Truyền giáo tại Papua New Guinea - phỏng vấn linh mục Giuse Cao Viết Tuấn

Quang X Nguyen



(Độc giả có thể xem bản gốc tại đây. Cha Giuse Cao Viết Tuấn từng có thời gian là admin VTCG)

Tháng này, Ban Biên tập mời bạn cùng trò chuyện với Cha Giuse Cao Viết Tuấn, một linh mục trẻ, đã can đảm dấn thân đến Papua New Guinea (PNG) xa xôi. Những câu chuyện về hành trình và kinh nghiệm truyền giáo của Cha, hy vọng sẽ giúp bạn cảm nhận được nhiệt huyết của một vị mục từ, một người trẻ, một tâm hồn “dành cả thanh xuân để phục vụ”.


 Cha có thể chia sẻ đôi chút về về quốc đảo PNG được không?

Chào các độc giả của Ymagazine, mình là Giuse Cao Viết Tuấn, thuộc Tu hội Truyền giáo. Tháng 5/2018, mình đến Papua New Guinea làm việc truyền giáo theo lời mời gọi của cha Bề trên Tổng quyền. Trong khoảng gần 2 năm ở Papua New Guinea, mình làm việc mục vụ ở hai giáo xứ: giáo xứ Thánh Danh Chúa Giêsu thuộc Tổng Giáo phận Port Moresby ở Bomana, thủ đô Port Moresby và sau đó là giáo xứ Thánh Antôn Padua thuộc giáo phận Alotau – Sidea ở đảo Trobriand thuộc tỉnh Milne Bay. Tháng 2 vừa qua, mình về Việt Nam để lo một số công việc và bị kẹt lại ở Việt Nam do Covid-19. Hiện tại, mình ở học viện Durando, Đà Lạt và chờ đợi tình hình dịch bệnh được kiểm soát để trở lại Papua New Guinea.


Papua New Guinea (PNG) là một quốc gia gồm nhiều hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương rộng 462.840 km vuông, với dân số hơn 8 triệu dân. Đây là quốc gia được gọi là “nông thôn” nhất thế giới với hơn 87% dân số sống ở nông thôn. Trong đó, 40% dân số sống tự cung tự cấp dựa vào tự nhiên. PNG còn độc đáo với sự đa dạng về văn hoá và ngôn ngữ với gần 1000 bộ lạc với 851 thứ tiếng khác nhau.

Ở PNG được xem là một quốc gia Kitô giáo với đa số người dân theo Tin lành (khoảng 70% dân số), kế đến là Công giáo (khoảng 25%). Giáo hội Công giáo PNG có 19 Giáo phận với tổng số giáo dân khoảng 2 triệu người. Do hoàn cảnh xã hội, điều kiện kinh tế và giáo dục, có rất ít ơn gọi bản xứ, nên nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ đang làm việc ở PNG đến từ các quốc gia khác nhau.


PNG thật đúng là một quốc gia đầy ấn tượng và khiến người ta tò mò. Trong thời gian phục vụ tại PNG, theo cha việc truyền giáo gặp những khó khăn và thử thách gì?


Chân thành mà nói, với cá nhân mình, mình không thấy vấn đề gì là trở ngại hay khó khăn thực sự. Mình xem đó là những thách đố để mình nỗ lực học hỏi, trau dồi thêm. Ví dụ văn hoá, phong tục, ngôn ngữ là những yếu tố cần phải được hỏi hỏi liên tục bằng kinh nghiệm tiếp xúc gặp gỡ với người dân địa phương với tất cả sự tôn trọng, không thành kiến hay thiên kiến, không xét đoán hay so sánh,…

Ngoài ra, do hoàn cảnh Giáo hội địa phương có những điều khác biệt so với Việt Nam, nên nhà truyền giáo cũng cần biết thích nghi và trau đồi thêm các kĩ năng và kiến thức trong việc điều hành công việc, hoặc chăm lo mục vụ giáo xứ. Cụ thể như việc điều hành trường học, bệnh xá vốn là những điều xa lạ với các cha xứ tại Việt Nam. Nhưng ở PNG, các giáo xứ luôn gắn liền với trường học và bệnh xá, nên cha xứ phải có trách nhiệm trong việc điều hành, quản trị.



Đối với cha, kỷ niệm nào là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thời gian phục vụ tại đây?

Sau hai năm phục vụ ở PNG, có rất nhiều kỉ niệm, câu chuyện, sự kiện đáng nhớ. Mình xin kể lại về lễ giáng sinh đầu tiên trên đảo trong vai trò linh mục:

Giáng sinh đầu tiên trong vai trò linh mục ở vùng truyền giáo, quả là một ấn tượng đáng nhớ. Nhất là năm nay có hai ông bà người Áo đến đảo vừa mừng lễ Giáng sinh vừa tổ chức một số hội thảo liên quan đến việc xây dựng và lập dự án. Ông Rainer là kiến trúc sư thâm niên hơn 25 năm, ông tình nguyện đến làm việc ở Giáo phận Kiunga hơn một năm nay. Còn người vợ, Regina là nhân viên công tác xã hội cũng làm việc cùng Giáo phận đã được 6 tháng.

Họ đến bằng máy bay trưa ngày 23/12, ngay buổi chiều mình dẫn họ đi lòng vòng một vài làng gần đây để có một vài ý niệm về cuộc sống của người dân đảo. Ngày 24, sau khi dâng lễ và ăn sáng, mình cùng hai ông bà đi bộ đến Losuia là nơi có dự án xây một căn nhà đa năng: nhà thờ, phòng trọ, phòng hội thảo, nhà xứ... Ở đây, họ đến xem khu đất, gặp bà con để thảo luận để hoàn thiện bản vẽ. Sau đó đi ra chợ, mình mua thêm bánh kẹo chuẩn bị cho Giáng sinh (lần trước mua ở Alotau nhưng vẫn chưa đủ). Lúc này đi bộ về nhà xứ, mọi người chia nhau mang vác các thùng bánh kẹo, lại gặp cơn mưa bất chợt giữa đường, được tắm mưa đúng là đáng nhớ!

Về nhà tắm rửa rồi tranh thủ nấu nướng ăn trưa xong cũng đã 3g chiều. Sau hơn 1 tiếng nghỉ ngơi, 5g, mình và ông bà lại đi bộ vào Kapwapu. Tại đây, ông bà lại có dịp đi vòng quanh làng, trong khi mình giải tội và chuẩn bị dâng thánh lễ lúc 6g30 tối. Lễ xong, chia sẻ với bà con ít bánh kẹo, mình và ông bà đi bộ về nhà xứ dưới bầu trời đầy sao, con đường vắng vẻ và không khí không thể trong lành hơn. Một cảm giác thật khoan khoái dễ chịu, ai nấy đều vui vẻ, cho dù bụng đói meo.




Về nhà xứ cũng đã gần 9g, mình nhờ các soeur nấu ăn tối, nên về tới nơi là có cơm ăn ngay. Mình vội vàng ăn đôi chút để kịp tắm rửa (vì trời nóng, mồ hôi nhễ nhại) để dâng lễ đêm ở nhà thờ giáo xứ lúc 9g30. Thánh lễ trang trọng và sốt sắng với đông đảo bà con tham dự. Sau thánh lễ, ở sân nhà thờ với đèn điện thắp sáng (nhờ có hệ thống năng lượng mặt trời mới), câu chuyện giáng sinh được diễn thành một vở ca kịch hấp dẫn vừa bằng tiếng Anh vừa bằng tiếng thổ dân. Mọi người ai nấy phấn khởi. Sau đó, mình chia sẻ với mọi người chút quà bánh gọi là mừng lễ.

Có nhiều trẻ em đi nhà thờ và không thể thức đến giờ đó, chúng ngủ la liệt trong nhà thờ. Có một em thức dậy khi kịch đã xong, mọi người đang ngồi nói chuyện. Thế là cậu ta khóc lóc thảm thiết, không ai dỗ được, kể cả cho bánh kẹo, bởi vì đã lỡ vở kịch nhất là khi cậu được phân một vai trong đó. Mình hỏi ra thì biết cậu đóng vai... chiên (có nhiều em nhỏ đóng vai những con chiên theo các mục đồng đến hang đá). Thật là đáng thương! Đành hẹn giáng sinh năm sau.

Mình về phòng cũng đã gần 1g sáng, kiểm tra đồng hồ thì thấy hôm đó mình đã đi bộ được 17km. Nhưng mình vẫn chưa được nghỉ, bởi vì ở đây các bạn trẻ, thiếu nhi lập thành nhiều nhóm đi quanh làng ca hát, nhà này qua nhà khác, chúc mừng giáng sinh và được nhận tiền / quà mừng. Đã từng kinh nghiệm không thể chợp mắt vì các nhóm này đến nhà xứ ca hát từ năm ngoái, mình dặn mọi người cứ hát, nhưng không thấy mình xuống thì xin thông cảm, đừng đợi.

Vậy là khi lên giường, mình nhét tai phone vào tai, che hai tai bằng mền, thế là mình chỉ nghe được 2 nhóm đến hát (nhưng vẫn nằm im không xuống), còn sau đó mình không biết có bao nhiêu nhóm đến. Khi thức giấc, đã 5g sáng, mình liền dậy để chuẩn bị cho những hoạt động tiếp theo của ngày Giáng sinh.






Quả là một lễ Giáng sinh đặc biệt, mọi thứ khác lạ so với lễ Giáng sinh ở bất kỳ nơi đâu. Con ước gì mình được một lần trải nghiệm lễ Giáng sinh tại PNG.

Và để kết thúc, với chủ đề tháng 9 của Ymagazine "Tình yêu Thánh Thể", cha có điều gì muốn gửi gắm đến các bạn độc giả của Ymagazine, đặc biệt là các bạn trẻ không ạ?


Thánh Thể là đỉnh cao và nguồn mạch của đời sống giáo hội, điều này bao hàm Giáo hội địa phương cũng như cá nhân người Ki tô hữu.

Mình xác tín Thánh Thể xây dựng đời sống giáo hội với những gì mình trải nghiệm. Có những cộng đoàn tín hữu rất rời rạc, khô khan trong đời sống đức tin do thiếu linh mục chăm sóc. Họ không có thánh lễ thường xuyên. Nhưng khi mình đến, mình đã quyết định vào làng dâng lễ vào các ngày thường, để ít nhất mỗi tuần, người dân có một thánh lễ. Có nhiều điều cần phải làm: tập giúp lễ, tập đọc sách, soạn bài hát, tập thưa đáp trong thánh lễ, giải thích giáo lý, giảng giải Lời Chúa… Và nhờ sự hiện diện của Chúa Thánh Thể, đời sống đức tin của cộng đoàn được nuôi dưỡng và phát triển một cách kì diệu.

Về cá nhân, mình cảm thấy chính Thánh Thể là trung tâm và chóp đỉnh của đời sống linh mục, đời sống của nhà truyền giáo. Thánh lễ và các buổi chầu thánh thể cùng cộng đoàn hoặc cá nhân là nguồn sức mạnh giúp cho nhà truyền giáo nỗ lực hăng say làm việc giữa một môi trường hoàn toàn xa lạ và thiếu thốn trăm bề. Chính Thánh Thể là tác nhân làm việc qua các linh mục truyền giáo yếu đuối mỏng dòn.

Cảm ơn Cha đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này. Con chúc Cha thật nhiều sức khỏe và tràn đầy hồng ân của Thiên Chúa trên con đường truyền giáo của mình.


Bài viết : Mộc Yên
Trình bày : Nguyễn Linh

Nguồn: https://ymagazine.net/vn/bai-viet/truyen-giao-tai-papua-new-guinea