Truyện ngắn: Trái chín phải đợi (phần 2)

Quang X Nguyen

(“Trái chín phải đợi” lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về hành trình ơn gọi của một chủng sinh. Người viết xin chân thành cảm ơn Thầy đã chia sẻ và đóng góp cho truyện ngắn)


Đêm thứ bảy trước đó, mưa to suốt đêm, Hùng không ngủ được. Sáng sớm Chúa Nhật, đúng bốn giờ, Hùng mượn được một chiếc áo mưa của người em trong đơn vị rồi trèo tường, ra đường lớn, bắt xe về quê. Ngồi trên xe rồi, cậu suy nghĩ trong đầu những câu hỏi có thể sẽ gặp và trả lời thử. Chưa bao giờ Hùng thấy hồi hộp như thế…

Đúng mười giờ sáng, xe dừng trước cổng chủng viện Hoa Thanh.

Chủng viện rất lớn, nhìn qua then cửa, phía bên trong, có mấy người thanh niên mặc áo trắng nói chuyện, cười đùa vui vẻ. Hùng nhìn chiếc áo sơ mi màu trắng mình đang mặc, lòng thầm cảm ơn Hồng Lam.
Cậu quyết định bấm chuông.

Một chú ứng sinh ra mở cửa:
- Xin lỗi, anh tìm ai? – Người thanh niên lịch sự
- Cho tôi gặp cha Ái – giám đốc chủng viện. Tôi có hẹn với Ngài. Rồi như để chứng minh điều mình nói là thật, Hùng rút lá thư đã bị nhòe mực do gặp trời mưa, đưa cho người canh cổng.

Chú này nhìn tờ giấy, cười rồi nói:
- Mời anh vào nhà khách chờ để em đi báo với cha.

Độ mười phút sau, Cha Ái bước từ cầu thang trên lầu xuống, chắc vị này ở mấy lầu trên. Thấy Hùng, ngài tỏ ra có thiện cảm. Bắt tay. Mời ngồi. Rồi đi thẳng vào chuyện chính.
- Con đang đi lính à?
- Vâng, thưa Cha, đơn vị con đóng quân ngoài Hải Phòng.

- Con đi lâu chưa? Bao giờ xuất ngũ?
- Dạ hơn hai năm, còn gần một năm nữa là ra quân thưa Cha.

- Thế con có đi học gì không?
- Dạ, tốt nghiệp phổ thông được hai năm sau thì con đi lính. Bố mẹ con muốn con học lên nhưng con chỉ muốn đi tu thôi ạ.

- Con bao nhiêu tuổi rồi?
- Dạ, hai mươi ba, thưa cha.
- Bố mẹ con có đồng ý cho con đi tu không?

Đến câu hỏi này, Hùng bỗng khựng lại, nét mặt như buồn hẳn xuống. Hùng biết cũng vì chuyện này mà hai năm trước cha xứ không thể viết giấy giới thiệu cậu cho chủng viện.
- Dạ, không thưa cha – Hùng đáp lại trong sự thất vọng.
- Vậy mà con vẫn muốn đi tu à? Lỡ chủng viện không thể nhận con thì sao?
- Con không nghĩ mình sẽ làm gì khác ngoài đi tu. Nếu không có nơi nào nhận con thì con sẽ kiếm một công việc nuôi mình, về già, con xin vào nhà thờ quét sân, canh cổng, lau dọn, làm ông từ để được gần Chúa.

Cha giám đốc nghe cậu nói thế thì phì cười:
- Sao mà tính xa thế? Con đang còn trẻ mà.

Một chàng trai có chí và có lòng nhưng hoàn cảnh của cậu thì….cái gì cũng còn dang dở. Cha giám đốc suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Con đi tiếp đi.
- Đi tiếp là đi đâu hả cha? – Hùng chưa hiểu ý.

- Là đi lính tiếp cho xong. Con cũng nên học lên đi vì chủng viện cũng cần ứng sinh có bằng sau mười hai. Dù Đức Cha mới về đã đổi luật, việc có bằng là không bắt buộc như thời hai năm về trước nhưng cha thấy tốt cho tương lai của con. Học xong dù tu hay không tu đều mở cho con một cánh cửa. Xong xuôi rồi, nếu còn lòng muốn thì liên lạc với cha.

Nghe cha giám đốc nói thế, Hùng nhẩm tính trong đầu, một năm lính, cộng thêm hai đến ba năm học lên là ít, vậy là mất bốn năm. Bốn năm nữa, lúc này cũng hăm bảy tuổi rồi, làm gì có chú ứng sinh nào mà hai mươi bảy tuổi. Tự nhiên Hùng thấy hoàn cảnh của mình như chị thánh Teresa, đến xin Đức Thánh Cha cho nhập dòng năm mười lăm tuổi mà chỉ nhận được một câu trả lời nửa vời. Nhưng ít ra, sau đó chị đã được cha bề trên tu viện đồng ý. Còn Hùng thì…

Sau chưa đầy mười phút trò chuyện, cậu chào cha ra về.

Bước ra cổng, lúc này đang là mưa lớn. Hùng như kẻ lang thang, một mình đi tìm ơn gọi giữa cảnh bão bùng. Cậu buồn và thấy mình thất bại ê chề. Nghĩ về quãng đường trở lại đơn vị, Hùng bỗng thấy ngán ngẩm, chẳng còn sức mà bước tiếp.

Đây là lần thứ hai, cậu bị từ chối. Hùng không biết liệu ơn gọi có thực sự dành cho mình không nữa. Nếu cố gắng tiếp thì là trung thành hay là kẻ cố chấp, ngốc nghếch, theo đuổi một thứ vốn dĩ không thuộc về mình?

--------------

Như ước nguyện của ông Sáu, Hùng xin ở lại đơn vị và học tiếp ngành y.

Hùng được phân công đi thực tập tại một bệnh viện nằm ngay trong trường quân đội. Bệnh viện này mở cả cho người ngoài vào khám chữa bệnh. Bữa đó, Hùng và một nhóm lính học viên khác đi giúp tại khoa truyền nhiễm. Riêng Hùng được phân vào phòng VIP trong đó có một nữ bệnh nhân bị sốt xuất huyết. Hằng ngày, vào ban sáng, Hùng ghé phòng bệnh nhân để lấy máu xét nghiệm hoặc truyền nước. Hễ xong việc thì “cáo từ” về lại trường để học tiếp.

Ngày một, ngày hai,…thấy Hùng không nói gì. Sang đến ngày thứ ba thì nữ bệnh nhân mở lời trước:
- Này anh…?
- Vâng, chị? Chị cần gì ạ? – Hùng trả lời.

- Ơ, Anh bao nhiêu tuổi mà gọi tôi là chị? Trông tôi già thế cơ à? – Cô gái nhanh nhảu.
- Dạ, tôi 25.
- Còn tôi 22. Anh còn hơn tôi ba tuổi cơ đấy. Anh tên gì thế? – Cô tò mò.

- Tôi tên Hùng.
- Còn tôi là Yến.

- Vâng, chào chị Yến. – Hùng vẫn tỉnh queo.
- Ơ hay cái anh này, vừa nói xong, lại gọi chị. Tôi mới 22 thôi, anh gọi thế, tôi có cảm giác mình là một bà cô U30 cơ đấy. Cứ gọi tôi là Yến đi. Nghe anh gọi chị, tôi không khỏe nổi để xuất viện đâu.
Hùng bỗng cảm thấy ngại và có chút bối rối trước cách nói chuyện thẳng thắn của Yến. Hùng gãi đầu:

- Tôi…tôi…nhớ rồi. Bây giờ tôi phải về lại trường nếu Yến cảm thấy trong người không khỏe thì gọi theo số của phòng trực, sẽ có người đến thay tôi. Tôi xin phép đi trước – Miệng nói, chân bước, Hùng ra khỏi phòng.

Từ sau hôm đó, Yến bắt đầu chú ý đến chàng trai này nhiều hơn, cái bộ ít nói và lạnh lùng của Hùng bỗng làm Yến thấy tò mò.

Yến là sinh viên năm cuối học trên Hà Nội. Tranh thủ thời gian làm khóa luận, nhà trường cho nghỉ học, Yến về thăm gia đình ở Hải Phòng. Chẳng may mấy ngày vừa rồi bị sốt nặng nên phải nhập viện gấp, bác sĩ chuẩn đoán sốt xuất huyết, cần ở lại để theo dõi thêm. Đến hôm nay thì sức khỏe đã dần ổn định và có thể xuất viện vào cuối tuần.

Trước ngày Yến xuất viện, Hùng ghé qua lấy mẫu máu. Lần này, biết ý nên Hùng mở lời trước:
- Chúc mừng Yến nhé, hôm nay tôi đến lấy máu xét nghiệm lần cuối. Nếu kết quả tốt thì mai là có thể xuất viện được rồi.
- Như vậy thì hôm nay là ngày cuối anh và tôi gặp nhau đấy – Yến nhìn về phía Hùng như dò xem thái độ của cậu thế nào.
- Vâng. – Hùng vẫn bình thản đáp lại.

Thái độ của Hùng làm Yến thấy hoàn toàn thất vọng. Cô đã mong chờ một phản ứng như kiểu tiếc nuối hay níu kéo gì đó chứ không phải là câu đáp tỉnh bơ thế kia.
- Anh không muốn gặp lại tôi à? – Yến làm bộ hơi giận.
- Tôi không mong gặp lại Yến trong bệnh viện như thế này đâu. Cái nghề của chúng tôi không mong gặp lại khách hàng – Hùng cười.
- Vậy gặp ở một nơi khác thì được phải không? – Yến hy vọng.

Hùng hơi bối rối, có vẻ nhận ra được chút gì ẩn ý sau câu nói của Yến. Nhưng vì không muốn làm cô buồn, cậu đáp nước đôi:
- Hữu duyên thiên ý năng tương ngộ. Vô duyên đối diện bất tương phùng.
Tùy duyên Yến ạ. – Rồi Hùng chào ra về.

Cuối tuần đó, Yến xuất viện. Trước khi rời bệnh viện, cô đi tìm Hùng để nói lời cảm ơn nhưng hôm nay Hùng không tới bệnh viện vì là ngày nghỉ. Yến thấy lòng mình trùng xuống hẳn. Dường như cô đã có tình cảm với anh thực tập sinh này. Yến bỗng nhớ lại câu nói của Hùng “Hữu duyên thiên ý năng tương ngộ”. Rồi trong lòng thầm nghĩ: duyên hay không là do con người tạo nên….

Vào một buổi chiều cuối tuần, khi đó Hùng đang ngồi trong phòng chung với mấy anh em khác, bỗng thấy có tiếng ồn ào dưới cổng. Vì nơi ở của lính học viên cũng gần với cổng ra vào nên có chuyện gì đều nghe thấy. Thằng Liêm – lớp dưới, chạy khắp dãy hành lang, miệng oang oang:
- Gái đẹp…..gái đẹp…anh em ơi.

Rồi cả đám trong phòng nhao nhao hùa theo:
- Đâu…đâu….?
- Ở dưới cổng, nghe nói là đang chờ anh nào đó. Ông nào có phúc thế không biết.

Thằng Liêm còn đang tán dóc thì Hải bước vào phòng:
- Anh Hùng có phải cách đây hai tuần anh trực một phòng VIP, có một cô gái bị sốt xuất huyết không?
- Ờ,…ờ,…có chuyện gì à? – Hùng ngờ ngợ đáp lại.
- Vậy thì đúng là anh rồi. Anh xuống dưới cổng đi, cô ấy nói là muốn gặp anh.

Thằng Liêm và cả đám trong phòng vừa nghe thế thì hò hét:
- Ôi, hóa ra là Mỹ nhân đến để tìm Anh Hùng chúng mày ạ. Nhất anh đấy. Xuống đi kìa, anh làm gì mà người ta phải kéo cả đến đây thế. Mấy năm nay anh cứ im im, thế mà bây giờ….
- Cái thằng này, ăn với chả nói, còn chưa biết họ đến là vì chuyện gì mà.

Hùng bước ra cổng, cả đám kia vẫn chưa buông tha, còn chạy theo hóng chuyện, dù là chỉ dám đứng xa xa nhìn theo.

Hùng ra ngoài, thấy Yến đã đứng đó chờ. Yến quả thực là một người con gái rất sắc xảo và xinh đẹp. Trong chiếc váy màu trắng và mái tóc xõa ngang vai, có lẽ không ai đi qua mà không quay lại nhìn cô.

Thấy Yến, Hùng hơi ngạc nhiên:
- Chào Yến, Yến khỏe không? Sao Yến biết tôi ở đây mà tìm?

Yến thấy Hùng, lòng bỗng cảm thấy vui hẳn:
- Thì anh thực tập ngay tại bệnh viện của trường mà. Em hỏi bác sĩ khoa, bác nói là anh ở đây.
- Nhưng Yến tìm tôi có chuyện gì?

Thái độ của Hùng vẫn không khác hồi ở viện là mấy. Nhưng Yến thì mạnh bạo hơn:
- Anh nói là có duyên sẽ gặp lại phải không? Giờ gặp lại rồi, có thể xem là có duyên rồi đúng không?

Hùng bối rối, không biết phải trả lời cô thế nào.
- Sao anh không nói gì? Gặp lại Yến, anh không thấy vui à? – Yến hỏi.
- Không, không phải thế. Nhưng tôi không nghĩ là sẽ gặp lại Yến. Yến đến thế này làm tôi hơi bất ngờ.
- Em đến là để cảm ơn anh. Lúc em xuất viện, muốn tìm anh để cảm ơn nhưng không gặp nên hôm nay mới đường đột đến đây như thế này.

Yến vừa nói vừa lấy ra một túi quà đưa cho Hùng.
- Anh nhận lấy đi, coi như thay lời cảm ơn của em.

Nhìn vào trong sân, Yến thấy một toán lính đang nhìn về phía cô và Hùng rồi kháo chuyện với nhau, biết Hùng không thoải mái lắm nên cô giữ ý:
- Thôi, em về đây. Sau này, có dịp sẽ gặp lại anh Hùng nhé. Khi nào tiện, em muốn mời anh đi uống nước được không?
- Uhm, chào Yến. Yến về cẩn thận. – Hùng vờ như không nghe thấy câu hỏi.

Nói xong, Hùng quay người bước vào phòng. Cậu cảm thấy hơi ngại nhất là với mấy anh em đằng sau. Nghe cách Yến nói chuyện thì Hùng cũng hiểu là cô có cảm tình với mình nhưng Hùng biết mình là ai và giới hạn trong những mối quan hệ nên dừng ở đâu.

Kể từ hôm đó, Hùng thường xuyên nhận được thư hỏi thăm của Yến, rồi sau những lá thư hỏi thăm là thư tỏ bày tình cảm. Nhưng Hùng im lặng, không hồi đáp. Hùng nghĩ nếu mình không thương người ta thì cũng không nên gieo hy vọng cho họ kẻo tội nghiệp họ hơn.

Không thấy Hùng trả lời, Yến rất buồn. Có nhiều lần Yến gọi điện cho phòng trực để xin gặp Hùng nhưng cậu từ chối. Mãi đến một lần, người trực điện thoại vào gặp cậu:
- Anh Hùng này, em thấy cô gái kia cứ gọi điện như vậy mà anh không ra gặp thì có hơi thất lễ đó ạ. Dù sao họ cũng là con gái, dễ tổn thương, anh nên nói chuyện với cô ấy đi.

Nghe cậu kia nói vậy, Hùng nghĩ lại:
- Xin lỗi em, để em phải phiền hà vì chuyện của anh rồi. Lần sau nếu cô ấy gọi điện anh sẽ gặp. Cảm ơn em nhiều.

Không lâu sau đó, Yến tới tận trường xin gặp Hùng. Lần này thì Hùng quyết định ra gặp cô chứ không thoái thác như mấy lần trước nữa.

Thấy dáng Hùng bước ra phía cổng, Yến bỗng rưng nước mắt:
- Anh Hùng, sao anh không trả lời thư của em? Em gọi điện sao anh không chịu nghe máy?
- Tôi thành thực xin lỗi vì thời gian qua đã không trả lời thư của Yến – Hùng thành thực.

- Anh thấy em rất phiền phải không? – Mắt cô đỏ hoe.
- Không, không phải thế đâu. Yến đừng nói vậy – Cậu trần tình.

- Thế là vì lý do gì? Hay là anh đã có người yêu rồi?
- Không, không phải…..Yến bình tĩnh nghe tôi nói này.

Cô im lặng, không hỏi nữa, mắt nhìn lên khuôn mặt Hùng không rời.
- Tôi cảm ơn Yến đã dành tình cảm đặc biệt cho tôi. Nhưng xin lỗi, tôi không thể nhận lời Yến được. Tôi cũng không yêu ai cả. Sau khi ra trường, tôi sẽ đi tu. Tôi không muốn lợi dụng tình cảm của Yến. Yến còn trẻ, lại xinh đẹp, sẽ có rất nhiều người xứng đáng hơn tôi để có được tình yêu của Yến.

Yến thấy đầu mình choáng váng vì câu trả lời của Hùng. Cô không hiểu cậu đang nói gì:
- Đi tu là sao? Em không hiểu được? – Yến lau nước mắt.
- Ước mơ của tôi là trở thành một linh mục, tôi đi lính thế này cũng là vì hoàn cảnh, nhưng sau khi tốt nghiệp, tôi nhất định sẽ thực hiện ước mơ của mình. Linh mục không thể lập gia đình cũng không thể dành tình yêu cho riêng ai nên…. Tôi xin lỗi Yến

- Anh đi tu đến bao giờ sẽ về? Em sẽ chờ anh.
– Yến là người ngoại đạo nên mấy ngôn ngữ của Hùng, Yến không hiểu.
Tôi sẽ không quay lại đây nữa đâu. Yến đừng chờ tôi làm gì.

Yến thẫn thờ, không nói được thêm lời nào nữa. Hùng thấy tội nghiệp cho cô. Thứ tình yêu đơn phương bao giờ cũng làm cho con người ta đau khổ nhiều. Nhưng kẻ từ chối tình cảm dù là vì lý do gì đi nữa, trong lòng cũng cảm thấy có chút không yên. Tối hôm đó, Hùng ngồi dưới ghế đá cầu nguyện. Cậu nghĩ về Yến, tự hỏi lòng mình có phải đã hơi quá đáng đối với cô. Nhưng nếu được quay lại, cậu biết mình cũng không thể có câu trả lời khác. Suốt thời gian đó, Hùng luôn cầu nguyện cho Yến, mong cô bình an và sớm tìm được một người yêu thương cô thực sự….
-------------

Thời gian ôn thi tốt nghiệp đã gần đến. Nhưng mấy hôm nay, Hùng thấy trong lòng mình không yên, không hiểu là có chuyện gì…

Sang đến ngày thứ ba thì Hùng gọi điện cho Cha giám đốc chủng viện. Cũng gần năm nay, do bận học nên Hùng không liên lạc với Cha, chẳng biết cha có còn nhớ cậu là ai không.

Tiếng điện thoại reo liên hồi mà không có người bắt máy. Hùng toan bỏ máy xuống thì nghe thấy tiếng người phía đầu dây bên kia trả lời:
- Alo, cha Ái xin nghe.

Hùng mừng quýnh:
- Alo, dạ con chào cha. Con là Hùng, người xóm chợ Đá. Con từng đến chủng viện gặp Cha để xin đi tu. Cha có còn nhớ con không ạ?

Bên kia như còn đang cố lần lại trong trí nhớ thì Hùng gợi ý:
- Hùng bộ đội hải quân thưa cha.
- À, à…Hùng bộ đội ở Hải Phòng phải không?

- Vâng. Vâng, đúng rồi ạ - Hùng thấy lạc quan hơn.
- Sao lâu rồi không liên lạc với chủng viện?

- Dạ, con bận học quá – Hùng gãi đầu.
- Thế con học xong chưa?

- Dạ, con đang chuẩn bị thi tốt nghiệp thưa cha.
- Hùng này, mười bảy tháng này có đợt thi tuyển mới đó, con có muốn thi vào chủng viện năm nay không. Nhưng cha sợ gấp quá, e là con không kịp chuẩn bị. Hay là để năm sau….

Hùng giật mình. Mười bảy tháng này, vậy là chỉ còn năm ngày nữa. Nếu thi bây giờ thì Hùng thấy mình chưa sẵn sàng vì có biết gì đâu mà thi. Người ta ôn thi cả năm trời còn chẳng đậu nữa là năm ngày. Nhưng nếu bỏ lỡ cơ hội lần này thì sẽ phải chờ thêm một năm nữa. Hùng đã chờ quá lâu rồi. Thôi thì quá tam ba bận, Hùng thưa cha:
- Con sẽ thi năm nay.

Cha Ái hơi bất ngời trước sự liều lĩnh của cậu nhưng cũng muốn nhắc lại cho cậu nhớ về hoàn cảnh thực tế của mình:
- Con chắc chứ? Thế còn gia đình con thì sao? Con đã thuyết phục được bố mẹ chưa?
- Con sẽ thuyết phục họ một lần nữa thưa cha. – Hùng cương quyết.

Ngày hôm sau, Hùng vay được năm trăm ngàn của một người bạn đồng hương rồi bỏ trốn đơn vị về quê. Nơi Hùng ghé đến đầu tiên là nhà thờ xứ. Cậu muốn cầu nguyện. Đã lâu rồi Hùng không về đây. Nhà thờ như một phần máu thịt trong con người cậu, xa quê cậu không nhớ nhà cho bằng nhớ nhà thờ. Một hai lần về thăm quê rồi trở lại đơn vị, khi xe đi ngang qua nhà thờ, Hùng luôn cố gắng nhìn theo cho tới khi không thể thấy một dấu tích nào của ngôi Thánh Đường mới thôi. Cậu nhớ những ngày cấp ba vẫn đạp xe đi lễ và cầu nguyện lâu giờ bên đài Đức Mẹ. Cậu thèm cái cảm giác bình an, không cần suy nghĩ, lo lắng về quá nhiều thứ của ngày đấy. Đúng là: bao giờ cho đến ngày xưa…

Lúc này, đang là lễ cho thiếu nhi. Theo thói quen, Hùng tìm một góc cuối nhà thờ, ít ai để ý để cầu nguyện. Cậu quỳ xuống, mắt nhìn lên Thánh Giá rồi làm dấu. Hùng cầu nguyện:
- Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin Cha cho con được trở thành linh mục của lòng thương xót Cha. Đã hơn sáu năm nay, con phải sống xa ước mơ của mình, lắm khi con nản lòng. Nhưng con vẫn muốn được một lần thử hết lòng theo đuổi ước mơ xem sao. Con xin Cha thêm sức cho con.

Ra khỏi nhà thờ. Hùng thấy lòng bình an hơn nhiều. Cậu bắt xe ôm về nhà.

Bước vào sân, người đầu tiên cậu thấy là mẹ. Bà Cảnh bao năm nay vẫn thế, cứ như con ong thợ chăm chỉ, không khi nào cho phép mình được nghỉ ngơi, cứ làm việc quần quật cả ngày. Hùng chạnh lòng gọi lớn:
- Mẹ ơi,…con về rồi...

Bà Cảnh quay lại, không tin vào mắt mình khi thấy con. Hùng rất ít khi về thăm gia đình dù là được nghỉ phép.
- Hùng, sao con về giờ này? Sao không gọi về cho mẹ trước. Tín nói con đang ôn thi tốt nghiệp cơ mà. – Bà Cảnh vừa mừng vừa thắc mắc.
- Con có chuyện gấp muốn gặp cả nhà. Bố đâu mẹ? – Hùng vừa nói vừa đặt ba lô xuống sân.

- Đang ngủ ở nhà trong con ạ. Để mẹ gọi ông ấy dậy. – Bà hấp tấp tính chạy đi gọi ông Sáu.
- Thôi mẹ, để cho bố ngủ, lát bố dậy, nói chuyện cũng được - Hùng cản.

Hùng còn đang nói thì ông Sáu ở trong phòng bước ra. Tiếng nói chuyện làm ông bị đánh thức. Bước ra ngoài, thấy Hùng. Ông Sáu sững sờ.
- Ơ, sao lại về đường đột thế? – Ông hỏi.

Hùng nhìn bố. Trong lòng có chút bất an vì biết điều mình sắp thưa kiểu gì lại cũng gây ra chuyện to tiếng trong nhà. Nhưng không còn thời gian nữa, Hùng mạnh dạn:
- Con về vì có chuyện muốn thưa với bố mẹ.
- Ờ, muốn nói gì thì vào nhà mà nói. Đứng ngoài sân hai mẹ con bà không thấy nóng à. Vào nhà uống nước đi. – Trong lòng ông rất vui khi thấy Hùng về.

Hùng xách ba lô vào nhà, bà Cảnh lật đật bước theo con.
Ông Sáu lấy phích đổ thêm nước vào ấm trà đã gần cạn, rót nước cho Hùng, thêm một ly cho ông và một ly cho bà Cảnh. Hùng dõi theo từng cử chỉ của bố. Lấy hết sức bình sinh, Hùng thưa:
- Thưa bố mẹ, con có chuyện muốn nói.
- Chuyện gì thế con – Bà Cảnh tò mò nhìn Hùng, mắt không quên liếc nhìn sang chồng có vẻ dè dặt.

- Ờ, chuyện gì mà lại về giờ này? – Ông Sáu hỏi.
- Con xin bố mẹ cho con được đi tu. Mười bảy tháng này là ngày thi rồi. Cha giám đốc chủng viện cho con được tham dự kỳ thi nhưng với điều kiện là phải có sự đồng ý của bố mẹ. – Hùng nói xong mà trong cổ họng thấy khô rang. Cậu đã nghĩ đến những phản ứng tồi tệ nhất của ông Sáu như hồi sáu năm trước. Cậu nhắm mắt chờ phản ứng của bố. Có thể lại là một cái tát nữa chẳng hạn.

Nhưng mọi chuyện không diễn ra theo suy tính của cậu. Ông Sáu không nói gì. Chỉ cúi gằm mặt xuống, khuôn mặt ông như co rúm lại, những nếp nhăn xô đẩy nhau trên trán. Trông ông đau khổ lắm. Một lúc sau, ông đứng dậy, bước vào phòng, không nói thêm một tiếng nào với con nữa. Có vẻ như ông quá thất vọng về câu chuyện không có hồi kết này rồi. Khi thấy Hùng tiếp tục học lên y sĩ, ông đã rất hy vọng là cậu đã quên cái ước mơ viển vông đó. Nhưng không ngờ….

Thấy phản ứng của ông Sáu, Hùng lại càng thấy buồn hơn, cậu chống hai tay xuống ghế như để đỡ lấy cơ thể đang muốn đổ sụp xuống của mình. Không khí trong nhà lại trở nên u ám, chẳng khác gì hồi đó.

Chiều hôm ấy, ông Sáu không ra ăn cơm, cứ nằm thở dài sườn sượt trong nhà. Bà Cảnh vào nói thế nào ông cũng không chịu mở lời. Bà ngồi bên giường, thở dài một tiếng rồi nói:
- Thôi thì giời không chịu đất thì đất phải chịu giời chứ biết sao bây giờ. Con nó cũng gần hai mươi bảy tuổi đầu rồi chứ đâu còn là thằng bé ngày xưa. Tôi với ông sao sống với nó mãi được. Ông không cho nó đi theo con đường nó muốn. Sau này, nếu đời nó không hạnh phúc, nó quay lại oán cha mẹ thì ông với tôi hạnh phúc được à.

Ông Sáu vẫn làm thinh. Nhắm mắt. Đặt tay lên trán. Có rất nhiều suy nghĩ trong lòng ông lúc này…
Đêm đó, ông Sáu không thể chợp mắt được. Ông dậy giữa đêm nhưng cố xuống khỏi giường thật nhẹ để khỏi làm vợ thức giấc. Ông tính đi ra ngoài hút điếu thuốc. Vừa châm lửa, ông thấy Hùng cũng đang ngồi trước hiên, lưng dựa vào cánh cửa gỗ.
- Sao không đi ngủ? Giờ này còn ngồi ngoài đây làm gì? – Ông Sáu hỏi.
- Bố???? – Hùng giật mình – Sao bố ra đây.

- Tao không ngủ được nên ra hút điếu thuốc. Còn mày sao chưa đi ngủ?
- Con cũng không ngủ được…

Ông Sáu rít một hơi thật mạnh rồi thở ra những làn khói trắng vào khoảng không trước mặt như nhả ra những bận tâm cả ngày hôm nay. Ông ngồi xuống cạnh Hùng. Mắt vẫn hướng về trời đêm rồi hỏi một câu rất vu vơ:
- Suy nghĩ kỹ chưa?
- Dạ???? – Hùng còn chưa định tâm để hiểu hết câu hỏi của ông Sáu.

- Tao hỏi suy nghĩ kỹ về chuyện đi tu chưa?

Mắt Hùng như sáng lên. Dường như có hy vọng. Cậu quay lại nhìn bố bằng cảm giác đầy lòng biết ơn, đáp:
- Dạ rồi. Con nghĩ kỹ rồi.

Ông Sáu lại im lặng. Một vài phút sau, ông đứng dậy, vứt điếu thuốc còn đang hút giở xuống đất, lấy dép dập tắt tàn thuốc còn sót lại, rồi nói:
- Được rồi. Tao ký giấy. Sau này, sướng khổ tự chịu.

Nói đoạn ông bỏ vào phòng.
Giữa đêm tối, chỉ còn lại Hùng. Chưa bao giờ cậu thấy lòng mình nhẹ nhõm như lúc này và cũng chưa bao giờ cậu thấy thương bố mẹ nhiều đến thế. Hơn sáu năm nay, Hùng vẫn nghĩ chỉ có cậu mới là người đau khổ. Nhưng đến giờ cậu mới nhận ra, bố cũng đã phải chiến đấu rất nhiều mới có thể chấp nhận được chuyện con trai mình sẽ đi tu. Nghĩ đến đó thôi mà trái tim cậu như thắt lại. Xống mũi cay xè. Cậu cố kiềm không cho nước mắt chảy ra nhưng không được. Những giọt nước mắt của hạnh phúc xen lẫn cảm giác hối hận ngỡ tưởng rất lâu rồi đã cạn nay lại tràn trào trên gò má…
-------------------

Một tháng sau kỳ thi vào chủng viện, lúc này Hùng cũng đã hoàn thành khóa y sĩ và đang chuẩn bị nốt những giấy tờ còn lại để rời đơn vị thì nhận được điện thoại báo trúng tuyển của cha giám đốc. Niềm vui bất ngờ khiến Hùng không thể ngồi yên suốt ngày hôm đó. Cậu như chàng trai “si tình” một cô gái đã nhiều năm mà đến bây giờ mới nhận được cái gật đầu của cô. Cậu hạnh phúc, miên man nghĩ về những kế hoạch sau này của “hai người” mà không thấy chán…

Hai tuần sau đó, Hùng chính thức xuất ngũ. Bước ra khỏi cánh cổng đơn vị, Hùng bỗng cảm thấy yêu mến và biết ơn nơi này nhiều đến chừng nào. Đời lính nghèo, thiếu thốn đủ đường nhưng đã tôi luyện Hùng từ một cậu bé nhút nhát trở thành một chàng trai bản lĩnh. Lắm khi liều lĩnh. Có lẽ sáu năm qua là thời gian Chúa dùng để chuẩn bị cho người linh mục tương lai – một chiến sĩ Chúa Kitô chăng? Hùng cúi đầu tạ ơn và nhủ thầm trong lòng sẽ không bao giờ quên những tháng ngày này trong đời.
---------------

Ngày Hùng gia nhập chủng viện chỉ có anh Tín và Hồng Lam đi tiễn. Ông Sáu không đi còn bà Cảnh muốn đi tiễn con nhưng Hùng không chịu. Sợ bà lại bù lum bù loa ở chủng viện thì còn phiền hơn. Hùng vẫn khoác chiếc ba lô hải quân như một kỷ niệm của đời lính. Chiếc áo trắng Hồng Lam may cho, hôm nay, Hùng mặc. Trông cậu cũng ra dáng “chân tu” lắm.
Khi đến cổng, Hùng quay lại nói với anh Tín:
- Anh Tín này, anh chịu khó quan tâm đến bố mẹ thời gian này một chút nhé. Chắc hai người chưa dễ chấp nhận chuyện em đi như thế này đâu. Nhưng từ từ rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi anh ạ.
- Uhm, em cứ an tâm tu cho tốt. Việc ở nhà anh sẽ liệu. Nhớ cầu nguyện nhiều cho gia đình mình. – Tín bao giờ cũng vậy, luôn chững chạc, đúng nghĩa là một người anh cả trong nhà.

Hùng nói chuyện với anh Tín mà không để ý đến cảm xúc của Hồng Lam lúc này. Cô chỉ cúi mặt, nép sau lưng Hùng không nói gì. Lúc cậu quay lại thì thấy mắt Hồng Lam ươn ướt, liền cười chọc quê:
- Ôi, Hồng Lam nhà ta cũng biết khóc đấy à? Lạ à nha? – Hùng vừa nói vừa xoa đầu Hồng Lam một cách tự nhiên như ngày xưa.
- Lam đâu có khóc – Những giọt nước mắt đang rơi như một sự phản chứng cho điều cô vừa nói. Hồng Lam vội lấy tay lau.
- Lại còn bảo không khóc đi. – Hùng nói rồi đưa khăn cho Hồng Lam – Hùng đi tu chứ có đi tù đâu mà khóc ghê thế. Khi nào được nghỉ, Hùng về thăm mọi người. Cho Hùng gửi lời chào bà và hai đứa nhỏ nhé.

Hồng Lam sụt sịt. Gật đầu.
- Mà này, lo lấy chồng đi. Chứ cứ ở vậy mãi à. Con gái có thời thôi đấy.
Thôi, đừng khóc nữa. Người ta lại tưởng Hồng Lam là người yêu đến tiễn Hùng đó – Hùng cười lớn.
- Cái người này, lúc này mà còn đùa được – Cô vừa nói vừa đánh một cái thật đau lên vai cậu.
- Haha, thôi, không đùa nữa.

Vậy, anh với Hồng Lam về đi. Em vào đây kẻo trễ giờ tập trung. Khi nào ổn định em gọi điện về cho mọi người.
- Uhm, em vào đi kẻo trễ - Anh Tín nói.
Hồng Lam dù chưa muốn về nhưng biết cũng chẳng thể níu kéo thêm thời giờ:
- Giữ sức khỏe nhé. Ráng tu cho tốt đấy. Hồng Lam sẽ cầu nguyện cho Hùng.
- Uhm, nhớ rồi. ah, cảm ơn Hồng Lam về chiếc áo trắng nhé – Hùng vừa nói vừa kéo chiếc áo làm bộ khoe.

Nói rồi cậu khoác ba lô, nhanh nhẹn đi qua cánh cổng để lại anh Tín và Hồng Lam vẫn đứng nhìn cho đến khi bóng cậu khuất hẳn sau khu nhà lớn của chủng viện.

(còn nữa)

Thụy Du
(tác giả gửi về VTCG)