Hồi má còn sống, má thích bông bần lắm. Chiều chiều má cứ ra mé sông ngó mấy cái bông bần phất phơ trước gió, rồi nét mặt của má cứ buồn buồn thật khó tả. Má thích bài hát “Em Về Miệt Thứ” mà cô Hương Lan hay hát trên đầu dĩa, nhất là câu: “…bông bần rụng trắng bờ sông, lấy chồng mà xa xứ, khó mong ngày dìa…”. Rồi má khóc…!
Đứng trong nhà ngó ra, thấy má dụi mắt, mặt buồn rười rượi, tôi chắc mẫm chín phần mười là má nhớ nhà, nhớ ông bà ngoại. Quê ở Tiền Giang, má theo ba tôi về miệt Đất Mũi làm dâu. Má thương ba nên mới chấp nhận đi xa, chấp nhận rứt ruột bỏ lại cả một cái cơ ngơi rộng lớn là gia đình thân yêu, nơi đó có ông bà ngoại cùng mấy anh chị em chung sống. Đúng là tình thương không biên giới, nhưng thiệt nghe ba kể mấy bữa mới về làm dâu tội má lắm, tối đi ngủ cứ khóc hoài.
Thân làm dâu, về phụng dưỡng ba mẹ chồng như ba mẹ ruột, má còn lo cho cả mấy con heo, mấy con gà và lo phụ ba canh tác cả cái ruộng mà ông bà cố nội để lại. Cuộc sống vốn nhiều vất vả đã đành, lại thêm điều tiếng xóm giềng đặt cho, nhiều khi tiếng tốt cũng mừng, nhưng dè đâu tiếng xấu thì đành cắn răng mà chịu vậy. Chạng vạng tấn mùng đi ngủ, nằm nghe tiếng muỗi cứ o o làm nhứt óc, thêm tiếng mưa lâm râm cứ khuấy nhột cả cái tâm trạng buồn thui thủi của má, vậy là má lại khóc.
Thấy má ra bờ sông ngồi mình ên, tôi nhảy xổ vào người má, chỉ mong làm má vui hơn, bớt buồn lại. Chợt tôi hỏi:
– “Sao má thích ngắm cây bần quá vậy?”
– “Tao thích dòm bông chứ có thích cả cây đâu.” Má gượng cười trả lời tôi.
Tôi nghịch nói với má:
– “Nhưng bông bần có đẹp gì đâu, xấu òm. Thêm trái chua lè chua loét. Con chẳng thích đâu!”
Má đẩy nhẹ đầu tôi rồi dịu giọng lại:
-“Tại mỗi lần má nhìn bông bần, má nhớ ông bà ngoại con. Hồi nẫm, nhà nghèo không có đồ ăn, nên ông bà ngoại cho mấy anh chị em má ăn bần chấm muối với cơm miết.”
Tôi nũng nịu cầm tay má rồi nói:
-“Thôi mà má, đừng buồn nữa mà!”.
Nói vậy thôi chứ nỗi buồn trong lòng làm sao xoa dịu được. Đó là một nỗi buồn man mác mà mấy ai thấu, chỉ những ai trong cuộc mới nếm hết vị mà thôi. Tôi cũng chỉ nghiệm được điều này vào cái ngày má rời tôi để đi gặp ông bà ngoại, chứ lúc nghe được những lời đó thì dễ dầu gì hiểu được.
Ngày ông bà ngoại mất, vì thông tin đường đi khó khăn, nên mãi gần một tháng sau ngày chôn ông bà má mới biết. Biết rồi khóc chứ làm gì hơn được nữa. Má xin phép ông bà nội và ba tôi cho làm bàn thờ ông bà ngoại bên vách nhà, thấp hơn bàn thờ Chúa. Được cả nhà đồng ý, má nhờ người ta họa lại hình ông bà ngoại trong trí nhớ của mình, rồi lấy lon sữa bò bỏ ít cát, mua bó nhang về đốt. Bàn thờ làm xong, má ra bờ sông hái mấy trái bần, dọn chén muối ớt nhỏ để lên bàn thờ, đốt nhang cắm vô lon sữa bò. Rồi má lại khóc.
Trước khi đi, má ra mé sông ngắt một cái bông bần nhỏ xíu, thành khẩn cài lên ngực áo rồi vái nhang cầu nguyện trước bàn thờ Chúa và bàn thờ ông bà ngoại. Má không cài bông hồng trắng, lý do là vì ông bà ngoại thích bông bần, chỉ vậy thôi.
Má biểu cứ mỗi lần nhìn thấy bông bần rụng xuống sông, là má lại xót xa phận làm dâu xa xứ. Khổ cực trăm bề má chịu được hết, nhưng sao cái khoảng cách xa cha mẹ lại bám dai dẳng đến như vậy, thiệt khó hiểu. Rồi má tự lý luận cho mình: “Đúng rồi, khúc ruột của mình mà!”.
Ngày má mất, tôi đang học ở Sài Gòn. Ba gọi lên kêu tôi về gấp, nhưng về tới nơi người ta đã vuốt mắt và đậy khăn cho má rồi. Tôi sững sờ hồi lâu nhìn má mà chẳng khóc nổi, cảm xúc như bị đóng băng. Ba lại gần vai tôi rồi ôm tôi mà khóc nứt nở.
– “Má con bị ung thư dạ dày, vậy mà lâu nay bả giấu ba im ỉm, đau đớn mà không hé răng nửa câu. Có hôm bả nói bả bị đau bao tử, bỏ cơm rồi nằm li bì. Tội nghiệp, cả đời bả hy sinh cho cha con mình rồi!”. Nghe ba nói xong tôi khóc…
Chợt sực nhớ, tôi nhìn ra, rồi chạy một hơi ra mé sông. Tôi tìm cây bần ngày xưa, nhưng tiếc nó bị chặt rồi. Mấy hổm rày xã nới rộng đường, nên mướn xáng múc sình đổ lên cao hơn, thấy cây bần choáng chỗ quá, họ phăng ngang cây bần. Tôi quỵ xuống mé sông, khóc rống lên vì đã mất đi một kho báu quý giá nhất mà phận làm người chỉ được có một lần.
Nhưng thấy đám đất xáng mới múc còn ướt một chút ở phần mé, tôi nhảy ùm tới rồi lấy hai tay quào loạn xạ. Tôi thấy gốc bần vẫn còn, tôi lại khóc… “Má ơi! Má còn ở đây với con nè!”.
Hôm đám tang của má, tôi chạy qua nhà dì Tư hàng xóm, xin mấy trái bần để lên dĩa đặt trên bàn thờ của má. Sẵn xin bông bần kết thành một chùm nhỏ mà để trên mấy trái bần. Nhìn lên di ảnh của má, tôi thấy má cười với tôi. Chắc mẩm má đang nói với tôi điều gì đó…
Lo đám ma xong. Cha con tôi bứng gốc bần vào một góc sân nhà trồng. Cha con tôi nâng niu gốc bần như thể má đang hiện diện với cha con tôi vậy. Rồi tôi trở lên Sài Gòn tiếp tục học. Tôi cũng xin một cây bần con đem lên Sài Gòn, trồng trong khoảnh đất nhỏ trước nhà trọ.
Cây bần mà cha con tôi bứng trồng, cây bần kỷ niệm của má tôi, giờ đang sống và lớn thành một cây to trước nhà che mát cả một góc sân.
Khôn lớn và hiểu chuyện rồi, tôi lại học theo thói quen của má mỗi dịp Vu Lan về, cài bông bần lên ngực áo và đi dự Thánh Lễ cầu nguyện cho má, cho ông bà ngoại.
Giờ thì tôi đã nghiệm ra nét đẹp của loài bông dại ấy, màu trắng tang tóc, màu hồng tình yêu và màu xanh hy vọng.
https://dongten.net/2020/08/27/bong-ban-cai-ao/