Các linh mục chỉ thích chơi với người giàu?

Quang X Nguyen

KHI CÁC LINH MỤC CHỈ THÍCH CHƠI VỚI NGƯỜI GIÀU?

---//---


Ảnh: Minh họa internet

Con hay ghé nhà hưu của các cha già thăm cha bố của con. Cha bố con năm nay đã 88 tuổi rồi. Ngài về hưu cũng đã khá lâu, khoảng gần chục năm. Mỗi khi ghé thăm, con luôn tìm được sự động viên và khích lệ. Ngài chính là tâm gương để con noi theo. Tuy vậy, khi gần gũi với các cha già, con nhận ra một thực tế phũ phàng là rất nhiều các cha già về hưu bị giáo dân tố cáo vì chỉ thích chơi với người giàu, và ham mê tiền bạc. Nhiều người còn nói là các cha giàu lắm! Rằng cha này cha kia chỉ thích giao lưu, liên hệ với người giàu, còn người nghèo thì không chơi. Những lời tố cáo đó, con không quan tâm và cũng không cần kiểm chứng, bởi mỗi một linh mục nếu làm sai thì chỉ có Chúa mới có quyền phán xét và các ngài hoàn toàn chịu trách nhiệm trước mặt Chúa.


Tuy vậy, những lời chỉ trích này của nhiều giáo dân, làm cho chúng ta thấy có sự liên hệ với bài tin mừng hôm nay. Chúa vào nhà ông Gia-kêu, và người ta đã lên án Chúa. Tin mừng hôm nay cho biết Chúa Giê-su vào nhà một người giàu có, người đừng đầu những người thu thuế, nghĩa là ông ta rất giàu. Mà theo não trạng thời bấy giờ, ông giàu có là vì bóc lột dân chúng, làm tay sai cho đế quốc. Tại sao Chúa lại đến nhà ông Gia-kêu?

A. CHÚA GIÊ-SU CHƠI VỚI NGƯỜI GIÀU

Thưa, Chúa đến với người giàu vì hai lý do:

1. Lý do thứ nhất vì Chúa xuống thế gian để cứu vớt tất cả mọi người.

Chúa Giê-su không chỉ đến với người nghèo, bệnh hoạn, người bị gạt ra bên ngoài xã hội nhưng Tin mừng cho thấy Chúa Giê-su cũng chơi với người giàu có. Mục đích chính là để cứu chữa họ, và chính nhờ họ mà các tông đồ và Chúa có kinh phí để sinh hoạt. Cụ thể là bên cạnh các tông đồ theo Chúa chuyên lắng nghe và được sai đi rao giảng, còn có các phụ nữ. Tin mừng Luca nói rõ: “Cùng đi với Người có nhóm 12 và mấy người phụ nữ…Các bà này đã lấy của cải mình giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.” (x.Lc 8, 1-3)

Chúa cũng quen người giàu được tin mừng nói cách gián tiếp. Khi đến đến Giê-ru-sa-lem chuẩn bị ăn lễ vượt qua, Chúa sai các tông đồ vào thành tìm gặp một người, rồi anh ta dẫn lên canh gác và chuẩn bị lễ vượt qua ở đó (x.Lc 22,7-13). Hãy tưởng tượng, giữa trung tâm Sài gòn, quận 1 mà quen một người có phòng ốc và trang bị đầy đủ để ăn lễ, thì chắc chắn đó là người giàu.

Cũng có nhiều người giàu muốn theo Chúa, nhưng họ không thể vì điều kiện đầu tiên là phải bán hết của cải mà theo. Như trường hợp anh thanh niên giàu có (x.Mt 19, 16-22)

Cũng vậy, hôm nay tin mừng đề cập đến việc Chúa vào nhà ông Gia-kêu. Tin mừng cho biết ông là người rất giàu có. Nhưng khác với anh thanh niên giàu có, sau khi nhận ra đâu mới là cùng đích, là chân lý, ông đã thay đổi não trạng. Thay vì bám víu vào tiền tài, vật chất, ông đã từ bỏ tất cả: “tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi cho người nghèo; và nếu tôi chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn…” (Lc 19, 8 )

Như vậy, lý do đầu tiên Chúa đến với Gia-kêu là vì ông cũng là con cháu tổ phụ Ap-ra-ham, là dòng dõi dân riêng của Thiên Chúa. (Lc 19,9).

2. Lý do thứ hai Chúa đến với ông Gia-kêu vì ông là người bé mọn


Chúa đến với Gia-kêu không chỉ vì ông ta giàu, mà còn vì ông ta còn là người bé món. Tin mừng nói ngắn gọn: “Ông tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông mà ông ta lại lùn.” (Lc19, 3). Lùn về ngoại hình mà tin mừng đề cập đến còn mang ý nghĩa về những người bé mọn, bị loại ra ngoài…Tuy ông giàu có, nhưng thật sự ông bị loại trừ giữa cộng đoàn.

Chính Chúa đã khẳng định: Con người đến để tìm và cứu chữa những gì đã mất. (Lc 19, 10). “Những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ, Chúa cảnh cáo họ, nhắc cho họ nhớ họ đã phạm tội gì, để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa.” (Kn 12, 2). Nghĩa là Chúa đến để sửa dạy, và cứu vớt những người bé mọn, tội lỗi. Nhiều lần Chúa chủ động đi bước trước, đến với họ. Ví dụ: Chúa thấy đám đông chạnh lòng thương, hóa bánh ra nhiều, thấy mẹ con bà góa thành Naim, Chúa cứu chữa…rất nhiều lần trong tin mừng cho thấy Chúa luôn đi bước trước, trước cả khi người ta cầu khẩn Chúa. Cũng vậy, ở đây Chúa chủ động đến với Gia-kê vì Chúa nhận ra ông cũng là người bé mọn.

B. CÁC LINH MỤC ĐẾN VỚI NGƯỜI GIÀU

Như vậy, việc các linh mục đến với người giàu thì cũng là chuyện bình thường, vì người giàu cũng là những con chiên bé mọn, cũng cần được chăm sóc như những người khác, vì chính Chúa Giê-su cũng làm như thế. Tuy vậy, thực tế nhiều khi chúng ta cảm thấy linh mục nói riêng, giáo hội nói chung chơi với người giàu chỉ vì tiền. Điều này có đúng với cách thức Đức Giê-su đã sống?

1. Tại sao các linh mục nói riêng và Giáo hội nói chung phải chơi với người giàu?

Các linh mục đến với người giàu, vì trước hết Chúa đến với tất cả mọi người – đến với người nghèo được thì cũng đến với người giàu – bởi họ cũng cần được hưởng ơn cứu độ.

Kế đến, là những người bước theo Chúa cách trọn vẹn, nghĩa là phải sống một cuộc đời “con chồn có hang, chim trời có tổ, con người không có chỗ tựa đầu.” (Mt 18,20), vì thế, để linh mục có thể giúp đỡ được những người khác, thì rất cần sự rộng lượng chia sẻ của những người giàu. Bởi chỉ người giàu mới có khả năng chia sẻ nhiều, từ đó linh mục có kinh phí để duy trì hoạt động của nhà thờ và giúp đỡ bác ái…Đó là mặt tích cực.

2. Tuy vậy, trên thực tế có những linh mục bị biến chất vì tiền bạc, lợi dụng các mối tương quan của mình để kiếm tiền, sống tách biệt với giáo dân.

Đó là một thực tế trong Giáo hội mà chúng ta không thể phủ nhận. Cụ thể là Giu-da, người quản lý đã bị tiền bạc làm cho tha hóa. Đến nổi bán thầy của mình chỉ vì 30 đồng bạc.

Giáo hội của chúng ta cũng có một sai lầm khi nhiều thế kỷ coi trọng tiền bạc vật chất. Những người nào càng đóng góp nhiều thì càng dễ vào thiên đàng…Nhiều khi xây dựng nhà thờ, hay trung tâm hành hương, chúng ta hay mua ân nhân. Nghĩa là trong thâm tâm chúng ta bỏ tiền ra để tự an ủi hoặc hy vọng sẽ được Chúa tha thứ, được lên thiên đàng.

Cũng vậy, không chối bỏ một thực tế là nhiều linh mục bị biến chất vì tiền bạc. Lấy của chung làm của riêng…Cũng có những linh mục đang làm gương mù gương xấu cho người khác khi lời giảng không đi với đời sống, sống phản chứng, xa hoa, tách biệt với giáo dân. Nói như Đức Thánh Cha Pha-xi-cô những người đó không có mùi chiên.

TÓM LẠI

Tin mừng hôm nay cho biết Chúa đến với người giàu, chắc chắc không phải để lợi dụng của cải vật chất của họ. Mà Chúa đến là vì chính họ cũng là con cái Thiên Chúa và cũng cần ơn Cứu độ của Chúa.

Chúng ta phải biết ơn người giàu, vì trên thực tế, những tài sản, công trình kiến trúc, nhà thờ đền thánh…của Giáo hội đều là do sự đóng góp của những người giàu như Gia-kêu. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cầu nguyện cho các tu sĩ linh mục, biết tự do tự tại trong việc sử dụng của cải vật chất để phục vụ, đừng như Giu-đa bán đời mình cho ma quỷ vì bị đồng tiền làm chủ.

Kính thưa cộng đoàn! 
Các cha già hưu cả một cuộc đời phụng sự Chúa, các ngài thật sự đã hy sinh rất nhiều. Con nói như thế không phải con là linh mục nên bênh vực các ngài đâu. Khi nào có dịp, cộng đoàn thử đến các nhà hưu dưỡng của các linh mục thì biết. Cả một cuộc đời phụng sự Chúa và tha nhân. Lúc khỏe, làm được việc thì người đưa kẻ rước, khen ngợi đủ điều. Khi tuổi già sức kiệt thì thui thủi một mình, không người chăm sóc, nhiều cha lại còn bị rải thư tố cáo này nọ. Thậm chí những ngày cuối đời có cha bị liệt nằm thúi người cũng chẳng ai biết, có cha đi cầu thang đột quỵ chết té vào giữa hai lan can, mấy ngày mới phát hiện ra… 
Nhiều cha tâm sự, nhiều khi đến nhà giàu xin tiền phải chai mặt, hoặc phải bi lụy để xin người ta đóng góp. Có cha không biết uống rượu bia cũng ráng phải uống. Rồi sau khi xây cất nhà thờ hay công trình nào đó thì đổ bệnh, về hưu luôn…Kể một vài trường hợp như thế không phải để biện minh hay than thở, nhưng đừng vì một vài con sâu mà vơ đũa cả nắm hàng linh mục của Chúa thưa cộng đoàn. Hơn hết, mỗi người chúng ta hãy cộng tác với các ngài trong phận vụ của mình để góp phần làm cho Danh Chúa được rạng tỏ khắp trần gian. Vì thế, thay vì lên án và chỉ nhìn những điều tiêu cực, chúng ta nên cộng tác đắc lực và cầu nguyện nhiều cho hàng linh mục của Chúa. Amen.

CHÚA NHẬT 31 TN – C – CĐ
Kn 11,22-12,2; 2Tx 1,11-2,2; Lc 19, 1-10