Kính tiễn biệt thầy phó tệ Mậu và tu sĩ Hilaire Thảo

Quang X Nguyen

Thầy Hilaire Thảo

Thầy Hilaire Thảo nhặt ve chai tại Sài Gòn bán lấy tiền giúp người nghèo. Ảnh Lm. Nam Phong


Tôi vừa nhận được tin từ Nhà Dòng cho biết Thầy mới qua đời hôm nay.

Thầy tên rửa tội là Phêrô Đinh Văn Thảo, quê ở giáo xứ Sở Hạ, huyện Thường Tín, Hà Đông, cùng quê với Cha Thánh Phêrô Lê Tùy. Khi đi tu thầy nhận nhận tên Dòng là Hilaire.

Thầy dung nhan hiền hậu, vóc dáng khắc khổ, thân hình gầy guộc, chân tay xương xẩu trông giống như một thầy khổ tu.

Tôi không nhớ lần đầu gặp Thầy là năm nào, nhưng tôi bắt đầu thân với Thầy và hiểu Thầy nhiều hơn từ dịp Cha Bề trên Tổng quyền J.M Lasso và Cha Tổng Cố vấn Louis Hechanova sang thăm Việt Nam vào năm 1995.


Năm ấy, lần đầu tiên kể từ năm 1975, nhà nước cho Bề trên Tổng quyền đến thăm DCCT Việt Nam một tuần, nhưng không được ra khỏi địa bàn Sài Gòn. Vì thế thầy Hilaire và anh em từ Cần Giờ cũng về Kỳ Đồng để gặp Phái đoàn Kinh lược, rồi sau đó dẫn các ngài đi thăm Cần Giờ.

Trên xe, Thầy ngồi cạnh Cha BTTQ. Tôi thấy Thầy rất vui. Thầy nói với Cha BTTQ cách rất tự hào rằng thầy từng là garde de corps của Cha BTTQ thời xưa. Tôi không nhớ thầy nói là cha Amaral hay cha Gaudreau. Cha BTTQ nhìn thầy rất trìu mến và cám ơn Thầy.

Khi gặp Đoàn Kinh lược, cha Bề trên Phạm Kim Điệp cho biết gần 20 năm Thầy Hilaire làm công nhân dọn vệ sinh ở chợ Cần Thạnh. Mới đầu với tư cách là một người thiện nguyện, sau cũng được công nhận như một nhân viên vệ sinh của Thị Trấn. Đến đầu những năm 1990, khi Thị Trần rục rịch mở rộng thì thầy được mời về vườn. Được cho nghỉ hưu mà không có lương hưu.

Thầy cũng đã kiên trì cả chục năm trời ăn cơm nhà dòng, đọc kinh nhà Chúa lấy sức đắp đường cho thiên hạ đi. Thầy đào đất đắp con đường dài khoảng 600 mét chạy ngang qua nhà thờ dẫn ra chợ thị trấn. Cho đến giữa những năm 1990 khi Thầy còn ở Cần Thạnh và khi con đường chưa được rải đá và đặt tên, thì người dân ở đấy vẫn gọi là Đường Thầy Già.

Mọi người thấy Thầy lam lũ, vất vả, đen đúa, gầy còm, thì nghĩ là Thầy khổ. Nhưng Thầy lại nghĩ ngược lại. Thầy nói với tôi rằng ở Cần Giờ Thầy sướng nhất. Vì mọi người trong thị trấn không phân biệt lương giáo đều mến thầy. Nhất là các bà bán hàng ở chợ. Thầy hay giúp đỡ các bà và các bà cũng hay tặng Thầy quà cáp.

Cha Nguyễn Hữu Hòa, người ở chung với Thầy, kể với tôi rằng: Gớm, Hilaire khuân về nhà đủ thứ. Thỉnh thoảng Hilaire cho mình bánh ú, bánh ít nọ kia. Mà có khi anh chàng để lâu nên có ăn được đâu! Mà phòng của anh chàng đầy những thứ linh tinh chàng nhặt về mà chàng ta coi là quý lắm. Nhặt về để lại mang đi cho người này người kia. Chàng thích vậy.

Về sau tôi mới hiểu, có thể một trong những lý do thầy hay nhặt nhạnh, gom góp đủ thứ để chia sẻ với người khác, có lẽ là do tuổi thơ của Thày đã trải qua nhiều lam lũ, đói khổ, nên biết thương cảm với những người khác.

Thầy kể với tôi cha mẹ thầy mất sớm. Thầy được một gia đình địa chủ ở Sở Hạ nhận làm con nuôi. Thầy chỉ biết đi làm ruộng, đi nhà thờ và tham gia các hội đạo đoàn đạo đức. Hồi năm 1945 khi Việt Minh nắm chính quyền, nhiều người giỏi giang và đạo đức trong làng lần lượt bị cho đi “mò tôm”, Thầy nghĩ nếu ở nhà chắc trước sau cũng chung số phận. Thế là Thầy đăng lính cho quân đội quốc gia.

Thầy đóng quân ở Thành Cổ Hà Nội. Thầy đi lễ hàng ngày ở nhà thờ Cửa Bắc. Thầy không ăn tiêu phung phí. Lương tháng hầu như còn nguyện vẹn. Thấy ai nghèo khổ thầy cho vay. Thấy Thầy hiền lành đạo đức có một số cô kín đáo ngỏ ý muốn kết hôn với Thầy. Có một cô khá đẹp và cũng đạo đức Thầy cũng có thiện cảm nhiều hơn, nhưng Thầy vẫn không nói gì cả.

Cô này về sau Thầy gặp lại. Thầy kể hồi năm 1969, lúc ở Pleichoet với cha Vương Đình Tài, có lần Thầy đi Pleiku và bất ngờ gặp lại cô, lúc này đã là vợ của một sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa đóng ở Thành Pleiku. Bà mời Thầy đến thăm nhà. Bà nấu bún riêu mời Thầy ăn. Rồi bà tập hợp 9 đứa con lại giữa nhà và giới thiệu: ““ĐÂY LÀ THẦY THẢO. THẦY NGÀY XƯA SUÝT NỮA LÀM BỐ CỦA 9 ĐỨA CHÚNG MÀY!”

Nguyên văn Thầy kể với tôi như vậy. Kể đi kể lại nhiều lần. Tôi thấy Thầy có vẻ hạnh phúc lắm về tình cảm của người phụ nữ kia dành cho Thầy.

Hàng tuần xuống Thái Hà hành hương kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Thấy các cha Dòng vui vẻ nên muốn được vào tu ở đấy. Thầy nghĩ: “Mình đang mặc đồ lính thế này không biết có được nhận không và nếu được, thì cũng không biết có thể được phép xuất ngũ để vào Dòng không?” Thầy khấn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp rồi đánh liều đến xin Cha Bề trên Louis Roy. Không ngờ ngài nhận Thầy và hôm sau ngài còn đích thân đến nói với sĩ quan đơn vị cho Thầy xuất ngũ.

Thầy kể lúc đấy Thầy vui lắm và mấy cô đang theo Thầy buồn lắm. Còn mấy người vay tiền Thầy thì cũng vui theo, vì Thầy nói thầy cho luôn.

Vào Dòng Chúa Cứu Thế, Thầy đúng là tu sĩ chân chính như Thánh Anphongsô Tổ phụ của Nhà Dòng mong muốn.

Thầy vâng lời các đấng bề trên một cách gần như tuyệt đối. Cái gì Bề trên không muốn, Thầy không làm. Cái gì bề trên muốn Thầy làm ngay. Thầy rất sợ không theo ý bề trên. Tôi có cảm tưởng như là Thầy sợ mất linh hồn khi không làm theo ý bề trên. Vì vậy, ngay khi tuổi cao, bất cứ khi nào các đấng bề trên nói thầy chuyển đến nhà nào, là thầy mau mắn đi ngay.

Thầy sống rất nghèo. Đi đâu cũng chỉ xách cái túi như cái bị. Chuyển nhà cũng chỉ có một va ly cũ kỹ đựng quần áo. Thầy chẳng có cái gì đáng giá. Chưa bao giờ tôi thấy thầy đi đôi giầy đôi dép hay mặc bộ quần cáo sang trọng. Nhiều khi tôi thấy thầy đi chân không.

Thầy là týp người chỉ biết làm việc và cầu nguyện, cầu nguyện và làm việc. Ở không không chịu được. Gốc nông dân nên thầy thích việc chân tay. Vì thế hồi năm 1996-1997 Thầy ra Thái Hà phục vụ một thời gian, nhưng không có nhiều việc chân tay cho Thầy làm nên Thầy lại vào phục vụ ở những nơi Nhà Dòng có ruộng vườn như Phú Dòng ( Định Quán, Đồng Nai), Vĩnh Long và Mai Thôn (Thanh Đa, Sài Gòn).

Đầu những năm 2000 có thời gian Thầy sống ở Nhà thờ Kỳ Đồng cùng với chúng tôi. Tôi thấy nếu Thầy không xắn quần xắn áo làm cái nọ cái kia thì cũng một mình lim dim suy gẫm, cầu nguyện, lần hạt, ... Hầu như ngày nào thầy cũng đi đàng thánh giá một mình lúc 3 giờ chiều.

Tôi hiếm thấy có ai đọc kinh, nguyện ngắm mà có thái độ chiêm niệm như thầy. Thầy đọc kinh bằng quyển sách kinh cổ bé bằng bàn tay thầy giữ được từ thuở nào và thường mang kè kè bên mình cùng với cỗ tràng hạt như là thứ gia bảo quý nhất.

Thầy thuộc nhiều bài ca vãn đạo đức cổ xưa, theo các cung điệu dân gian truyền thống ở Miền Bắc mà tôi chẳng còn thấy ai biết ngoại trừ thầy. Thầy bị điếc, thầy hát nhiều khi không ra lời, có khi lập lại mấy lần mới thành tiếng một lời ca. Tôi thấy đấy là những lời rất ý nghĩa, có giai điệu rất lạ nên tôi hay đề nghị thầy hát cho mình tôi nghe.

Thấy tôi, Thầy thường mỉm cười, hạ thấp cánh tay, ngửa bàn tay đưa về phía trước một đường, có ý hỏi rằng tôi đã chịu chức linh mục ”chui” chưa. Khi biết là rồi thì Thầy lại sấp bàn tay đánh một đường về phía trước rồi đưa lên cao, có ý hỏi tôi bao giờ thì “chui ra”, bao giờ tôi ra làm lễ công khai. Tôi thấy thái độ của thầy thật là ngộ nghĩnh, dễ thương.

Thầy nói rằng thầy rất biết ơn Chúa, vì được gọi vào Dòng. Nếu ở nhà, không bị cộng sản sớm cho đi “mò tôm”thì cũng chết thảm vì bị đấu tố như bố mẹ thầy ở Sở Hạ hồi sau năm 1954. Nếu còn ở lính thì có lẽ Thầy cũng đã chết đâu đó như bao bạn bè đồng ngũ với Thầy.

Thầy không tranh chấp với ai. Không hơn thua với ai. Thầy sống hãm mình và hạ mình để phục vụ mọi người và để cầu nguyện cho mọi người. Thầy hạnh phúc với công việc khiêm hạ và với đời sống cầu nguyện của mình. Thầy là bậc chân tu.

Tôi không nghi ngờ lối sống lành mạnh, đạo đức của ngài là một trong những lý do khiến Thầy là người thọ nhất trong DCCT Việt Nam từ gần một trăm năm nay. Thầy tho 98 tuổi.

Thầy học mới hết vỡ lòng, mới đủ biết đọc và biết viết. Thầy không bao giờ giảng đạo cho ai. Thầy chỉ biết làm việc và cầu nguyện, nhưng cuộc đời thầy là lời rao giảng sống động và thuyết phục nhất cho các anh em linh mục rao giảng như tôi.
Tôi cám ơn Chúa đã cho tôi gặp được những con người đạo đức như Thầy Hilaire.

Thầy mất đi, tôi có cảm giác Nhà Dòng mất một kho tàng quý giá mà sẽ không bao giờ có được một người thứ hai độc đáo như Thầy.

Tôi viết vội ít dòng tưởng niệm Thầy mà tôi cảm thấy vẫn chưa nói được đúng và nói được đủ điều tôi muốn nói về Thầy. Thầy là một con người độc đáo mà tôi không đủ sức diễn tả.

Xin Chúa cho linh hồn Thầy được nghỉ yên và xin Thầy cũng cầu nguyện cho tôi.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải CSsR



THẦY MẬU ĐÃ ĐI RỒI

(Đôi dòng cảm tưởng về sự ra đi của Phó Tế Nguyễn Đức Mậu)


-Bác Duyệt ơi, con hy vọng tin này chỉ là tin con nghe nhầm thôi, nhưng nếu đúng như vậy thì đây là một tin rất buồn.
-Con nói gì, tin gì là tin nghe nhầm. Và tin gì là tin nghe đúng mà lại rất buồn?
-Tin thầy Mậu mất rồi. Thầy đã ra đi vĩnh viễn rồi!

Tôi nghe như có tiếng nức nở ở đầu dây bên kia. Thế rồi trong lúc tôi còn đang bàng hoàng và sửng sốt, thì điện thoại lại vang lên:
-Anh Duyệt hả. Vân đây, anh có nghe gì về tin thầy Mậu chết không?
-Vân nghe tin đó ở đâu? Mình muốn xác nhận lại một lần nữa cho chắc chắn.
-Em nhận được một email người ta forward email của cha Đào Xuân Thành, chính xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ở trên Seattle báo thầy Mậu đã chết.

Rồi lại chính cha Thành cũng gọi và cho biết, thầy Mậu đã qua đời!...


Thế là chắc chắn rồi, không còn nghi ngờ gì nữa về sự ra đi rất đột ngột của một người mà mới hôm nào, cách đây chỉ 2 tuần, tại Đại Hội Lòng Thương Xót Chúa ở Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo, Tukwila, WA chúng tôi còn gặp nhau, còn trò truyện, và còn trao đổi với nhau những thông tin những sinh hoạt của Gia Đình Nazareth Seattle. Đặc biệt, Chúa Nhật, 28 tháng 4, 2019 trong buổi họp mặt thân mật tối hôm đó tại tư gia của anh chị Ninh-Hào còn có thầy và cô Cúc, cha Thành và một số anh chị em cũng có mặt. Thật đúng như lời Chúa nói: “Vì vậy, các con phải sẵn sàng, vì Con Người sẽ đến vào giờ mà các con không ngờ” (For this reason, you also must be ready, because the Son of Man will come at an hour when you do not expect Him) (Mt 24:44).

Cái giờ không ngờ của thầy Mậu là buổi sáng hôm đó, thứ Ba, ngày 14 tháng 5 năm 2019, trong lúc đang tập thể dục tại nhà. Con Người đã đến, đã gọi thầy. Và thầy đã bình an từ giã cõi đời tạm bợ này để về với Đấng mà thầy hằng yêu mến, tôn thờ, và hết lòng phục vụ. Về nơi mà ở đó không còn đau khổ, bệnh tật, mệt mã, suy tư, lo lắng. Nơi những giọt lệ không còn lăn trên gò má. Nơi những thao thức không làm buốt nhói com tim. Ở đó thầy được bình an trong vòng tay âu yếm của Chúa, và đời đời vui hưởng ánh vinh quang của Ngài cùng với Đức Maria và muôn thần thánh.

Cái giờ không ngờ của thầy xảy ra chỉ hai ngày sau Chúa Nhật Chúa Chiên lành, một ngày sau kỷ niệm Mẹ hiện ra tại Fatima, và cũng đúng 11 ngày sau lễ kính Thánh Tông Đồ Philip (3 tháng 5) là bổn mạng của thầy.

Cái giờ không ngờ của thầy là thầy được gọi về trong tháng Hoa Mẹ, người Mẹ mà thầy rất mực yêu mến. Ra đón thầy ở cửa Thiên Đàng chắc chắn có Mẹ:

“Mẹ ơi con yêu Mẹ, yêu từ hồi thuở bé,
Yêu mãi đến tuổi già,
Yêu tha thiết bao la.
Mẹ ơi con yêu Mẹ, yêu từ hồi thưở bé,
Giờ chết Mẹ thương nhé,
Chết trong tình yêu Mẹ.”

Cái giờ không ngờ của thầy là còn để lại những trọng trách của giáo xứ đang trong tiến trình xây dựng nhà Chúa. Cha xứ đang cần thầy. Giáo xứ đang cần thầy.

Cái giờ không ngờ của thầy là những dự tính sinh hoạt tương lai của Gia Đình Nazareth đang mở rộng, anh chị em của đại gia đình Nazareth Seattle đang cần thầy.

Dĩ nhiên, việc thầy ra đi đã để lại trong tâm tư của rất nhiều người, trong đó có tôi sự mến thương, luyến tiếc. Và những dòng sau đây tôi viết gửi riêng cho “Mậu”, người bạn, người anh em rất thân qúi:

Do những tình cờ rất có ý nghĩa, mình hân hạnh quen biết và làm việc với Mậu đã 10 năm qua. Những lần có mặt tại Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo, được sinh hoạt, gặp gỡ Mậu qua các buổi hội thảo, thuyết trình, nhất là các khóa Nazareth là những kỷ niệm không hề phai nhạt. Trong những dịp như thế, Mậu là người đưa đón mình, và dĩ nhiên, phần lớn là mình lưu lại nhà của Mậu. Không chỉ riêng mình, mà tất cả anh chị em lên từ California để giúp các khóa Nazareth hầu như đều ở nhà Mậu. Chúng mình vẫn thường nói đùa với nhau: “Nhà này là cái am đạo đức. Ảnh tượng khắp nơi trong nhà, ngoài ngõ, thằng quỉ nào xớ rớ đi lạc vào đây sẽ hết đường ra”. Nhà Mậu còn là một “khách sạn 5 sao đón tiếp những khách thập phương như chúng mình”. Đến nhà Mậu là không bao giờ sợ đói, vì có Cúc, hiền thê của Mậu vừa hiếu khách như Mậu lại vừa có tài nấu nướng. Với nụ cười luôn nở trên môi, bằng với tâm tình quí mến dành cho anh chị em, do đó, thời gian lưu lại nhà Mậu luôn luôn thoải mái và rất tự nhiên.

Nhưng có cần nói thêm về sự thánh thiện của người đã khuất như Mậu không? Mình cho là có và cần thiết.

Đối với mình, Mậu là một mẫu người hiền hòa, vui vẻ, hiếu khách, nhiệt tình và luôn nghĩ đến người khác.

Trong thời gian dài quen biết, mình chưa hề nghe Mậu phàn nàn, chê trách hoặc phê bình ai bao giờ. Đây là đức tính nổi vượt nhất mà mình học được từ nơi Mậu. Ngoài ra, Mậu là người rất điềm tĩnh, đôi khi ít lời. Thay vì nói là những nụ cười cùng với đôi tay và lòng nhiệt thành. Một lần, mình chợt nhìn thấy Mậu đang lúc dọn bữa thiết đãi bạn bè, vô tình đã cắt vào tay một vết cắt sâu mà mình cho là rất đau đớn. Mình đã hỏi Mậu có cần giúp gì không, rất bình tĩnh, Mậu vội lấy băng dán, băng bó vết thương xong và trở lại tiếp tục làm bữa ăn cho anh chị em cũng vẫn với nụ cười trên môi. Vì mình biết và chứng kiến điều này, nên vẫn giữ nó trong lòng như một kỷ niệm với sự thán phục.

Gần đây do sức khỏe yếu kém, Cúc không còn giúp nhiều cho Mậu, nhưng ngược lại, đây là một dịp mà mình có thể cảm nghiệm tấm chân tình, yêu thương, và sự chung thủy mà Mậu dành cho người vợ yêu của mình. Chính lần gặp mặt lần cuối tại nhà Ninh-Hào, Mậu cũng đã chia sẻ điều này, và cho biết, Mậu sẽ không thể an tâm rời xa Cúc, hoặc để Cúc một mình trong hoàn cảnh yếu đau như hiện nay. Một tình yêu, một tấm lòng, và một hình ảnh của người chồng gương mẫu.

Tạm biệt người bạn thân thương. Tạm biệt người cùng chí hướng trong sứ mạng lo cho hạnh phúc các gia đình. Mọi sự đã hoàn tất. Thời gian lưu lạc trên hành trình cuộc sống nay đã chấm dứt. Trên nơi cao xanh kia, xin nhìn xuống phù hộ cho những người thân yêu, các bạn hữu, đặc biệt, hãy cầu bầu cho người bạn đường, hiền thê là Cúc giờ này đang đau khổ, khóc than trước mất mát lớn lao trong cuộc đời.

Từ hôm nay mỗi lần có dịp ghé Seattle sẽ không còn gặp Mậu nữa, nhưng chắc chắn người mà mình nghĩ tới là Mậu. Hãy nghỉ giấc bình an.

Trần Mỹ Duyệt


THẦY PHILIPPHÊ MẬU


“Thầy Mậu vừa qua đời”. 
Một anh ở Seattle điện thoại cho tôi nói vậy.

Mới mấy tuần trước tôi còn gặp Thầy trong Đại hội LCTX ở Seattle.

Vậy mà giờ Thầy đã thành người thiên cổ.

Tôi bùi ngùi nhớ lại lần đầu gặp Thầy vào dịp hè năm 2011 tại Nhà thờ cũ nhỏ bé, chật chội của Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Seattle, lúc đang xếp hàng chuẩn bị bước vào Thánh Lễ.

Thầy tự giới thiệu mình là Phó tế vĩnh viễn phục vụ tại Giáo xứ. Thầy thêm: “Hình như con cũng cùng quê với cha đấy”. Tôi hỏi Thầy quê giáo xứ nào. Thầy nói: Văn Hải-Phát Diệm.

Từ đấy năm nào đến Seattle tôi cũng gặp Thầy. 
Nghe Thầy chia sẻ về cuộc đời và ơn gọi, tôi rất cảm phục.

Năm 1954, di cư vào Nam gia đình Thầy sống tại giáo xứ Thăng Long. Thầy kết hôn năm 1969 với cô Cúc, sinh được 3 người con. Năm 1970 đi học Hải Quân bên Mỹ. Năm 1971 về phục vụ tầu HQ 400.

Năm 1975 bị cộng sản bắt đi tù. Năm 1980, ra khỏi trại giam Đại Bình, Thầy đưa gia đình vượt biên sang Thái Lan. Năm 1981 Thầy đến Mỹ. Thầy đi đánh cá ở Alaska rồi sau đó về lập nghiệp ở vùng đô thị Seattle, trở thành một trong những doanh nhân thành công trong số người Việt định cư ở đây.

Khoảng 16 năm trước, đáp lời kêu gọi của Đức Tổng Giám mục Seattle, Thầy tham gia khóa học làm Phó tế vĩnh viễn. Năm 2007 Thầy được phong chức Phó tế và nhận bài sai về phục vụ tại Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam vùng Seattle.

Thầy giảng lễ Chúa nhật và một số lễ ngày thường. Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót vừa rồi, Thầy nói với tôi Thầy được Cha Xứ giao cho giảng hai lễ. Bác Nguyễn An Quý nói với tôi có Chúa nhật Thầy giảng bốn lễ. Thầy dọn bài rất cẩn thận, diễn giảng rất sâu sắc.

Thầy cũng tham gia nhiều việc khác trong giáo xứ, từ việc dạy giáo lý đến việc xây dựng thánh đường. Thầy còn trực tiếp phụ trách giúp đỡ các gia đình trẻ trong Hội Gia đình Nazaret và tổ chức Lớp Giáo lý Thánh Kinh. Lớp này khá đông. Có khoảng 60 người tham dự. Thầy mời Thầy Khổng Thành Ngọc giảng bài. Thầy ngồi học như mọi người khác.

Tôi cũng nghe nói trong những tháng tới Thầy sẽ đứng ra tổ chức Đại hội Phó tế, Đại hội của Hội Hải quân và Lễ kỷ niệm Kim khánh hôn phối của Thầy với cô Cúc.

Vậy mà đột ngột Thầy ra đi.

Tôi điện thoại hỏi cô Cúc, người bạn đời của Thầy, tại sao, thì cô nói: “Thầy đang tập thể dục thì gục xuống và đi luôn. Có lẽ Thầy bị đột quỵ.”

Tôi bất chợt nhớ đến lời Thánh vịnh: “Lạy Chúa, con như người thợ dệt đang mải dệt đời mình, bỗng đâu bị tay Chúa, cắt đứt ngay hàng chỉ….”

Cái chết đến dễ dàng và bất ngờ vậy. Vào “chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến”.

Tôi nghĩ dù sao Thầy cũng là tôi tớ trung tín và tỉnh thức, lúc nào cũng đã sẵn sàng đợi chủ trở về.

Nghe người thân của Thầy chia sẻ và chứng kiến công việc phục vụ của Thầy, tôi tin chắc như vậy.

Cô Cúc nói: “Con có phúc vì con lấy được Thầy. Thầy là người chồng và người cha rất tốt. Cả đời Thầy chẳng biết giận ai”. Chị Diễm Anh là con trưởng của Thầy chia sẻ: “Ba con là người hiền lành, từ trước giờ không quát mắng chửi con cái bao giờ.”

Cha Đào Xuân Thành, Chánh xứ CTTĐVN nói Thầy “đã nhiệt thành dấn thân phục vụ Chúa và Hội Thánh, và cách riêng gia đình giáo xứ chúng ta, trong tinh thần vui tươi và quảng đại đóng góp vào việc xây dựng thánh đường giáo xứ”.

Tôi thấy, như Thánh Cả Giuse, Thầy đã chu toàn bổn phận làm chồng làm cha một cách tuyệt vời trong gia đình, đưa gia đình vượt qua mọi thử thách gian nan, làm cho gia đình bình an, hạnh phúc và thành công.

Như một người con có trách nhiệm với Tổ Quốc, Thầy đã hy sinh những năm tháng tuổi trẻ để bảo vệ độc lập và tự do cho Việt Nam Cộng Hòa. Thầy cũng đã chia sẻ số phận bi thương với Đất Nước khi bị giam giữ nhiều năm trong trại tù cộng sản.

Như một tông đồ nhiệt thành của Chúa, Thầy đã quảng đại hy sinh sức khỏe, thời gian, tiền bạc để phục vụ Giáo Hội bằng tất cả lòng yêu mến. Trong tư cách là Phó tế , Thầy trực tiếp rao giảng lời Chúa, góp phần mang lại cứu độ cho anh chị em đồng loại.

Thầy đã sống một cuộc đời đẹp, chu toàn bổn phận đối với Gia đình, Quốc gia và Giáo Hội. Thầy là một trong những người con tốt nhất của Dân Tộc Việt Nam, là một trong những giáo sĩ tốt nhất của Giáo Hội mà tôi có may mắn được gặp trong cuộc đời.

Thỉnh thoảng, khi xếp hàng chuẩn bị bước vào Thánh Lễ, tôi lại nói vui với Thầy rằng: “Thầy phục vụ thế này thì làm sao con theo được! Khi nào Thầy về với Chúa thì nhớ đến con cùng”.

Tôi tin rằng giờ này, khi đã về với Chúa, Thầy cũng nhớ đến và cầu nguyện cho tất cả chúng ta.

Ngày 23 tháng 5 năm 2019

VỊ TU SĨ NHẶT RÁC GIÚP NGƯỜI NGHÈO 
CỦA DÒNG CHÚA CỨU THẾ ĐÃ QUA ĐỜI


Xin tạ ơn Chúa cùng với Thầy

...........

THẦY HILAIRE THẢO, TU SĨ DÒNG CHÚA CỨU THẾ ĐƯỢC CHÚA GỌI VỀ

Thầy Hilaire Thảo được Chúa gọi về nhà Cha lúc 05 giờ 15, sáng nay 22.05.2019 tại nhà Hưu dưỡng DCCT Sài Gòn với 98 năm làm con Chúa trên trần gian.

Xin anh chị em cùng với các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế tạ ơn chúa và cầu nguyện cho thầy Hilaire - một tu sĩ khiêm hạ đầy lòng yêu mến Chúa và yêu thương con người.

Mời quý vị đọc bài viết dưới đây về thầy (bài viết năm 2015 trên Facebook) 



.................
Chắc chắn sẽ không ai có thể tin được đây là một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, 93 tuổi, hàng ngày cần mẫn bên chiếc xe rùa, đi khắp các con phố, nhặt ve chai bán giúp người nghèo.

Thầy tên là Hilaire Thảo, tu sĩ ( không linh mục), thuộc cộng đoàn Mai Thôn ( Bình Quới, Sài gòn).

Thầy tự nguyện xin Bề Trên cho nhập Nhóm Pleikly. Một bất ngờ cho mọi người. Thầy đảm nhận bếp núc và làm vườn rau. Có thầy vườn rau bao giờ cũng sạch cỏ. Thầy hay làm bánh bao hấp trong thùng phi: bánh bao giã chiến! Với nhân nghèo nàn, không trứng gà, trứng cút hay mộc nhĩ: đậm đà mà dễ quên! Anh em gọi Thầy theo tên tu dòng là Hilaire. Còn dân làng, nhất là lũ trẻ gần gũi và thường được thưởng thức bánh bao của Thầy đều gọi Thầy là “Ayong Tơngil” (Anh Điếc) vì Thầy nặng tai bởi một thời phải nghe đại bác quá nhiều. Thầy còn bị thấp khớp. Chẳng ai trong chúng tôi biết Thầy bị thấp khớp nếu không có chuyện sau đây:

Một hôm đi làm về, có cậu bé Chir lo lắng hỏi Thầy Sáu Tín: “Anh ơi, Anh Điếc làm bùa ngải gì đó em sợ lắm!” – “Tầm bậy, Anh Điếc mà bùa ngải gì! Anh ấy làm gì nào?” – “Anh ấy bảo em đái vào một cái lon, nấu sôi lên, đổ lên một hòn gạch nung nóng, rồi đạp cả hai chân lên – em sợ anh ấy làm bùa phép gì đó… hại em!” – Thầy Sáu Tín trấn an tụi nhỏ: “Đừng lo! Anh Điếc xông chân bằng nước tiểu kiểu đó chắc để chữa bệnh thấp khớp.” Hỏi ra thì đúng như thế thật. Nhưng “niệu liệu pháp” của Thầy hình như không hiệu nghiệm, vì trải qua mùa mưa năm đó bước vào mùa thu, bệnh thấp khớp gia tăng. Và Thầy Hilaire tự động rời Nhóm một cách âm thầm như khi Thầy đến. Chúng tôi nhờ ông già Năm tới lo việc bếp núc thay Thầy.

Thầy rời Nhóm, nhưng lòng Thầy không xa Nhóm. Sau năm 1975, Thầy phục vụ ở Cần Giờ, gần biển có lợi cho việc điều trị bệnh thấp khớp. Vẫn cứ lủi thủi, áo quần xốc xếch và lấm láp, đầu đội cái mũ cối bằng nhựa không biết lượm được ở đâu và cả ngày đi dọn rác và đắp đường cho dân. Có một lần Thầy Sáu Tín đã tới Cần Giờ và chính mắt anh đã thấy Thầy như thế. Chính quyền xã phải phong Thầy là Anh Hùng Lao Động của xã, và Thầy được cấp tiền lương. Chẳng biết được bao nhiêu. Chỉ biết sau năm 1980, mỗi năm khi gặp Thầy, Thầy vẫn dúi cho anh em chúng tôi một hay hai trăm ngàn đồng “để làm việc tông đồ”! Thầy vẫn giữ cái tật dấu bệnh. Thầy bị sa ruột mà chẳng nói cho ai cả. Đến một hôm bị cảm sốt dai dẳng phải khám bác sĩ. Bác sĩ thấy ông cụ quấn chặt bụng bằng một cái khăn gì đó. Hỏi thì cụ bảo đau bụng, quấn như thế đỡ đau. Khám ra mới biết cụ sa ruột! Bảo cụ phải ngưng lao động ngay và chuẩn bị mổ thì cụ lại nói: “Không sao đâu, tôi chịu được mà, bấy lâu nay tôi cứ cột bụng mà vẫn làm việc được mà!” Bác sĩ đâu có chịu. Thầy Hilaire là thế đó. Năm 2000, bỗng các Thầy ghé thăm Pleikly. Bà con Jrai thấy Thầy Hilaire là ôm chầm lấy kêu to: Ơ Ayong Tơngil rai! Ơ Ayong Tơngil rai! (Ơâ! Anh Điếc đến. Ơâ! Anh Điếc đến.) Có những giọt nước mắt rơi. Chúng tôi nói: “Bây giờ Thầy già rồi, mời Thầy về lại Pleikly với điều kiện là không được làm việc nhiều và dĩ nhiên… không được dấu bệnh.” Ông cụ bảo: “Xin Cha Giám Tỉnh đi!” Tụi tôi có xin Cha Giám Tỉnh, nhưng đợi sau mùa mưa và mùa lạnh kẻo Thầy lại bị thấp khớp. Nhưng sau mùa mưa và mùa lạnh thì cụ lại bị đau bệnh khác, và vẫn vì thế, mà cụ không lên lại Pleikly, sợ thêm gánh nặng cho anh em.

Hạt Giống Kitô Trong Đất Jrai
http://giaophankontum.com/Ky-Su-18_Sach-Hat-Giong-Kito-Trong-Dat-Jrai-/Default.aspx?fbclid=IwAR3hS-qnnZQdNtRjK2MnMjuaJpRJ1pDZglWmFuADutiNsR_GO9O8pE-m0jg
Hình : Facebook Gioan Nam Phong




* Thầy Hilaire lao động suốt ngày, và sẵn sàng làm việc thấp hèn nhất.

Sau đây là tiểu sử của thầy Hilaire do Văn phòng DCCTVN phổ biến.
---

TIỂU SỬ
THẦY PHÊRÔ ĐINH VĂN THẢO, C.Ss.R.
(tên gọi trong Dòng là HILAIRE)


THẦY PHÊRÔ ĐINH VĂN THẢO, C.Ss.R.

 Sinh ngày 28 tháng 03 năm 1921 tại Hà Đông.

 Năm 1950: Vào Dự Tu Dòng Chúa Cứu Thế ở Hà Nội.
 Ngày 18.03.1952: Vào Nhà Tập Dòng Chúa Cứu Thế ở Đà Lạt.
 Ngày 19.03.1953: Khấn lần đầu tại Tu viện DCCT Đà Lạt.
 Ngày19.03.1959: Khấn trọn đời tại Tu viện DCCT Sài Gòn.

 Từ năm 1960 đến năm 1969: Phục vụ tại Tu viện DCCT ở Huế.
 Từ năm 1970 đến năm 1972: Phục vụ truyền giáo tại Pleiku và Fyan.
 Từ năm 1973 đến năm 1996: Phục vụ tại Tu viện DCCT ở Cần Giờ.
 Từ năm 1997 đến năm 1999: Phục vụ tại Tu viện DCCT ở Phú Dòng.
 Từ năm 2000 đến năm 2003: Phục vụ tại Tu viện DCCT ở Vĩnh Long.
 Từ năm 2004 đến năm 2015: Phục vụ tại Tu viện DCCT ở Mai Thôn.
 Từ năm 2016 đến nay: Nghỉ hưu tại Nhà Hưu Dưỡng DCCT ở Sài Gòn.

Vào lúc 5g15, ngày 22 tháng 05 năm 2019, thầy Phêrô Đinh Văn Thảo đã được Chúa gọi về tại Nhà Hưu Dưỡng Tỉnh Dòng sau 98 năm làm con Chúa trên dương thế và 66 năm sống lời khấn Dòng.

Kính thưa Cộng Đoàn,

Cuộc đời của thầy Phêrô là những ngày được đan dệt trong sự âm thầm hy sinh và phục vụ Nhà Dòng và anh chị em tín hữu, đặc biệt là những người nghèo khổ ở vùng sâu vùng xa.

Đến hôm nay, nhiều người ở Cần Thạnh vẫn còn nhớ đến thầy Phêrô, vì trong thời gian sống ở Cần Thạnh, thầy đã lao động vất vả làm công nhân vệ sinh cho khu vực này được sạch sẽ, đào đắp con đường chạy qua nhà thờ. Công việc mở đường quét lộ khiến thầy được nhiều người yêu mến. Đặc biệt, ai ai cũng nhận ra một điều là thầy làm tất cả những chuyện đó chỉ vì lòng mến Chúa mà thôi. 

Tinh thần hăng say nhiệt thành và đơn sơ phục vụ vì Chúa, vì Hội Thánh, vì Nhà Dòng của thầy Phêrô vẫn còn được mọi người nhận thấy ngay cả khi thầy đã tuổi cao sức yếu.

Nay Chúa đã gọi thầy Phêrô trở về với Người. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria - Mẹ Hằng Cứu Giúp, các Thánh trong Dòng, cùng với lời nguyện cầu của cộng đoàn Dân Chúa, nguyện xin Chúa ban cho Linh hồn thầy Phêrô sớm hưởng vinh quang Nước Trời.

Ngợi khen Chúa Giêsu và Đức Bà Maria!

Văn Phòng Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.