Viết cho người ở lại- Tác giả: Chung Thanh Huy

Văn thơ Công giáo

Trong những ngày này, với không ít người, bên cạnh nỗi lo lắng về dịch bệnh còn là sự ám ảnh của những cái chết quá đỗi bất ngờ.

Làm sao không ám ảnh cho được khi tất cả diễn ra chỉ trong nháy mắt. Trước đó ít hôm được tin một người quen là F0 chuẩn bị đi cách ly vậy mà hôm nay người ấy đã không còn. Rồi cũng không lâu nữa, tro cốt của người qua đời sẽ được đưa về tận nhà trong âm thầm, lặng lẽ...

Những đám tang vội vã, nhanh gọn đến mức gần như vô hồn chỉ vì dịch bệnh. Không kèn trống, chẳng hương hoa và cũng không một người thân đưa tiễn. Phải chăng điều đó giúp ta càng nhận rõ hơn về sự vắn vỏi, mong mang của thân phận con người.

Cái chết là điều mà nhiều người không ai muốn nghĩ, hoặc đơn giản là chưa nghĩ tới, cho rằng như thế là quá sớm hoặc có thể đem đến vận rủi. Nhưng nó vẫn sẽ đến, theo cách này hay cách khác và không ai có thể tránh được. Nếu cái chết đã không thể tránh được, thì sống như thế nào luôn là một câu hỏi mà chính chúng ta cũng không dễ trả lời.

Tôi đã đọc đâu đó một câu đại ý là “Nếu ta được sống thêm một ngày thì cũng đồng nghĩa với cuộc đời mình đang ngắn bớt lại một ngày”. Nghe có vẻ phũ phàng nhưng đó lại là sự thật chẳng thể thay đổi.

Sợ hãi cái chết là một bản năng của con người, nhất là đối với những ai còn ham sống, còn nhiều điều chưa thể thực hiện được hoặc còn muốn hưởng thụ. Chỉ có những người đã trải qua tất cả, đã chuẩn bị kỹ càng, sống trọn vẹn từng giây phút hiện tại sẽ cảm thấy thanh thản và nhẹ nhàng hơn.

Sợ chết cũng là chuyện bình thường. Nhưng sợ sống không tốt thì không phải ai cũng nghĩ đến. Nhiều người chưa sống cho ra sống đã sợ chết. Cái chết không phải là tất cả, mà là một phần quan trọng của cuộc sống, một sự chuyển tiếp giữa những trạng thái của sự tồn tại. Sao không sợ sống một cách vô nghĩa, không có định hướng, không hoài bão và ước mơ, trong một cuộc đời nhờ nhờ hơn là sợ chết? Chết về tâm hồn, vì sự bon chen và xảo trá của cuộc sống khiến ta mờ đi cái tâm và mất đi sự lạc quan, tự đánh mất đời mình vào điều vô bổ là cái chết ghê sợ hơn cả.

Những người nghĩ nhiều về cái chết thực ra không phải là người bi quan, mà là người muốn sống thế nào cho không vô nghĩa và rồi họ biết cách xua tan đi những nỗi sợ hãi ngày càng dày lên xung quanh, vì sự bất trắc, những đe dọa rình rập ta ở bất cứ lúc nào. Nói cách khác, mọi điều xảy ra trong cuộc đời này đều có lí do và đều có ý nghĩa của nó. Điều quan trọng là cái cách ta đón nhận điều đó như thế nào. Chẳng ai tránh được cái chết. Cách duy nhất có thể tạo ra được sự lạc quan cho bản thân mình khi đối diện với những điều tệ hại nhất là sống tốt.

Hơn thế nữa, với người Công Giáo, chết không phải là định mệnh đưa con người vào hư vô, mà là “sự sống chỉ thay đổi chứ không mất đi”, là đưa ta vào sự sống vĩnh cửu. Chết là sống lại cách bất diệt nơi Thiên Chúa, nhờ ơn cứu độ của Người. Trong cái nhìn đức tin, những người đã ra đi lại thoát được những bộn bề lo toan cũng muôn vàn nỗi sợ của một kiếp người vắn vỏi chóng qua.

Khi sinh ra, con người là một bản thể phải chết, nhưng khi chết thì con người sống mãi. Con người là bất diệt, không chỉ vì linh hồn không thể bị phân hủy, nhưng vì chết là được mời gọi đến sự hiệp thông trong tình yêu muôn đời với Chúa Ba Ngôi. Đó là ấn tích đã được Thiên Chúa khắc sâu vào bản thể con người khi tạo dựng. Tính bất diệt của con người đã có trong tự bản chất nhờ ơn cứu độ của Đức Kitô: “Ai tin vào Ta sẽ không chết bao giờ” (Ga 11, 26).

Sự ra đi của những người thân quen trong những ngày này có thể là động lực giúp chúng ta luôn tỉnh thức, sống lạc quan, để cùng hy vọng, chia sẻ và yêu thương nhiều hơn.

“Lạy Chúa, xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90, 12).