Con người và ứng xử

Quang X Nguyen

CON NGƯỜI & ỨNG XỬ

ảnh minh họa

- Đồ chó đẻ!

Tôi giật mình khi nghe tiếng một người phụ nữ quát lên ở phía cuối nhà nguyện, vừa kịp nhận ra đó là tiếng của chị T. Hỏi ra mới biết, chị chửi rủa Q. vì tưởng rằng Q. không chịu phát phiếu lãnh quà cho chị.

Số là hôm ấy có một tổ chức từ thiện đến phát quà Tết cho những người khuyết tật chúng tôi, may mà mọi người đang ồn ào, tôi e mấy vị ân nhân nghe thấy thì kỳ cục hết chỗ nói. Q. là một trong những thành viên của nhóm tôi, Q. đại diện cho cả nhóm đến gặp ban tổ chức lãnh xấp phiếu về, và có trách nhiệm đưa lại cho từng người. Chỉ vì chậm trễ chút ít mà cô bị chị T. chửi rủa như thế thật là không đáng! Điều đó khiến tôi chẳng mấy thiện cảm với chị T. Sau này tôi còn nhiều dịp chứng kiến sự đanh đá, chua ngoa của chị, và cũng nghe nhiều người nói không muốn tiếp xúc với chị vì sợ bị phiền toái.

Chị T. bị sốt tê liệt rồi teo cả hai chân từ nhỏ, chị phải di chuyển bằng cách bò toài trên mặt đất. Chị năm nay đã lớn tuổi, phải kiếm sống bằng nghề bán vé số, vì chị chẳng được học hành gì nhiều để có thể kiếm được một công việc ổn định. Cũng may chị còn biết đọc biết viết mà cùng đọc Kinh Thánh với mọi người.

Một lần, nhóm chia sẻ Lời Chúa của những người khuyết tật cùng nhau đi hành hương nhà thờ Đức Mẹ Bãi Dâu-Vũng Tàu, tôi có dịp quan sát chị nhiều hơn hiểu chị nhiều hơn. Tôi nhớ buổi chiều khi vừa xuống xe trước cổng nhà trọ, chúng tôi được các tình nguyện viên dắt dìu bồng bế lên mấy bậc thềm để đến phòng nghỉ của mình. Khi đã được dắt lên hết chím bậc của thềm nhà, tôi nghe tiếng Th. , một trong những tình nguyện viên đang cằn nhằn về chị T. Thì ra, anh chàng cảm thấy rất khó chịu, vì chị T. nhất định bò lên một mình, không chấp nhận sự giúp đỡ của Th. Tôi nhắm nghiền hai mắt, hình dung ra cảnh tượng một người phụ nữ bò lê ngay trước mặt những con người đi bằng hai chân, tôi hiểu được nỗi khó chịu đau đắng trong lòng người thanh niên trẻ. Là người nhiệt tình năng nổ nhất trong bọn, chàng trai trẻ ấy không rời mắt khỏi chị T. Chị T. lên đến bậc thềm cuối cùng thì Th. Đã chờ sẵn ở đó với một chiếc xe lăn. Không để cho chị kịp phản ứng, Th. Đã bế thốc chị đặt vào xe lăn, rồi đẩy xe vào phòng của chị. Sau khi đã yên vị trong phòng, tôi hỏi chị:
- Sao chị không để cho họ bồng chị lên mấy bậc tam cấp?
Chị nói: T. không muốn làm phiền người ta!

Tôi nhẹ nhàng phân tích cho chị nghe:
- Mấy tình nguyện viên đi theo tụi mình với mong muốn được phục vụ, họ tìm kiếm niềm vui trong sự phục vụ này. Nhưng chị lại không cho họ làm điều ấy, họ cảm thấy không vui. Vả lại, người ta không chịu nổi sự bất nhẫn vì thấy chị bò đi trước mặt họ. Phải chi chị không có ai giúp đỡ, chị bò đã đành, đằng này có sẵn tình nguyện viên để giúp chị, chị lại khăng khăng làm thế, khiến họ không vui. Chị hãy thoải mái để họ giúp, mình tương trợ lẫn nhau, cả hai đều vui có phải hơn không! Chị hãy nghĩ là họ rất sẵn sàng, không có gì phiền đâu!

Chị hỏi lại tôi:
-Thế T. cần phải để cho họ giúp à!

Tôi đáp:
- Đúng thế! Nếu không sự có mặt của họ ở đây là vô nghĩa, chị ạ!

Chị T. cười khúc khích như một đứa bé:
- Vậy T. sẽ cố gắng không để cho họ bực mình vì T. nữa!

Từ lúc đó trở đi, tôi thấy chị T. ngoan ngoãn nghe theo lời Th. Như thể một đứa học trò nghe lời thầy giáo của nó vậy.

Qua những câu chuyện nghe được về chị, tôi hiểu chị không được người ta tôn trọng. Thậm chí, người thân của chị cũng không tôn trọng và thương yêu chị, chị bị coi khinh vì chị là một người què quặt. 
Tôi lờ mờ nhận ra rằng, tính cách của chị trở nên nanh nọc là vì chị phải đấu tranh sinh tồn trong một hoàn cảnh khắc nghiệt, và của sự thiếu tôn trọng giữa con người với con người như thế. Chị đã không được cha mẹ, chị em trong nhà đối xử bình đẳng và thương yêu, chứ đừng nói gì đến sự bù đắp cho nỗi bất hạnh của chị. 

Nhân Ngày khuyết tật Việt Nam cách đây vài năm, tôi đã có dịp theo dõi Hội chợ “Việc làm dành cho người khuyết tật”, ở đó Ban Tổ Chức đã cố gắng đưa ra cho người khuyết tật một số việc làm tương đối phù hợp. Hội chợ này đã thu hút được sự chú ý của khá đông người. Tôi nghe được mẩu hội thoại giữa chị và một phóng viên của đài phát thanh TPHCM, giọng nói của chị tỏ vẻ đầy bức xúc, chị nói lên khát khao muốn có một việc làm để khỏi phải đi bán vé số; nhưng, vế sau của phần phát biểu mới là vấn đề nan giải, vì chị chẳng được học hành gì để có thể đi làm như những người đã được tuyển chọn. 

Tôi đã hỏi thăm chị xem người ta đã giúp gì cho chị sau buổi hội chợ đó. Chị kể cho tôi nghe về chuyện người ta đã giúp chị đi học nghề, nhưng rồi nghề ấy kiếm tiền còn tệ hơn bán vé số, chị đành tiếp tục nghề cũ nuôi thân. Xã hội VN vốn là vậy, những khó khăn của xã hội lúc nào cũng là chung chung. Những giải pháp chính phủ đưa ra thì nhiều, song chính phủ đã không tạo mọi điều kiện để những giải pháp đó được trở thành hiện thực. Nếu có ai đó nỗ lực tham gia vào việc làm cho xã hội phát triển, thì lại bị cản trở bởi những quy chế này nọ, và thế là những giải pháp cho người khuyết tật vẫn tiếp tục bị đóng khung trong luật. 

Biết được điều đó, tôi đành an ủi chị rằng nghề nào cũng quý nếu nó là một nghề lương thiện. Có người quan tâm, chị vui lắm, chị hỏi tôi đủ thứ xoay quanh mạng internet. Chị nói chị muốn sử dụng computer như mọi người, chị muốn biết cách thức làm sao để gởi email, chị muốn biết người ta lên mạng internet chat ra sao... Chị nói chị muốn học cách thức sử dụng computer, để sau này có thể kiếm việc làm. 

Trong lòng tôi cảm thấy e ngại cho chị, vì tôi biết hoàn cảnh của chị hiện nay chưa cho phép chị đeo đuổi việc học này. Song, tôi vẫn cố giảng giải cho chị nghe những gì trong phạm vi hiểu biết của mình về computer, mà cảm thấy thương chị biết bao!