Mục Đồng trên nội cỏ Qui Nhơn-Phỏng vấn BBT Tập san Mục Đồng

VTCG

Mục Đồng trên nội cỏ Qui Nhơn

Nguyễn Văn Học
Tập san Mục Đồng

Việc tạo dựng ý tưởng, xây dựng, xuất bản và phát hành một tạp chí, ấn phẩm, tập san ở thời buổi các phương tiện nghe nhìn nở rộ như nấm sau mưa là không hề đơn giản. Hiện tại, văn hóa đọc đang lao dốc. Giới trẻ thời 4.0 có nhiều cách thức giải trí và mối quan tâm khác nhau. Hiện nay báo chí trong nước đang khốn đốn vì phát hành nên thu hút quảng cáo để tồn tại. Nhiều tờ báo, tạp chí phải dừng hoạt động, để lại trong lòng độc giả sự nuối tiếc. Các sạp bán báo lớn, nhỏ ở các đô thị lớn vốn đã tồn tại nhiều năm, nay đã biến mất do ế ẩm. Trong bối cảnh đó, quý cha, quý cộng tác viên, những người quý trọng văn học nói chung, văn học Công giáo nói riêng đã xây dựng và hội tụ nhiều tác giả, góp mặt để phát triển Tập san Mục Đồng. Tập san Mục Đồng ra đời, như là “tiếng nói của Giáo phận Qui Nhơn”, nơi có một địa danh đã đi vào lịch sử văn học - Nước Mặn một trong những cái nôi làm nên chữ Quốc ngữ. Đồng thời, đây là diễn đàn để người yêu văn học nói chung và người yêu văn học trong cộng đồng người Công giáo nói riêng cất tiếng nói. Đó là tiếng nói về tình yêu Chúa, yêu cuộc sống, yêu con người, phát triển ngôn ngữ, tình yêu văn chương và khả năng hội nhập. Xin trân trọng kính mời quý độc giả lắng nghe cha Gioachim Nguyễn Đức Quang và anh Tađêô Nguyễn Thanh Xuân nói về chuyện bếp núc khi trực tiếp thực hiện Tập san Mục Đồng.

NVH: Xin chào cha Gioachim Nguyễn Đức Quang và anh Tađêô Nguyễn Thanh Xuân. Thế là Mục Đồng đã bước sang năm thứ sáu, chúng tôi muốn giới thiệu với độc giả trang Văn Thơ Công giáo đôi nét về tuyển tập này. Xin cha với tư cách chủ biên và anh Nguyễn Thanh Xuân với vai trò Trưởng ban biên soạn, vui lòng chia sẻ với quý độc giả. Trước hết, thưa cha Nguyễn Đức Quang, từ đâu mà Ban Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn đã có ý tưởng thực hiện tuyển tập định kỳ này?

NĐQ: Giải Viết Văn Đường Trường (2012-2018) được tổ chức nhằm dọn mừng năm thánh kỷ niệm 400 năm loan báo Tin Mừng trên quê hương Giáo phận. Giải thưởng khá hào hứng, cho nên hai năm trước khi kết thúc giải, Ban Văn hóa Giáo phận đã nghĩ cần có một khung sinh hoạt để nối dài thành quả của giải, cụ thể là tạo nên một khu vườn gieo mầm văn thơ Công giáo; tạo điều kiện thuận lợi cho các cây bút trẻ có nơi giao lưu học hỏi, phát triển tài năng văn thơ của mình; cũng là nơi giao lưu gặp gỡ giữa những cây bút “cây đa cây đề” với những “cây bút mới vào nghề”; góp phần vào công cuộc rao giảng Tin mừng cho giới tri thức qua con đường văn thơ. Từ đó Ban văn hóa Giáo phận chúng tôi đã quyết định một ấn phẩm định kỳ về văn thơ Công giáo với tên gọi Tập san Mục Đồng.

Qua hơn 5 năm đều đặn phát hành, vừa làm vừa rút kinh nghiệm vừa lắng nghe ý kiến đóng góp, Mục Đồng đã dần dần ổn định và đã phần nào đạt được những mục tiêu ban đầu của mình. Qua nhiều lần cải tiến về hình thức lẫn nội dung: Từ in trắng đen giấy hẩm và dày trên 100 trang để cố gom được nhiều bài, đã chuyển sang in màu giấy láng và cố định 96 trang để chọn lọc bài chất lượng hơn. Lúc đầu, chỉ chú trọng thơ văn, sau ít lâu mở thêm nhiều chuyên mục mới thích hợp hơn với nhiều đối tượng độc giả, tạo sự đa dạng cho nội dung Tập san…

Ngoài các tác giả từ giải Viết Văn Đường Trường, số các cây bút từ các Dòng tu nam nữ và Chủng viện ngày càng thêm đông… Đến nay đã có cả những cây bút là linh mục, tu sĩ nam nữ, và nhiều anh chị em trong và ngoài Công giáo tham gia.

NVH: Thưa anh Nguyễn Thanh Xuân, hơn 5 năm qua, Mục Đồng đã diễn tiến như thế nào, gặp những khó khăn nào và khắc phục của Mục Đồng như thế nào? Chủ trương ban đầu của nhóm khởi xướng ra sao? Kết quả thế nào? Hẳn là đã phát hiện và quy tụ tác giả trẻ Công giáo, chủng sinh, tu sĩ và cả một số cây bút nghiên cứu cao niên...

NTX: Về thời điểm ra đời và mục đích xuất bản tờ Mục Đồng, cha Quang đã có nói qua. Ban đầu cũng vấp phải nhiều khó khăn vì nhóm thực hiện không phải là một tòa soạn làm việc tập trung. Các chị Văn phòng nhận bài, gửi đến các vị đọc chọn bài, trưởng ban biên soạn phối trí bài, văn phòng và kỹ thuật viên dàn trang trình bày, thiết kế bìa, mỗi người một nơi, làm việc trên máy vi tính, rồi chuyển tới nhà in… Bộ phận quảng bá và phát hành cũng do cha chủ biên và Ban biên soạn đảm nhiệm luôn! Tuy nhiên về mặt thu thập bài vở thì khá thuận lợi từ “nền tảng” là các tác giả Viết Văn Đường Trường và các em trưởng thành từ “Giải văn thơ Đặng Đức Tuấn”… rồi dần lan rộng đến các cây bút trẻ khác ở khắp các Giáo phận trong toàn quốc.

Dần dần còn nhắm đến một hướng đi truyền giáo qua sáng tác văn học, bằng cách sẵn sàng đón nhận sáng tác của các cây bút ngoài Công giáo, để họ có cơ hội xem qua một tuyển tập văn thơ Công giáo, và rồi giúp lan truyền nếp sống tốt đẹp của người Công giáo đến lương dân, tạo những tình cảm yêu mến ban đầu với đạo Chúa. Việc mời gọi các cây bút ngoài Công giáo cộng tác cũng không dễ, vì họ quan niệm một Tập san Công giáo chắc chỉ nói chuyện đạo giáo chẳng liên quan gì đến họ. Tuy nhiên nhờ sẵn có ảnh hưởng và mối thân tình trong hoạt động văn nghệ, anh em chúng tôi đã giới thiệu tuyển tập cho nhiều người, và dần đã có nhiều cây bút ngoài đạo (có cả những cây bút đã thành danh) cộng tác với Mục Đồng.

Về chủ trương chú trọng đến các cây bút trẻ trong các dòng tu thì như cha Quang đã nói, đến nay đã có nhiều cây bút tu sĩ thường xuyên gửi bài và chất lượng tác phẩm ngày càng nâng cao.

NVH: Thưa cha Quang, trong lúc báo chí trong nước đang khốn đốn vì phát hành và thu hút quảng cáo, thì việc phát hành Mục Đồng gặp khó khăn ra sao, có được Giáo hội nâng đỡ, cộng đồng dân Chúa ủng hộ? Việc khắc phục những khó khăn đó ra sao ạ?

NĐQ: Nếu báo chí trong nước đang khốn đốn vì phát hành thì Mục Đồng cũng không ngoại lệ.

Trong quá khứ và hiện tại, Mục Đồng luôn được Đức cha Mathêô Nguyễn Văn Khôi động viên nâng đỡ nên vững bước tiến về phía trước trong niềm tin yêu vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Chúng tôi mong trong số các chủ chăn các nơi khác, những vị quan tâm tới sự thăng tiến giới trẻ Công giáo cũng ưu ái giới thiệu Mục Đồng như một người bạn đồng hành tốt cho mỗi bạn trẻ. Cũng mong rằng các vị phụ trách đào tạo của các chủng viện và dòng tu giới thiệu Mục Đồng đến các thuộc cấp của mình, coi đó như một công cụ giúp nâng cao khả năng đọc và viết tiếng Việt của họ.

Để khắc phục khó khăn trong việc phát hành, còn cần đến sự chung tay của nhiều người để xây dựng một hệ thống phát hành có tổ chức – tông đồ sách báo, được sự ủng hộ và động viên của các vị Chủ Chăn. Điều này không chỉ giúp Mục Đồng mà tất cả sách Công giáo được đến tay độc giả trong và ngoài Công giáo.

NVH: Thưa anh Xuân, văn thơ Công giáo đương đại vẫn còn chưa thật sự phát triển và chưa hội nhập được với văn thơ ngoài xã hội. Theo anh, Mục Đồng có thể kỳ vọng là nhịp cầu kết nối, giúp cho văn thơ Công giáo, đặc biệt là các tác giả trẻ hội nhập?

NTX: Vấn đề này cũng đang là mối ưu tư của Ban biên soạn Mục Đồng. Có vẻ như các cây bút Công giáo, nếu không tham gia những hoạt động văn nghệ ngoài đời, thường vẫn trung thành theo một lối viết xưa cũ, nặng tính “giáo huấn” hoặc chỉ là những tâm tình, những suy nghĩ “sáo mòn” theo những gì mình đã học được ở nhà thờ… Bởi thế mà “chất lượng nghệ thuật” của tác phẩm không cao, thậm chí là không thể sử dụng. Ban biên soạn chúng tôi đang cố gắng để mỗi số có thể giới thiệu một vài tác phẩm có phong cách viết hiện đại. Hy vọng với sự “tiếp xúc” thường xuyên này, các cây bút Công giáo sẽ dần tiếp cận được những “khuynh hướng mới” trong sáng tác văn học ngoài xã hội. Thực tế thì có một số cây bút đã mạnh dạn tham gia những cuộc thi văn học ngoài đời và đã đạt giải. Hướng đi của Mục Đồng chắc chắn sẽ là “cầu nối” để đưa các cây bút trẻ Công giáo hòa nhập vào dòng chảy văn học chung của xã hội, thậm chí còn “nổi trội”, được nhiều người biết tới. Như vậy “giá trị nghệ thuật” của Mục Đồng sẽ ngày một nâng cao hơn, được giới văn học nghệ thuật thừa nhận.

NVH: Thưa cha Nguyễn Đức Quang, theo cha, thời gian tới, cần tạo hướng đi ra sao để Mục Đồng phát triển hơn nữa?

NĐQ: Hướng đi hay còn gọi là mục đích thì không thay đổi, chỉ thay đổi phương cách, hình thức và cập nhật để Mục Đồng luôn mới đáp ứng mong đợi của quý độc giả bao nhiêu có thể. “Nhân vô thập toàn” Mục Đồng dù cố gắng đến đâu cũng không trách khỏi những thiếu sót, mong quý độc giả thông cảm và góp ý xây dựng để Mục Đồng mỗi ngày mỗi trưởng thành, đẹp về hình thức cả nội dung.

Việc Mục Đồng cần làm:

- Giữ gìn và tôn tạo thương hiệu riêng của Mục Đồng.

- Lập thư viện bài vừa phong phú, vừa chất lượng.

- Xây dượng mạng lưới liên kết các tác giả và họa sĩ.

- Xây dựng tình thân và hiệp nhất giữa các cộng tác viên.

- Tìm hiểu thị hiếu của độc giả.

- Tạo sự tương tác giữa Mục Đồng và độc giả.

- Trong giới hạn của mình, Mục Đồng cố gắng phát triển hệ thống phát hành tông đồ giáo dân và các nhà sách.

- Vận động thành lập tủ sách tại các Giáo xứ, Giáo họ biệt lập

NVH: Xin cảm ơn cha Quang và anh Xuân!

Như cha Quang và anh Xuân đã chia sẻ, tập san Mục Đồng là ngôi vườn đã và đang gieo mầm và khơi lại tình yêu văn chương; văn học Công giáo nơi người trẻ. Qua tham dự giải Viết văn đường trường, qua cộng tác viết bài cho Mục Đồng, tôi hiểu hơn về những giá trị mà tập san mang lại, càng thấy công sức của những người trực tiếp làm nên Mục Đồng. Bởi việc sinh ra một tập san đã khó, việc nuôi dưỡng và làm cho tập san sống được càng khó hơn. Với tình yêu Chúa, yêu văn chương, lòng nhiệt thành góp phần gìn giữ và tôn tạo văn học Công giáo của những người thực hiện, đã và vẫn đang tích cực làm công tác kết nối, phát hành, làm lan tỏa giá trị của một tập san Công giáo trong thời buổi khó khăn là điều đáng quý. Tôi cũng nhận thấy sự vui mừng của nhiều tác giả. Bởi, nhiều người viết văn Công giáo, ngoài tham gia một số cuộc thi thì trước khi có Tập san Mục Đồng, họ không biết gửi bài đi đâu để đăng. Có hay chăng chỉ là đăng ở trang facebook cá nhân. Khi Mục Đồng xuất hiện, họ có sân chơi, có “đất diễn” chính thống, được cơ quan nhà nước cấp phép, được biên tập bởi những người tâm huyết. Hẳn, cũng như tôi, họ vui mừng khôn xiết.

Và từ đây, trong tôi nảy chồi một niềm biết ơn những người thực hiện, những người đang đi gieo mầm, gìn giữ và tôn tạo văn chương Công giáo; chăm chút cho rất nhiều cây bút chập chững, khẳng định và làm đầy thêm giá trị của các cây bút đã có tên tuổi. Sự khao khát về một diễn đàn văn chương đã thành hiện thực được hơn 5 năm. Tuy có tuổi đời còn trẻ, nhưng giá trị của Mục Đồng, trong lúc này là vô cùng lớn lao. Tôi cũng tin, với sự dẫn dắt và nhiệt huyết của quý cha, quý cộng tác viên đã và đang thực hiện, góp phần làm lớn mạnh ngôi vườn văn chương Công giáo, tập san Mục Đồng sẽ còn phát triển hơn nữa, thật sự là ngôi vườn hội tụ những gương mặt đã thành danh và đầy triển vọng, trên mọi miền đất nước.