Lịch sử và ý nghĩa của nghi thức che phủ Thánh giá và tượng ảnh thánh trong Tuần Thánh- Tác giả: M.Hạnh Tử

Lan Mary

 

LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA CỦA NGHI THỨC CHE PHỦ THÁNH GIÁ VÀ TƯỢNG ẢNH THÁNH TRONG TUẦN THÁNH


1. Lịch sử

Nghi thức này có lịch sử lâu đời, văn bản ghi nhận có niên đại từ thế kỷ 11 nhưng còn mang tính đơn lẻ tùy địa phương. Công Đồng Trento (1547-1563) ấn định thành luật phụng vụ bắt buộc, được ghi trong sách lễ 1570. Sau CĐ Vatican II, nghi thức này không còn là qui định bắt buộc, nhưng hướng dẫn trong sách lễ 1969 vẫn khuyến khích duy trì và cử hành nghi thức này.

2. Ý nghĩa

Ý nghĩa của nghi thức che phủ Thánh Giá và tượng ảnh thánh từ CN V (Lễ Lá), còn được gọi là Chúa Nhật Thương Khó, không được văn bản chính thức nào của Giáo Hội trình bày cụ thể. Do đó, có một số cách chú giải như sau.

Một bài chú giải của giám mục Wilhelm Durandus GM GP Mende (đông nam nước Pháp) từ thế kỷ 13 giải thích rằng, việc che phủ Thánh Giá mang ý nghĩa che giấu thần tính của Chúa Kitô. Tin mừng Gioan từ chương 11 kể lại rằng, sau khi bị dân Do Thái đòi ném đá trong đền thờ, thì Đức Giêsu đã ẩn đi và từ đó Ngài không hoạt động công khai nữa, cho tới khi tiến vào thành Giêrusalem để chịu thương khó. Nghi thức che phủ Thánh Giá trước lễ Phục Sinh cũng mang ý nghĩa ấy và kết thúc với việc gỡ khăn che phủ Thánh Giá và lễ vọng phục sinh, để loan báo sự phục sinh vinh hiển của Chúa Giêsu Kitô.

Cách lý giải thứ hai thì cho rằng, từ thời trung cổ, Thánh Giá đã trở thành biểu tượng của chiến thắng chứ không còn là biểu tượng của đau khổ nữa. Do đó, người ta thường làm Thánh Giá bằng vàng, hoặc trang trí một cách lộng lẫy, mô tả Chúa Kitô như vị vua phục sinh chiến thắng, và Thánh Giá như là vương trượng. Bên cạnh đó, bàn thờ và các tượng ảnh thánh cũng được trang trí lộng lẫy nổi bật. Do đó, vào Tuần Thánh, người ta sẽ che phủ Thánh Giá và tượng ảnh thánh để che phủ sự lộng lẫy, cũng như giảm sự chia trí của tín hữu, hầu mọi người tập trung vào bàn thờ, nơi cử hành mầu nhiệm hy tế Thập Giá của Chúa Kitô.

Cách lý giải thứ ba thì cho rằng, nghi thức này gắn liền với thực hành sám hối thời xa xưa. Khi ấy, các tội nhân sẽ không được vào trong nhà thờ cử hành phụng vụ với cộng đoàn, mà phải ở ngoài, và họ không thể nhìn thấy cung thánh, Thánh Giá và bàn thờ. Hình phạt ấy là một hình thức sám hối. Và để diễn tả sự đồng cảm với các tín hữu ấy, cả cộng đoàn cũng sẽ thực hành "giữ chay giác quan" nghĩa là che phủ Thánh Giá và mọi tượng ảnh, để suy niệm về nỗi đau khổ của Chúa Kitô và chờ đợi lễ Phục Sinh.

Sau cùng, việc che phủ Thánh Giá và tượng ảnh cũng là một cách nhắc nhớ rằng ta đang sống trong một giai đoạn đặc biệt. Khi chúng ta bước vào nhà thờ và nhìn thấy mọi thứ đều được che phủ, ngay lập tức chúng ta biết rằng có một cái gì đó khác đi. Các tấm khăn che giúp chúng ta để ý hơn tới những lời được đọc, được xướng lên trong các thánh lễ. Khi chúng ta lắng nghe Bài Thương Khó, các giác quan của chúng ta hướng mở, đón nhận trọn vẹn từng câu từ thật xúc động được ghi lại trong Tin Mừng, và lúc ấy chúng ta thực sự được dự phần vào khung cảnh ấy. Giáo hội thực hành che phủ tranh thánh tượng thờ, là nhằm giúp nuôi dưỡng, kích thích một sự háo hức mong chờ đại lễ Phục Sinh.

M. Hạnh Tử (dịch)