Hồi ký 50 năm linh mục của Lm Nguyễn Tự Do, DCCT (kỳ 5 và kỳ 6)

Quang X Nguyen

NIỀM VUI VĨ ĐẠI - Kỳ 5
HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC


13. NHỮNG NGƯỜI PHONG CÙI

Suốt hơn 20 năm qua, tôi dành nhiều thời giờ để thăm viếng các anh chị em bệnh nhân phong cùi. Tôi cảm thấy gần gũi họ kể từ những ngày còn ở Học Viện, khi các Bề Trên hằng năm cho chúng tôi được đến làng phong Di Linh. Thời gian đó, chúng tôi đến với những bệnh nhân với hai bàn tay trắng, vì không ai nghĩ rằng họ cần đến những món quà để đỡ đói. Chúng tôi đến để cùng dâng lễ với họ, thăm hỏi và gần gũi.

Chúng tôi chứng kiến được sự hiện diện của vị Thừa Sai mà chúng tôi coi như một “thần tượng”: Jean Cassaigne. Chúng tôi được chứng kiến vị Giám Mục về hưu, với bệnh phong cùi trên thân xác, kiệt sức trên chiếc giường sắt đơn sơ. Chúng tôi cảm phục các Nữ Tu Dòng Vinh Sơn Phao-lô lúc nào cũng tươi cười, mau mắn và nhân hậu bên cạnh những người phong cùi lúc ấy còn chịu cảnh lở lói hôi tanh. Hình ảnh của một Nữ Tu người Pháp có tên Gilberte vừa trẻ vừa đẹp lúc nào cũng hết lòng và tháo vát giúp đỡ các người bệnh ( Ảnh trại phong Di Linh và Nữ Tu Mai Thị Mậu ).

Ngày nay sự hiện diện của các Nữ Tu Thánh Vinh Sơn vẫn còn và chị Joséphine Mai Thị Mậu lúc nào cũng hết lòng với người bệnh, kéo sự chú ý của nhiều người và của chính quyền đã hai lần tặng huy chương cho chị và chị thường được nêu danh và hình ảnh trên các báo. Các chị cũng chỉ biết làm chứng tá cho Tình Thương bắt nguồn từ Thiên Chúa.


Vào những năm sau 1982, việc thăm viếng các trại phong không được dễ dàng, hàng hóa cũng khan hiếm do chế độ bao cấp, phương tiện hạn hẹp. Trong số những người tham gia các cuộc thăm viếng, chỉ một mình anh Nguyễn Cao Khải có xe gắn máy. Cá nhân tôi, cô Thy Phương thường phải dùng xe đạp. Chúng tôi chở mấy chục lít xì dầu, vài chục hũ chao đến và đong cho mỗi người mấy muỗng những thứ ấy. Nhà Nước chưa có chế độ lo cho những người phong cùi. Do đó chúng tôi chỉ thăm được mấy trại quanh Sài-gòn.

Lễ Noel năm đó, cùng với cha Lê-ô Lê Trung Nghĩa, chúng tôi đến dâng lễ tại trại phong Thanh Bình, vùng Thủ Thiêm. Tôi đến trước để giải tội. Cha Nghĩa dùng xe gắn máy chở Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình đến sau. Thánh Lễ đồng tế diễn ra tốt đẹp. Gần xong lễ, CA đột nhập. Tôi kịp thoát ra khỏi trại. Đức Tổng và cha Nghĩa bị đưa về đồn CA. Tôi thông báo sự việc với Đức Cha Phụ Tá Phạm Văn Nẫm và ngài đã can thiệp kịp thời để Đức Tổng Giám Mục được thả về kịp lúc dâng Lễ Giáng Sinh đêm 24 tháng 12 tại Nhà Thờ Chánh Tòa cho cả vạn tín hữu đến dự. Sau này ngài cho tôi biết là “Họ muốn bắt cha đấy !“ Lúc đó tôi vẫn bị “cấm vận mục vụ”, và bầu không khí vẫn còn vô cùng khắt khe.

Từ những trại quanh Sài-gòn, các cuộc thăm viếng lan rộng dần đến Phước Tân, Bình Minh ( trên đường đi Vũng Tầu ), rồi Bến Sắn ( Bình Dương ), Sóc Trăng, lên đến các trại và làng phong Tây Nguyên: Eana ( Buôn Ma thuột ), Đakkia, An Mỹ, Dakring, Daktô, Xóm Nhỏ, Núi Sạn ( Nha Trang ), đến Hòa Vân ( Đà Nẵng ) và ra đến các trại phong Miền Bắc: Quỳnh Lập ( Vinh ), Cẩm Bình ( Thanh Hóa ), rồi Vân Môn ( Thái Bình ), Quả Cảm ( Bắc Ninh ), Phú Bình, Sóc Sơn, Ba Sao, Xuân Mai, Chí Linh ( Hải Dương ), đến tận Yên Bái. Nhà Dòng Hà Nội làm trụ sở, chúng tôi đi khắp nơi nhờ sự hợp tác của cha Trịnh Ngọc Hiên, thầy Giu-se Tuệ. Cha già Trần Hữu Thanh thường cũng đi với chúng tôi, kể cả lúc ngài đã phải dùng xe lăn để di chuyển.

Không có cơ quan hay tổ chức nào nâng đỡ bảo trợ cho các cuộc hành trình. Tất cả dựa vào sự đóng góp của những người thiện chí, của những thân hữu đã từng hoạt động với chúng tôi mà nay đang ở tại Hoa Kỳ. Đáng kể phải nói đến những anh em Dòng Chúa Cứu Thế như các cha Đinh Ngọc Quế, Ngô Đình Thỏa, Phan Phát Huồn, thầy Edmond Hà, bạn bè ở Pháp như các ông bà Lucien Sompayrac, Jacques Kayser... Những đồng bạc quý báu được gom góp trong nhiều tháng, và khi đã tạm đủ để đáp ứng mọi công việc, chúng tôi lên đường, lúc bằng đường sắt và thường bằng đường bộ, vì nhờ thế chúng tôi mới có thể ghé lại những nơi cần thăm viếng.

Không có các bạn hữu như thế thì chắc chắn là chúng tôi không thể có khả năng thực hiện được những cuộc hành trình dài ngày và rất tốn kém này. Tôi luôn biết ơn Chúa đã thương ban cho tôi nhờ họ mà đến được với những người đau khổ và hằng sống trong biết ơn và hiệp nhất với những cộng tác viên và bạn hữu trong tinh thần Hành Hương và Cầu Nguyện.

Tôi cảm thấy hạnh phúc vì lúc nào tôi cũng được gần gũi những người đau khổ, những người mà theo Chúa nói thì không thể “mời lại tôi ăn tiệc” để trả lại những bữa tiệc tôi có thể đã mời họ. Niềm vui đã cho Chúa những bát nước lã mà Chúa đã bảo rằng nhờ đó mà tôi sẽ được tình thương nhân hậu bao la của Chúa. Tôi còn nhiều khát vọng muốn làm, nhưng sức khỏe đã không cho phép, nhưng tôi cứ khởi sự những gì mà Chúa soi sáng bảo tôi làm. Tôi không làm hết được, bởi Giáo Hội còn tồn tại đến tận thế, bởi “các con luôn có người nghèo giữa các con”, bởi tôi chỉ là một “tôi tớ” trong số các tôi tớ của Gia-vê Thiên Chúa, và khi tôi không còn nữa thì Chúa nhân lành vẫn “tiếp tục ban cho đoàn chiên Chúa những mục tử như lòng Chúa muốn”.

Những thế hệ trẻ tiếp nối. Tuy không được tiếp xúc và quen thân nhiều, nhưng tôi phấn khởi ra đi khi nào Chúa muốn, vui mừng về báo cáo những gì tôi đã làm được, dầu chỉ là một nén vàng lời khi tôi nhận được nhiều nén với sứ mệnh sinh lời cho Chủ, bởi Ông Chủ mà tôi phục vụ là một người Cha nhân hậu và vô cùng yêu thương tôi, bởi Ngài không biết tính toán rằng tôi phải sinh lợi đúng mức mà chỉ nhìn đến thiện chí của tôi và vẫn cho tôi một đồng như cho người lao công suốt ngày, bởi Ngài chỉ là Nhân Hậu.

Vì tin tưởng như thế, mặc dầu với vô vàn tội lỗi và thất tín, tôi muốn mãi mãi làm vinh danh Chúa tôi, khi Người đã đến để cho tôi, cho mọi người được NIỀM VUI VĨ ĐẠI như khẩu hiệu của đời sống cũng như của việc thi hành sứ mạng của tôi giữa đồng loại.

-NIỀM VUI VĨ ĐẠI - Kỳ 6
HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC


14. NGÂN KHÁNH LINH MỤC


Ngày 8.9.1981, tôi mừng Ngân Khánh Linh Mục trong phòng giam Chí Hòa. Tôi cố gắng sống “một ngày như mọi ngày tù”, nhưng lòng trí hướng về Đấng tôi thờ và nỗ lực nhỏ bé để phục vụ. Ngày kỷ niệm này được sống trong lòng yêu mến, biết ơn và cầu nguyện. Tôi cầu để ở trong hoàn cảnh này, tôi vẫn làm chứng cho Tình Thương Cứu Độ. Thực tế thì tôi phải sống làm sao “cho ra Linh Mục”, để người ta vừa không chê cười được tôi, coi rẻ Hội Thánh và chẳng nhận được tín thư của đời tôi là tín thư của Đức Giê-su.

Tôi chia sẻ kỷ niệm với anh em Công Giáo khoảng mươi người trong phòng giam. Tôi mời mấy anh em, trong số có một cựu bộ trưởng, một nhà giáo, một Chủng Sinh... Ngồi quây quần với nhau quanh vài cái ly “nước lạnh”, mấy cái bánh và chúng tôi... dâng lễ “Tạ ơn” và “dùng tiệc liên hoan”. Ngày Ngân Khánh cũng thật tràn trề niềm vui và thật sự tôi không cảm thấy thiệt thòi gì vì “niềm vui vẫn trọn vẹn”.

Sau khi ra khỏi tù, nhiều anh em có tình thương đề nghị tôi mừng Ngân Khánh Linh Mục. Một lễ tạ ơn được tổ chức tại nhà, có sự tham dự của một số anh em trong Dòng. Nhân dịp này, tôi có viết mấy trang suy tư để kỷ niệm và khơi dậy những tâm tình trong lòng. Tôi xin chép lại những gì tôi đã viết cách đây 24 năm.

Viết trong dịp mừng lễ Ngân Khánh Linh Mục của tôi.


Trễ một năm 8.9.1956 – 1982. Nhớ ngày Hồng Ân !

Đã 26 năm, tôi là Linh Mục ! Thời gian thật dài, nhưng nhìn lại cũng rất là ngắn. Nhìn tới, tôi thấy như thời gian của tôi đã gần chấm dứt, ngày Chúa đến đã thật gần, ngày gặp mặt trong hân hoan nhưng cũng là ngày đáng kinh hãi: “Nếu Chúa xét tội, ai trần gian đứng vững”.

Nhưng qua mọi chặng đường, giữa những dao động, biến cố trần gian với tầm mức quan trọng cho vô số người thì cuộc đời tôi, cách riêng cuộc đời Linh Mục của tôi, Chúa đã vạch ra như giòng suối rẽ đá tìm đường nhất định phải về biển cả. Có những con suối rất ngắn vì đã vội vã biến mình trong dòng sông thác lũ; có những ngọn suối khi cạn trong mùa hè nắng ráo không tải ấm mát và sự sống mong chờ; có những con suối lúc chìm lúc nổi, khi rẽ đá, xoi đất, lúc vạch lá len lõi, khi chui sâu vào lòng đất để rồi lại xuất hiện như một mạch nước mới trong mát; con suối nọ biến vào bùn lầy, tan trong ao tù dơ bẩn... .

Đời tôi là một giòng suối mà đường đi hướng chảy đã được Thiên Chúa là cha yêu thương tính toán dẫn dắt. Nhất là cuộc đời Linh Mục của tôi. Nhớ lại hồng ân, nhớ lại những yêu thương và những lỗi lầm, tôi không biết làm gì. Trong thinh lặng của tâm hồn và thể xác, với niềm vui và lòng tin, nửa cười nửa khóc, tôi chỉ còn biết nói lời Ngợi khen và Tạ ơn. Magnificat anima mea Dominum.

Ngày 8.9.1956, sau 10 ngày cấm phòng, tôi ngơ ngác thấy rằng: Linh Mục, lý tưởng ước mong từ thuở nào, mới đây còn rất xa vời, nay đã là của tôi. Không có gì ngăn trở tôi làm Linh Mục. Không còn trở ngại nào nữa: Sự học, Bề Trên, Sức khoẻ, Giáo Dân, bạn hữu v.v... Tất cả đều đã thông qua rồi !

Trong giây phút này, chỉ còn có một mình tôi. Chỉ còn có một mình tôi có thể tự ý rút lui không tiến bước. Tôi có thể không tiến bước, Chúa vẫn để tôi tự do; vẫn tôn trọng sự tự do của tôi, và mặc dầu là Thiên Chúa, Ngài vẫn hỏi ý kiến của tôi: “Si vis”, ”nếu con muốn”.

Đối với tôi, cũng như đối với tất cả mọi người khác, cũng như đối với Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Thiên Chúa đã “hỏi ý kiến”, và Người đã chờ câu trả lời: ”Nếu con muốn !” Tiếng FIAT XIN VÂNG của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a đã mở màn cho một cuộc vi hành của Đức Chúa Trời để thực hiện công trình Cứu Thế. Tiếng XIN VÂNG của “Nữ tớ Chúa” đã là hiệu lệnh cho Ngôi Hai xuống thế làm người. Mầu nhiệm vô cùng lớn lao, vô cùng kinh ngạc.

Hôm nay đây, một lần nữa, một lần dứt khoát, lại bvị Thiên Chúa cao cả vĩ đại ấy lại mời tôi: “Si vis, nếu con muốn” và hôm nay đây “SERVUS ! Tôi tớ lại có quyền để Thiên Chúa chờ đợi một câu trả lời. Thiên Chúa lại chờ một sự quyết định từ thọ tạo của Ngài. “Nếu con muốn ! Tuỳ ở con ! Nếu con muốn. Kỳ lạ quá ! Kỳ lạ khôn lường !

Tôi đã mặc chiếc áo Dòng mới, đã đi đôi giày mới mà các Bề Trên thường ban cho anh em trong Dòng nhân dịp khấn, chịu chức... Tôi đã suy nghĩ rồi. Nhưng giờ này tôi vẫn thấy một sự xôn xao trong tâm hồn.

Tôi lại sống được ngày hôm nay sao ? Những bộ áo lễ đã được dọn ngay ngắn cho anh em chúng tôi. Đụng vào những bộ lễ phục đó, là dứt khoát cả một tâm trạng đã hun đúc từ bao năm mà tôi coi như là trong những năm hạnh phúc và vô tư nhất của cuộc đời tôi. Tôi đã nhiều lần trả lời với Chúa, và tôi vẫn phải trả lời hằng ngày với Ngài, nhưng câu trả lời hôm nay có một tính cách đặc biệt: “Từ nay, Thầy không còn gọi con là tôi tớ nữa. Con sẽ là bạn của Ta”.

“Ta sẽ cho con biết mọi việc Ta làm ! Ta sẽ san sẻ vui buồn với con. Ta sẽ chia sẻ với con những ưu tư của sứ mệnh cứu thế”. Vinh dự và gánh nặng ! Honor – Onus !

Cầm chiếc khăn vai, mặc chiếc áo trắng, tôi phải lấy nghị lực của mình, bởi cử chỉ như lúc ấy chính là một sự chấp nhận, một lời XIN VÂNG. FIAT ! Này con đây ! Tôi không thể lui được, vì hồng ân của Chúa đã thúc bách tôi, vì tình yêu của ngài đã đưa dẫn tôi, mặc dầu tôi vẫn thấy vô cùng sợ sệt.

Cuộc tiến bước của tôi lên Bàn Thánh Chúa thật là tuần tự, không cưỡng lại được tôi. Tôi có cảm tưởng như đời tôi không do tôi sắp đặt. Tôi phải đi, chấp nhận đi, không được do dự, không được ngại ngùng, không được âu lo cho ngày mai. Từ thuở nào rồi tôi đã chấp nhận lên đường với Ngài. Đã lên đường thì phải đi, phải tiến, và tôi cũng biết rằng: không phải ngày nào cũng ấm mát. Đường là có bụi bặm, đường là có nắng, có mưa, có bùn lầy, có đá sỏi gai góc... Lên đường, chúng ta còn có cặp mắt yêu thương hay ít ra thán phục, chứng kiến... nhưng qua khúc quanh đầu tiên, những cặp mắt kia đã khuất... và chỉ còn có một mình với đôi chân mỗi phút mỗi thêm mỏi mệt, với nhịp tim thêm mau, với bụng dạ cồn cào và với sự cô quạnh càng ngày càng thêm sâu đậm. Càng đi xa, càng vắng bóng những người quen thuộc, càng mất hẳn những cảnh thường gặp.

Lên đường với Chúa... Nhưng Ngài lại là một Thiên Chúa ẩn mình DEUS ABSCONDITUS ! Ngài là người bạn đường vô hình. Hay dở là ở chỗ có tinh, có linh cảm đủ để nhận biết ngài. Hôm nay, tôi lên đường không còn vương vấn gì nữa: Scio cui credidi. Tôi biết, tôi đã biết Ngài là ai rồi.

Nỗi ngạc nhiên và cảm động của tôi là nhận ra vị Giám Mục sẽ đặt tay trên tôi và xức dầu cho tôi chính là vị Giám Mục của Địa Phận Thanh Hoá, đấng đã ban cho tôi phép Thêm Sức, đấng đã chúc lành cho tôi, khi tôi lên đường vào Đệ Tử Viện Huế. Năm 1939; tôi còn nhớ ngày 26 tháng 7. Hôm nay ngài đã già và hiện ở tại Tân Thanh, Bảo Lộc. Các vị Bề Trên đã nghĩ đến việc mời ngài, do ý định của Thiên Chúa, vì ngài là một Thiên Chúa tế nhị, hiền hậu. Tôi nghĩ như thế và cảm động trước sự trùng hợp ý vị này.

Trong khung cảnh kín đáo, ấm cúng của Nhà Nguyện Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế, với những người tham dự thật ít, Thánh Lễ đã khởi sự. Sau lưng tôi là các cha các thầy – những giáo sư của tôi, các Bề Trên của tôi, những ân nhân, bạn hữu – và đối với riêng tôi, cuộc di cư 54 đã đưa đến cho tôi sự hiện diện của chị tôi, em tôi, anh Thư là một số người đồng hương cùng xứ Nhân Lộ.

Tôi đã nói đến anh Thư. Con người này cũng có mặt. Thật là một sự tế nhị khác của Thiên Chúa đối với tôi. Tôi nhớ lại năm 1939, có lẽ vào tháng 5 hay tháng 6, tôi qua chơi nhà ông Thiềng. Ôâng vui vẻ bảo tôi: ”Sao Do không viết thư cho anh Thư ?” – “Viết làm gì thế ?” – “Ờ, thì để xin anh xin cha Dòng cho vào DCCT”.

Tôi đã viết, viết mà không suy tính gì. Và thơ trả lời đã đến, báo cho biết Nhà Dòng đã nhận tôi. Anh Thư đã về nghỉ hè và khi trở lại, tôi đã đi với anh... vào Dòng. Chỉ có thế ! Rồi sau đó, một hai năm gì đó, anh Thư, anh Phương đều rời Đệ Tử Viện, chỉ còn một mình tôi. Một mình tôi cho đến hôm ấy, 8.9.1956.

Tôi có quyền mà tin tưởng rằng. Thiên Chúa đã dọn đường cho tôi. Từ tối tăm của một cuộc sống nơi đồng quê xa xôi, Thiên Chúa đã chọn tôi, đã dọn đường cho tôi, đã đặt người chỉ nẻo cho tôi và tôi đã đi, đi mãi, có lúc ngã, có lúc bò, có lúc chán nản. Cho đến hôm nay, ngày hồng ân tuôn trên tôi, ban cho tôi trở nên Linh Mục đời đời. Không có gì mà không do hồng ân của Đức Chúa Trời:

“Từ muôn thuở Chúa đã yêu tôi, một tình yêu không bờ bến

Nay tôi biết lấy chi báo đền lòng từ ái Chúa vô biên...”

Và tôi đã tiến bước trong tin tưởng. Ngài đã kêu thì ngài sẽ giúp tôi trả lời, và tôi đã trả lời thì ngài sẽ giúp tôi trung tín. Vị Giám Mục đã đặt tay trên tôi, người đã xức dầu trên tôi và tôi là Linh Mục, từ hôm nay và cho đến muôn đời.

Ngày hôm ấy, tôi đã ghi lại nhật ký linh hồn. Trong thời gian ở tù, tôi đã có ý định và chờ ngày về để đọc lại những tâm tình vội ghi ngày hồng ân đó. Nhưng Chúa đã không muốn. Mọi sự – nhất là cuốn ký sự linh hồn của tôi từ khi còn bé cho đến một thời gian sau, đã biến mất trong cuộc “tảo thanh” của đủ mọi hạng người. Tôi không biết tôi đã ghi lại gì, chỉ chắc một điều là tôi đã tạ ơn ! Tôi biết nói gì khi không còn biết nghĩ gì trước trận lụt tình thương của Đức Chúa Trời. Tôi không đọc lại được những tâm tình mới mẻ ngày thụ phong. Tôi phải có những tâm tình, những xúc động của một ngày thụ phong mới, ngày thụ phong của 26 năm làm Linh Mục với những gì đã làm, những gì đã suy nghĩ, với cuộc sống đầy vui buồn, đầy đau khổ, đầy thử thách, lắm ngã sa và thất tín, nhưng với niềm vui đã chân thành với Chúa, với chính mình và đã không lùi bước trước bất cứ điều gì biết là tốt, có thể đóng góp vào chương trình cứu rỗi và loan báo tình thương của Đức Chúa Trời.

Hôm nay, tôi nhớ lại cái buổi sáng 8.9.1956 đó, và sống ngày 8.9.1982 hôm nay như một ngày thụ phong mới. Tôi thiết tha cầu xin Chúa Thánh Thần xuống tràn trí tôi, hồn tôi, xác tôi, đời tôi, việc lành và tội lỗi của tôi để đổi mới tất cả, thiêu đốt nhơ bẩn, đem ánh sáng vào nơi tối tăm, uốn nắn mọi sự trong tôi cho một cuộc lên đường mới.

Tôi khẩn khoản nài xin Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ Linh Mục hãy ở cùng tôi, như xưa Ngài đã ở giữa các Tông Đồ và để kéo Thánh Thần xuống trên các đấng, khai mạc một kỷ nguyên mới mà Thánh Linh Thiên Chúa là sức sống, là ánh sáng, là sức mạnh, là nguồn vui bất tận.

Ôi ánh sáng huyền dịu

Hãy soi mọi khúc khuỷu

Trong tâm hồn tín hữu

Hãy rửa mọi tì ố

Hãy tưới nơi đại hạn

Hãy chữa lành vết thương

Hãy uốn những cứng cỏi

Hãy thiêu đốt lạnh lùng

Và hãy sửa lại những lỗi lầm

Hãy mở đường vào cứu rỗi

Hãy ban bố niềm vui muôn đời

AMEN, ALLELUIA.

Tôi là Linh Mục – Viết để tạ ơn Chúa và Mẹ Maria vì 26 năm Linh Mục



“Tôi là Linh Mục”. Lời ấy văng vẳng bên tai tôi, không ngớt, kể từ ngày 8.9.1956, thay thế cho lời tự nhủ mà tôi thường nói với chính mình từ bé và trong suốt cả thời gian học hành để đạt đến lý tưởng: ”Tôi sẽ làm Linh Mục”.

“Tôi sẽ làm Linh Mục”. Lời ấy đã giúp đỡ tôi, khuyến khích tôi không ngừng trong những lúc gặp buồn phiền chán nản, khó khăn trong sự học hành và tiến bước. Lắm lúc “Tôi sẽ làm Linh Mục” đã biến thành “Tôi phải làm Linh Mục” với tất cả sức mạnh của quyết tâm và lời cầu tha thiết của tôi.

Thế rồi, thời gian trôi qua, nhẹ nhàng đến độ tôi coi như là chuyện dĩ nhiên rằng tôi sẽ làm Linh Mục. Tôi không biết tại sao, nhưng tôi có một xác tín như thế. Tôi không biết dựa vào đâu để tin tưởng rằng: ngày ấy sẽ đến cho tôi, ngày ấy PHẢI đến cho tôi: “Tôi phải làm Linh Mục”, mặc dầu tôi không có gì cả, tôi không là gì cả.

Tôi nhớ lại, thời còn ở Đệ tử, cứ mỗi lần có người “về”, tôi lại có một sự so sánh, và thấy mình phải là họ. Tôi có nhiều lý do hơn họ để phải xách gói ra về. Tôi yếu đuối về thể xác, tôi kém cỏi về học hành, tôi thích chơi hơn cầu nguyện. Tôi chẳng có phần nào bù lại được với các anh bạn khoẻ mạnh, học giỏi, sốt sắng đạo đức, cả ngày chỉ có biết lớp học và Nhà Nguyện. Thật, tôi thấy tôi chẳng được gì cả.

Thế rồi, lúc ở Học Viện, khi có anh em nào rẽ sang đường khác, tâm tình tôi lại không còn là: tại sao không phải là tôi ? Nhưng lại là một sự vững tâm khác hẳn với những sự bấp bênh mà tôi cảm thấy khi còn ở Đệ tử Viện. Tôi tự nhủ: ”Không đặt lại vấn đề nữa. ” và tôi bình an. Tôi không tin rằng: sự kiện Bề Trên bảo với tôi là tôi không có ơn kêu gọi sẽ không thể xảy ra, bởi tôi xác tín về một lời kêu gọi mà Chúa đã ban cho tôi. Tôi không nghi ngờ gì nữa. Tôi lại thêm vững tâm khi nhớ rằng: Chúa đã muốn mà, tôi không thể không làm Linh Mục được.

Tại sao tôi lại có thể có hai tâm tình khác biệt nhau như thế ? Tại sao tôi lại đinh ninh rằng tôi sẽ không bao giờ rẽ đường khác, tôi không thấy một lý tưởng nào khác ? ! Tại sao tôi lại có thể vững tâm như vậy ?

Chắc chắn không phải vì tôi thấy mình xứng đáng hay đã sẵn sàng. Kinh nghiệm đời sống của chính mình tôi đã cho tôi biết không phải như thế đâu và càng hiểu về tôi, tôi càng thấy tôi không có gì cả, tôi không đáng gì cả, tôi không là gì cả. Thế mà hôm này đây, 8.9.1956, Tôi là Linh Mục !

Lạy Chúa Ki-tô, con là Linh Mục.

Cùng với Ngài, con là Linh Mục

Như Ngài và nhờ Ngài, con là Linh Mục,

Cho vinh quang của Chúa, con là Linh Mục,

Từ hôm nay cho đến đời đời, con là Linh Mục.

Con thấy rõ, con là Linh Mục không phải vì con, nhưng vì tình yêu Chúa.

Con là Linh Mục không phải cho con, nhưng cho những ai Chúa thương. Con là Linh Mục đời đời cho vinh quang muôn đời của Chúa.

Đúng như thế, tôi đã thấy mình thành Linh Mục. Tôi không thể tưởng tượng được rằng thời gian ấy đã đến, đến như phải đến, đến như một định luật. Tâm tình trong tôi vừa êm ả dịu dàng, vừa là bối rối. Êm bởi thấy lý tưởng mong đợi đã đến với tôi. Bối rối như tưởng rằng có một sự lầm lẫn nào đó. Nghĩa là tôi tin chắc tôi sẽ là Linh Mục, nhưng sao lại dễ dàng và mau chóng như thế. Phút chốc, cả 16 năm học hành, tập tành, chờ mong, lo âu khắc khoải, vừa sợ vừa mong, vừa trông vừa tránh, vừa muốn vừa ngại, vừa tìm vừa trốn v.v... như phụt biến mất. Không biết Anh em khác thế nào, nhưng tôi thì có tâm tình như là Chúa lầm tôi.

Không, lạy Chúa, Chúa không lầm đâu, Chúa biết con từ trong dạ mẹ kia mà, Ngài đã yêu con từ đời đời kia mà... Hôm nay, với tất cả tình yêu dào dạt trong trái tim của Người, Chúa Ki-tô đã hiến thánh tôi và đã nói với tôi: “Con là Linh Mục đời đời của Cha. Tu ES SACERDOS IN AETERNUM”.

Tôi ngơ ngác như đứa bé trước trò chơi lạ. Không kịp chớp mắt, tôi chứng kiến hết cái lạ này đến cái đẹp khác. Khi Bề Trên của tôi giới thiệu chúng tôi với Đức Giám Mục và nghe Ngài hỏi lại: “Cha biết họ có xứng đáng không ?” Tôi nghĩ rằng lời đáp lại của cha Bề Trên không nói đến tôi mà chỉ có ý chỉ đến các bạn đồng lớp: “Theo nhận xét của con thì họ xứng đáng !”

Với giọng trầm trầm và đầy cảm động, vị Giám Mục luôn nói mấy chữ vừa đầy kinh hãi đối với tôi, vừa tràn niềm vui tin tưởng: DEO GRATIAS! TẠ ƠN CHÚA! Sợ hãi vì vị đại diện Thiên Chúa và Giáo Hội đã tin vào nhận xét của vị Bề Trên có lẽ đầy lòng nhân hậu hơn là sự xét đoán nghiêm minh. Vui tin tưởng vì ngài nói lên sự thật quan trọng: Họ xứng hay không, và họ xứng đến mức nào thì đều do ở Thiên Chúa cả. Chính Thiên Chúa mới là lý do hiện diện của chúng tôi, của tôi cách riêng trong giờ này, và chính Chúa sẽ hoàn tất việc Ngài đã làm: Perfecisti quod fecisti. Sự lựa chọn này không dựa trên sự xứng đáng của con người, nhưng trên tình thương vô biên và nhưng không của Đức Chúa Trời.

Deo gratias ! Lời tạ ơn ấy, Tôi đã làm hằng ngày, kể từ khi tôi là Linh Mục và đối với tôi thì lời tạ ơn ấy còn có giá trị gấp bội. Quia fecit mihi magna qui potens est. Người đã đoán đến sự khiêm hạ, khốn nạn của tôi: Respexit humilitatem meam.

Từ ngày tôi là Linh Mục, và cách riêng sau những năm mang xác phàm cho một chức vụ khủng khiếp, tôi đã nghiệm lời suy niệm của Phao-lô trong thư gởi tín hữu Do Thái ( x. Dt 5, 1 ): “Vì mọi thượng tế lấy giữa loài người thì được đặt lo việc Thiên Chúa thay cho loài người, để tiến dâng lễ vật và tạ tội”.

“Lấy giữa loài Người !” Những tiếng ấy vô cùng quan trọng. Tất cả mọi Linh Mục, cách riêng tôi, tôi đã cảm thấy, nghiệm thấy một cách thực tế sự thật đó: Tôi được lấy giữa loài người. Và tôi đã biết thế nào là lấy giữa loài người. “Ngài có thể chạnh thương những kẻ u mê lầm lạc, vì chính ngài cũng lâm phải yếu đuối tư bề”. “Và vì yếu đuối, thì cũng như cho dân, Ngài phải dâng lễ đền tội cho mình” ( Dt 5, 2 – 3 )

Thiên Chúa, hơn ai cả đã biết rõ thụ tạo của mình. Và Ngài đã đem tình yêu đến cho họ. Trong lòng từ ái của Chúa, Chúa đã biết tôi, Chúa đã thương tôi, Chúa đã chọn tôi, và cũng chỉ vì thấy tôi với yếu hèn tội lỗi mà Ngài đã lấy tôi ra giữa loài người, mặc cho tôi áo công chính của người, đặt tôi vào hàng khanh tướng, giao cho tôi sứ mệnh tha thứ tội nhân, an ủi kẻ sầu khổ, giúp đỡ người yếu đuối, đem tình thương và an bình cho kẻ vô vọng, thăm viếng kẻ tù đày, Ngài muốn tôi khóc với kẻ khóc, vì chính tôi đã biết tại sao tôi phải khóc. Ngài muốn tôi thông cảm và nâng đỡ những kẻ ngả lòng, vì chính tôi đã bị cơn cám dỗ ấy khi: “Điều tốt tôi muốn làm thì lại không làm, và điều xấu muốn tránh thì tôi lại sa vào”, khi: “Tôi cảm thấy trong thể xác tôi một mũi nhọn làm tôi khổ sở” và Chúa không cất đi cho tôi, vì Người muốn rằng: “Tôi phải đi con đường ấy để hiểu, để thấm thía sự kiện tôi được lấy ra từ giữa loài người”.

26 năm Linh Mục của tôi đã qua rồi ! Chỉ một ngày làm Linh Mục cũng đã phải làm cho tôi biến dạng: “Alter Christus”. Chỉ một ngày mang nặng chức vụ đó cũng phải làm cho tôi không còn là xác thịt, không còn là tội lỗi, không còn là ích kỷ, là nóng giận, lười biếng, tham lam, bủn xỉn. Tôi đã là một Kytô khác rồi kia mà !

Không ! Không phải thế ! Mang tội cho đến giây trút hơi thở cuối cùng trên Thánh giá, Chúa Kytô đã phải đền cho đến chết, Người đã phải bị ruồng bỏ, và trở nên “vật đáng kinh tởm trước Thiên Chúa Cha. Não nuột thay lời Ngài đã kêu lên trên Thánh giá:”Cha ơi, sao Cha bỏ con”.

Ngài đầy tội, Ngài là ”con chiên mang tất cả tội lỗi trần gian !” Tôi cũng đầy tội, tội của tôi trước hết ! Tôi cũng phải đền cho tội lỗi trần gian. Của lễ tôi dâng hằng ngày là lễ vật đền tội cho toàn thể loài người; cho toàn thể loài người !

“Lấy ra từ giữa loài người”, tôi còn nặng trên vai tội lỗi của chính mình. Thật là kinh khủng. “Và vì yếu đuối thì cũng như dân, Ngài phải dâng lễ đền tội cho mình”. Chúa Ki-tô đền tội cho đến giọt máu cuối cùng của con tim Ngài, để Chúa Cha, Cha Ngài tha thứ cho loài người mà Ngài đã hoà đồng khi mang xác phàm và thân phận làm người, mà Ngài đã nhận là “đồng số phận”; là “anh em”, là “chi thể”.

Ngài đã cho chúng ta biết được, hiểu được Tội là gì, khủng khiếp đến đâu ! Và chỉ khi Ngài đi đến cùng, làm theo ý Cha Ngài đến mức chót thì khi ấy Ngài mới được thương xót “Consummatum est”. Chết đi để được tha thứ trọn vẹn cho toàn thể nhân loại và có thể nói là cho chính mình Ngài vì đã đầy ô uế của nhân loại, vì đã chung kiếp điêu tàn của loài người. Tình thương Chúa Cha đã ào ạt trở lại làm vinh quang cho Ngài, đã kéo Ngài ra khỏi mồ mả để phục sinh Ngài trong vinh quang.

26 năm Linh Mục. Tôi hiểu rằng: tôi phải ở trên Thánh Giá cho đến giây phút chót của cuộc đời tôi. Cuộc chiến chống với kẻ thù tội lỗi tiếp diễn không ngừng cho đến hơi thở cuối cùng. Là Linh Mục, tôi phải đền tội cho đến hết đời, vì tội lỗi níu vào tôi, hành hạ tôi, tội như con đỉa đói. Tôi cảm thấy thấm thía cái gan lì, cái lì lợm của tội. Tôi đã kinh nghiệm nó trong cuộc sống Linh Mục của tôi khi thi hành nhiệm vụ cứu rỗi loài người với Chúa Ki-tô, và nhất là khi tôi trở về với chính tôi.

Tôi đã đa phen kêu van, nũng nịu và trách Chúa, nhưng Ngài vẫn từ ái bảo tôi: “Con được lấy ra từ giữa loài người và cho loài người. Ơn của Ta đủ cho con rồi”, tình thương của Ta sẽ làm cho con và qua con những điều bất ngờ. Con hãy đi và mang về hoa quả đầy ắp. Con hãy cứu độ với ơn cứu độ tràn trề của Ta, con hãy yêu với tình yêu của Ta. Con hãy đến với của lễ đền bù toàn vẹn của Ta. Con hãy mạnh với sức mạnh của Ta, và con hãy vào tình thương của Cha Ta và Cha của con với sự tinh anh trong sạch của ta. Bình an và niềm vui cho con, vì cánh tay Ta là sức mạnh, là thuẫn đỡ, là dịu dàng, là thần lực cho con. Hãy tiến lên với niềm vui tràn lòng, bởi niềm tin sắt đá, bởi lòng nhiệt thành, bởi thiện tâm, bởi chấp nhận con là thụ tạo mà tất cả những gì con có, tất cả những gì là con đều là do Ta mà ra, nhất là chức vụ Linh Mục của con, chức vụ mà Cha đã ấn định cho con từ khi chưa có trời đất, chức vụ mà con sẽ thi hành trong tín nhiệm phó thác ở tình yêu đời đời của Ta qua bản tính người của con với mọi hay dở, trong mọi hoàn cảnh, chính cả trong và nhờ sự yếu hèn của con.

Là Linh Mục, con hãy vui lên trong niềm vui hiến tế. Lạy Chúa Giê-su Linh Mục đời đời, để làm Linh Mục, Chúa đã làm người, Chúa đã mặc lấy xác thân con người, để trở nên người như mọi người. Xin Chúa hãy nhận lấy chức Linh Mục của con. Xin Chúa hãy nhận lấy mọi vui buồn khổ đau, mọi điều hay việc dở, mọi thành bại, mọi nỗ lực thiện tâm thiện chí của con, tất cả lễ vật con dâng cho Chúa, tất cả mọi buồn phiền con đã tạo cho Chúa cũng như mọi hồng ân cứu rỗi, ủi an, tha thứ, yêu thương, chúc lành mà Chúa đã nhờ con đến với anh em con... Lạy Chúa là Linh Mục, xin Chúa hãy nhận cả thân xác, linh hồn, ước muốn, tài năng, thời giờ, ân thánh... tất cả do Chúa ban cho con, để tất cả con phụng sự Chúa cho vinh quang Chúa Cha cho đến hơi thở cuối cùng đời con.

Là Linh Mục, con xin yêu mến lãnh nhận giờ chết của con như Chúa đã lãnh nhận nơi Tay Cha, để chính sự chết của con hợp với sự chết hồng phúc của Chúa trên Thánh giá, trở nên lễ vật Tình yêu phục tùng đem ơn tha thứ cho con, cho loài người và ban thêm ơn cứu độ cho tất cả những ai mà trong Tình thương quan phòng cứu rỗi, Chúa đã ấn định cho con phải đem ánh sáng, chân lý và hạnh phúc vĩnh cửu.

Lạy Chúa Giê-su Thượng Phẩm tinh tuyền, xin cho con là Linh Mục như lòng Chúa, cho vinh quang Đức Chúa Cha. Nhớ Mẹ Ma-ri-a ! AMEN, ALLELUIA.

Lm. NGUYỄN TỰ DO, DCCT ( Còn tiếp nhiều kỳ )