Những điều cần biết khi giao tiếp với người khuyết tật

Quang X Nguyen




TTO - Người khuyết tật (NKT) thật ra không có yêu cầu gì đặc biệt trong giao tiếp. Nhưng có những "biến tấu" của không ít người trong lúc giao tiếp với NKT có thể vô tình gây phản tác dụng.


Những chia sẻ sau đây sẽ giúp bạn biết tại sao và chọn cách xử sự đúng mực hơn.

1. Tập nói: Cho phép tôi giúp bạn nhé!


Nếu muốn giúp một NKT dù quen hay lạ, bạn nên bắt đầu bằng câu nói ấy. Có thể họ nói không vì khách sáo, nhưng bạn vẫn phải tôn trọng ý kiến. Bởi nếu bạn đường đột giúp họ, xin tự hỏi chính mình rằng họ có vui lòng không? Nếu họ thích tự làm thì việc bạn cố giúp cũng có nghĩa là cố làm nghịch ý của họ. Thế thì mong muốn giúp đỡ của bạn không phải để làm NKT này vui nhưng để làm thỏa mãn sở thích của bạn.

2. Đặt câu hỏi: Tôi phải làm gì đây/làm thế nào đây?


Bạn nên nghe NKT giới thiệu cách hỗ trợ, xin đừng tự ý làm theo cách bạn nghĩ. Muốn đưa một người hỏng mắt băng qua đường, hãy để họ nắm tay bạn thay vì bạn nắm gậy của họ hoặc kéo tay họ đi. Nếu muốn nâng một người đi nạn bước lên xe buýt cũng phải theo sự hướng dẫn của họ. Nếu không bạn có thể gây ra một tai nạn nhỏ đấy. Có nhiều trường hợp người hỗ trợ đường đột kia vì không hiểu các nguyên tắc sử dụng nạn, xe lăn, gậy dò đường đã vô tình làm NKT bị ngã, bị va đầu vào thành xe…

3. Gọi tên hoặc chạm nhẹ vào người hỏng mắt khi cần nói điều gì


Bạn nên gọi tên người hỏng mắt hoặc nắm nhẹ tay, vỗ vai thân ái... khi cần nói với họ. Vì nếu không có động tác này có thể họ sẽ không hiểu bạn đang nói với ai. Nếu tiếp xúc với người khiếm thính cần tránh việc vỗ vai họ từ phía sau. Bạn cần tiến đến trước mặt họ rồi mới chào.

4. Tự giới thiệu chính mình khi giao tiếp với người hỏng mắt


Khi gặp một người quen hỏng mắt, nhiều người thích chào người quen này bằng câu đùa: “Anh có nhớ ai không?”. Một số người hỏng mắt than phiền rằng bạn bè thân thích đôi khi lại không chào mà chỉ vỗ vai rồi bỏ đi mặc cho họ muốn đoán ai thì đoán! Điều ấy có khi làm người hỏng mắt có cảm giác đang bị trêu chọc bị xem là trò đùa cho mọi người.

Nếu trò đùa không đem lại tiếng cười cho cả hai phía thì chính nó trở thành một kiểu xúc phạm.Tốt nhất bạn nên chào hỏi người quen hỏng mắt của mình bằng lời chào trân trọng, thân mật và tự giới thiệu chính mình. Đừng buộc họ tham gia trò chơi đố vui không thưởng của bạn.

5. Thong thả bước đi bên người bị tật chân


Một số người đi nạn, đi xe lăn rất ngại đi chung với bạn bè chân khỏe vì họ thường bị thúc hối: đi nhanh lên kẻo trễ giờ. Người tật chân rất muốn có những bước chân vững chắc như mọi người nhưng họ không thể làm được. Một số chàng trai tật chân còn bị bạn bè nghịch bằng cách đánh phá rồi chạy ra xa để các anh này đuổi theo. Dường như trò đùa tàn nhẫn này chỉ kết thúc khi kẻ bị trêu chọc phát khóc.

6. Giới thiệu các món ăn trên bàn


Khi ngồi chung bàn với người hỏng mắt, bạn cần giới thiệu tên từng món và lần lượt gắp các món ấy cho vào chén người hỏng mắt. Biết đâu trong số ấy có những món mà họ chỉ nghe tên mà chưa từng nếm. Sau khi nếm qua các món hiện có, bạn hãy hỏi xem người ấy thích món nào và gắp giúp người ấy.

7. Lịch thiệp với người tật trí não


Nhiều người tật chậm phát triển trí não đã lớn tuổi nhưng khả năng tư duy của họ chỉ như một em bé lên 5, lên 6. Tuy vậy nếu bạn tôn trọng nhân cách của họ, ứng xử với họ đúng với các qui tắc xã hội, bạn sẽ giúp họ ổn định tâm lý nhiều hơn.

Họ vẫn có tự ái và cảm thấy đau khổ nếu bị xúc phạm, bị coi khinh. Đáng tiếc rằng họ không biết cách diễn đạt nỗi khổ tâm này. Thần kinh của họ rất nhạy cảm. Sự tôn trọng nhân cách của bạn sẽ giúp ổn định tinh thần và tạo thuận lợi cho họ phát triển tư duy.

TRẦN BÁ THIỆN
https://tuoitre.vn/nhung-dieu-can-biet-khi-giao-tiep-voi-nguoi-khuyet-tat-231339.htm