Vì sao cưới vợ/chồng có đạo Công giáo bắt phải theo đạo?

Quang X Nguyen

Hôm qua ghé nhà thờ chơi, gặp bạn trẻ học giáo lý để chuẩn bị thành hôn, bạn ấy hỏi tôi: "Vì sao cưới vợ có đạo Công giáo (CG) bắt phải theo đạo?". Tôi đăng lại bài viết tôi viết đã lâu để trả lời bạn. Chỉ là người theo đạo để cưới vợ nên tôi xin giải thích dưới góc độ “xã hội học” nếu có sai sót xin các bạn toàn tòng góp ý!

Trước tiên phải giải thích ngay là không có chuyện giáo hội bắt phải theo đạo như nhiều người lầm tưởng, vì : “Công đồng Vatican II trong Tuyên ngôn Tự do Tôn giáo (Dignitatis humanae) đã nói: "Thánh Công đồng này tuyên bố con người có quyển tự do tôn giáo “( số 2) tức là có quyền chọn tôn giáo để theo hay không theo dựa vào chân lý và tiếng nói lương tâm của mình để bảo vệ nhân phẩm của mình.


Việc theo đạo do yêu cầu của người bạn yêu hoặc của gia đình người ấy. Vì sao vậy? 

Trước hết chúng ta thấy Thiên Chúa giáo (TCG) là tôn giáo quan tâm nhất đến đời sống hôn nhân “1 vợ, 1 chồng” đây là quan niệm cực kỳ tiến bộ ở hàng chục thế kỷ trước, trong khi chế độ đa thê còn thịnh hành trên khắp thế giới. Do ảnh hưởng của TCG mà xã hội Phương Tây đã thực hiện chế độ 1 vợ 1 chồng rất sớm và vai trò người phụ nữ được nâng cao.

Để bảo vệ cho việc này giáo hội La Mã đã phải trả giá đắt. Sau cuộc hôn nhân 18 năm với hoàng hậu Catherine, vua ngỏ ý muốn kết hôn với Anne Boleyn. Nhà vua xin Tòa Thánh xử tiêu hôn. Đức giáo hoàng Clement VII (1523-1534) không cho phép nhà Vua tiêu hôn và ông đã gởi cho nhà vua bức thư với lời lẽ khiêm tốn: “Thưa Đức Vua nếu tôi có 2 linh hồn thì tôi sẽ hy sinh cho ngài 1 linh hồn, nhưng vì tôi có 1 linh hồn nên một dấu phẩy trong Kinh thánh cũng không thể sửa…”

Giọt nước tràn ly này khiến cho Henry VIII ly khai giáo hội…

Vì vậy mà khi bước vào đời sống vợ chồng chúng ta chấp nhận quan hệ song phương, mà quan hệ song phương là quan hệ không có công lý. Muốn có công lý phải có người thứ 3. Vậy người thứ 3 là ai trong quan hệ song phương này? Đó chính là đấng Toàn năng mà cả hai cùng tin (nếu một người tin chẳng có ý nghĩa gì) Đối với TCG một tôn giáo coi hôn nhân là chuyện quan trọng, trước Đấng mà họ chọn trong đời sống đức tin của mình và TCG đã thực hiện nghi thức một cách long trọng trước bàn thờ và là bí tích mà người CG được đón nhận. Đôi tân hôn phải thề yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày đến suốt đời. (Lời thề sẽ phải học thuộc lòng trong chương trình giáo lý hôn nhân)

Mặc khác sự nhất quán về Tôn giáo và Đức Tin giúp cho đời sống hôn nhân bền vững và thuận lợi trong việc giáo dục con cái. Do đó việc bạn đời của bạn hoặc gia đình muốn bạn theo đạo là lo cho hạnh phúc của bạn, chứ không chỉ có thêm tín đồ như nhiều bạn nghĩ. Bởi tín đồ chẳng có ý nghĩa gì khi mà bạn không tin như lời chế giễu:
Con quỳ lạy Chúa ba ngôi. 
Cho con được vợ con thôi nhà thờ!

Riêng cá nhân tôi, tôi thấy hình ảnh người nam và nữ thề thốt trước bàn thờ Thiên Chúa với lòng thành kính là hình ảnh cực kỳ đẹp đẽ!