10 năm “Giải VHNT Đất Mới” của Giáo phận Xuân Lộc

Quang X Nguyen


10 NĂM GIẢI VĂN HÓA NGHỆ THUẬT ĐẤT MỚI
Giáo phận Xuân Lộc 2010-2020




Giải Văn hóa Nghệ thuật Đất Mới được Ban Văn hóa kết hợp với Ban Truyền thông Giáo phận Xuân Lộc tổ chức trao giải lần thứ nhất năm 2011, đến nay là lần trao giải thứ 10 (năm 2020). Sự duy trì một giải Văn hóa nghệ thuật trong thời gian dài là một nỗ lực rất lớn về Mục vụ văn hóa của giáo phận Xuân Lộc. Trong tình hình hoạt động văn học nghệ thuật ở các giáo phận trong cả nước còn trầm lắng, Văn chương thị trường “…chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, hạ thấp chức năng giáo dục, nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí…truyền bá các tác phẩm độc hại, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân và đất nước… “ (Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị ngày 16/6/2008), thì Giải Văn hóa nghệ thuật Đất Mới với “ước muốn xây dựng những giá trị văn hoá nghệ thuật Công giáo nơi cộng đồng dân Chúa” là một hoạt động giàu ý nghĩa và thật đáng trân trọng.Đón các tác giả

MỤC ĐÍCH TỔ CHỨC GIẢI


Tông Huấn Giáo Hội Tại Châu Á (ECCLESIA IN ASIA của ĐGH J.Paul II) dạy rằng: “…Con đường của những nhà rao giảng Tin Mừng là làm cho đức tin Kitô giáo trở nên một thành phần của di sản văn hoá của dân tộc.”

Giải Văn hóa-Nghệ thuật Đất Mới là một hoạt động nằm trong chương trình Mục vụ Văn hóa của giáo phận Xuân Lộc, đáp lại lời dạy của Giáo hội.

Thông báo đầu tiên của giáo phận Xuân Lộc nói rõ về mục đích của Giải:

“Các văn kiện của Giáo hội về Mục vụ văn hoá và các tác phẩm của Đức cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh, nhất là bộ truyện dài “Đất Mới”, đã khơi gợi ước muốn xây dựng những giá trị văn hoá nghệ thuật Công giáo nơi cộng đồng dân Chúa…Vì thế Ban Văn Hoá giáo phận Xuân Lộc tổ chức giải Văn Hoá Nghệ Thuật Đất Mới.

Thông báo tiếp theo, Giáo phận nói rõ hơn về tầm quan trọng của Văn hóa- nghệ thuật:

“Văn học nghệ thuật là lãnh vực quan trọng của văn hoá góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị tinh thần của con người. Trong xu thế hội nhập toàn cầu hoá, việc gìn giữ những giá trị văn hoá dân tộc, chống lại ảnh hưởng xấu cuả văn hoá thực dụng, ngoại lại, phi nhân, trở nên cấp bách và cần thiết hơn bao giờ, đặc biệt trong việc gìn giữ và giáo dục đức tin đối với người trẻ, trong gia đình, giáo xứ và các môi trường xã hội. Để góp phần vào công cuộc xây dựng văn hoá Công Giáo trong Giáo Phận, Ban Văn Hoá giáo phận Xuân Lộc tổ chức cuộc thi sáng tác VHNT Đất Mới”.

THỐNG KÊ TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM CÁC NĂM


 2011201220132014201520162017201820192020
Tác giả223645606192103125155124
Thể loạiThơTruyện ngắnTruyện dàiKịch BảnCa khúcPhim ngắnẢnh đẹp Công giáo
Số tác phẩm (10 năm)6815 bài (103 tập thơ)5413966  660  04577 ảnh đơn + 56 bộ ảnh



Các tác giả tham gia giải ngày càng mở rộng ra các giáo phận trong cả nước: Tổng GP Sài Gòn, Tổng GP Huế, Tổng GP Hà Nội, giáo phận Hưng Hóa, Giáo phận Long Xuyên, giáo phận Qui Nhơn…và nhiều tác giả ngoài Công giáo.

Năm 2020 có 124 tác giả:
Tác giảHà NộiHuếSài GònCông giáoKhông Công giáoĐại Chủng việnDòng tuĐan việnHội Nhà văn
TS211588111130418065


Giải cũng mở rộng thêm các bộ môn. Lúc đầu chỉ có bộ môn Thơ, Truyện ngắn, Truyện dài, Ca khúc và Kịch bản văn học. Năm 2017 có thêm bộ môn Ảnh nghệ thuật “nét đẹp Công giáo” và năm 2020 có thêm giải Phim ngắn với chủ đề: “Sống đạo”, mở rộng khả năng phản ánh hiện thực đời sống Công giáo và làm phong phú sắc màu nghệ thuật của giải.

CÁC GIÁ TRỊ ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC

1. Nhìn trong tiến trình lịch sử văn học


Trong thực tế, văn chương Công Giáo tại Việt Nam còn rất khiêm tốn bên cạnh lịch sử văn chương dân tộc. Kể từ khi đạo Công giáo truyền vào Việt Nam đến nay, đã có khá nhiều các nhà văn hóa Công giáo ở nhiều lĩnh vực, song trong lĩnh vực sáng tác văn chương, định vị được với lịch sử văn học dân tộc chỉ có một số tên tuổi. Đáng kể là Felippe do Rosario Bỉnh (1759-1833), Đặng Đức Tuấn (1806-1874), Nguyễn Trường Tộ (1827-1871), Huỳnh Tịnh Paulus Của (1834-1907), Trương Vĩ Ký (1837-1898), P.J.B Nguyễn Trọng Quản (865-1911), nhà thơ Hàn Mạc Tử (1912-1940), Lm Kim Định (1915-1997), Lm Thanh Lãng (1924-1978), nhà thơ Xuân Ly Băng (1926-2017), GS Nguyễn Văn Trung, Đức Giám mục J.B Bùi Tuần, Song Nguyễn (Đức Giám mục Daminh Nguyễn Chu Trinh), Lm Trăng Thập Tự, nhà thơ Lê Đình Bảng… Về thể loại, các tác phẩm văn học Công giáo hầu hết là thơ. Những thể loại khác như truyện ngắn, truyện dài, kịch là rất ít.

Nguyên nhân là do lịch sử truyền giáo ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, Giáo hội mới chỉ chăm lo xây dựng những nền tảng Hội Thánh. Chẳng hạn, xây dựng nhà thờ, đào tạo chủng sinh, thành lập các giáo phận, giáo xứ, in ấn kinh sách, Việt hóa các nghi lễ phụng vụ, tổ chức các nề nếp sinh hoạt Mục vụ, cử hành các Bí tích; đồng thời tập trung vào việc rao giảng Tin Mừng thông qua cử hành Phụng vụ. Hơn nữa văn học nghệ thuật là một lĩnh vực đòi hỏi tài năng, tâm huyết và lòng nhiệt thành, lại phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh xã hội, vì thế văn chương Công giáo chưa trở thành một bộ phận có những đóng góp giá trị vào sự phát triển chung của văn học dân tộc. Điều này thể hiểu.

Giải Văn hóa-Nghệ thuật Đất Mới là một hoạt động Mục vụ của giáo phận Xuân Lộc trong nỗ lực “làm cho đức tin Kitô giáo trở nên một thành phần của di sản văn hoá dân tộc” như lời dạy của Giáo hội. Còn cần nhiều thời gian những giá trị của Giải mới có thể lan tỏa.

Tuy vậy, sự phát triển của Giải thật đáng mừng. Giải đã quy tụ được nhiều tác giả Công giáo và ngoài Công giáo, trong đó các cây bút chuyên nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều. Mỗi năm, Ban Văn hóa giáo phận đều in được một tuyển tập các tác phẩm đoạt giải. Đó là một niềm hy vọng. Với 541 truyện ngắn và 39 truyện dài, Giải đã có được một số vốn kha khá so với số tác phẩm tiểu thuyết Công giáo tính từ Truyện Thầy Lazarô Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản đến nay. Và điều đáng mừng hơn là Giải VHNT Đất Mới đã trở thành một hoạt động văn hóa của giáo phận có sức thu hút ngày càng rộng trong mọi thành phần dân Chúa để cùng nghĩ suy, cùng sáng tạo, cùng khẳng định những giá trị của Tin Mừng.

2. Giá trị của “Văn hóa nghệ thuật Đất Mới”


Đặc sắc các tác phẩm của Giải không chỉ phản ánh đời sống Công giáo trong một không gian, thời gian rộng, không chỉ đặt ra những vấn đề thách thức lương tâm Công giáo trước thời đại, mà còn thể hiện phong phú vẻ đẹp của tư tưởng Nhân văn dưới ánh sáng Mỹ học Kitô giáo.

Mỹ học Kitô giáo khám phá cái đẹp của Con người trong hình ảnh Thiên Chúa: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (Stk 1, 27). Tư tưởng Nhân văn Kitô giáo là tư tưởng về tình yêu thương Con người, giải thoát Con người khỏi đau khổ, tội lỗi và sự chết. Đó chính là tình yêu Thiên Chúa dành cho con người qua Đức Kitô: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình (Ga 15, 13 ).

Tư tưởng này rất gần gũi với tư tưởng Nhân văn của dân tộc. Người Việt nhìn bản chất Người là Đẹp: “Người ta là hoa đất”, coi trọng giá trị Con người (“Một mặt người hơn mười mặt ruộng”), và lấy thái độ sống “Thương người như thể thương thân” làm phẩm hạnh hàng đầu.

Con người ở đây chính là những “người thân cận” (Mt 22, 39) với mình trong mọi hoàn cảnh của đời sống.

Các tác phẩm VHNT Đất Mới nhìn Con người với một niềm tin yêu, trong sáng và hy vọng, rất khác với cái nhìn bi quan, cái nhìn hạ thấp phẩm giá con người, coi “tha nhân ấy là địa ngục” (J.P.Sartre), trong nhiều tác phẩm văn chương đương đại khai thác thị hiếu bản năng, cổ vũ lối sống thực dụng, vị kỷ, vô luân…

Bạn đọc có thể tiếp cận được những giá trị của tư tưởng Nhân văn Công giáo trong các tác phẩm của Giải (xin đọc Tuyển tập 10 năm).

3. Khẳng định những giá trị văn hóa Công giáo


Đã có những lúc, do hoàn cảnh nhất định, trong văn chương Việt Nam xuất hiện những tác phẩm miêu tả sai lệch về đời sống người Công giáo, chẳng hạn Bão Biển của Chu Văn, Cha con và của Nguyễn Khải…

Các tác phẩm của Giải VHNT Đất Mới khắc họa thành công hình ảnh các Linh mục, nữ tu sống “Đời dâng hiến” là những người hết lòng vì đoàn chiên, dù phải đối mặt với những hoàn cảnh khốc liệt, phải hy sinh mạng sống; đồng thời phản ánh được thực tại sống “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” của người Công giáo Việt Nam ở khắp nơi trên quê hương đất nước. Không gian nghệ thuật mở rộng từ vùng sông nước miền Tây Nam bộ đến núi rừng Tây Nguyên, Tây Bắc; từ Việt Nam đến các giáo hội ở Châu Phi trong khoảng thời gian từ trước 1945 đến nay với nhiều biến động lịch sử.

Các tác phẩm VHNT Đất Mới cũng lên tiếng mạnh mẽ trong việc bảo vệ sự sống, bảo vệ thai nhi, bảo vệ gia đình là cái nôi của mọi giá trị văn hóa truyền thống và đời sống tâm linh. Những vấn đề về môi trường sống, môi trường thiên nhiên, môi trường văn hóa cũng được nhiều tác giả quan tâm, đặc biệt khi đất nước hội nhập toàn cầu hóa và các làn sóng xâm lăng văn hóa đang làm băng hoại con người hôm nay…

Các tác phẩm VHNT Đất Mới cũng đề cập nhiều đến những vấn đề của người trẻ, đó là sống đức tin trong một môi trường xã hội có một nền văn hóa khác biệt với văn hóa Kitô giáo, hay trong một bối cảnh xã hội khắc nghiệt (Truyện dài Đóa hồng thứ 40); vấn đề tình yêu và tình dục, vấn đề hôn nhân khác tôn giáo, vấn đề hạnh phúc…

Với những gì đã đạt được, Giải VHNT Đất Mới hy vọng sẽ góp phần làm phong phú văn chương nghệ thuât Công giáo và ngày càng có nhiều tác phẩm giá trị về tư tưởng và nghệ thuật làm nở hoa Mục vụ văn hóa của Giáo hội.

4. Định hình nghệ thuật Công giáo


Nghệ thuật Công giáo có đặc điểm gì? Đó là nền nghệ thuật lấy tư tưởng Mỹ học Kitô giáo làm lý tưởng thẩm mỹ, lấy chủ nghĩa Nhân văn Kitô giáo làm nội dung. Nền nghệ thuật ấy có cội nguồn là Kinh thánh (cả Cựu Ước và Tân Ước). Điều này có thể nhìn thấy rõ trong hội họa, âm nhạc, kiến trúc…phương Tây.

Các tác phẩm tham gia Giải VHNT Đất Mới kế thừa các truyền thống nghệ thuật của Giáo hội và của dân tộc và dần dành định hình nét riêng trong việc chọn đề tài, trong cách kiến tạo tác phẩm, xây dựng nhân vật, kiểu bút pháp và cách thể hiện. Ngày càng có sự phong phú về màu sắc thẩm mỹ của nhiều phong cách nghệ thuật, ngày càng có sự công phu trong tìm tòi sáng tạo. Từ một giải địa phương, các tác phẩm của Giải đã có thể sánh ngang với nhiều giải thưởng văn học trong nước về phẩm chất để tự khẳng định sự đóng góp những giá trị mới của văn học Công giáo vào dòng chảy văn học đương đại. Tất nhiên, sự đóng góp này còn khiêm tốn, nhưng đã là những tín hiệu vui.

Thí dụ, các tác phẩm Diễn ca Kinh thánh đều có dấu tích thể loại Diễn ca của dân tộc; Giải VHNT Đất Mới đã có những công trình lớn thi hóa Kinh thánh bằng các thể thơ, Phú dân tộc như: Châm Ngôn Kinh thánh diễn thơ (Trần Trung Hậu), Sách Tôbia & Sách Giu-đi-tha (Bùi Văn Nghiệp), Sách Sáng Thế, Sách Étte, Sách Tông Đồ Công Vụ, Sách Xuất Hành; Lịch sử cứu độ (1000 khúc thơ-Nguyễn Tiến Mỹ), Dệt thơ Lời Chúa năm A-B-C, trường ca về các thánh tử đạo (Nguyễn Hữu Tâm, Cao Danh Viện). Tác giả Nguyễn Thị Như Hà có hai tập thơ hơn 900 bài Haiku, trích 440 câu trong các sách Huấn ca, Châm ngôn, Is, Ai ca, Diễm ca; Giêrêmia; A-mốt; Ê-phê-xô; Mt; Ga; Lc; 2Côrintô; Mikha; Gióp; Tv; 2Samuel, Đệ nhị luật. Đó là một công trình đồ sộ.

Các ca khúc Đất Mới tiếp tục nền thánh ca của Giáo hội kết hợp với bản sắc âm nhạc Việt. Giải VHNT Đất Mới còn góp thêm những sáng tác mới về Đức Mẹ Núi Cúi.

Truyện dài Đất Mới là một thành công đặc biệt. Bởi truyện dài là một thể loại khó đòi hỏi tài năng và tâm huyết. Những năm đầu của Giải có rất ít truyện dài. Đến nay, sau 10 năm Giải đã có 39 truyện dài, trong đó đã có những tác phẩm thực sự giá trị về nội dung tư tưởng và nghệ thuật. Thí dụ truyện dài Những nốt nhạc nên đời (2013), Bé Hai, Huỳnh Đệ Vàng (2014), Hương Thạch Thảo (Phạm Thị Lành 2018 ). Nổi trội hơn cả là: Ôi tội hồng phúc (Nguyễn Phương Thảo-Canada. 2017) và Đóa hồng thứ 40 (2020)…

Từ truyện vừa (đoản thiên tiểu thuyết) Thầy Lazarô Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản đến thơ Hàn Mạc Tử là một chặng đường tìm tòi sáng tạo, văn học Công giáo đã ghi được dấu ấn với lịch sử văn học dân tộc. Thế hệ kế tiếp là các nhà thơ Xuân Ly Băng, Trăng Thập Tự, Lê Đình Bảng, nhà văn Song Nguyễn, Cao Gia An…

Gần đây, các công trình Lịch sử văn học Công giáo Việt Nam (Võ Long Tê, 1965), Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường (Lê Đình Bảng-2009), các bộ sách 6 cuốn Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam (Lê Đình Bảng sưu tâp 2009) và bộ sách 5 cuốn Có một vườn thơ đạo (Trăng Thập Tự chủ biên 2012) đã khẳng định được có một nền văn học Công giáo Việt Nam khá phong phú. Tạp chí Nghiên cứu văn học của Viện Văn học số tháng 7/2020 đã thực hiện chuyên san: “Văn hóa, Văn học Công giáo Việt Nam-Diện mạo và đặc sắc”như là sự khẳng định sự tồn tại của văn học Việt Nam trong dòng chảy văn học dân tộc.

Thực ra, Kinh thánh (Cựu Ước và Tân Ước) là một kho tàng hết sức đồ sộ mà các nhà văn Công giáo có thể học tập và sáng tạo. Kinh Thánh kể rất nhiều câu chuyện. Đặc biệt là những dụ ngôn Đức Giêsu trực tiếp kể. Đó là những truyện ngắn sâu sắc về tư tưởng, phong phú về nghệ thuật và đặc biệt là có khả năng khai mở tâm linh người nghe, đem đến cho người nghe Ơn Cứu Độ. Xin đọc đoạn Kinh Thánh kể về người đàn bà ngoại tình bị ném đá (Ga 8, 2-11), cuộc đối thoại của Đức Giêsu với chị em Mac-ta (Ga 11, 1-45), Đức Giêsu đối thoại với Philatô (Ga 18, 28-38), Đức Giêsu kể dụ ngôn người Sanari nhân hậu (Lc 10, 29-37), dụ ngôn Người cha nhân hậu (Lc 15, 11-32), dụ ngôn ông nhà giàu và anh La-da-rô nghèo khó (Lc 16, 19-31)…Những câu chuyện ấy đã trở thành tâm thức của nhân loại suốt hơn 2000 năm qua.

Gần đây, tác phẩm thơ Dưới cái cây ánh sáng của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, hiện là Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, khai thác rất hay ý tưởng về Thánh giá và cuộc khổ nạn của Đức Giêsu.

Nhìn lại như thế để các tác giả tham gia Giải VHNT Đất Mới tự hào về những gì cha ông đã làm được, và nỗ lực hơn nữa sáng tạo những tác phẩm giá trị đóng góp cho văn học dân tộc.

VỀ VIỆC TỔ CHỨC GIẢI


1. Nỗ lực của toàn giáo phận.


Sự thành công của Giải về tổ chức là nỗ lực của toàn giáo phận. Trước hết là của các Đức cha giáo phận. Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh là người khởi xướng tổ chức Giải, Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, người tiếp tục mở rộng mục vụ Văn hóa. Các Ban Truyền thông, Ban Văn hóa, Ban Thánh nhạc và Ban Giáo dân phối hợp tổ chức mọi mặt, từ trang trí sân khấu, tổ chức hội trường, chuẩn bị tài chính, chuẩn bị giải thưởng, in ấn tác phẩm, khách mời, tổ chức họp mặt tác giả, chuẩn bị các tiết mục công diễn phụ họa (Múa của các dòng Tu như Hội dòng Mến Thánh Giá, Hội dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục, hội dòng Thánh Gioan Thiên Chúa, các thầy Đại Chủng viện thánh Giuse Xuân Lộc, ca đoàn Sao Mai, ca đoàn và các đoàn thể giáo xứ Russeykeo; Giới Hiền mẫu và Gia trưởng của Giáo xứ Chính Tòa v.v…Tất cả tạo nên một chương trình trao giải hoành tráng và hiện đại. Ngày trao Giải VHNT Đất Mới trở thành một sự kiện văn hóa đặc thù của giáo phận.

2. Sự nhiệt tình tham gia của các tác giả.


Một giải thưởng văn nghệ chỉ thực sự thành công khi có nhiều tác giả tham gia. Giải VHNT Đất Mới có nhiều tác giả tham gia nhiều năm, tham gia ở nhiều thể loại, cả thơ, văn, truyện và kịch. Các tác giả đều nỗ lực vượt lên chính mình so với lần trao giải trước.

Xin đơn cử, Thầy Petrus Dương Kim Quới tham gia giải từ ngày đầu. Thầy đạt giải thưởng cả ở bộ môn thơ, truyện ngắn và ca khúc. Nhóm Sao Mai gồm các nhạc sĩ Nguyên Nhung, Đoàn Văn Sửu, Viết Phương, Hồng Việt, Ngọc Tuyên có tác phẩm đạt giải hầu như ở khắp các năm; nhiều nữ tu viết truyện dài, đạt giài nhiều lấn như: nữ tu Maria Hà Thị Thúy Diễm (đạt giải truyện dài Con Hoang. 2011, Những nốt nhạc nên đời. 2013, Xương bánh Đúc. 2015, truyện ngắn Khóc Muộn. 2018). Nữ tu Maria Vinc Nguyễn Thị Chung (đạt giải các truyện dài Đâu là hạnh phúc thật. 2015; Thử chết một lần. 2016; Khi trái tim lên tiếng. 2018; Chàng xe ôm. 2019). Maria Phạm Thị Lành (truyện dài Huỳnh Đệ vàng.2014; Phía sau hố thẳm tội lỗi 2016, Hương Thạch Thảo. 2018) Tác giả thơ Catarina Nguyễn Thị Lam (Song Lam) đạt giải các năm 2012, 2013, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019); tác giả trẻ Lê Quang Trạng (Long xuyên) đạt giải truyện ngắn và Kịch các năm 2015, 2016, 2017, 2018)…

Có thể nhận thấy chính sự tham gia nhiệt tình và nỗ lực sáng tạo không ngừng của các tác giả làm nên thành công của Giải. Đó là sự thành công của sự quy tụ gặp gỡ nhiều cây bút Công giáo và ngoài Công giáo, thành công ở sự phong phú thể loại và bút pháp, thành công ở phạm vi rất rộng của việc phản ánh hiện thực đời sống Công giáo và sự thể hiện giàu có vẻ đẹp tư tưởng Nhân văn Kitô giáo.

HY VỌNG NHỮNG MÙA VÀNG


10 năm Giải VHNT Đất Mới là một niềm hy vọng. Tuy chưa có nhiều tác giả tác phẩm nổi trội song giải đã quy tụ được một đội ngũ người sáng tác Công giáo đông đảo có tiềm năng, trong đó có nhiều người trẻ; khơi gợi và phát huy niềm say mê văn chương Công giáo ở họ, mở ra nhiều ngả đường sáng tạo. Sau 10 năm Giải VHNT Đất Mới cũng đã có những đóng góp nhất định vào nền văn học Công giáo đương đại, và biết đâu những gieo mầm hôm nay sẻ đem đến mùa vàng sum suê trong tương lai. Cánh đồng Mục vụ văn hóa đã mở ra mênh mông những mùa gặt.