Cuộc chiến trong đời tu- Tác giả: M.Hạnh Tử

Lan Mary

 

CUỘC CHIẾN TRONG ĐỜI TU

Nói đến chiến đấu, người ta thường nghĩ ngay đến chiến tranh với những chiến trường ác liệt với những đoàn quân đông đảo, với vũ khí, với bom đạn và sự chết chóc. Chiến đấu gắn liền với chiến tranh, với cảnh hoang tàn và sự chia ly. Những năm gần đây, chiến tranh xảy ra liên miên ở các nước Phi Châu và Vùng Vịnh. Vì thế, chiến tranh trở thành đề tài quen thuộc và nóng bỏng. Bài viết này cũng muốn nói về chiến đấu nhưng không phải là chiến đấu của người lính ngoài chiến trường, mà là cuộc chiến của các tu sĩ trong đời tu, nghĩa là cuộc chiến thiêng liêng để vươn lên trong đường nhân đức.

Nhiều tín hữu thường nghĩ rằng, đời tu là thiên đàng, các tu sĩ là những người hạnh phúc và thánh thiện, không phải lo lắng về bất cứ chuyện gì, không phải bon chen với đời, các tu sĩ không phạm tội và chết sẽ lên thiên đàng “thẳng cẳng”. Tuy nhiên, kinh nghiệm của „người trong cuộc“ cho tôi thấy không phải như thế. Trái lại, với tôi, đời tu là một cuộc chiến không ngừng nghỉ.

Trong đời sống tu trì, chiến đấu là một định nghĩa quen thuộc khi nói về những thử thách thiêng liêng, những cám dỗ mà người tu sĩ phải lướt thắng để có thể bền đỗ trong ơn gọi đã chọn. Chiến đấu của họ không dùng vũ khí như súng ống gươm đao, mà là những phương thế thiêng liêng và đức tin. Động từ “chiến đấu” còn gần gũi với đời đan tu hơn nữa vì ngay trong lời mở của Tu luật, thánh Biển Đức đã gọi các đan sĩ là những người lính trong đoàn quân của Đức Kitô. Kế đó, cha Henri Denis, Đấng sáng lập Dòng Xitô Phước Sơn, cũng gọi đan sĩ những lính canh buổi hừng đông. Lính thì phải chiến đấu, đó là điều tất nhiên. Chiến trường của người tu sĩ chính là tu viện họ đang sống. Đời tu không phải là một đời sống bình yên nhưng là một môi trường có những đòi hỏi gắt gao. Sống là phải chọn lựa, phải chiến đấu. Hơn nữa, khi muốn dấn thân theo Đức Kitô cách triệt để, người tu sĩ càng phải chiến đấu quyết liệt hơn để kéo mình ra khỏi những đam mê, những vướng bận, để đưa mình đến với anh em, để phục vụ, để sống hết mình cho Thiên Chúa. Đối thủ của người đan sĩ không phải là những kẻ thù bằng xương bằng thịt để họ có thể nhìn thấy nhưng là những kẻ thù vô hình. Hai đối thủ mạnh nhất của người tu sĩ là ma quỉ và ý riêng.

1.Các kẻ thù của tu sĩ

a. Ma quỷ

Có nhiều người nghĩ rằng, tu viện là nơi vắng bóng ma quỉ vì là nơi thánh. Điều này đúng không? Trong cuốn sách “Người Galilê vĩnh cửu”, Đức giám mục Fulton Jame Sheen nói điều ngược lại: “Cửa đan viện, dòng tu, là nơi tập trung nhiều ma quỉ nhất. Vì thế gian không chống lại nó nên đã thuộc về nó, còn trong đan viện, dòng tu, còn có những người đang chống lại nó nên nó phải đến cám dỗ”.

Ma quỉ không cám dỗ kẻ tội lỗi nhưng là cám dỗ những ai đang muốn từ bỏ tội lỗi, tu sĩ chính là những người như thế và do đó, họ trở thành kẻ thù của ma quỉ. Chính Chúa Giêsu, khi bắt đầu đời sống công khai, cũng phải chiến đấu với ma quỉ và những cám dỗ của nó. Chúng ta đừng tưởng rằng nơi có Thiên Chúa thì không có ma quỉ. Ta có thể đọc câu chuyện trong hạnh tích cha thánh Biển Đức; một đan sĩ đang cầu nguyện trong nhà thờ bị quỉ đến dụ dỗ để đi ra ngoài. Trong sách Giop còn cho hay, ngay bên toà Chúa mà ma quỉ còn dám đứng gần thì thiết tưởng không có nơi linh thiêng nào vắng bóng nó. Thánh Phêrô, trong thư của ngài, cũng cảnh báo cho chúng ta rằng: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỉ, thù địch của anh em, như sử tử gào thét rảo quanh tìm mối cắn xé” (1Pr 5,8).

Ma quỉ ngày nay hình như không còn cám dỗ những chuyện bình thường như miếng ăn hay của cải…mà nó lại dùng chiến thuật khác là gieo vào lòng người tu sĩ những cảm giác hoang mang bất an. Nhiều khi mới phạm một lỗi nhẹ nhưng lại trở nên bối rối, xấu hổ với Chúa, chán nản với ơn gọi. Có khi nó dùng cha mẹ già ở quê làm mồi nhử thôi thúc nỗi nhớ nhung, lo lắng, muốn về phụng dưỡng. Cũng có khi nó thì thầm rằng, sống trong tu viện là ích kỷ. Ở ngoài người ta xây dựng quê hương, hoạt động cho giáo xứ, còn ở đây cứ ru rú một mình chẳng được tích sự gì cả, đã vậy còn phải sống ở đây cho đến chết không có mấy khi được về thăm lại gia đình. Để xua đi những cám dỗ bi quan như thế, ta hãy nghe lời thánh công đồng Vaticano II khẳng định trong hiến chế về Giáo Hội số 46: “ Đừng tưởng rằng vì hiến thân cho Chúa mà tu sĩ trở thành xa lạ với người đời và vô ích cho xã hội. Mặc dù nhiều khi không trực tiếp góp mặt với người đời nhưng tu sĩ lại hiện diện cách sâu xa hơn trong lòng Chúa Kitô và cộng tác cách thiêng liêng cho họ, giúp cho công việc xây dựng xã hội trần gian đặt nền móng trên Chúa và dựa vào Người”.

Ma quỉ là kẻ thù nguy hiểm nhưng nó sẽ không bao giờ thắng được ta nếu ý muốn của ta không hợp tác với nó. Do đó, ý riêng là kẻ thù nguy hiểm thứ hai.

b. Ý riêng

Đức Phật rất có lý khi nói “kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”. Chính ý riêng, cái tôi làm cho ta thích sống theo sở thích, thích nhìn các sự kiện theo cái nhìn cá nhân và không quảng đại trong đời sống chung. Thánh Phaolo cũng có kinh nghiệm như thế khi nói: “Điều tôi muốn tôi lại không làm, còn điều tôi không muốn thì tôi lại làm”. Ý riêng là kẻ thù lớn nhất của tu sĩ trong con đường hoàn thiện. Cũng vì ý riêng mà ngày nay người ta tranh đấu đòi có tự do tuyệt đối trong mọi lĩnh vực. Họ nói rằng, phải từ bỏ lề luật tôn giáo để sống tự do. Thế nhưng, như lời linh mục Nguyễn Tầm Thường, trong cuốn sách “Nước mắt và hạnh phúc”: “Con người được dựng nên không tuyệt đối nên sẽ chẳng bao giờ có tự do tuyệt đối”. Vì ảo tưởng tự do ấy mà con người sống theo ý riêng và ích kỷ. Con người sống theo ý riêng luôn qui hướng về mình mọi sự. Ý riêng không thể là bạn đồng hành dù nó là một phần của con người chúng ta, phải xem nó như kẻ thù, là vật cản trên đường nên thánh. Chúa Giêsu, khi mang thân phận con người, cũng có những yếu đuối như chúng ta. Chắc chắn rằng, ý riêng cũng vẽ lên trong tâm trí Ngài những mơ ước, những hình ảnh huy hoàng. Trước cái chết, nó cũng làm cho Chúa Giêsu chao đảo tại vườn Giesimani nhưng Ngài đã vượt thắng nó bằng cách vâng phục Chúa Cha.

Như đã nói ở trên, ma quỉ cám dỗ ta nhưng sẽ không thắng nổi nếu ý riêng không hợp tác. Ma quỉ chỉ thúc đẩy còn ý riêng mới là kẻ thực hành. Khi muốn lướt thắng ý riêng là lúc ta phải chiến đấu, phải bỏ đi một chút đam mê, một chút sĩ diện… Các tu sĩ phải phải chiến đấu suốt đời để bỏ ý riêng từng chút trong từng phút mới hi vọng hoàn thiện hơn. Ý riêng là một phần của bản tính con người nên ta không thể loại trừ nó hoàn toàn được nhưng có thể chế ngự nó bằng cách sống ngược lại những gì nó đòi hỏi. Ý riêng bảo ta sống phóng túng, ta lại giữ luật kỹ hơn, ý riêng bảo ta sông ích kỷ, ta lại sống quảng đại. Bởi vì, không phải Chúa gọi tu sĩ vào tu viện để khỏi phải chiến đấu nhưng trái lại khi bước vào tu viện là tu sĩ bước vào cuộc chiến thiêng liêng quyết liệt hơn.

Nhưng chiến đấu đòi hỏi phải có vũ khí, vì không ai có thể ra trận mà đi tay không được. Trong cuộc chiến thiêng liêng của người tu sĩ, vũ khí mà họ cần không phải là súng ống gươm đao, nhưng là ba phương thế: cầu nguyện, lắng nghe và yêu thương.

2. Cầu nguyện

Chúa Giêsu dạy: “Các con hãy cầu nguyện luôn kẻo sa chước cám dỗ, vì tinh thần thì hăng hái nhưng thân xác thì yếu đuối” (Mt 26,41). Lời Ngài như khẳng định rằng, cầu nguyện chính là vũ khí mạnh mẽ để chống lại ma quỉ và ý riêng. Chính Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta về việc này khi đứng trước cám dỗ rút lui khỏi khổ hình thập giá. Chúa đã cầu nguyện liên lỉ với Chúa Cha, nhờ đó Ngài đã có can đảm vượt qua đau khổ và đã thốt lên: “Lạy Cha! Con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhận lời con” (Ga 11,41).

Kinh nghiệm của các thánh và của mọi người đạo đức cho thấy, chính cầu nguyện là vũ khí oai hùng nhất để lướt thắng cám dỗ. Cầu nguyện tạo cho ta một sức mạnh nội tâm lạ lùng mà chiều khi chính chúng ta, sau những lần chiến thắng, cũng không hiểu tại sao mình làm được như vậy. Khi cầu nguyện mà ta biết lắng nghe hướng dẫn của lương tâm chạy ra khỏi cám dỗ chính là ta đã nghe được tiếng Chúa dù trong khoảnh khắc ngắn ngủi. Cầu nguyện liên lỉ giúp tâm trí ta luôn hướng về Chúa để có thể bước qua những cản trở và khó khăn để đi thẳng tới Chúa. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II cũng nhắn nhủ rằng: “Nếu các con thực sự muốn theo Chúa Kitô, nếu các con muốn tình yêu nơi các con lơn lên và bền vững, các con phải trung thành cầu nguyện”. Cầu nguyện thực sự là sự sống của cuộc đời chúng ta và chúng ta được tạo dựng để cầu nguyện như cá được dựng nên để bơi lội. Đó là lời của một đan sỹ dòng Biển Đức trong cuốn sách “Đêm và Ngày”. Không cầu nguyện, ta trở nên điếc với tiếng gọi của tình yêu, trở nên người đi trong bóng tối mà không biết mình đi đâu. Cầu nguyện là thắp lên ánh sáng của Chúa để xua đi bóng tối và dẫn ta vào con đường sự sống của Chúa.

Trong cầu nguyện chúng ta sẽ lắng nghe tiếng Chúa, vì đó là mục đích của ta khi tìm lời chỉ dẫn. Thánh Biển Đức cũng mời gọi: “sau khi thỉnh vấn xong, chúng ta hãy thinh lặng nghe chúa trả lời và tỏ bày cho ta con đường dẫn tới sự sống”. Như thế, điều kiện thứ hai để có thể nhận ra đối thủ và chiến đấu chính là lắng nghe tiếng Chúa.

3. Lắng nghe

Cũng trong Lời mở của Tu luật, thánh Biển Đức mời gọi các đan sỹ: “Con ơi lắng nghe lời thầy dạy, ghé tai lòng con mà thuận tình đón nhận lời khuyên nhủ bảo ban”. Thánh Biển Đức muốn ta biết đón nhận thánh ý Chúa, vì bổn phận thiết yếu của chúng ta là tìm nghe tiếng Chúa. Theo cha Sighad Kleiner: “chúng ta phải nghe tiếng Chúa, vì chúng ta không có gì chắc chắn về mình. Tâm trí chúng ta được dựng nên để khám phá và sáng tạo nhưng có cần tiếng nói của Chúa để không lạc lối”. Lắng nghe tiếng Chúa không đơn giản, vì một điều dễ thấy là ta thường thích nghe những gì vừa ý, hợp với sở thích và lòng kiêu hãnh riêng. Đó là nghe bằng đôi tai thể lý, còn khi nghe bằng đôi tai lòng là khi có đời sống nội tâm dồi dào, ta đặt mình trước mặt Chúa và hành động theo chỉ dẫn của Ngài. Nếu ta chỉ nghe theo cảm quan riêng, bao nhiêu cuộc đối thoại chỉ còn là độc thoại vì ta chỉ thích khai triển ý riêng chứ không cho Chúa lên tiếng. Vậy đâu là điều kiện để nghe tiếng Chúa?

Điều kiện tiên quyết là chúng ta phải có sự tĩnh lặng nội tâm và dùng các phương thế thiêng liêng để tìm ý chúa như suy niệm Lời Chúa, đọc sách thiêng liêng. Đọc sách thiêng liêng không phải chỉ để lấy kiến thức, mà còn phải đọc với tinh thần siêu nhiên, với ước muốn để Chúa đến gần. Công đồng Vatican II khẳng định: “Lời Chúa là chính Chúa”. Như thế, khi tiếp xúc với Lời Chúa là ta đang đối diện với Chúa. Khi nắm được ý nghĩa và bài học mà Lời Chúa nhắn nhủ đó là ta đã lắng nghe được tiếng Chúa rồi đó. Phải có lắng nghe, chúng ta mơi lớn lên được cả về mặt tri thức và siêu nhiên. Lắng nghe cha mẹ, thầy cô, ta sẽ trưởng thành hơn, vững chãi hơn trong cuộc sống. Cũng vậy, lắng nghe tiếng Chúa làm cho đời sống nội tâm của ta thêm phong phú, đức tin của ta thêm vững chắc như người xây nhà trên nền đá.

Như một hệ quả tất yếu, cầu nguyện và lắng nghe thúc đẩy ta đến với anh em qua tình yêu phục vụ và chia sẻ. Để có thể quên đi những đam mê, để có thể vượt qua những cám dỗ, chúng ta được mời gọi đến với tha nhân bằng tình yêu. Yêu thương chính là lời chỉ dẫn của Thiên Chúa dành cho ta khi ta cầu xin ngài trợ giúp.

4. Yêu thương

Yêu thương là điều răn mới của Thiên Chúa và là kiện toàn của lề luật cũ. Thế nhưng, chỉ vì giới răn mà ta yêu thương thì đó chưa phải là tình yêu thật. Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa, thánh Gioan đã khẳng định như vậy, bản tính con người là yêu thương, do đó, yêu thương trở thành điều tự nhiên phải có nơi con người. Quả đúng như lời cha Sigha Kleiner đã nói: “Con người là thần thiêng vì con người chỉ có một đời để cho nhau yêu thương”. Trong đời sống cộng đoàn của tu sĩ, yêu thương trở thành một đòi hỏi thiết thực hơn, bởi chưng, bác ái huynh đệ là yếu tố duy trì đời sống cộng đoàn. Bên cạnh chúng ta có thật nhiều anh em với thật nhiều sự khác biệt. Không có tình yêu, chúng ta không thể chịu đựng suốt đời những kẻ ta không ưa thích được. Cũng theo cha Sigha Kleiner: “Nếu bác ái không vượt qua ranh giới cá nhân thì chỉ là bác ái trá hình. Do đó, phải vượt qua con người riêng tư của ta và dấn thân hẳn vào đời tu với những đòi hỏi của nó…vượt qua hay từ bỏ những gì, với thời gian, đã chia lìa chúng ta, đã thúc đẩy chúng ta sống riêng tư. Chúng ta được mời gọi hiến thân trong thầm lặng như mắt xích trong sợi xích dài của đời sống cộng đoàn. Chỉ có tình yêu mới biết cho mỗi điều cần thiết của chúng ta vào đúng chỗ của nó, chỉ có tình yêu mới có đủ khả năng chỉ cho ta mức độ cần thiết phải có đối với nhu cầu thân xác mà không làm hại linh hồn…”

Đòi hỏi đầu tiên trong đời sống chung là tha thứ. Theo linh mục Đỗ Xuân Quế trong sách “Sống đời thánh hiến”: “muốn là người đạo đức thật thì cần phải biết tha thứ. Vì tha thứ là một hình thức của bác ái, mà có bác ái mới là đạo đức thật”. Trong đời sống tập thể, xích mích và hiểu lầm là không tránh khỏi, điều quan trọng là thái độ của ta sau những va chạm ấy. Chúa Giêsu đòi hỏi ta phải tha thứ không chỉ bảy lần mà là bảy mươi lần bảy. Tha thứ không phải là điều dễ nhưng lại là một điều kiện cần, vì tha thứ là môi tường cho tình yêu lớn lên như lời linh mục Nguyễn Tầm Thường nhận định. Muốn tha thứ, ta bị đòi buộc phải có một lòng khiêm tốn và một sự cầu nguyện liên lỉ. Không cầu nguyện, ta thật khó mà tha thứ, vì lúc ấy, ta thật khó để lắng nghe Chúa mà chỉ muốn phản ứng theo lẽ tự nhiên.

Đòi hỏi thứ hai là thái độ lắng nghe, vì lắng nghe gắn liền với yêu thương. Chỉ khi nào yêu thương thực sự, ta mới có khả năng lắng nghe và đón nhận ý kiến của anh em về mình. Sách châm ngôn dạy rằng: “Kẻ chưa nghe đã vội cãi sẽ chịu tiếng nhục nhã ngu si”. Con người thật kì lạ, tiếng khen thì nghe hoài không chán, dù là tiếng khen nịnh họt. Còn lời góp ý, dù đúng, cũng không muốn nghe. Chính vì thế mà sách Châm Ngôn nhắn nhủ: “Hãy lắng nghe lời khuyên, đón nhận lời nghiêm huấn để sau này bạn được nên khôn”. Quả vậy, ai không biết nghe anh em thì càng không biết nghe Thiên Chúa. Muốn lắng nghe ta phải có lòng khiêm tốn và nhẫn nhục. Lắng nghe là một hành động của yêu thương, vì lắng nghe thể hiện một thái độ tôn trọng đối với anh em. Mà khi tôn trọng anh em chính là lúc ta hôn lên vết thương của anh em (Sighad Kleiner).

Sống chiến đấu không chỉ là ơn gọi riêng cho đời tu, nhưng trong cuộc sống này, việc chiến đấu trở nên rõ nét hơn với ước muốn canh tân đời sống mỗi ngày và hướng về đỉnh trọn lành trong Đức Kitô. Con người vốn yếu đuối mỏng dòn, nhưng trong cuộc chiến thiêng liêng, chúng ta có Đức Giêsu vừa là tướng chỉ huy lại vừa là khiên che thuẫn đỡ. Do đó, các tu sĩ cần ý thức và nỗ lực từng giây phút về cuộc chiến thiêng liêng của đời dâng hiến, hầu có thể hi vọng đạt tới đức ái trọn hảo.

M. Hạnh Tử