Ca đoàn vi vu khắp nơi để lan tỏa yêu thương

Quang X Nguyen

 


TTO - TP.HCM có một ca đoàn rất thú vị: bỏ tiền túi, cùng nhau tổ chức hàng trăm chuyến đi tới những nơi hẻo lánh, khó khăn nhất, không chỉ mang quà tặng mà còn mang tiếng hát xoa dịu nỗi vất vả, nhọc nhằn của những mảnh đời bất hạnh.



Ca đoàn Thông Vi Vu đi bằng xe công nông trong chuyến thiện nguyện ở Kon Tum - Ảnh: ĐĂNG PHÚ
Ca đoàn Thông Vi Vu đi bằng xe công nông trong chuyến thiện nguyện ở Kon Tum - Ảnh: ĐĂNG PHÚ



  • Mình muốn mang đến không khí vui vẻ cho người nghèo khó, muốn xoa dịu sự vất vả, nhọc nhằn của họ, muốn trao tận tay món quà để yên tâm nên mới chịu cực đến tận nơi. Làm thiện nguyện không phải đơn giản cứ móc tiền ra là được. Phải gửi tới được những người thực sự cần thì đồng tiền mình giúp mới ý nghĩa. - Chị MINH TÂM



    Đó là ca đoàn có cái tên khá đặc biệt: Thông Vi Vu - là nghệ danh của vị cố giám mục Phan Thiết Vũ Duy Thống. Ca đoàn do anh Nguyễn Leo Long, chồng của ca sĩ Minh Thư - thành viên nhóm tam ca Áo Trắng, làm đoàn trưởng.


    Hơn 100 chuyến đi đến những nơi thiệt thòi nhất


    Ca đoàn hiện có hơn 100 ca viên. Đặc biệt, trong số các thành viên có những người của tôn giáo bạn: Phật giáo, Cao Đài... Ca đoàn quy tụ nhiều thành phần gồm doanh nhân, công nhân, công chức, giáo viên, bác sĩ và những bạn sinh viên...

    Và hiện có hơn 20 thành viên đang sinh sống ở nước ngoài, không còn sinh hoạt nhưng vẫn theo dõi các hoạt động của ca đoàn, thường xuyên ủng hộ vật chất mỗi khi ca đoàn có chuyến đi thiện nguyện vùng sâu vùng xa.

    Mỗi tháng, các thành viên tự nguyện đóng vào quỹ sinh hoạt bác ái 200.000 đồng. Nhờ nguồn tiền ấy, đã có hơn 100 chuyến đi trong suốt nhiều năm qua tới những vùng hẻo lánh, khó khăn nhất của đất nước không chỉ để hát thánh ca mà còn kết hợp làm việc bác ái xã hội.

    Đã hơn 4 năm gắn bó với ca đoàn, chị Minh Tâm, một doanh nhân, nói chuyến đi nào cũng là trải nghiệm chẳng thể quên. Như chuyến đi lên nhà thờ giáo xứ Ia Dreng hồi tháng 9-2018 (xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh, Kon Tum), từ nơi xe khách dừng đi bộ tới nhà thờ khoảng 2-3km.

    Và từ nhà thờ lên các buôn làng, mọi người phải đi bộ tiếp hàng tiếng đồng hồ. Đường đồi núi lại sình lầy, trơn trượt. Mọi người phải chuyền tay nhau từng thùng quà suốt đoạn đường dài mấy kilômet.

    Khi ca đoàn tổ chức buổi phát thuốc, khám chữa bệnh miễn phí và hớt tóc cho các bé, mọi người chú ý tới cậu bé khoảng 4-5 tuổi vì luôn đội chiếc mũ kết cáu bẩn, bạc màu. Lúc đoàn trưởng Long mở chiếc mũ ra, mọi người lặng đi: một nửa đầu bé bị nhiễm trùng nặng, lở loét mưng mủ, bốc mùi hôi thối.

    Thông qua người phiên dịch, mọi người mới biết cậu bé mồ côi. Cái mũ đó là đồ đạc hiếm hoi của ba bé còn sót lại. Cậu bé nhớ ba nên lúc nào cũng đội chiếc mũ, khi ăn, ngủ, tắm, mưa, nắng...

    Đó chỉ là một trong số hàng chục, hàng trăm mảnh đời tăm tối mà ca đoàn đã gặp trong hơn 100 chuyến đi thiện nguyện. Chuyến đi đó còn khiến mọi người nhớ mãi bởi bữa cơm mà người dân mời ca đoàn. "Món ăn gồm những lá, rễ cây và đất. Người dân nói đó là món ngon nhất họ chỉ làm tặng khi có khách quý" - anh Nguyễn Đăng Phú, một thành viên, kể.

    Chị Đặng Ngọc Hoài Phương thì nhớ mãi chuyến đi hát thánh lễ ở nhà thờ Sa Pa (Lào Cai) rồi về Thái Bình. Khi nghe linh mục bày tỏ mong muốn ca đoàn có thể đến thăm và hát thánh lễ ở một nhà thờ rất nghèo thuộc tỉnh Lào Cai, mọi người liền thuê xe đi ngược lên.

    Xe đi đường đèo dốc liên tục nên mọi người ói hết, lại còn nơm nớp lo sợ xe rớt xuống vực. Nhưng hành trình sau đó mới thực sự là "hành xác". Đường nhỏ quá, xe loại 30 chỗ không đi được, mọi người phải đi bộ. Trong đêm tối, đường rừng núi hơn 7km mà không có đèn đường, ca đoàn phải bật điện thoại soi đường đi.


    "Mình mặc 3, 4 cái áo mà răng còn đập lập cập. Ai cũng than lạnh. Nhưng khi thấy trẻ em ở đó ăn mặc phong phanh, không có dép đi, tự nhiên không ai dám than nữa. Tụi mình nắm tay nhau hát trong nước mắt" - chị Phương xúc động khi nhớ lại chuyến đi đầy cảm xúc đó.

    Mọi người chuyền tay nhau cái bao bì, mỗi người bỏ vô một ít, tổng cộng được hơn 10 triệu đồng. Một số người xin thông tin tài khoản để chuyển sau cho linh mục phụ trách mua quà tặng người dân.


  • Ca đoàn vi vu khắp nơi để lan tỏa yêu thương - Ảnh 3.

    Đoàn trưởng Nguyễn Leo Long (bìa phải) thăm hỏi bà cụ bị phong ở Tây Nguyên - Ảnh: ĐĂNG PHÚ

  • Nhìn nụ cười, sân si tan biến...

  • Anh Nguyễn Đình Lộc, một người làm kinh doanh, có 3 con, cho biết anh muốn con có trải nghiệm để sớm khơi dậy yêu thương, sẻ chia và lòng nhân ái ngay từ khi còn nhỏ.

    Cũng như anh Lộc, nhiều người trong ca đoàn dẫn con theo cùng trong những chuyến đi xa dù biết rất vất vả. Hình ảnh những đứa trẻ mới 3-4 tuổi đi bộ đường đèo núi, cùng thức khuya dậy sớm... không còn lạ với ca đoàn Thông Vi Vu.

    "Có điều kiện tôi sẽ dẫn các con đi nhiều hơn nữa, để các con thấy được những giá trị cuộc sống mà không có sách vở nào dạy được. Chỉ cần nhìn thấy nụ cười khi họ nhận món quà mình trao là bao nhiêu mệt mỏi, sân si tan biến hết. Mình thấy vui vì đã trao yêu thương đúng người. Tôi muốn đi thêm nhiều chuyến nữa để mang niềm vui cho nhiều người hơn" - anh Lộc mỉm cười bảo.

    "Tới những vùng nghèo khó, tôi mới biết mình hạnh phúc, may mắn thế nào. Những chuyến đi giúp tôi thấy cuộc sống ý nghĩa hơn, giảm sân si nhiều lắm" - chị Minh Tâm chia sẻ.

    Với Đăng Phú, một trong những thành viên trẻ, thì nhớ mãi hình ảnh những đứa trẻ cầm hộp sữa không biết cách khui ra uống. Có những đứa trẻ cầm bịch snack chỉ dám ăn một miếng rồi cuốn vào trong áo...

    "Mình chỉ có thể bù đắp một chút cho những thiếu thốn, nghèo khó của họ. Khi về, họ nắm tay bảo mong gặp lại. Họ tặng khoai mì, lá cây, trứng... Chính những điều như vậy, càng đi càng cho mình động lực để đi" - Đăng Phú nói.

    Tôi xuất thân từ một đứa trẻ đường phố, thấu hiểu được nỗi xót xa đau khổ của sự thiếu thốn vật chất cũng như tinh thần, đã từng ước mơ và khao khát có ai đó quan tâm đến mình dù chỉ là một lời an ủi hay một mẩu bánh thừa, may mắn là bây giờ tôi đã tìm được những người anh em đồng cảm với mình để cùng tạo niềm vui cho nhau qua những việc làm sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh hơn mình. - Anh NGUYỄN LEO LONG (đoàn trưởng ca đoàn Thông Vi Vu)

    Trong những câu chuyện, các thành viên ca đoàn hay nhắc đến vợ chồng đoàn trưởng. "Tụi mình có động lực vì đoàn trưởng là người thành đạt ở Mỹ, còn vợ là ca sĩ nổi tiếng, đều có điều kiện kinh tế nhưng rất hòa đồng, lăn xả những việc khó khăn, chịu cực.

    Bé Nguyễn Hoàng Vivi An hồi mới hơn 1 tuổi cũng được ba mẹ đưa đi cùng, có khi tới 12h khuya, 1h sáng. Mọi người nhìn vô thấy nể phục và đó cũng là động lực để tụi mình không ngại khó khi đến những nơi vất vả, nghèo khổ" - chị Minh Tâm bày tỏ sự cảm phục khi nhắc về vợ chồng ca sĩ Minh Thư.

    Đăng Phú thì kể một câu chuyện khác: Trong chuyến đi tới một buôn làng của người Jrai ở Tây Nguyên, biết một bà lão mắc bệnh phong bị người làng xa lánh, phải ăn lá cây chấm muối sống qua ngày. Bà ở trong túp lều ngập bóng tối, bồ hóng đen sì, hôi hám.

    Người doanh nhân Việt kiều không chút e ngại, đi thẳng vào trong túp lều thăm hỏi bà cụ rồi tặng quà. "Chính vì có người đoàn trưởng như vậy nên tụi mình ai cũng nghĩ phải cố gắng hơn" - Đăng Phú nói.

  • MY LĂNG

  • Nguồn: https://tuoitre.vn/ca-doan-vi-vu-khap-noi-de-lan-toa-yeu-thuong-20200824085033072.htm