Nhớ nhà thơ Phaolô Têrêxa Hồ Dzếnh, nụ tầm xuân và hoa mẫu đơn

Quang X Nguyen

NHỚ NHÀ THƠ PAUL THÉRÈSE HỒ DZẾNH,
NỤ TẦM XUÂN VÀ HOA MẪU ĐƠN

Nhà thơ - nhà văn Hồ Dzếnh (Hà Triệu Anh, Hà Anh)

1. Chuyện đời nhiều lúc gẫm lại, thấy ngồ ngộ, hay hay. Quẩn quanh mãi ở làng quê với lũy tre xanh, với con trâu cái cày, chắc chả bao giờ có tí chữ nghĩa mà đọc, mà yêu lấy những tác giả – tác phẩm văn học. Làm sao mở lòng ra với đất nước con người Việt Nam và thế giới? Không khéo, bây giờ đã yên phận anh nông dân chân đất, ông trùm, ông quản, với việc thờ thánh, ruộng đồng, vườn tược gì đây?
Cũng may, chiến tranh giặc giã tuy có nghiệt ngã thật đấy, nhưng nó lại là một trong những động cơ thúc đẩy -sau nhiều cuộc chuyển biến di dời- biết bao số phận đến với những cơ may đổi đời. Mấy năm sống nghèo kiết ở huyện Thuỵ Anh và thị xã Thái Bình, nhờ vào đồng lương lính và gánh hàng xén của thày của mẹ, lần đầu tiên tôi là thằng-bé-ở-quê-ra, tập tễnh làm quen, riết rồi mê mẩn bài tập đọc, bài chính tả, bài học thuộc lòng của những ông nhà thơ nhà văn như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Thanh Tịnh, Tế Hanh và Hồ Dzếnh… Thêm vài ba món tiếng Tây lớp đồng ấu (cours enfantin) nữa, tâm hồn tôi như được thoáng đãng hơn khi mò mẫm đọc những trích đoạn quá ư là mượt mà dễ thương của Anatole France, Alphonse Daudet và De Amicis, v.v..

 Đến khi theo cha mẹ “hành phương Nam” thì tôi đã to đầu lớn xác lắm rồi. Sàigòn làm gì có cái lành lạnh “vào Thu, tiễn Thu” như trong thơ của ông Tản Đà. Nam Bộ thiếu vắng hẳn những chiều mưa bụi heo may của năm cửa ô Hà Nội để mà ngâm ngợi chùm thơ tình Hồ Dzếnh gửi gắm người yêu ở một ngõ phố nào đó:

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân,
Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần…
Tôi nói khẽ: Gớm, làm sao nhớ thế?
………………………………………………

Tình mất vui khi đã vẹn câu thề,
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở.

(Ngập ngừng)


2. Thế rồi chiến tranh từ âm ỉ, nhen nhúm, bùng lên suốt những năm cuối thập niên 50 và 60. Ngoài ấy mưa bom, trong này lửa đạn, vừa học hành, vừa lo chuyện lính tráng, áo cơm. Thành phố có những đêm đèn vàng, quán xá về khuya hắt hiu. Nhạc “tiền chiến”, thơ “tiền chiến” ở những đẩu đâu xô dạt “về thành”, phút chốc đã nên trân châu vàng bạc điểm trang tô vẽ cho đời. Một trời sao lấp lánh những Văn Cao, Mỹ Ca, Nguyễn Văn Tý, Tô Vũ, Đoàn Chuẩn, Hoàng Giác; những Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Quang Dũng… Tôi không nhớ hết. Chỉ biết rằng đã có một thời -bên cạnh luồng gió lạ “hiện sinh” của J.P. Sartre, Françoise Sagan, A. Camus- bọn trai trẻ thị thành chúng tôi như bị “cám dỗ” bởi giai điệu habanera sâu lắng rã rời trong âm nhạc quí phái Dương Thiệu Tước, bởi những ngôn ngữ – hình tượng lãng mạn mà giản đơn trong thi ca Hồ Dzếnh. Mộ khúc chiều tà ông viết năm 1937 như một lời chào làm quen với làng thơ, có mặt trong sổ tay chúng tôi:

Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngày
Tiếng buồn vang trong mây

Tôi là người lữ khách
Màu chiều khó làm khuây
Ngỡ lòng mình là rừng
Ngỡ hồn mình là mây

Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây

(Chiều)


Nhà thơ Paul Thérèse Hồ Dzếnh (1916-1991)
3. Bẵng đi một quãng thời gian thật dài, nhà thơ Hồ Dzếnh (Hà Triệu Anh) và nhạc sĩ La Hối, tác giả “Xuân và tuổi trẻ”, (La Doãn Chánh 1920-1945) -hai con chim lạ bay từ Quảng Đông đến làm tổ trên đất Việt- bặt vô âm tín, nhưng đã để lại vô vàn dấu ấn khó phai.

Riêng trường hợp Hồ Dzếnh, kẻ bảo còn, người nói mất hoặc đã gác bút xoay ra làm nghề thợ đúc thép, rồi thợ cơ khí ở nhà máy xe lửa Gia Lâm. Những ai từng yêu thơ văn Hồ Dzếnh ắt không khỏi buồn lòng, vì tên tuổi ông tuyệt nhiên không hề được ghi nhận ở trong cả hai pho sách đồ sộ: Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân (1942) và Nhà Văn Hiện Đại. Nhưng dù sao – theo “Lời giới thiệu” của nhà thơ Vũ Quần Phương trong “Hồ Dzếnh – tác phẩm chọn lọc” (NXB Văn học Hà Nội, 1988) – tác phẩm của ông không nhiều, lại không tập trung ở một tờ báo hay đặc san nào. Với bản chất thầm lặng, ông luôn luôn khiêm tốn tự cho mình như là người mới bắt đầu vào nghề viết. Tuy nhiên, với 2 tập văn “Chân trời cũ” và thơ “Quê ngoại”, Hồ Dzếnh được biết đến như một nhà văn, một nhà thơ có chân tài. của Vũ Ngọc Phan (1941). Phải chăng, lúc ấy ông chưa hẳn đã thành danh và toàn bộ tác phẩm (không nhiều lắm) của ông chỉ ra mắt công chúng sau những thời điểm trên:
Chân trời cũ (tập truyện ngắn, NXB Á Châu, 1942); Cô gái Bình Xuyên (Tiểu thuyết, NXB Tiếng Phương Đông, 1946); Quê ngoại (tập thơ, NXB Nguyên Hà, 1943)

Mang trong mình hai dòng máu Hoa-Việt, hồn thơ của ông luôn dạt dào nguồn cảm xúc từ “Quê ngoại”, một-cõi -đi-về rất thiêng liêng trong ký ức lịch sử của riêng ông. Ta hãy nghe ông tâm sự: “Lòng tôi nghe vang một thứ gió âm u của miền sa mạc Mông Cổ, trôi qua Thiểm Tây, Cam Túc, luồn vào những khu rừng không tên của hai tỉnh Lưỡng Quảng…” Để rồi ông dừng lại ở thôn làng Đông Bích, huyện Quảng Xương, ở bến đò Ghép (Thanh Hóa) mà thương quá Việt Nam: “Hỡi nước Việt Nam, tôi nghiêng lòng xuống Người, trên những luống cày mà hương thơm còn phảng phất, vì tôi đã từng uống nước và nói tiếng nói của Người, vì tôi đã thề yêu Người trên bậc tuyệt vời của tôn giáo. Trên giải đất súc tích những tinh hoa của văn chương, những công trình lịch sử, tôi còn ghi cả những bóng dáng người xưa tôi thương yêu và trong số những người này, chị Yên tôi là một…” (Chân trời cũ).

Kể từ khi nhà thơ Hồ Dzếnh qua đời (13.8.1991) đến nay, nhà xuất bản Văn học Hà Nội mới tìm được và lần lượt cho in “Chân trời cũ” – tuyển truyện ngắn và thơ, “Cuốn sách không tên” – tập truyện nhỏ của Hồ Dzếnh. Gần đây, nhân đọc lại một bài viết của nhà văn Vũ Bằng, chúng ta được biết thêm Hồ Dzếnh còn là tác giả của những tập truyện dài “Hai mối tình” và “Những vành khăn trắng” với bút hiệu Lưu Thị Hạnh, tên người vợ đầu rất xinh đẹp mà yểu mệnh. Và đúng vào dịp giỗ 2 năm Hồ Dzếnh (13.8.1993 – trên tuần báo CGvDT, qua ông Nguyễn Khắc Xuyên trong bài “Thi sĩ Hồ Dzếnh và Kitô giáo” – chúng ta lại được biết thêm một nguồn thông tin quý báu: Hồ Dzếnh được rửa tội ngày 23.3.1941 tại Nhà thờ lớn Hà Nội, do cha Villebonnet (M.E.P.) chủ sự, và người đỡ đầu là ông Paul Trần Đình Kỹ, một trí thức Công giáo đất Thanh Nghệ (sau cùng với cha Gras – Đỗ Minh Vọng O.P. mở trường trung học Công giáo đầu tiên mang tên nhà bác học Pasteur). Hồ Dzếnh nhận tên thánh là Paul Thérèse, tên thánh ông bố thiêng liêng và “Người em gái” vô danh đã xuất hiện ngay từ những dòng thơ đầu đời (1938):

Người yêu tôi đeo cây thánh giá
Tự nghìn xưa Chúa chịu cực hình
………………………………………….

Miễn là ở chốn xa xôi ấy,
Lạy Chúa xui nàng nhớ đến con.

Đọc mấy dòng thơ trên, có người tỏ ý tiếc cho cái tài hoa kia chẳng mấy toàn tâm toàn ý và dài hơi cho văn học nhà đạo. Biết làm sao hơn? Tại sao ta không nghĩ rằng khi yêu đất nước con người, khi làm giàu văn thơ Việt Nam, nhà thơ Paul Thérèse Hồ Dzếnh đã gieo vãi cơ man nào là điều tốt đẹp mà một Kitô hữu gốc gác thuần thành chưa chắc đã làm được bằng ông, như ông. Thì ra văn học Kitô giáo ở nước ta đến nay còn thưa thớt nhạt mờ lắm, bởi ít ai để ý, quan tâm hoặc đầu tư gầy dựng. Hèn chi mà cứ trở nên xa lạ, giữa dòng chảy văn hóa dân tộc.

Trong ý nghĩa riêng tư, tôi hằng tin rằng văn học rất hào phóng và tấm lòng công chúng càng hào phóng hơn khi cảm nhận cái nội lực của ngòi bút, cái chân tài phát tiết ra chỉ cần từ một câu một chữ, từ một tác phẩm –”tác-giả-một-bài” – làm quà để lại cho đời. Đó là trường hợp của Vũ Đình Liên với “Ông Đồ”, Hữu Loan với “Màu tím hoa sim”, Hoàng Cầm với “Lá diêu bông”, Nguyễn Xuân Sanh với “Màu thời gian”, T.T.KH. với “Hai sắc hoa ti-gôn” hoặc Kiên Giang với “Hoa trắng thôi cài trên áo tím”, v.v.. Ngay đến cả Hàn Mặc Tử, một-nhà-thơ-con-chiên-ngoan-đạo kia mà cũng chỉ có được một tập mỏng manh “Xuân Như ý” với trên dưới mươi bài chuyên chở nội dung tôn giáo thì nhà-thơ-mà-chúng-ta-yêu Paul Thérèse Hồ Dzếnh phải được coi là “ngoại lệ” hay “biệt lệ”. Bởi thế, khi ngắm nhìn “Người em gái” hoặc “Hồng Phúc” trong “Hoa mẫu đơn” – những người tình không chân dung – là ta đã đi vào “ngõ đạo”, gặp được tâm tình êm ả mà thiêng liêng của Hồ Dzếnh. Từ “ngõ đạo” đến “lẽ đạo”, quãng đường nhà thơ đã đi, đã đến, đã gặp và mời mọc những ai đồng hội đồng thuyền:

Con gái Nhà Chung xinh đẹp lạ
Đẹp hơn con gái phố phường bên
Ngày ngày hai buổi xưa đi học
Mượn lối vườn hoa để gặp em
……………………………………………

Chủ nhật tự nhiên thành buổi hẹn
Gió bay tà áo trắng như thơ
Mẫu đơn nở giữa hai lời nguyện
Phảng phất còn thơm đến tận giờ

(Hoa mẫu đơn)

Chưa nhiều, nhưng đã đủ. Thơ Hồ Dzếnh là vậy. Đừng đòi hỏi một số lượng không cần thiết. Có thể nói, đây là lần đầu tiên, cái thế giới ngôn ngữ nhà đạo – vốn dĩ chỉ dùng trong kinh sách – đã được Hồ Dzếnh nạp thêm năng lượng, chắp cánh, phóng nó vào tầng khí quyển của thi ca Việt Nam. Không xuất thần và huyền nhiệm, cao xa như thơ Hàn Mặc Tử, bởi Tử đi từ máu thịt của đạo ra đời mà Hồ Dzếnh thì len lỏi từ đời vô đạo. Ông khởi hành lặng lẽ từ cuộc sống rất đời thường pha lẫn chút hoa hương thơm thảo của giáo đường, hồi chuông, xem lễ, lời kinh, lời nguyện, mẫu đơn, Chủ nhật, áo trắng, buổi hẹn, để đến với cõi linh đạo, với Chúa toàn năng.

Cho phép tôi chuyển đổi vài ba từ trong câu hát ví von của dân gian:

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em KHẤN DÒNG, anh tiếc lắm thay!

“Nụ tầm xuân” của ca dao có khác chi “đóa mẫu đơn” của Hồ Dzếnh đâu? Bằng một mối tình, một khấn hứa, một chuyện lòng riêng tây, Hồ Dzếnh dẫn ta bước vào cõi thánh thiêng chung của Đạo, mến Chúa và yêu người. Đường của thi ca bằng phẳng, trơn tru như mật ngọt rót vào tai, như nhịp võng mẹ ru trong xóm giáo buổi trưa hè êm ả:

Mẫu đơn nở cạnh nhà thờ
Đôi ta trinh tiết đợi chờ lấy nhau.

(Ca dao Công giáo)

Ngoại ô, ngày 13 tháng 8 năm 1997

Lê Đình Bảng
Nguồn: http://lamhong.org/nh%E1%BB%9B-nha-th%C6%A1-paul-therese-h%E1%BB%93-dz%E1%BA%BFnh-n%E1%BB%A5-t%E1%BA%A7m-xuan-va-hoa-m%E1%BA%ABu-d%C6%A1n/