Tưởng niệm Linh mục nhà thơ F.X Nguyễn Xuân Văn

Lan Mary

PHẦN THỨ HAI

NGUYỄN XUÂN VĂN,
NGƯỜI MỤC TỬ VÀ NHÀ THƠ


LỜI CHÀO ĐẦU LỄ

Đức Ông Xuân Ly Băng

Trong số khoảng 150 người tham dự thánh lễ tưởng niệm nhân 100 ngày ra đi của Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Văn, có những anh chị em cầm bút ngoài giới công giáo. Vì thế, trong lời mở đầu thánh lễ, Đức Ông GB Lê Xuân Hoa, tức nhà thơ Xuân Ly Băng đã ngỏ lời chào đặc biệt đến các anh chị em ấy.

Thưa quí vị,

Cộng đoàn chúng ta tuy không bao nhiêu người nhưng gồm những trí tuệ của triết học, của sử học, của văn học, của âm nhạc, đặc biệt là của thi ca…Chúng ta đang gặp nhau để kỷ niệm 100 ngày ra đi của nhà thơ linh mục Nguyễn Xuân Văn.

Theo giáo lý của Chúa, không ai sống cho mình, cũng không ai chết cho mình, nhưng sống là sống cho Đức Kitô và chết cũng là chết cho Đức Kitô. Dù chúng ta sống, dù chúng ta chết, chúng ta vẫn thuộc về Đức Kitô, vì Đức Kitô đã sống và đã chết để làm chủ người sống và người chết. Trong đức tin Kitô giáo, Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Văn ra đi không phải là chết mất nhưng là đã về với Thiên Chúa. Chúng ta tiếp xúc với Cha bằng đức tin và cha hiệp thông với chúng ta bằng đức mến.

Nhân danh các cha đồng tế và các tu sĩ nam nữ, tôi xin kính chào thế giới của nghệ thuật và trí tuệ. Có thể chúng ta không chung một niềm tin nhưng chúng ta cùng chung ước vọng Chân Thiện Mỹ, chung lòng yêu thương và phục vụ nhân loại. Chúng ta đến cử hành thánh lễ là đến với Thiên Chúa Tối cao và cũng là đến với nhau, đến với cộng đồng nhân loại. Trong cùng một niềm cảm thông hòa hợp, chúng ta nguyện đem trí tuệ, nguyện đem trái tim để phụng sự Chân Thiện Mỹ, để yêu mến Tổ Quốc Việt Nam và yêu mến Giáo Hội.

TÂM TÌNH CỦA NGƯỜI Ở LẠI

Bài giảng của linh mục Hoàng Kym trong Thánh lễ An Táng Cha F.X. NGUYỄN XUÂN VĂN tại Làng Sông 12.01.2002

Kính thưa cha Tổng Đại Diện,

Kính thưa quí Cha Hạt Trưởng,

Kính thưa quí Cha trong và ngoài giáo phận,

Kính thưa quí Cụ Sáu, quí tu sĩ nam nữ, Chủng sinh và anh chị em thân mến,

Chúng ta dâng lễ cầu nguyện và tiễn đưa cha FX đi gặp Chúa và về với Chúa. Cũng như ngài, mỗi chúng ta đều được mời gọi đi con đường đó trong cách riêng của mình. Bài học và tinh thần đi gặp Chúa của lễ Ba Vua vừa rồi còn đó và lắng đọng trong tâm tư chúng ta: lộ trình của ba nhà Đạo Sĩ là từ quê nhà Đông phương sang Jérusalem đến Bélem. Hành trang là nhân vị của bậc hiền triết chiêm tinh với ba lễ vật cao quí và ý nghĩa. Dụng cụ là quyết tâm thiện chí, tri thức văn hoá dân tộc. Phương thức là nắm bắt và vận dụng Kinh Thánh Lời Chúa với ánh sao soi chiếu hướng lộ. Đích điểm là gặp thấy Hài Nhi và Maria Mẹ Người.

Đời người, thưa anh chị em, dù là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân, ngắn hoặc dài, cũng chỉ là người lữ hành dệt thành một chuỗi sinh và động, ráp nối nên một con đường về với Chúa gặp Chúa. Sinh ký tử qui, sống là lên đường, đường hồi hương. Chức phận và nhiệm vụ là bạn đồng hành, là hành trang, là phương tiện. Đi đường nhờ ánh sao của đức tin, lương thực là Kinh Thánh Lời Chúa – Hơn 80 năm của cha FX (nay đã về với Chúa) cũng như đời sống của chúng ta (sẽ gặp Chúa) cũng chỉ độc đạo theo mẫu hình đó. Cha FX đã bỏ cái phải bỏ để thượng lộ về đích. Và đây là lộ trình của ngài: Sinh 1.9.22 tại Mỹ Đức, An Tín, Hoài An (giáo xứ Đồng Dài). Năm 36-43 học ở TCV Làng Sông – 43-45 học ở ĐCV Qui Nhơn – 45-48 giúp xứ ở Đồng Quả – 48-52 học ở ĐCV Làng Sông – 52-54 giúp xứ ở Gia Hựu – 54-56 học thần học ở Nha Trang và thụ phong linh mục năm 1956, rồi làm mục vụ ở Trúc Hà. 56-57 phó xứ Đà Nẵng, 57-62 giáo sư TCV Làng Sông. Năm 62-64 cha sở Phú Hương – 65-75 cha sở Hoà Khánh. Năm 75-86 cha sở Mằng Lăng. Và đến năm 86 cha sở Tuy Hoà kiêm Hạt Trưởng Phú Yên.

Thưa anh chị em, với không gian rộng và thời gian dài, có chức vụ và có trách nhiệm, 80 tuổi đời, 46 năm tuổi thánh, cha FX đã vận dụng đời mình để đi tìm và gặp Chúa theo cách thức của Ba Vua. Giờ đây chúng ta chỉ còn dám xin Chúa nhận diện trang điểm và đưa ngài vào Thiên quốc.

Thưa cha FX kính mến, cha vừa bước qua ngưỡng cửa Maria duce mà cha đã đặt trước cổng tổ đường Làng Sông nầy để gặp chúng con lần cuối. Đạo đức nhân bản làm cho chúng con thương nhớ vì vĩnh biệt cha, nhưng sức sống của niềm tin lại ban cho chúng con an ủi và vui mừng, bởi lẽ cha được về gặp Chúa. Vì dù ta sống hay chết đều thuộc về Chúa, nói như thánh Phaolô – Còn nhớ cách đây 50 năm, tại Chủng Viện nầy, con tim cha đã thao thức thốt lên mấy vần thơ để trở thành ca từ cho nhạc sĩ Anh Thiều dệt nên khúc nhạc “ Bóng con trở về”. Giờ đây nó không phải là nỗi xao xuyến mà đã hiện thực hoá ước mơ. Không phải “ Mẹ ơi, muôn nồng thắm muôn sắc hương, ghi lại trong lòng con muôn vết thương”, mà “ ghi lại trong lòng con muôn ý thương” của sắc nước hương trời. Và thực sự, thưa cha FX, từ phút nầy, với cha, không còn công bố “ Sứ Điệp Tình Thương” nữa, mà hưởng trọn hương vị Tình thương.

Xin vĩnh biệt cha, xin cha nhớ đến Đức Cha Phêrô, Cha Tổng Đại Diện, anh em Linh mục chúng con và giáo phận thân yêu bên Chúa.

 

BÀI ĐIẾU VĂN CỦA

 HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ TUY HÒA

 Giacôbê Trần Văn Còn

Trọng kính Cha Tổng đại diện.

Kính thưa quý Cha.

Kính thưa quý tu sĩ nam nữ

Kính thưa quý quan khách

Kính thưa quý ông bà và anh chị em hiện diện nơi đây.

Cộng đoàn giáo xứ Tuy hòa chúng con xin Cha Tổng đại diện, quý Cha, quý tu sĩ, quý quan khách, quý ông bà, anh chị em cho phép chúng con ngỏ đôi lời từ biệt Cha Sở chúng con.

Kính thưa Cha Sở kính mến!

Đứng trước linh cữu của Cha, chúng con quá đau buồn. Vì chỉ còn giây lát nữa chúng con không được gần gũi Cha và nhất là không bao giờ được gặp gỡ Cha ở trần gian này

Biết rằng sinh lão bệnh tử, nhưng tình cảm tự nhiên của con người trần thế không làm sao ngăn được dòng lệ đau buồn, nhớ nhung, thương tiếc người Cha tinh thần sống với chúng con 16 năm qua đã khắc sâu vào ký ức của mỗi người chúng con bằng những nụ cười đầy thân thương trìu mến, những lời khuyên chân thành khả ái, những khắc khoải lo toan cho chúng con từ vật chất đến tinh thần.

Thoáng nhìn ai cũng có thể nghĩ rằng: Cha đến quản xứ Tuy hòa là an vị tuổi già. Vì những vị tiền nhiệm của Cha đã xây dựng và giao lại cho Cha một cơ sở giáo đường uy nghi đồ sộ, nhà xứ, trường học chẳng thiếu vật chi.

Đúng vậy, nhưng không phải vậy, Cha đến quản xứ Tuy hòa trong bao nỗi lo âu và trăn trở mọi bề. Vì thời gian và không gian không bao giờ trùng lập.

Những vị tiền nhiệm của Cha đã sống trong thời điểm đầy thuận lợi trong mọi tình huống. Phần Cha, 16 năm qua sống tại giáo xứ Tuy hòa không được may mắn như các vị tiền nhiệm của Cha, Cha phải luôn thao thức, ưu tư làm thế nào để hướng dẫn con chiên của Cha sống tốt đạo đẹp đời, những người nghèo khó Cha lo cho họ có cơm ăn áo mặc, người già yếu, cô đơn bệnh tật, Cha đem về nhà xứ nuôi dưỡng họ đến mãn đời.

Tuy nhiên, Cha chẳng có hạt lúa dính tay, phải mua gạo từng ngày, tiền ăn của Cha là tiền cão những ngày Chúa nhật. Có lúc quá thiếu thốn, Soeur giúp việc cho Cha phải muối từng con mắm, bó từng cái chổi dừa đem đi bán để thêm tiền mua gạo.

Cha luôn nhắc nhở người giúp việc phải tiết kiệm, món ăn bữa trưa Cha nhín lại buổi chiều. Có điều nghịch lý là Cha không bao giờ tiết kiệm với người nghèo khó, có đồng nào Cha trao cho họ đồng nấy và lòng hiếu khách của Cha cũng là điều đáng trân trọng

Hoàn cảnh kinh tế giáo xứ luôn khó khăn, tuổi già sức yếu nhưng Cha rất có tài năng xoay sở để xây dựng thêm những kỳ quan biểu tượng như:

_ Nhà thờ Hóc gáo

_ Nhà nghĩa đườn 

_ Hang đá Đức Mẹ

_ Tượng đài Thánh Giuse

_ Tượng đài Trái tim Chúa Giêsu

Để tăng thêm phần trang trọng trong việc phụng thờ, mặt khác kích thích tinh thần giáo dân thêm phần đạo đức và yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn.

Đồng thời lưu lại cho đời sau những tác phẩm văn hóa nghệ thuật tôn giáo, thật là một kỳ công quá lớn lao. Chúng con hết sức biết ơn Cha.

16 năm qua, Cha đã rảo bước khắp nẻo đường giáo xứ, thăm từng gia đình giáo dân để tận mắt nhìn thấy cuộc sống của mỗi người chúng con và cùng chụp ảnh lưu niệm, không phân biệt kẻ sang, người hèn, kẻ lành người dữ.

Quả thật, Cha là một Linh mục rất hoàn hảo, phục vụ Chúa, phục vụ Giáo hội, nhất là phục vụ giáo dân đến sức kiệt tàn hơi.

Để chứng minh điều này, với tuổi đời 80, lại lâm trọng bệnh, nhưng Cha không an nghỉ vẫn tiếp tục xoay sở xây dựng nhà giáo lý 2 tầng gồm 14 phòng để cho con em trong giáo xứ khỏi ngồi ngoài trời học giáo lý. Đây là điều Cha đau xót nhất và ước mong trong 16 năm qua, đến hôm nay cuối đời của Cha mới thực hiện được.

Nhà giáo lý vừa hoàn tất, Cha cũng vừa ly biệt chúng con.

Xét lại 16 năm qua, chúng con đã nhiều lần làm cho Cha phật ý, ưu phiền nhưng Cha luôn mỉm cười và rộng lòng tha thứ. Trước giờ biệt ly này, chúng con xin Cha tha thứ những lỗi lầm của chúng con mắc phải. Chúng con nguyện xin Thiên Chúa đem Cha về hưởng phúc trường sinh trên trời và trước mặt Thiên Chúa xin Cha luôn cầu bầu cho chúng con.

Giờ đây, toàn thể cộng đoàn giáo dân giáo xứ Tuy Hòa chúng con xin cúi đầu bái biệt Cha.

CON DẾ NỈ NON 

Bài giảng lễ của linh mục Vũ Khởi Phụng trong LỄ GIỖ 100 ngày cố linh mục thi sĩ F.X NGUYỄN XUÂN VĂN

Suốt đời, cha Nguyễn Xuân Văn đã ước mơ chia sẻ với mọi người một sứ điệp. Cái ước mơ suốt đời ấy chính là Tin Mừng mà cha đã chuyển thể thành tập thơ lục bát dài hơn 9000 câu. Tôi nhớ tới một bài hát của một nhạc sĩ Công Giáo Việt Nam đã khuất, nhạc sĩ Lê Thương. Đây là một bài hát Trung Thu dành cho thiếu nhi, nhưng thiết tưởng có nhắc đến trong bầu khí này cũng chẳng có gì là bất kính đối với cha Nguyễn Xuân Văn, bởi vì trong Tin Mừng thì cụ già và con nít có thể gặp nhau được:

Có con dế mèn,

Thức trong đêm khuya,

Hát xẩm không tiền,

Nên nghèo xác xơ.

Trời thương con dế nỉ non,

Trời cho sao sáng ngàn muôn...

Khi nói về Chúa, hát về Chúa, có lẽ chúng ta cũng chỉ là những người hát xẩm, vì thực ra chúng ta cũng hát trong bóng tối với cả lòng tin. Chúng ta là người hát xẩm nghèo, nhưng "trời thương con dế nỉ non, trời cho sao sáng ngàn muôn". Cha Nguyễn Xuân Văn cũng thế. Ngài dùng những đoạn lục bát, như những câu hát xẩm, để chia sẻ.

Đọc lại cuộc đời cha Nguyễn Xuân Văn, ta thấy nhiều nét cảm động: Cha được mẹ dâng cho Chúa khi còn trong bào thai. Cha mới lên bốn, người mẹ qua đời. Trước khi nhắm mắt, bà dặn chồng: "Tôi đã dâng nó cho Chúa, anh nhớ cho nó đi nhà trường". Đi nhà trường tức là đi tu chủng viện. Cha văn kể tiếp: "Mẹ tôi đã buộc cha tôi hứa điều ấy. Như vậy, điều quý báu nhất mẹ tôi để lại chính là đã định cho tôi một hướng đi".

Người chồng đã giữ đúng lời hứa với vợ. Ông đã giáo dục con đên nơi đến chốn và đã cho con vào chủng viện. Khi thầy Văn học xong thần học thì ông cụ qua đời. Trước khi mất, cụ dặn con: "Cha không buộc con đâu. Nếu con thấy mình có thể làm linh mục được, mà làm linh mục đàng hoàng, thì con đi tới, bằng không thì con cứ lui về. Vì chẳng thà làm một giáo dân tốt còn hơn làm một linh mục xấu. " Cha Văn thấy cụ cố yếu lắm rồi. Cha thưa lại: "Con vẫn ước ao dâng lễ mở tay khi cha còn sống, nhưng nay Chúa không muốn vậy, thì con cố gắng trung thành đến cùng, để làm linh mục, dâng lễ cầu nguyện cho cha." Và cha Văn đã đi hết hành trình.

Thời gian thầy ở chủng viện là thời kỳ chiến tranh. Dù phải sống ở vùng sâu, vùng xa, xa cách các đấng Bề Trên trong giáo phận, việc học bị gián đoạn, chuyện phong chức thì mịt mù chẳng biết đến bao giờ, thầy Văn vẫn luôn trung thành.

Từ nỗi buồn mất mẹ, đến những gian nan trong cuộc sống thời chiến, và tình cảnh riêng của gia đình, cha Văn tâm sự: "Ngay từ nhỏ tôi đã biết khổ đau, đã đối diện với khổ đau. Lên năm, lên sáu, tôi đã biết khóc thầm vì những chuyện không nên kể, do thấy mình bị đời hắt hủi, do nỗi tủi buồn vì mồ côi, mất mẹ." Cha còn nói: "Thi sĩ là gì? Theo tôi, thi sĩ là người diễn tả được nỗi khổ đau của mình và của người khác."

Không biết có phải vì thế, vì cuộc đời gian truân gắn liền với con người nhà thơ Nguyễn Xuân Văn, hay không, mà tôi đã ngồi đọc Sứ Điệp Tình Thương của cha, từng trang...

Trong Sứ Điệp Tình Thương, cha đã rất cẩn thận, hễ câu nào diễn ca Tin Mừng thì in chữ đứng, còn câu nào do cha suy niệm, gắn kết suy tư riêng của cha vào Tin Mừng thì in chữ nghiêng, để biết rằng đây là tâm sự riêng chứ không phải là lời Thánh Kinh. Tôi đã tìm những đoạn chữ nghiêng để đọc, vì đó chính là nỗi lòng của cha. Qua đó, tôi thấy đoạn tha thiết nhất, cha viết dài nhất, mà như thể tình cảm dâng trào nhất, chính là đoạn Đức Mẹ ngồi ru Chúa Giêsu khi mới sinh:

Con ơi, con ngủ cho ngon,

Để rồi thức tỉnh nước non mai ngày.

Con ơi, con ngủ cho say,

Đời con trăm đắng nghìn cay đợi chờ!

Hình như cha Nguyễn Xuân Văn đã lấy cái đau mất mẹ của mình mà biến nên lời ru con, thương con mà tưởng tượng ra trước cả một cuộc đời vô cùng sóng gió.

Cha Nguyễn Xuân Văn có một tấm lòng nhạy cảm sâu sắc trước cuộc đời. Tấm lòng ấy được cụ thân sinh nuôi dưỡng bằng tất cả kho tàng văn hoá Việt Nam. Cho nên giờ đây đọc thơ cha Nguyễn Xuân Văn, chúng ta nhận ra cha làm thơ rất tình cảm. Mà đó lại còn là thơ lục bát, rất là cổ điển, rất là Việt Nam, như các chuyện dài bằng thơ của Việt Nam ngày trước.

Cũng với tấm lòng ấy, cha đã đi tìm Chúa, và cha đã tìm được. Tôi muốn nói đến những câu thơ cha mô tả việc môn đệ được Chúa gọi và đi theo Chúa:

Vội vàng cuốn gói theo Thầy,

Bên đuờng dừng lại bóng cây đợi chờ!

Thật bình dị. Con người của Cha thật bình dị khi gặp Chúa cũng như khi gặp giáo dân của cha.

Lân la ướm tiếng hẹn hò,

Không quen, chung một chuyến đò cũng quen.

Con người bình dị ấy mà chạm phải lời Chúa thì gặp gỡ và đón nhận được ngay:

Lời sao như gột lòng trần,

Như lôi đất thấp đến gần trời cao.

Và từ đó, dâng lên một quyết tâm:

Chia cay, sẻ đắng cùng Thầy,

Nước non là bạn, trời mây là nhà!

Có lẽ khi làm câu thơ ấy, cha đang nghĩ tới những ngày đi học xa nhà, vào chủng viện, giúp xứ chỗ này, chỗ kia, khi đau yếu, khi làm việc ở vùng sâu, vùng xa, đổi chỗ này sang chỗ khác. "Nước non là bạn, trời mây là nhà!"

Tâm tình ấy, cha ước mơ được đem chia sẻ với người khác. Trong trang đầu của tập thơ, cha viết: "Tôi muốn đem lời Chúa, lời thơ tình thương ghép thành vần, đặt lên miệng các bà mẹ, để từ đó chảy vào tai các em bé nằm trong nôi."

Và thưa Cha, nếu Cha ước mơ như thế thì vào cuối cuộc đời hay trong khung cảnh hôm nay, Chúa đã cho ước mơ của Cha thành hiện thực.

Thơ của cha không phải là thơ ca bác học, đọc đến năm lần bảy lượt vẫn chưa hiểu. Thơ cha không phải là thơ không thể thuộc lòng. Bà mẹ nào cũng có thể đọc thơ cha để ru con cách dễ dàng, và những lời thơ ấy chảy vào tai các em bé chắc cũng dễ thôi.

Trong tiểu sử của cha có kể rằng: Khi về xứ đạo đầu tiên trong cuộc đời linh mục, một xứ miền quê, cứ mỗi tối sau giờ kinh, cha ngồi kể chuyện cho giáo dân, già trẻ, lớn bé cùng nghe. Giáo dân ngồi kín hè nhà xứ. Sau khi cha đổi đi, suốt ba tháng liền, mỗi tối giáo dân vẫn kéo tới hè nhà xứ, ngồi khóc vì nhớ thương cha.

Có lẽ những câu chuyện cha kể ngày đó không gì khác hơn là Sứ Điệp Tình Thương. Trong lễ giỗ hôm nay, có nhiều cha đang làm mục vụ. Xin lỗi các cha, nhiều khi con nghĩ lẩn thẩn thế này: Chúa Giêsu ngày xưa chuyên giảng bằng dụ ngôn, còn bây giờ các linh mục chúng ta lại hay giảng bằng lý thuyết trừu tượng. Cho nên thật là thích thú khi biết cha Nguyễn Xuân Văn tối tối đã tập họp giáo dân lại ngay trong sân nhà xứ mà kể chuyện. Con người ấy rõ ràng muốn đưa hết tấm lòng mình chia sẻ cho người khác.

Về nghệ thuật thơ của Sứ Điệp Tình Thương, tôi không dám bàn. Tôi chỉ nghĩ đến tác dụng Tin Mừng của nó. Với tấm lòng muốn chia sẻ niềm vui, không muốn cho lời Chúa và giáo lý của Chúa tách biệt với chuyện đời, cha Nguyễn Xuân Văn có thể giảng cho người khác nghe như là kể chuyện. Kể chuyện như con dế nỉ non. Thế nhưng không riêng cha Nguyễn Xuân Văn kể mà chính Trời Cao đang kể. Trời thương, trời cho sao sáng ngàn muôn.

Trên tường hội trường hôm nay có nhiều tấm thư pháp trang trí, ghi những câu thơ của cha Nguyễn Xuân Văn. Có một câu như sau :

Đây là bữa tiệc nửa vời,

Chờ ngày kết thúc trên trời mai sau.

Đối với chúng ta hôm nay, bữa tiệc có thể chỉ mới nửa vời, nhưng đối với cha Nguyễn Xuân Văn, chắc hẳn giờ đây bữa tiệc đã đạt tới viên mãn. Như chúng ta đã đọc trong Lời Chúa: "Ai không ăn thịt và uống máu Ta, thì không có sự sống nơi mình... Còn ai ăn thịt và uống máu Ta thì được sống muôn đời, và Ta, Ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết."

Bí tích chúng ta cử hành không phải là bữa tiệc nửa vời nhưng là bí tích của Nước Trời đã trở nên trọn vẹn. Thế nhưng, chúng ta, những người cử hành bí tích, lại đang sống kiếp lữ hành, cho nên chúng ta vẫn chỉ đang hát xẩm. Tiếng hát chúng ta chỉ là tiếng hát xẩm bởi vì chúng ta hát về điều mà chúng ta không nhìn thấy được. Cha Nguyễn Xuân Văn đã hát như thế và ngày nay chúng ta vẫn hát như thế. Ngay cả bữa tiệc Nước Trời đang có ngay đây thì chúng ta cũng chỉ có bằng đức tin.

Trong khi đó, cha Nguyễn Xuân Văn và những người đã ra đi trước chúng ta đang tham dự một cách khác. Và giờ đây có lẽ cha Nguyễn Xuân Văn cũng đang ngâm một bài thơ khác, hay hơn cả những bài thơ ngài đã để lại cho chúng ta. Bài thơ ấy, chúng ta chờ đợi ngày kết thúc lịch sử sẽ được nghe. Còn bây giờ, trong lòng tin, chúng ta cùng kết hợp với ngài trong cùng một lời tạ ơn, trong tấm bánh và trong chén rượu của thánh lễ này. Amen.


THI SĨ LINH MỤC F.X. NGUYỄN XUÂN VĂN VÀ

SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG

Trăng Thập Tự

Kính thưa quý thân hữu và quý khách, những người có tấm lòng với nhà thơ linh mục Phanxicô Xavie Nguyễn Xuân Văn,

Kính thưa cô Bảy và anh chị em trong gia đình, thân tộc và môn sinh của cha Phanxicô Xavie Nguyễn Xuân Văn.

Cha Xuân Văn thọ 80 tuổi và ra đi với đầy đủ hệ lụy của một kiếp người: Sinh, bệnh, lão, tử. Thế nhưng, đối với nhiều người, cái chết của ngài vẫn khá bất ngờ. Nhiều người biết tin muộn; không ít bạn thơ đã không thể có mặt trong tang lễ và đã ngỏ ý mong được chia sẻ với gia đình trong buổi tưởng niệm nhân kỷ niệm 100 ngày ra đi của ngài. Trước tấm lòng của các bạn thơ, gia đình cha Xuân Văn yêu cầu tôi nói đôi điều giới thiệu cuộc đời ngài và tác phẩm Sứ Điệp Tình Thương.

Năm 1960, khi cha Xuân Văn đang làm quản lý và dạy tiếng Việt tại Tiểu Chủng Viện Làng Sông thì tôi được nhận vào lớp Đệ Thất, tương đương với lớp sáu hiện nay. Năm 1976, lúc cha Xuân Văn quản nhiệm giáo xứ Mằng Lăng, quê hương của chân phước Anrê Phú Yên, thì tôi được về phụ tá cho ngài trong bước đầu đời linh mục của tôi. Trong những năm cuối đời ngài, những khi ngài đau nặng, tôi có được nhiều lần về thăm viếng, an ủi ngài. Thật khó nghĩ, khó nói, khi tôi là học trò, là con cái, là cộng sự viên của ngài. Để tránh những nhận định nặng phần chủ quan, thay vì nói nhiều về tác phẩm của ngài, và trước khi nói đôi lời về cuộc đời và tác phẩm của ngài, tôi xin phép gợi ý để chúng ta đặt trường hợp của ngài vào một hoàn cảnh. Trường hợp của ngài là một linh mục làm thơ, một nhà thơ linh mục.

1. Chất tượng trưng trong Kitô Giáo

Tại sao một linh mục có thể là nhà thơ? Nếu hiểu linh mục là một nhân viên quản lý hành chánh của Giáo Hội thì linh mục không cần làm thơ và có khi không nên làm thơ. Thế nhưng nếu hiểu linh mục là người dẫn dắt tín đồ trên đường tâm linh, giúp các tâm hồn gặp gỡ Thiên Chúa, không phải chỉ bằng lý thuyết, các bí tích và nghi thức, mà trước hết bằng cảm nghiệm của bản thân, thì thơ lại là một trong những con đường tuyệt vời nhất để giúp người ta cảm nghiệm Thiên Chúa. Điển hình là thánh Gioan Thánh Giá, nhà phục hưng dòng Cát Minh Tây Ban Nha thế kỷ thứ XVI, được mệnh danh là bậc thầy về đời sống thần bí trong Hội Thánh. Gioan Thánh Giá bảo rằng những điều ông cần cảm nghiệm về Thiên Chúa không thể nào diễn tả bằng ngôn ngữ của đời thường, cho nên ông buộc lòng phải diễn tả bằng thơ. Ông đã làm thơ. Rồi ông đã tự diễn giải ba bài thơ trong những bài ấy, thành bốn tác phẩm văn xuôi dày ngót một ngàn trang. Đúng là một trường hợp hy hữu trong lịch sử văn học thế giới. Một tác giả tự bình giải thơ của mình để viết thành một bộ khảo luận về đời sống tâm linh, một bộ sách đầy tính sư phạm dẫn dắt những tâm hồn khao khác Đấng Tuyệt Đối đến chỗ gặp gỡ Ngài và kết hợp nên một với Ngài.

Nẻo đường để ta đến với Thiên Chúa tuyệt vời nhất là thơ, cho nên cái Thơ ấy là Đạo, là con đường. Đàng khác, chính Đạo cũng thật sự là Thơ. Đạo hay nói khác đi, chính Thiên Chúa Tuyệt Đối đã đến với nhân thế bằng con đường của thơ, của hình ảnh, của tượng trưng. Tin Mừng theo thánh Gioan viết: Đạo tức là Lời của Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm và đã ở giữa chúng ta. Chính nhờ đó mà chúng ta thấy và biết được Đấng chẳng ai đã thấy bao giờ (x. Ga 1,14-18).

Ở khắp nơi và trong mọi thời đại, biểu hiện hồn nhiên nhất của thơ bao giờ cũng là hình ảnh và những hình ảnh này đầy chất tượng trưng. Những câu ca dao hay nhất của ta thường là những câu đầy hình ảnh và là hình ảnh tượng trưng. Thơ, trong biểu hiện hồn nhiên của nó, gắn liền với chất tượng trưng. Bình thường thì thơ nói bằng tượng trưng, mà mạc khải Ki-tô giáo cũng nói bằng tượng trưng. Chính Thiên Chúa dùng những hình ảnh về các giá trị hữu hình để nói về các giá trị tâm linh. Chính Thiên Chúa dùng những mối quan hệ giữa người với người để giúp ta hiểu mối quan hệ giữa Ngài với chúng ta, giữa chúng ta với Ngài.

Chính vì thế, không những Thiên Chúa nói Ngài là Sự Sáng là Sự Sống, là Người Chăn Cừu, là Tảng Đá vững chắc, là Nguồn Suối, mà Ngài còn là Người Cha, là bậc Minh Quân, là Người Chồng hay ghen, là Người Tình chung thủy. Mỗi một hình ảnh ấy đều có thể là cảm hứng cho hàng ngàn dòng sống cuồn cuộn văn hóa nghệ thuật, trong đó có thi ca.

Ki-tô giáo không phải là một tôn giáo của luân lý, nhưng là tiếng gọi và lời đáp trả của tình yêu giữa Thiên Chúa và con người. Như chúng ta có thể đọc thấy trong sách Diễm Ca của Cựu Ước, linh hồn tín hữu tự ví hoàn cảnh đi tìm Thiên Chúa của mình, hệt như tình cảnh một thiếu nữ cuống quít đi tìm người yêu.

Tôi đã ngủ nhưng lòng tôi vẫn thức

Kìa tiếng người yêu gọi cửa đêm thanh

Bạn hiền, em ơi, mở cửa cho anh,

Bồ câu anh ơi, hỡi người diễm hạnh,

Vì đầu anh đã phủ đầy sương lạnh

Và tóc anh đầy những giọt hương đêm.

Đến khi nàng đứng lên, mở cửa ra tìm thì người yêu không còn đó nữa. Thánh Gioan Thánh Giá sẽ viết một phiên bản khác về câu chuyện này qua bài thơ và quyển sách có tựa đề: “Những ca khúc tâm linh”.

Người ẩn nơi nao, Hỡi người Yêu Dấu,

Mà bỏ em rên rỉ?

Như một con nai, Người trốn biệt,

Mặc cho em bị thương,

Em chạy ra, gọi với theo Người, thì Người đã đi.

Thế đấy, không riêng linh mục mà bất cứ tín hữu nào cũng có thể đến với Thiên Chúa và cảm nghiệm 

Thiên Chúa qua nẻo đường của thơ.

2. Trong dòng văn học Công Giáo Việt Nam

Gần 500 năm có mặt trên quê hương, người tín hữu công giáo Việt Nam đã cảm nghiệm Thiên Chúa bằng thơ và cũng đã dùng thơ ca để diễn tả tấm lòng của họ đối với Thiên Chúa.

Khắp nơi, ta có thể gặp chứng tích ấy nơi đủ thể loại hò, vè vãn truyền khẩu, và cả thơ ca bác học thành văn.

Tủ sách Văn Học Nghệ Thuật của Toà Giám Mục Nha Trang đang chuẩn bị cho in quyển thứ hai trong bộ Góp Nhặt thơ Công Giáo Việt Nam, quyển Thơ Đọng Đầu Nguồn. Trong đó, chúng ta sẽ đọc thấy một phần nào những đóng góp của tiền nhân về mặt này. Chúng ta sẽ đọc thấy những tên tuổi nổi bật như.

Thầy giảng Phanxicô, linh mục Lữ Y Đoan, Đặng Đức Tuấn, Thánh Philipphê Phan Văn Minh, Nguyễn Trường Tộ, Phạm Trạch Thiện, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Phước Môn Quận Công Nguyễn Hữu Bài, Cụ Sáu Trần Lục, Đức Cha Huỳnh Ngọc Cẩn, linh mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích, Hàn Mặc Tử, Mai Lâm, Phạm Đình Tân, Hồ Dzếnh, Bàng Bá Lân, Hoàng Kim…vv…

Trên văn đàn Việt Nam, có những người đã nói đến một quan hệ chặt chẽ giữa Thơ và Đạo, và hiểu Đạo như là Đạo lý làm người. Người Công Giáo Việt Nam cũng dễ đồng ý rằng Thơ Văn nên là để phương tiện để chuyển tải đạo lý. Từ đó, ta có những tác phẩm diễn ca nhan nhản trong lịch sử văn chương công giáo Việt Nam. Có những tác giả được giới thiệu trong Thơ Đọng Đầu Nguồn chỉ mới dùng văn chương như công cụ của Đạo Lý. Do đó, có nhiều phần chỉ mới là vè, là văn chứ chưa thực sự là thơ.

Tuy nhiên, cũng có những tác giả, cả trong hàng ngũ giáo dân, vượt trên cái nhìn nghiêng về luân lý, dạy đời, đã xem Thơ là phương tiện để diễn tả, phô bày cảm nghiệm của mình về Đạo, về Đấng Tuyệt Đối. Cái nhìn ấy đã đóng góp cho kho tàng văn chương Việt Nam một sống những bông hoa rất đặc sắc, độc đáo.

Tiếp nối những đóng góp ấy, hôm nay chúng ta có linh mục nhà thơ Phanxicô Xavie Nguyễn Xuân Văn, người vừa từ giả chúng ta cách đây một trăm ngày.

3. Phanxicô Xavie Nguyễn Xuân Văn, cuộc đời và sứ điệp

a. Vài nét tiểu sử

Linh mục nhà thơ Phanxicô Xavie Nguyễn Xuân Văn sinh ngày 01.09.1922 tại Mỹ Đức, xã Ân Tín, Hoài Ân, Bình Định, thuộc giáo xứ Đồng Dài, giáo phận Qui Nhơn. Xuân Văn là người con áp út trong sáu người con của ông Antôn Nguyễn Vị (1887-1952) và bà Maria Lê thị Báu (1890 – 1926).

Bé Xuân Văn mất mẹ khi mới lên bốn, rồi năm 1936, 14 tuổi được nhận vào Tiểu Chủng Viện Làng Sông Qui Nhơn.

Năm 1943, 21 tuổi, Xuân Văn học Đại Chủng Viện Qui Nhơn.

Năm 1945, thầy Xuân Văn thực tập mục vụ tại giáo xứ Đồng Quả, Bình Định. Đến năm 1948, thầy trở lại học Đại Chủng Viện tại Làng Sông. Tại đây, thầy cùng một người bạn là Anh Thiều, tức là linh mục Stanilas Hoàng Đắc Ánh Dòng Đa-minh, soạn nhiều bài thánh ca.

Năm 1952, thân phụ qua đời, thầy Xuân Văn lại đi giúp xứ, lần này tại Gia Hựu. Tại đây, thầy Xuân Văn đã tự gom một sưu tập thơ và nhạc của mình. Tiếc là thầy đã để tập này lại ở Gia Hựu, không đem theo và đã bị thất lạc.

Sau Hiệp định Genève, 1954, thầy Xuân Văn vào Nha Trang tiếp tục học thần học, rồi thụ phong linh mục tại nhà thờ Nha Trang, ngày 25.01.156, năm 34 tuổi.

Cha Xuân Văn được bổ nhiệm coi giáo xứ Trúc Hà, rồi làm cha phó Đà Nẵng.

Năm 1957 – 1962: quản lý và giáo sư Tiểu Chủng Viện Làng Sông, Qui Nhơn.

Năm 1962 – 1964 : Cha sở Phú Hương - Quảng Nam.

Năm 1965 : Lập giáo xứ Phước thành - Đà Nẵng.

Sau năm 1975, cha Xuân Văn tình nguyện về giúp giáo phận Qui Nhơn, đảm nhiệm giáo xứ Mằng Lăng. Sau gần 20 năm không làm thơ soạn nhạc, năm 1977, tại quê hương của Người Chứng Thứ Nhất, cha Phanxicô Xaviê Xuân Văn lại cảm thấy mình phải cầm bút lên làm thơ ca tụng Thiên Chúa. Sau bốn năm, cha đã viết xong tác phẩm “Sứ Điệp Tình Thương”, ghi lại cuộc đời và lời dạy của Chúa Cứu Thế Giêsu với gần mười ngàn câu lục bát.

Năm 1986, cha được bổ nhiệm làm cha sở Tuy Hòa kiêm Hạt trưởng Phú Yên. Sau 16 năm phục vụ tại đây, cha đã hoàn tất cuộc đời cũng tại đây, lúc 5 giờ sáng ngày 10.01.2002, và ngày 12, được đưa về an táng tại nghĩa trang chủng viện Làng Sông, Qui Nhơn.

80 tuổi đời, 46 năm làm linh mục, một cách giản dị, chân thành và thật chính xác, cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Văn đã gửi lại cho đời sứ điệp máu thịt nhất của một tâm hồn đã đắm chìm trong Chúa : Sứ Điệp Tình Thương.

b. Sứ Điệp Tình Thương

Tại Mằng Lăng, những năm sau 1975 chỉ có một tủ sách nhỏ mấy trăm cuốn, thiếu hẳn những sách tham khảo cần thiết cho một công trình như Sứ Điệp Tình Thương. Cha Xuân Văn đã trực tiếp lấy tư liệu từ những giờ chầu Thánh Thể và những giờ suy tư trầm ngâm tại nhà xứ hoặc bên cạnh hòn non bộ. Lục bát của cha phảng phất Kiều. Điều đó không cần chối cãi, tuy nhiên phải nói rằng công việc của cha gặp khó gấp bội công việc của Tố Như tiên sinh. Khi viết Đoạn Trường Tân Thanh, Tố như tiên sinh chỉ dựa vào cốt chuyện của Thanh Tâm Tài Nhân mà viết ra một tác phẩm mới. Còn cha Xuân Văn khi viết Sứ Điệp Tình Thương chẳng những đã không tự dàn dựng lấy câu chuyện và tình tiết mà còn tự buộc mình phải theo sát từng câu của bản văn Tin Mừng, xếp đặt các sự kiện trong đời Chúa theo sát thứ tự được đề nghị trong quyển Phúc Âm Tổng Hợp của Senatus Sài Gòn xuất bản (1972).

Được sự động viên và nâng đỡ của Tòa Giám Mục Qui Nhơn, cha Xuân Văn đã cho xúc tiến xuất bản tác phẩm. Sứ Điệp Tình Thương được nhà Thuận Hóa ở Huế xuất bản năm 1999 và nhà xuất bản Tôn Giáo ở Hà Nội tái bản năm 2001. Một tập trường thiên lục bát dày mà được tái bản chỉ sau hai năm. Quả là một kỷ lục. Nhờ đâu? Chính là nhờ chất thơ của nó. Nó mang lớp áo một quyển Phúc Âm diễn ca thật đấy, nhưng suốt 9674 câu lục bát, khó tìm thấy câu nào là vè, mà tất cả đều là thơ, là cảm nghiệm của một tâm hồn đã thực sự gặp gỡ Thiên Chúa và sống sâu xa trong trong tình thân mật với Thiên Chúa. Để thưởng thức tác phẩm này, tôi xin đề nghị ba cách khám phá.

.Thứ nhất, đối chiếu.

Ta hãy lấy một đoạn Tin Mừng nào bất kỳ, dựa vào mục lục để tìm đoạn thơ tương ứng. Chẳng hạn, câu chuyện tiệc cưới Cana của Gioan, chương 2 câu 1-11. Trong Sứ Điệp Tình Thương, đó là các câu 758-792:

TIỆC CƯỚI CA-NA

Ngày xuân chim hót hoa cười,

Bước non thêm sắc mây trời thêm hương.

Ca-na chào đón Tân nương,

Tưng bừng pháo nổ, rộn ràng tiệc hoa.

Tân lang rước khách gần xa,

Thầy trò Chúa cũng mang quà chia vui.

Phúc nhà ai khiến ai xui,

An cần mời Mẹ đến ngồi bên con.

Giữa chừng bữa tiệc đang ngon,

Rượu đà cạn hũ, khách còn khua ly.

Đức Bà sẵn dạ từ bi,

Rằng: “Nhà hết rượu, hãy vì tân lang”.

Giêsu nhỏ nhẹ thưa sang:

“Giờ Con chưa đến vội vàng làm sao?”

Đức Bà gọi kẻ giúp vào,

Dặn lo công việc Thầy giao chớ chầu.

Chúa sai múc nước đổ đầy,

Sáu chum đá lớn đang bày giữa sân.

Thường dùng đựng nước rửa chân,

Mỗi chum tính lít chứa gần trăm hai.

Chum đầy, Chúa dạy sang chai,

Giao cho quản tiệc an bài tiếp tân.

Việc dù có mắt gia nhân,

Mà người quản tiệc chưa phần nào hay.

Gọi tân lang đến tỏ bày:

“Rượu ngon đãi trước cho say ngà ngà,

rượu xoàng tiếp nối cho qua

sao dành hảo tửu đêm ra lúc nầy?”

Đó là phép lạ đầu tay,

Chúa vì Mẹ Thánh tỏ bày hiển vinh.

Môn đồ vững dạ kính tin,

Đẹp lòng chủ khách, phỉ tình tân lang.

Tiệc tan trời đã muộn màng,

Chúa đưa Hiền Mầu lên đàng về ngay.

Môn nhân bén gót theo Thầy,

Sang Ca-phát nghỉ mấy ngày xả hơi.

Câu chuyện là trích đoạn của trường thiên nhưng rõ ràng cũng là một bài thơ độc lập.

Tôi không nói đến những ý nghĩa thần học và thần bí của đoạn Tin Mừng này, cũng không nói đến những thanh sắc mùa xuân và bầu khí tiệc cưới hạnh phúc mà lục bát của nhà thơ đã đem lại cho đoạn Tin Mừng. Tôi mong được lưu ý rằng chỉ trong 36 câu lục bát thì đã có ba câu nói rõ tình thầy trò thân mật giữa Đức Giêsu và các mộ đệ. Câu 762: “Thầy trò chúa cũng mang quà chia vui”; câu 787: “Môn đồ vững dạ kính tin” và 791: “Môn nhân bén gót theo Thầy”. Vâng, tôi xin phép hỏi các tu sĩ trẻ đang có mặt ở đây: Nguyên văn của Gioan là “Ngài và thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Capharnaum”. Làm sao mà cả ba đối tượng mẹ, anh em và môn đệ lại được chập lại thành một khái niệm chung là môn nhân, những người đi qua cùng một cái cửa, những người thuộc về cùng một vị Thầy? Và làm sao tác giả có thể quên hết mọi thứ để chỉ thấy trước mắt hai chữ “bén gót”, nếu suốt cuộc đời ông đã không canh cánh trong lòng một nỗi ước mơ là bắt chước thật sát tấm gương của Thầy Chí Thánh trong nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục?

Môt cách lý thú để vừa khám phá Tin Mừng vừa khám phá thơ Nguyễn Xuân Văn là đem đối chiếu thơ với nguyên bản Tin Mừng. Cứ xem thử nhà thơ chọn từ nào, lược bỏ từ nào, Việt hóa những hình ảnh nào, và tại sao lại thế? Những chi tiết ấy để lộ cho ta thấy điều gì nơi tâm hồn nhà thơ?

. Thứ hai đọc những câu in chữ nghiêng.

Lật qua tác phẩm ai cũng thấy ngay, giữa nội dung chính in bằng chữ đứng, có những dòng in nghiêng. Tác giả muốn phân biệt rạch ròi đâu là nguyên văn Lời của Chúa, đâu là cảm nghiệm riêng của ông. Một vài đồng nghiệp linh mục đã đề nghị bỏ những câu in nghiêng, chỉ giữ lại những câu sát với nguyên bản Tin Mừng. Nhiều lần tác giả tỏ ra áy náy trước những đề nghị ấy, thế nhưng tôi đã hết sức ủng hộ tác giả để xin tác giả giữ lại những câu in nghiêng ấy. Bởi lẽ, qua lịch sử, Lời Thiên Chúa mặc dù đôi khi có vẻ như là tiếng kêu trong sa mạc, thì trong thực tế, Lời ấy vẫn không quá hẩm hiu, đã không chuốc lấy thân phận cảu một lời độc thoại. Lời ấy, dù sao cũng đã được nhiều tâm hồn lắng nghe và đáp trả. Nhờ đó, lịch sử cứu độ đã là lịch sử của đối thoại. Những dòng chữ nghiêng chính là dấu chỉ rất rõ về tiếng dội của Lời Thiên Chúa trong tâm hồn tác giả. Đó chính là khúc nhạc réo rắt trong cõi lòng của nhà thơ, của linh mục, của người tín đồ Phanxicô Xavie Nguyễn Xuân Văn. Đó là tiếng thổn thức của một thụ tạo thấp hèn cảm nghiệm được tình yêu vô biên, vô tận, vô cùng của Thiên Chúa Tạo Hóa Chí Thánh và Tuyệt Đối. Đó là nỗi niềm của Tình Nương đang chạy tìm Tình Quân trong chuyện tình không ai dám ngờ giữa Thiên Chúa và con người. Thiết tưởng, các anh chỉ em trẻ ở đây có thể tập trung vào những dòng chữ nghiêng của cha Xuân Văn để xây dựng một luận văn ra trường bàn về cảm nghiệm tâm linh của một nhà thơ công giáo. Vâng, cảm nghiệm là điều không thể thiếu. Dù kỹ năng diễn đạt của một nhà thơ có sâu sắc mà mạnh mẽ đến đâu, nếu không thực sự cảm nghiệm được tình Chúa yêu mình và tình mình yêu Chúa, thì vẫn không bao giờ có thể là một nhà thơ ki-tô giáo đúng nghĩa.

Chúng ta hãy nghe phần đầu của câu chuyện người phụ nữ thống hối. Trong số 72 câu, có 56 câu in nghiêng.

NGƯỜI ĐÀN BÀ TỘI LỖI

Ga-li mỗi độ xuân sang,

Nhà nhà thết tiệc mở đàng ăn chơi.

Có người biệt phái lòe đời,

Tiệc xuân mở rộng đón người thưởng xuân.

Tao nhân mặc khách xa gần,

Được mời chúa cũng góp phần chia vui.

Trà thơm rượu ngọt đủ mùi,

Mượn câu chúc tụng đầy vơi chén quỳnh.

Tiệc đang vui bổng thình lình,

Có người thiếu phụ nép mình bước ra.

Bét sầu in rõ mặt hoa,

Quỳ ôm chân Chúa lệ sa ròng ròng.

Trông mặt mà bắt hình dong,

Cả phòng chủ khách buồn lòng ngẩn ngơ.

Nàng là cô gái ngây thơ,

Không may chuốc lấy tiếng nhơ xa gần

Được nghe Lời Chúa đôi lần,

Lời sao nặng cả ngàn cân khó lường:

“Phúc thay lòng dạ tuyết gương,

Được nhìn nhan Chúa tỏ tường mai sau”.

Lòng càng thêm tủi thêm sầu,

Đời thôi đâu nữa còn đâu là đời!

Làm sao thấy mặt Chúa Trời,

Làm sao nghe được một Lời phân mình?

Nghĩ mình chua xót nỗi mình,

Làm sao gặp được Thánh Tình hỡi ôi!

Cuộc đời bèo dạt mây trôi,

Trăm năm thôi thế thì thôi còn gì!

Tài mà chi, sắc mà chi!

Hương hoa rồi cũng qua thì hương hoa.

Đời làm khô héo tim ta,

Cho dòng huyết lệ chan hòa từ đây!

Thầy ôi! Danh Thánh của Thầy,

Khắc sâu vào cõi lòng nầy đã lâu

Lời Thầy trang trọng nhiệm mầu,

Như vâng ánh sáng giữa bầu trời đếm.

Giọng Thầy dịu ngọt êm đềm,

Nghe sao như lửa cháy tim cháy hồn.

Thấy ôi! Cứu vớt đời con!

Cho vành trăng khuyết được tròn như xưa.

Con cầu cho kiếp sống thừa,

Được ơn thương xót gặp mùa hồng ân.

Cho con được chết một lần,

Cho con trút sạch nợ nần từ đây.

Cho con được phúc gặp Thầy,

Cho con thấy được một ngày sáng tươi.”

Nàng thầm nguyện đến vạn lời

Ruột tằm tơ rối bời bời héo hon.

Nghe nhà biệt phái Si-mon,

Hôm nay Chúa đặt gót son ghé vào.

Nàng mang tâm sự dạt dào,

Chạy tìm gặp Chúa nghẹn ngào khóc than.

Hai hàng nước mắt chứa chan,

Trên bàn chân Chúa tuôn tràn không ngăn.

Tóc mây thắm lệ thay khăn,

Môi hôn chân Chúa, miệng thăn thỉ cầu:

“Con là vạn cổ thành sầu,

Phận hèn nào dám cúi đầu xin ơn.

Trông vào lượng cả từ nhân,

Khỏi bề sống đục được phần thác trong.

Ơn trên ngày ước đêm mong,

Lệ lòng dù chảy cạn lòng chưa thôi.

Trăm ngàn cay đắng Thầy ôi!

Lấy đâu nước mắt tẩy trôi cuộc đời.

Lay sao cho tóc rối bời,

Hôn sao cho dại đôi môi héo buồn.

Càng lau lệ thảm càng tuôn,

Tóc mây vất vít, nụ hôn nồng nàn.

Mặc cho con mắt bàng quan,

Tiếng nàn rên rỉ nghe tan nát lòng.”

Về nhà, xin quí vị thử mở quyển sách ra dừng lại ở những câu và những đoạn in chữ nghiêng. Xin hãy đọc kỹ, đó không phải là những câu chuyển tiếp để đợi gieo vần, nhưng chính là tâm hồn yêu Chúa của tác giả, rút từ kinh nghiệm bản thân cha, hoặc với tư cách người tín đồ yêu Chúa Giêsu, hoặc với tư cách người mục tử khao khát làm cho Chúa Giêsu được mọi người mến yêu. Có thể nói, đang khi cha bám sát từng câu Kinh Thánh thì lòng trào tuôn lênh láng, không thể kìm giữ, phải để cho vọt ra đôi phần. Nếu thơ là tâm hồn thì quả thật những dòng in nghiêng ấy chính là tâm hồn của nhà thơ.

Mỗi lần tĩnh tâm, nhất là nếu quý vị bước theo tiến trình linh thao I-nhã hoặc tĩnh luyện Cát Minh, hãy thử đọc Lời Chúa theo bản văn Sứ Điệp Tình Thương, quý vị sẽ thấy những lời thơ của Xuân Văn có sức gợi ý đến mức nào.

Thời giờ không cho phép tôi nói nhiều hơn. Xin được gói lại nơi một ghi nhân khác. Hai chữ Tình Thương trong tựa đề tác phẩm, đúng theo Kinh Thánh thì phải nói là Tình Yêu. Tiếc rằng tiểu thuyết và phim ảnh ngày nay đã giản lược và hạ thấp tình yêu, thành ra nghe nói đến tình yêu, dường như người ta chỉ nghĩ đến tình yêu nhục dục, lắm khi chỉ còn là quan hệ xác thịt. Do đó, để tránh ngộ nhận, dịch giả Kinh Thánh Nguyễn Thế Thuấn đã dùng hai chữ Lòng Mến, còn nhà thơ chúng ta ở đây lại dùng hai chữ Tình Thương. Thiết tưởng, cần lưu ý để tránh một ngộ nhận khác: Sứ Điệp của Đức Kitô, lệnh truyền của Đức Kitô không phải là thương mà là yêu. Ngài dạy: “Các con hãy yêu nhau như Ta đã yêu các con” – Yêu không phải chỉ là chạnh thương, mà là quan tâm và trìu mến với hết cả cõi lòng. Như Thiên Chúa, Đấng đã yêu con người với tất cả cõi lòng, như thể yêu đến si mê, cuồng dại.

Theo nghĩa ấy, không riêng nhà thơ linh mục Phanxicô Xavie Nguyễn Xuân Văn, mà mọi tác giả nghệ thuật ki-tô giáo đúng nghĩa, đều gởi đến cho nhân loại cùng một Sứ Điệp Tình Yêu, là lời tỏ tình của Thiên Chúa ngỏ với nhân loại, với mỗi một người chúng ta.

 

SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG : CON ĐƯỜNG TÔI HƯỚNG TỚI :

Nhà văn Nguyên Đạt (Giáo dân giáo xứ Tuy Hòa)

Kính thưa Quý Cha

Thưa Quý anh em đạo hữu

Thật là cảm động và hạnh phúc xiết bao khi mà một giáo dân bình thường như tôi lại được Cha Hạt trưởng và Ban Tổ chức ưu ái tạo điều kiện để có mặt nơi đây trong bầu không khí trang nghiêm nhưng cũng vô cùng ấm cúng để tưởng niệm, toạ đàm về cuộc đời và thi phẩm Sứ Điệp Tình Thương của người cha già đáng kính, đáng yêu đã từng chăn dắt chúng tôi qua bao chiều dài năm tháng.

Thưa quý vị,

Từ nãy đến giờ chúng ta đã được lắng nghe quí cha và các bậc thức giả phân tích những lời hay ý đẹp, những tư tưởng cao siêu, những giá trị đạo đức cũng như giá trị văn học nghệ thuật của thi phẩm một cách đầy đủ súc tích rồi, nên ở đây tôi xin phép chỉ nói lên sự cảm nhận, những tâm tư tình cảm, những chuyển biến về tâm linh cũng như cuộc sống Đạo-Đời có phần chủ quan của mình như một giáo dân, một đứa con từng được Người quan tâm nâng đỡ và cuối cùng là cảm nhận của một độc giả tâm thành, tâm đắc may mắn được có cơ hội tiếp xúc, tiếp cận với tác giả, tác phẩm Sứ Điệp Tình Thương...

Thưa quý vị, có một thời buổi hồng hoang nào đó trước đây tôi đã là một giáo dân giữ đạo theo lối hơi... tài tử với chứng bệnh miên trường không khắc phục được là thường xuyên bê trễ việc đọc kinh xem lễ ngày chủ nhật, có lẽ cái bệnh đó của tôi và một vài người khác phần nào cũng là nguyên nhân làm cho bài giảng của cha bị nhiều lần ngắt quãng, gấp khúc và đôi khi vô tình bị kéo dài như một tiền lệ đến nỗi có lần nọ khi tôi mới vừa bước chân vào nhà thờ chưa kịp ngồi thì một vị chức sắc như đang chờ sẵn, phom phom đi ngay tới chỗ tôi kéo theo nhiều ánh mắt tò mò theo dõi để chỉ nói môt câu: Cha sở đang giảng riêng cho chú mày nghe đó!!... Rồi cơn sốc đó cũng qua đi và có thể tôi vẫn cứ là một giáo dân tà tà giữ đạo theo lối tài tử như thế, như thế nếu như không có một ngày bất ngờ nghe được lời nhắn: Cha cần gặp mặt (?!). Chỉ vẻn vẹn bốn từ thế mà làm cho tôi xiết bao lo lắng, hồi hộp và suy nghĩ bởi cứ đinh ninh là sẽ bị quở trách, sẽ bị răn đe tới nơi tới chốn, nhưng hoá ra hôm sau lên gặp cha, Người chỉ cởi mở trò chuyện và hỏi han những chuyện chung chung về gia đình, về đời sống, sinh hoạt, làm ăn... vv... Còn “Vấn đề” kia thì tuyệt nhiên không hề nghe cha nhắc đến làm cho tôi tuy có thở phào nhẹ nhõm nhưng cũng có phần hụt hẫng băn khoăn (?!). Cuối buổi cha cầm ra một quyển sách dày cộm giản dị nói: Nghe con cũng là người yêu chuộng thơ văn. Vậy cha tặng con tập thơ này về đọc, thử coi có cảm nhận gì không?!. Thưa quí vị. - Con đường dẫn đưa tôi đến để được tiếp cận và tiếp xúc với tác giả, tác phẩm Sứ Điệp Tình Thương cũng từ bến nước như rứa như ri đó...

- “Linh mục làm thơ cũng không phải là hiếm nhưng thơ của cha xứ mình thì thế nào đây nhỉ?”.

Tôi mang ý nghĩ tò mò đó khi về nhà lần giở từng trang, từng trang rồi vô tình bị cuốn hút vào đó hồi nào không hay! Ôi! Đó quả là một câu chuyện cổ tích dài, sinh động và đầy hấp dẫn được dẫn dắt bằng những vần thơ lục bát mượt mà nhưng cũng rất đỗi giản dị, dễ hiểu và gần gũi thân thương như những lời ru từ ca dao mẹ làm cho tôi vừa thích thú vừa đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác:

Lời cao dẫn giải càng cao

Ý sâu nghĩa lý thêm vào càng sâu

Từng lời điểm ngọc tô châu

Mỗi câu mỗi thấm vào đầu người nghe...

Tôi có cảm giác như mình đã bắt gặp điều gì đó rất thân quen mà từ lâu đã bỏ quên trong trí nhớ. Rồi từ cảm thụ đi đến cảm nhận, từ cảm nhận đi tới cảm hứng, bỗng dưng tôi có ý nghĩ: Tại sao ta không biến những lời thơ giàu nhạc điệu này bằng cách phổ vào cho nó những âm thanh sống động nhỉ? Vậy là lập tức tôi đem cái ước muốn bức thiết đó đề xuất với cha, không ngờ Người đáp ứng một cách hồ hởi không kém.

... Trong quá trình thực hiện những cuốn băng thơ đó, khi càng được dịp thâm nhập sâu hơn vào thi phẩm Sứ Điệp Tình Thương, không ngờ những người bạn diễn của tôi như cô Ngọc Hà, Vân Phi đây vốn là người lương. Hoàng Hường thì ngày rằm, mồng một vẫn ăn chay niệm Phật, anh Huy Phong cũng là người ngoài đạo, thế mà đều có sự đồng cảm, đều thấy niềm hào hứng, đều muốn dốc tâm đem hết khả năng của mình thể hiện câu chuyện cổ đẹp như mơ này bằng lời ca tiếng nhạc cố làm sao đó để lột tả cho hết ý hết tình... Ngay như cha sở trước đó nghe nói sức khoẻ không được tốt, bệnh hoạn triền miên thế mà suốt hơn nửa tháng đó mặt mày tươi tỉnh cứ như chưa hề có bệnh, đôi khi ngài còn ngồi hàng giờ vừa lắng nghe vừa chữa lỗi câu tứ lỡ ngâm sai, đến như anh Đức phụ trách kỹ thuật (khô khan là thế. Xin lỗi!) Vậy mà bất đồ thi thoảng cũng cao hứng lên tiếng ngâm nga, nghe cũng rất hay và cũng rất... nhuyễn mới lạ chứ!. Thế mới biết thơ ca nó có mãnh lực như thế nào đối với con người... Chính cái đẹp của thơ ca làm cho con người gắn kết với nhau kinh qua những thiên kiến ngại ngần để cùng có chung với nhau một tiếng nói. Thi phẩm “Sứ Điệp Tình Thương” trong trường hợp này, rõ ràng là đã làm được cái công việc trọng đại đó..

Từ Sứ Điệp Tình Thương tôi đã hiểu ra và cảm nhận được nhiều điều:

- Trước kia tôi thường hay so đo và thắc mắc tự hỏi: Tại sao có người thì ngay từ đầu đã được Chúa ưu tiên cho bước đi trên con đường đầy hoa thơm cỏ lạ, cho họ luôn được tắm mình trong hương vị hạnh phúc trong khi người khác thì luôn phải đi trên con đường đầy chông gai lởm chởm, phải trần mình trong cái nắng nóng chói chang, phải bươn chải từng ngày mới có cái ăn, cái mặc? Nhưng khi đọc:

Phúc thay kẻ chuộng khó nghèo

Nước trời là giải thưởng treo cho mình

Phúc người khiêm nhượng hiền lành

Đất là cơ nghiệp Chúa dành vô biên

Thì tôi bắt đầu có cách nhìn, cách suy nghĩ tỉnh táo hơn: Ôi! Đúng là cái nghèo nó kéo theo cái khó cái khổ và đôi khi còn làm cho mình có những hành động sai trái, nhưng cũng có thể từ trong cái khó cái nghèo thực sự, con người ta mới có thể mở mắt, mở lòng để thông cảm, san sẻ và quảng đại với những người xung quanh hơn. Vậy là từ đó tôi cố ghìm lòng ích kỷ, không còn ấm ức, than thân trách phận nữa... Có một chuyển biến nhỏ: Trước kia tôi thường là người Đi sau về trước mỗi khi dự lễ nhà thờ thì bây giờ tôi đã trong một chừng mực nào đó cố gắng Đi trước về sau... vv...

- Thông thường khi chúng ta khi làm việc thiện hay cho ai thứ gì cũng muốn ghi dấu ấn của mình trên đó như để người khác nhớ ơn nhưng Sứ Điệp Tình Thương thì :

Khi con bố thí cho ai

Hãy làm kín đáo kẻo hoài công đi

Tay mặt con muốn làm chi

Đừng cho tay trái biết gì hay hơn

Đúng rồi! Nước từ dòng sông chảy vào biển cả tưởng chừng bị hoà tan và biến mất đi, nhưng không, nó sẽ bốc hơi thành mây, thành mưa trả lại cho ta những giọt tinh khiết ngọt lịm từ trời. Vậy là từ đây tôi nhận thêm được bài học khiêm cung, khoan hoà, khiêm ái, biết lấy niềm vui của người làm niềm vui, an ủi cho mình.

- Con người ta cũng còn có thói quen ưa đứng núi này trông núi nọ, khi đang ở nơi này thì cứ tưởng nơi kia là miền đất hứa nhưng khi đã ở nơi kia rồi mới vỡ lẽ: Chính cái nơi mình vừa từ bỏ mới là nơi chốn êm ả thanh bình, thế rồi sau khi gối mỏi chân chồn, một chiều kia đứa con hoang đàng dừng bước phiêu du, thờ thẫn đứng nhìn những chiếc lá vàng rụng rơi lả tả trong gió thu không, bỗng nhiên anh ta: Muốn về tìm lại giòng sông- Uống bầu sữa mẹ tắm lòng bao dung. Nhưng không dám vì e dè ngần ngại, nếu như anh ta biết người cha ở nhà vẫn mong ngóng trông chờ với tấm lòng khoan dung độ lượng thì chắc chắn anh ta sẽ mau chóng chạy về ngôi nhà chung, ngã vào vòng tay yêu dấu sớm hơn trong sự hồ hởi:

Mừng cho gương vỡ lại lành

Mừng cây úa lá xanh cành chứ con

Còn trời còn nước còn non

Còn người hối tội là còn niềm vui

Thế mới biết: Một hành động giản đơn của sự tử tế đôi khi có thể cảm hoá và làm thay đổi cả một đời người. Ôi! Cuộc đời sẽ tốt đẹp biết bao nếu như ta sống với nhau bằng một trái tim yêu thương và độ lượng! Chính bản trường ca Sứ Điệp Tình Thương luôn nhắc nhở cho tôi nhớ tới điều đó. Nếu có ai đó hỏi tôi: Thi phẩm Sứ Điệp Tình Thương hay nhất ở điểm nào? Tôi chỉ trả lời gói gọn: Sứ Điệp Tình Thương hay nhất ở chỗ “Nó” chính là Sứ điệp tình thương. Vâng. Theo tôi thì một ai đó sau khi đọc Sứ Điệp Tình Thương mà biết cách sống cho tốt hơn, mở lòng với tha nhân hơn, yêu sự công chính và luôn biết hướng về nguồn mạch sự sống đời đời thì phần nào Người cũng thoả nguyện vì đã không uổng phí tâm lực của mình cho bài ca giàu lòng nhân ái này !!.

Ai tha sẽ được thứ tha

Không tha ắt chẳng được cha khoan hồng

Kính thưa quý vị.

Hôm nay, những ngọn nến hồng của mùa Giáng sinh dường như vẫn còn cháy sáng trong trái tim mỗi người và hương xuân thì như đã thấp thoáng bên ngoài cửa sổ, trong bầu không khí linh thiêng rất đỗi đầm ấm này, xin cho tôi được phép Thắp Lên Một Nén Hương Lòng coi như đó là tâm tình tưởng nhớ của một đứa con hiếu thảo đối với người cha già thương quý mến yêu, của một giáo dân đối với người chăn dắt một đời lao tâm tận tuỵ, và cuối cùng là của một bạn đọc tâm thành hết lòng mến mộ tác giả, tác phẩm Sứ Điệp Tình Thương qua sự thể hiện của ngâm sĩ Vân Phi cùng với tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hoàng Hường phụ đệm:

Cho con gởi nén hương lòng

Về nơi an nghỉ Làng Sông xứ người

Giọt thương giọt nhớ đầy vơi

Giọt mừng giọt tủi biển khơi sóng ngầm...

THẮP LÊN MỘT NÉN HƯƠNG LÒNG

 

Trọng kính cố Lm. FX. Nguyễn Xuân Văn

Cho con gỏi nén hương lòng

Về nơi an nghỉ Làng Sông quê Ngươi

Giọt thương giọt nhớ đầy vơi

Giọt buồn giọt tuổi biển khơi sóng ngầm

Một đời thanh khiết toàn tâm

Đức Tin Đức Ai hiến dang Chúa Trời

Cưu mang bao kẻ lạc loài

Vô thân tứ cố không nơi nương nhờ

Khi con hư hốt bơ vơ

Cha là điểm tựa bến bờ cậy trông

Khi con sai trái ngã lòng

Cha đem con trở lại vòng thiện lương

Tin mừng Sứ Điẹp Tình Thương

Đưa con tìm đén thiên đường thủa nao

Lời cao dẫn giải càng cao

Ý sâu nghĩa lý thêm vào càng sâu

Từng lời điẻm ngọc tô châu

Mỗi câu mỗi thấm vào đầu người nghe (*)

Thế gian nơi chốn Đinh về

Xác thân cõi tạm muội mê vô thường

Lòng người như nước đại dương

Tình người như đoá quỳnh hương nở đầy

Lời thơ lành thánh còn đây

Mà Cha thì đã chân mây cuối trời !

Cầu mong ơn phước đời đời

Chúa thương mời gọi tới nơi mạch nguồn

Để cho Sứ Điệp Tình Thương

Ngân vang muôn thuở vấn vương muôn lòng (*)

(*) Trích Sứ Điệp Tình Thương


                                                  LINH MỤC FX NGUYỄN XUÂN VĂN,

CÔNG TRÌNH SƯ

Từ Linh Nguyễn Công Kinh

Người ta thường biết Linh mục phanxicô Xavie Nguyễn Xuân Văn là một mục tử có khả năng, tận tâm với chức vụ, có năng khiếu về xã giao, có tài tổ chức và điểu hành… nhưng ít ai biết tới Linh mục là một công trình sư và chính bản thân Linh mục cũng ít khi kể về khả năng này.

Vào những năm cuối thập niên 60, vì cuộc chiến, linh mục Nguyễn Xuân Văn và giáo dân Phú Hương phải tản cư để tránh bom rơi đạn lạc. Địa điểm tìm tới tị nạn là Hòa Khánh thuộc huyện Hòa Vang tỉnh Quảng Nam (Nay thuộc thành phố Đà Nẵng) Cách thành phố Đà Nẵng khoảng 5 cây số hướng về phía bắc. Tại Hòa Khánh, một giáo xứ mới được thành lập, đó là giáo xứ Phước Thành (thuộc giáo hạt Hòa khánh, giáo phận Đà Nẵng. Đây là một giáo xứ kiểu mẫu, với số giáo dân 2815 người, được tổ chức chu đáo bằng việc qui hoạch nhà ở, đường xá rộng rãi, ngăn nắp, khu nhà thờ, nhà xứ, trường học được dành ưu tiên trên một khoảng đất rộng sát với quốc lộ 1. Trong thời gian đó, giáo xứ Phước Thành xây dựng trường trung tiểu học, là trường học lớn nhất trong vùng.

Dù vậy, khả năng của Linh mục Nguyễn Xuân Văn vẫn còn tiềm ẩn. Trong khu vực tập trung 6 giáo xứ: Phước Tân, Phước Quang, Phước Xuân, Phước nghĩa, Phước Hà, Phước Thành. Giáo xứ Phước Thành chỉ vượt trội về địa thế, còn sinh hoạt thì cũng không hơn các giáo xứ bạn là bao. Mãi cho tới khi xây dựng đại chủng viện Hòa Bình.

Đúng vậy, từ khi có việc xây dựng đại chủng viện Hòa Bình, giáo xứ Phước Thành bắt đầu khởi sắc.

Khi hội đồng Giám mục Việt Nam lúc bấy giờ quyết định giao cho Đức Giám Mục giáo phận Đà Nẵng phụ trách việc xây dựng đại chủng viện dành cho các giáo phận bắc miền trung thì địa điểm đã được cân nhắc. Trước tiên định chọn địa điểm sau Tòa giám mục, nhưng thấy bất tiện về liên lạc. Linh mục Nguyễn Xuân Văn đã có sáng kiến đề nghị xây dựng đại chủng viện tại Hòa Khánh, vì tại địa phương còn rất nhiều đất trống dễ xin, lại nằm trên đường quốc lộ dễ giao thông liên lạc, hơn nữa, khí hậu lại mát mẻ vì gần vịnh Đà Nẵng. Đề nghị này đã được chấp thuận và việc xin phép được tiến hành ngay.

Khi nhận được giấy phép của Thủ tướng chính phủ thời đó và trả một đồng danh dự, Đức Giám mục giáo phận nghĩ ngay đến việc phải đề cử linh mục Nguyễn Xuân Văn trực tiếp quản lý và coi sóc vì khả năng và vì ở gần địa điểm. Thế là một nhiệm vụ mới bắt đầu.

Tuy cũng đã từng làm một vài công trình nhỏ, nhưng khi phải đảm nhận trách nhiệm một công trình quá lớn, linh mục đâm ra lo lắng. Dù vậy với khả năng thiên phú và với sự tận tâm, linh mục đã khéo tập hợp những chuyên viên có khả năng, và chịu khó học hỏi dần, từ khâu xây dựng cơ bản đến bê tông cốt thép và các khâu kỹ thuật khác, linh mục đã dần dần trở thành một công trình sư rất có bản lãnh. Qua mấy năm thực hiện công trình xây dựng đại chủng viện, linh mục đã có đủ khả năng để ứng dụng vào việc xây dựng nhà thờ cho giáo xứ của mình. Vào đầu thập niên 70, nhà thờ giáo xứ Phước Thành được kể là nhà thờ tân tiến nhất trong toàn giáo phận Đà Nẵng.

Điều mà các tín hữu mến phục là mặc dù rất bận rộn với công việc chung, linh mục không bao giờ xao lãng công việc mục vụ của giáo xứ, và điều mà tín hữu ghi nhớ là việc lưu tâm giúp đỡ giáo dân nghèo, lúc nào cũng cố tạo công ăn việc làm cho những anh chị em thất nghiệp trong xứ. Kỹ thuật và bác ái luôn đi kèm. Thật là dấu ấn khó quên.

Đà Nẵng 17-4-2992

Từ Linh Nguyễn Công Kinh

Ủy viên Hội Đồng Giáo Dân GP Đà Nẵng 

TÂM TÌNH NHẮN GỞI VỀ CHA

Hội Thân Hữu Qui Nhơn Hải Ngoại 

Vào những ngày này, cách đây một năm, từ nơi phương trời xa xăm, chúng tôi hay tin: Cha Nguyễn Xuân Văn lâm trọng bệnh. Một số anh em Cựu chủng sinh, một số giáo dân đã thông báo cho nhau biết tin buồn này. Rồi một hung tin khác được loan đi: Cha Nguyễn Xuân Văn đã mất! Thật là bùi ngùi và xúc động vì được biết cố Linh mục Phanxicô Xavie đã ra đi thật êm ái tại nhà, nơi ngài đã từng làm việc trong bao năm trời tại giáo xứ Tuy Hoà.

Mới đây, người người Công giáo gốc Qui nhơn nhận được tin: Linh mục Trương Đình Hiền, đương kim Giáo hạt trưởng Phú Yên, kim cha sở nhà thờ Tuy Hoà thông báo về việc tổ chức ngày Lễ giỗ cho Cha Nguyễn Xuân Văn trong hai ngày 9 và 10 tháng 01 tới đây.

Thấm thoát mà đã một năm, kể từ ngày Lm. Nguyễn Xuân Văn tạm biệt cõi dương để đi về nhà Cha. Nhắc đến Cha, chúng con thấy như Cha vẫn còn sống và vẫn còn làm việc đâu đây. Cha đã ra đi quá đột ngột, khiến chúng con cảm thấy bàng hoàng trước sự mất mát to lớn, không những riêng cho Giáo hạt Phú Yên mà còn cho Giáo phận nhà nữa. Tiện dịp này, chúng con xin ghi vội mấy dòng chia sẻ, mong kịp gởi về để cùng quý Đức Cha, các cha trong Giáo phận và nhiều tín hữu tập trung về Giáo xứ Tuy Hoà nhân kỷ niệm một năm Cha Nguyễn Xuân Văn ra đi.

Nói đến cố Linh mục Nguyễn Xuân Văn, với sự hiểu biết ít ỏi của chúng con về ngài, e sẽ không tránh được những thiếu sót và vụng về khi viết lên những dòng này. Vì thế chúng con xin được cố gắng viết lên đây thật giới hạn mà thôi, qua công trình to lớn mà Cha đã để lại đó là tập thơ “SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG”.

Riêng con, con nhớ rất rõ, trước đây khoảng trên ba năm, Cha đã tìm cách liên lạc với anh em Cựu chủng sinh hải ngoại để giúp Cha in và phát hành tập thơ “Sứ Điệp Tình Thương” mà chính Cha đã viết trong suốt thời gian ít là 10 năm, nhất là trong tháng ngày gần cuối đời, mà vì tình trạng sức khoẻ, cộng với tuổi đời, đã không cho phép Cha sinh hoạt và viết lách bình thường được nữa.

Tại hải ngoại, ngay sau nhận được bản thảo của Cha, một số anh em Cựu chủng sinh chúng con ngồi lại bàn chuyện cho in và xuất bản.

Một vài anh em đã tình nguyện ứng trước một số tiền để in tập thơ này. Sau khi in xong, chúng con đã cho phân phối đến những nơi có đông anh em cựu chủng sinh cư ngụ, nhất là tại Hoa kỳ và Úc châu. Tập thơ “ Sứ Điệp Tình Thương” đã được trao đến tận tay cho nhiều người. Có người đã hâm mộ đọc cách say sưa từ đầu đến cuối. Có người đã lấy tập thờ này làm sách gối đầu giường. Phải, tập thơ này thật là tuyệt vời và có thể nói được rằng, đây là một tuyệt tác có một không hai trong kho tàng Văn chương Công Giáo Việt Nam, bởi vì nội dung của tập thơ đã hàm chứa biết bao Lời Chúa được trích từ Thánh Kinh. Trong thư gởi cho anh em Cựu chủng sinh Làng Sông – Qui Nhơn ở hải ngoại, Linh mục tác giả đã khiêm nhường viết:

“Tôi không có cao vọng lôi cuốn mọi người Việt Nam đọc và nhận thấy cuộc đời tuyệt vời cao cả của Chúa Cứu Thế để rồi đặt vấn đề cho đời mình. Tôi chỉ thiết tha ước ao cho các em bé Việt Nam ở hải ngoại có dịp học hỏi Lời Chúa bằng thứ tiếng mẹ đẻ êm dịu, ngọt nào, dễ nhớ, để khỏi quên cội nguồn, quên quê hương yêu dấu của chúng ta.

Đạt được chút hy vọng nhỏ bé đó, tôi cũng lấy làm thoả mãn khi gắng công cho ra đời “ Đứa con tinh thần” trong tuổi già bệnh hoạn…”

(Thư gởi đề ngày 14/09/1999)

Cố linh mục Phanxicô Xavie đã ra đi. Thân xác ngài tuy đã khuất bóng nơi cõi dương, nhưng chúng con tin rằng linh hồn ngài đã được Cha trên trời dọn sẵn cho ngài một chỗ ở, hầu ban thưởng công lao của ngài trong suốt 79 năm tận hiến và phục vụ cho Thiên Chúa và Giáo Hội của Ngài. Là một nhân sinh, dĩ nhiên không tránh khỏi những lầm lỗi và thiếu sót, nhưng lòng nhân từ của Chúa thật vô biên, chắc Ngài không chấp nhặt những lỗi lầm của Cha khi còn sống.

Nhân ngày giỗ đầu tiên của ngài, từ nơi tha hương biền biệt, chúng con, những môn sinh ngày trước ở Chủng viện, cũng như những giáo dân đã một thời sinh sống tại giáo phận nhà quý yêu, dù lúc trước có quen biết cha hay không, cũng xin cũng gởi về Cha nén hương lòng cảm mến vì những việc cha đã làm đối với giáo phận, đối với đàn chiên đó đây mà Cha đã một thời chăm sóc và cùng chung sống.

Đứng giữa cảnh trời băng bạc, tiết trời lạnh giá của những người giáo dân đang sống xa quê hương, lòng ngậm ngùi trong nỗi nhớ thương vì kẻ ở người đi, âm dương xa cách muôn trùng, chúng con xin hiệp một lòng, một ý cùng với vị chủ chăn của giáo phận là Đức Cha Phêrô, với các Linh mục và đàn chiên trong giáo phận, kính dâng lên Cha lời nguyện cầu tha thiết, để van xin lòng từ ái Chúa sơm đưa linh hồn Cha Phanxicô Xavie được mau chóng về hưởng phúc trên chốn vĩnh hằng.

Là những người con Chúa và là những con chiên của giáo phận, nhưng vì hoàn cảnh phải sống tha phương, chúng con không được diễm phúc vui sống trong lòng giáo phận mẹ nữa, nhưng cõi lòng chúng con lúc nào cũng luôn hướng về giáo phận mẹ với vị chủ chăn, với các linh mục và dân thánh Chúa cùng với tinh tình yêu thương và hiệp nhất.

Sau cùng, chúng con xin mượn mấy vần thơ sau đây của cố linh mục Phanxicô Xavie, viết theo đoạn Tin Mừng của thánh Matthêu: 5,13-16, để nói về vai trò và trách nhiệm của những người con Chúa và cùng để thay lời tạm biệt cho tâm tình của chúng con:

“Các con là muối ướp đời

Đừng cho muối lạt bị người vất đi.

Các con là một thành trì

Thành xây trên núi giấu chi được người.

Các con là ánh mặt trời

Là đèn tỏ ngọn cho đời soi chung.

 

Đèn ai đem giấu trong thùng

Chẳng treo cho sáng trên khung cửa nhà.

Việc lành phải được chiếu ra

Cho đời ca tụng danh Cha trên trời.

 

Ban Chấp Hành

Hội Thân Hữu Giáo Phận Qui Nhơn Hải Ngọai

                                                   NGƯỜI BẠN TÂM GIAO

Linh mục Phaolô Trương Đắc Cần

Bài giảng lễ giỗ một năm tại nhà thờ Tuy Hòa 10-1-2003

 Trọng kính Đức Cha

Kính hai Cha Hạt trưởng Phú Yên và Đà Nẵng

Thưa quí Cha, quí Tu sĩ nam nữ, anh chị em thân mến

Lần trước trong dịp lễ giỗ Đức Cha Già tôi được yêu cầu nói ít lời, lần nầy lễ giỗ cha cố Hạt trưởng tôi cũng được yêu cầu nói ít lời. Lý do ? Các đấng bề trên nói rằng thì là hai ngài là bạn cùng lớp với tôi, sống vui sống buồn có nhau trong suốt thời gian dài từ nhỏ cho đến già. Không ai biết nhau bằng bạn với bạn nên muốn nói ít điều về bạn không ai bằng bạn, tôi bị bắt cóc phải nói ít lời về bạn là như vậy đó. Hôm nay hai bạn già của tôi đã ra đi, trơ trọi còn lại một mình, tôi phải sống những ngày quạnh hiu buồn tẻ không bạn không bè để chờ ngày giũ áo bụi đời ra đi như hai ông bạn già đã ra đi. Ôi cảnh biệt ly sao mà buồn vậy.

Tôi cũng xin thanh minh thanh nga: đáng lẽ bài nầy tôi được mời nói chuyện trong đêm tọa đàm vừa qua nhưng vì trục trặc kỹ thuật tôi không đi dự được đành phải xin phép nói chuyện bây giờ trong Thánh lễ, có lẽ theo phụng vụ thì hơi sai một chút nhưng có Đức Giám Mục ở đây ngài cho phép thì mọi sự đều thông suốt.

Về ông bạn già Phanxicô tôi có rất nhiều điều có thể nói nhưng tôi không dám ba hoa con chích chòe, tôi chỉ xin nói ít điều có liên quan đến tài năng và đạo đức của ngài. Xin bà con cũng đừng nghĩ tôi nói dông nói dài, trong Thánh lể không nói Lời Chúa mà đem nói những chuyện vu vơ trên trời dưới đất. Thưa không, khi nói về tình bạn tôi nói Lời Chúa đấy. Chúa nói : Con người ở một mình không tốt, Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó (St.ch.2 câu 18). Trợ tá của các đấng linh mục là ai, là những bạn tâm đầu ý họp có cùng một chí hướng, cùng một lý tưởng, cùng một sứ mệnh để cùng nhau tay trong tay khuyến khích nhau, nâng đỡ nhau không phải để dọc ngang ngang dọc trên đời có ai nhưng là để một cây làm chẳng nên non ba cây dụm lại nên hòn núi cao.

Hai chúng tôi thân nhau vì là bạn đồng lớp, chúng tôi còn thân nhau vì là bà con, ngài là anh tôi là em. Nhưng trong lớp thì ngược lại tôi là anh ngài là em vì trong lớp chữ C lớn hơn chữ V nên C đứng trên làm anh và biết bao nhiêu lần cái quyền làm anh trong lớp bắt buộc người anh bà con phải nghe theo, thói quen chủng viện là như vậy đó. Lớp chúng tôi hồi vô chủng viện đếm được 33 mạng, khi ra làm linh mục chỉ còn có 4 mạng, về mặt kinh tế đầu vô nhiều hơn đầu ra thì Giáo hội bị lỗ to. Nhưng không, đầu ra tuy ít nhưng Giáo hôi không lỗ, lớp tôi còn lại bốn người nhưng làm Giám mục được môt nửa, đầu ra tuy ít nhưng Giáo hội được bù lại bằng hai Giám mục ! Lợi to !

Ông bạn Văn của tôi hồi ở chủng viện có cái biệt tài về hội họa và làm thơ. Mỗi lần phải chúc mừng các đấng bề trên trong những dịp lễ lớn, ông bạn tôi có phận sự phải vẽ hoa vẽ hòe trên trang giấy chúc mừng, cái loại hoa mà ông thích vẽ nhất là hoa hồng, chúng tôi hỏi, sao cậu thích vẽ hoa hồng dữ vậy, ông trả lời hoa hồng đẹp nhưng cây có nhiều gai, tôi nhắc các cậu đừng mó vào đó gai nó đâm có mà chết. Ai muốn hiểu sao thì hiểu.

Khi chịu chức linh mục rồi, Chúa sắp đặt cho hai chúng tôi luôn luôn ở gần nhau. Tôi ở chủng viện ngài cũng ở chủng viện. Tôi ra làm cha sở Lệ Sơn ngài cũng đi làm cha sở Phú Hương cả hai địa sở thuộc giáo phận Đà Nẵng. Sau năm 64 chúng tôi lại di tản về Hòa Khánh. Ngài làm cha sở Phước Thành, tôi làm cha sở Phước Nghĩa hai địa sở ở sát bên nhau. Nếu kể về công trình ngài đã thực hiện tại Hòa Khánh phải nói thật là vĩ đại. Hồi đó rất lộn xộn, ta và địch đang đánh nhau loạn xà ngầu, nói ta với địch là nói hồi đó chứ bây giờ thì ta với địch đã thành bạn thân rồi. Với tính gan dạ sẵn có, ngài cho xây một rạp hát, đêm đêm bán vé lấy tiền để xây nào nhà thờ, nào trường học, nào viện mồ côi...Nhưng công trình to nhất, vĩ đại nhất, đáng nói nhất là ngài đã đứng ra xây dựng Đại chủng viện Hòa Bình, một liên chủng viện của 6 Giáo phận thuộc giáo tỉnh Miền Trung lúc bấy giờ. Thời thế đổi thay bây giờ Đại chủng viện đã trở thành trường đại học bách khoa của thành phố Đà Nẵng.

Năm 74 tôi vể Qui Nhơn, năm 75 ngài cũng về Qui Nhơn. Bốn anh em chúng tôi sum họp lại trong cùng một Giáo phận, vui ôi là vui. Ban đầu tôi và ngài ở chung tại Mằng Lăng, sau đó tôi đi làm cha sở Sông Cầu ngài ở lại làm cha sở Mằng Lăng rồi làm cha sở Tuy Hòa kiêm Hạt trưởng Phú Yên. Tôi xin kể lại một giai thoại khi ngài còn làm cha sở Mằng Lăng để nói lên tình bạn của ngài nồng nàn, bao dung và cao thượng như thế nào. Năm đó tôi được 60 tuổi, một lần vào chơi tôi thấy ngài có một con chó mập ú tét, bốn vó của nó bắp thịt tròn vo. Tôi bèn nảy ra ý định chọc quê ngài chơi. Tôi nói với ngài tôi không có con chó nào hết, con chó của anh đẹp quá cho tôi đem về nuôi giữ nhà. Tuy rằng tiếc nhưng vì tình bạn ngài vui vẻ cho tôi dắt vể. Thế là tôi có thịt để ăn mừng lục tuần. Tôi sai mần thịt con chó, tôi mời ngài ra và nhiều bạn khác nói là để ăn mừng lục tuần của tôi. Trong bữa ăn, tôi hỏi ngài : đố anh Văn biết thịt gì đây không. Ngài nói thịt cầy chứ thịt gì. Đúng, nhưng thịt cầy mua ở đâu chứ ? Có trời mới biết. Tôi nói mua ở Mằng Lăng đấy. Ngài chợt nghĩ ra, nhìn chung quanh chẳng thấy con chó nào hết, ngài biết tôi đã mần thịt con chó của ngài. Ngài trừng tôi một cái rồi cũng phải cười xòa chịu thua. Sau đó ngài làm một bài thơ thất tự bát cú nói là để mừng tôi lục tuần trong đó ngài đề cập tới con chó của ngài, bài thơ liên hoàn 16 câu nhưng tôi còn nhớ chỉ có mỗi một câu. “Nuôi chó giữ nhà bắt cho thui”, ngài bắt tôi họa lại nhưng vần “ui” khó quá, khó như loại : mèo đuôi cụt nằm mút đuôi kèo, với lại tôi đâu phải nhà văn, tôi chịu thua. Tôi có đem cho một vị khoa bảng hồi trước họa giùm, nhưng ông cũng chịu thua luôn. Văn tài của ngài thật là số dách do vậy mới có những câu thơ láy kiều trong cuốn Sứ điệp tình thương của ngài đọc lên nghe thấm thía cả ruột gan.

Thơ Kiều:

Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

 

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu.

Thơ của ngài :

Lời sao nặng cả ngàn cân

Nghe êm như suối hồng ân chảy về

Lời sao thấm thiết tình quê

Nghe rưng nước mắt nghe mê mẫn người.

Hoặc :

Con ơi Con ngủ cho ngon

Để rồi thức tỉnh nước non mai ngày

Con ơi Con ngủ cho say

Đời con trăm đắng ngàn cay đợi chờ.

Hoặc :

Ru Con khắc khoải canh trường

Gió mưa thổn thức tuyết sương ngậm ngùi

Ru Con Con ngủ cho bùi

Một mai đem lại niềm vui cho đời…

Kính thưa Đức Cha, thưa anh chị em, khi nói tới người bạn thiết cốt của tôi, nước mắt tôi muốn rưng rưng, lòng tôi dạt dào tình cảm, nhưng có lẽ tôi đã nói quá nhiều rồi chăng. Để kết thúc tôi xin một lời cuối cùng: Hôm nay chúng ta tụ về đây cử hành lễ giỗ đầu của cha Phanxicô Xavie. Nước đã sa hoa đã rụng không biết nước đẩy hoa trôi về đâu, chúng ta hãy cầu nguyện, cầu nguyện thật nhiều cho linh hồn Phanxicô Xavie được mau lên chốn nghỉ ngơi hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen

Sông Cầu ngày 09/01/2003

 

ĐỂ LOAN TRUYỀN SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG 

Maria Têrêxa Phạm Thị Thái Quí (19/4/2002)

Lễ giỗ 100 ngày cha Nguyễn Xuân Văn – “Thi bá Lời Chúa với 9764 vần thơ óng chuốt dài gấp ba Truyện Kiều của Nguyễn Du” (Phạm Đình Khiêm) – đã được tổ chức trang nghiêm mà cảm động, ngày 19/04/2002.

Cầm tác phẩm “Sứ Điệp Tình Thương” ở trên tay, chẳng biết vì sao tôi cứ thấy mình có lỗi. Có lỗi với Chúa và có lỗi với Cha. Có lẽ tôi phải trích dẫn ở đây lời thánh Phaolô viết trong thơ gửi tín hữu Philipphê chương 2, câu 13-16a : “Vì chính Thiên Chúa tác động đến ý chí cũng như hành động của anh em do lòng yêu thương của Người. Anh em hãy làm mọi việc mà đừng kêu ca hay phản kháng. Như thế, anh sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì, và sẽ trở nên những con người vẹn toàn của Thiên Chúa, giữa một thế hệ gian tà, sa đọa. Giữa thế hệ đó, anh em sẽ phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời, là làm sáng tỏ Lời Ban Sự Sống”.

Như vậy, giữa chúng ta đã có một vì sao làm sáng tỏ Lời ban sự sống. Phải biết bao nhiêu ngày đêm miệt mài trăn trở, biết bao mồ hôi nước mắt nhỏ ròng mới nên được gần một vạn câu thơ như thế? Tiếng rằng viết từ 1977 đến 1981 thì hoàn tất (5 năm) nhưng đứa con tinh thần phải thai nghén bao lâu, mới bắt đầu được hình thành trên giấy, từ từ từng nét một? Tác phẩm của cha, tôi chỉ có trên tay khi mà ngài không còn nữa. Đứa con tinh thần ngài trối lại cho chúng ta, đã được đón nhận thế nào?

Tôi đã từng làm quen với những vần thơ của Hàn Mặc Tử, trước khi tôi “làm quen” với Chúa. Đặc biệt, tôi rất chú ý đến bài AVE MARIA do lời giới thiệu của Hoài Thanh – Hoài Chân: “Huống chi Hàn Mặc Tử ra đời, điều ấy chứng tỏ rằng đạo Thiên Chúa ở xứ này đã tạo ra một cái không khí có thể kết tinh lại thành thơ. Tôi tin rằng chỉ những tình cảm có thể diễn là thơ mới thiệt là những tình cảm đã thấm tận đáy hồn toàn thể”.

Quả vậy, những câu thơ như:

“Maria linh hồn tôi ớn lạnh

Run như run thần tử thấy long nhan

Run như run hơi thở chạm tơ vàng

Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn triều mến”.

Bỗng dưng mới xem qua đã thuộc! Và những ngôn từ rất lạ: “câu dường hạ ngớp châu sa”, “trí miêu duệ của muôn vì rất thánh”, “Thánh thể kết tinh”, “Trượng phu lời”, và “quân tử ý” v..v.. bỗng dưng mà đẹp một vẻ đẹp thần thoại hoang đường. Tôi những tưởng chỉ người nào quằn quại khổ đau bên bờ sống – chết mới có thể cảm nghiệm và viết nên những lời thơ như “chuỗi ngọc vàng kinh” mà “khối băng tâm” có thể làm “vỡ lở cả muôn ngàn tinh đẩu”. Từ đó đạo Thiên Chúa dưới mắt tôi quả là đạo của khổ đau! Niềm hạnh phúc choáng ngợp hồn thơ Hàn Mặc Tử thì tôi muốn no nê hưởng thụ; nhưng cái rễ đắng của bệnh tật khôn lường và đọa đày trần thế, thì tôi muốn bứt ra. Vâng, tôi muốn Phục Sinh mà không trải qua con đường Thương Khó! Bởi vì tôi chỉ thấy cái đích đến mà chưa bao giờ đi thử ở trên đường!

Về phần tôi, rửa tội năm 1969, con đường Chúa dẫn tôi đi rất là kỳ lạ, tôi chỉ có thể mượn hình ảnh này để diễn tả: Sau biết bao dò dẫm kiếm tìm một Đất Hứa xa xôi, hỏi đường rồi lạc đường, khi đến nơi, tôi mới nhận được tấm bản đồ chỉ vẽ đường đi rất dễ dàng và sáng sủa… khi ấy cảm giác của tôi hẳn cũng giống như bây giờ, khi cầm tập thơ “Sứ Điệp Tình Thương” ở trên tay.

Bằng lời chỉ dẫn đơn sơ, sáng sủa, ngọt ngào, tác giả ân cần nắm tay chúng ta dẫn đi trên con đường mà Chúa Giêsu – Đấng Cứu Thế đã đi. Cứ đi sẽ đến, Cứ tìm sẽ gặp, Cứ gõ sẽ mở ra cho. Vấn đề chỉ là “Hãy đến mà xem”!

Chính vấn đề nằm ở đây. Chính mặc cảm “có lỗi” của tôi cũng xuất phát từ đây. Điều này chẳng có gì mới lạ vì anh Lê Đình Bảng cũng đã đề cập đến: “cảm giác sợ những pho sách dày cộm là một điều có thật. Đặc biệt đối với sách thuộc loại kinh truyện, triết lý, thần học cao siêu. Chúng vừa to khổ, nặng xác, lại vừa mỏi mắt, mệt tay”. (Sứ Điệp Tình Thương trang 398).

Nếu anh Lê Đình Bảng còn phải cần “có ơn bền đỗ và thực sự bị cuốn hút lắm mới có thể đọc liền hơi, liền mạch gần một vạn câu thơ (…) lục bát” (Sdd, t. 399) thì nói gì đến chúng ta, vốn không phải là nhà thơ? Và nói gì đến công chúng ở “giữa thời buổi đang dăng mắc, tốc độ của Internet và CD Rom này, dường như người ta chỉ ưa nghe – nhìn hơn là chăm chú đọc và nghiền ngẫm (…) Cho nên, sự xuất hiện một tập thơ dày cộm như “Sứ Điệp Tình Thương” của Xuân Văn ở giữa thời điểm này đúng là một hiện tượng, một sự nghịch thường” (Sđd, tr. 397).

Vì vậy mà, cũng anh Bảng viết: “Tôi biết họ đã nhẫn nại và lặng lẽ để bơi ngược dòng, miễn sao hạt giống kia xanh tốt hơn cỏ lùng, lau dại, ra trái, đâm bông giữa đời thường”. (Sđd, tr 399)

Chính đó là điều mà chúng ta – tất cả những người đã đón nhận di chúc thiêng liêng của cha Xuân Văn phải thực hiện cho kỳ được. Làm sao cho tác phẩm “Sứ Điệp Tình Thương” được ra trái, đâm bông giữa đời thường, theo đúng như ước nguyện của ngài:

Tôi muốn đem Lời Chúa

Lời Thơ Tình Thương

Ghép thành vần

Đặt lên miệng các bà mẹ

Để từ đó

Chảy vào tai các em bé

Đang nằm trong nôi

Hay trên cánh tay dịu hiền của các bà

Như dòng sữa ngọt

Chứa đầy chất dinh dưỡng siêu phàm

Để nuôi các em lớn lên

Trong tình thương của Chúa.

Lời sao huyền diệu làm sao

Như thâu tim óc, như vào thịt xương

 

Tôi ước ao Lời Chúa

Đến với các bạn

Với những kẻ khó nhọc và gánh nặng

Những người mất niềm tin

Mất hy vọng trên cõi đời.

Mời các bạn! Hãy lắng tai nghe

“Đây là Sứ Điệp Tình Thương

Ngân vang muôn thuở, vấn vương muôn lòng”

(Sứ điệp Tình Thương)

Để “Sứ Điệp Tình Thương” có thể được “ngân vang muôn thuở, vấn vương muôn lòng” thì không gì bằng ta hãy đặt nó vào tận tay các bà mẹ để bà có thể ru các em bé trong nôi; ta hãy đặt nó vào tận tay những kẻ khó nhọc và gánh nặng, những kẻ mất niềm tin, mất hy vọng… như lòng tác giả hằng ao ước. Ta hãy hình thành cho được lớp độc giả – công chúng bằng cách biến “Sứ Điệp Tình Thương” thành những quyển sách nhỏ xinh, vừa với sức đọc, sức cầm và sức chi trả của bất cứ một người dân lao động bình thường nào. Quyển Kinh Thánh Tân Ước dày cộm không mấy gia đình Công giáo có được, nhưng quyển Kinh Thánh Tân Ước khổ nhỏ hầu như gia đình nào cũng có, hoặc có thể có. Tại sao ta không tách “Sứ Điệp Tình Thương” ra thành bộ sách thơ có nhiều tập, như dạng sách của nhà xuất bản Trẻ: “Những tấm lòng cao cả” hoặc “Cửa sổ tâm hồn” …

Thật ra, điều này hoàn toàn có thể làm được và làm tốt là đàng khác! Xem mục lục, ta sẽ thấy nhiều câu chuyện có thể gộp lại thành tập nhỏ khoảng trên dưới 150 trang, in ra từng kỳ. Thậm chí có truyện rất hay như: “Chúa Giêsu giáng sinh”, “Đứa con hoang đàng”, “Đức Mẹ dưới chân Thánh Giá”, “Đức Mẹ khóc con”…… Nếu có thêm hình ảnh minh họa thì càng hay.

Bộ sách có thể được giới thiệu bằng nhiều cách, được sử dụng ở nhiều nơi, bởi nhiều người… làm sao “Sứ Điệp Tình Thương” có thể đến với từng lớp giáo lý, từng hội đoàn, từng dòng tu, từng giáo xứ và gõ cửa từng gia đình Việt Nam lương giáo ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể nói được rằng đã tiếp nhận đứa con tinh thần của cha Xuân Văn một cách xứng đáng; vì hẳn nhiên ngài không muốn quyển sách của mình chỉ nằm yên trên kệ, trong tủ hoặc trên bàn của một số nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu mà thôi.

Buổi gặp gỡ hôm nay nhân lễ giỗ 100 ngày của linh mục, tác giả Nguyễn Xuân Văn đã thể hiện nỗ lực của lớp hậu sinh chúng ta muốn hoàn thành tâm nguyện của ngài. Dù sao mới chỉ là bước khởi đầu, còn cả con đường dài trước mắt. Nguyện xin Thiên Chúa sáng soi và cha Xuân Văn cầu bầu trợ giúp cho chúng ta định hướng đúng đắn và bền bỉ dõi theo con đường mà “Sứ Điệp Tình Thương” sẽ dẫn dắt chúng ta đi.

Xin cảm tạ quý cha, xin cảm tạ gia đình bà Anna Nguyễn Thị Thơ và cộng đoàn đã cho chúng tôi được góp những lời chân thành, thay mặt cho hằng hà sa số những độc giả bình thường hiện có, và độc giả tiềm năng sẽ có, của Sứ Điệp Tình Thương hằng muôn thuở ngân vang

Maria Têrêxa Phạm Thị Thái Quý, Ngày 19/4/2002

(còn nữa...)