Truyện ngắn: Phòng riêng

Quang X Nguyen

Con về, ba đưa tận tay chiếc chìa khóa phòng. Gương mặt ba toát lên một niềm vui lấp lánh: Nè con, phòng của con!

Vậy là lần đầu tiên con có một căn phòng riêng trong căn nhà của gia đình mình. Căn phòng nhỏ, bày biện đơn sơ hơn rất nhiều so với phòng của con ở nhà Dòng. Một cái giường ngủ. Một tủ quần áo. Một bàn làm việc nho nhỏ. Trên tường là tượng Chúa chịu nạn còn mới nguyên. Con mở cửa vào căn phòng riêng mà nghe lòng mình tràn dâng rất nhiều thổn thức.


Vậy là nhà mình đã có nhà sau một quãng thời gian dài sống trong những căn nhà trọ ọp ẹp và bất ổn.


Vậy là tới cái tuổi gần sáu mươi, ba đã thực hiện được bước đầu tiên cho chí làm người của mình, là an cư. Bao giờ thì đến bước thứ hai là lạc nghiệp hả ba? Rồi ba còn đủ thời gian để thực hiện những ước mơ còn dang dở khi gia đình mình đã an cư lạc nghiệp không?

Có được một căn nhà riêng là ước mơ cả đời của ba. Hồi còn trẻ, ba còn mang nhiều dũng chí, cứ muốn bay nhảy hết chỗ này đến chỗ khác. Chỉ cần nghe nói chỗ nào làm ăn được là ba không ngại xông vào, kéo cả gia đình đi theo. Anh em tụi con không còn nhớ rõ gia đình mình đã đi qua bao nhiêu con đường, sống ở bao nhiêu căn nhà. Cứ đến, rồi đi. Những cuộc gặp gỡ và chia tay cứ liên tục chồng chéo lên nhau. Có những chỗ ở chưa kịp quen thì đã lên đường. Mỗi khi có người hỏi sao gia đình mình cứ đi hoài, sống hoài cái kiếp ở trọ, ba cười khì khì trả lời theo kiểu nửa giỡn nữa thiệt: “Thầy bói nói tui tới năm bốn mươi tuổi mới có nhà!”

Cái “năm bốn mươi tuổi” chẳng mấy chốc đã đến. Nhưng gia đình mình thì vẫn cứ chuyển đi đều đều. Ba không còn cười khì khì, cũng không còn trả lời kiểu nửa giỡn nữa thiệt được nữa. Những lúc có ai hỏi sao gia đình mình cứ đi hoài, trán của ba nhăn hơn và tiếng thở dài của ba cũng nặng hơn…

Nhưng không sao. Anh em tụi con đã quen với những cuộc lên đường rồi. Cứ đi hoài, chẳng đứa nào có nhiều bạn bè. Nhưng nhờ vậy mà anh em quấn quýt thành một đám chơi thân với nhau. Đi đâu cũng có nhau. Làm gì cũng có nhau. Nếu cuộc đời là một cái vòng xoay, cả nhà mình sẽ cứ nắm tay nhau mà xoay mãi. Chẳng có gì là đảm bảo. Cũng chẳng có chi là yên ổn. Nhưng đầm ấm và hạnh phúc là điều gia đình mình chẳng bao giờ thiếu. Bởi vì mình làm gì cũng có nhau. Đói no có nhau. Vui buồn có nhau. Sướng khổ có nhau.

Nhưng rồi tự nhiên con lớn lên. Tự nhiên con ấp ủ trong lòng mình ước mơ sống đời tu. Vậy là khi chỉ vừa đủ lớn, con bị tách riêng ra khỏi cái vòng xoay của nhà mình.

Con vẫn thường nói rằng quyết định khó nhất trong cuộc đời mình là quyết định xách giỏ ra khỏi nhà để đi học. Đi học nghĩa là đi xa nhà. Con biết, đi xa nhà thì cuộc sống của con sẽ ổn hơn, tương lai của con sẽ mở ra rộng hơn và đẹp hơn. Phải đi học tiếp thì con mới có cơ hội thực hiện ước mơ đi tu. Nhưng như vậy cũng có nghĩa là một mình con bước đi về hướng càng lúc càng xa và càng lạ với những người thân yêu nhất của mình. Con cũng mất đi cơ hội chia sẻ với gia đình mình những ngày tháng đồng cam cộng khổ. Con sẽ phải làm người đi bên lề tất cả những long đong vất vả của gia đình mình. Mấy đứa em con còn nhỏ, còn phải vặn mình để lớn lên. Rồi những va chạm với cuộc đời sẽ biến các em con thành những người thế nào? Liệu những va đập và tổn thương có làm các em của con trở nên khác đi không? Liệu có khi nào con trở về nhà sau một chặng hành trình dài, và sẽ phải ngỡ ngàng vì thấy mọi thứ trong nhà mình không còn như cũ nữa không?

Những ngày ở trong nhà đệ tử của Dòng, mỗi lần có dịp về là mỗi lần con phải đi kiếm nhà. Gia đình mình vẫn là những người ở trọ. Thị Trấn nơi gia đình mình ở nhỏ xíu, nhưng ngang dọc chằng chịt biết bao nhiêu là hẻm to hẻm nhỏ. Gia đình mình lại là những người mới đến, chẳng có nhiều người thân quen. Ở với gia đình trên vùng đất mới chưa được hai năm thì con lại đi học xa… Vậy nên lần nào về nhà con cũng có cảm giác mình đang phải đi tìm cái gì đó thân thuộc vô cùng thân thuộc giữa một thế giới xa lạ vô cùng xa lạ.

Đã có một lần con muốn bỏ tu. Gọi là “bỏ tu” cho oai, chứ thật ra lúc ấy con chỉ mới là ứng sinh trong nhà Dòng, đã được kể chính thức là người của Dòng đâu! Năm ấy con được về nghỉ Tết, với lời dặn dò từ cha Giám đốc: con ráng thu xếp mọi chuyện gọn gàng, nhất là thu xếp cho cái lòng mình gọn gàng, để chuẩn bị có thể vào Nhà Tập.

Hồi đó con còn bị say xe dữ lắm. Lần nào về được tới nhà là con cũng đã lả cả người ra, mệt muốn chết. An ủi của con là lần nào con về cũng có đám em chạy ào ra đón, la hét um xùm. Đứa thì xách giỏ, đứa thì kéo tay… Nhưng lần ấy con về hơi trễ. Trước khi về, lại nhiều việc quá, nên con không kịp gọi điện hỏi để biết nhà mình đang ở đâu. Khi con về đến Thị Trấn thì đêm đã muộn. Con cứ phải đi lòng vòng tìm nhà. Mấy bác xe đạp ôm ngồi ở góc đường cũng chẳng biết đường nào mà chỉ cho con, lý do là vì nhà mình chuyển đi nhiều quá, hết nhà này đến nhà kia, chẳng ai biết bây giờ nhà mình đang ở nhà nào.

Tự nhiên có một nỗi dỗi hờn vô cớ dâng đầy trong lòng con. Hờn chính mình mà giống như hờn cả thế giới vậy. Con thấy mình giống như một người khách lạ, sau một năm trời rong ruổi với những chân trời xa, giờ muốn tìm về nhà để nghỉ ngơi và cảm nếm chút êm ấm của bầu khí gia đình, nhưng lại không biết nhà mình đang ở đâu nữa. Thấy mình vẫn còn đi lạc khi đã về gần đến nhà lắm rồi. Thấy cuộc sống và chọn lựa của mình thật kỳ quặc… Lúc đó con nghĩ, nếu chính mình không tìm được cho gia đình mình một căn nhà ổn định, liệu mình còn có thể tìm được cái gì khác lớn lao cho cuộc đời của mình đây? Nếu cả với những người mình yêu quý nhất mình còn không làm được điều gì tốt đẹp cho họ, thì mình còn mong làm được điều gì tốt đẹp cho những người khác?

Con xách giỏ đi lòng vòng trên những con đường của Thị Trấn. Những ánh điện đường vàng vàng nửa sáng nửa tối. Những con hẻm đêm sâu hun hút. Mấy cái quán nhậu còn chập chờn nửa đóng nửa mở. Mấy tiệm ăn khuya buồn thiu. Mấy người bán hàng nửa thức nửa ngủ. Có cả mấy cô gái đứng đường nửa khoe mình ra ánh sáng, nửa trốn lẫn vào trong cái chập chờn nhập nhoạng… Khung cảnh này thật ra chẳng lạ lẫm gì với con. Hai năm ở với gia đình trên vùng đất này, trước khi đi học xa, con vẫn thường sống với phố đêm như thế. Hồi đó nhà mình ở thuê trong một căn nhà nhỏ, điện đóm thì tù mù, tiền điện lại mắc… Mỗi tối, con thường mang sách vở ra ngồi dưới cột đèn đường để học. Thời gian đầu, con trở thành cái cớ để nhiều người bàn tán. Người thương thì khen: trời ơi cái thằng nhỏ siêng học! Người ghét thì quở: học hành cái kiểu gì lạ, học kiểu đó thì ra ngô ra khoai gì chứ! Người xấu bụng hơn nữa thì mỗi sáng cứ lạng chung quanh cái xe bán hàng rong của ba má mà buông lời khích bác: nghèo mà không an phận, bán cháo lòng mà còn bày đặt cho con đi học! Những lời mỉa mai ấy đã không ảnh hưởng nhiều đến con, ngược lại còn trở nên động lực để con cố gắng học hành và học cho thật tốt.

Nhưng mà tối hôm nay, khi con lại lang thang trên những con phố này, tự nhiên con nghe dội lại cái cung giọng mỉa mai ấy, từ tận chính đáy lòng của mình: nghèo mà còn bày đặt đi tu!

Năm đó con dự tính ăn Tết xong thì sẽ ở nhà luôn, không đi nữa. Tính tìm việc gì đó làm để phụ giúp với gia đình mình trong những tháng ngày truân chuyên vất vả. Tính hy sinh cuộc đời của mình để các em của con được chăm sóc kỹ hơn và được học hành đàng hoàng hơn. Mấy ngày Tết, con chỉ ở nhà, vùi đầu trong nỗi buồn của mình, và trong những toan tính…

Vậy mà Tết xong con lại xách giỏ đi. Nỗi nhớ nhà Dòng, nhớ con đường mình đang đi, nhớ tới cái ước mơ còn dang dở về đời tu vẫn đang cháy âm ỉ trong lòng mình.

Con bước lên xe, biểu mình đừng có quay đầu nhìn lại, mà nỗi buồn cứ dâng lên hỗn độn. Con tự nhủ mình, không, không phải, không phải là con đang chạy trốn. Là con phải gác lại phía sau những gì cần gác lại, để có thể lao mình về phía trước. Là con ra đi để thực hiện ước mơ của đời mình, ước mơ của cả gia đình mình. Là con đang bước theo một tiếng gọi kỳ lạ, con không giải thích được bằng lý trí, nhưng tiếng gọi ấy rất thực hướng con đến với những gì thực sự cao quý hơn… Những gì con phải bỏ lại sau lưng không phải là những gì không cao quý, nhưng chỉ đơn giản là những gì con phải bỏ lại sau lưng. Cuộc đời con ở phía trước. Vậy là con đi. Mang theo cả một trời yêu thương trong lòng mình. Những gì bỏ lại phía sau trở thành động lực để đẩy con bước về phía trước. Giữa vô vàn những tâm tình, trên chuyến xe về lại thành phố, con chỉ kịp dâng lên Chúa một lời nguyện ngắn: Gia đình mình đó, con để lại cho Chúa, nhờ Chúa chăm sóc dùm con!

Sau khi khấn Dòng, con được về thăm nhà. Cả nhà mừng với con, vì con đã là một tu sĩ. Căn nhà mà cả gia đình mình đang thuê trọ lúc ấy nằm trong xóm chợ, chỉ rộng hơn căn phòng riêng của con ở nhà Dòng một chút. Buổi tối, sáu anh em tụi con nằm lăn ra nền đất, rỉ rả nói với nhau đủ thứ chuyện trên trời dưới đất.

Nhà mình vẫn nghèo. Ba má vẫn vất vả. Các em của con vẫn còn phải vặn mình mà lớn lên giữa dòng đời. Mọi chuyện vẫn vậy. Cảnh sống của gia đình mình vẫn vậy. Nhưng con thấy mình được lớn lên. Lòng con ra khác nên con nhìn mọi sự cũng khác.

Những ngày tháng huấn luyện đầu tiên ở trong nhà Dòng, con đã có cơ hội được sống ở rất nhiều nơi khác nhau, với rất nhiều người khác nhau. Đã có lúc con ở được gần hai tháng trong những căn chòi của những người dân tộc miền núi. Đã có những đêm con được ngủ gầm cầu với những người vô gia cư. Có những ngày tháng con được lênh đênh trên sông nước với những con người không tìm ra một mảnh đất để dừng chân. Con được sống với các em trong trại mồ côi. Con được ở với những người già trong các trại dưỡng lão. Con được ở và dạy học cho các em khiếm thị, được thăm viếng và chăm sóc cho những bệnh nhân tâm thần, được chơi với các bạn trẻ di dân sống trong những khu nhà trọ tồi tàn… Sống với họ, con dần dần được họ huấn luyện để lớn lên, để trái tim con mở rộng ra, để con có thể nhìn cuộc sống này ở nhiều góc độ khác nhau.

Vậy là Chúa giải phóng con khỏi nỗi bận tâm cỏn còn của mình bằng việc đặt vào con những thao thức lớn hơn, những trăn trở thực hơn, những ước mơ hướng đến một gia đình xã hội rộng hơn, và còn đau khổ nhiều hơn. Con nhận ra xã hội mình đang sống có vô vàn mảnh vỡ. Và mảnh vở của nhà mình không phải là mảnh vở lớn nhất, không phải là tình trạng bi kịch nhất. Nhà mình, nói cho cùng, không thuộc về số những người nghèo nhất và khổ nhất. Chúa mở rộng tầm mắt của con và cũng mở rộng lòng con để con được sống với một gia đình lớn hơn, nhiều đổ vỡ và bi thương hơn. Mở ra, để con được chữa lành và được tự do với những gánh nặng của chính cuộc đời mình.

Và hôm nay con về. Tự nhiên được sống trong căn nhà của chính gia đình mình. Tự nhiên có một căn phòng nhỏ trong căn nhà của gia đình mình.

Sau một hành trình dài cứ miệt mài bước đi trên con đường mà con được dẫn đi, con nhìn lại, và ngỡ ngàng nhận ra cách Chúa đã luôn chăm sóc cho những gì mà con không thể tự tay mình chăm sóc. Chúa đã luôn lo liệu giúp con những gì tự con không thể lo liệu. Ngang qua bàn tay của nhiều người lắm. Ngang qua những dấu chỉ hữu hình lắm.

Thật là kỳ diệu!…

Cao Gia An, S.J., Trích tuyển tập “Nhật Ký‎‎ của một linh mục trẻ”Nguồn: https://caogiaan.wordpress.com/2019/08/24/phong-rieng/