Chuyện đồng hành 2019

Quang X Nguyen

CHUYỆN ĐỒNG HÀNH 2019


Hôm Chúa Nhật Lễ Thánh Gia, tôi đi dự đám cưới con của một anh bạn.

Sau khi người dẫn chương trình giới thiệu tứ thân phụ mẫu cùng đôi tân hôn lên bục, anh bạn tôi đại diện gia đình tổ chức Lễ Vu Quy có đôi lời, anh nói:

Kính thưa quý cha, quý họ, quý bà con, quý khách,

Chúng con xin tạ ơn Chúa vì Chúa luôn luôn đồng hành với gia đình chúng con. Quả thực, đi qua 40 năm đời vợ chồng, gia đình, chúng con đã nhận ra tất cả là bởi hồng ân Chúa, tất cả là bởi sức mạnh của Chúa, tất cả là bởi tình yêu thương của Chúa.

Chúng con xin tạ ơn vì Giáo Hội luôn đồng hành với gia đình chúng con. Ân sủng của Thiên Chúa mà chúng con nhận được suốt 40 năm qua là nhờ Giáo Hội Phụng Vụ, Giáo Hội Yêu Thương Hiệp Nhất và Giáo Hội Sống Động tình yêu thương hiệp nhất ấy giữa cuộc đời.

Chúng con xin tạ ơn mọi người trong Giáo Hội, trong xã hội, tất cả các gia đình lương giáo, bà con, thân hữu, bạn bè gần xa đã luôn đồng hành với gia đình con, thương yêu, giúp đỡ, nâng đỡ, cảm thông, chia sẻ…

Và đặc biệt là xin cảm ơn 6 gia đình sui gia, 6 họ tộc của chúng ta, dẫu không cùng tôn giáo, cũng đã luôn đồng hành với nhau để gắn bó, yêu thương nhau, để cùng nhau xây dựng và góp phần cho hạnh phúc của con cái chúng ta.
……

Ai nấy thật cảm kích tâm tình của vị chủ hôn. Như thế là vị chủ hôn đã xác nhận hạnh phúc gia đình luôn luôn cần có sự đồng hành của Thiên Chúa, của Giáo Hội, của mọi người và của hai gia đình sui gia, hai họ tộc.

Thiết tưởng đây cũng là một chia sẻ quý giá cho tất cả chúng ta, cho tất cả các vợ chồng, gia đình, và cho những người sắp thành hôn với nhau.

Nhưng, thiết tưởng, để đón nhận được sự đồng hành của Thiên Chúa, của Giáo Hội, của mọi người và của gia đình sui gia cùng hai họ tộc, cần phải có sự khiêm nhượng trong lòng.

Thứ nhất: Khiêm nhượng để nhận ra sự hiện diện cần thiết của Thiên Chúa

Hãy nhớ tới Chúa luôn luôn, hãy xin Chúa ở lại trong tâm hồn mỗi người, trong gia đình mình. Hãy thuộc về Chúa để thuộc về nhau. Bởi nếu chúng ta chỉ lo thuộc về nhau mà không thuộc về Chúa, thì sự “thuộc về” ấy không bao giờ có nền tảng bền vững, nếu không nói là chóng vánh, là mau qua, là dễ phôi phai theo thời gian. Hai vợ chồng hãy yêu mến Chúa, và trong Chúa, chúng ta yêu mến nhau.

Có người hỏi điều đáng lo sợ nhất trong đời sống hôn nhân gia đình là gì? Có chuyên gia tâm lý xã hội thì nói rằng: đáng sợ nhất là không có tình yêu, không có niềm tin nhau, không có điểm chung, không có hạnh phúc… hoặc người khác thì nói: điều đáng sợ nhất là không có tiền bạc, không có nhà cửa, không có sức khỏe, không có sắc đẹp, … và còn bao nhiêu cái không có đáng sợ khác.

Phần chúng ta, các Kitô hữu, ước gì hãy ngộ ra điều này: điều đáng sợ nhất trong đời sống hôn nhân gia đình là không có Chúa.

Phải có Chúa trong lòng ta, trong nhà ta thì tất cả những cái có kia mới có giá trị, mới bảo đảm hạnh phúc.

Có tiền, mà không có Chúa, thì đừng có mơ mua được hạnh phúc.
Có nhà cửa, mà không có Chúa, thì đừng có mơ có được mái ấm bình an.
Có sức khỏe, có sắc đẹp mà không có Chúa, thì đừng có mơ được lòng thủy chung
Có yêu nhau, tin nhau, mà không yêu Chúa, không tin Chúa, thì đừng có mơ yêu nhau tin nhau tuyệt đối và bền vững

Vì thế, trước hết hãy khiêm nhượng nhận ra rằng: tự sức chúng ta không làm được gì cả. Chúng ta cần có sự hiện diện của Thiên Chúa trong lòng, trong nhà. Các thứ rượu trong đời chúng ta rồi sẽ phai nhạt đi, rượu tình, rượu nghĩa, rượu cảm thông, rượu an ủi, rượu hiểu biết, rượu ái ân, rượu hương sắc… rồi sẽ phai nhạt đi, nhưng có Chúa, cùng với Mẹ Người, chúng ta sẽ luôn luôn có rượu ngon trong đời vợ chồng.


Thứ hai, hãy khiêm nhượng nhận ra sự hiện diện đồng hành của Giáo Hội

Đừng tỏ ra bất cần Giáo Hội theo kiểu cưới được vợ rồi, cưới được chồng rồi, thế là chẳng thấy đến nhà thờ nhà thánh, chẳng thấy kinh lễ gì nữa cả. Nhưng vợ chồng hãy siêng năng sốt sắng đến nhà thờ, tham dự Thánh Lễ để lắng nghe lời Chúa dạy mà thực hành trong đời sống vợ chồng, để rước lấy Thánh Thể Chúa và biết bẻ tấm bánh đời mình ra mà nuôi nhau.

Hãy siêng đến với các Bí Tích, để nhờ các Bí Tích, Chúa ban ân sủng cho gia đình ta. Và còn phải cùng làm việc với mọi người trong giáo xứ, việc Tông Đồ Giáo Dân tại nhà mình nữa, việc trở nên ánh sáng cho đời bằng cách sống gia đình gương mẫu yêu thương hạnh phúc nữa.

Thứ ba là hãy khiêm nhượng nhận ra sự đồng hành cần thiết của mọi người trong Giáo Hội, ngoài xã hội

Đừng tỏ ra bất cần mọi người vì mình đại gia giàu có, vì mình tài giỏi, vì mình học thức hay khôn ngoan. Tự sức mình không tài giỏi gì đâu, nếu không có sức Chúa và sự đóng góp của mọi người. Chúng ta có nghĩ ra là mình đang được bình an hạnh phúc, giàu có, ăn nên làm ra là nhờ lời cầu nguyện của biết bao người đau khổ, bệnh tật, đang nằm một chỗ kia không?

Hãy xây dựng tình yêu thương hiệp nhất trong Giáo Xứ. Có nghèo hay giàu cũng phải được mọi người thương mến, thì vẫn hạnh phúc hơn là cảnh sống mà chẳng được lòng ai. Hãy sống tốt với mọi người, nghĩ tốt cho mọi người và nhất là sống tình bác ái với mọi người, không phân biệt tôn giáo, thành phần, đảng phái chính trị…

Và cuối cùng là các gia đình sui gia hãy khiêm nhượng nhìn ra sự hy sinh của nhau, hãy tiếp tục yêu thương và nêu gương hòa bình hiệp nhất cho con cái. Các anh chị sui gia, cha mẹ chồng, cha mẹ vợ sống tương giao tốt đẹp, giúp nhau chân thành, là nền tảng cho hạnh phúc cho các con.

Từ những suy tư trên, tôi nhớ lại chuyện Chúa Giêsu và Mẹ Người, tham dự tiệc cưới Cana. Câu chuyện tiệc cưới Cana phải là câu chuyện đích thực của mỗi gia đình chúng ta hôm nay, của những người sắp kết hôn, của những ai đang sống đời vợ chồng.

Sự hiện diện của Chúa Giêsu là sự hiện diện của Thiên Chúa.
Sự hiện diện của Mẹ Maria như vai trò trung gian của Giáo Hội.
Sự hiện diện của quý khách mời là sự hiện diện của mọi người trong Giáo Hội, trong xã hội, sự hiện diện của các tương quan.
Sự hiện diện của đôi tân hôn thì dĩ nhiên có sự hiện diện của sui gia, của tứ thân phụ mẫu…

Mẹ Maria nói với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi”. Khác gì, Giáo Hội Việt Nam đang nói với Chúa: “Lạy Chúa, các gia đình Việt nam đang gặp khó khăn”.
Mẹ bảo với các gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ làm theo”. Khác gì, Giáo Hội Việt Nam cũng đang mời gọi mỗi người chúng ta hãy “lắng nghe và làm theo lời Chúa dạy”. “Hãy thuộc về Chúa để thuộc trọn về nhau”.
Những đôi vợ chồng, sắp cưới, mới cưới, đã vài năm cưới, mươi năm cưới, và nhất là vài ba mươi năm cưới qua Bí Tích Hôn Phối Công Giáo phải là những đôi vợ chồng yêu thương, hạnh phúc, và chung thủy, phải là những gia đình bình an, hạnh phúc, và thịnh đạt.

Đó là ước muốn tốt lành của Thiên Chúa, của Giáo Hội, của mọi người, của những bậc làm cha mẹ, và của chính mỗi đương sự sống bậc hôn nhân gia đình.

Ước gì Lời Chúc Hôn mà vị Linh Mục chủ tế đọc trước Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, ngày chúng ta cử hành Bí Tích Hôn Phối, nhắc nhớ cho mỗi người chúng ta về nỗi lòng yêu thương của Chúa, của Giáo Hội dành cho các đôi vợ chồng:

Lạy Chúa, xin cho các anh chị
biết ngợi khen Chúa khi vui, tìm đến Chúa lúc buồn;
khi lao nhọc được vui mừng vì có Chúa hiện diện phù trì,
lúc ngặt nghèo, cảm thấy Chúa gần bên xoa dịu,
xin cho các anh chị biết cầu nguyện nơi cộng đoàn thánh thiện,
và làm chứng cho Chúa nơi trần gian;
để sau khi được cùng với đông đảo bạn bè bao quanh
vui hưởng tuổi già diễm phúc,
các anh chị được đạt tới nước trời. Amen.

PM. CAO HUY HOÀNG, 3.1.2019

Ephata 831