Chúa của Bạn và Tôi Rất Nhỏ

Quang X Nguyen
Lời Tòa Soạn: Bài viết của anh Nguyễn Xuân Văn, thuộc cộng đoàn Đồng Hành Gia Đình Thánh Tâm tại Worcester, MA viết cho một tờ đặc san trong giáo xứ. Qua bài viết này, anh giới thiệu và trình bày với mọi người trong giáo xứ, “Thế nào là một cộng đoàn Đồng Hành” theo cái nhìn của anh. Xin đăng lại để cùng chia sẻ với anh chị em Đồng Hành khắp nơi. Và xin cám ơn anh Văn thật nhiều.



Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên và sẽ không đồng ý với tôi khi đọc cái tựa đề ở trên. Trong đầu bạn sẽ có những câu: “Cái gì? Chúa mà rất nhỏ à. Bố láo. Chúa thật vĩ đại và bao la chứ, .v.v.” Vâng tôi đồng ý với bạn là Chúa thì rất vĩ đại và bao la. Nhưng ở đây tôi muốn nói “Chúa của bạn hay nói rõ hơn là Chúa ở trong con người bạn, trong tâm hồn của bạn và của tôi thì rất nhỏ.” Điều này đã làm cho tôi băn khoăn, suy tư rất nhiều. Tôi đã đi tìm lý do tại sao “Chúa của tôi, Chúa ở trong tôi lại rất nhỏ” và làm sao để cho Chúa lớn lên trong tôi. Lần lượt tôi xin chia sẻ những gì tôi đã khám phá ra trong cuộc hành trình đời sống đức tin của tôi.



Cũng như nhiều người Công Giáo khác, bố mẹ tôi là người có Đạo vì thế tôi “tự động” trở thành người Công Giáo từ bé. Tôi cũng đã được học những lớp giáo lý, thêm sức rập khuôn theo phương pháp thuộc lòng từ bé. Học mà chẳng hiểu rõ là mình đang học những gì. Tôi chỉ có thể chứng minh với người khác mình là người Công Giáo qua các hành động và giấy tờ như: Làm dấu Thánh Giá, thuộc nhiều kinh, đi lễ, làm việc trong nhà thờ, đóng góp tiền xây cất nhà thờ, sổ gia đình Công Giáo, giấy chứng minh rửa tội, rước lễ lần đầu, văn bằng thêm sức, .v.v. Do đó, tôi cũng như bao nhiêu người khác chỉ giữ Đạo, sống Đạo một cách máy móc, ồn ào hình thức bề ngoài. Tôi chỉ làm, chỉ giữ những điều Giáo Hội chỉ dậy vì sợ tội, sợ “sa hỏa ngục”, sợ “mất linh hồn”, sợ “người khác chê mình khô đạo, tội lỗi ... Tôi chỉ có cái nhãn hiệu “Công Giáo” được dán bên ngoài còn trong ruột thì rỗng tuốt chẳng có gì. Vốn liếng hiểu biết về Đạo về Chúa của tôi rất nghèo nàn, yếu ớt.

Tôi sống đạo với tâm trạng như thế trong một thời gian dài cho đến khi tôi học xong đại học và đi làm được vài năm. Thời gian này vì không phải lo học hành cho nên tôi có thời giờ và bắt đầu chú ý tập trung hơn mỗi khi dự lễ ngày chủ nhật. Tôi lắng nghe những lời của các kinh được đọc trước thánh lễ, những bài đọc, bài phúc âm và lời giảng của linh mục. Tôi nhận thấy hầu như các kinh được đọc rất nhanh cho mau xong. Những bài thánh ca được ca đoàn độc quyền phụ trách. Tôi cố tìm trong những lời giảng của linh mục chủ tế về bài phúc âm hôm đó để mong tìm ra được một điều gì đó thực tế có thể áp dụng cho đời sống hàng ngày của mình. Nhưng tôi đã thất vọng. Tôi cảm thấy trong thánh lễ hình như mọi người chỉ lo trình diễn cho xong nhiệm vụ của mình. Giáo dân lo phần giáo dân đọc kinh rượt đuổi nhau thật nhanh. Ca đoàn hát thật nhiều, hát toàn những bài mới lạ không ai thuộc để giáo dân khỏi hát theo, vì sợ nếu giáo dân hát theo sẽ bị mất hay hoặc hát bể. Linh mục chủ tế thì thao thao giảng không cần biết bài giảng có thu hút người nghe hay không. Khi lễ tan tôi ra về với một nỗi trống vắng, hụt hẫng hơn là lúc tôi đến tham dự thánh lễ. Nỗi hụt hẫng trống vắng này càng nhiều hơn, càng lớn hơn trong các dịp đại lễ như Giáng Sinh, Phục Sinh, bổn mạng giáo xứ, v.v.. với những cuộc rước kiệu, rước đèn linh đình. Thời gian đầu tôi cố tình an ủi mình bằng cách nhủ thầm “Thôi đừng buồn nữa, người ta sao mình vậy. Mình đã sống như thế mấy chục năm rồi có sao đâu!” Nhưng càng an ủi tôi lại càng cảm thấy không ổn. Thế rồi một hôm tôi không còn chịu nổi nữa trong nhà thờ đứng trước tượng chịu nạn tôi đã nói “Chẳng lẽ Đạo của Chúa lại tầm thường như vậy sao? Chẳng lẽ con phải sống Đạo với cái nhãn hiệu bề ngoài này mãi sao?”


Vài tuần sau, tự nhiên tôi cảm thấy có một cái gì đó thôi thúc. Tôi bắt đầu mở Kinh Thánh ra đọc lại. Trước đó tôi đã có đọc Kinh Thánh một vài lần nhưng không thấy thích thú lắm. Lần này thì khác, tôi đọc từ từ và chăm chú hơn. Tôi bị lôi cuốn bởi những câu chuyện trong cựu ước và tân ước. Đồng thời những gì viết trong Kinh Thánh cũng làm cho tôi hoang mang, thắc mắc. Khi đọc cựu ước tôi có cảm tưởng Chúa thật là khó khăn, độc tài và dữ tợn. Những luật lệ nghiêm khắc được đặt ra. Những ai không tuân giữ thì bị trừng phạt, bị giết ngay lập tức. Còn Chúa của tân ước thì trái ngược lại, rất hiền lành, nhân từ, bao dung. Chúa của tân ước cho người ta cơ hội để trở lại, để ăn năn thống hối. Trong đầu tôi lúc bấy giờ có hai Chúa rõ rệt. Một ông Chúa độc tài, độc đoán của Cựu Ước và một Chúa nhân từ khoan dung của Tân Ước. Tôi biết nghĩ như thế là sai, là không đúng với đức tin Công Giáo mà tôi đã được học là chỉ có một Chúa duy nhất mà thôi. Trong đầu tôi nổi lên một câu hỏi thật lớn “Nếu chỉ có duy nhất một Chúa. Có nghĩa là Chúa trong Cựu Ước và Tân Ước chỉ là một. Thế thì tại sao và cái gì đã xẩy ra mà làm cho Chúa thay đổi 180 độ như vậy? Từ độc tài, dữ tợn thành một Chúa khoang dung nhân hậu.” 

Từ thắc mắc này tôi đâm ra nghi ngờ và tôi đã có ý định muốn so sánh đạo Công Giáo với những đạo khác. Tôi bắt đầu tìm hiểu về Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Cao đài, Hồi giáo .v.v.. Sau một thời gian tìm hiểu tôi khám phá ra được một điều rất khác biệt giữa các người sáng lập của các tôn giáo. Thí dụ như đức Phật Thích Ca dạy cho các phật tử cách thức tu đức để trở thành chánh qủa và làm sao để lên đến niết bàn là nơi tột điểm của hạnh phúc. Nói một cách khác đức Phật chỉ là người đi trước đã trở thành chánh qủa, trở thành Phật và đã đến niết bàn nơi có hạnh phúc thật rồi truyền dạy lại những cách thức này cho những người tin theo chứ đức Phật không phải là những điều đó. Trong khi đó Chúa Giêsu thì lại nói “Ta là Đường là Sự Thật và là Sự Sống.” Có nghĩa là Ngài chính là chân lý. Là điều mà con người mong muốn tìm đến chứ không phải là người đi trước đã tìm ra chân lý rồi truyền lại cách thức cho những người tin theo đạo của mình để họ cũng đến nơi đó giống như những người sáng lập của các tôn giáo khác. Khi khám phá ra như thế, tôi yên tâm vì biết người sáng lập ra đạo mà tôi đang tin chính là những gì con nguời ta mong muốn kiếm tìm.

Như đã nói ở phần đầu của bài viết chỉ tin Đạo với cái vỏ bề ngoài thì vẫn chưa đủ. Đối với tôi tin như thế thì cũng như là chưa tin, chưa sống Đạo trọn vẹn. Tôi vẫn mang niềm khắc khoải băn khoăn bên mình. Những ngày chủ nhật tham dự thánh lễ vẫn thật là nhàm chán đối với tôi. Có lẽ hiểu được nỗi lòng của tôi nên Chúa đã sắp đặt cho tôi có một việc làm mới ở xa, vì thế tôi phải ở trọ nhà một người Việt Nam ở gần nơi đó. Gia đình này cũng là người Công Giáo. Trong nhà có hai người con đặc biệt ít nhiều cũng góp phần vào nỗi băn khoăn về đời sống đức tin của tôi. Đó là người anh cả là linh mục và đứa em trai theo giáo phái tin lành “Tái Sinh” (Born Again Christian). Người anh làm linh mục tuyên úy cho một cộng đoàn Việt Nam và cha nhờ tôi giúp trong hội đồng giáo xứ. Vì là chỗ quen biết nên tôi đã nhận lời. Như đã nói ở phần đầu của bài viết tôi không thích những cái ồn ào hình thức bề ngoài nên tôi nhận phụ trách vào ban bao chí (gọi là ban báo chí cho oai chứ thật ra chỉ có một mình tôi) và giúp phát hành tờ báo thông tin liên lạc hàng tháng. Với công việc này tôi đã cố tìm và cho đăng những bài viết có ý hướng giúp ích về đời sống tâm linh. Những bài viết có thể giúp cho tôi và giáo dân thay đổi cách nhìn, cách giữ đạo. Bản thân tôi cũng đã có thay đổi một chút. Nhưng tôi cảm thấy hình như những thay đổi đó có vẻ hời hợt và gượng gạo làm sao ấy.

Trong cùng thời gian này tôi cũng có dịp trò chuyện với người em theo giáo phái Tái Sinh, vì sống chung nhà. Trong những lần trò chuyện đôi khi chúng tôi cũng đề cặp đến vấn đề tôn giáo. Tôi biết được lý do tại sao anh ta bỏ đạo Công Giáo mà theo giáo phái Tái Sinh, là vì anh ta cũng có nỗi băn khoăn và một tâm trạng nhàm chán về đạo của mình giống như tôi. Rồi một hôm anh ta rủ tôi đi “nhà thờ” chung với anh. Tôi đã nhận lời vì tò mò muốn biết xem cách thức họ thờ phượng có gì khác lạ không! “Nhà thờ” của họ chỉ là một phòng mướn nhỏ của một cái hội trường. Nhóm của họ cũng không đông lắm, khoảng mười mấy người. Mỗi người đều có cuốn Kinh Thánh dầy. Họ đọc Kinh Thánh và một người đứng lên giải thích bài Kinh Thánh vừa đọc. Tôi quan sát thấy họ theo dõi rất chăm chú. Hầu như mọi người đều có những cảm xúc rung động khi đọc và nghe giải nghĩa Kinh Thánh. Hình như lúc nào cũng có một vài người xúc động đến bật khóc. Sau đó họ hát những bản nhạc đạo rồi lại đọc và giảng Kinh Thánh tiếp. Một buổi thờ phượng của họ kéo dài khoảng 1 giờ 30 phút cho đến 2 giờ vào buổi tối ngày thường. Chủ nhật thì kéo dài lâu hơn trung bình khoảng 4 tiếng. Những âm điệu, lời ca trong những bản nhạc đạo của họ đã thu hút tôi ngay buổi đầu tham dự. Tôi ngồi nghe những bản nhạc đạo họ hát một cách say sưa, thích thú suốt mấy tiếng đồng hồ mà không cảm thấy nhàm chán. Tôi có cảm tưởng là mình đã cảm được, sờ được Chúa qua những bài hát của họ. Họ thường hỏi han tôi cảm thấy thế nào có sẵn sàng để ra nhập vào đạo của họ chưa. Tôi trả lời là tôi rất thích những bài hát về Chúa của họ, vì nó giúp tôi cảm được Chúa và thấy gần Chúa hơn. Tôi cũng cho họ biết là tôi còn cần thời gian để quan sát thêm trước khi quyết định nhập một đạo mới. Tôi vẫn đi lễ ngày chủ nhật tại nhà thờ Công Giáo đều đặn trong thời gian tìm hiểu đạo Tái Sinh. Nhưng từ từ tôi để ý thấy mình không còn hay bị lo ra, khó chịu vì những hình thức bề ngoài nhiều như trước kia nữa. Tôi chú tâm vào những lời kinh, lời đối đáp trong thánh lễ và những bài Thánh nhạc nhiều hơn. Tôi thấy những bản nhạc được ca đoàn hát cũng hay hay. Tôi tiếp tục đi “nhà thờ” của giáo phái Tái Sinh khoảng hơn một năm. Như đã nói qua là tôi bị đánh động bởi những bài ca tiếng hát. Khi sự đánh động lắng xuống tôi bắt đầu để tâm nghe những lời giảng giải về Kinh Thánh của họ. Những gì họ giải thích về Kinh Thánh tôi không hoàn toàn đồng ý và thích cho lắm. Nghe kỹ thì thấy họ cho là mình hoàn toàn đúng và các tôn giáo khác đều là lạc giáo. Hầu như đạo nào cũng bị họ nói xấu và mạ lị. Nhưng bị nói xấu nhiều nhất là đạo Công Giáo. Tôi đâm ra tự hỏi “một đạo mà dìm những đạo khác xuống để nâng mình lên” như vậy là có cái gì không ổn, không đúng. “hữu xạ tự nhiên hương” tại sao lại phải đạp người khác xuống như thế. Thế là tôi quyết định ngưng không đi nhà thờ của giáo phái Tái Sinh nữa.

Có lẽ tôi đã “trúng” Chúa sau khi tôi không tìm hiểu nhóm Tái Sinh nữa. Chủ nhật hôm đó tôi tham dự thánh lễ với một tấm lòng trống rỗng. Tôi như người không hồn chẳng để ý đến những gì chung quanh cho đến khi linh mục chủ tế bắt đầu đọc lời nguyện Thánh Thể. Tôi như người bừng tỉnh khi nghe câu “anh em hãy cầm lấy mà ăn.” Tôi cảm thấy toàn thân tôi nóng bừng bừng và trái tim tôi được mở ra reo vui một cách kỳ lạ. Tôi chưa bao giờ có cảm giác như thế. Chúa đã cho tôi một cái ơn là tôi thấy mình đang có mặt trong căn phòng tiệc ly năm xưa với Chúa Giêsu và các tông đồ. Nhưng tôi may mắn hơn các tông đồ xưa vì biết được những gì sẽ xẩy ra cho Thầy mình sau bữa tiệc này. Tôi thấy Chúa Giêsu nhìn thẳng vào mặt tôi và nói “Anh em hãy cầm lấy mà ăn. Anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy ...” 
Tôi coi những lời này như là lời trăn trối của một người thân yêu trước khi chết. Nước mắt tôi cứ thế tuôn ra theo từng lời nói của linh mục chủ tế. Tôi cố kìm hãm không cho nước mắt chảy ra nhưng không được. Thế rồi cuộc đời, cuộc hành trình đi tìm kiếm Chúa của tôi như một cuốn phim được từ từ chiếu lại. Tôi thấy Chúa ban cho tôi rất nhiều ơn, rất nhiều món quà. Có những ơn, những món quà tôi thích và cũng có những cái tôi không thích. Một điều tôi khám phá ra là Ngài luôn luôn hiện diện trong những món quà đó mà tôi không nhận ra, vì lúc đó tôi cứ nghĩ là những thứ đó là do tài năng công sức của mình tạo ra. Mắt tôi lại đầy lệ vì thấy mình hành động như một kẻ vô ơn. Chúa không ngày ngày đứng chờ tôi như người cha trong câu chuyện dụ ngôn đứa con đàng, nhưng ngược lại Chúa đã đồng hành với tôi, ở ngay sau lưng tôi. Tôi chỉ cần dang tay ra hoặc quay đầu nhìn về đằng sau thì lập tức sẽ chạm đến và nhìn thấy Ngài ngay, thế mà tôi đã không làm. Tôi tiếp tục khóc cả ngày hôm đó.


Sau ngày đó Chúa đối với tôi không còn xa xôi và trườu tượng nữa mà rất gần và rất thật. Tôi tham dự thánh lễ với một tâm tình kính mến hơn. Tôi nhủ thầm “Chúa ơi, Chúa đã thức dậy trong tâm hồn con sau bao năm ngủ vùi. Con nhất định sẽ không cho Chúa ngủ lại nữa.” Để thực hiện việc này, tôi đọc thật chậm và nghiền ngẫm Kinh Thánh, các sách chú giải Kinh Thánh và các sách suy niệm, cầu nguyện, sách báo về đạo nhiều hơn nữa. Khi gặp những gì khó hiểu, làm tôi hoang mang chán nản muốn bỏ cuộc tôi thường nói thầm “Xin giúp con hiểu Chúa và yêu Chúa hơn.” Tôi dành thời giờ im lặng cầu nguyện với Chúa nhiều hơn. Theo ngày tháng tôi thấy những câu chuyện trong Kinh Thánh từ từ dễ hiểu hơn nếu tôi tự đặt câu hỏi “Chúa muốn dậy tôi bài học gì qua câu chuyện và tôi phải có những hành động cụ thể nào trong đời sống hàng ngày để áp dụng bài học đó.” 

Trong thời gian này ý định đi tu cũng nảy ra trong đầu tôi. Tôi đã đến một dòng tu ở thử ba tuần lễ. Trong thời gian này tôi thấy mình thật bình an hạnh phúc và mến Chúa nhiều hơn vì không khí yên lặng của nhà dòng. Khi về nhà tôi đã viết thư xin cha bề trên cho nhập dòng. Hai tuần sau, tôi nhận được thư chấp thuận của nhà dòng. Lòng tôi mừng vui và lo âu lẫn lộn. Mừng vì qua đời sống trong dòng tôi sẽ có cơ hội học hỏi về Chúa, về Giáo Hội sâu hơn. Tôi lo là không biết mình có tu nổi không, có bền đỗ không. Tôi phân vân lững lự cả tuần lễ. Trong đầu tôi nảy ra một loạt câu hỏi. “Đời tu là một quãng đường dài và có nhiều khó khăn không biết mình có kiên trì vượt qua không? Nếu tu không xong thì sao? Mình sẽ làm gì sau đó? Dám mạnh dạn bước ra hay sợ chê cười mà núp sau lớp áo nhà tu?” Và còn nhiều câu hỏi “Nếu” nữa quay lòng vòng trong đầu tôi. Tôi thật sự mất bình an. Tôi đã ngồi yên lặng hàng giờ với Chúa. Tôi giở Kinh Thánh ra đọc đến đoạn Chúa gọi các tông đồ. Ông nào cũng lập tức bỏ mọi sự để theo Chúa. Còn tôi thì chần chừ và tính toán hơn thiệt với Chúa như hạng con buôn, qua những câu hỏi “nếu thế này, nếu thế kia” thật to trong đầu. Cuối cùng tôi quyết không chọn con đường đi tu vì thấy mình chưa yêu Chúa đủ để bỏ mọi sự. Tôi cảm thấy lòng tôi bình an trở lại sau khi quyết định không đi tu nữa. Sau này khi tôi biết phân biệt được đâu là ý Chúa và đâu là ý tôi. Tôi thấy quyết định không vào dòng tu của tôi ngày xưa đúng là ý Chúa. Vì làm theo ý Chúa lúc nào cũng làm cho người ta cảm thấy bình an. Còn tôi ngày đó bị mất bình an quá sức. Tôi cảm tạ Chúa cho quyết định đó, và càng tin tưởng vững vàng hơn là Chúa luôn mong muốn những điều thật tốt đến cho tôi.

Tôi tiếp tục tìm hiểu và đào sâu về đời sống nội tâm qua sách vở như thế trong vòng bốn năm. Tuy biết là Chúa vẫn đồng hành với tôi trong công việc học hỏi tìm hiểu này nhưng đôi khi tôi cũng cảm thấy cô đơn. Tôi thấy mình cần một nhóm bạn hữu có cùng một niềm ước ao tìm kiếm một hướng đi cho đời sống nội tâm để chia sẻ và học hỏi thêm. Tuy tôi không nói ra điều ao ước này nhưng có lẽ Chúa đã hiểu được; cho nên từng bước một Ngài dẫn đưa tôi đến với một nhóm bạn hữu có cùng một ước mơ là tìm ra một lối đi cho đời sống thiêng liêng của mình. Bước đầu tiên Chúa cho tôi quen được bà xã của tôi lúc đó đang sống ở Boston, Massachusetts trong khi tôi sống ở tiểu bang Connecticut. Sau đám cưới được hai năm chúng tôi có cháu gái đầu lòng và tôi đổi việc làm dọn về một thành phố nhỏ cách Worcester, Massachusetts khoảng hai mươi phút lái xe. Khi có đứa con thứ hai, tôi mới khám phá được lời giải đáp cho câu hỏi “Chúa thiện, Chúa ác” mà tôi đã có ngày xưa. Khi con tôi còn quá nhỏ và khi thấy con chơi hay làm cái gì có thể nguy hiểm đến tánh mạng, vì yêu con nên tôi phải đánh vào tay hay vào đít nó ngay lập tức để nó ngưng những hành động đó. Và khi chúng lớn hơn một tí, biết nghe, biết phân biệt phải trái, tôi sẽ không dùng biện pháp đánh nữa, mà dùng những lời khuyên lơn, chỉ bảo để con ý thức mà không làm những điều sai trái nữa. Thiên Chúa cũng làm như thế với loài người trong Cựu Ước và Tân Ước. Có thế mà lúc đó tôi không hiểu. Có lẽ Chúa muốn tôi phải tự tìm ra câu trả lời cho thắc mắc của mình qua kinh nghiệm sống cho nên ngày đó tôi đã bị mất bình an khi có ý định đi tu.

Bước thứ hai Chúa làm là sau đó khoảng vài năm, vào dịp giáo xứ Đức Mẹ Vilna ở Worcester ăn tiệc mừng tết Nguyên Đán 2004. Sau thánh lễ đầu năm, hai vợ chồng tôi quen được một cặp vợ chồng trẻ. Qua một vài câu chuyện, hai vợ chồng tôi đã nhận lời mời của họ tham dự khóa thăng tiến hôn nhân do nhóm Đồng Hành Gia Đình Thánh Tâm tổ chức. Sau đó tôi và vợ tôi chính thức tham gia nhóm. Tôi vui như cá gặp nước và thầm cảm tạ Chúa đã cho nỗi ao ước có một nhóm bạn để cùng đồng hành chia sẻ học hỏi về đời sống đức tin của tôi thành sự thật.


Nhóm lấy linh đạo của Thánh I-Nhã làm kim chỉ nam để đào sâu về đời sống tâm linh. Tôi đã học hỏi được rất nhiều từ nhóm, từ từng cá nhân trong nhóm. Đời sống nội tâm và mối tương quan giữa tôi với Chúa và tha nhân được phát triển rất tốt đẹp từ khi tôi tham gia nhóm. Tôi đã tìm thấy tình Chúa qua các bạn trong nhóm với những sinh hoạt lấy kiềng ba chân làm nền tảng của nhóm. Kiềng ba chân là phương cách sinh hoạt dựa trên ba đời sống: Đời sống cầu nguyện (kiềng một), đời sống cộng đoàn (kiềng hai), đời sống phục vụ (kiềng ba). Tôi xin chi tiết về các sinh hoạt của nhóm dựa trên từng kiềng cho bạn biết để bạn thấy chúng ảnh hưởng đến đời sống nội tâm và cầu nguyện của tôi như thế nào:


Kiềng một — Đời sống cầu nguyện


Họp nhóm: Mỗi tháng nhóm có một buổi họp để các nhóm viên có dịp chia sẻ về những hoa quả thiêng liêng của đời sống cầu nguyện trong một tháng qua. Cuộc họp luôn bắt đầu bằng nghi thức phút hồi tâm, hay nói nôm na là phút xét mình, để giúp mọi người lắng động và hồi tưởng lại coi trong một tháng qua mỗi cá nhân đã đón nhận những ơn lành, những món quà của Chúa như thế nào? Tôi đã có những hành động gì, thái độ ra sao đối với Chúa, với tha nhân và với chính bản thân tôi. Nghi thức phút hồi tâm đang được tôi áp dụng trong giờ kinh tối để xét xem tôi đã sống như thế nào với ơn Chúa ban cho trong một ngày trước khi đi ngủ.

Trong buổi họp nhóm hàng tháng các con em trong nhóm tuổi từ 6 đến 13 cũng có một chương trình riêng biệt hợp với lứa tuổi của các em, nhằm tạo cơ hội cho các em học hỏi và chia sẻ về đời sống thiêng liêng ngay từ lúc còn nhỏ. Đây là điều tôi rất thích vì tôi không muốn con tôi sẽ bị rơi vào tình trạng “nhàm chán” về Đạo giống như tôi khi chúng lớn lên. Một điều đáng mừng hơn nữa là các con em mong đợi họp nhóm hơn cả các bố mẹ. Đôi khi vì một lý do gì đó một hoặc hai tháng không có họp nhóm các con hay hỏi tôi: “Sao lâu quá không có họp nhóm hả bố? Bao giờ thì mới họp lại?” Đến ngày họp các con cứ nhắc nhở từ sáng sớm chỉ sợ bố mẹ quên.

Linh Thao Tĩnh Tâm: Hàng năm nhóm có tổ chức hai khóa Linh thao tĩnh tâm ba ngày và năm ngày. Tôi thường gọi những buổi tĩnh tâm này là “đi vacation (nghỉ hè) với Chúa”. Mới đầu khi nghe đến linh thao tôi cứ tưởng đó là một hội đoàn, một đoàn thể nào đó. Sau này tôi mới hiểu linh thao không phải là một hội đoàn, cũng không phải là một phong trào, nhưng Linh thao là một phương thức tĩnh tâm trong Giáo hội, chào đời đã hơn bốn thế kỷ, từ kinh nghiệm nội tâm của thánh I-Nhã Loyola. Linh Thao là tất cả những phương thức luyện tập; trau dồi và bổ dưỡng cho đời sống nội tâm; là tất cả những cách chuẩn bị và chỉnh đốn đời sống nội tâm nhằm loại bỏ những quyến luyến lệch lạc, và sau đó tìm kiếm ý Chúa hầu sắp đặt cuộc đời làm sao để có thể mưu ích cho linh hồn mình. Linh thao nhắm đến những tiêu đích sau đây: Để tập nói chuyện thân mật với Chúa. Để tu tập sống đời sống cầu nguyện. Để mở lòng đón nhận ánh sáng và sức mạnh của Chúa. Để nhìn kỹ vào nội tâm hầu thanh luyện và tái lập trật tự cho tâm hồn. Để nhận định cho đúng và thực thi cho trọn thánh ý Chúa trong cuộc sống. Để nhận ra chỗ đứng và vai trò phục vụ của mình trong cộng đoàn Giáo hội. Để làm chứng cho Tin Mừng giữa xã hội. Để mưu cầu “hạnh phúc đời đời”. Đó là những lợi ích của người làm linh thao.

Tôi vừa mới đi nghỉ hè (tĩnh tâm) năm ngày với Chúa vào giữa tháng Tám năm 2007 vừa qua do cha Đa-minh Nguyễn Đức Hạnh dòng Tên hướng dẫn. Không như năm ngoái, tĩnh tâm linh thao năm nay tôi đã “trúng” Chúa rất nặng. Có lẽ lý do tôi “trúng” Chúa là vì trước khi đi tĩnh tâm tôi đã tâm sự và hứa với Chúa là trong thời gian tĩnh tâm, tôi sẽ quên hết mọi sự, mọi lo lắng công ăn việc làm và dành trọn thời giờ cho Chúa. Tôi sẽ mở rộng trái tim, đầu óc và tâm hồn để cho Chúa có toàn quyền muốn dẫn tôi đi đâu và làm gì thì tùy ý Ngài trong những ngày tĩnh tâm. Chúa đã làm điều đó. Chúa đã lột tôi ra từng lớp từng lớp như người ta lột củ hành. Cha giảng phòng nói, Chúa thường đánh vào những điểm nào mạnh nhất của mình. Và đúng như vậy tôi đã bị Chúa đánh trúng vào cái điều mà tôi hưu hưu tự hào sau lần tĩnh tâm năm ngoái. Tôi cứ đinh ninh là tôi đã và đang làm tròn bổn phận làm chồng làm cha của mình bằng cách chia sẻ, phụ giúp vợ trong những việc lớn nhỏ trong gia đình. Nhưng qua lời giảng giải của linh mục giảng phòng, qua những đề tài suy niệm, những ơn xin, những bài Thánh Kinh, trong giờ cầu nguyện Chúa đã soi sáng cho tôi thấy những gì tôi làm, những gì tôi tự hào chỉ là con số không thật bự trước mắt Ngài. Chúa đòi hỏi rất cao. Ngài đòi hỏi tôi phải dám làm, dám sống, dám yêu như Chúa yêu và phải thật sự xóa mình đi nếu tôi muốn theo Ngài. Tôi đã bị xúc động mạnh và khóc rất nhiều trong năm ngày tĩnh tâm. Khi đi tĩnh tâm về, tôi chia sẻ điều này với bà xã của tôi và một lần nữa tôi lại cảm động rơi lệ. Thật là một kỳ tĩnh tâm, một “kỳ nghĩ hè với Chúa” lý thú và bổ ích.

Thao Luyện Nhẹ Nhàng (TLNN): Thao Luyện Nhẹ Nhàng - tạm dịch từ chữ Lightworks (Works lead to Light) - là một chương trình do cha Joseph Tetlow, S.J. soạn thảo. Thánh I-Nhã nhận thấy rằng có nhiều người ao ước và cần sự giúp đỡ để đào sâu đời sống tâm linh, nhưng lại chưa sẵn sàng làm Linh Thao trọn bốn tuần, vì bận rộn với những sinh hoạt của đời sống hàng ngày. Do đó ngài đề nghị những thao luyện nhẹ (Ejercicios Leves) để giúp họ nhận ra sự hoạt động của Thiên Chúa trong họ và trong đời sống hằng ngày. Người tham dự chương trình này phải làm việc có nghĩa là phải dành thì giờ cầu nguyện, suy nghĩ, quyết định làm gì cho niềm tin của mình, và chia sẻ hành trình đức tin của mình với nhóm.

Như đã đề cập ở phần đầu của bài chia sẻ, tôi tự đơn độc mò mẫn, tìm tòi trong cuộc hành trình đào sâu đời sống tâm linh, cho nên với tôi chương trình TLNN thật là lý tưởng vì tôi có nhóm cùng đồng hành trong việc này. TLNN giúp tôi rất nhiều vì trong 14 tuần lễ của TLNN, mỗi ngày tôi cầu nguyện với Chúa qua Kinh Thánh từ 15 đến 30 phút theo đề tài và ơn xin của tuần đó. Cuối tuần tôi gặp các bạn thao viên trong nhóm để chia sẻ những cảm nghiệm nhận được trong tuần.

Ngoài những sinh hoạt ở trên, nhóm cũng tổ chức ngày tĩnh tâm vào những dịp khác như vào mùa vọng, mùa chay hầu giúp mọi người sửa soạn tâm hồn cho Chúa.


Kiềng hai — Đời sống cộng đoàn


Tôi đã được dịp cùng nhóm sống những ngày thật cảm động tràn đầy tình Chúa và tình người khi mọi người đều có mặt đầy đủ để giúp một bạn trong nhóm dọn nhà mặc dầu ngày hôm đó bão tuyết rơi ngập trời. Vào một dịp khác câu tục ngữ “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” đã được thể hiện rõ ràng khi một bạn trong nhóm đi theo con đường sai trái. Tôi và mọi người trong nhóm cảm thấy như bị mất đi một phần tử trong gia đình mình. Mọi người đã tụ họp lại cầu nguyện cho bạn ấy và an ủi cảm thông với gia đình của anh ta. Vào mùa hè, tôi và nhóm đã có những kỷ niệm đẹp của những ngày bán yard sale gây qũy.

Tùy theo nhu cầu đòi hỏi nhóm sẽ có một cuối tuần dành riêng cho các bà hay cho các ông được gọi nôm na là ladies’ days hoặc gentlemen’ days. Lý do có những ngày như thế này là vì đôi khi có những vấn đề, những khúc mắc mà chỉ có thể chia sẻ và giải quyết khi không có người khác phái. Trong ngày ladies days các ông sẽ ở nhà trông con cho các bà tụ lại với nhau trong một cuối tuần để kết thân và cảm thông với nhau hơn qua các sinh hoạt chung như đi lễ, nấu ăn, coi phim, chia sẻ tâm sự, giúp nhau nhận ra những sở trường và sở đoản của mình, v.v.. Khi đến ngày của các ông thì đổi lại các bà sẽ ở nhà trông con cho các ông họp đại sự. Theo tôi thì đây là một cách rất hay để phát huy đời sống cộng đoàn.

Cũng như bất cứ một cộng đoàn và một nhóm nào, đã có lúc trong nhóm của tôi cũng có những hiểu lầm, bất đồng ý kiến; nhưng cả nhóm đã biết ngồi lại để nghe Chúa và nghe nhau. Tôi nhận thấy một điều rõ ràng là sau khi ngồi lại như thế mọi hiểu lầm, dị biệt đều được giải tỏa tốt đẹp. Chúa đã dùng cơ hội này để bơm vào một “chất keo” đặc biệt để sau mỗi lần như vậy sự gắn bó, cảm thông lại càng thấm thiết hơn trong nhóm. Tôi tin là những khủng hoảng này là điều cần thiết để nhóm lớn lên. Đây cũng là dấu chỉ chứng tỏ mỗi cá nhân đã trưởng thành trong Chúa. Tôi cũng đã áp dụng bài học “nghe Chúa và nghe nhau” học được từ nhóm cho chính gia đình của mình khi trong nhà có những lúc chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh.

Điều cuối cùng tôi muốn nói về đời sống cộng đoàn là nhóm đã có những nghi thức“sai đi” để hổ trợ tinh thần, cầu nguyện và hiệp thông khi một cá nhân nào trong nhóm làm những công việc phục vụ cho nhóm hoặc theo ơn gọi riêng của họ. Tôi nhận ra điều tốt đẹp của nghi thức này là nó giúp chính cá nhân đó nhận thức được rằng: “tôi làm công việc này không chỉ một mình tôi, nhưng có một tập thể, có nhóm cùng đồng hành với tôi và ở đằng sau đang yểm trợ tôi qua tinh thần và vật chất.” Qua nghi thức này mỗi cá nhân trong nhóm trong đó có tôi cũng sẽ tự tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: “tôi sẽ làm gì để có thể giúp người anh em của tôi sống ơn gọi mà Chúa đang mời gọi họ?”


Kiềng ba — Đời sống phục vụ



Hoa quả của đời sống cầu nguyện là phục vụ. Tạ ơn Chúa, tôi đã được cùng nhóm chia sẻ phần cơm, bẻ đôi tấm bánh của gia đình mình trong các lần họp nhóm hàng tháng bỏ tiền vào thùng gây quỹ giúp người nghèo. Nhóm đã, đang và sẽ tiếp tục cộng tác với cha Luca Trần Đức ở New Jersey vì cha về Việt Nam hàng năm để phục vụ người nghèo. Nhóm đã chia sẻ với những anh chị em kém phần may mắn trong đó gồm có giúp người gìa đơn chiếc, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, trại phong cùi, khoan giếng nước cho trại phong trên cao nguyên, xây nhà tình thương cho những gia đình không nhà cửa, xây lớp học tình thương trên cao nguyên trung phần, mua máy may để các soeur dạy nghề may cho những người dân tộc thiểu số.

Một điều đáng vui mừng và tạ ơn Chúa là các con em trong nhóm cũng đã hiểu và sống tâm tình chia sẻ bác ái này với những em bé nghèo khổ khuyến tật ở Việt Nam vào mỗi dịp Giáng Sinh hay Tết bằng cách chia sẻ những món quà, những món đồ chơi, những số tiền lẻ mà các em bỏ ống trong suốt năm.

Tuy nhóm Đồng Hành Gia Đình Thánh Tâm chưa có dịp được chính thức ra mắt giáo xứ Đức Mẹ Vilna để có cơ hội phục vụ giáo xứ. Nhưng những thành viên của nhóm đã và đang phục vụ giáo xứ một cách âm thầm với ơn gọi cá nhân của mình trong những công việc thật nhỏ bé. Nhóm luôn sẵn sàng và chờ đợi sự “sai đi” của cha quản nhiệm để có thể làm những gì trong khả năng của nhóm để xây dựng giáo xứ.



Đó là đoạn đường Chúa đã dẫn tôi đi trong cuộc hành trình tìm kiếm và đào sâu đời sống đức tin. Tôi tin là Chúa vẫn đồng hành với tôi mỗi ngày. Qua nhóm tôi đã nhận ra rõ ràng hơn về ơn gọi của mình. Về giấc mơ của Chúa đã được viết trong tâm hồn tôi khi Ngài dựng nên tôi. Tôi đã có một cái nhìn cởi mở hơn. Nhìn bằng con tim hơn là bằng ánh mắt. Tôi để ý đến những gì có tính cách chiều sâu hữu ích cho đời sống nội tâm hơn là những hờn hợt bên ngoài. Tôi suy niệm về những lời kinh tôi đọc chứ không đọc để mà đọc như trước nữa. Nói tóm lại có thể nói là tôi đã trưởng thành trong đời sống đức tin. Tôi tin đạo, sống đạo vì yêu mến chứ không phải vì sợ hay vì lề luật bắt buộc như trước đây nữa.

Đến ngày hôm nay tôi không biết chắc là “Chúa của tôi” đã lớn được bao nhiêu. Nhưng có một điều tôi dám khẳng định là “Chúa của tôi” không còn ngủ quên trong tâm hồn của tôi nữa. Tôi đã cho “Chúa của tôi” cơ hội để Ngài thức dậy. Khi thức dậy Chúa mới có thể làm những điều kỳ dị, những phép lạ tốt lành cho tôi. Các bạn còn nhớ đoạn Phúc Âm Chúa ngủ trên thuyền không? Sóng gió đã ập đến và muốn nhận chìm chiếc thuyền. Các tồng đồ đã đánh thức Chúa dậy. Khi thức dậy Chúa đã làm cho gió yên sóng lặng. Cuộc sống hàng ngày của mỗi người chúng mình nơi trần gian này cũng có những sóng gió như vậy. Những sóng gió này sẽ nhận chìm bạn nếu bạn vẫn để Chúa ngủ yên trong tâm hồn mình. Tôi ao ước bạn cũng hãy đánh thức Chúa dậy như tôi, như các tông đồ ngày xưa. Hãy cho Chúa một cơ hội thức dậy trong tâm hồn của bạn. Bạn nhé.



Lạy Chúa Giêsu, xin giải phóng con khỏi những cái rườm rà hình thức bề ngoài. Xin cho con hiểu Chúa muốn con đến với Chúa vì yêu mến chứ không phải vì lề luật. Xin cho con có lòng quảng đại cho Chúa một cơ hội thức dậy trong tâm hồn con để cùng đồng hành với con mỗi ngày trong đời sống và để Chúa lớn lên trong con. Amen.  

 Nguyễn Xuân Văn
Nguồn: http://www.donghanh.org/baodh/2007/2007-03/2007-03_chua_cua_ban_va_toi.htm