Ca cầm ca- Tác giả: Bình- Nhật- Nguyên

Văn thơ Công giáo
3. Ca, cầm ca, tơ đờn vọng dang ra

Ca, cầm ca nghĩa là gì? Chắc hẳn Hàn Mạc Tử không chỉ muốn nói đến lời ca tiếng hát để chúc tụng, ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa, nhưng có lẽ còn mang nhiều ý nghĩa khác. Tuy nhiên, khi đặt vào trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid, chúng ta có thể hiểu đó là niềm vui của sự hy sinh phục vụ, niềm vui được yêu thương nâng đỡ và niềm vui được cảm thông chia sẻ.

3.1. Ca, cầm ca, tơ đờn vọng dang ra: Niềm vui của sự hy sinh phục vụ

Trong nhật ký chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện, thật xót lòng khi đọc được những lời lắng đọng của Sơ Maria Hồng Hà CMR:

Lần đầu bước vào phòng bệnh, hình ảnh những bệnh nhân đang oằn oại vì đau đớn đập vào mắt tôi. Họ chính là những anh chị em của tôi đó! Tôi thấy đau nhói trong trái tim mình! Quên hết nỗi hồi hộp, lo lắng ban đầu, tôi vội bước đến giúp họ một chút trong việc thay đồ, lau mặt. Nhìn khuôn mặt khô ráp giống như không còn cảm giác của các bệnh nhân (có người vẫn còn đọng giọt nước mắt đã khô nơi khóe mắt), tôi có cảm tưởng mình đang lau khuôn mặt đau đớn của Chúa Giêsu. Đứng trước một người phải thở từng hơi mệt mỏi và không thể ăn, chúng tôi đã phải đổ từng muỗng sữa qua ống ăn với hy vọng giữ cho hơi thở của họ tồn tại và nhờ dinh dưỡng, kết hợp với quá trình điều trị sẽ giúp họ hồi sinh sự sống...[1]
(Ảnh: Bệnh nhân số 91 được các bác sĩ chăm sóc tận tình)

Cao quý thay những tấm lòng bao dung đã tự nguyện nộp mình chấp nhận sự lây nhiễm, tự bẻ thân xác mình làm nhiều mảnh để nâng đỡ người đau yếu, điều chỉnh trái tim mình theo từng nhịp đập để cảm thông và an ủi những ai sầu khổ, hy sinh mạng sống của mình để đem lại sự sống cho người khác.

Những con người tình nguyện, dấn thân chăm sóc trực tiếp các bệnh nhân bị tác hại nghiêm trọng của Covid, thực sự là những ‘thiên thần xanh’, những vị thánh âm thầm, những tâm hồn quảng đại… ẩn mình trong những bộ đồ bảo hộ y tế tựa như những nhà du hành vũ trụ bay vào không gian. Những phi hành gia khiêm nhượng này không bay lên cung trăng để chiêm ngắm vẻ đẹp kiều mị của Chị Hằng, hay lên Sao Hỏa để nghiên cứu, tìm kiếm sự sống, tài nguyên và khám phá những điều bí ẩn trong vũ trụ.

Nhưng ngày ngày, những ‘nhà du hành của lòng thương xót’ đi trên mặt đất, bước vào cuộc đời của những tâm hồn đang đau khổ, thất vọng. Họ đụng chạm tới người bệnh, chăm sóc những thân xác còm cõi, yếu đau. Họ là những phi hành gia không bay vào vũ trụ để thám hiểm và khám phá bí ẩn của các vì sao, nhưng bay vào lòng thương xót của Thiên Chúa để khám phá những hành tinh tuy xa lạ nhưng thật gần gũi. Đó là những phận người mang vẻ đẹp huyền nhiệm của Thiên Chúa, đang ẩn mình trong những hình hài mỏng dòn và khốn khổ. Họ không đi tìm sự sống hay tài nguyên trên các vì sao, nhưng họ cố gắng hết sức có thể, để đem lại sự sống cho những con người đang lâm trọng bệnh, cũng như trả lại cho nó vẻ đẹp nguyên thủy mà Đấng Tạo Hóa đã thương ban. Những nhà du hành này đi tìm kiếm Thiên Chúa và họ đã tìm thấy Ngài.
(Ảnh: Internet)

Chúng ta hãy lắng nghe các ‘Phi hành gia của lòng thương xót’ tâm sự. Họ không ngạc nhiên trước vẻ đẹp kỳ bí của các vì sao, nhưng xót lòng trước những cảnh tượng mà lần đầu tiên họ được chứng kiến tận mắt:

Tiếp theo là cảm giác tò mò muốn xem bên trong có những gì. Hiện ra trước mắt chúng tôi là cảnh tượng toàn người già không quần không áo đang thở thoi thóp. Ranh giới giữa sự sống và cái chết trong họ dường như rất mong manh, chỉ 1 cái chạm nhẹ không cẩn thận là họ có thể ra đi bất cứ lúc nào.

Việc ấn tượng nhất với chúng tôi là lau người, thay tã và thay drap giường cho các bệnh nhân. Ở đây dường như 90% bệnh nhân bất tỉnh hoàn toàn, không còn một chút sức lực. Họ chỉ được giữ hơi thở bằng một cái máy với đầy dây dợ lung tung. Họ đã mất nhận thức toàn bộ nên rất cần có một ai đó để chăm sóc và phục vụ.

Ngày đầu tiên đi phục vụ kết thúc trong mệt mỏi nhưng chúng tôi có nhiều niềm vui và cảm thấy đời ý nghĩa. Cảm ơn Chúa đã cho con được chạm vào thân mình của Chúa qua các bệnh nhân. Cảm ơn Chúa đã cho con cơ hội để thở. Con nhận ra không khí là món quà tuyệt vời mà Chúa ban không cho con. Cảm ơn Chúa đã giúp con nhận ra rằng: giữa cơn dịch bệnh khủng khiếp này, tình người càng phải gắn kết, khoảng cách từ trái tim đến trái tim phải thật gần. Con nguyện phục vụ các bệnh nhân bằng cả trái tim, mong Chúa xoa dịu nỗi đau nơi các bệnh nhân và giúp họ sớm hồi phục sức khỏe.[2]

Thật là kỳ diệu, khuôn mặt của Chúa Giêsu không bừng sáng như mặt trời khi Ngài rảo bước trên những ngọn đồi và thung lũng của Đất Thánh. Sự bình thường của Ngài, sự ‘kín kẽ’ bền vững, ‘che khuất’ thường xuyên đối với sự rạng rỡ thiêng liêng của Ngài là một phép lạ của sự khiêm nhường; phép lạ của sự thành tâm hạ mình với sứ mạng nhập thể, giảng dạy, chịu đau khổ và chết đi cho nhân loại của Ngài. Và Ngài sẽ lên trời, kéo nhân loại lên với Ngài; vì Ngài là Thiên Đàng.[3]

Cho nên: “Niềm vui của người Kitô giống như một tia sáng mặt trời chiếu lên từ giọt nước mắt, như một bông hồng nở trên vết máu, như tinh hoa của tình yêu được chắt ra từ đau khổ… vì thế nó có sức mạnh tông đồ của Thiên đàng mở ra.”[4]

Như sự diễn tả của nhà thơ Hàn Mạc Tử, sự phục vụ quên mình của họ là những bài ca khẽ khàng tiếng hát, là những tiếng đàn lắng đọng âm thanh, chỉ cảm nhận được bằng một tâm hồn tinh tế và trái tim bén nhạy, “Ca, cầm ca”. Lòng bác ái của họ không cần phô trương, chẳng thiết quảng cáo, nhưng lại có một sức mạnh lan truyền, làm bùng lên những triều sóng yêu thương trên khắp mọi miền đất nước, “tơ đờn vọng dang ra”.

Tạ ơn Chúa ban niềm vui phục vụ

Được chạm vào thân thể Đấng Dấu Yêu

Trong mệt mỏi đong ý nghĩa thật nhiều

Tim chạm tim, con chạm Mầu Nhiệm Thánh.

Con cứ ngỡ đời sống cần cơm bánh

Nhưng giờ đây, khát không khí trong lành

Tạ ơn Ngài ban Nguồn Mạch khiết xanh

Để xoa dịu nỗi đau, thơ yêu mến.

Trong bài, “Đức ái trong đời sống thánh hiến qua đại dịch Covid -19”, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt S.J. Giám mục Bắc Ninh viết :

Thánh Têrêxa Avila nhắc nhở chúng ta: "Hôm nay Đức Kitô nhìn người khác bằng mắt chúng ta, yêu người khác bằng trái tim chúng ta, đến với người khác bằng đôi chân chúng ta và phục vụ người khác bằng đôi tay của chúng ta". Hơn bao giờ hết, sự hiện diện của các tu sĩ tại những nơi dịch bệnh bùng phát chính là dấu chỉ để mọi người nhận biết Thiên Chúa là Tình Yêu, và Chúa Giêsu đã "yêu đến cùng" thế nào.

Trong cơn đại dịch này, chúng ta nhớ đến mẫu gương của thánh tu sĩ Luy Gonzaga (1568 - 1591). Ngài vốn là con của một vị lãnh chúa, nhưng năm 17 tuổi ngài đã từ bỏ mọi vinh hoa để gia nhập Dòng Tên với ước nguyện được sang Á Đông truyền giáo. Tuy nhiên vào năm 1591, Châu Âu bị dịch bệnh hoành hành, Luy Gonzaga cùng với các anh em khác tình nguyện đến thăm các bệnh nhân, đưa những người bệnh đang hấp hối ngoài đường phố đến bệnh viện, tắm rửa và cho họ ăn, sau đó chuẩn bị cho họ lãnh nhận các bí tích trước khi qua đời. Cuối cùng, Luy Gonzaga đã phục vụ bệnh nhân tới khi chính ngài cũng bị lây bệnh và qua đời đêm 20 tháng 6 năm 1591, khi ngài mới 23 tuổi.[5]

Vậy, chúng ta hãy dành ít phút cầu nguyện cho các tu sĩ. Xin Chúa ban cho họ sức mạnh của Thánh Thần, để họ luôn ý thức về ơn gọi cao quý mà họ đã và đang lãnh nhận. Xin cho họ biết tìm đến với Giêsu để nương ẩn những khi thấy trong lòng bất an. Xin cho họ đừng bao giờ tìm bù trừ trong đời dâng hiến, nhưng hãy biết thánh hóa tất cả những hy sinh và thiệt thòi của mình. Xin cho họ biết dành phần hơn cho người khác, biết mỗi ngày nhỏ lại, chịu tiêu hao đi để ngọn lửa tình yêu của Đức Kitô được bừng cháy trên trần thế này.[6]

(Quý sơ hội dòng  Nữ tình Chúa Giê-su Linh mục cầu nguyện trước khi thi hành sứ vụ)

Làm sao trói buộc trái tim si

Nguyện hứa yêu rồi, nó quyết đi

Bên người đau yếu, lời an ủi

Cô vít sao đâu, vẫn thầm thì.

Tương tự như cuộc đời của các nhà du hành vũ trụ, có người bay vào không gian để rồi không bao giờ được diễm phúc trở về trái đất. Đã có những thiện nguyện viên âm thầm hy sinh mạng sống để cứu những bệnh nhân bị Covid tấn công. Cũng như ở Ý và các quốc gia khác, đã có biết bao linh mục, tu sĩ lẳng lặng ra đi trong âm thầm phục vụ. Cũng thế, những ‘phi hành gia của lòng thương xót’ khi lao mình vào vùng tâm dịch, sẽ có những người vĩnh viễn ra đi mà không bao giờ quay trở lại, bởi vì họ đã trở thành hạt giống gieo vào lòng đất như ca từ bài, “Hạt Giống Tình Yêu”, của Linh mục Phương Anh.

Nếu tình yêu nào nơi dương thế, không chết đi, không thối đi

thì nó chỉ trơ trọi một mình thôi.

Nếu tình yêu nào nơi dương thế, mà chết đi mà thối đi

thì nó sẽ sinh ra nhiều bông hạt.

Con biết thế, con biết thế, và con muốn con chết đi như hạt lúa mì.

Con sẽ chết, con sẽ chết, con sẽ chết sẽ chết đi cho anh em con.

Vì con bước vào dương thế để làm theo ý Cha đã trao khi dựng vũ hoàn.

Là con chết, là con chết, là con chết con chết đi cho anh em con.[7]

(Quý sơ dòng Nữ tỳ Chúa Giê-su Linh mục trước khi lên đường cùng với đất nước chống dịch)

Vâng, đại dịch có thể đóng băng mọi sinh hoạt của con người, thế nhưng nó không thể nào đóng cửa lòng hay làm cho trái tim ngừng những nhịp đập của tình thương, của sự liên đới, của tình hiệp nhất trong gia đình nhân loại. Thiết nghĩ, sẽ chẳng có loại vaccine nào có thể loại trừ được loại virus này ngoài loại vaccine của tình yêu phát xuất từ trái tim mỗi người chúng ta. Sẽ chẳng có bộ đồ bảo hộ nào chất lượng và an toàn cho bằng bộ đồ bảo hộ với sự quan phòng của Thiên Chúa. Ước mong sự tin tưởng và phó thác nơi bàn tay yêu thương của Thiên Chúa sẽ làm cho trái tim của mỗi người chúng ta liên kết trong yêu thương, cùng nhau vực dậy thành phố thân yêu này sau cơn đại dịch, cùng nhau đón chào một tương lai ngời sáng trong tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.[8]

3.2. Ca, cầm ca, tơ đờn vọng dang ra: Niềm vui được yêu thương nâng đỡ

Trước những ‘thiên thần áo xanh’ như những con chim đại bàng lao mình vào ‘cơn bão Covid’, để cứu giúp và mang lại niềm hy vọng cho những ai yếu sức ngã lòng. Thì những con bồ câu không đủ sức bay xa đành ở lại nhà để chuẩn bị chốn về yêu thương cho những con chim đại bàng sẽ bay về sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Những ‘thiên thần áo xanh’, ‘những cánh chim đại bàng’, ‘những nhà du hành của lòng thương xót’ sẽ được chăm sóc, nghỉ ngơi, bồi dưỡng lại tinh thần và thể xác sau những ngày dài ‘sải cánh’.

Nếu xưa kia trên hành trình rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta cũng đã có một điểm dừng là Bê-ta-ni-a; thì hôm nay đây, các tu sĩ thiện nguyện:

- Đã có một “Bê-ta-ni-a thời Covid”, một “chốn về yêu thương” cho các tu sĩ thiện nguyện tại Dòng thánh Gioan Thiên Chúa, nơi Nhà Lưu Trú Bệnh Nhân;

- Đã có một khu cách ly bảo đảm hiệu năng phòng chống dịch bệnh và cũng là nơi lý tưởng để các tu sĩ thiện nguyện có thể thực hiện lời khuyên của Thầy Giêsu sau thời gian phục vụ: ‘Các con hãy vào nơi tĩnh lặng để nghỉ ngơi và ở lại với Thầy’.[9]

Trong trái tim Chúa yêu muôn đời,

con xin được một chỗ nghỉ ngơi,

nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi như nước mưa tan trong biển khơi.

Nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi, trái tim con trong trái tim Người,

nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi là tình con trong khối tình người.


Trái tim hồng Thiên Chúa trái tim người Cha,

mãi muôn đời yêu dấu chúng con gần xa.

Tháng năm đời con sống chứa chan lời ca,

có ân tình Thiên Chúa trái tim nở hoa.[10]

(Quý sơ dòng Con Đức Mẹ Hiệp Nhất tham gia chống dịch)

3.3. Ca, cầm ca, tơ đờn vọng dang ra: Niềm vui được cảm thông chia sẻ

‘Ca, cầm ca’ không chỉ nói đến niềm vui của sự dấn thấn, sẵn sàng hy sinh phục vụ, niềm vui được yêu thương nâng đỡ mà còn là niềm vui được cảm thông chia sẻ.

Những tiếng vỗ tay đầu tiên từ khu cách ly, nơi các nữ tu phục vụ sao giống như lời thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử: “Ca, cầm ca, tơ đờn vọng dang ra”.

Bởi lẽ, khi tiếng loa thông báo đọc danh sách những người sẽ được trở về nhà tối nay đã mang đến một nỗi vui mừng khó tả. Khi tiếng loa thông báo đến tên một ai đó, là những tràng vỗ tay nổ ra cùng với reo mừng, thậm chí còn hét lên sung sướng như chưa từng được sung sướng. Không những chỉ là những anh chị em “nhận lệnh” trở về nhà vui sướng, mà những nữ tu, những người phục vụ cũng bỏ dở cả bữa ăn của mình để chạy ra khỏi phòng, hòa trong niềm vui đó. Tiếng cười, tiếng la, tiếng vỗ tay diễn tả niềm vui của anh chị em, cũng chính là niềm vui của các nữ tu trong lời tạ ơn Thiên Chúa cùng với họ...

Một anh dân phòng bày tỏ cảm xúc nói với các nữ tu đang phục vụ: “Hai sơ vào đây hên quá đi! Một dãy đầy các anh chị em đã được về rồi. Giờ chắc xin thêm hai sơ khác nữa, để dãy còn lại cũng được về luôn sơ ơi!”. Một tâm tình bộc bạch, mà nếu nghe để thấm, các nữ tu của chúng ta như đang trở nên hình ảnh phản chiếu sự hiện diện đầy yêu thương và chữa lành của Chúa đến với những ai chưa tin, và chưa thấy Ngài.

Một buổi tối về đêm xem ra thật vui, đến nỗi có những nữ tu đã không ngủ được, người khác thì đã khóc, những giọt nước mắt của niềm vui.[11] Bởi lẽ, ‘Tơ đờn vọng dang ra’.
(Các bệnh nhân mắc Covid ở Đà Nẵng được xuất viện)

Đó là nhịp rung của những trái tim biết thương xót, là tiếng líu lo của những con chim cảm thông được niềm vui và nỗi buồn của đồng loại. Chim hót không phải để khoe giọng ngân lảnh lót của mình, cũng không nghĩ rằng, giọng hót của mình thánh thót hơn những con chim khác. Nhưng, tất cả tiếng hót của chúng đã hòa thành một dàn hợp xướng bản giao hưởng “Say Thơ”, với nhiều cung bậc và những khúc biến tấu thật da diết.

Nào, chúng ta hãy lắng nghe một khúc biến tấu với giọng rung ngọt ngào và chan chứa yêu thương của ‘Sơn Ca’:

… Mọi người bắt đầu gọi những Tình Nguyện Viên chúng tôi là “Đội quân lên đường chống dịch”. Quân thì phải có vũ khí, nhưng trong chúng tôi, không ai có thứ vũ khí nào trong tay, ngoài thứ vũ khí duy nhất mang theo trong mình là “Tình yêu của Đức Kitô”. Một tình yêu đang nung nấu và thôi thúc chúng tôi lên đường để được chia sẻ nỗi khốn khổ mà các bệnh nhân đang phải gánh chịu trong cơn dịch bệnh.

… Trong tận đáy lòng, tôi tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc vì được phục vụ những con người đau khổ này. Với bản thân mình, tôi thấy thật sự hạnh phúc vì cảm nghiệm được chính đôi tay của mình được đụng chạm vào khuôn mặt và thân thể của Đức Kitô mỗi khi tôi phục vụ, chăm sóc cho họ. Hơn bao giờ hết, lúc này đây tôi đang cảm nhận lời cầu nguyện của tôi dâng lên Chúa rất thật và rất chân thành, như ý nghĩa một đoạn sách tôi đã từng đọc: “Trong cầu nguyện ta gặp được Đức Kitô, và trong Ngài ta gặp được những đau khổ của con người. Trong việc phục vụ, ta gặp được con người, và nơi họ, ta gặp được chính Đức Kitô chịu đau khổ.”[12]

Và đây là khúc biến tấu với những âm giai trong trẻo nhưng thật ấm lòng của ‘Họa Mi’. Nó làm cho chúng ta càng yêu người, yêu đời và tin tưởng cuộc sống ngày mai sẽ tươi sáng và hạnh phúc hơn.

Mẹ đã từng dạy con: “Dù ở đâu, làm gì con hãy luôn nghĩ đến người khác, có như vậy con mới tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc con ạ!”. Con vẫn nhớ lời mẹ dặn và con mang trong mình Tình yêu của Đức Kitô đến đây để phục vụ bệnh nhân Covid. Thương lắm mẹ ạ! Các bệnh nhân ở đây hầu như đều bất động. Con virus quái ác hành hạ họ khổ sở lắm. Họ thoi thóp trong từng hơi thở, không người thân bên cạnh. Họ phó thác mạng sống họ cho các bác sĩ và điều dưỡng ở đây chăm sóc. Bệnh nhân mỗi lúc một tăng, các bác sĩ hầu như đã thấm mệt vì quá tải. Vì thế, con và một số anh chị em thiện nguyện muốn góp một phần nhỏ nhoi của mình hầu giúp bệnh nhân xoa dịu phần nào nỗi đau.

Bây giờ con mới thấm thía câu nói: “Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc”. Trước đây, vì những bon chen lo toan cho cuộc sống mà quên mất giá trị đáng được trân quý nơi gia đình. Dịch bệnh xảy ra lại là cơ hội giúp nhiều người nhận ra “gia đình” là nơi mà những người thân yêu vẫn dõi theo bước chân trên đường đời; là nơi có những người mà ta dành trọn tình thương cho họ. Có một nơi để về đó là gia đình, nhưng không phải ai cũng có thể về. Các y bác sĩ đã âm thầm hy sinh niềm vui cá nhân vì bệnh nhân. Họ không những giấu mình trong bộ đồ bảo hộ kín mít, làm việc trong môi trường cách ly tuyệt đối, chỉ giao tiếp bằng ánh mắt. Họ chạy nhiều hơn là đi. Nhiều lúc bệnh nhân nguy kịch, họ liền leo thang bộ mà chạy. Hình ảnh các bác sĩ nắm lấy tay nhau khi nhận thấy bệnh nhân có dấu hiệu khỏe lại làm cho con cảm thấy ấm lòng, thật cảm động! Nơi đây thực sự đã trở thành gia đình nhân loại chan hòa tình yêu thương, tất cả chỉ vì giành lại sự sống cho các bệnh nhân.

Mẹ, lần đi thiện nguyện này con gái của mẹ cảm nghiệm được nhiều điều. Con hiểu được và trân quý hơn giây phút được ở bên gia đình. Con hiểu rằng, trong trận chiến, người ta cần nhiều bom đạn, nhưng trong cuộc chiến này, vũ khí cần hơn cả đó là tình thương. Con nhận ra đại dịch đã mang đến nhiều khó khăn, thách đố, dẫu có những thách đố bên ngoài nhưng lại là cơ hội để con yêu thương nhiều hơn, mở rộng con tim của mình, biết sẻ chia nhiều hơn.[13]

Lạy Chúa Giêsu!

Nhìn ngắm tượng ảnh Trái Tim Chúa,

con thấy tay Chúa không chỉ lên đầu

mà chỉ vào trái tim bị đâm thâu,

một trái tim bốc lửa vì yêu dấu.


Điều đó cho con hiểu,

thương yêu là sẵn sàng phục vụ,

dấn thân bằng tất cả trái tim mình,

cho dù phải mang nhiều thương tích,

nhưng đó là chứng tích của tình yêu.


Phục vụ đòi con có nhiều điều,

phải trở nên hiền lành và khiêm nhượng,

trong sáng và chân thành trong ý hướng,

luôn can trường trong thử thách đau thương.


Sự phục vụ nào cũng đòi con xả kỷ,

không tìm mình và cũng chẳng mong chi,

chỉ mong ý Chúa được thực thi,

và ai cũng thấy mình được yêu quý.


Xin cho con biết phục vụ như Chúa,

như người tôi tớ của mọi người,

đem niềm vui đến với mọi nơi. Amen![14]

(Ảnh: Sưu tầm)


(Trích tập: Tiếng chim ca trong mùa Covid)
---------------------------------

[1] Maria Hồng Hà CMR, Nhật ký chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện: Ngày thứ hai, Nguồn: https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/nhat-ky-cham-soc-benh-nhan-covid-19-tai-benh-vien-ngay-thu-hai-42315

[2] 5 Thiên Thần nhỏ, Dòng NTCGSLM, Một ngày không thể quên, Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/mot-ngay-khong-the-quen-63949

[3] Lm Minh Anh, Một con người hơn là một địa điểm, Nguồn: https://tonggiaophanhue.org/tin-tuc/tin-giao-hoi-hoan-vu/mot-con-nguoi-hon-la-mot-dia-diem/

[4] Chiara Lubich, La gioia, Al Giubileo dei giovani, Roma 12 aprile 1984. Nguồn: http://www.simonhoadalat.com/suyniem/songloi/2018/LS1218.htm

[5] Cosma Hoàng Văn Đạt S.J. Giám mục Bắc Ninh, “Đức ái trong đời sống thánh hiến qua đại dịch Covid -19”, Nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-ngo-cua-duc-cha-chu-tich-uy-ban-tu-si-duc-ai-trong-doi-song-thanh-hien-qua-dai-dich-covid-19--42305

[6] Pr. Lê Hoàng Nam, SJ, Cầu nguyện cho các tu sĩ, Nguồn: dongten.net

[7] Lm Phương Anh, Hạt giống tình yêu

[8] Hoa Đồng Nội, Những trái tim liên đới trong mùa đại dịch, Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/nhung-trai-tim-lien-doi-trong-mua-dai-dich-64028

[9] Ban Tông đồ Đa Minh Thánh Tâm, Chốn về yêu thương, Nguồn: http://giaophanxuanloc.net/tin-giao-phan/chon-ve-yeu-thuong-17637.html

[10] Phanxicô – Trái tim Chúa yêu

[11] MVTT Giáo phận Xuân Lộc, Những tiếng vỗ tay đầu tiên từ khu cách ly nơi các nữ tu phục vụ, Nguồn: http://giaophanxuanloc.net/tin-giao-phan/nhung-tieng-vo-tay-dau-tien-tu-khu-cach-ly-noi-cac-nu-tu-phuc-vu-17659.html

[12] Nt. Francesca Do, Dòng Chúa Chiên Lành, Cảm nghiệm sau 2 tuần phục vụ bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến, Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/cam-nghiem-sau-2-tuan-phuc-vu-benh-nhan-tai-benh-vien-da-chien-64013

[13] Têrêsa Nguyễn Vui, Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục, Thương lắm mẹ ơi!, Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/thuong-lam-me-oi-64032

[14] Linh mục Thái Nguyên, Lời nguyện từ trái tim, Xin ơn phục vu, Nguồn: https://gpcantho.com/39-xin-on-phuc-vu/