Chuyển ngữ tên quốc gia, còn tên các thành phố?

Quang X Nguyen

CHUYỂN NGỮ TÊN QUỐC GIA, CÒN TÊN CÁC THÀNH PHỐ?


Sức sống ngôn ngữ của mỗi dân tộc nằm ở đâu? Nằm ở việc gieo được lòng tự trọng về ngôn ngữ trong người dân tới đâu, và nằm ở năng lực chuyển ngữ!

(mời đọc bài "Hãy cùng nhau yêu tiếng Việt hơn"). Trong đó tôi có nêu về năng lực chuyển ngữ của tiếng Việt đối với tên các nước: hãy hãnh diện vì tiếng Việt của chúng ta chuyển ngữ được hết. Coi đi, Tây Tạng (Tibet), Đài Loan (Taiwan), Hương Cảng (Hongkong), Tân Gia Ba (Singapore), Đại Hàn (South Korea), Đức (German), Ý (Italy), Pháp (France), Nga (Russia), Nhựt Bổn (Japan), Gia Nã Đại (Canada), Bồ Đào Nha (Portugal), Ba Tây (Brazil), Mễ Tây Cơ (Mexico), Ấn Độ (India)...

Còn tên các thành phố? Có thể mượn cách của người Pháp để tham chiếu.

a/ Trước hết, về cách gọi TÊN CÁC QUỐC GIA: 

Người Pháp họ đầy đủ năng lực chuyển ngữ thành tiếng Pháp mà không việc gì phải dùng "nguyên ngữ" của người bổn xứ, cũng không việc gì phải dùng tiếng Anh (cho dù tiếng Anh là ngôn ngữ phổ dụng nhứt hiện nay).

Chẳng hạn, tên nước "Thụy Điển" - người Pháp không bê nguyên xi tiếng người Thụy Điển gọi tên nước họ là "Sverige", cũng không mắc gì phải xài tiếng Anh là "Sweden" => Mà người Pháp dùng tiếng Pháp để chuyển ngữ là: "Suède".
Tên nước "Na Uy" - người Pháp không dùng cách gọi tên quốc gia "Norge" của người Na Uy, cũng không mượn tiếng Anh kêu bằng "Norway" => Người Pháp gọi là "Norvège", bằng tiếng Pháp.

Người Tây Ban Nha gọi tên nước là "España", chuyển qua tiếng Anh kêu bằng "Spain" => Người Pháp chuyển ngữ sang tiếng Pháp, là "Espagne".

Nước Đức, trong tiếng Đức là "Deutschland" - người Pháp không mắc gì phải copy tiếng Đức để gọi, cũng không mượn tiếng Anh kêu bằng "Germany" => Mà chuyển ngữ sang tiếng Pháp, gọi là "Allemagne".

À, quí bạn ắt nhận ra trong loạt ví dụ trên, chúng ta đang dùng TIẾNG VIỆT đó đa, khi gọi tên các nước: "Thụy Điển", "Na Uy", "Tây Ban Nha", "Đức"... - cũng không việc gì phải dùng nguyên ngữ các nước, mà cũng không mượn tiếng Anh.

b/ Về TÊN CÁC THÀNH PHỐ...

New York / Washington / Miami / Seattle / Philadelphia ... trong tiếng Anh. Người Pháp cũng dùng lại tiếng Anh như rứa (mà không chuyển ngữ thành tiếng Pháp), nhưng đây cũng không phải nguyên tắc bất di bất dịch, tỉ dụ "London" => người Pháp không giữ nguyên tiếng Anh này, mà chuyển ngữ gọi bằng "Londres"...

Vậy, từ sự tham chiếu trên, thấy gì?

- Tên gọi các nước trên toàn cầu khoảng 200 quốc gia (nói tròn số), số lượng quốc gia như vậy không nhiều => Áp dụng nguyên tắc CHUYỂN NGỮ - người Pháp chuyển ngữ qua tiếng Pháp, người Anh chuyển ngữ qua tiếng Anh, người Việt chúng ta hoàn toàn có quyền và có đủ năng lực để chuyển ngữ qua tiếng Việt!

CHUYỂN NGỮ, như đã nói, là minh chứng cho lòng tự trọng và năng lực ngôn ngữ của mỗi dân tộc.

- Trong khi đó, số lượng các tỉnh, thành phố trên thế giới là vài chục ngàn, vài trăm ngàn, quá nhiều, nhiều khủng khiếp! Do đó, ở đây áp dụng nguyên tắc TIỆN DỤNG, như cách của người Pháp là ghi bằng Anh ngữ đối với đa phần tên gọi các tỉnh, thành phố trên thế giới. Chúng ta cũng nên áp dụng như vậy.

C/ Tên các danh nhân, và tên người nói chung: 

Nhiều vô kể trên phạm vi toàn cầu, nên cũng áp dụng nguyên tắc TIỆN DỤNG, là ghi bằng Anh ngữ.
---------------------------------------------------------------------
* Riêng đối với Hoa ngữ và Nhựt ngữ (và gồm cả Hàn ngữ chăng?), tên gọi các tỉnh, thành phố & tên các nhân vật... vẫn có thể chuyển ngữ qua tiếng Việt! Đây thuộc về đặc trưng ngôn ngữ ở vùng Đông Á, bảo đảm tính đồng bộ - dựa trên nền tảng KHOA HỌC TRONG NGÔN NGỮ. Lạ rứa hè?

Tôi xin hầu chuyện trong một bài viết khác.


SỰ TỰ TIN VÀO NĂNG LỰC CHUYỂN NGỮ (VIỆT HÓA)
& LÒNG TỰ TRỌNG TRONG NGÔN NGỮ


&1&


1.1/ Khi viết tên một số nước bằng tiếng Việt, như: Á Căn Đình (Argentina), Ba Tây (Brazil), Gia Nã Đại (Canada), Tân Gia Ba (Singapore), Tân Tây Lan (New Zealand), Phi Luật Tân (Philippines), Mễ Tây Cơ (Mexico)..., tôi có dụng tâm khơi gợi sự thắc mắc nơi các em, các cháu sinh trưởng sau năm 1975.

Sẽ có nhiều người hỏi: sao không viết bằng tiếng Anh phứt cho rồi?

1.2/ Lẽ ra phải đặt câu hỏi hoàn toàn ngược lại, như sau: Vì cớ gì mà chúng ta không được phép viết bằng tiếng Việt?

Coi đi, hiện nay hàng ngày chúng ta vẫn đang viết/gọi tên hàng loạt quốc gia bằng TIẾNG VIỆT, có thể kể ra:
Mông Cổ, Ấn Độ, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Đức, Anh, Pháp, Bỉ, Nga, Thụy Sĩ, Áo, Úc, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Ba Lan, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Thái Lan, Hà Lan, Triều Tiên, Hàn Quốc..v.v...

Và những tên gọi nêu ở 1.1, trước đây cũng đều được chuyển ngữ tiếng Việt như vậy đó (ở miền Nam VN).

Nhưng, sau năm 1975, cách chuyển ngữ tên gọi các quốc gia sang tiếng Việt bị "bức tử" loạn xạ: muốn "trảm" là trảm, muốn giữ là giữ, tùy hứng, tùy tiện.

&2&

Hãy coi qua các nước, coi họ định danh tên gọi quốc gia ra sao.

Người Đức gọi quốc gia của họ là “Deutschland”, các nước khác họ gọi làm sao? Chẳng ai ngớ ngẩn đi viết phiên âm để đọc chữ này hết, mà mỗi quốc gia dùng chính ngôn-ngữ-của-nước-họ để định danh! Người Anh gọi nước Đức là "Germany", người Pháp gọi thành "Allemagne", người Tây Ban Nha gọi bằng "Alemania".

Người Ba Lan gọi tên đất nước họ là "Polska", người Anh chuyển thành cách gọi là "Poland". Người Pháp, rồi Tây Ban Nha phải dùng tiếng Anh ("Poland") để gọi chăng? Không hề! Pháp gọi Ba Lan là "Pologne", Tây Ban Nha gọi thành "Polonia".

Nước Tây Ban Nha trong nguyên ngữ là "España". Mặc, Tây Ban Nha gọi sao thì gọi, nhưng người Anh gọi bằng "Spain". Người Pháp có bê nguyên tiếng Anh vô xài? Không, người Pháp gọi là "Espagne".

Người Anh gọi nước Pháp là "France". Tây Ban Nha không mắc gì phải bê tiếng Anh mà họ dùng tiếng của họ để gọi nước Pháp là "Francia", còn Đức gọi nước Pháp thành "Frankreich".

Thấy gì từ những dẫn giải trên? Chỉ khi giao dịch quốc tế, bước ra NGOÀI lãnh thổ của từng quốc gia, họ mới dùng ngôn ngữ phổ dụng nhứt hiện nay được chọn là tiếng Anh.

Còn TRONG lãnh thổ mỗi nước, họ đều dùng ngôn ngữ của chính nước họ (ngôn ngữ mẹ đẻ) để định danh tên gọi các nước!

Đó là lòng tự trọng trong ngôn ngữ, đồng thời tự tin vào năng lực chuyển ngữ của chính mỗi dân tộc/quốc gia.

Nguyễn Chương Mt