người mới đến quay lưng bước ngược vào thị trấn. Thằng bé khấp khởi mừng thầm:

“Đúng là trời thương mình. Ít nữa thì mình cũng biết Xan-ta ở Bắc cực. Mà Bắc cực là đâu nhỉ?”

Nó chẳng trả lời được. Nơi duy nhất nó biết đến là làng quê nơi mẹ nó đang xin ăn và đám bạn nó và nó chơi đùa. Thế giới đối với nó chỉ chừng đó, đi qua đi lại không hết một ngày. Tuy nhiên, sự hiểu biết mới làm nó háo hức thêm lên, cương quyết tìm cho được Xan-ta dù Bắc cực có xa đến mấy.

Nó tiếp tục lầm lủi bước đi. Trời tối, gió lạnh đưa nó về lại với thực tại:

“Mình phải tìm chỗ qua đêm thôi.”

Hai bên đường vẫn đồng không mông quạnh. Thỉnh thoảng, có một căn nhà le lói ánh đèn bên này hoặc bên kia. Nó không nghĩ đến việc đến các căn nhà đó:

“Chẳng ai cho một thằng như mình vào nhà đâu. Ban ngày cũng không, đừng nói ban đêm.”

Nó đã kinh nghiệm nhiều về điều này. Chẳng ai tiếp nhận nó vào nhà, một thằng vừa hôi hám, vừa có thể là ăn cắp ăn trộm như nó. Nó chỉ gặp may nếu tìm được một chòi canh chòi vịt bỏ hoang.


Bây giờ thì nó mệt mỏi hết sức nhưng không dám ngừng lại trên đường cái giữa đồng trống. Nó biết nó mà nằm xuống trên đất này thì chết là cái chắc. Phải cố gắng đi tiếp thôi. Vừa đi, nó vừa móc trong bọc anh chàng hồi nãy cho nó, lôi ra mấy mẫu bánh mì cho vào miệng. Nó bóp bóp thấy mấy cục gì cưng cứng mà nó nghĩ là cục xương. Quả thực, đó là mấy cục xương đã gặm hết thịt. Nó cho vào miệng mút mút, cố gắng dứt ra cho hết tí thịt tí gân còn sót lại. Mấy miếng thực phẩm làm nó thấy khỏe khoắn thêm chút ít, cho dẫu không đánh tan hết sự rã rời đang lan rộng trong thân thể nó. Mỗi bước chân tới làm nó đau đớn; các bắp thịt như không còn tuân theo lệnh đầu óc nó nữa. Nó cảm thấy nó không phải đang bước đi mà đang bay bay theo gió thổi. Mắt nó ríu lại dù nó hết sức chống cưỡng cơn buồn ngủ. Nó biết đây không phải là buồn ngủ, mà chính là thân thể nó muốn nghỉ ngơi vì kiệt sức.

“Không tìm ra chỗ, chắc mình chết quá.”

Nó bỗng thấy nhớ mẹ kinh khủng. Phải chi nó đừng bỏ ra đi, giờ này nó đã nằm trong chòi hưởng hơi ấm từ thân thể mẹ nó.

“Nếu không đi, làm sao gặp được Xan-ta tốt bụng?”

Nó tự hỏi để tự tăng thêm năng lượng. Nhưng số năng lượng đột nhiên này không kéo dài được bao lâu. Nó thực sự không còn nhấc chân nổi. Đột nhiên, nhìn lên, nó thấy in rõ lên nền trời ngọn tháp vươn cao có hình chữ thập trên đỉnh. Không cần suy nghĩ, nó biết đó là một ngôi nhà thờ. Làng nó cũng có tháp nhà thờ tương tự, nó nhìn đã quen mắt. Nó cũng biết về đêm, nhà thờ khóa cửa nhưng chẳng có ai ở đó. Ông từ nhà thờ nơi nó ở tối tối khóa cửa nhà thờ, rồi về nhà riêng của ông. Nó biết vậy vì có mấy lần mẹ nó đi giúp việc khuya cho các gia đình có đám tiệc, dặn nó ngồi chờ ở đó.Tháp nhà thờ làm nó phấn khởi hẵn lên, biết nó có chỗ qua đêm cho đến ít nữa khi người ta đi lễ sáng.

Nó bươn bả tắt ngang qua cánh đồng hướng đến “đất hứa” của nó. Mỗi bước chân lê lết của nó đem nó đến gần hi vọng hơn. Đến nơi, nó bước lên hành lang bên hông trái khuất gió, tìm một góc ấm nhất rồi ngã vật xuống. Sức lực của đứa bé bảy tuổi đã cạn. Nó chìm vào cơn hôn mê, thấy đang ôm lấy ông già tốt bụng Xan-ta kể lể nỗi niềm của nó và những người như nó….


* * *


Chuông lễ sáng thúc giục hai nữ tu phụ giúp cha xứ bước vội đến nhà thờ. Hai chị ngày nào như ngày nấy, ngày nắng như ngày mưa, ngày tốt như ngày bão lụt, có mặt tại nhà thờ ngay hồi chuông đầu tiên, khi chưa một ai đến, để dâng kinh nguyện sáng. Đoạn đường ngắn từ nơi hai chị dùng làm nhà nuôi trẻ mồ côi đến nhà thờ là đoạn đường im lặng. Hai chị thinh lặng đuổi theo suy niệm riêng của mình về Thiên Chúa, về ý lễ hôm đó.

“Giêsu, Ma…. Lạy Chúa, cái gì thế này?”

Một chị vô tình vấp vào một cái gì đó trên hành lang ngay cửa hai chị quen đi vào nhà thờ. Chị kia giật mình đưa tay đỡ chị sắp ngã, rồi cúi xuống nhìn:

“Trời đất, một em bé.”

Hai chị nữ tu ngồi hẵn xuống. Đưa bé nằm cong queo như đã chết nếu không nghe tiếng thở đều đều.

“Lạy Chúa con, con nhà ai thế này?”

Không suy nghĩ gì thêm, một chị cúi xuống bế gọn đứa bé đi về nhà mồ côi. Chị kia thu dọn bao bị bước ngay theo.

Hai chị đặt bé lên giường. Một chị lấy khăn nhúng nước lau rửa mặt mày tay chân cho bé, thay cho bé một bộ áo quần khác sạch sẽ. Em bé vẫn không tỉnh giấc. Vẻ mặt đơn sơ xa lạ của đứa bé làm hai chị thắc mắc:

“Chẳng phải trẻ trong giáo xứ.”

Hai chị gần như biết mặt hết lũ trẻ trong ngôi làng nhỏ bé này, Công giáo cũng như ngoài Công giáo. Các trẻ Công giáo thì hai chị còn biết rõ cả gia đình chúng.

“Cũng không trong làng này.”

Con cái nhà ai, sao còn bé mà lang thang thế này? Hai chị thắc mắc, nhưng bây giờ không phải là lúc tìm câu trả lời. Đứa bé nằm trên giường vẫn ngáy đều làm hai chị yên tâm. Đắp chăn ấm cho bé, hai chị đứng nhìn bé ngủ say cho đến hồi chuông thứ hai vang lên. Sắp đến giờ lễ.

“Chắc mình để bé ngủ, không sao đâu. Lễ xong sẽ tính.”

Đã gần đến Lễ Giáng sinh. Các bài đọc nhắc lại lời tiên tri Isaia nói về bình an cho trần thế, chiên con nằm bên sư tử, trẻ sơ sinh chơi với rắn hổ mang.

“Chúa ơi, con xin dâng em bé tại nhà chúng con cho Chúa. Xin Chúa đem bình an đến cho bé.”

Hai chị nữ tu lẩm nhẩm cầu nguyện. Lễ xong, hai chị báo sự việc với Cha Xứ. Cha theo các chị đến thăm. Em bé vẫn say sưa trong giấc ngủ. Thỉnh thoảng, cha và hai chị thấy bé chau mày lảm nhảm gì đó không thành tiếng, rồi lại thoáng thấy nụ cười. Cha và hai chị cũng mỉm cười theo, bỏ ra ngoài để yên cho bé ngủ.


Trưa rồi chiều rồi tối, hai chị thay phiên nhau vào thăm thấy bé vẫn ngủ say sưa. Các bao bị của bé vẫn nằm dưới gầm giường. Hai chị không muốn lục lọi hoặc đưa đi chỗ khác, sợ khi bé thức giấc sẽ kinh hãi, mặc dù mùi bốc lên từ các bao bị đó không lấy gì làm dễ chịu cho lắm. Đến giờ đi ngủ, hai chị cầu kinh xong, vào thăm lại, thấy bé vẫn ngủ say sưa, nhưng giờ đây hơi thở đã đều dặn, báo hiệu sự phục hồi của cơ thể. Hai chị đoán em đã trải qua một đoạn đường xa lắm, vì thấy quai dép hằn dấu đỏ trên hai bàn chân em, và bùn sình bám đầy quần áo rách rưới của em. Bao bị và quần em của em bé cho hai chị đoán biết nhiều phần bé là trẻ bụi đời lang thang ăn xin ăn mày. Điều hai chị không đoán được là tại sao bé còn nhỏ như vậy lại lang thang một mình. Cha mẹ thân nhân của bé là ai, ở đâu?

“Để bé ngủ. Tỉnh dậy mình sẽ hỏi cho biết.”

Nói vậy nhưng hai chị về phòng riêng vẫn không nhắm mắt được, cứ hết chị này đến chị khác thỉnh thoảng lại đến xem bé tỉnh giấc chưa. Hai chị đã để sẵn một li nước cam vắt, li sữa, và phần cháo, đợi bé dậy cho ăn uống vì biết bé đói lắm. Ít nhất, cả một ngày qua bé chẳng ăn uống gì. Hai chị chẳng biết làm sao, chỉ thỉnh thoảng dùng muỗng nhỏ vài giọt nước cam, vài giọt sữa lên môi bé.

Một chốc sau, một chị hốt hoảng đến gõ cửa phòng chị kia:

“Chị ơi, thằng bé mất rồi!”

Không trả lời, chị kia xỏ vội chân vào dép, rồi cả hai cùng chạy đến phòng đã đặt bé ngủ. Giường trống, chăn không còn, bao bị vẫn nằm đó. Bé ở đâu? Ánh sáng đèn màu chớp nhoáng từ cây Giáng sinh ở phòng khách chiếu qua cửa tò vò không đủ soi sáng căn phòng nhỏ trong đó bé đã nằm. Một chị bật đèn cho sáng hẵn lên. Không thấy bé đâu cả, dưới gầm giường cũng không.

Hai chị chạy vội ra cổng. Cổng vẫn khóa, chứng tỏ bé chẳng đi ra ngoài. Quay vào, hai chị cuống cuồng chạy hết phòng này sang phòng khác, kiểm soát từng gầm giường các bé mồ côi khác đang nằm. Các em mồ côi nằm chung trong một căn phòng rộng, còn bé mới đến nằm trong phòng riêng để các chị tạm thời dễ chăm sóc riêng. Các chị không dám bật đèn sợ mất giấc ngủ các em. Không thấy bé.

Hai chị chạy ra phòng khách. Cây Giáng sinh trong phòng khách đèn vẫn chớp nháy liên tục. Bên cạnh cây, một ông già No-en bằng nhựa, ăn mặc áo quần màu đỏ thắt lưng đen to bản, đội nón chóp đỏ có viền trắng, mang kiếng trắng, trông như người thật. Thỉnh thoảng, ông lắc lư cái đầu qua lại, tay huơ lên huơ xuống, miệng cười “Hô, hô, hô. Merry Christmas.” Ông già Xan-ta này là quà tặng của một Việt kiều cho nhà mồ côi.

Một chị bật đèn lên: Em bé mới đến nằm còng queo ôm chân ông già Xan-ta. Chen vào hơi thở đều đặn của bé, hai chị thỉnh thoảng nghe bé lẩm nhẩm:

“Ông già Xan-ta, tìm được ông rồi.”

Hai chị nữ tu nhìn nhau kinh ngạc. Tại sao bé ôm lấy hình Xan-ta, và lẩm nhầm “tìm được rồi”? Đột nhiên, hai chị nghe bé nấc lên, và lẩm nhẩm rõ ràng hơn:

“Ông đừng quên quà cho con nghe. Cho bạn con nghe. Cho ông già, cho anh què nữa.”

Bé thở đều đặn rồi lẩm nhẩm:

“Ông quên tụi con hoài. Ông cho mấy đứa giàu thôi!”

Bé thở đều, thỉnh thoảng nấc lên, rồi nhẩm đi nhẩm mấy lời trên. Hai chị nữ tu suy nghĩ, hình như lung lắm. Hai chị nhìn lên Thánh giá treo trên vách, nhìn xuống em bé, rồi nhìn nhau. Phản chiếu ánh đèn màu nhấp nháy, bốn con mắt của hai chị loang loáng màu sắc và hình như đang dầm đìa nước mắt. Hai chị sực nhớ hai chị đã chưa nghĩ đến hết trẻ em nghèo khó, ăn mày ăn xin trong khu vực hai chị phụ trách.

Đột nhiên, không hẹn nhau, hai chị đồng loạt quì xuống:

“Lạy Chúa, lỗi của con, lỗi chúng con.”

Trần Hữu Thuần