Chúng ta học được gì từ phong cách Giêsu?

Quang X Nguyen


CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ PHONG CÁCH GIÊSU ?



1. Chuyện ở Làng Phong Quả Cảm, Bắc Ninh


Năm 2003, chúng tôi được dâng Thánh Lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh cho bà con người Công Giáo ở Làng Phong Quả Cảm. Cách trung tâm thành phố Bắc Ninh có đúng 5 cây số mà khung cảnh hoàn toàn là thiên nhiên thanh tịnh với từng vạt đất đồi cứ cao lên dần, những dãy nhà mái ngói rêu xanh chen giữa những hàng cây ăn quả.

Làng Phong có một ngôi Thánh Đường lớn nhưng đã bị bỏ hoang từ thời Tiêu Thổ Khánh Chiến 1946, nay chỉ còn tháp chuông và mấy bức tường gạch lỗ chỗ vết bom đạn, bên trong lòng Nhà Thờ cỏ tranh mọc cao gần ngang vai.


Chúng tôi cử hành Thánh Lễ trong một gian nhà dài khoảng 15m, ngang 4m, vốn là của một đôi vợ chồng già người Công Giáo, khi qua đời, đã hiến cho Tòa Giám Mục để được làm Nhà Nguyện. Cả Làng có gần 200 nhân khẩu với chưa tới 20 ông bà cụ. Cô Xuân, một dì của Tu Hội Thánh Tâm, làm y tá lâu năm trong Làng, tỏ ý băn khoăn không biết làm sao vì đây là lần đầu tiên có nghi thức rửa chân, cụ ông chỉ có 7 không đủ số 12 Tông Đồ, nếu chọn cụ bà thì 11 người, thiếu mất một, mà như thế các ông cũng buồn.

Đến khi vào Thánh Lễ, tới phần rửa chân, tôi mới nói với cộng đoàn: “Thôi thì thế này, mình ít người, con đề nghị không chọn 12 người riêng ra nữa, các cụ cứ ngồi nguyên tại ghế, con rửa chân các cụ dãy bên trái, cha Băng rửa chân các cụ dãy bên phải, rửa hết không trừ ai, thế là vui cả làng”. Cộng đoàn vỗ tay lộp bộp bằng những đôi bàn tay cụt gần hết các ngón do bệnh phong.

Bỗng có một cụ ông giơ tay lên hỏi: “Thưa cha Uy, con cụt hết hai bàn chân rồi, làm sao mà rửa ạ ?” Tôi hơi khựng lại một chút rồi nhanh nhảu ứng biến: “Không sao thưa cụ, nếu không còn hai bàn chân thì chúng con xin rửa hai bàn tay cho cụ”. Mọi người lại vỗ tay bịch bịch, cười xuề xòa…

Không ngờ lại có một cánh tay bên cụ bà quơ quơ lên cao: “Thưa cha, con chẳng còn bàn chân, cũng chẳng còn bàn tay nào để rửa thì biết làm sao ạ ?” Bất giác tôi nhìn thấy cánh tay cụ giờ lên quả thật đã cụt hẳn tới cổ tay. Tôi không cầm được nước mắt trào ra, nghẹn ngào nói: “Nếu cụ không còn chân, cũng chẳng còn tay thì con xin được rửa mặt cho cụ vậy nhé”.

Và tôi đã dùng chiếc khăn bông còn mới nguyên rửa mặt cho cụ bà ấy trước hết. Cả cộng đoàn đều thinh lặng hướng nhìn về phía chúng tôi, tôi khóc, bà cụ cũng khóc. Cụ bà có lẽ cũng phải hơn 80 mếu máo kể lể: “Thưa cha, con mồ côi cả cha lẫn mẹ, đời con từ tấm bé đến hôm nay, chưa bao giờ được ai lau mặt cho như thế này…”

2. Chuyện ở Trại Phong Bến Sắn, Bình Dương

Năm 2007, chúng tôi được về lo Tam Nhật Thánh cho Trại Phong Bến Sắn, thuộc tỉnh Bình Dương, cách Sàigòn khoảng 50 cây số. Trước 75, nơi đây là một khu điều trị bệnh phong lớn nhất Đông Nam Á, do các dì Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn phụ trách. Bây giờ thì khoảng hơn 10 dì được lập một cộng đoàn nhỏ ngay trong trại và phục vụ như những chị điều dưỡng công nhân viên ăn lương của Sở Y Tế. Tính đến năm nay 2020, Trại đã được 61 năm hiện diện.

Buổi sáng Thứ Năm dạo ấy, tôi lấy xe Honda chạy một vòng thăm tận nhà các gia đình bệnh nhân trong Trại, có biết được câu chuyện một đôi vợ chồng đã ở đây khá thâm niên, họ tàn mà không phế, cố gắng yêu thương nhau, nuôi dạy con cái chu đáo, lao động trồng trọt cần cù, dựng được ngôi nhà khang trang, được cả làng qu‎ý mến.

Buổi chiều trong bài giảng Thánh Lễ, chúng tôi chia sẻ tấm gương của họ, cộng đoàn ai cũng vỗ tay công nhận. Hai ông bà khiêm tốn ngồi nép sau cánh cửa Nhà Thờ, tôi mời họ bước hẳn vào bên trong và nói: “Có thể nói, mấy chục năm nay, hai ông bà đã rửa chân cho nhau hằng ngày, rửa chân ở đây được hiểu là yêu thương nhau, lo liệu chăm sóc cho nhau. Vậy bây giờ, trước khi con xuống rửa chân cho mọi người, con xin ông bà hãy quỳ xuống rửa chân lẫn cho nhau làm mẫu, đúng như Thầy Giêsu đã làm mẫu và mời gọi tất cả chúng ta cũng hãy làm như vậy…”

Thế là cộng đoàn hát chung: “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời…” Khung cảnh thật cảm động… Đến khi con là chủ tế rửa chân cho cộng đoàn vừa xong, đang vào phía sau Cung Thánh, định rửa tay sạch sẽ để tiếp tục dâng Thánh Lễ thì, hoàn toàn bất ngờ, chị Bề Trên cộng đoàn Nữ Tu tiến lại nói: “Thưa cha, bầu khí Nhà Thờ vừa rồi thật thấm thía xúc động, con xin cha cho phép bản thân con, ngay trong phòng Thánh này, được quỳ xuống rửa chân cho các chị em trong cộng đoàn, như một cử chỉ xin lỗi về những gì con đã làm buồn chị em, và cũng là bày tỏ lòng trân trọng của con với chị em”.

Tôi vội trở ra Cung Thánh, xin cộng đoàn cho tôi thêm 10 phút nữa, hát chung một bài Thánh Ca trong lúc chờ đợi. Rồi tôi quay vào lại Phòng Thánh và chứng kiến chị Bề Trên lần lượt rửa và hôn chân các chị em. Rửa xong người nào, hai chị lại ôm hôn nhau thân ái, chị Bề Trên khóc, các chị trong cộng đoàn cũng thút thít khóc.

3. Phong cách Giêsu

Trong bữa ăn cuối cùng ( The Last Supper ), khi Thầy Giêsu tỏ ‎ muốn rửa chân cho các Môn Đệ, họ đã ngỡ ngàng không hiểu gì, riêng ông Phêrô thì giãy nảy lên: “Thầy mà lại rửa chân cho con sao ?” Vào thời ấy, cách chúng ta đã hơn 2 ngàn năm, việc quỳ xuống rửa chân là của hàng nô lệ ( doulos, slave, esclave ) làm cho ông bà chủ của mình, đến người đầy tớ làm công trong nhà cũng chẳng làm, huống chi đây là Thầy Giêsu !

Tiếng Việt mình có từ Hán Việt là “phục vụ” rất hay, rất sâu xa, đó là việc khi làm cho người khác, ta phải quỳ xuống, phải hạ mình xuống sát đất mới làm được, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Thầy Giêsu bảo Môn Đệ Phêrô: “Việc Thầy làm bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu…” ( Ga 13, 6b ). Đúng là ngay hôm ấy ông Phêrô và các Môn Đệ khác đã không hiểu gì. Mãi sau này khi Thầy đã về Trời, các ông được sai đi loan báo Tin Mừng, từ từ bằng nghiệm sinh, các ông mới thấm thía hiểu ra: Tin Mừng của Thầy Giêsu chỉ có thể được mọi người kính phục, yêu mến và đón nhận chính là nhờ phong cách Phục Vụ của Thầy Giêsu ( Jesus’ Style ), của các Môn Đệ, của các Kitô hữu ở giữa cộng đồng nhân loại của mọi thời, của chính chúng ta hôm nay nữa, nếu chúng ta dám nhận làm môn sinh của Thầy Giêsu.


Chả trách Đức Phanxicô cứ đến Thứ Năm Tuần Thánh thì vào nhà tù, lại vào các trung tâm tiếp đón các nạn nhân di tản, người Công Giáo có, Hồi Giáo có, già trẻ lớn bé, đàn ông đàn bà có, hễ nghèo, hễ ở đáy cùng xã hội, là ngài quỳ xuống rửa chân cho họ. Nhiều vị chức sắc thấy vậy thì khó chịu lắm, sao không lấy 12 ông Hội Đồng Mục Vụ quần áo sạch sẽ, tắm rửa thơm tho, đóng vai 12 Tông Đồ ngồi cho vị chủ tế rửa chân, đúng với nghi thức truyền thống đáng trân trọng bao đời ? Nhưng đó là phong cách của Phanxicô, phong cách của Thầy Giêsu !

Kết luận:

Với chúng ta hôm nay thì sao ? Linh Mục không phải ông quan, như kiểu người ta hay hát: được “Chúa nâng con lên hàng khanh tướng” ( khanh là quan văn, tướng là quan võ ). Linh Mục phải là Môn Đệ Thầy Giêsu, mà là Môn Đệ trước hết, gần sát Thầy nhất, cần phải giống Thầy nhất !

Với chúng ta hôm nay thì sao ? Trong gia đình cũng không thể có chuyện “chồng chúa vợ tôi”, nhưng là vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em, phải ân cần tận tụy phục vụ chăm sóc lẫn nhau, vui buồn, sống chết có nhau.

Với chúng ta hôm nay thì sao ? Trong công sở, nhà máy, nhà thương, nhà trường, nếu là người Kitô hữu thì không có phong cách nào khác ngoài phong cách Giêsu !

Những ngày này, đại dịch hoành hành kinh khủng khắp nơi, nhưng chúng ta thấy nổi lên ở khắp nơi tinh thần phục vụ thật tuyệt vời: đó là các y tá, bác sĩ phục vụ các bệnh nhân đến kiệt sức, nhiễm bệnh và chết thảm thương; đó là rất nhiều Linh Mục và Nữ Tu đã gục xuống vì chăm sóc thể xác lẫn tinh thần cho các nạn nhân; đó là các bà các chị cần cù thức khuya dậy sớm để may khẩu trang mang đến tặng các bệnh viện; đó là những người nấu cháo thổi cơm làm phần ăn trợ giúp cho những người vô gia cư, khuyết tật, già yếu, không còn vé số để bán…

Tất cả họ cũng đang quỳ xuống rửa chân cho nhau…

Đó là phong cách Giêsu…

Lm. Giuse LÊ QUANG UY, DCCT,
Thứ Năm Tuần Thánh 9.4.2020

http://giesuchanhlongthuong.net/vui-song-tin-mung/27336/