Câu chuyện truyền giáo - Chia sẻ của 1 linh mục dòng Ngôi Lời

Quang X Nguyen

Câu chuyện truyền giáo


“Khi lớn lên con muốn làm gì?” Đó là câu hỏi quan trọng mà trong đời sống của bất cứ người trẻ nào sớm muộn gì thì cũng phải đối diện với nó. Người đặt ra câu hỏi có thể là thầy giáo, chú bác, hoặc một người bạn nào đó của bố mẹ. Câu trả lời của người trẻ như thế nào thì có lẽ tùy thuộc vào sở thích của người trẻ trong lúc ấy.


Khi còn học cấp II, tôi đã trả lời rằng tôi muốn trở thành một phi hành gia vì lúc ấy tôi rất mê tìm hiểu về các hành tinh trong vũ trụ. Vài năm sau, tôi nói là muốn trở thành một nhà văn vì lúc ấy tôi bắt đầu thích đọc những tác phẩm văn chương nổi tiếng và ước gì mình cũng sáng tác được một tiểu thuyết tuyệt vời như vậy. Sau này, khi còn học cấp III, tôi lại có ý định muốn trở thành một nhà tâm lý học để giúp người ta giải quyết những vấn đề khúc mắc trong cuộc sống. Rồi khi vào đại học thì tôi lại quyết định theo đuổi con đường y khoa. Nhưng cuối cùng, tôi đã không trở thành bất cứ cái gì mà tôi từng dự định.


Tôi đã trở thành một nhà truyền giáo.

Làm một nhà truyền giáo có lẽ không nằm trong danh sách “nghề nghiệp” của đa số các bạn trẻ thời đại. Tuy nhiên đây là một trong những công việc đầy thách đố, phiêu lưu, và thú vị nhất mà chúng ta có thể làm trong cuộc sống.

Sau khi tôi lãnh nhận chức linh mục vào năm 2006 tại thành phố Chicago ở Hoa Kỳ, tôi được bài sai đầu tiên đi phục vụ tại Thái Lan. Khi gia đình và bạn bè nghe nói là tôi sẽ phục vụ ở nước chùa tháp, họ nói với tôi rằng, “Liệu có học được tiếng Thái không đấy? Họ đâu dùng chữ cái ABC để viết đâu. Chữ viết như con giun con dế thì làm sao đọc được?”

Chính tôi cũng không biết mình có học được hay không. Nhưng tôi tự nhủ, “Mặc kệ nó. Cứ thử rồi biết.”

Tôi bước xuống phi cơ để đến với một thành phố Bangkok nóng bức, ngột ngạt, và đầy xe cộ bụi khói vào cuối tháng 2 năm 2007 để bắt đầu tiến trình học tiếng Thái. Sau khi học được vài tháng thì tôi nhận thấy rằng, thực ra, học tiếng Thái cũng không đến nổi khó khăn như người ta tưởng tượng. Càng đi sâu vào ngôn ngữ, nói được, nghe được, viết được, tôi càng nhận ra vẽ đẹp của âm điệu và cách xử dụng từ của tiếng Thái. Tôi rất thích cái cách người đàn ông đệm thêm chữ “khráp” và người phụ nữ đệm thêm chữ “kha” để kết thúc một câu nói một cách lịch sự. Tôi thích cái cách âm chữ “kha” biến thành chữ “kháa” khi đó là một câu nói năn nỉ van xin.

Càng hiểu được tiếng Thái thì tôi càng hiểu những nét đặc trưng văn hóa ở xứ sở này. (Thực ra tôi vẫn chưa hiểu tại sao nhiều người Thái thích trể hẹn hoặc thích bỏ hàng chục trái ớt đỏ choét vào các món ăn của họ. Nhưng đó là một vấn đề khác). Tôi thích thú với cách người Thái chấp tay cúi chào nhau, cao thấp tùy theo tuổi tác và địa vị xã hội. Tôi cũng hiểu thêm về các yếu tố tôn giáo, mê tín dị đoan và truyền thống được đan dệt vào lối suy nghĩ và ý thức hệ của người dân. Tôi cũng hiểu được phần nào tại sao người Thái rất thích xem phim kinh dị.

Sau khi học chương trình tiếng Thái xong và đi thực tập thêm 3 tháng, tôi bắt đầu bước những bước chân khập khiểng vào cánh đồng truyền giáo tại một tỉnh lẻ ở vùng đông bắc nước Thái Lan có tên là Nong Bua Lamphu (có nghĩa là Ao Sen Lamphu). Cái tên nghe cũng lãng mạn chán. Nghĩ rằng đến đây thì đi đâu cũng sẽ thấy ao sen, nhưng hóa ra cũng giống như đi lễ nhà thờ Vườn Xoài cũng không thấy có bao nhiêu cây xoài.

Tỉnh Nong Bua Lamphu chỉ có duy nhất một nhà thờ Công giáo, được xây dựng cách đây 6 năm. Nhà thờ xây theo kiểu Tây, có mái màu sẩm đỏ. Nhìn giản dị nhưng được giữ dìn rất sạch đẹp. Người xây lên nhà thờ là sư huynh Damien Lunders, một nhà truyền giáo Ngôi Lời. Thầy Damien cũng là người xây Trung tâm Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp bên cạnh nhà thờ và hoạt động trong lĩnh vực HIV/AIDS.

Sáu năm từ khi giáo xứ chính thức khai trương, ở đây đã trải qua 6 linh mục quản xứ - dòng có triều có. Tôi là người thứ bảy. Mọi người đang hy vọng rằng tôi sẽ ở lại đây lâu dài để giúp cho giáo xứ nhỏ bé ổn định và phát triển. Tại Thái Lan, trong 65 triệu dân số, chỉ có 300,000 người theo đạo Công giáo – có nghĩa không đến 0.5%. Tại tỉnh Nong Bua Lamphu chỉ có khoảng hơn 20 gia đình Công giáo. Gọi là “gia đình” nhưng có gia đình chỉ có một hoặc hai người đi lễ. Có thể nói cánh đồng truyền giáo tại đây còn bao la bát ngát.

Tôi đến Nong Bua Lamphu vào một ngày tháng tư, giữa mùa nóng ở đây, chỉ vài ngày trước khi Lễ hội nước bắt đầu, để đảm nhận trách nhiệm làm cha quản xứ của nhà thờ Tổng lãnh thiên thần Micaen. Tôi ở trong một căn nhà bên cạnh nhà nuôi các em mồ côi bị nhiễm HIV do các seour dòng Mẹ Têrêxa chăm sóc. Trong nhà mồ côi có 21 em, trong đó có 19 em trai và 2 em gái tuổi từ 5 đến 15. Gần đây, tôi đã dọn qua một căn nhà xứ mới được xây bên cạnh nhà thờ để tiện cho việc mục vụ trong giáo xứ.

Bên cạnh nhà thờ là TT HIV/AIDS Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và nhà chăm sóc bệnh nhân HIV đang trong giai đoạn cuối. Thời gian ngắn ngủi phục vụ ở đây đã làm tôi nhận ra rằng việc tôi đi theo ơn gọi truyền giáo và được sai đến Thái Lan để làm việc sau khi lãnh nhận bí tích truyền chức thánh là điều đã hoàn toàn xảy ra trong sự quan phòng của Thiên Chúa.

Ở đây tôi nhận ra rằng những nhà truyền giáo như thầy Damien, các seour, và bản thân tôi phải làm như thế nào để phục vụ các anh em đang đau khổ với căn bệnh HIV/AIDS. Đây là một công việc chất chứa đầy thách đố nhưng vô cùng có ý nghĩa. Những nhà truyền giáo như chúng tôi ý thức được rằng, việc phục vụ và chăm sóc những người thấp hèn, những người bị xã hội xa lánh và bạc đãi, chính là công việc mà chúng tôi là những Kitô hữu và là những nhà truyền giáo cần phải lao mình vào.

Trên thực tế không phải chỉ riêng các nhà truyền giáo mới cảm nghiệm được như thế, mà tất cả những ai cộng tác vào công việc cũng có một cảm nhận như nhau. Một cô tên Wasana, là người có trách nhiệm chăm sóc cho các bệnh nhân trong trung tâm đã chia sẻ với tôi rằng: “Giờ đây tôi hoàn toàn dấn thân vào việc chăm sóc bệnh nhân. Tôi hãnh diện khi có thể giúp đỡ họ hồi phục sức khỏe để trở về sống trong gia đình, cộng đồng, và xã hội. Những nụ cười trên khuôn mặt các bệnh nhân chính là nguồn trợ lực tiếp sức cho tôi để tiếp tục thực hiện công việc của mình.”

Tôi hiểu được suy nghĩ của cô Wasana. Khi tôi mới đến Nong Bua Lamphu, tôi gặp Tum, một thanh niên mới 25 tuổi. Anh ta mới được nhận vào trung tâm không lâu. Tum đã bị liệt chân nên phải dùng hai cánh tay để di chuyển. Tôi nói với thầy Damien, “Tình hình anh này nghiêm trọng quá.”

Thầy Damien trả lời, “Trước đây còn tệ hơn nữa. Khi mới đến anh ta ăn cơm cũng không được. Nhân viên phải đút cho anh ăn. Bây giờ anh tự ăn tự di chuyển, như thế là đã đỡ hơn rất nhiều.”

Nhờ có sự khuyến khích, thúc đẩy, và điều trị, Tum đã dần dần lấy lại sức lực. Thoạt đầu anh tập đi bằng cây gậy. Bây giờ anh có thể tự mình đi lại mà không cần ai giúp đỡ. Tum càng khỏe mạnh và tự tin thì những nụ cười lại xuất hiện trên khuôn mặt thường xuyên hơn. Gần đây tôi còn thấy anh đeo lại những chiếc bông tai mà trước đây anh đã lấy ra khi đang bệnh nặng. Tôi nghĩ rằng chính những nụ cười của Tum làm cho những người như Wasana có thêm sự phấn khởi và kiên trì trong công việc của họ.

Có một điều để nói thêm về cô Wasana, đó là cô không phải là người Công giáo. Thế mà cứ mỗi ngày, khi trời về tối, cô ta lại vào nhà thờ cầu nguyện một mình trước ánh nến hắt hiu của nhà tạm. Cô cũng không quên khuyến khích những bệnh nhân hãy đến với Chúa để được ngài ban ơn cứu chữa.

Ngoài công việc chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối, TT Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tiếp tục triển khai các hoạt động khác liên quan đến vấn đề HIV/AIDS trong địa phương. Mỗi tuần đều có các cuộc họp của những người bị nhiễm để hỗ trợ tinh thần và kiến thức cho nhau. TT hỗ trợ cho những gia đình có người nhiễm HIV/AIDS có phương tiện sinh sống bằng dự án chăn nuôi bò, chương trình giúp đỡ lương thực, và qũy giáo dục. Vào tháng 5, hơn 400 bộ đồng phục, túi sách, giày dép được phân phát cho các học sinh trong vùng đến từ các gia đình có người bị nhiễm HIV. Chương trình giáo dục về HIV và giới tính đi đến 40 trường học mỗi năm để truyền đạt cho các em học sinh kiến thức để thay đổi hành vi và thái độ đối với vấn đề giới tính và HIV/AIDS. Với nỗ lực này TT hy vọng rằng sẽ góp phần giảm bớt số người trẻ bị nhiễm HIV trong tương lai.

Trong vai trò là linh mục quản xứ giáo xứ Micaen, có sự gắn liền về tinh thần cũng như không gian với nhà mồ côi Mẹ Têrêxa và TT Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, vấn đề HIV/AIDS đóng vai trò quan trọng trong công tác mục vụ của giáo xứ. Bản thân tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi thấy hiện nay có nhiều người trước đây không đến nhà thờ dự lễ vì sợ bị lây nhiễm HIV, giờ đây cũng đã đến nhà thờ thường xuyên.

Tôi dâng lời tạ ơn Thiên Chúa khi một em gái bị nhiễm HIV trong nhà mồ côi xin được học giáo lý, lãnh nhận bí tích rửa tội, và bây giờ thường xuyên lên đọc bài đọc trong Thánh lễ Chúa Nhật cũng như giúp lễ mà không cảm thấy e thẹn hoặc ngại ngùng. Giờ đây lớp giáo lý cho các em mồ côi bị nhiễm HIV cũng đã được mở ra để cho các em học hỏi và hiểu biết về Chúa nhiều hơn.

Tôi tạ ơn Thiên Chúa khi giới trẻ trong giáo xứ khẳng định rằng chúng không sợ những người mắc bệnh HIV, và chúng không ngại khi ngồi ăn chung với những đồng bạn bị nhiễm HIV.

Tôi tạ ơn Thiên Chúa khi từ ghế chủ tế nhìn xuống các hàng ghế giáo dân tôi thấy người bị nhiễm lẫn người không bị nhiễm ngồi bên cạnh nhau, cùng cầu nguyện và ca hát với nhau, và lên rước lễ với nhau.
Tôi lại thấy ngạc nhiên khi một bệnh nhân người Phật giáo nói với tôi rằng: “Thưa cha, lễ ngày thường, nếu cha thiếu người lên đọc sách, con có thể lên đọc cho cha.”

Rồi một thanh niên khác tên Chai đến từ tỉnh Nong Khai cũng làm cho tôi nhận ra ân sủng của Chúa chan hòa dường bao. Người đàn ông này bị nhiễm HIV là do nhiều đêm theo bạn bè lao mình vào những quán bar và những nhà chứa khi còn đi làm việc xa. Nhưng giờ đây, cứ mỗi chiều thì anh ta lại vào nhà thờ đi lễ. Khi đến nghi thức rước lễ thì anh cũng đi lên để lãnh nhận phép lành vì anh không phải là người Công giáo. Gần đây anh đã khỏe lại nên quyết định trở về Nong Khai để kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình. Trước khi rời trung tâm, anh đến gõ cửa nhà xứ để chào tạm biệt tôi. Tôi cũng ban phép lành cho anh lần cuối trước khi lên đường. Khi đang trở vào bên trong nhà xứ, tôi quay mặt nhìn ra thì thấy Chai đang đứng trước tượng Chúa Kitô Phục Sinh trước nhà thờ chắp tay cầu nguyện lần cuối cùng trước khi rời khỏi nơi này.

Câu chuyện truyền giáo của tôi được thêu dệt bởi những câu chuyện nho nhỏ, đơn sơ như thế đấy. Niềm hạnh phúc của tôi là nhận thấy rằng bằng nhiều hành động khiêm tốn, cộng đoàn Công giáo nhỏ bé ở tỉnh Nong Bua Lamphu đang học hỏi cách vượt qua những sợ hải và e ngại để thực hiện ơn gọi Kitô giáo và để trở nên nhân chứng thực sự cho tình yêu và sự hiệp nhất của Thiên Chúa với những người xung quanh, đặc biệt là những anh em bên Phật giáo. Khi chúng ta thể hiện tình yêu và sự chấp nhận đối với mọi người, đó là cách tốt nhất để cho người khác thấu hiểu ý nghĩa thực sự của việc đi theo Đức Giêsu Kitô.

Đối với tôi đó chính là bản chất của việc làm truyền giáo, có nghĩa là làm cho Chúa Giêsu Kitô được nhận biết và yêu mến qua lời nói cũng như việc làm. Cuối cùng thì đa số những người tôi gặp gỡ trong cuộc đời truyền giáo của tôi sẽ không trở thành Công giáo và cũng không bao giờ nghĩ đến việc sẽ theo đạo Công giáo. Nhưng tôi hy vọng rằng, một cách nào đó, tôi đã giúp cho họ biết rằng Đức Kitô là ai, và hiểu rằng Ngài là lý do cho tất cả những gì tôi đang dấn thân trong cuộc sống.