Truyện ngắn: Phượt

Quang X Nguyen
Xin chào quý ban biên tập!
Mến chúc quý vị mùa Phục sinh an bình, dồi dào ơn Chúa và tăng trưởng đức tin trong cơn nguy biến này!
Tôi trân trọng gửi một bài viết nhỏ, như là lời động viên đức tin, nhất là cho người trẻ, tuổi trẻ và ơn gọi. Hi vọng một chút đóng góp nhỏ cho ban biên tập, có gì cần góp ý xin cứ chỉ dạy thêm nhé!

Thân ái trong Chúa Kitô phục sinh và Mẹ Maria.

Tác giả Cuong Nguyen
---

PHƯỢT !

nhà thờ Chính Tòa Phú Cường

Ngày ấy, sau khi tốt nghiệp đại học, nhóm phượt của Hải đi về Bản Cao vùng Gia Lai. Họ là những sinh viên trẻ thích du ngoạn khám phá và ưa mạo hiểm. Điểm đến của họ thường là đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, họ đã đi nhiều lần và nhiều vùng khác nhau của vùng Tây Nguyên hùng vĩ. Tuy nhiên, lần này, một tai nạn đã xảy ra với Hải. Anh được người dân trong vùng cứu và đưa về “giáo điểm” để chữa trị. Hải bị ngã từ trên cao xuống suối chảy siết, bị gãy một tay và rơi vào tình trạng đuối nước, nên bất tỉnh nhiều giờ, và được một Linh mục và trong vùng cứu chữa! Cả nhóm phải lưu lại tại giáo điểm! (1)
***
Tiếng chuông nhà thờ vang! Khiến Hà tỉnh giấc: “chuyện gì thế!” Thành trả lời: “chuông báo giờ lễ của người công giáo, chúng mình ngủ tiếp đi”. Hải nằm ở “nhà thương” (2) cũng giật mình! Đã nhiều năm, Hải không được nghe âm thanh này! Hải miên man không biết chuyện gì đã xảy ra với mình! Anh đưa tay lấy điện thoại như một thói quen! Nhưng có gì đó níu tay anh lại, vứng víu và đau ê ẩm! Trong bóng tối, Hải gọi: “Dương ơi!” Dương chồm dậy: “cậu tỉnh rồi hả?” Hải: “mình đang ở đâu vậy, mình bị làm sao thế này? Ôi cái tay của mình”. Dương: “cậu tỉnh là tốt rồi, tạ ơn trời, tớ cứ tưởng không gặp lại cậu nữa, cậu nằm yên và ngủ thêm chút, sáng mai tớ kể nhé!”

Dương trở về giường nhưng không ngủ được nữa! Nhìn ra bên ngoài, trời bắt đầu sáng. Có tiếng nói chuyện của người dân trong vùng, họ đang tiến về nhà thờ! Một ý nghĩ thoáng qua, Dương muốn đi xem lễ. Dương gặp Đạt tại cửa nhà thờ, họ cúi chào nhau. Đạt là người giúp việc (3) nơi đây. Dương bằng tuổi Đạt, họ mới gặp nhau chiều hôm trước. Họ cùng vào nhà thờ, Đạt dọn dẹp gì đó trên cung thánh, Linh mục quỳ ở một bên cung thánh, phía dưới lác đác một vài người giáo dân lớn tuổi ngồi trên những chiếc ghế dài, Dương cũng chọn cho mình một chỗ ngồi. Đây là lần đầu tiên anh tham dự một thánh lễ của người công giáo, một phần vì tò mò, một phần vì anh cảm thấy vừa ngạc nhiên vừa bất an!

Nhà thờ xây theo kiến trúc kiểu nhà rông đậm chất Tây nguyên, nhưng được trang hoàng và giữ được nét chính yếu của các nhà thờ Công giáo. Hôm đó có khoảng 100 người dự lễ, trong bầu khí rất nghiêm trang linh thánh. Dương quan sát kỹ mọi hoạt động, cử chỉ và tác phong của từng cá nhân trong cộng đoàn. Cha xứ xuất hiện giữa cộng đoàn, ngài đọc kinh với họ trước giờ lễ, sau đó ngài dâng lễ. Dương ấn tượng cử chỉ và tâm tình của vị Linh mục, ngài nhẹ nhàng mời cộng đoàn cầu nguyện cho nhóm bạn trẻ đang tá túc tại giáo xứ, nhất là cho bệnh nhân Hải, điều này khiến Dương xúc động! Anh đã nhận ra giá trị nhân bản cao quý của đức tin Kitô giáo, điều mà trước giờ anh chỉ nghe người ta nói cách tiêu cực. Thánh lễ nhẹ nhàng diễn ra khoảng 45 phút.

Sau thánh lễ, Dương muốn gặp Cha xứ ngay, nhưng ngài đang giải tội cho giáo dân. Khoảng 30 phút sau Dương gặp ngài tại sân nhà thờ. Cha xứ thân thiện trao đổi với anh: “anh em cứ yên tâm, mọi thứ đang diễn ra tốt, sau ăn sáng chúng ta sẽ gặp bệnh nhân nhé”. Nói rồi, ngài chào Dương và đi về phòng trong bộ áo dòng đen đã bạc màu. Dương nhìn theo hình ảnh vị Linh mục hiền hậu với giọng nói dịu dàng đi vào lòng người, và anh bước theo sau ngài.

Dương trở về phòng đánh thức các bạn, một người trong nhóm vừa ngáp vừa càm ràm: “xui quá, hỏng hết kế hoạch, chẳng biết ở đây đến khi nào...!” Dương đáp: “chúng ta rơi vào hoàn cảnh này, không ai muốn cả, tập đón nhận đi mày! Chúng ta được ở đây là may phúc rồi, hãy coi đây như là cuộc trải nghiệm, hãy xem cách sống của con người nơi đây, họ nghèo nhưng tốt bụng quá, họ đã giúp chúng ta rất nhiều mà có ai nói gì đâu, trước đây chúng ta từng được nghe nhiều điều xấu về người công giáo... nhưng có lẽ đó chỉ là những lời nói dối, thôi dậy đi ăn sáng nào các bạn!”

Khi họ đang điểm tâm thì có một nhóm người đến. Đạt đứng dậy đi ra ngoài. Một lát sau, Đạt trở lại và nói: “Thưa cha, có mấy chú biên phòng tới, muốn gặp cha, con đã đưa họ lên phòng khách đợi ạ!” Vị Linh mục: “Được rồi, cám ơn con, chút nữa cha tiếp họ.” Nhóm phượt nhìn nhau không ai nói gì! Cha xứ cười nói: “các anh yên tâm, ở đây cán bộ biên phòng quan tâm đến bản làng, nên có ai lạ mặt đến là họ ‘đánh hơi’ được ngay, đề phòng kẻ xấu gây rối trật tự vùng cao! Vì thế, chút nữa các anh và tôi sẽ gặp họ, các anh nên chuẩn bị giấy tờ tuỳ thân, như chứng minh nhân dân chẳng hạn.” Vừa nói ngài vừa rót nước chè xanh và mời họ thưởng thức món chuối rừng!

Linh mục bước vào phòng vừa bắt tay cán bộ biên phòng vừa mời họ ngồi. Một cán bộ biên phòng lên tiếng: “Chào Linh mục, chúng tôi được tin có nhóm người lạ đang trọ ở đây, nên đến để kiểm tra, vì đợt này không thấy Linh mục báo cáo có người lạ đến...!” Linh mục: “các anh biết đó, đây là những bạn trẻ đi du lịch mùa hè, chẳng may có người gặp nạn, họ tìm đến đây...” vừa nói ngài đưa tay về phía các bạn trẻ. Cán bộ đáp: “Ra là thế, chúng em cứ tưởng Linh mục mời sinh viên về dạy học giáo lý mùa hè hay hoạt động gì đó... ?” Làm gì có, mỗi khi có công việc như thế tôi đều thông tin cho cách anh trước, có lẽ vài ba tuần nữa sẽ có mấy bạn sinh viên đến, tiện đây tôi báo cho anh luôn nhé!” Linh mục vừa nói vừa mời họ uống trà!

Một cán bộ quay sang hỏi: “Các em ở vùng nào? Sinh viên hả? Có giấy tờ gì không?” Dương đáp: “chúng em là sinh viên ở Sài Gòn, đây là giấy tờ chúng em”. Sau khi ngó xem giấy tờ và ghi chép, cán bộ nói: “các em về vùng giáo điểm phải có phép của bên anh, nhưng vì các em gặp nạn, nên các anh tạm thời không làm phiền các em, nếu lần sau gặp vấn đề gì, nên tìm đến báo cáo cho cán bộ xã, hoặc cán bộ biên phòng nhé!”. Một cán bộ tiếp lời: “cám ơn Linh mục đã giúp cho các cháu nhé, có gì Linh mục báo cáo cho bên bọn em, để thuận lợi cho việc quản lý.” Linh mục cười đáp: “các anh quan tâm thế này thì người dân yên tâm rồi, các bạn trẻ này là người Việt Nam cả, nên chẳng có gì phải quan ngại khi họ đi trên đất nước của mình!” Cán bộ cười cách ngượng ngạo và đứng lên xin phép ra về!

Họ vừa đi khỏi Linh mục nói: “các bạn thấy đó, cán bộ luôn coi nơi đây như ‘vùng cấm’, vùng chất chứa nhiều nguy hiểm! Bệnh thành kiến khiến con mắt tâm hồn con người mất khả năng phân biệt điều đúng lẽ sai nữa, sống lo sợ đề phòng và tìm cách loại trừ nhau, rút cuộc làm cho đời sống thêm nặng nề. Lương hay giáo thì cũng là người Việt cả! Khẩu hiệu ‘đồng bào’ nghe ngọt ngào làm sao? Có lẽ các bạn từng nghe câu nói: ‘Tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ nhân dân’ nhiều lần nhĩ? Nếu tôn giáo có ru ngủ nhân dân thì cũng vì tôn giáo đem lại sự bình an... và khi có bình an, con người sẽ dễ ngủ hơn! Sống thiếu yêu thương thì sao mà bình an được? Người Kitô giáo muốn trao tặng món quà yêu thương mà họ nhận được từ Thiên Chúa cho đồng bào, họ không cố gắng cải đạo của đồng bào, nhưng giúp họ nhận ra tình thương của Thiên Chúa qua việc phục vụ con người, nhất là người đau khổ, người thấp cổ bé miệng, bị bỏ rơi... Con người sinh ra là để, được yêu thương, biết yêu thương và sống yêu thương, Chúa nhập thể làm người vì muốn con người biết sự thật đó!” Nói rồi ngài mời họ đi thăm Hải.

Cuộc đối thoại vừa qua khiến Dương trăn trở, anh nhận ra nhiều điều trái ngược và đặt câu hỏi, tại sao một vị Linh mục nhân hậu, dám chấp nhận hi sinh cả đời để phục vụ cho đồng bào vùng cao,...Rao giảng tình thương và sống tình thương cách rõ ràng lại bị gây khó dễ? Dương nhận thấy mọi hoạt động nơi đây rất bình yên, con người sống chất phát, đơn sơ bình dị, tử tế thân thiện, một vùng đất thiêng khiến lòng người bình an lại có thể bị coi là ‘vùng cấm’, vùng được ‘quan tâm đặc biệt’. Nơi đây chẳng có gì khiến con người ta phải lo lắng đề phòng, hay dành dật xô bồ, cũng vắng bóng gian dối lọc lừa bon chen...

Hải đã khá hơn nhiều! Trong phòng lúc này không có ai khác ngoài nhóm phượt, Dương nói: “Nơi này bình yên thật! Người người thương nhau, đối xử tử tế và dịu dàng lắm! Linh mục nhân hậu chu đáo, quan tâm chỗ ăn chỗ nghỉ cho bọn mình. Mấy ngày nay tớ dự lễ với họ, tớ nghe Linh mục dạy toàn điều tốt đẹp và hướng con người tìm kiếm hạnh phúc bình an, chứ không nghe ‘tuyên truyền’ điều gì khác, thế mà khi học ở trường các thầy cô giáo cứ nói họ là dụng cụ tuyên truyền chống phá nhà nước này nọ!” Một người khác trong nhóm phượt cũng lên tiếng: “Mình cũng thấy vậy, hơn nữa, Linh mục là người có tài, có tâm và có đức, không thì bọn mình không biết thế nào! Mà sao ngài không làm bác sĩ để có nhiều tiền nhỉ, có tài như ngài thì khối gì việc để làm... tha hồ mà giàu, tự nhiên lại lên vùng heo hút xa xôi này, khó hiểu thật!” Hải nhìn các bạn rồi nói: “Các bạn không hiểu được đâu, mình còn không hiểu thì các bạn sao hiểu được, các bạn thấy người dân gọi Linh mục là cha, điều đó nói lên tất cả, ngài là người cha trong gia đình giáo xứ, là cha thì phải yêu thương chăm sóc và dạy dỗ con cái điều hay lẽ phải, nói chung là sống mẫu mực...!” Cả nhóm yên lặng nhìn Hải nói, cứ như đang nghe giáo viên lên lớp vậy!

Trưa hôm ấy, Dương đưa cơm và thuốc đến cho Hải: “Hôm nay tớ ăn cơm với cậu và giúp cậu uống thuốc, cậu sướng nhất đó, tớ chưa bao giờ chăm người ốm cả, ngay cả người yêu tớ cũng chỉ gọi điện thôi... Cậu ngồi dậy ăn cơm và uống thuốc nhé!” Dương giúp bạn ngồi và đưa khay cơm đặt trước bàn cho Hải. Hải có thể tự ăn cơm được, vì anh bị gãy tay trái. Hải đang ăn thì Dương nói: “Cậu có thấy nơi này thế nào? Tớ thấy nơi này như ở quê tớ vậy! Khí hậu mát mẻ, không gian yên bình, không ồn ào náo động, con người thì gần gũi thân thương! Cậu ăn cơm nhé, tớ đi xem nhà thương một vòng!” Hải: “Ừ cậu đi đi, nhớ cẩn thận!”

Dương men theo hành lang của nhà thương. Nó là căn nhà cấp bốn, lợp tôn và đóng trần khá dài, nó có 10 phòng dành cho bệnh nhân, 2 phòng cho bác sĩ, 2 phòng thuốc Tây và Đông Y, và 2 khu vệ sinh chung. Các phòng bệnh nhân đều có vệ sinh khép kín sạch sẽ. Sân trước rộng và có nhà để xe cho bệnh nhân. Dương đang mải mê nhìn chung quanh thì một cô gái tiến lại hỏi: “Chào anh, anh tìm người nhà hả? Bệnh nhân tên gì ạ?” Dương lúng túng đáp: “Dạ em là bạn của Hải ở phòng số 2, em chào chị.” Người phụ nữ đáp: “Vậy nếu anh cần điều chi thì qua phòng trực cấp cứu của nhà thương nhé, chào anh!” Dương không hiểu điều cô gái vừa nói, nhưng kịp trả lời: “Dạ! Chào chị.” Anh nhìn theo cô gái và nói thầm: “Lạ thật, sao một cô gái trẻ đẹp thế lại lên vùng ‘khỉ ho cò gáy’ này để làm việc nhĩ, bệnh viện dưới miền suôi thiếu gì?” Về sau, Dương mới biết, cô gái ấy là tên Thu, quê Nghệ An, đã tốt nghiệp Y dược Sài gòn, và hiện là đệ tử năm thứ hai của một hội dòng chuyên phục vụ người nghèo và chăm sóc bệnh nhân.

Dương giúp bạn uống thuốc, Hải nói: “Cậu chu đáo quá, vừa đi khám phá nơi này hả, có gì đặc biệt không?” Dương: “Quá tuyệt vời, như bệnh viện cấp huyện vậy, mà có lẽ là hơn thế! Không biết Linh mục làm thế nào mà có được như thế trên vùng cao này nhĩ? Tài thật! Mọi thứ rất đàng hoàng ngăn nắp!” Hải nói: “Tớ biết!” Dương bước tới bên bạn và hỏi: “Sao, cậu biết gì?” “À tớ biết nhiều hơn cậu vậy thôi!” Hải khiến Dương tò mò, Dương cảm thấy hình như Hải giấu anh chuyện gì đó? Hải nhìn ra phía cửa sổ như tránh ánh mắt của bạn! Dương lên tiếng: “Thế cậu có báo cho gia đình biết tình hình không để tớ gọi điện?” Hải: “Không cần đâu cậu, chắc mấy hôm nữa về Sài Gòn mình sẽ báo sau!” “Tới nghĩ cậu nên gọi điện báo mất điện thoại chứ, nếu không gia đình sẽ lo lắng!” Dương vừa nói vừa đưa điện thoại cho Hải và đi ra ngoài.

Nghe lời bạn, Hải gọi điện cho mẹ! Nhưng anh giấu mẹ và báo là bị mất điện thoại, mọi việc như không có gì xảy ra. Hải biết mẹ vốn thương anh, nên sợ mẹ lo lắng. Mẹ luôn dặn Hải nhớ cầu nguyện, bà vẫn hi vọng Hải sẽ không mất đức tin khi xa nhà! Mẹ của Hải là người Công giáo, lấy chồng ngoại đạo. Nhưng hôn nhân khác đạo, nên bố anh vẫn là người ngoại. Đức tin của Hải phụ thuộc mẹ và bà ngoại. Ngoại mất khi Hải chuẩn bị vào cấp hai! Những năm học cấp hai và cấp ba xa nhà của Hải khá vất vả, anh phải trọ lại, mẹ anh cũng vất vã với gia đình nhà chồng. Do đó, cho đến lúc Hải vào đại học, Hải dường như mất đức tin, không xưng tội, không đi lễ, cũng chẳng được Thêm Sức khi đến tuổi!

Chiều hôm ấy, bầu trời xám xịt, gió thổi mạnh, mây đen giăng kín mít cả bầu trời, Bản Cao chìm vào bóng tối, và cơn mưa kéo đến nhanh. Lúc này, Hải đang ngồi bên cạnh Cha xứ, anh trải lòng cùng ngài: “Thưa cha, con là người Công giáo ạ, con đã được rửa tội lúc mới sinh, nhưng con đã bỏ đạo từ lâu!” Hải nói trong nghẹn ngào. Cha xứ: “Cha biết con là người Công giáo ngay từ đêm hôm đó! Người giáo dân cứu con đã cho cha biết trong túi đồ của con có một cỗ tràng hạt!” Cha xứ cầm tay Hải, anh bật khóc trên tay ngài! Bên ngoài, mưa vẫn rơi đều xuống mái tôn át tiếng khóc của anh. Dường như, giọt lệ đã tưới gội khiến lòng Hải mềm ra, anh xưng thú lầm lỗi cuộc đời, nhắc lại ký ức gia đình và quê hương cho Cha xứ. Thấu hiểu lòng anh, Cha xứ nhắc lại dụ ngôn “Người con hoang đàng” (4) trong Tin Mừng để khuyên nhủ và động viên Hải.

Trong bữa cơm tối hôm ấy, Cha xứ nhờ Đạt chăm sóc và dạy giáo lý cho Hải, điều này khiến nhóm bạn của Hải ngạc nhiên, nhưng không ai dám hỏi Cha xứ tại sao lại như thế? Nhận ra sự ngạc nhiên của họ, Cha xứ nói: “Hải là người Công giáo, cậu ấy có nỗi khổ tâm riêng, cuộc sống mỗi người có một góc khuất, một góc riêng tư mà ta cần tồn trọng nó, từ lâu cậu ấy không muốn nói cho ai biết về gia cảnh của mình, nhưng qua biến cố này Hải muốn mọi người biết và cảm thông, có lẽ cậu ấy sẽ kể cho mọi người sau, chúng ta hãy giúp đỡ và cầu nguyện cho cậu ấy!”

Ba tuần lễ thấm thoát trôi qua, kể từ ngày nhóm phượt đặt chân lên “giáo điểm” một cách tình cờ, hình như lúc này có nhiều đổi thay trong mỗi người. Có lẽ có những người đọc được ý nghĩa của cuộc đời, có người nhận ra một vài sự thật nào đó, có người tìm lại được chính mình qua một biến cố... Tất cả làm thành một cuộc phiêu lưu kì thú, họ đã phượt không chỉ nơi địa hình vật chất. Họ đã, đang và sẽ phượt trong chính tâm hồn. Thật vậy, hình ảnh giáo điểm (xứ đạo trên Bản Cao), Cha xứ, các Dì (5) và người dân nơi đây đã để lại trong họ những câu hỏi lớn lao!

Hải đã khá lên nhiều, cánh tay gãy được bó lá rừng, kết hợp với Tây Y nên rất nhanh bình phục. Điều đáng vui mừng là Hải đã học thêm giáo lý, xưng tội và tham dự Thánh lễ mỗi ngày với cộng đoàn! Anh có thể chia sẻ với nhóm bạn lương dân về đời sống của mình, giúp họ hiểu hơn về đạo Công giáo. Với Dương những ngày vừa qua là chuỗi ngạc nhiên: ngạc nhiên về Bản Cao, đức tin và lối sống của con người nơi đây. Anh cảm phục Cha xứ, Đạt và các Dì... Cha xứ, một vị Linh mục hiền hậu thánh thiện, vị lương y, một chuyên gia chữa bệnh thể lý và tâm hồn con người. Hình ảnh cô gái trẻ tên Thu đọng lại trong Dương sự cảm phục và sự chất vấn về hành trình đức tin của người trẻ công giáo?

Thế là ngày chia tay Bản Cao cũng đến. Hôm đó là ngày Chúa Nhật, Cha xứ mời gọi mọi người cầu nguyện và tạ ơn Chúa đã cho Hải tai qua nạn khỏi nhờ tình thương Người, và cầu cho nhóm phượt lên đường được bình an, với hi vọng được gặp lại họ, nhất là mong cho tương lai của họ được thuận lợi hơn! Hôm nay, dường như tất cả giáo dân Bản Cao đều hiện diện, ai nấy mang trên mình trang phục truyền thống, từ cụ già đến các em thiếu nhi, các em miệng cười hồn nhiên, ánh mắt đen long lanh, nhìn về nhóm phượt tỏ vẻ ngạc nhiên, nhưng đầy thân thiện. Họ chỉ giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ cơ thể, ánh mắt, nụ cười, cử chỉ... vì nhóm phượt không hiểu ngôn ngữ bản xứ! Nhóm phượt không quên ghi lại khoảnh khắc quý giá này bằng những tấm ảnh và cái bắt tay! Cũng trong Thánh lễ Chúa Nhật này, Bản Cao đón chào nhóm sinh viên trẻ gồm các bạn sinh viên Công giáo và không Công giáo về dạy học văn hoá và giáo lý cho các em trong mùa hè này. Bầu khí bịn rịn, người đi kẻ ở, người vừa đến, người sắp chia tay, lưu luyến, bồi hồi có phần nuối tiếc!

Những cánh nhỏ nhắn xinh xắn hoà trong những đôi bàn tay chai sạn đưa lên để vẫy chào tạm biệt, những giọt lệ bắt đầu lăn trên gò má của nhiều người! Hải nuốt nước mắt từ suốt Thánh lễ. Cha xứ tiến tới ôm nhẹ từng người! Khi tới chỗ Hải, ngài dừng lâu hơn và nhắn nhủ: “cố lên con, cha chờ tin của con, ráng nhớ đến Chúa và đến bà con nơi này nhé, nơi này vẫn luôn có chỗ cho con, con hãy cám ơn Mẹ, vì Mẹ luôn đồng hành và đỡ nâng con" - ngài đặt chuỗi Mân côi vào tay Hải! Hải nói không nên lời, nhưng từ sâu trong ánh mắt anh, Cha xứ hiểu được điều anh muốn nói, ngài xúc động nên quay mặt nhìn lên Thánh giá và bước về phòng áo.

Tất cả giáo dân Bản Cao và nhóm sinh viên mới đến tiễn nhóm phượt ra cổng chính nhà thờ, bài hát “Phút tạm biệt” được các Dì cất lên... từng chiếc xe máy từ từ lăn bánh, Hải ngồi sau xe một người giáo dân! Mặt trời đã lên cao, ánh nắng cao nguyên nhẹ nhàng xuyên qua từng ke lá. Nhóm phượt nhìn về căn nhà thương như lời chào tạm biệt. Điều gì khiến tâm hồn họ luyến lưu chốn này? Dương thật tinh tế khi trích dẫn câu thơ của Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hoá tâm hồn” trong lời cám ơn sau Thánh lễ. Anh còn nhấn mạnh: “Ở đâu tình yêu lên tiếng, ở đó con người sẽ sống bình an hạnh phúc, ở đâu tâm hồn bình an hạnh phúc. Tình yêu làm cho con người trở nên là người hơn khi hành động trao ban yêu thương cho người khác và nơi đây, chúng con đã thấy tình yêu thương có hình thù nơi những con người Bản Cao...”

Thật ra, vị Linh mục, các Dì, Đạt họ cũng phượt lên Bản Cao này! Để rồi tại họ cùng với đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục phượt, để tìm kiếm Chân Thiện Mỹ. Thật vậy, họ chấp nhận sống đức tin trong hoàn cảnh khó khăn cả về vật chất lẫn xã hội, nhưng họ vẫn tràn trào yêu thương. Lẽ nào, hành trình đức tin như là cuộc đi phượt vậy! Con người phải sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm và thử thách, để khám phá các chân lý đức tin, sống và tuyên xưng nó. Đức tin đòi hỏi một cuộc thao luyện trường kỳ (x. 1Cr 9,24-25). Tuy nhiên, khi chọn đức tin làm hành trang cho cuộc đời mình, con người hi vọng sẽ gặp được tình yêu, bởi đức tin chính là hi vọng được yêu thương và biết yêu thương, ‘khi nói tôi tin ai đó, cũng là tôi hi vọng vào người đó, và đồng thời yêu mến người đó’! Con người sẽ không lẽ loi khi can đảm sống trung thành với những gì đức tin đòi hỏi, để dẫu gặp gian truân và sa ngã, chính đức tin sẽ giúp chúng ta vực dậy, và tiếp tục phượt!

Lighthouse
(tác giả gửi về VTCG)
-----


[1] Tên gọi vùng Truyền giáo của Giáo Hội Công giáo, nó giống như một giáo xứ, tuy nhiên, địa bàn thường rộng và có nhiều đặc thù như: vùng cao nguyên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... những nơi nay thường gặp khó khăn về mặt chính trị, xã hội, văn hoá, kinh tế...
[2] Tên gọi bệnh viện trước năm 1975, nhà thương mang nghĩa nhân văn hơn, Cha xứ đã xin được dự án từ một tổ chức quốc tế về nhân đạo, để xây dựng và phục vụ khám chữa bệnh cho người dân trong vùng, không phân biệt ai, lương cũng như giáo.
[3] Chú giúp xứ, những có ý muốn đi tu để trở thành Linh mục..., khi ở giúp các linh mục, những người đó thường nhận linh mục đó là bố thiêng liêng, người hướng dẫn ơn gọi.
[4] X. Lc 15,11-32
[5] Tên gọi các Sơ mà người Miền Nam thường gọi, có một vài nơi gọi là Bà phước (Miền Tây)