Truyện ngắn: Ngọn đèn chầu vẫn sáng

Quang X Nguyen

NGỌN ĐÈN CHẦU VẪN SÁNG


Rầm...............

Cánh cửa nhà thờ bị gió thổi đập mạnh vào bộ khung đã mối mọt . Những hạt gỗ nhỏ li ti rơi xuống theo gió tạt vào mặt cậu. Giật mình. Cậu tỉnh giấc. Nhưng khuôn mặt thẫn thờ ấy cho thấy cậu vẫn chưa sẵn sàng thức. Cậu đã ngủ từ bao giờ? Không biết nữa. Cậu chỉ nhớ là đã vào đây lúc ba giờ chiều nay. Trời đã tối. Nhìn xung quanh. Vắng tanh. Tối ngòm. Chỉ có duy nhất một vệt sáng mờ mờ phát ra từ ngọn đèn chầu bên cạnh nhà tạm đằng trên cung thánh. Ấy vậy mà, cậu vẫn hình dung được mọi vị trí trong ngôi giáo đường nhỏ này, nó quá nhỏ so với sự gắn bó của cậu ở đây.

Chiều nay, cậu đã đến đây, quỳ phía trước cung thánh này, dưới cây Thánh giá. Cậu cầu nguyện. Cậu khóc. Cho đến khi cậu thiếp ngủ lúc nào không hay.



Cậu là con trai đầu của một gia đình khá giả. Cha cậu làm cán bộ trong xã, còn mẹ là một giáo viên dạy cấp hai. Vì lớn lên trong một gia đình có điều kiện nên cậu có cơ hội để học hành và cậu cũng đã học giỏi hơn so với đám bạn. Ông bà rất thương cậu, nhưng không bao giờ ông bà đối xử với cậu như một cậu ấm, đó là cách giáo dục của họ. Thế mà hay, cậu thích như vậy. Cậu ghét cay ghét đắng sống trong sự chiều chuộng – cái cuộc sống của “ông chiêu bà ấm” mà biết bao nhiêu đứa trẻ khao khát. Cậu chỉ ước được sống cuộc sống bình thường như bao người: tự do sống là chính mình, sống với khả năng của mình, không bị ràng buộc bởi vật chất... Dân làng ai cũng mến cậu bởi cái tính tình đơn sơ, lại hòa đồng và thương người nữa. Ông bà cố, vì thế, rất tự hào về cậu. Cho đến một ngày...

'
Đúng vậy. Từ ngày đó, không ai biết vì sao mà ông bố của cậu đổi tính, ngày nào cũng to tiếng, đánh đòn cậu. Còn người mẹ thì không nói gì, cũng không đánh đập. Bà chỉ im lặng. Cái im lặng đến đáng sợ như muốn nói với cậu rằng bà không trách, nhưng cũng không hoàn toàn đồng ý. Chỉ có cậu, mẹ, và bố cậu mới hiểu hết những chuyện xảy ra.

Câu chuyện bắt đầu từ hai tuần trước, khi bố biết cậu lén lút xin ông cha xứ già rửa tội. Thật quái gỡ. Cái thông tinh ấy như một tiếng sét đánh thẳng vào cái hạnh phúc của gia đình.

- Không! – Bố cậu đã thét lên như thế - Sao mày lại giấu tao làm cái chuyện tày đình như thế đó hả? Mày định bỏ ông bà tổ tiên để đi theo gã khùng trên cây gỗ kia ư? Không bao giờ. Mày phải bỏ nó. Kể từ hôm nay tao cấm mày bước chân vào cái nhà quỷ hắc ma ám kia.
- Con không bỏ ông bà tổ tiên – Cậu hét lên.

- Mày còn cãi. Đồ mất dạy – Vừa nói ông vừa với tay lấy cây roi mây giắt ở phên cửa quất vào chân cậu mấy phát đau điếng – Tao không bao giờ cho mày theo đạo đâu.
- Tại sao chứ?

- Tại sao hả? – Ông chỉ tay về phía nhà thờ - Đó là một lũ khùng, một lũ bất hiếu. Chúng bỏ bàn thờ ông bà tổ tiên để đặt vào đó một cây gỗ. Chúng từ chối cúng bái các đấng sinh thành để vái lạy một kẻ xa lạ.
- Đó là Chúa.

- Chẳng có Chúa nào cả. Ông bà sinh ra tao. Tao sinh ra mày.
- Nhưng ông bà tổ tiên do Chúa mà có?

- Mày – mặt ông đỏ bừng, nóng ran. Ông giơ roi lên định đánh tiếp nhưng cậu quay người chạy nhanh hết sức có thể ra khỏi nhà.


Cậu đi lang thang trên con đường làng dẫn ra đồng. Bên lề đường, cỏ dại mọc um tùm, phủ lên cả mép bê tông. Con đường này là huyết mạch của xã, nó vừa mới trải bê tông chưa đầy một năm. Hồi còn là đường đất, cứ sau một trận mưa lớn, đường trở nên lầy lội, trơn trượt. Cậu đã từng té ngã ở khúc cua trước ngõ của nhà ông Ninh mấy lần. Kể từ khi con đường này được tra cố bằng bê tông, việc đi lại thuận tiện hơn nhiều. Kinh tế xã cũng vì thế mà khá lên.

Cuối đoạn đường bê tông là cây đa cổ thụ của xóm cậu. Bên cạnh là một hồ nước khá rộng, xanh ngắt. Ngôi làng này vẫn còn giữ được những nét truyền thống của dân tộc: Cây đa, bến nước, lũy tre... Tuy thế, đã từ lâu không còn ai ý thức về điều này nữa, nó có đó vì tự nhiên là thế, chứ nó không còn mang dáng dấp của con người trong sự hiện hữu của mình. Người ta chỉ biết đến nó như một bóng mát cho tụi trẻ chăn trâu những buổi trưa hè và là chỗ tắm mát lí tưởng cho đàn trâu sau mỗi buổi no cỏ.
Cậu ngồi đó, dưới gốc đa. Một mình.

T...õ...m... Tiếng cục đá cậu vừa liệng xuống hồ sao mà vang vọng đến thế. Cảm giác hồ hôm nay sâu hơn mọi ngày. Cái sâu ấy tựa như cõi lòng cậu lúc này. Cô đơn. trống rỗng... Cậu ngước nhìn về phía xa xăm...


Gió nổi lên, thổi từng cơn, đứt quãng, uốn cong mấy ngọn tre già. Một màu trăng trắng thấp thoáng hiện ra ở đằng xa xa. Trước mặt cậu là hình ảnh cây Thánh giá trên đỉnh tháp chuông bên cạnh ngôi giáo đường nhỏ của xứ đạo này. Tiếng gió đùa giỡn với mấy ngọn tre nghe liu riu như một âm vọng gọi mời... Cậu đứng dậy,thả từng bước nặng trĩu, rượi buồn, trên con đường đất tiến về phía âm vang ấy.


Ngôi giáo đường đã nằm đây từ thuở nào? Ờ! Cậu không biết. Cũng đúng, làm sao biết được chứ. Nó đã nằm đây rất lâu trước khi cậu cất tiếng khóc chào đời kia mà, người ta nói thế. Bây giờ nhìn nó thật cũ kĩ, già cỗi. Hàng cột gỗ phía ngoài ngày nào bóng nhoáng, trải qua biết bao mưa nắng giờ đã mọc rêu xanh rì. Bốn bức tường loang lổ bởi cái thứ vôi trộn xi măng đắp lên vách tre thuở nào cứ rơi rụng từ từ, tạo thành những lỗ thủng. Có những lỗ to gần bằng chiếc đĩa đựng thức ăn rồi còn gì. Mái tôn lợp phía trên cũng lủng gần hết. Những trưa nắng hè, nếu ai đó vô tình nhìn lên mái thì cảm giác chẳng khác nào chàng thi sĩ nằm giữa đồng ngắm sao. Vậy đó. Còn khi trời mưa, nước theo những lỗ thủng rơi xuống làm tê lạnh cõi lòng những người tín hữu...

Cậu bước vào, đi thẳng một mạch lên gần cung thánh. Cậu đã quỳ đó ngước nhìn cây Thánh giá rất lâu. Không nói gì, không làm gì, chỉ khóc. Những giọt nước mắt rơi xuống là những nỗi niềm. Cậu khóc cho ước mơ “trái khoáy” của mình; khóc cho những thành kiến đã ăn sâu trong lòng xã hội mà chính cha mẹ cậu là nạn nhân; cậu còn khóc cho nỗi bất hạnh của Chúa – bị những đứa con mình yêu thương nhất phản bội... Dù chỉ mới được rửa tội mấy tuần trước, nhưng cậu biết về Chúa không thua kém gì mấy đứa có đạo cùng trang lứa. Các bài giảng trong các thánh lễ của vị cha già đáng kính mà cậu tham dự từ nhỏ tới giờ, những buổi học giáo lí hay những lần nói chuyện với các xơ...là những lúc cậu có cơ hội hiểu hơn về Chúa và về đạo. Nó đã hun đúc một niềm tin đơn sơ thành một đức tin nhiệt thành. Mới ngày nào đó hỏi đứa bạn ai nằm trên cây gỗ mà đau đớn nhục nhã thế kia, ấy vậy mà bây giờ cậu đã có một đức tin thật mạnh mẽ. Cậu đã yêu Chúa lúc tự nào không hay.

Chiều nay cậu đã cầu nguyện rất lâu. Cậu xin lỗi Chúa vì đã làm cho cha mẹ buồn. Đã xin Chúa tha thứ cho cha mẹ và xin cho ông bà biết sám hối để đón nhận đức tin. Xin cho con người không còn từ chối tình yêu của Chúa... Cho đến khi ngủ thiếp đi...




Ngoài kia, xa xa đã vẳng lại tiếng nói chuyện khàn khàn của mấy ông bà cụ; tiếng nói cười ríu rít của đám trẻ con. Họ đang hướng thẳng về nhà thờ để đọc kinh đêm cùng nhau. Trời đen đặc nhưng lòng cậu sáng hẳn lên. Rồi bóng đèn nhà thờ được bật lên, sáng rạng. Nhưng cái sáng ấy đâu có thể sánh với cái sáng trong tim cậu lúc này: Tia sáng của một niềm tin rực cháy, của một tình yêu trào dâng. Cậu vẫn buồn đó. Buồn vì cha mẹ không hiểu mình. Buồn vì còn quá ít người đến với Chúa. Cậu tự hỏi lòng: Khi nào thì cha mẹ mình sẽ quỳ đây nhỉ? Lúc nào thì mọi ngôi giáo đường trên khắp thế giới đầy kín người?...Thôi! Xa xăm quá. Ngọn đèn chầu vẫn sáng mà.

Cậu làm dấu, mắt hướng lên cây Thánh giá. Hiệp với cộng đoàn, cậu đọc to:

...Lạy cha chúng con ở trên trời....

Sài gòn, ngày 8 tháng 11 năm 2018.

Kẻ Vang


Tin, bài liên quan: Cây đèn chầu