Gốc hoa sứ và vị đan sĩ già

Quang X Nguyen
Hồi bút:

GỐC HOA SỨ VÀ VỊ ĐAN SĨ GIÀ

Tưởng nhớ Thầy Duy Sinh dịp giỗ giáp năm - 29/12

.
Trong cuộc đời này, có những người bước vào và đi qua đời bạn, rồi họ ghi vào đó những ấn-tượng khiến bạn không bao giờ quên kể cả khi họ đã biệt trùng xa cách.

Hôm nay lễ giỗ một năm của thầy Duy Sinh, có lẽ hình ảnh của thầy nhiều người vẫn còn giữ đậm nét, những kỷ niệm vui buồn vẫn còn đây. Một năm rồi thầy khuất bóng nhưng chắc chắn những gì thầy để lại vẫn nguyên vẹn. Riêng tôi, dù có thêm bao nhiêu năm nữa và suốt cuộc đời vẫn không quên lần đầu tiên tôi gặp thầy. Giỗ của thầy tôi muốn gợi lại những ấn tượng tốt đẹp ấy như một lời cảm ơn chân thành thầm gởi đến vong linh người thầy đã khuất.

Cũng như bao cha anh cao niên, thầy Duy Sinh đã gắn bó với nhà dòng gần 70 năm (1949-2016). Sẽ không có lời nào có thể kể hết những gì thầy đã làm cho đan viện, cũng không ai có thể biết hết những hy sinh âm thầm của thầy, chỉ có một điều chắc chắn rằng: hơn cả những gì thầy đã làm, điều quan trọng nhất là thầy đã “là đan sĩ” đến hơi thở cuối cùng. Dù những khuyết điểm của chúng ta có nhiều thì cũng không là bao so với sự kiên trì gắn bó cùng chính lộ đời tu. Ai dám nói rằng mình đã chưa từng nao núng trong ơn gọi, ai dám tự tin rằng mình chưa từng chùn bước, hay nhiều lần vấp váp, nhưng chính sự kiên trì trong mọi gian truân là huy chương cho người bền chí. Thầy Duy Sinh đã đạt được huy chương ấy.


Các cha kể lại thầy giỏi chế tạo, thầy làm máy sạc bình đạp chân, máy suốt lúa, máy bóc vỏ đậu phộng,… Thầy biết chơi đàn violin và một số nhạc cụ khác. Khi tôi vào dòng thì bài sai của thầy là chăm sóc hoa sứ ở hành lang hiên kiệu, và chúng tôi “sợ” bài sai này của thầy vì thầy hay nhờ chúng tôi khiêng chậu. Thầy cứ dời chậu này tới chỗ kia rồi bê chậu nọ lại chỗ này dù mấy chậu đó chẳng có gì khác cả và thầy cứ dời hoài! Năm sau thì bài sai của thầy chỉ còn là đọc kinh cầu nguyện cho cộng đoàn. Thế là hầu như giờ nào thầy cũng túc trực trong nhà nguyện, lần hạt có, đọc kinh có và cả để ăn vặt cũng tại ca tòa! Nếu bạn từng đến thăm đan viện và tham dự giờ kinh thì người đầu tiên bạn gặp có lẽ sẽ là thầy Duy Sinh. Thầy “được ơn” niềm nở, luôn săn đón nhiệt tình, hỏi han, chỉ dẫn và lật sách kinh phụng vụ cho bạn. Đôi khi tụi trẻ chúng tôi hay chọc thầy: cứ thấy thí chủ nữ thì thầy nhanh nhẹn hẳn!!!


Ngoài việc túc trực thường xuyên trong nhà nguyện thì việc thứ hai mà thầy không bao giờ, tuyệt đối không bao giờ quên là đúng giờ thì đi quậy sữa, pha ngũ cốc hay lấy một món ăn nào đó! Ở tuổi già, xem ra thầy rất biết cách tự chăm sóc sức khỏe của mình trong chuyện ăn uống và phơi nắng sớm! Đi đường nào thì đi, chứ đi ngang chỗ của thầy thì chắc chắn thầy sẽ xòe tay, ra dấu hỏi xem có thứ gì cho thầy không. Biết vậy nên tôi luôn thủ sẳn một trái chuối hay một gói ngũ cốc, đưa cho thầy là vui như tết, chắp tay xá xá - một lời cám ơn nhiệt tình! Miệng thầy nhẩm kinh nguyện và cũng luôn tóm tém nhai đồ ăn, bất kể lúc nào…xem ra cũng là hay: cầu nguyện trong ăn uống và ăn uống trong cầu nguyện! Bái phục thầy!


Gần 7 năm được sống chung với thầy Duy Sinh có biết bao kỷ niệm vui. Làm sao quên được những khi thầy sấn tới và “giảng” huyên thuyên về chuyện cầu nguyện, về các mặc khải tư và dúi cho tập Tiệc Cầu Nguyện (Có lẽ đó là “tác phẩm” lớn nhất, duy nhất và tâm huyết nhất của cuộc đời thầy, thầy luôn “nhiệt liệt” phân phát cho bọn nhà tập chúng tôi!).


Chứng “điếc có chọn lọc” của thầy thì bác sĩ cũng bó tay! Ai hỏi thầy có muốn ăn gì không thì thầy nghe rõ, còn hỏi thầy giấu cái ấm điện ở đâu thì thầy cứ: “Hả, anh nói gì, tôi không nghe được!”…
“Tôi sẽ tiễn anh ra nghĩa trang trước đấy!”, thầy móm mém trả lời cho ai hỏi: “Thầy có khỏe không?!”, số là thầy sợ chết, rất “dị ứng” khi nghe ai hỏi về sức khỏe của thầy! Rồi cũng đến lúc thầy thật sự yếu đi và trở về với tình trạng ấu nhi! Phải có thầy y tá theo thầy, mặc tã lót, dẫn đi vệ sinh,…thầy hết được tự do “tưới cây”. Anh em có lẽ không quên được thời gian cuối của thầy, biết bao kỷ niệm cười ra nước mắt.

Thời gian tôi học triết và thỉnh thoảng về nhà dòng có việc, lần đó ngày 13/11/2016 đi ngang hoa viên nhà khấn tôi thấy thầy đang đứng thinh lặng nhìn Tượng Lòng Chúa Thương Xót, bỗng dưng hình ảnh đó làm tôi hết sức xúc động. Lấy máy ảnh chụp lại, tôi nhớ về đoạn thánh vịnh… .

"Con ẩn náu bên Ngài, lạy CHÚA,
xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ.
lạy ĐỨC CHÚA, chính Ngài là Đấng con tin tưởng
ngay từ độ thanh xuân. .
Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng,
chớ bỏ rơi khi sức lực suy tàn. .
Từ độ thanh xuân, lạy Thiên Chúa,
con đã được Ngài thương dạy dỗ.
tới giờ này, con vẫn truyền rao vĩ nghiệp của Ngài. .
Cả lúc con già nua, da mồi tóc bạc,
lạy Thiên Chúa, xin đừng bỏ rơi con,
để con tường thuật quyền năng của Chúa
cho thế hệ này được rõ, và dũng lực của Ngài cho thế hệ mai sau.

Những kỷ niệm về thầy Duy Sinh có thể sẽ phai dần theo thời gian, nhưng có một kỷ niệm mà tôi nguyện sẽ giữ mãi, đó là lần gặp mặt giữa thầy và một cậu nhóc dưới chân tượng thánh Teresa trong nguyện đường đan viện. Một thằng nhóc đến nhà dòng tìm hiểu ơn gọi, nó đang đắm đuối và ngơ ngác ngắm cảnh nhà nguyện, nó thắc mắc: dòng này tên Xito, nhưng Xito nghĩa là gì? Trong khi đang ngẩn ngơ suy nghĩ thì thầy Duy Sinh lụm khụm lại gần, đôi dép tổ ong lẹp xẹp,…một bộ dạng làm lo sợ cho một thằng nhỏ! Nhưng ngay lúc đó thầy như vị thiên thần lão thành được sai đến để giải gỡ thắc mắc… “Xito là nơi dòng được thành lập, dòng Xito này sống chiêm niệm, kiên trì trong cầu nguyện và lao động, âm thầm và hy sinh”…Thế là tâm thức của thằng nhóc đã được nhen nhóm và đặt nền tảng trong những lời ấy của ông thầy già. Vài năm sau, khi nó tốt nghiệp, nó trở lại và sống ơn gọi cùng với thầy Duy Sinh, lúc ấy thầy đã 76 tuổi. Rồi…10 năm sau thằng nhóc đó đang cố gắng điền khuyết vào vị trí của người thầy đã khuất trong vị phận đan sinh và nó muốn nói với thầy rằng: “Xin cám ơn thầy, thầy là người đầu tiên cho con hiểu Xito là gì, ơn gọi Xito là sao. Chính cuộc sống của thầy là lời chứng cho những gì thầy đã từng nói: kiên trì trong âm thầm, trong lao tác, nguyện cầu…Thầy à, những đồ vật thầy từng sáng chế bây giờ đã lỗi thời và bị bỏ quên trong kho phế liệu, nhưng chắc chắn nhân đức của thầy vẫn luôn mới, luôn tân thời cho tụi trẻ chúng con”.


Buổi chiều trước ngày giỗ giáp năm của thầy Duy Sinh tôi đứng ở hiên kiệu, nhìn những chậu hoa sứ thầy từng chăm sóc, những gốc sứ già nua với bộ rễ lộ thiên xù xì nhưng lại luôn có những chùm hoa rực rỡ. Tôi nhớ thầy, nghĩ về thầy, dù tuổi cao già cả nhưng vẫn luôn tươi tắn với những thực hành thiêng liêng. Gởi về thầy lời cám ơn thầm lặng, hứa cùng thầy: con sẽ tiếp tục điều thầy đã từng: “là” đan sĩ.

Martin OCist