Con khổng tước và cô tiểu thư- Tác giả: Nguyễn Văn Học

Anne de Jesu




1

Không biết đã bao đêm mất ngủ nằm nghĩ về mẹ và tương lai của mấy anh em chúng con. Và con cũng biết, mẹ đang cố giấu những ủ dột trong lòng mình, để làm những cơn gió mát thổi xuống đời mấy anh em chúng con. Mẹ từng dạy: chúng con dù làm gì cũng đừng đánh mất bản thân. Con vẫn nhớ như in khuôn mặt mẹ trong ngày cha trút hơi thở cuối cùng. Cha cũng dạy chúng con như vậy. Cùng với nỗi đau tột cùng của mẹ, con biết, mẹ rất hy vọng chúng con sẽ làm được như lời cha dạy. Hầu như không cần mẹ phải nói nhiều, sau khi cha mất, tự anh em chúng con bảo ban nhau, làm những bông hoa đẹp trong ngôi vườn mẹ. Không để lòng mẹ héo hắt. Nhưng, không nói thì ai cũng biết cái nghèo lúc nào cũng đeo đẳng, bám vào chân chúng con, như những vệt bùn cứng đầu cứng cổ. Ra phố, bươn bải học hành, gặp biết bao điều ngang trái, cạm bẫy lọc lừa giăng khắp bốn phương. Và nếu không biết đề phòng, thiếu bản lĩnh thì rất dễ biến thành chú chim gãy cánh.

Tốt nghiệp, con chưa xin được việc làm. Ngành viết văn đầy trắc trở. Học đấy, cố gắng đấy và rồi nhiều người chênh chao chẳng biết xin việc gì cho ổn định tương lai của mình. Con xác định học là hiến dâng mình cho một đam mê. Con không thực dụng, nhưng cũng chẳng biến thành kẻ lúc nào cũng mơ màng tâm hồn treo ngược cành cây. Con trăn trở nhiều cho văn chương và đau đáu thân phận mình, để rồi có lúc, ngồi viết nhật ký cho mẹ mà không nín được nước mắt. Con vẫn làm phóng viên tự do, thổi ước vọng mình, chính kiến mình vào từng trang phóng sự, bút ký, những bài luận… Con đồng hành cùng một vài em học sinh yếu văn. Người ta gọi là “gia sư”. Suốt bốn năm học, con vẫn làm như thế để có thêm kiến thức, vốn sống và để có thêm tiền trang trải cuộc sống. Một trăm học sinh phố con biết thì năm mươi em không biết tả con bò thế nào, cô giáo bảo tả con gà nhà em thì chúng miêu tả con gà đã được luộc chín, nằm im trên bàn thờ. Học sinh cấp III thành phố nhiều em lố lăng ăn mặc, buông thả tục tĩu nói năng, trì trệ lao động, lười nhác sáng tạo và thường ném mình vào những trò chơi vô bổ. Chúng nhăng nhít yêu đương, làm tình với nhau ở cái tuổi còn tanh hơi sữa và một lúc nào đó, mặc cả đồng phục đưa nhau đi nạo hút rồi nhận lại những đắng cay. Chúng biến thành nô lệ của nước mắt, của căm hận và sặc sụa trong mùi vị thất tình, ê chề trong dư vị của những hậu quả xấu.

Một cô gái tên Lợi, tư gia giàu sụ, điệu đà, nhưng cô đơn một cách dã man. Nếu mẹ gặp thì đôi lúc mẹ sẽ bật cười. Con sẽ kể mẹ nghe về cô ấy. Đang học lớp mười hai, khá xinh. Và mẹ sẽ biết là chúng con được sinh ra trên cùng lãnh thổ này, có thể nói cùng thế hệ, nhưng khác nhau một trời một vực.

2

Chán. Chẳng gặp được “thằng thầy” nào hiểu biết một chút về chuyện tình ái. Gã tên Khai thông minh, hay nói nhưng chẳng trúng. Gã tên Việt cận thị lúc nào cũng học và học, khô cứng, nói đến chuyện yêu đương là đỏ mặt. Gã tên Dũng thì có vẻ công tử bột… Chờ đợi chị Nga giới thiệu. Mãi chị mới “câu” được. “Gã này tên Vững em ạ, dạy nhiệt tình, kiến thức sâu. Nghe gã giới thiệu gã có viết văn, dạy con chị Ngữ rất tốt…”. Chị Nga giới thiệu thế, tôi duyệt! Nhà văn chắc chắn lãng đãng, cứ thử xem. Hỏi chuyện, chắc không chỉ biết củ riềng thích hợp với con chó, củ nghệ hợp với cá hay luộc ốc không thể thiếu sả và ớt (đi ăn nhiều cùng bạn học nên hiểu). Gã sẽ còn biết rõ tâm lý một thằng công tử con nhà giàu thế nào, tôi sẽ có cơ hội hỏi về cách tấn công ra sao, cách khóc lóc thế nào cho thảm thiết. Tôi quá chán nản rồi, chẳng thiết học hành với thi cử gì. Tôi muốn yêu và được yêu. Tôi muốn gã gia sư của mình thông thạo những điều đó. Tôi không muốn một gã lúc nào cũng đòi tôi nhồi nhét kiến thức vào trong đầu. Mặc, mẹ muốn tôi có gia sư, cho phép chọn, chi bao tiền cũng được. Ngay hôm ấy tôi nhờ chị Nga sắp xếp để gặp thầy mới cho bằng được.

Y rằng, thầy mới của tôi đúng hẹn không sai nửa phút. Chị Nga gọi điện bảo tôi đến quán cà phê. Sau mấy lời chào hỏi, giới thiệu. Chị Nga bảo:

- Em Lợi học yếu cả tự nhiên và xã hội, nhờ anh chỉ bảo giúp. Em ấy cũng chẳng mấy nữa mà thi tốt nghiệp, kỳ thi đại học khó khăn cũng đang đợi phía trước.

Gã thầy mới gật đầu:

- Nhìn cô gái thông minh, chắc chẳng vấn đề gì.

Nụ cười của gã thật dễ mến.

- Em biết tiếng tốt của anh rồi - Chị Nga tiếp - một vài học sinh được anh bồi dưỡng, khá lên trông thấy. Con bé nhà chị họ em nhờ anh mà đỗ đại học. Cảm ơn nhé.

- Đừng quá ca ngợi thế, mình đã dạy là kèm với trách nhiệm và sẽ cố gắng hết sức.

Ngay hôm sau, theo ý tôi, thầy Vững đến nhà dạy cùng vẻ trẻ trung tự tin của mình. Bố mẹ liên miên vắng nhà. Chỉ có bác giúp việc tận tụy lúc nào cũng lau lau chùi chùi hết mọi thứ. Đưa thầy mới lên phòng riêng, tự nhiên tôi thấy mình muốn khóc. Cách đi đứng, nói năng của thầy chững chạc quá, hiền hậu và dễ cảm thông. Lòng tôi thì đang trống tênh, mà ngực nghèn ngẹn khó thở. Tôi cứ khóc, đã đời, trước sự khó hiểu của người gia sư. Cho đến khi nhận được mấy câu dỗ dành rất chí lý, tôi tạm ngừng tuôn nước mắt, ngồi tâm sự với thầy.

3

Ngày đến dạy đầu tiên, cô bé Lợi đã thê thảm khóc lóc với con. Nhìn dáng vẻ cô, không giống một người dễ khóc, cũng chẳng giống một người có nhiều nỗi đau khổ đến nỗi phải khóc nấc nghẹn với một người mình gặp lần thứ hai. Cô gái tâm sự với con sự trống trải của lòng mình.

Sống trong một gia đình giàu có, nhưng lúc nào cô cũng thấy cô đơn, lạnh lẽo. Cảm giác sự giàu có ngày càng tăng của những gia đình thành phố tỉ lệ thuận với sự lạnh lẽo mà nó tạo ra. Bố mẹ chỉ có Lợi là con, tiền kiếm được như lá thu rụng, nhưng cả hai đều phung phí hạnh phúc. Họ không trân trọng nhau. Thành ra, cô con gái ở giữa chơi vơi không biết bấu víu vào ai. Những bi kịch cũng diễn ra trong chính ngôi biệt thự đẹp đẽ sang trọng kia. Lợi cảm thấy cô đơn trong chính tổ ấm của mình. Lợi muốn tìm lại cảm giác yêu thương mà không được. Lợi ước mình sống trong một gia đình nghèo nhưng giàu có tiếng cười. Chẳng bù cho gia đình chúng ta. Nếu có tiền thì cha con đã không chết. Nếu có đủ tiền theo đuổi thuốc thang thì cha đã không bỏ mẹ con ta sớm vậy. Cha đành buông xuôi tất cả, đón nhận cái chết một cách thanh thản để giữ lại mảnh đất cắm dùi cho anh em chúng con. Mẹ con mình khổ vì quá nghèo, ngược lại, nhiều gia đình khổ vì quá giàu. Chị đi lấy chồng đầy nỗi tủi thân. Nhà chồng chị chẳng những nghèo, còn nặng nề hơn nhà mình một người nghiện ngập. Không biết bao giờ vật đổi sao dời, để anh rể làm lụng có của ăn của để. Anh Tiên - con trai mẹ, anh trai con cũng tìm được người ưng ý. Chị dâu thật như đếm, cả ngày lui cui làm lụng. Anh hy sinh cho con được học hành. Nhưng thơ con chưa bao giờ biết vỗ về anh. Truyện ngắn con chưa bao giờ nhắc đến anh dù con biết mình ơn anh nhiều. Giá gia đình của Lợi san sẻ cho gia đình ta chút xíu. Giá cha mẹ Lợi bớt rửng mỡ chán cơm thèm phở đi chút xíu… giá như… Biết bao nhiêu cái giá như chồng chất. Cuộc đời này sẽ chẳng có cái giá như nào hết. Vậy mới là đời. Mới có những thân phận. Con người mới biết đau và rơi nước mắt. Con người mới biết tiết kiệm hạnh phúc.

Cô bé Lợi nhìn con thật lâu. Hỏi thầy có người yêu chưa? Con lắc đầu, bảo cứ gọi là anh. Lợi dứt khoát nói, thầy làm gia sư, người được học tất nhiên phải gọi gia sư bằng thầy. Tùy, thế nào cũng được. Miễn là học có hiệu quả. Ở nhà ngày trước mọi người vẫn gọi con là… thằng Bột. Thằng Bột của mẹ đã có người gọi bằng thầy mấy năm rồi đấy ạ.

Cô bé có vẻ không thích học. Đầu óc cô chất đầy những thứ mà chỉ có lũ trẻ thành phố mới nghĩ ra: chích hút, quan hệ trước hôn nhân, nhà nghỉ, phản bội, khóc lóc, rạch tay, tự tử… Cô bé hỏi con tại sao đàn ông con trai thích phản bội? Cô lấy ví dụ bố mình. Bố cô sẵn sàng bỏ mẹ con cô ở nhà để cả tháng ngủ ở nhà người đàn bà khác. Cũng có lần Lợi hỏi bố tại sao. Ông ta đỏ mặt quát nhặng: Đồ con nít, biết gì! Cô hỏi con tại sao mẹ mình không quan tâm đến cô, lại quan tâm một người đàn ông trẻ hơn bà ấy bốn tuổi. Con không biết trả lời sao. Nhưng con vẫn nói cha mẹ cô có những việc mà họ cho là cần thiết. Và họ bao giờ cũng muốn tốt cho con gái. Con không hiểu tại sao vợ chồng họ lại bỏ rơi đứa con đáng yêu của mình cho sự trống tênh ngột ngạt của ngôi biệt thự quản thúc. Tại sao họ không nghĩ, cô con gái họ có trái tim đa cảm, cần họ biết nhường nào. Sự thực dụng đang ném cay nghiệt về thế hệ trẻ tuổi chúng con. Cuộc sống với những khắc nghiệt của nó, đang giăng mắc cứa vào lòng những cô cậu như Lợi, để rồi sự cô đơn trống rỗng vẫn cứ ăn mòn những gia đình giàu có, thừa thãi.

4

Hạnh phúc gia đình tôi như đám mây trước gió, vậy mà trước đây, tôi đã nghĩ nó vững bền như trái núi. Một hôm đi học về, thấy trong nhà mình có một người đàn ông lạ. Mẹ tôi áo quần xộc xệch, đầu tóc rõa rượi. Tôi muốn hỏi mẹ tại sao? Mẹ bảo đây là bạn mẹ. Bố đi công tác hoặc đi đâu đó xa cả tuần chưa về. Trong cả tuần đó, chẳng thấy mẹ nhắc gì đến bố. Người đàn ông ấy đi, tôi cũng quên luôn chuyện đó mà chẳng thắc mắc điều gì. Cho đến một hôm, bố về, và những chuyện cay nghiệt của người lớn diễn ra:

- Cô im đi! Cô tưởng tôi không biết chuyện cô vẫn còn qua lại với thằng người yêu cũ của cô đấy hả? Cô là gì mà lên mặt dạy tôi chứ?! Không vì bé Lợi, vì tương lai của tôi, tôi ly dị với cô lâu rồi, cô hiểu chưa?

- Anh thích thì cứ làm thế đi. Anh tưởng tôi tha thiết với anh lắm hả? Thực ra tôi có ý định từ bỏ cái nhà này lâu lắm rồi. Tôi sẽ làm trước cho anh xem.

- Được, cô cứ cút khỏi đi, tôi cóc cần.

Tôi khựng lại ngoài cửa. Trong phòng, bố mẹ tôi vẫn không thôi chì chiết nhau. Vậy mà lâu nay, tôi luôn cảm thấy tự hào và hãnh diện với mọi người vì mình có một gia đình thật hạnh phúc. Bố mẹ cho tôi đủ thứ: áo mới, máy tính đắt tiền, điện thoại, thậm chí cả xe máy. Nhưng giờ, những thứ đó để làm gì? Những thứ đó chẳng cứu được gia đình tôi nữa rồi. Tôi thấy niềm hạnh phúc của gia đình mình quá mong manh, lại đặt trước một cơn gió lớn.

Trở về phòng. Lòng dạ trống tênh u ủ nỗi buồn. Căn phòng cũng trở nên trống rỗng, lạnh lẽo và xa lạ. Tôi ước những gì mình vừa nghe thấy không phải là sự thật. Nhưng nó đã là sự thật rồi. Nó đã phơi ra. Sự thật đang nhe nanh vuốt trước tâm hồn trẻ dại.

Để tâm trạng mình trôi tuột trong tâm trạng nản buồn, một tuần sau, tôi ngồi chat cùng mấy đứa bạn. Chúng nó bày cho tôi cách tự dùng dao lam rạch tay mình ra cho chảy máu để giải tỏa. Ban đầu thấy rợn ơi là rợn. Sau thử rạch, thấy máu chảy, lòng mình nhẹ nhõm. Tôi rạch đến mười nhát ở cổ tay. Máu ri rỉ cho lòng tôi bớt trống tênh. Hôm sau da tôi tai tái, thấy cổ tay tứa máu, mẹ mới hỏi. Tôi bỏ vào phòng, không nói. Mẹ cũng chẳng thèm gõ cửa. Đủ thấy mẹ chẳng còn quan tâm.

Cho đến một hôm tôi nhận ra rạch tay để bớt buồn và để thể hiện bản lĩnh như những đứa bạn cũng không phải là cách. Có đứa đã để máu chảy mạnh cho đến chết. Có những đứa quá buồn, muốn rạch tay để níu kéo sự quan tâm của gia đình, nhưng chẳng được. Mười mấy đứa bạn trong giới hạn bạn bè của tôi. Ngoài kia, sẽ còn biết bao nhiêu đứa trẻ rạch tay như tôi và bạn tôi. Ngoài kia, biết bao nhiêu gia đình đang vô cảm trước nỗi đau con cái. Biết bao nhiêu gia đình mà hạnh phúc giản dị chỉ đứng ngoài ngõ. Tôi không muốn tự rạch tay mình nữa. Tôi muốn tìm bạn trai chơi cho đỡ buồn. Trước đây chỉ học và đọc sách. Nay phải chơi, phải phá, phải hét lên, khóc lên, rồi đã đời cười. Bởi bố mẹ không cần tôi. Hạnh phúc chối bỏ tôi. Tôi phải tìm cách khác quậy phá hơn, đã đời hơn.

Và tôi đã có thầy Vững, cảm giác người này có thể tư vấn giúp tôi tìm được bạn trai ưng ý cho sự quậy phá. Có lúc ngồi một mình, tôi đã gọi thầy là “thằng”, “hắn”… Cảm giác trong tôi rất mến thầy Vững.

- Thầy đã có bạn gái chưa, và người đó tính cách thế nào?

- Tôi chưa.

- Vậy thầy thấy em hợp với một người bạn trai như thế nào?

Thầy Vững tỏ ra không vui:

- Đang giờ học cơ mà, tôi không có trách nhiệm tư vấn tình yêu cho em. Chúng ta đã bị mất 15 phút rồi. Học thôi.

- Thầy cho em biết đi, rồi sẽ học.

- Không, tôi thấy em không nên hỏi những chuyện đó. Chỉ để dành thời gian cho việc học thôi.

Giọng thầy dứt khoát và đôi mắt đăm chiêu. Con người thầy hiện lên vẻ thật thà giản dị. Chắc chắn thầy không thể ác được. Biết vậy, nhưng mục đích của tôi tìm thầy không phải là để học. Tôi cần người chỉ giáo cho. Tôi cần thầy Vững tư vấn chuyện tình yêu. Mà thầy nghiêm khắc quá, điều đó chỉ khiến tôi bực lúc đó, rồi càng làm tôi mến thầy hơn.

Hôm sau nữa, khi vừa bước vào nhà, tôi cũng hỏi thầy về chuyện yêu đương. Nhưng thầy không nói. Thầy muốn tôi học hành nghiêm túc.

Chẳng buồn hỏi thầy nữa. Trên thế giới ảo, có một gã rủ tôi đi chơi. Nghe hắn nói có vẻ là dân sành điệu. Cứ thể xem sao. Tôi nhận lời. Chúng tôi đến quán. Hắn cũng là con nhà giàu nên nói năng lúc này làm tôi khó chịu, nhưng cố gắng xem thế nào. Rồi hắn rủ tôi lên sàn nhảy. Tôi cố không tỏ ra mình đang chán. Tôi cố tỏ ra mình còn khá ngoan hiền. Cuối cùng hắn thuyết phục được tôi đi bụi. Chí ít thì hắn cũng làm tôi thích thú. Rồi chính sự hào phóng trong tâm trạng bất cần của hắn làm tôi chú ý. Tôi nhận ra hắn cũng bi kịch con nhà giàu như mình. Tôi dần dần dấn sâu vào những cuộc chơi thâu đêm cùng hắn. Đến nỗi, tôi quên mất mình phải học. Thầy Vững lại nhẹ nhàng khuyên nên học hành chăm chỉ. Mà lòng tôi trống rỗng thế này…

5

Lợi là cô bé từng học rất giỏi các môn tự nhiên. Các môn xã hội cũng khá. Môn văn được. Cô có tính ướt át, đa cảm đa sầu và thích đọc sách văn học. Con từng đọc bài văn của nhiều học sinh cấp III thành phố. Có em đã để hai nhân vật trong truyện của Tô Hoài và Nguyễn Khải kết duyên với nhau. Hay nói Xuân Quỳnh thời sinh viên hẳn ướt át lắm, tán giai giỏi phải biết. Có cô cậu còn cho Nguyễn Minh Châu lái xe chở cả vầng trăng lớn trong “Mảnh trăng cuối rừng” đến nhà một cô gái tên Nguyệt để ngỏ lời cầu hôn mà không được. Đại thể học sinh làm bài và để râu ông nọ cắm cằm bà kia, với những hàng chữ ngô nghê hài hước. Còn Lợi, có những bài văn cô làm rất xuất sắc, được đọc trước lớp làm bài mẫu. Vì cô cũng có tình yêu với văn chương. Tâm hồn từng rất thánh thiện, đẹp đẽ của cô là tín đồ của những cuốn tiểu thuyết trong nước và quốc tế. Không như các bạn cô, chỉ thích cắm đầu vào truyện tranh sex, chat sex, đua đòi đú đởn… Nhưng giờ tâm hồn cô đang bấn loạn. Là một người viết văn, con buồn quá, con thương quá.

Ban chiều, nhận được điện thoại mẹ nói ốm. Con hốt hoảng, tim muốn nhẩy ra ngoài. Ngày mai có anh bạn về, con gửi biếu mẹ ít tiền để mẹ bồi dưỡng. Niềm tin của con là cứ cần mẫn viết, rồi sẽ tìm được việc làm tử tế. Bạn con ra trường, mỗi người mỗi cảnh. Nỗi niềm nhà văn trẻ, khát vọng nhiều nhưng tài năng như muối bỏ bể. Có đứa lương khởi điểm hơn triệu bạc, vừa đủ tiền thuê nhà lẫn xăng xe. Con hận mình không thể cố gắng hơn, để có tiền bồi dưỡng và thuốc thang đầy đủ cho mẹ. Cha khi còn sống vẫn bảo con đa đoan văn chương, ôm nỗi khổ vào người. Giờ con thấm. Giá cứ làm một anh kinh doanh, buôn bán gì đó, hơn là cắm đầu vào học trường viết văn, với một tài năng chưa thực sự chín, và sự may mắn chưa đến với mình, để rồi lại chán ngán làm sao thân phận văn chương bèo bọt quá đỗi.

Ai chẳng mong giàu có. Cánh nhà văn trẻ chúng con càng nghèo càng mong muốn điều xa vời đó. Rồi có đứa như cánh cò nghiệt ngã, dứt hẳn văn chương, chấp chới kiếm tìm sự giàu có trong biển người xô bồ. Rồi thấy mệt mỏi mà sự giàu có kia vẫn đỗ ở đâu đâu chứ chẳng chịu về…

Sinh ra cái nghèo và cái giàu, bản thân ông trời không có lỗi. Con người cũng chẳng có tội gì. Con người chỉ có tội khi giàu có không biết giữ, nghèo hèn không tìm được kế vươn lên. Còn những cô gái như Lợi, khi mất mát sự hồn nhiên, trinh tiết thì ai là người nó lỗi? Hẳn là mẹ cùng nỗi day dứt như con.

Một hôm con đến để dạy cho Lợi. Cô trả con tiền công. Con cầm tiền xong cô khóc. Cô nói gã con nhà giàu vẫn thường chở cô đi chơi đã chết. Chết vì đua xe. Và vì Lợi đã không ngồi lên xe hắn trong đoàn đua ấy. Lợi nói vậy trong tâm trạng bấn loạn và ân hận. Con an ủi cô. Lợi gục đầu vào vai con khóc. Con thương cô bé ít tuổi mà đã phải trải qua bao nhiêu dằn vặt. Lợi còn nói với con chuyện khủng khiếp hơn: “Thầy, em có mang với gã rồi”. Con giật mình, suýt làm cô ấy ngã. Lợi khóc như chưa từng được khóc. Ngôi nhà i ỉ tiếng khóc. Bố mẹ Lợi ở đâu, có nghe thấy tiếng khóc này?

Càng ủi an, Lợi càng khóc to. Như thể con sẽ làm nhẹ bớt nỗi đau khổ của một cô gái. Mà con thì có khá hơn gì. Lòng con cũng đang giông bão. Gần ba mươi tuổi vẫn tay trắng. Không tình yêu. Không công việc. Không danh tiếng… Không gì cả. Nhưng con vẫn phải an ủi cô bé. Nhất là trong lúc này. Con không thể buông cô ấy ra. Con sợ cô ấy sẽ ngã thật và khó có cơ hội đứng dậy. Con là đàn ông con trai. Cô gái đang cần con.

6

Thầy Vững bảo:

- Tôi sẽ mang em đi phá cái thai.

- Không, em muốn giữ - Tôi lắc đầu - nó là con của em.

- Nhưng em còn phải học, phải thi vào đại học. Không thể để sinh con. Em chưa xây dựng…

- Nhưng nó là con em mà. Em yêu bố nó.

Thầy Vững tròn mắt:

- Em yêu gã ư? Em vẫn kể cho tôi là chỉ chơi bời với gã thôi mà. Cái thai trong bụng chỉ là ngoài ý muốn.

- Nhưng em đã quyết. Ai bảo thầy đã không tư vấn cho em, để em ra nông nỗi này.

Thầy Vững giật mình, một cảm giác ân hận xâm lấn. Tôi cảm nhận thế. Khuôn mặt thầy lo toan, trông khổ chưa kìa. Thầy ơi là thầy.

Nhưng tôi vẫn muốn hành hạ thầy thêm nữa. Sau hôm thầy đề nghị đưa tôi đi giải quyết hậu quả, thầy vẫn gọi điện đề nghị như thế. Tôi gặp thầy nhiều hơn và chúng tôi ngồi nhâm nhi cà phê. Mưa phố thê thiết vẫn chảy qua đời đứa con gái. Bố mẹ tôi vẫn về và đi một cách vô tình. Dường như họ đang đưa đẩy trách nhiệm chăm sóc cho tôi. Chẳng như nhiều gia đình khác, bố mẹ chia tay đều muốn giành quyền nuôi con.

Ra ngồi quán, khoảng cách thầy và trò bị xóa. Thầy bảo: “Cứ gọi anh xưng em là được”. Tôi làm theo. Càng ngày tôi càng mến thầy. Mến vẻ nghiêm khắc, sự hài hước và tâm hồn nhân hậu của thầy. Thích cái cách thầy dạy tôi học và bảo ban lúc tôi lười nhác, bao nhiêu ngày học chỉ dò hỏi tình yêu và tư vấn tình trường. Tôi thấy trái tim thầy rộng lượng và ấm áp. Tôi thấy thầy khác xa những người đã từng dạy tôi ở trường, những người đàn ông tôi gặp. Thầy đúng là một nhà văn, một người chân chính. Điều đó càng khiến tôi an tâm khi tâm sự, và cảm giác lòng mình nhẹ hơn mỗi khi ở bên.

Mỗi ngày qua tôi càng nhận thấy ở bên thầy, tôi sẽ bình yên. Nhưng tôi đã nói mình có mang mất rồi. Tính tôi là thế, lúc này muốn làm mọi thứ rối tung lên. Phải làm cái gì đó cho khác đi, giống như sự quậy phá. Cho tan hết, cho sạch hết. Vậy mà mỗi lúc đối diện với thầy, tôi lại chẳng làm được gì. Ánh mắt của thầy có một điều gì đó khiến tôi bị thôi miên. Đợi lúc thầy đến, tôi sẽ nói rõ tình cảm của mình.

Rồi thầy đến, vẫn như mọi hôm, nghiêm nghị và nhân hậu. Tôi vừa nghĩ vừa run. Hai hàm răng va vào nhau cầm cập.

- Thầy ơi, có bao giờ chúng ta đổi số phận cho nhau được không? - Nghĩ một đàng, tôi hỏi thầy một nẻo.

- Ý em là sao?

- Em sợ cái kiểu giàu có trong gia đình mình. Em muốn đổi với thầy.

Thầy lắc đầu, cái lắc đầu dứt khoát, như thể sự giàu có chẳng có gì đáng quan tâm:

- Đổi sao được, tôi không có cái phúc được hưởng giàu sang.

- Còn em khinh bỉ cái sự giàu sang nhà mình.

- Cô bé, chỉ là nhất thời bố mẹ em chưa nghĩ ra thôi. Anh tin, khi em nói rõ mọi chuyện và khuyên họ hãy trân trọng hạnh phúc, bố mẹ em sẽ khác.

- Chả tin. Giờ hai người như mặt trăng mặt trời. Chỉ có em, sinh nhầm ngôi sao xấu.

Hẳn thầy ngạc nhiên khi thấy tôi ăn nói khác trước. Tôi cũng thấy mình bỗng rắn rỏi hơn.

Thầy Vững dường như không thể dạy được. Dáng đăm chiêu kia, chứng tỏ thầy đang có tâm sự. Một lần thầy nói gia đình mình khó khăn về kinh tế, nhưng tình cảm thì dồi dào. Bố mẹ tôi trước kia, thường khoe mình giàu mỗi khi gặp bạn bè, nhưng chẳng cho tôi sống bình yên. Tôi hỏi nhà thầy khó khăn đến mức nào. Thầy không nói. Tôi đành ngồi im. Nhiều giây trôi qua, tôi thốt lên:

- Ôi, cái nghèo thật xa xỉ đối với em. Hạnh phúc xa xỉ đối với em.

Nói xong câu đó, tôi thấy mắt thầy bỗng long lanh. Bản thân tôi cũng thấy lòng chộn rộn. Một con bé lớp 12 nứt mắt mà lúc đau khổ, cũng biết triết lý. Lạ đời!

7

Cô gái nài nỉ muốn con đưa về quê chơi. Cô bé còn mạnh dạn nói: “Em rất mến thầy, em muốn ở bên thầy và muốn thấy sự nghèo khó của quê hương thầy”. Lời cô gái làm con lo lắng và luýnh quýnh làm sao! Chả lẽ, con sẽ để một tâm hồn đang bấn loạn trẻ thơ ấy thấy những cơn mưa khắc nghiệt đã trải qua đời mẹ, rớt rơi xuống đời con. Con cũng đủ nhạy cảm để hiểu sâu xa ý đồ sau câu nói ấy. Thực tình thì Lợi vừa trải qua một cú sốc và rất nhiều ác mộng ám ảnh. Cái chết của gã con trai đó đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa đau tim cô. Không thể từ chối phải không mẹ? Rồi con sẽ kể thêm về cô gái nhiều bi kịch này, mẹ nhé. Còn giờ, có lẽ con phải đến bên cô ấy, ở bên cô ấy và an ủi. Vì không còn ai ở bên Lợi, con sợ Lợi sẽ tính chuyện dại dột. Con sẽ đưa cô ấy về quê gặp mẹ. Và mẹ sẽ hiểu con, hiểu cuộc sống phố xá và những bi kịch gia đình. Giàu có, nghèo có, trung bình cũng có. Thế hệ trẻ chúng con như những trang giấy trắng, viết gì lên đó là ở những “ông xã hội”. Muốn viết mực đen, mực đỏ, hay gì gì đó là tùy. Nhưng thưa mẹ, không phải con kêu lên mẹ đâu, chúng con cần là những trang giấy trắng mà ở đó, chữ viết lên phải đẹp, phải sạch. Chúng con không nên bị làm cho hoen ố. Nhưng sự thực, nhiều tờ giấy đã ố vàng từ lúc nào.

8

Thầy đồng ý đưa tôi về quê. Quê thầy mênh mang gió và lúa. Dù đường gập ghềnh xóc nảy óc. Nhưng vui. Mây này trời này sông này bèo này… nhiều lắm. Những thứ mà từ khi sinh ra tôi đã không được nhìn thấy hoặc ít khi thấy. Thầy vẫn hỏi chuyện cái thai trong bụng. Tôi dứt khoát nói mình muốn giữ, và ngầm cười thầm trong bụng rằng, thầy dễ lừa quá.

Về nhà, thầy Vững bảo tôi nên gọi anh xưng em. Đồng ý. Mẹ Vững chưa thật già nhưng yếu. Nhìn là đủ biết bao năm qua chịu bệnh tật hành hạ. Nhà ẩm mốc, dột nát. Tiếng ho của bà cụ cào vào không gian miền quê nghèo chua chát. Vững bảo nếu có tiền, sẽ chữa trị dứt điểm cho mẹ, mẹ sẽ khỏe. Nhưng Vững không có tiền. Bi kịch của một người con, tôi hiểu lắm. Nhưng bi kịch của người nghèo không ác liệt bằng bi kịch của nhà tôi - nhà giàu. Thấy quê Vững cái gì cũng thân thương, nhỏ bé, dễ mến.

Tối, trăng vành vạnh sáng. Vững bảo trăng thiếu nữ. Tôi thắc mắc. Vững bảo: Trăng của người trẻ, như tôi. Tôi cười: Trăng của em và của anh. Đẹp quá.

Trên đê nhìn xuống cánh đồng, những con đom đóm nối đuôi nhau dập dờn. Tôi hiếu kỳ hỏi và sung sướng hét. Vững cười. Sau thấy hơi thở của anh có vẻ chán chường, tim tôi bỗng quặn lại. Tôi vô tâm làm anh đau?

Hai đứa ngồi sát, lắng nghe cơ thể nhau, hơi thở nhau. Tim tôi rộn ràng như đang hát một khúc ca. Không biết tim anh đang hát gì, có đập nhanh như tim tôi. Tôi muốn nói với anh quá. Chỉ sợ Vững giận. Nói một điều…

- Lợi à, em thấy quê hương anh sao? - Trong giọng của Vững, tôi thấy sự ủ dột.

- Thanh bình, nghèo, nhưng giàu tình.

Tự dưng, sau câu nói đó, tôi mạnh dạn đặt tay mình lên tay Vững. Vững nhìn tôi. Tôi nói:

- Em yêu Vững.

Vững hơi sửng sốt, sau bình tĩnh, tuồng như anh đã cho rằng điều này là một tất yếu. Vững bảo:

- Em còn quá trẻ, biết gì mà yêu. Chẳng qua chỉ là một cảm giác rung động, khi em quá chông chênh.

Tôi phủ nhận điều đó, khẳng định mình yêu anh. Tôi còn ít tuổi thật, nhưng trái tim tôi sâu sắc và đầu óc tôi lúc này đang minh mẫn. Sau những hơi thở dài, Vững đặt hai tay lên hai vai tôi:

- Em lừa anh đúng không? Em không có mang, chỉ đùa anh chút xíu.

Lòng tôi nhẹ bẫng, anh đúng. Vậy mà tôi cứ nghĩ anh đã bị lừa. Thì ra anh biết, anh đủ nhạy cảm để biết rằng tôi đã cố tình làm như vậy, để anh quan tâm hơn. Vững là thầy của tôi cơ mà.

Trăng vẫn vành vạnh như thiếu nữ khỏa thân trong giấc ngủ yên lành. Dàn đồng ca dế ri ri. Bức tranh thôn quê u ủ trong tôi một cảm giác ngọt ngào. Bỗng thấy mình như đứa trẻ, thê lương mong mỏi giọt sữa mẹ.

9

Sau khi đưa Lợi về quê, con thấy mình có tình cảm với cô ấy và biết rằng, mẹ cũng quý cô ấy. Mẹ nhận ra những nét đẹp của cô gái ấy mà nhiều cô gái phố khác không có. Qua một người bạn của Lợi, con biết được nhiều đêm ở trong phòng, Lợi đã ngồi đúng chỗ con ngồi dạy, uống cốc nước con đã từng uống và ôm cuốn soạn văn con tặng vào lòng.

Con phải làm thêm cật lực. Con không có tiền chạy chọt. Không có tài nịnh nọt. Không có việc làm khi ra trường. “Thành phần con ông cháu cha” giăng mắc la liệt khắp nơi. Con không được chào đón ở đó. Con cần phải có tiền để đỡ đần mẹ và cũng lo cho tương lai của mình. Được giới thiệu, con đã xông hẳn vào công việc mát-xa cho một số người đàn bà nạ dòng. Bởi con có vóc dáng, có khuôn mặt. Khi đi làm, con giấu mình là người viết văn, mà chỉ là lao động tự do. Công việc cho con tiền nhưng tặng lại nỗi nhục. Cuộc đời ngoa ngoắt, giễu cợt con bằng sự đểu giả nhất của nó. Con là con trai mẹ, người đã từng in ấn đến mười đầu sách, chẳng lẽ lại vùi đầu mình vào một mớ nhuốc nhơ. Con cần phải lôi mình lên. Con không thể để những con chữ cũng tố cáo và cười cợt mình. Càng không thể để văn chương coi con chỉ là một mớ giẻ rách. Con bỏ việc.

Cho đến một hôm, một người đàn ông giao cho con một cái bọc giấy, nói là cần chuyển đến số nhà X, đường Y. Công của con là năm trăm nghìn đồng. Một món tiền chẳng nhỏ. Đường Y gần thôi. Con nhận lời. Hỏi vì sao người đàn ông kia không tự mang đi. Ông ta nói có việc quá gấp. Con thật thà làm. Đến gần nhà X, vừa bấm chuông, chủ nhà mở cửa thì công an từ đâu ập tới. Không phải đầu cũng phải tai. Con bị lập biên bản, kết tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Chân tay con rụng rời. Thế là hết. Con sẽ phải vào tù, sẽ chẳng còn được tự do ở bên ngoài, để kiếm tiền mà chăm cho mẹ. Chẳng thể nào gột rửa được nỗi oan ức. Chứng cứ đầy đủ. Con không thể chối tội, không thể kiếm được người làm chứng, chứng minh mình vô tội. Con mang trên vai tội lỗi, mà một phút hớ hênh đã mắc phải. Tha lỗi cho con, mẫu thân.

10

Biết tin Vững bị bắt, tim tôi thắt lại, còn tay chân muốn rụng rời. Tôi tin Vững không phải là kẻ túng quẫn đi buôn lậu. Tôi tìm cách gặp anh và nghe anh giải thích. Anh bị oan và không thể chứng minh. Anh bị đưa đi. Tôi chỉ còn biết khóc. Ngay cả niềm an ủi lớn nhất của tôi lúc này cũng rời xa. Tại sao cuộc đời cứ nhất định phải dìm tôi xuống bùn đen?

Chết quách đi cho đớn đau khỏi vồ lấy mình.

Một tháng rồi hai tháng, tôi nghĩ đến mẹ Vững ở quê và về thăm. Không thể nói anh đã đi tù. Tôi nói anh bận việc nên nhờ tôi về thay. Những ngày thê lương ủ dột của bác gái chỉ bùng lên một chút sáng, khi có tôi về, rồi lại tắt ngấm nếu ngày mai tôi đi xa. Nhưng không thể đợi đến ngày mai. Ngày tôi về thăm cũng là ngày bác mất. Các anh các chị nói rằng, sức khỏe bác suy yếu đã hơn một tuần. Lại những người con nghèo nàn của người mẹ nghèo nàn bảo nhau lo tang mẹ. Tôi không thể nói dối thêm khi các anh muốn điện cho Vững về chịu tang. Tôi nói Vững đã phải vào tù. Vững từng bảo tôi mấy anh chị em đã phải vay rất nhiều tiền để mẹ chữa trị trong suốt nhiều năm. Và họ phải làm cật lực mười năm nữa, cũng chưa chắc trả hết nợ nần. Thôi thì… sự ra đi là sự giải thoát. Bác gái không phải day dứt, đau đớn nữa. Lòng thành cháu thắp nén nhang tiễn đưa…

Sau cái chết của mẹ Vững, bố mẹ tôi chính thức ra tòa ly dị. Tôi được quyền ở với mẹ, trong ngôi nhà to lớn bố tôi bỏ lại. Nó thường xuyên có một người đàn ông nhiều râu và trứng cá đến, chung chạ với mẹ. Tôi không quan tâm, thường đóng cửa học. Tôi nghĩ rằng, sau trận này, mình phải sống khác. Tôi hiểu ra nhiều điều và nhớ thương Vững.

Một hôm, mẹ gọi tôi lại gần người đàn ông lạ. Mẹ bắt tôi gọi ông ấy bằng bố, vì hai người sắp cưới. Tôi cứng đầu không chịu. Mẹ bảo tôi hỗn, tính hiền dịu bị trôi đâu hết. Tôi hận, tôi bực, tôi hét:

- Nó đã bị mẹ và lòng ích kỷ của mẹ giết chết rồi. Giờ muốn làm gì cũng được, hãy để cho con yên. Mẹ không xứng là mẹ con nữa.

Tôi nhận được cái tát trời giáng từ tay mẹ và cái cười khẩy cổ vũ từ người đàn ông đã góp phần làm gia đình tôi tan nát kia. Mắt mũi tôi tối sầm. Tôi lao ra phố, chạy thục mạng, chạy để trốn khỏi nỗi ám ảnh đau đớn, tôi muốn trốn khỏi không khí ngột ngạt và thoát xa người mẹ vô tâm. Gió quất lại mặt tôi những nỗi giận dữ của trời. Tôi trốn vào một góc khuất của thành phố đô hội chật ních người, nơi không có mấy ai lui tới và khóc đã đời.

Sau một ngày dài đau khổ, tôi tìm đến nhà một người bạn tốt bụng nhất và ở lại mấy ngày. Nhớ Vững quá, tự nhiên muốn chia sẻ cùng anh cho nhẹ bớt.

Tôi tìm cách vào thăm anh.

Vừa thấy tôi, Vững hỏi:

- Em mang tin xấu đến cho anh đúng không?

Hỏi vì sao, Vững bảo mới thấy ác mộng đêm qua. Vững đúng. Tôi nói mình mang đến cho anh một tin xấu và một tin tốt. Anh muốn nghe tin xấu trước. Tôi nói chuyện mẹ anh.

- Bác gái mất rồi. Các anh chị ở nhà không muốn thông báo cho anh khi đang ở trong tù, chỉ khổ thôi. Giờ em mới nói.

Anh thét lên trong đau đớn và ân hận. Anh không phải người con bất hiếu. Tôi biết, con tim anh đang hát bài thê lương nào. Bài thê lương của người con hiếu thảo thương mẹ.

Một hồi lâu, bình tĩnh lại, Vững nói muốn nghe tin tốt.

Tôi bảo Vững:

- Em sẽ đỗ đại học. Sau nhiều biến cố, em thấy mình phải sống khác đi. Em sẽ đợi anh ra ngoài. Bốn năm không phải là dài, với một người kiên nhẫn và cải tạo tốt như anh đúng không?

Tôi thấy đôi mắt Vững rưng rưng, đang vẽ một niềm hy vọng. Anh sẽ tin tôi và sự đổi khác này khiến anh mừng. Dĩ nhiên, tôi cũng thông báo cho anh tình hình gia đình mình. Tôi sẽ không khóc nữa, tôi để dành nước mắt khóc mừng ngày anh ra, và ngày chính thức nhận lời yêu nhau.

- Cảm ơn Lợi đã cho anh niềm tin. Ngoài đau đớn vì tin mẹ mất, anh mừng là em đã thay đổi. Lợi à, dù năm tháng đến và đi, dù hoa ở khu vườn em vẫn thắm màu cũ, nhưng chúng ta sẽ sống khác ngày xưa. Em nhé?

Vững nói, ôm tôi vào lòng. Thật ấm áp. Lát sau, tôi buột miệng:

- Anh ơi, đây là trong tù đấy.

Kết một

Sau khi mãn hạn tù, Vững đã được nhận vào làm ở một tờ báo mạng uy tín. Lợi tốt nghiệp đại học và hai người cưới nhau. Một thời gian sau Lợi đi làm cô giáo. Vững vẫn dẫn Lợi đi ngắm chim khổng tước. Những con khổng tước đực xòe đuôi khoe sắc thật xinh xắn.

Lợi bảo: “Anh đúng là con khổng tước của em. Anh múa đẹp quá. Mọi thứ đều đẹp. Chỉ là không may mắn”. Vững bảo: “Còn em là tiểu thư của anh. Nghe có vẻ sến, nhưng hay đấy em nhỉ?”

Họ bảo nhau: “Chúng mình hãy sống làm sao cho thanh thản, khỏi phải bon chen, khỏi phải là nô lệ của tiền bạc, nhé”.

Hai người hạnh phúc trong ngôi nhà đầy tiếng cười. Họ sinh con đẻ cái. Và một điều lúc nào cũng canh cánh trong lòng người mẹ trẻ đã từng sống đau khổ trong giàu có: “Phải cho con cái cả tình thương yêu thực sự, chứ không phải chỉ những đồng tiền lạnh nhạt và cuộc sống no đủ giả tạo”.

Kết hai:

Mẹ Lợi đã ép được cô quan hệ với người tình mới của mình. Người mẹ mặt người đội lốt thú ấy đã phải chịu sự trừng phạt của xã hội. Bản thân Lợi vì cảm thấy đau khổ, nhục nhã, cô đã quyên sinh từ một tầng cao.

Kết ba:

Dù Lợi cố gắng yêu và dành tình yêu cho Vững, nhưng Vững mặc cảm. Vả lại, anh luôn có ý không muốn làm Lợi khổ thêm. Anh mong Lợi có thể lấy một người chồng giàu có, để cuộc đời khỏi phải rơi thêm nước mắt. Phần Vững, anh đi tìm niềm đam mê của đời mình, đó là làm một gã nhà văn hiền hậu, lãng mạn và dồn sức viết một cuốn tiểu thuyết của đời mình. Thế nhưng Lợi đã không lấy chồng, Vững cũng chẳng lấy vợ. Hai người đều mong người kia xây dựng gia đình trước. Hai con người cứ đi ngang qua nhau, thi thoảng mới gặp nhau mà lần nào cũng ngậm ngùi, đau khổ. Họ như hai đường thẳng song song, chỉ nhìn thấy nhau mà không thể hợp thành, cho đến khi tuổi trẻ trôi vào quá vãng...